Chúa soi trí cho ta hiểu Kinh Thánh (04.04.2024 – Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  Cv 3,11-26, Lc 24,35-48

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 24,35-48)

35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

Chúa soi trí cho ta hiểu Kinh Thánh (04.04.2024)

“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.”

Hôm nay thánh Luca kể chuyện hai môn đệ trên đường Emmau hồ hởi quay về kể cho các môn đệ còn lại nghe đã gặp Chúa sống lại, thì các ông ở nhà cũng khoe là Simon Phêrô cũng đã gặp Chúa… Các vị chưa kịp ăn mừng (dù cá đã nướng, rượu đã sẵn) thì Chúa Giêsu hiện đến chia vui, làm cho các ông giật mình và hoảng hốt tưởng là ma. Các môn đệ hốt hoảng tưởng là ma cũng không phải là lạ, bởi vì theo phản xạ tự nhiên, một người đã chết mấy ngày rồi, giờ phòng đóng kín mà lại bất ngờ xuất hiện. Tuy nhiên, sự thật của vấn đề là vì các ông chưa có niềm tin vào sự Phục Sinh, cho tới khi Chúa Giêsu mở trí cho các ông am hiểu Thánh Kinh, với những gì liên quan đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người đã được ghi trong các sách ngôn sứ, lề luật và thánh vịnh. Như vậy, không thể hiểu biết cách viên mãn về Đấng Phục Sinh, nếu không chịu lắng nghe Lời Chúa, cụ thể là qua những gì được chép trong Thánh Kinh.

Chúa dạy các môn đệ am hiểu Thánh Kinh viết về Người như thế nào rồi mới sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng. Rao giảng một Đấng đã chịu tử nạn và phục sinh như Thánh Kinh chép về Người, chứ không phải rao giảng một vị chúa nào đó theo những gì suy luận ra.

Ngày nay, một số người dù mang danh Công Giáo, nhưng sự mộ mến Lời Chúa còn rất hạn chế, và vì không quan tâm đến Thánh Kinh, nên họ hiểu biết cách méo mó về Thiên Chúa, tôn thờ một Thiên Chúa theo ý họ, tìm một Thiên Chúa dễ dãi, kiếm một Thiên Chúa trong những thứ “văn hóa” tạp nham khác, chứ không phải tìm một Đấng Phục Sinh đã chịu tử nạn như Thánh Kinh loan báo… điều này dẫn đến sự hiểu biết sai lệch và xuất hiện các nhóm lạc giáo đang rầm rộ suốt thời gian qua.

“Bạn không thể cho người khác cái mình không có” – Muốn rao giảng Lời Chúa mà không biết gì về Thánh Kinh thì làm sao rao giảng đúng được? Không có Chúa thì làm sao đem Chúa đến cho tha nhân được. Đành rằng cần đời sống chứng nhân, nhưng đời sống chứng nhân đó phải phát xuất từ một con người đầy Chúa, mà chỉ có Thánh Kinh mới nói về Thiên Chúa đúng nhất – “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.

Tin vào Chúa Giêsu không phải là đặc ân riêng cho mình, mà chính là ơn gọi làm chứng về Tin Mừng đến cho mọi nơi, đó là nhiệm vụ chính thức của các tông đồ và của Giáo Hội. Chúa Giêsu lên trời để Chúa Thánh Thần hiện xuống soi sáng cho những chứng nhân mà Người thiết lập.

Lệnh truyền Chúa ban cho các môn đệ ngày xưa cũng là lệnh truyền cho chúng ta ngày hôm nay. Căn tính của người Kitô hữu là loan truyền cho mọi người chung quanh biết về một Chúa Giêsu đã từ trời xuống thế cứu độ trần gian, bằng cuộc khổ nạn chịu chết trên cây thập giá và sau ba ngày đã sống lại mở lối về chốn trường sinh cho những ai tin cậy vào Người. Vâng lệnh Chúa truyền chúng ta hãy cố gắng sống chân thật, hiền hòa, tuân giữ những điều giáo huấn của Chúa và thực thi những điều Giáo Hội dạy. Sống được như vậy, thì chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân cho Chúa Giêsu Phục Sinh.

Lạy Chúa Giêsu, ngày xưa trước khi Chúa sai các tông đồ đi rao giảng và làm chứng cho Chúa, Chúa đã mở trí cho các ngài am hiểu Thánh Kinh; thì giờ đây, xin Chúa cũng mở lòng trí chúng con, để chúng con am hiểu Lời Chúa cách đúng đắn, hầu có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.

