Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
28b Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. 29 Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. 30 Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. 31 Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. 32 Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt ; nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. 33 Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. 34 Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. 35 Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” 36 Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Các môn đệ giữ kín chuyện này, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
Biến đổi cuộc sống (06.08.2019 – Lễ Kính Chúa Hiển Dung)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại sự việc xảy ra trên đỉnh núi Taborê, Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ thân tín nhất của Ngài là Phêrô, Giacôbê và Gioan cảm nghiệm được một phần nào niềm vui sướng và hoan lạc của Nước Chúa Hằng Sống. Trong lúc cảm thấy ngất ngây tột đỉnh, Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu rằng: Lạy Thầy, ở lại trên núi luôn được không? Nếu được, con sẽ dựng ngay ba lều: một cho Thầy, một cho Môisen và một cho Êlia.
*
Con xin Chúa, thật lòng con xin Chúa
“Biến đổi” con khỏi “hoen úa phai tàn”
Hưởng ơn Chúa lòng đầy tràn ân phúc
Phấn khởi mừng rộn rã hát khúc hoan ca
*
Bao năm lạc bước, lạc đường
Chúa thương con lắm lại thường ban ơn
Cho con thoát khỏi nguy cơn
Dựng xây cuộc sống đẹp hơn xưa nhiều
Mừng Kính Lễ Chúa Hiển Dung, chúng ta cùng nhau suy niệm và sống ý nghĩa của sự cần thiết “Hiển dung” và “biến đổi” cuộc sống hàng ngày của chúng ta nơi dương thế. Mong cho mỗi người chúng ta luôn biết cố gắng thanh luyện và biến đổi đời sống của chúng ta nên tốt đẹp và hoàn hảo hơn trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, để rồi biết trút bỏ mọi vướng mắc vô ích, không cần thiết; hầu chúng ta có thể nhẹ nhõm bước đi và lên đến đỉnh Núi Thánh trên Nước Chúa Vĩnh Hằng.
Con đây xin hứa một điều
Điều này chắc chắn, khác nhiều lần qua
Nguyện xin Chúa hãy thứ tha
Cho con “sống lại” để mà tạ ơn
Biến đổi đời con Chúa ơi, khi con nghe lời Chúa dạy, khi con sum vầy bên Chúa, khi con từng ngày khát mong. Biến đổi đời con Chúa ơi, cho nên tươi mới rạng ngời, tình yêu nồng thắm không vơi, niềm tin chan chứa mọi nơi… (Bài hát “Biến Đổi Đời Con”)
Ước mong đời sẽ đẹp hơn
Không buồn, không nản, không hờn giận chi
Sống sao cho trọn chữ vì
Vì Chúa, Vì Mẹ, chẳng gì so đo
Quên đi hết mọi lắng lo
Để con đem Chúa đến cho mọi người
*
Lạy Chúa! Trong cuộc sống đời thường của chúng con, Chúa đã dùng biết bao phương cách để tỏ lộ vinh quang của Ngài cho chúng con, nhưng nhiều lúc chúng con chẳng nhận ra điều đó. Xin Chúa ban cho chúng con có đôi mắt biết rộng mở, đôi tai biết lắng nghe và tâm hồn biết thinh lặng để nhận ra Chúa đang hiện diện với vinh quang của Ngài bên chúng con. Amen.
HOÀI THANH
Đau khổ và vinh quang (06.08.2019 – Lễ Kính Chúa Hiển Dung)
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên đỉnh Taborê, một ngọn núi cao khoảng 600 thước, và cho các ông được chiêm ngưỡng vinh quang rực rỡ của Ngài, cũng như một ngày kia cho các ông được chứng kiến cơn hấp hối thương đau của Ngài trong vườn Cây Dầu.
Nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu, chúng ta thấy đau khổ và vinh quang luôn gắn liền với nhau. Thực vậy, mỗi khi loan báo về cuộc khổ nạn, Ngài đều nói:
– Con Người sẽ bị nhiều khổ đau, sẽ bị giết chết nhưng sau ba ngày sẽ sống lại.
Trong những lời giảng dạy, Ngài cũng cho biết như thế:
– Hạt lúa có mục nát đi thì mới đem lại nhiều bông hạt.
– Người đàn bà khi sinh nở thì đau đớn, nhưng sau đó sẽ mừng vui vì đã đem lại cho đời một người con.