Joston

Sự sống mới trong Chúa Kitô (13.04.2023)

Hôm nay chúng ta bước sang ngày Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Một tuần lễ tám ngày đều mừng đại lễ Chúa sống lại. Bài Tin Mừng thứ tư đã cho chúng ta biết về câu chuyện hai môn đệ trên làng Emmau. Và Thứ năm cho ta thấy hai môn đệ đã cấp tốc trở về báo tin vui cho các Tông Đồ.

“Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.”

Niềm vui vừa đến với các ông, ai nấy đều mừng vui. Chắc cũng có một số ghen tị với hai môn đệ này vì đã được diện kiến trực tiếp Chúa Giêsu. Và Thiên Chúa không bao giờ phụ lòng những kẻ tìm kiếm Người. Chính Chúa Giêsu đã hiện ra với các ông và ban Thánh Thần xuống trên họ.

“Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em ! Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.”

Nhưng con người thì bị giới hạn bởi nhiều điều và đặc biệt là lí trí. Nên các ông chưa thể nhận biết được chính Thầy mình đã phục sinh. Và lúc này, Ngài đã cho các ông những dấu chứng đích thực, đó là cho các ông chạm vào thân thể Ngài.

“Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.”

Người cũng biết đói, nếu là ma thì sao có thể đói và ăn uống như thế được. Vì thế mà lời chứng này xác đáng, để chúng ta tin và loan báo như thế. Hôm nay, đã cách thời Chúa Giêsu hơn hai nghìn năm. Chúng ta cũng không phải là những người mắt thấy tay chạm vào Người. Nhưng vì chúng ta có Kinh Thánh và những lời chứng đã được trải qua biết bao nhiêu đời từ các Tông Đồ. Chúng ta có những chỉ dẫn của Hội Thánh. Và đặc biệt nhất là máu của các vị tử đạo anh dũng đã làm chứng cho điều ấy. Nếu điều ấy không phải sự thật, thì chẳng ai điên rồ mà đi thí mạng sống để bảo vệ điều phù vân ấy.

Lời chứng về Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh là thật, và chính Người đã sống lại thật để đem lại sự sống cho nhân loại. Chúng ta tiếp tục sống trong cuộc đời này, hãy can đảm làm chứng cho Chúa. Hãy mở rộng nước Chúa cho mọi người bằng một cuộc sống mới. Cuộc sống ích kỷ, vụ lợi đã chết đi, đã bị đóng đinh vào thập giá. Hãy để cuộc sống mới trong Chúa Kitô trỗi dậy, cuộc sống của yêu thương, của phục vụ. Chúa Kitô đang sống, hãy để Người sống trong ta.

Ngọn cỏ ven đường.

Chính anh em là chứng nhân (21.04.2022)

Hôm nay thánh sử Luca kể lại những đoạn cuối cuộc đời Chúa Giêsu sau khi Người sống lại. Người đã hiện ra cho các môn đệ thấy, chuyện trò, cùng ăn cùng uống, cho cả các ông sờ đến Người. Sau cùng Người căn dặn trao bổn nhận trọng đại cho các ông: “Chính anh em là những chứng nhân về những điều này”

Đặc biệt hôm nay là hai môn đệ đi làng Emmau. Khi hai ông vừa về để loan báo cho anh em là mình vừa được gặp Chúa hiện ra trên đường, thì hai ông lại được gặp Chúa  cùng với anh em mình:“ Các ông còn đang nói thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: Bình an cho anh em”.Vì các ông chưa ý thức nổi, chưa đủ lòng tin vào việc Chúa sống lại, nên: “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Nhưng Chúa vẫn lấy tình thân thương mà mời gọi: “Sao lại hoảng hốt? sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Rồi Chúa đã ăn “một khúc cá nướng” mà “ các ông đã đưa cho Người”.

Cuộc đời chúng ta hôm nay nhiều khi cũng vì thiếu lòng tin mà nhiều phen cũng phải khiếp sợ: Khiếp sợ ma quỷ, khiếp sợ thế gian, khiếp nhiều thứ mà không tìm được chính Thiên Chúa là Đấng trên hết cho ta cậy nhờ.

Khi đã làm cho các ông cảm nhận được ra Chúa, Người bắt đầu mạc khải cho các ông những điều quan trọng sau hết mà trước đây các ông chưa thể hiểu hết được: “Tất cả những gì sách Luật Môse, các sách Ngôn Sứ và các sách Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Rồi với sức mạnh của Chúa phục sinh “Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”, hiểu được “Đấng Kitô phải chiu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”. Cuối cùng Người trao cho các ông nhiệm vụ: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là những chứng nhân về những điều này”.

Các Tông Đồ đã hết lòng tin tưởng vâng nghe thực thi lời Chúa dạy. Sau khi Chúa về trời, các ông mỗi người một phương hăm hở, âm thầm, xông pha đem Tin Mừng của Chúa cho muôn dân. Sức mạnh Thánh Thần của Chúa phục sinh tràn đầy trong các ông, nên không một sức mạnh thế gian nào có thể ngăn cản được. Cuối cùng tất cả các ông đều đã hy sinh mạng sống của mình làm chứng cho Chúa.

Thánh Phêrô, vị chứng nhân đặc biệt cho Chúa: Khi vua Nêrô bắt đạo khốc liệt trong thành Rôma, ngài cũng tính bỏ trốn khỏi thành. Tới cửa, ông gặp một người, coi quen thuộc, đang trở vào thành. Nhận ra  đó là Chúa, ông hỏi: Lậy Thầy, Thầy đâu? Rồi nghe tiếng trả lời: Ta vào thành để được đóng đinh lần nữa! Nhận ra ý Chúa, Phêrô đã quay trở lại thành để rồi chịu tử đạo vì Chúa. Không phải chỉ có các Tông Đồ, Hội Thánh 2000 năm qua đã có biết bao những chứng nhân đã tin tưởng vào Chúa đã sống lại thật, mà hết lòng làm chứng cho Chúa, đến hy sinh cả mạng sống mình nữa.

Giờ đây mỗi chúng ta cũng được Chúa mời gọi làm chứng cho Người. Dù không được biết Chúa như các Tông Đồ, nhưng ta được biết Chúa qua Thánh Kinh, qua đức tin, qua những ân huệ mà Chúa đã ban…Làm chứng bằng đời sống đạo sốt sắng, bằng những việc làm yêu thương chia sẻ vật chất và tinh thần cho tha nhân.

Lạy Chúa! Xin ban cho con dồi dào sức mạnh của Chúa phục sinh như các Tông đồ xưa, để con thắng vượt được mọi gian nan khốn khó trên đời này. Xin cho con được góp phần loan báo Lời Chúa, là góp phần làm chứng nhân cho Chúa như các Tông Đồ xưa- Amen.

Giuse Ngọc Năng  

Vinh danh Chúa Kitô Phục Sinh (08.04.2021)

Chúa nay đã Phục sinh Alleluia, Alleluia. Ngài từ trong cõi chết sống lại Alleluia, Alleluia.. Và niềm vui tràn lan nơi nơi”. Lời bài hát CHÚA NAY ĐÃ PHỤC SINH, sáng tác của linh mục Phêrô Nguyễn Kim Long, vang lên điệu nhạc tưng bừng, sống động và reo vui, trong ngày đại lễ mừng Chúa Phục Sinh.

Chúng ta có niềm tin là Chúa Giê-su Phục sinh không? Với những người ngoại giáo thì đây là sự hoang tưởng hão huyền, người chết mà sống lại được sao? Kinh Thánh ghi nhận, trong thời gian Chúa Giê-su đi rao giảng đã làm nhiều dấu lạ để cứu con người vì có lòng tin vào Thiên Chúa. Đó là trường hợp Chúa Giê-su làm cho anh Ladarô sống lại (Ga 11, 1-45), con gái ông trưởng hội đường tên Gia-ia khỏi bệnh (Mc 5,21- 43)… Mầu nhiệm Chúa Giê-su Phục sinh do quyền năng của Chúa Cha để Người từ cõi chết sống lại đã minh chứng những điều Kinh Thánh viết về Ngài là hoàn toàn sự thật. Thầy Giê-su đã từng nói với các tông đồ: “tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44).

Không chỉ các môn đệ nhận biết Chúa Phục sinh mà còn nhiều chứng nhân khác cũng biết điều ấy,  không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” cv 10,41.