Và sự thực đã xảy ra như vậy. Chính Ngài đã phải trải qua những khổ đau của ngày thứ sáu tuần thánh, để rồi mới có được vinh quang của ngày Phục sinh. Chính vì thế, chúng ta có thể xác quyết:
– Đau thương là đường lên ánh sáng, gian khổ là đường về vinh quang và thập giá là đường dẫn tới Phục sinh.
Nếu Chúa Giêsu đã đi con đường đau khổ, con đường thập giá để tiến tới vinh quang Phục sinh, thì chúng ta, những người môn đệ của Ngài, muốn tiến tới vinh quang, muốn tiến tới Phục sinh thì cũng không có một con đường nào khác ngoài con đường đau khổ, ngoài con đường thập giá.
Thực vậy, giáo lý nhà Phật đã bảo:
– Đời là bể khổ, mà mỗi người chúng ta là như một cánh bèo trôi dạt trên đó.
Trong khi đó chúng ta lại bảo đời là một thung lũng nước mắt, như trong kinh Lạy Nữ Vương chúng ta vốn thường đọc:
– Chúng con ở nơi khóc lóc than thở.
Đứng trước vấn đề đau khổ, nhiều người đã chán nản và tuyệt vọng để rồi xa lìa Chúa, nhiều người đã phẫn uất để rồi chống đối Chúa. Nếu Thiên Chúa là Đấng nhân từ tại sao Ngài lại để cho tôi phải khổ đau? Thái độ này không giải quyết được gì hết, bởi vì đau khổ chúng ta vẫn phải chịu và nó còn trở nên nguyên nhân gây nên những bực bội và tức tối, những thất vọng và buồn phiền.
Với chúng ta, những người có đức tin thì khác, chúng ta luôn vui mừng và hy vọng, bởi vì đau khổ và thập giá sẽ là như những hạt giống nảy sinh ra cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta không dừng lại ở những đau khổ với thái độ bi quan. Trái lại, chúng ta sẵn sàng chấp nhận khổ đau, và hơn thế nữa, chúng ta chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, bởi chúng ta biết rằng sau những khổ đau, sau những thập giá là vinh quang của sự phục sinh. Cũng như sau cơn mưa trời lại sáng, sau mùa đông lạnh giá là mùa xuân nắng ấm.
Chúng ta hãy dâng lên Chúa những vất vả và khổ đau, những buồn phiền và cay đắng trong cuộc sống, vì mỗi hy sinh sẽ là một góp phần nhỏ bé của chúng ta vào vào thập giá Đức Kitô, nhờ đó, chúng ta sẽ được chia sẻ phần vinh quang Phục sinh với Ngài.
Biến đổi như Chúa (06.08.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XVIII Thường Niên năm C)
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày sự kiện Đức Giêsu vinh hiển biến đổi hình dạng trong một lần cầu nguyện ở trên núi trước sự hiện diện của ba môn đệ là các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê.
Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca kể lại: trước đó vài ngày sau khi tiên báo về cuộc khổ nạn Người phải chịu và mặc khải cho những ai muốn thấy Nước Trời thì phải bước đi trên con đường Người sẽ đi qua, nghĩa là “phải chịu đau khổ, chịu bách hại và bị giết chết; nhưng sau đó sẽ được vinh quang”.
Điều đó khiến các môn đệ hoang mang, lo sợ. Hôm nay Đức Giêsu lên núi cầu nguyện và đưa theo ba môn đệ thân tín. Đang lúc Người cầu nguyện, bỗng dưng dung mạo của Người biến đổi một cách lạ thường: Dung mạo Người trở nên chói lọi như ánh mặt trời và y phục của Người trở nên trắng tinh. Khi ấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra, dung mạo cũng rạng ngời vinh hiển; hai ông đàm đạo với Người. Mô-sê đại diện cho lề luật, còn Ê-li-a đại diện cho các ngôn sứ thời Cựu Ước. Các ngài nói về cuộc xuất hành của Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.
Đức Giêsu trong cuộc hiển dung, Người tỏ hiện thiên tính của Người và sứ mệnh cứu độ nhân loại Thiên Chúa Cha đã trao phó cho Người. Trong thân phận Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Đức Giêsu gặp gỡ, đàm đạo với hai nhân vật đại diện cho Luật Cựu ước và các ngôn sứ trong thời Cựu ước. Còn Người, Người vừa là Lề luật Mới, vừa là ngôn sứ; Người kiện toàn lề luật và thiết lập giao ước mới, giao ước vĩnh cửu để cứu độ nhân loại. Sự hiển dung của Đức Giêsu hôm nay, tiên báo về sự vinh hiển phục sinh của Người sau khi trải qua cuộc thương khó và hoàn tất công trình cứu độ nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó cho Người. Với ba môn đệ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê; là những môn đệ thân tín đã nhiệt thành đi theo Đức Giêsu và vững tin nơi sứ mệnh cứu độ nhân loại của Người, các ông sung sướng đến xuất thần khi chiêm ngắm khung cảnh tuyệt vời của cuộc hiển dung và đàm đạo giữa Đức Giêsu với hai nhân vật thời Cựu Ước.