Niềm tin của người Ki-tô giáo xác tín từ nhiều nhân chứng về Chúa Phục Sinh, trải qua 2.000 năm, sau thánh Phêrô vị Giáo Hoàng tiên khởi, các vị thánh Giáo Hoàng Linô (Linus 67-76), thánh Giáo Hoàng Anaclêtô (Cletus 76-88), thánh Giáo Hoàng Clêmentê I (Clemens Romanus 88-97), thánh Giáo Hoàng Êvaristô (Evaristus 97 –105) … lịch sử Công giáo được các vị thánh Giáo Hoàng tiền nhiệm nối tiếp sứ mạng truyền giáo và nêu gương cho hậu thế bằng sự hy sinh chính mình. Giáo Hội ngày nay không ngừng canh tân đời sống gia đình người Ki-tô hữu để góp phần hoàn thiện nhân cách con người trưởng thành : “Gia đình; nơi giáo dục toàn diện, chúng ta học biết yêu cầu mà không đòi hỏi, biết nói lời “cảm ơn” và biết xin “tha thứ”…Những cử chỉ đơn giản này với cung cách lịch sự chân thành giúp tạo ra một nền văn hóa, trong đó con người biết sống chia sẻ và biết tôn trọng mọi người, mọi vật quanh mình”  Giáo Hoàng Phanxico, thông điệp Laudato Si 2015.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay còn nhắc nhở chúng ta: “ Chính anh em là chứng nhân về điều này”. Là người cha, người mẹ, những người có trách nhiệm giáo dục thế hệ con cháu, chúng ta làm gì để vun đắp đức tin trong con cái? Xin ngọn lửa Phục sinh của Chúa Giê-su soi sáng, giúp chúng con ý thức được bổn phận là làm  gương tốt cho con cháu trong mọi công việc, mọi hành động nhất là tu dưỡng bản thân mình ngày một thánh thiện hơn.

Anna Anh 

Chúa đã sống lại (16.04.2020)

Chúa đã sống lại, đó là niềm tin của chúng ta. Có thể nói rằng, tin vào mầu nhiệm Chúa Phục sinh là đỉnh điểm, là nền tảng của đời sống chúng ta. Chúng ta tin như thế, nhưng Chúa Giêsu có thật sự đã sống lại không? Ai đã khám phá ra điều ấy? Tại sao chúng ta vui mừng khi Chúa Giêsu sống lại? Lời Chúa hôm nay, sẽ mặc khải cho chúng ta về việc Chúa Giêsu đã sống lại thật sự.

 1. Chúa Giêsu có sống lại thật sự không?

Thánh Gioan, trong Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta biết rõ rằng: Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, cùng ăn và nói chuyện với các ông. Ngài còn nhắc lại những lời dạy dỗ của Ngài cho các ông khi Ngài còn ở với các ông: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì Sách Luật Moses, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Lời Kinh Thánh phải được ứng nghiệm như Ngài nói là: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Hs 6,2).

Nếu đặt giả thiết rằng, Chúa Giêsu sống lại là trò lừa bịp do các môn đệ bịa ra. Nếu làm như thế thì họ được lợi ích gì? Việc làm chứng cho sự sống lại của Chúa Giêsu đã đặt các môn đệ vào tình huống bị nhạo báng, đau khổ và cái chết. Tại sao họ sẵn sàng mạo hiểm để ủng hộ một sự dối trá? Sự sống lại của Chúa Giêsu chính là nền tảng giúp các môn đệ can đảm làm chứng về Ngài, bất chấp sự bắt bớ, bách hại.

Nếu trước kia, các Tông đồ là những người sợ sệt, nhát đảm, kém hiểu biết, thì sau khi Đức Giêsu Phục sinh, họ đã trở nên mạnh mẽ, hiên ngang, hùng hồn, uyên thâm khi rao giảng về Đấng Phục sinh. Cho dầu gặp gian nan thử thách, ngay cả cái chết, nhưng không có gì có thể tách được các ông ra niềm tin vào Đức Kitô. Điều đó chúng ta đã được nghe rất nhiều các chứng từ trong sách Công vụ Tông đồ vào những ngày sau lễ Phục sinh, đặc biệt là tuần Bát nhật Phục sinh này.

Nếu Đức Giêsu đã không sống lại thì làm sao có những cuộc đổi đời như vậy? Làm sao chúng ta có thể kể hết được tất cả mọi điều mà Chúa Phục sinh đã làm cho các nhân chứng.

2. Phục sinh của Chúa đem lại sự sống cho nhân loại

Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Nếu Chúa Giêsu không sống lại, chúng ta sẽ là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt tin tưởng vào một chuyện hão huyền, như Thánh Phaolô đã xác tín mạnh mẽ rằng: “Nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích (1 Cr 15,14).

Người Do Thái không chịu tin, đút tiền cho lính canh để lấp liếm. Người Hy Lạp cười khinh bỉ khi nghe Thánh Phêrô nói đến hai tiếng “Phục Sinh.” Nhưng đối với chúng ta thì Chúa Giêsu sống lại đem ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta: Nếu Chúa Kitô không sống lại, chúng ta vẫn còn mang tội lỗi trong mình và không ai giải cứu được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp Thiên Chúa được.

Nhờ Phép Rửa, chúng ta đã được tham dự vào sự chết và sự sống lại của Chúa Kitô, được mang sự sống mới trong mình, sự sống ấy phải lớn lên trong cuộc sống mỗi ngày và sẽ đưa chúng ta vượt qua chính cái chết tự nhiên của con người để vào cuộc sống vinh quang với Chúa Kitô: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm mình vào nước thanh tẩy, để thuộc về Ðức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người để như Chúa Kitô đã phục sinh từ những kẻ đã chết chúng ta cũng có thể bước đi trong cuộc sống mới“ (Rm 6,3-4).

3. Sống mầu nhiệm Phục sinh

 Nhưng nếu Ngài đã thật sự phục sinh và chúng ta đã là Kitô hữu, thì sự Phục sinh của Ngài đã làm ta thay đổi cuộc sống hiện nay của chúng ta không? Biết bao lễ Phục sinh qua đi, cuộc sống ta đã có gì thay đổi và thăng tiến! Chúng ta vẫn là chúng ta, vẫn có biết bao thói hư thật xấu như trước, chẳng thay tiến triển bao nhiêu, đôi khi tệ hơn!

Một lời khuyên thực tế thánh của Thánh Phêrô giúp chúng ta định hướng cuộc sống của chúng ta: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ. Vì là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải sống và bước theo đường lối của Thiên Chúa, chúng ta cần tránh xa những gian xảo, giả trá, và phải biết sống theo sự thật. Chính sự giả trá và không sống theo sự thật, những nhà lãnh đạo Do-thái đã luận tội và giết Con Thiên Chúa, là Chúa Giêsu.

Trong Mùa  Chúa Phục Sinh, chúng ta hãy kiểm điểm xem: chúng ta đã thật sự sống niềm tin Phục Sinh chưa? Chúng ta đã đánh giá đúng những thực tại trần thế chưa? Amen.

Bình Minh

Chúa Giê-su hiện ra giữa các môn đệ

Ghi nhớ:

Chính anh em là chứng nhân  của những điều này” (Lc 24, 48).

Suy niệm:

Ông Tư tự nhủ với lòng mình rằng; từ nay trở đi ông phải sống hiền lành, tử tế và đạo đức hơn. Như thế mới xứng đángvới trách nhiệm là người “bố đỡ đầu”.

Một người ngoại muốn gia nhập Đạo Công Giáo. Anh ta đến nhờ ông đỡ đầu. Thật sự trong lòng ông rất ngại nhận trách nhiệm này, một phần vì cái tiểu sử rất không lành mạnh trước đây của anh tân tòng, một phần không biết anh ta có thật tâm muốn đi theo đạo hay lại có một mục đích vụ lợi nào?

Một hôm, ông Tư hỏi người tân tòng:

  • Động cơ nào khiến anh muốn trở thành tín hữu Công Giáo?
  • Thưa, Vì đạo Công Giáo dạy những tốt đẹp. Vị sáng lập đạo lại là Đấng từ Trời mà xuống và điều quan trọng hơn hết là sau khi chịu chết để cứu chuộc nhân loại rồi thì Vị ấy đã từ cõi chết sống lại!

Chính câu trả lời này đã khiến ông Tư đi đến quyết định nhận lãnh trọng trách làm người đỡ đầu cho anh tân tòng này.

Trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim. Chúng ta chưa từng nghe nói đến một nhân vật nào đã chết mà còn có thể sống lại được. Ngoại trừ một Đức Giê-Su. ( trường hợp La-za-rô, hay anh con trai của bà góa có được Chúa cho sống lại, nhưng sau đó một thời gian, họ cũng vẫn phải chết theo cách tự nhiên)

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại biến cố Chúa sống lại, hiện ra với các môn đệ, khiến cho các ông “ kinh hồn bạt vía vì tưởng là thấy ma”. Nhưng Chúa đã trấn an các ông; “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Rồi Chúa còn đưa chân tay cho các ông xem cho kỹ, tiếp đến Chúa còn cầm lấy cá mà ăn trước mặt các ông.

Sau đó Đức Giê-Su tâm sự, trò chuyện cùng các ông, Người trưng dẫn Kinh Thánh trong các sách Luật Môi-se, các sách Ngôn sứ và sách Thánh vịnh vì chưng tất cả các sách đó viết về Người phải được ứng nghiệm. Như thế Chúa khai trí cho các ông và đồng thời đào sâu niềm tin cho các ông trước khi trao ban cho các ông một sứ mệnh, một nhiệm vụ cao cả; đó là làm chứng nhân cho Người.

Lềnh truyền Chúa ban cho các môn đệ ngày xưa cũng là lệnh truyền cho chúng ta ngày hôm nay. Căn tính của người Ky-tô hữu là loan truyền cho mọi người  chung quanh biết về một Đức Giê-su đã từ trời xuống thế Cứu độ trần gian, bằng cuộc khổ nạn và chịu chết trên cây thập tự và sau ba ngày đã sống lại mở lối về chốn trường sinh cho những ai tin cậy vào Người.