Đức Giêsu cho ba môn đệ được chứng kiến cuộc gặp gỡ và đàm đạo của Người với ông Mô-sê và ông Ê-li-a, Người muốn ba môn đệ thân tín tận mắt nhìn và hưởng nếm trước hạnh phúc của sự vinh hiển phục sinh của Người. Khung cảnh xán lạn, chói lòa trước mắt và một cảm nghiệm hạnh phúc tuyệt vời, làm cho ba môn đệ ngây ngất đến nỗi quên đi thực tại tự nhiên mà chìm đắm trong hạnh phúc siêu phàm ấy, khiến ông Phêrô đã thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a”. Đang khi ông nói, thì có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! “. Các môn đệ hoảng hốt sấp mặt xuống đất, bàng hoàng và ghi nhớ sự kiện trong lòng.
Cảm nghiệm thực tại thiêng liêng trong biến cố hiển dung, các môn đệ vững tin hơn vào Đức Giêsu Na-gia-rét, con Thiên Chúa hằng sống; mạnh dạn bước theo Người và trở nên nhân chứng trung kiên cho một Giêsu Ki-tô tử nạn và phục sinh vinh hiển. Lời tuyên phán từ trong đám mây trên núi: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”, cùng với niềm hạnh phúc vừa được hưởng nếm đã củng cố đức tin cho các ông và trở thành động lực thúc đẩy các ông đi vào lộ trình biến đổi nên giống Đức Giêsu.
Người Kitô Hữu lãnh nhận bí tích Rửa Tội để nên con cái Chúa nhưng mấy ai đã cảm nếm được hạnh phúc và vinh quang được hưởng mai sau? Trình thuật Tin Mừng hôm nay tỏ lộ cho ta thấy hạnh phúc vô biên ấy ta sẽ được cảm nếm ngay ở đời này và đời sau, khi hết lòng tin tưởng bước theo Đức Giêsu Kitô trên con đường Người đã đi; và tin chắc chắn sẽ được vinh hiển phục sinh với Người.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
– Hãy đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Người là vinh quang và là cùng đích của tôi và những ai thuộc về Người.
– Hãy biến đổi toàn diện con người từ suy nghĩ, lời nói đến việc làm theo giáo huấn của Đức Giêsu Kitô để được nên đồng hình đồng dạng với Con yêu dấu của Chúa Cha hằng hữu.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy vinh quang của Chúa và cho con cảm nghiệm được tình thương bao la của Chúa qua cuộc thương khó và phục sinh vinh hiển của Người, để con luôn tín thác vào Chúa, vì Chúa là cùng đích của đời con. Mỗi khi đức tin con gặp thử thách, xin Chúa hãy củng cố, dẫn dắt và ban cho con niềm hy vọng cũng như sức mạnh để nâng đỡ con.
***
MỪNG LỄ CHÚA HIỂN DUNG
06/8
Mừng kính Lễ Chúa Hiển dung
Hào quang tỏa sáng không trung đất trời
Hồng ân trải xuống muôn nơi
Thế nhân đón nhận rạng ngời vinh quang
*
Cuộc sống thánh thiện huy hoàng
An lành hạnh phúc, xây đàng nghĩa nhân
Sáng soi đổi mới vẹn phần
Người người hiệp nhất ân cần thiết tha
*
Tabor rạng rỡ hoan ca
Con xin chúc tụng bao la tình Ngài
Quá khứ, hiện tại, tương lai
Chúa luôn hiện diện mãi hoài vì yêu
*
Cho con sức sống thêm nhiều
Để con lướt thắng bao điều gian nan
Cho con sức mạnh vô vàn
Để con chiến thắng trăm ngàn khổ đau
*
Cho con ý tưởng thâm sâu
Để con thông hiểu nhiệm mầu Chúa ban
Cho con ân phúc đầy tràn
Để con tiến bước truyền loan Tin Mừng
*
Cho con phấn khởi tưng bừng
Ngợi ca danh Chúa vang lừng muôn nơi
Bình an hạnh phúc muôn người
Xua tan tăm tối, sáng ngời dương gian
*
Không còn cực khổ lầm than
Mà là ân sủng Chúa ban chan hòa
Hồng ân Thiên Chúa bao la
Muôn đời con mãi ngợi ca Ơn người
HOÀI THANH
Hãy nghe lời Người (Lễ Chúa Hiển Dung 06.08.2015)
Suy niệm: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”
Sử điệp này không chỉ dành cho ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu là Phêrô, Gioan và Giacôbê mà còn là sứ điệp từ trời gửi đến cho tất cả mọi người, mọi tín hữu Ki-tô giáo.