Vâng lệnh Chúa truyền chúng ta hãy cố gắng sống chân thật, hiền hòa, tuân giữ những điều giáo huấn của Chúa và thực thi những điều Hội Thánh dạy. Sống được như vậy, thì chúng ta sẽ trở thành những chứng nhân cho Chúa Giê-Su Phục Sinh!

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Ngài đã sống lại để khai mở cho chúng con, những kẻ tin vào Ngài, một đời sống mới, đời sống vĩnh cửu nơi thiên đàng. Xin cho chúng con biết dùng đời sống trần gian này mà làm việc thiện cho ngày sau khi kết thúc cuộc đời này thì cũng được phúc Chúa cho sống lại với Ngài trên quê trời. Amen.

Sống Lời Chúa:

Luôn tâm niệm rằng; đời lữ hành trần thế này là để tìm đến cuộc sống vĩnh cửu thiên đàng.

Đaminh Trần văn Chính

Cuộc sống hiện tại để hướng đến mai sau

1. Ghi nhớ:

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “ Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này,”(Lc 4,46-48)

 2. Suy niệm:

Đó là một phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Ai biết hoàn cảnh khổ đau của chị đều không khỏi xót xa, thương cảm cho thân phận của chị…

Hai mươi năm trong cuộc sống gia đình thì những ngày hạnh phúc, bình an chẳng được là bao!

Chị se duyên vớt  một chàng trai vũ phu sống như ngựa không cương, thiếu trách nhiệm với gia đinh và có tật ham mê rượu chè. Mỗi khi trong người có rượu thì anh ta lại nổi máu ghen, chủi bới đánh đập chị không nương tay. Có lần mẹ của anh thấy con dâu bị đánh quá sức, bà phải lấy thân mình che chắn đòn thay cho chị. Trong cơn bực tức đó bà đã thốt lên rằng:

  • Thằng con khốn nạn kia! sao mày không chết đi để cho vợ mày được yên hàn mà làm lụng nuôi dạy con cái!.

Có nhiều người khuyên chị nên rời xa chồng đi. Nhưng chị trả lời rằng, chị không thể phản bội lời thề mà chị đã tuyên hứa trong ngày hôn phối, vả lại chị vẫn một lòng thương anh và luôn cầu nguyện cho anh sớm thức tỉnh đẻ trở nên một người chồng tốt cũng như một người cha sống có trách nhiệm với con cái.

Mùa chay năm đó, nghe theo lời đứa con gái lớn, chị lên nhà nó ở vừa để sống tâm tinh mùa chay cho sốt sắng và cũng để cho tâm hồn thư thái, thảnh thơi, bớt áp lực căng thẳng, và  cầu nguyện cho chồng.

Ở nhà một mình, trong thinh lặng với sự tác động của Chúa Thánh Thần, người đàn ông này tự nhìn lại mình, anh “ giác ngộ” và biết thống hối ăn năn. Anh thay đổi lối sống, đi xưng tội và quyết tâm từ nay sẽ sống một cuộc sống đạo đức, tử tế.

Ngày lễ mừng Chúa sống lại cũng là ngày anh lên nhà con gái đón chị về và từ đó anh đã sống một cuộc đời đổi mới, biết trân trọng chị và biết hy sinh cho gia đình!

Trong khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê su đã nhiều lần báo trước cho các môn đệ về việc Chúa phải chịu thương khó, chịu đóng đinh vào thập giá, chịu chết và Ngài sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Nhưng xem ra các ông chẳng hiểu, chẳng quan tâm  gì cả, chỉ khi Chúa từ  cõi chết sống lại, được Ngài giải thích, chấp nối lại những sự kiện, lúc đó lòng trí các môn đệ mới mở ra và đã hoàn toàn tin tưởng vào Ngài.

Chúa sống lại đã mở ra cho các môn đệ, cũng như cho nhân loại một tương lai mới, tương lai đó không nhắm đên sự sống ở đời này. Nhưng tương lai đó lại khởi đi nơi cuộc sống hiện tại hôm nay để hướng đến mai sau. Đó là sự phục sinh của những kẻ tin theo Chúa. Và chính vì niềm tin về một tương lai tươi sáng đó những kể tin theo Ngài phải  có bổn phận loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến mọi loài thọ tạo.

Đáp lại lời mời gọi của Chúa Ki-tô Phục Sinh hôm nay. Chúng ta những kẻ tin theo Ngài phải biết dùng cuộc sống của mình cho việc loan truyền, làm chứng về sự Phục Sinh của Chúa bằng  đời sống đạo đức, cầu nguyện, bác ái, hy sinh, sống có trách nhiệm với gia đình, với xã hội và với tổ quốc…

Có như vậy thì việc Chúa Sống Lại mới đem đến cho chúng ta những biến đổi tích cực và sâu xa, như thế khi nhìn về tương lai, chúng ta sẽ tin tưởng một cách chắc chắn rằng: Chúng ta sẽ được sống lại trong ngày sau hết để cùng hưởng vinh quang với Ngài trên nước trời, sau khi chúng ta hoàn tất cuộc đời dương thế bằng việc thực thi những  huấn lệnh của Ngài.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa hãy đến  đem lại bình an cho gia đình, cho xã hôị và cho quê hương chúng con, xin Chúa cũng đem lại sự hiệp nhất, yêu thương nơi chúng con, để ngay trong cuộc sống trần gian này chúng con biết loan truyền Tin Mừng cho mọi người bằng chính đời sống biết yêu thương, biết sống đoàn kết và hy sinh của chúng con. Amen.

 4. Sống Lời Chúa:

Yêu người như Chúa đã yêu ta.

Đaminh Trần văn Chính.

Chính anh em là chứng nhân (20.04.2017)

Hai môn đệ thất thểu bỏ về làng Emmaus, nhưng được gặp gỡ Chúa Phục Sinh suốt hành trình mà không biết. Đến cuối đường họ được “mở con mắt”, thay đổi hoàn toàn, tức tốc hăng hái trở về Giêrusalem để làm chứng với Nhóm Mười Một. Trở về căn phòng kín hội tụ, các ông thi nhau kể chuyện phục sinh, bởi niềm vui Tin Mừng phục sinh đang bùng vỡ. Họ báo với hai ông Chúa sống lại thật rồi. Hai ông cũng có tin vui sốt dẻo không kém và còn lạ lùng, kỳ diệu hơn, họ hồ hởi kể rằng mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người “bẻ bánh”. Các ông đang say sưa kể, thì chính Đức Giêsu bỗng đứng giữa các ông mà chúc bình an. Nghe lời chúc bình an từ Thầy mà các ông vẫn kinh hồn bạt vía tưởng là thấy ma, quá nhầm!…

Bởi vì cái chết “như tử tội” của Thầy làm cho các ông quá sợ và thất vọng, hãy còn miên man trí não, đến độ không thể tin nổi Thầy lại đang “sống” mà chúc bình an trước mặt. Lại bởi vì có sự khác biệt, khi ông Lazarô hoặc em bé mười hai tuổi được Chúa cho sống lại thì vẫn là thân xác bình thường thân quen y như khi trước (sau này họ vẫn chết), nên người thân vui mừng chứ không sợ hãi. Đằng này Chúa Phục sinh khác hẳn, thân xác sáng láng, không còn phụ thuộc vào thời gian, xuyên qua vật chất dễ dàng như Thiên thần, không cần phải ăn uống, ngủ nghỉ. Giờ Người đã “thuộc thượng giới”: “Anh em hãy hướng lòng về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạng giới” (Cl 3,2). Mới hay rằng sau này khi được phục sinh với Chúa, chúng con cũng được thuộc về “thượng giới”, giống như Chúa Phục Sinh vậy. Đây là dấu chứng cho niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại” của chúng con và càng thêm chắc hy vọng.

Hôm nay Người bỗng “đột nhập” phòng kín mà hiện diện giữa các môn đệ, thì ai mà không sợ hãi ngờ vực mà tưởng là thấy ma? Nhưng Thầy giúp các ông định thần lại, vừa khẳng định vừa cho các ông kiểm chứng: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,38-40).

Các ông đã hoàn hồn nhưng còn ngỡ ngàng lắm chưa tin, có lẽ mừng quá thành ra chưa tin nổi một sự thật mà cứ như trong mơ vậy. Người càng làm thân hơn mà hỏi các ông có gì ăn không? Họ đưa Người một khúc cá nướng, Người cầm và ăn liền trước mặt các ông. Bây giờ chắc các ông đã an tâm là chính Thầy mình đang ở giữa họ. Lúc này Người mới giải thích cặn kẽ, cho các ông ôn lại Kinh Thánh qua các sách Luật và Ngôn sứ, Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Khi còn ở với anh em Thầy đã nói rất nhiều rồi mà giờ vẫn “lơ ngơ”. Họ được Người mở trí cho các ông hiểu rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba sống lại.

Sau này ông Phêrô đã lớn tiếng nói lại với dân trong Công vụ tông đồ: “Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình… Đức Giêsu còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa” (Cv 3,18.21).