“Hãy nghe lời Người”, nghe đây không là mở tai để lắng nghe tiếng nói từ ai đó. Mà nghe lời ở đây là tuân phục, làm theo lời người nào đó chỉ dạy theo lẽ khôn ngoan.
“Lời Người”, ngày hôm nay ta không thể nghe trực tiếp từ Đức Giê-su như khi xưa Người giảng dạy cho các môn đệ, các Tông đồ. “Lời Người” hôm nay được “nghe” từ Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn quyền của Hội Thánh.
Ta tự hào xưng danh là Ki-tô hữu, là người thuộc về Đức Ki-tô đương nhiên ta phải lắng nghe và thực hành Lời Người. Mà muốn lắng nghe, thực hành lời Người thì chắc chắn ta phải có lòng tin, cậy, yêu mến. Chỉ khi có một niềm tin kính tôn thờ, lòng cậy trông vững vàng và một tình yêu mến nồng nàn mới có thể nghe lắng nghe và thực hành. Vì Lời Người không phải luôn dễ dàng để thực hiện, không phải luôn suôn sẻ cho ta đi trên đại lộ thênh thang.
Nghe được Lời Người đã là khó, thực hành còn khó hơn. Đến như Phê-rô, tông đồ Cả, người môn đệ thân tín nhất của Chúa Giê-su còn phải lên tiếng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”, Mặc dù trước đó vài phút ông vừa tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”
Thế đấy! Con người luôn yếu đuối nên khi gặp thử thách gian nan, khí trái ý cực lòng thì rất khó “Lắng nghe Lời Người” dù lời Người là chân lý, lời Người là sức sống, lời Người là ánh sáng đời con, Lời Người đổi mới cho cuộc đời… (Bài hát Lắng nghe Lời Chúa). Chỉ khi cuộc sống mỉm cười với ta, thuận theo ý ta thì việc Lắng nghe Lời Người quả là dễ dàng ai ai cũng có thể thực thi.
Với đời sống và sứ vụ người giáo dân Đa Minh ta không chỉ Lắng nghe Lời Người trong đời sống cá nhân mà còn sứ vụ mang “Lời Người” đến với anh chị em chung quanh: cùng đọc và chia sẻ, suy niệm Lời Chúa trong sinh hoạt cộng đoàn, sau giờ phút suy niệm chia sẻ cần có quyết tâm hành động cụ thể để anh chị em trong Huynh đoàn nhắc nhớ, động viên, thúc giục nhau thực hành Lời Chúa; không quên quan tâm đến nhau trong cuộc sống hàng ngày để cùng nhau sống và thực hành Lời Chúa cách trọn hảo hơn. Quan trọng hơn cả là thực hiện giờ kinh tối trong gia đình với phần đọc, suy niệm, chia sẻ và thực hành Lời Chúa. Ánh sáng cần chiếu giãi từ bản thân, gia đình rồi mới tới hội đoàn, giáo xứ
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, con cảm tạ Cha đã cho chúng con nhận biết Đức Giêsu là Con Yêu Dấu của Cha và đã gửi sứ điệp nhắn nhủ con “hãy nghe lời Người”. Nhưng lạy Cha, con yếu đuối không đủ can đảm, sức mạnh, không đủ tin tưởng phó thác để sống theo lời Chúa dạy. Xin áng sáng Cha chiếu tỏa tâm hồn con, để cho con lòng tin tưởng, cậy trông, yêu mến Đức Giêsu Kitô Con Yêu Dấu của Cha như thế con có thể lắng nghe Lời Người thực hiện được điều Chúa ước muốn và chờ đợi ở chúng con.
Xin thánh hóa và biến đổi tâm hồn con, lạy Chúa.
Theresa