Chúa luôn đi bước trước để giúp chúng con nhận ra, gặp gỡ Chúa rồi trở thành chứng nhân của Chúa: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24, 47b-48).

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Bằng con mắt đức tin, xin Chúa cho chúng con luôn nhận ra, “thấy” và gặp gỡ Chúa. Để qua những biến cố đời thường, chúng con luôn sống trong sự hiện diện của Chúa. Với niềm vui, yêu thương thắm thiết, Chúa sẽ làm cho chúng con trở nên chứng nhân của Chúa từ bản thân, trong gia đình, miền đất chúng con sinh sống và cho tất cả những người chúng con gặp gỡ. Amen.

Én Nhỏ

Bình an cho các con (31.03.2016)

1- Ghi nhớ:

“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. (Lc 24, 46)

2- Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các Tông Đồ. Người thiết lập lại tương quan mà các tông đồ tưởng như đã mất vì cuộc tử nạn của Chúa; qua đó Người tỏ cho các ông biết Người hằng sống và Người chúc bình an cho các môn đệ của Người. Lời chúc bình an của Đức Giêsu ở đây không đơn thuần chỉ là lời chào hỏi, nhưng lời chúc này là dấu hiệu chiến thắng của Chúa Giêsu Phục Sinh, lời chúc này còn đồng hóa sứ mạng của Ngài với các Tông Đồ. Như Đức Kitô đã đem niềm vui và bình an cho các Tông Đồ thì các ông cũng phải đem niềm vui và bình an đến cho người khác như vậy.

“Bình an cho các con”. Khi tâm hồn của các Tông Đồ đang hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.

“Bình an cho các con”.  Sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm. Người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm… tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được. Chỉ có Bình An của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài.

Bình an là một hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa”, góp phần tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.

3- Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con thực hiện tinh thần hiệp nhất yêu thương nhau, nhất là biết ý thức về trách nhiệm của mỗi người chúng con là đem bình an và niềm vui đến cho mọi người. Amen.

4- Sống Lời Chúa :

Có nhiều bằng chứng về sự kiện Chúa sống lại, đó là: những lần Ngài hiện ra với các môn đệ, những phép lạ các môn đệ nhân danh Ngài mà làm, cuộc sống chứng nhân và thay đổi hoàn toàn của các môn đệ, Kinh Thánh, và những cuộc trở lại Đạo của nhiều người. Chúng ta hãy vững vàng trong niềm tin vào Chúa và nhiệt thành loan truyền Tin Mừng của Chúa cho mọi người đang sống chung quanh chúng ta.

HOÀI THANH 

Anh em là chứng nhân

“Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi … từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân… Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,46-48)

Suy niệm: Chỉ trong ít ngày, các môn đệ Chúa Ki-tô trải nghiệm đủ mọi sắc màu cảm xúc. Chưa hết kinh hoảng và trốn chui trốn nhủi vì Thầy mình bị bắt và chết thảm, các môn đệ lại ngỡ ngàng rồi bùng nổ với niềm vui gặp lại Ngài đang sống. Giờ đây các môn đệ lại được cuốn hút vào việc tiếp nối sứ mạng của Thầy mình là rao giảng và làm chứng cho muôn dân rằng Chúa Ki-tô đã chịu khổ hình, đã chết, và đã sống lại, và nhất là ai tin vào Ngài thì cũng sẽ được sống đời đời với Ngài. Các tông đồ – và các thế hệ Ki-tô hữu xuyên suốt hai mươi thế kỷ nay – một khi đã tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, cũng đương nhiên trở thành những người được sai đi, rao giảng và làm chứng nhân cho Ngài.

Mời Bạn: Làm chứng nhân là người kể câu chuyện Đức Ki-tô phục sinh với tư cách một người trong cuộc. Câu chuyện “Chúa Phục sinh và tôi” cũng là câu chuyện của tôi, là điều tôi đã trải nghiệm. Tôi kể câu chuyện ấy như một chứng từ; nó có thể rất mộc mạc đơn sơ, nhưng chắc chắn đây là cách rất hữu hiệu để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng hôm nay. Người ta có thể phản đối những tuyên bố, thậm chí những tín biểu. Nhưng không ai phản đối một câu chuyện, nhất là câu chuyện về kinh nghiệm của một người trong cuộc.

Sống Lời Chúa: Tôi không ngại chia sẻ cho người khác về câu chuyện đức tin của mình, về tầm quan trọng của Chúa Giê-su trong cuộc đời tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục sinh, xin giúp con trở thành chứng nhân đích thực của Chúa trong đời sống mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *