Bài hát và Suy niệm (24.09.2023 – Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm A)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Suy niệm

NL:  BƯỚC VÀO CUNG THÁNH

ĐC: NGÀY LẠI NGÀY

ALL : Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con để chúng con lắng nghe lời Con Chúa.

DL : LỜI CON NGUYỆN

HL : CHẠM LÒNG CON

KL : MẸ TỪ BI

Lời Chúa: Is. 55, 6-9; Pl. 1, 20c-24.27a; Mt. 20, 1-16a


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt. 20, 1-16a)

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?’ 7 Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !’

8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý : ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà : 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’

13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Quảng đại (24.09.2023)

Thường thường Phúc Âm thánh Mát-thêu nói về dụ ngôn người làm vườn nho, thì vườn nho có ý nghĩa là Nước Trời hay Hội Thánh của Chúa Ki-tô. Những người làm vườn nho là những người phục vụ cho Nước Thiên Chúa, cho những hoạt động phong phú trong mầu nhiệm cao siêu của Hội Thánh. Trong những ý nghĩa đó, có một ý nghĩa mà chúng ta chưa khám phá, chưa nói nhỏ với nhau bao giờ: vườn nho là vườn sự sống thần linh.

Câu đầu tiên của dụ ngôn có rất nhiều nghĩa thiêng liêng, thứ nhất “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia,”, lời văn cho chúng ta hiểu liền ngay ý nghĩa Thiên Chúa là “gia chủ” trong dụ ngôn. Thứ hai, phân đoạn câu “vừa tảng sáng”, tức là ngay từ buổi đầu khai mở tương thông vườn sự sống thần linh với nhân thế qua Đấng Cứu Độ. Thứ ba, phân đoạn câu “đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.” Có nghĩa Thiên Chúa bắt đầu kiếm tìm trong nhân loại những con người đang khao khát, đang kiếm tìm sự thiện, sự sống thần linh, sự sống vĩnh tồn và vinh quang bất tử. Để đưa vào vườn sự sống thần linh của Đức Ki-tô, nơi đây ngập tràn chan chứa ân sủng và ánh vinh quang của sự sống đời đời.

Câu Kinh “Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền,” nêu ra một thực trạng công lý giữa Thiên Chúa với một số người tuy có thiện chí phục vụ trong vườn sự sống thần linh, đó là: tương giao với Thiên Chúa theo lẽ công bằng.

Chúng ta cũng nên biết thêm về “lẽ công bằng” trong mối tương quan với Thiên Chúa. Đây là một bước thăng tiến của loài người, từ chỗ là thụ tạo hoàn toàn thụ động trước chương trình quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng qua lời Chúa Giê-su, chúng ta được biết rằng Thiên Chúa đã nâng con người lên cho phép được “thoả thuận” với Thiên Chúa. Bước thỏa thuận đầu tiên là giao ước giữa Chúa và dân Ít-ra-en, bước thỏa thuận thứ hai là mầu nhiệm Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở giữa dân Người. Giao ước bởi Máu Thánh của Con Thiên Chúa. Và chính môi miệng Đấng Mê-si-a cho chúng ta biết qua dụ ngôn người làm vườn nho hôm nay một bước nữa. Con người có thể tương quan với Thiên Chúa bằng quy luật “thỏa thuận” cách công bằng.

Tuy vậy, qua dụ ngôn, Người còn cho chúng ta biết thêm một “thỏa thuận” khác. Chúng ta cùng tìm hiểu tiếp

Vế sau của câu “ông sai họ vào vườn nho làm việc”, nhóm từ “ông sai họ” nhằm nói đến uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trong vườn sự sống thần linh. Đồng thời cũng mang nghĩa, mỗi người phục vụ cho Nước Chúa đều được Chúa quan phòng sắp xếp cho một vị trí, một vai trò trong chương trình của Người. Một chương trình rất nhiệm mầu, có những điều được Chúa an bài bởi Thánh Ý Chúa hữu định tương đối, tức là còn có thể thay đổi. Nhưng có những điều thuộc Thánh Ý Chúa hữu định tuyệt đối, nghĩa là không có hoàn cảnh hay thụ tạo nào có thể làm khác đi, làm sai chạy điều Người đã tiền định.

Về ơn gọi riêng của mỗi người cũng vậy, trong chương trình của Thiên Chúa, người được chọn có rất nhiều cấp độ ân sủng cao thấp và ơn gọi khá khác nhau. Tất cả được Chúa sai phục vụ cho Nước Chúa, đồng bộ làm hoàn tất chương trình cho Người.

Trong một ý nghĩa khác, được phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Người qua các chương trình cho Nước Trời của Hội Thánh đã là một vinh phúc. Nhưng trong sự thật tự nhiên và sự thật siêu nhiên, có rất nhiều người đang ở trong vị thế phục vụ nước Chúa, nhưng lại hữu ý hay vô tình phục vụ cho Xa-tan hay cho chính bản thân mình. Thế nên, còn có ý nghĩa riêng biệt của dụ ngôn hôm nay: vườn sự sống thần linh. Tức là được phụng sự Thiên Chúa trong ý nghĩa đích thực của chân lý ơn cứu độ.

Vườn nho thiêng liêngvườn sự sống thần linh. Dành riêng cho những ai có lòng khao khát sự sống đời đời, có lòng kính mến Thiên Chúa nên kiếm tìm sự thiện và sự sống thần linh. Con người hòa đời mình đến biến tan đi trong chân lý cứu độ, trong mầu nhiệm Tình Thập Giá của Đức Ki-tô. Họ không kiếm tìm hay vun đắp cho bản thân, nên cũng không hề phục vụ cho Xa-tan bằng cuộc sống tội lỗi. Những người này, hữu ý hay vô tình họ đến nơi mà “gia chủ” sẽ nhìn thấy họ, sẽ đến trao đổi, thỏa thuận với họ về việc phục vụ trong vườn sự sống thần linh. Với những linh hồn này, ứng nghiệm nơi họ mối phúc thứ tư

Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng
.” (Mt 5,6)

Điều này cũng đồng nghĩa đang khi linh hồn phục vụ cho Nước Thiên Chúa, họ được biến đổi thân phận người dần cho đến khi được mặc trọn vẹn, sự sống thần linh ở nơi chính mình “Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô,” (Rm 13,14a) ; “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.” (Gl 3,26-27); “con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá,” (Cl 3,10).

Sự sống thần linh” được xem là công trạng “một đồng”, trong dụ ngôn.

Đến đây chúng ta dừng lại một chút, trần tình với nhau thực tế của bài chia sẻ, trước khi bàn đến vài tiền đề đã mở ở trên. Với giới hạn số trang của bài viết, các con hiểu cho, chúng ta không thể khai triển hết được ý nghĩa thiêng liêng của bài Phúc Âm. Cho nên, xin các con thông cảm khi không thể xem được trọn vẹn chi tiết dòng tâm tư của Chúa Thánh Linh gởi gắm nơi bài dụ ngôn, hay của cả hai bài đọc một và hai.

Tiền đề “mở” được nói đến ở trên, là có những người bề ngoài xem ra đang phục vụ cho Nước Chúa, có khi được Chúa chọn cho một vị trí quan trọng trong chương trình của Người, nhưng với thời gian lâu dài vẫn không có được sự sống thần linh nơi mình? Hay họ chỉ nhận và giữ được một phần ít ỏi nào đó thôi, để rồi họ sẽ được biến đổi cách hoàn thiện sau khi trải qua luyện ngục.

Những linh hồn này không tích cực tiến trên hành trình từ bỏ theo lời dạy của Chúa Giê-su: từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình. Họ để cho thế gian, thụ tạo và các anh xoay quần nơi chính mình, kéo vào đời sống tội lỗi, xa rời ơn thánh. Dẫu cho bề ngoài còn tồn tại trong khi phục vụ nơi vườn sự sống thần linh, cũng không thể hòa nhập vào đời sống thần khí. Những thứ ô uế, tạm bợ và chóng qua đó choáng chỗ, ngăn cản sức mạnh ân sủng và thần khí biến đổi mình. Giống như những cặn bả bị lưới lọc thần linh lọc lại, không để cho hòa vào đời sống thần khí thật sự tinh tuyền. Bởi thế cho nên, dầu có địa vị cao thế nào trước mắt người đời cũng không thể thăng tiến trong đời sống thần linh, nếu linh hồn không biến mình thành hạt giống mục nát cho đâm mầm sống mới.

Một tiền đề “mở” nữa.

Có những người Chúa mời gọi họ vào vườn sự sống thần linh, với nhiều kỳ vọng nơi họ. Mong ước họ có thể tiến xa trong ơn nghĩa Chúa, trên đường nhân đức, phát huy đời sống trọn lành. Nhưng họ hờ hững, nửa nạc nửa mỡ, sống cho mình một phần trên con đường phụng sự Chúa. Không đắm chìm trong tội lỗi, nhưng có hăng say phục vụ cũng vì vinh quang họ muốn mặc lấy cho mình, cho thỏa lòng mình chứ không phải để thỏa lòng Chúa. Nói cách khác đi, họ luôn bám víu tìm mình trên con đường đi đến với Thiên Chúa. Những linh hồn ở trong tình trạng như thế, không thể sống với nhịp bước thần khí. Ơn thánh nơi linh hồn không thể phát triển vì thiếu yêu thương, thiếu tình kính mến Chúa của họ. Kết lại, tâm linh họ tràn chứa quá nhiều những ngáng trở thiêng liêng, bởi thế họ ở trong vườn nhưng không tham dự vào sự sống thần linh.

Hai hạng người trên, cho dù có làm nhiều giờ trong vườn sự sống thần linh kết quả tối đa cũng chỉ có “một đồng” sau khi “làm việc nặng nhọc cả ngày và nắng nôi thiêu đốt”, tức là tình trạng phải trả lẽ trong luyện ngục.

Đến đây, ta nhận ra cách Chúa mời gọi những người làm muộn giờ về sau không còn theo lẽ công bằng nữa. Hay nói theo một ý nghĩa khác, là những người được chọn bởi lòng thương xót của Thiên Chúa. Người đi tìm họ, chọn họ vào những giờ không xứng để làm việc nữa, nhưng họ không vì sỉ diện, tự ái, không vì lẽ công bằng mà từ chối lời mời gọi. Họ sẵn sàng vâng theo tiếng gọi “làm vườn nho” của Thánh Linh mà không cần “thỏa thuận”, không lấy mình hay bất cứ lý do gì từ phía bản thân làm chủ đích cho việc chọn lựa. Họ vui lòng ở nhỏ mọn trong phận mình, nên ngay từ bước đầu, linh hồn phó thác cho lòng quảng đại của Thiên Chúa là “gia chủ”. Họ nhiệt tình phục vụ muộn màn vì may mắn được chọn, đối với họ được phục vụ trong vườn nho là một vinh dự; được phụng sự Thiên Chúa là phần phúc không hề dám ước mơ. Lòng khiêm hạ này làm cho linh hồn được ân sủng của lòng thương xót, và thần khí biến đổi nhanh chóng, rút ngắn thời gian cho xứng với vườn sự sống thần linh.

Hiểu rộng ra hơn, sau kỷ nguyên “thỏa thuận” của Thiên Chúa công minh, là kỷ nguyên của “lòng thương xót vô biên” Thiên Chúa nhân từ. Bởi thế, gia chủ gọi kẻ làm công cho vào làm vườn nho bất kể giờ nào, dù có rất muộn màn. Nói khác đi, Thiên Chúa mời gọi các linh hồn còn thành tâm thiện chí, còn sự thiện trong lòng, còn khát khao tìm kiếm cõi đời vĩnh cửu vào làm trong vườn sự sống thần linh. Để phận người mang gốc phận hư vô và nhiễm tội truyền, đều được biến đổi trong ơn cứu độ của Chúa cứu thế Giê-su.

Sự độc đáo của Thiên Chúa, là vườn sự sống thần linh không chỉ tồn tại ở đời này. Những người được đưa vào làm vườn nho thiêng liêng này, không chỉ là để phục vụ cho cơ cấu tổ chức hay thực hiện những nghi lễ bên ngoài. Mà qua tất cả những hiện thực tự nhiên đó, linh hồn được nhào nặn, cọ xát, trải nghiệm, biến đổi và được thánh hóa đến thăng hoa phận người trong sự sống thần linh. Nếu những ai sau khi kết thúc cuộc học biết và thi tuyển của đời mình, mà vẫn không đạt tiêu chuẩn, họ sẽ phải qua lớp khổ luyện ở đời sau. Mầu nhiệm thập giá đã hoàn tất nơi Đức Ki-tô Con Thiên Chúa, những ai tham dự vào sự sống thần linh của Người đều cũng phải hoàn tất mầu nhiệm thập giá nơi chính mình.

Những lời mời gọi của bài đọc một và hai, là để mở đường sắm sửa tâm linh cho đủ tiêu chuẩn vào phục vụ Nước Thiên Chúa. Giúp cho họ có những bước vững vàng vào sinh hoạt vườn sự sống thần linh của Chúa Ki-tô.

Khi chưa nhuần thấm được sự sống thần linh, chúng ta chưa thể hiểu câu này của bài đọc một bởi ơn khôn ngoan thần khí

Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta

Sự khác biệt giữa ý muốn của con người và Thiên Chúa vô cùng lớn, cho nên con người thường sai lầm khi đoán xét việc của Thiên Chúa và người của Chúa chọn. Dọn dẹp được ngáng trở thiêng liêng quan trọng này, linh hồn mới có thể nhanh chóng tham dự vào sự sống thần linh.  

Ở bài đọc hai, có hai chủ đề chính:

– Chết là một mối lợi. Linh hồn từng được tham dự vào sự sống thần linh sẽ tha thiết mong mỏi được về ở với Thiên Chúa hơn là mong muốn ở lại trần gian. Một nơi không cho ta thỏa lòng được chiêm ngưỡng Đấng Nguồn Sống và Hạnh Phúc.

Xem “chết là một mối lợi”, là cấp độ cao nhất của tình mến Chúa.

– Ở lại trần gian vì phần rỗi của anh em. Tinh thần này là mặt thứ hai của cấp độ cao nhất bởi tình mến Chúa. Rất yêu kính Chúa, nên linh hồn sẵn sàng chịu khó, chịu khổ thêm vì Chúa, để anh em được lợi về phần rỗi. Nhờ đó Chúa được vui, Chúa Giê-su được an ủi nhiều.

Có được hai tâm tình này như có được chứng chỉ đã hoàn thành xuất sắc việc thông phần sự sống thần linh.

Tình Yêu Hoa Cỏ

Nhìn ân phúc thay vì ghen tị

– Ngày mới vào nhà Dòng, Cha Giáo nhắc nhở chúng tôi hãy tập loại bỏ thói ghen tị. Cha gọi nó là “con quỷ ghen tương”. “Con quỷ” này nếu tồn tại sẽ giết chết tâm hồn con người. Nó khiến chúng ta luôn hướng về người khác với bao khó chịu bực bội. Ghen tị khiến chúng ta không nhìn ra được những điều tốt đẹp nơi bản thân để phát huy, để cống hiến, để tự hào và để tạ ơn.

Lời dạy của Cha Giáo không chỉ đúng trong cộng đoàn tu trì, nhưng  đúng cho mọi bậc sống.

– Chúng ta để ý lời của ông chủ trong câu chuyện Tin mừng hôm nay: “Anh em ghen tức vì lòng tốt của tôi sao?” Lời ấy chỉ ra thói xấu của con người qua muôn thời đại: ghen tị với người khác. Trong Chúa, ai cũng có phần. Và Chúa biết ai cần gì. Chúa ban cho mỗi người theo nhu cầu. Chúa cũng trao cho ta xứng với nhu cầu cần thiết lúc này. Sao chúng ta không biết tạ ơn và tận hưởng nhỉ?

– Có lẽ những người vào làm đầu tiên không ghen tị với lòng tốt của ông Chủ đâu. Họ đang ghen tị với người đồng loại, những người đến sau vào giờ thứ 3, 6, 9, và 11. Những người đi làm giờ đầu tiên sẽ rất vui nếu ông Chủ trả thêm tiền công cho họ. Nhưng họ đâu biết là họ đang có phúc hơn những người đến sau. Họ được đón nhận ngay từ đầu. Họ được chia sẻ sứ vụ với Chủ ngay từ giây phút đầu tiên. Nghĩa là họ được chia sẻ chính công việc và cuộc sống của Chủ. Điều ấy phải cao quý hơn một chút tiền công được cho thêm chứ.

– Chúng ta đang có gì? Anh chị em của chúng ta đang có gì? Vì sao chúng ta phải ghen tị như vậy? Có nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi này. Trong đó, con người không thể hiểu được tư tưởng của Thiên Chúa, hay nói cách khác, suy nghĩ của con người thì khác xa tư tưởng của Thiên Chúa, là lý do chính. Con người lấy sự ích kỷ của mình để đo sự rộng lượng của Thiên Chúa làm sao được? Con người lấy cái nhìn hạn hẹp, đóng khung của mình để so với cái nhìn bao quát và mở ra của Thiên Chúa làm sao được?

Vậy có cách nào giải thoát ta khỏi “con quỷ ghen tương” không? Chỉ khi ta sống trong Đức Ki-tô và nghĩ cho lợi ích của tha nhân. Đó là cách thế giải gỡ chúng ta khỏi thói ghen tị.

Xin Chúa giúp chúng con từng ngày sống, với cái nhìn rộng mở và nhận ra ơn ban của Chúa.

Xin Chúa giúp chúng con từng ngày sống, với cái nhìn ân phúc từ nơi anh chị em của con.

Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP

ĐỪNG SỐNG TRONG ĐỐ KỴ GHÉT GHEN

1. Ghi nhớ:

Chẳng lẽ Tôi không có quyền tùy ý định đoạt những gì là của Tôi sao? Hay vì thấy Tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức”. (Mt 20,15)

2. Suy niệm:

Một nông dân nọ được nhà Vua biết có đức độ và tài năng nên vời vào cung  phong cho làm tể tướng. Kể từ đó giới quan lại trong triều tỏ vẻ rất bất bình bực tức, họ than trách với nhau rằng:

 – Các vị thấy đó! Chúng ta theo hầu hạ, xả thân làm việc cho nhà Vua bao nhiêu năm qua nhưng cuối cùng, đối với nhà Vua chúng ta chẳng là gì cả! Đấng lẽ ra cái ghế tể tướng kia phải dành cho một người trong chúng ta! Đàng này lại trao cho một kẻ vô danh tiểu tốt!

Thế rồi vì ghen tương và đố kỵ, họ bèn liên kết với nhau để tìm cách hãm hại chống lại quan tể tướng. Việc đầu tiên họ làm là cắt cử ngay một toán lính tráng ngày đêm theo dõi gắt gao. Với mục đích là tìm cho ra bằng được những sai trái đê chống lại ông, rồi từ đó sẽ tố cáo ông trước mặt nhà Vua, để hạ bệ ông!.

Sau một thời gian giám sát, lính báo cáo rằng:

 – Vị tể tướng sống rất lành mạnh, giản dị và nhân đức. Tuy nhiên trong dinh quan tể tướng có xây một cái phòng kín mít. Khóa trái đêm ngày. Hàng tuần quan tể tướng mở cửa vào đó hồi lâu, sau đó  ra và khóa lại cẩn thận.

 Theo như lời báo cáo của đám thuộc hạ, các quan nghi ngờ, họ đoán già đoán non rằng: căn phòng khóa kin kia hẳn có thể là nơi cất giấu những của cải phi pháp, hoặc những tài liệu mật chống phá quốc gia! Thế nên họ quyết định tâu lên nhà Vua sự việc trên và đề nghị nhà Vua cho khám xét.

 Vua cho phép mở cửa. Người ta phát hiện trong phòng có một đôi giầy cũ, một bộ quần áo vá chằng vá chịt và một cái nón lá xác xơ!

Vua cho vời quan tể tướng đến để giải trình sự việc trên. Ông nói: 

– Tâu Đức Vua, trước khi vào kinh thành để nhận chức quan tể tướng, thân xuất thân chỉ là một nông dân hèn mọn, vô danh. Nhưng được ơn mưa móc của Đức Vua, nên mới có ngày nay. Thần lưu giữ những vật dụng kia để tự luôn nhắc nhở mình; phải biết thân phận mà sống trong khiêm tốn, hết lòng trung thành phụng sự Đức Vua và vương quốc của Ngài.

Nghe xong Vua vỗ tay và nói với bá quan văn võ:

 – Các khanh nên ghi nhớ những lời quan tể tướng vừa nói. Trẫm mong rằng,  từ nay các khanh hãy dẹp bỏ mọi ghen ghét tỵ hiềm, thương yêu đoàn kết với nhau để cùng Trẫm, chúng ta sẽ kiến tạo mội vương quốc thịnh vượng, hạnh phúc và tràn đầy yêu thương!

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta đừng sống trong ghen tương đố kỵ, mà hãy mở lòng ra sống cách cao thượng yêu thương. Trong cuộc sống thường ngày, khi chúng ta thấy có những người chung quanh mình được điều gì may lành, tốt đẹp thì thay vì mừng vui với họ chúng ta lại đem lòng ghét ghen tỵ hiềm, có khi còn hờn trách Chúa với những lời lẽ như: “Người kia tội lỗi vậy mà lại được Chúa thương ban nhiều ơn lành hơn mình!”. Chúng ta không biết được sự quan phòng mầu nhiệm nơi Thiên Chúa, vì: “Như trời cao hơn đất thế nào thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thể ấy”.

Chính Thiên Chúa là Đấng quan phòng an bài mọi sự. Ngài thương yêu ban cho mỗi người mỗi hoàn cảnh và khả năng khác nhau tùy theo thánh ý Ngài, kể được điều này, người có ơn kia, không ai giống ai.

Như vậy chúng ta phải tôn trọng quyên năng tối thượng của Thiên Chúa và cố gắng thực hiện ý Ngài: Đó là hãy sống trong tâm tình yêu thương như Ngài đã yêu thương. Để rồi chúng ta lấy niềm vui, hạnh phúc của người như niềm vui, hạnh phúc của chính mình. Như thế chúng ta mới có thể sống hài hòa biết vui với ai đang vui, buồn với ai đang khổ sầu.

Tâm hồn chúng ta sẽ được thanh thản thư thái khi đã trở nên giống Chúa, cao thượng và quảng đại, sẵn lòng nhường cho anh em những phần hơn, bởi vì biết rằng Thiên Chúa sẽ chẳng để cho chúng ta thiệt thòi bao giờ. Chúng ta cũng sẽ hân hoan vui mừng cảm tạ Thiên Chúa vì những ân lành mà Thiên Chúa đã ban xuống không những cho chúng ta mà còn cho những người anh em sống bên cạnh chúng ta nữa.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Đấng rất nhân lành, nhìn lại mình chúng con lấy làm hổ thẹn vì những nhỏ nhoi ích kỷ vẫn còn hiện diện nơi tâm hồn chúng con. Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con biết mở lòng thương xót anh em, mừng vui khi anh em gặp điều may lành, và biết chia sẻ khi anh em gặp sự khốn khó, để chúng con sống xứng đáng là những Ki-tô hữu, hầu có thể làm chứng nhân Thiên Chúa cho mọi người anh em. Amen.

4. Sống lời Chúa:

Quyết tâm sống vì mọi người, không sống ích kỷ.

Đaminh Trần Văn Chính

 MỤC LỤC 

1. Lòng nhân từ 

Anh chị em thân mến.

Sự ích kỷ và lòng ghen tỵ, làm cho con người mất hết lý trí nên đưa đến sự tàn ác. Câu chuyện cổ tích Tấm và Cám nói lên điều đó.

Trong một gia đình, đôi vợ chồng trẻ có được một người con gái xinh đẹp, nhưng người vợ không may mất sớm. Người chồng kết hôn với một người đàn bà khác, bà ta cũng có một người con gái. Tưởng rằng con mình có người để chơi đùa vui vẻ, nhưng không ngờ, những ngày gian khổ đến với tuổi thơ quá sớm. Người cha lo bận rộn công việc bên ngoài không biết con mình cực khổ như thế nào. Còn đứa con thì không dám nói điều gì: trước hết vì thương cha, không muốn cho cha phải lo lắng, đồng thời cô cũng bị hai mẹ con của nhà kia răn đe, nếu cho cha biết, họ sẽ hành hạ trả thù.

Việc gì đến cũng phải đến. Sự ích kỷ, lòng ghen tỵ thì lãnh phần của sự ích kỷ ghen tỵ. Sự nhẫn nại ngay thẳng thì được phần thưởng xứng đáng với những gì đã làm. Hai người làm điều ác hại người thì lãnh phần những gì mình gây ra. Còn người con gái nhân hậu thì lãnh phần thưởng xứng đáng của lòng nhân hậu.

“Nầy bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, bạn hãy lãnh phần của bạn mà đi về”.

Những người đã thoả thuận, nhưng giờ đây họ muốn hơn những gì mình thoả thuận, họ muốn hơn những gì mình đáng được. Họ nhìn vào người khác và họ tự cho mình có công hơn người khác. Họ nhìn vào những gì người khác được, nên họ muốn mình phải hơn những gì người khác có, vì họ cho mình có quyền như thế. Khi họ không được những gì mình muốn, họ tự cho mình quyền phê bình, chỉ trích, phán đoán người khác, ngay cả người có quyền trên họ mà họ cũng không hay biết. Khi đó họ chỉ còn nhìn thấy có bản thân mình, đòi hỏi lợi lộc riêng tư cho mình mà không cần biết đến người khác như thế nào. Họ phê bình người khác không công bình theo như họ muốn. Những gì họ thoả thuận, họ không còn biết đến. Họ muốn hơn cái mình đáng được, họ cũng muốn mình được hơn những gì người khác được, mà không cần biết mình có xứng đáng hay không.

“Nầy bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, bạn hãy lãnh phần của bạn mà đi về. Hay mắt bạn ghen tỵ vì tôi nhân lành chăng?”

Lời phiền trách của ông chủ trong dụ ngôn đối với những người ghen tỵ, cũng là lời phiền trách chung cho mọi người của mọi thời đại. Sự ích kỷ và lòng ghen tỵ vẫn tồn tại mãi trong con người, cả chúng ta nữa cũng không bị loại trừ ra cái thường tình của con người như thế.

Mỗi người trong chúng ta tự nhìn vào chính mình, nhìn qua những gì mình đã được, những gì chưa được mà đang ước muốn, nhìn vào cả những thực tại mà mình đang toan tính để đạt được. Có những điều mà mình quyết tâm đạt cho được những lợi nhuận, danh dự, những điều để thoả mãn tính tự phụ, nên dùng mọi thủ đoạn, mọi hành vi bất chính để đạt kết quả. Những lúc đó chúng ta có nói đến sự công bình trong cuộc sống không? Hay chúng ta không dám nói đến. Những lúc nhìn thấy người khác thành công mà mình thất bại, chúng ta cảm thấy khó chịu, bực mình. Càng khó chịu hơn khi thấy người khác không đạo đức, không tài năng, không có công trạng bằng mình, mà họ lại được ưu đãi hơn thì không thể nào chấp nhận được. Những lúc đó nếu chúng ta chịu bình tâm suy nghĩ và nhìn lại để đừng thốt nên những lời kêu ca phiền trách, thì thật là phúc cho chúng ta. Nếu chúng ta phiền trách thì coi chừng sẽ nhận được lời nói cứng rắng như trong dụ ngôn: “Nầy bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, bạn hãy nhận phần của bạn mà đi về”.

Những lúc chúng ta nhận được hồng ân Chúa, được thành công, đươc niềm vui bất ngờ, nếu chúng ta cảm nhận được mà biết tạ ơn Chúa thì thật là hạnh phúc cho chúng ta. Nếu chúng ta nhận ra được con người của chính mình không đáng là chi với những hồng ân Chúa ban, thì chắc là trong cuộc đời chúng ta không bao giờ dám kèo nài, trả giá và phiền trách Thiên Chúa của chúng ta được. Những lúc chúng ta không đạt được những gì như ý muốn, nếu chúng ta biết nhìn lại để cố gắng hơn với tất cả lòng chân thành, thì Thiên Chúa không bao giờ từ chối những gì phát xuất từ lòng chân thành.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người biết vui lòng chấp nhận thánh ý Chúa trong cuộc đời.  [Mục Lục]

2. Tình yêu, tiêu chuẩn của Thiên Chúa 

(Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương)

Theo quan niệm thông thường, thì ai làm nhiều sẽ hưởng tiền lương nhiều, ai làm ít thì hưởng ít. Thế nhưng câu chuyện trong Tin mừng hôm nay không như vậy. Người làm suốt ngày chỉ nhận được một đồng và người làm chỉ một giờ thôi cũng nhận được một đồng. Xem ra có vẻ bất công! Chủ vườn nho đó lại là chính Thiên Chúa. Điều này làm cho chúng ta ngạc nhiên. Ngay cả những người thợ làm từ giờ thứ nhất cũng đã lẩm bẩm trách chủ như thế là không đúng. Nhưng đó là cách thức hành động của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động khác với con người. Nói như ở bài đọc I là: “Vì tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của ta”.

Vậy thì dụ ngôn chủ vườn nho nói với chúng ta điều gì?

Trước hết dụ ngôn muốn nói với chúng ta rằng: – Thiên Chúa hành xử với chúng ta phải dựa trên sự công bằng nhưng là dựa trên tình yêu. Những người làm giờ thứ nhất được trả một đồng là theo tiêu chuẩn công bằng mà họ đã thỏa thuận. Nhưng những người làm giờ cuối cũng nhận được một đồng là theo tiêu chuẩn tình yêu.

– Dụ ngôn còn muốn nhận mạnh rằng: Nước Trời, Ơn cứu độ và ân sủng không phải là phần thưởng, là công trạng do công sức chúng ta làm nên, nhưng là quà tặng, là hồng ân của Thiên Chúa cho tất cả không có loại trừ ai.

Những người do thái thời Chúa Giêsu nghĩ rằng họ là những người thợ đầu tiên đáng hưởng một đồng, nghĩa là ơn cứu độ, còn những người khác thì không xứng đáng. Chúa Giêsu mang đến một sự mới mẽ qua dụ ngôn này là: Nước Trời, ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả, kể cả những kẻ đến sau cùng, những kẻ tội lỗi và cả những người nhỏ mọn nhất nếu họ biết lắng nghe lời mời gọi trở về và cộng tác với Thiên Chúa.

Sự “vô lý” của Thiên Chúa là cơ hội cho chúng ta

Như thế, cách thức hành động của Thiên Chúa có vẽ là ngược đời, là vô lý, khác với lí luận của chúng ta. Hay như Đức Hồng Y Thuận nói cách dí dõm là: Thiên Chúa không biết tính toán! Nhưng chính sự “vô lý” của Thiên Chúa lại là cơ hội, là lối vào đưa chúng ta tới Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa chỉ xét xử chúng ta theo sự công bằng thì chắc chắn chúng ta phải chết rồi vì chúng ta đã đắc tội với Ngài, chúng ta chẳng được quyền hưởng gì, vì chúng ta chẳng có công trạng gì với Ngài.

Nhưng nếu Thiên Chúa hành xử với chúng ta theo tiêu chuẩn tình yêu và lòng từ bi của Người, thì đó lại là hy vọng, là cơ hội cho chúng ta được cứu độ.

Vì thế, bất kỳ lúc nào, dù là giờ cuối cùng, bất kỳ hoàn cảnh nào, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng ta trở về, cộng tác với Ngài trong vườn nho của Ngài, và dù làm nhiều hay làm ít Thiên Chúa cũng ban ơn cứu độ, ân sủng cách dồi dào cho chúng ta theo lượng từ bi nhân hậu của Ngài.

Tất cả chúng ta cũng được mời gọi đi vào logic của Thiên Chúa, logic của Tinh Yêu, của lòng quảng đại. Nghĩa là hãy vươn tới tầm nhìn của Thiên Chúa, hãy mặc lấy tâm tình và cách cư xử của Đức Kitô, như thánh Phaolô hôm nay nói: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô”, để lượng giá cuộc đời, để nhìn đời và để đối xử với nhau cách lạc quan và vui tươi, hơn là dựa theo tiêu chuẩn tính toán, hẹp hòi ích kỷ, như những người thợ đầu tiên, thấy người khác thành công, được ưu đãi, may mắn là sinh ra ghanh tị và tìm cách đạp đổ. Vì bác ái là biết vui với người vui và khóc với người khóc. [Mục Lục]

3. Thiên Chúa quảng đại – Charles E. Miller 

(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’)

Ngày nay có một điều khẳng định lớn lao mà mọi người thợ, dù là nam hay nữ, nếu họ cùng làm một công việc như nhau, cùng một chất lượng như nhau sẽ được trả bằng nhau. Đó chỉ là sự công bằng. Ngay cái nhìn đầu tiên vào người chủ nợ trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, người đã trả cho các người thợ cùng một mức lương dù có người chỉ làm có nửa giờ. Bạn sẽ trả cho những người thợ cùng một mức lương nếu bọn họ làm cùng một thời gian.

Một cách để cắt nghĩa hành động lạ lùng của người chủ này, không hề có sự bất công trong việc trả lương cho những người thợ, từ lúc bắt đầu cho đến khi chấm dứt, họ đã đồng ý chấp nhận mức lương công nhật rồi. Không có sự bất công khi trả lương cho những người thợ làm đầu tiên vì họ nhận đúng những gì họ đã đồng ý. Và phần lớn chúng ta đều không cảm thấy thoải mái về dụ ngôn này. Chúng ta đã không thấu đáo vấn đề.

Một bước nữa để chúng ta nhận ra mình phải thích ứng thế nào với dụ ngôn này. Không có lý do nào để chúng ta nghĩ rằng, chúng ta là những người đã làm việc lâu giờ và nhiệt thành cho Chúa mà chúng ta lại được giới thiệu như những người làm giờ thứ nhất, khi họ nói: “Chúng tôi đã làm suốt cả ngày dưới cái nóng gay gắt”. Thật sự chúng ta đã làm gì cho Chúa nếu chúng ta so sánh chúng ta với những vị thánh lớn trong suốt nhiều thế kỷ vừa qua? Và như vậy chúng ta sẽ không có gì phàn nàn về dụ ngôn này nữa.

Vẫn còn có nhiều ý nghĩa hơn ẩn chứa trong dụ ngôn này, hơn những gì chúng ta có thể khiêm tốn và thận trong áp dụng cho chính mình. Ý nghĩa đó được tỏ lộ qua những lời của vị chủ vườn. Khi người thợ làm vào giờ thứ nhất phàn nàn với ông. Ông đã trả lời cách mạnh mẽ “Tôi không hề để cho anh bị thiệt hại”. Và tiếp đó ông thêm một câu hỏi khó trả lời: “Không phải tôi được tự do sử dụng tiền theo ý tôi sao?” Đối với câu hỏi này, những người công nhân sẽ không có cách trả lời nào khác ngoài việc gật đầu xác nhận. Nhưng người chủ vườn còn nói thêm một câu tỏ lộ điều cốt yếu của dụ ngôn này: “Hay là anh ghen tị vì tôi quảng đại chăng?”

Tóm lại, dụ ngôn này nói về sự quảng đại của Thiên Chúa. Thật sự là tất cả những người thợ, ngoại trừ người cuối cùng, không biểu thị cho một nhóm người nào trong dân chúng. Chúa Giêsu bao gồm những người thợ làm sớm trong dụ ngôn chẳng qua vì người muốn nhấn mạnh rằng, Thiên Chúa luôn luôn công bình nhưng quan trọng hơn là Người rất quảng đại. Thiên Chúa quảng đại với hết thảy mọi người cuối cùng vào vườn nho biểu thị cho hết thảy chúng ta.

Thiên Chúa ban phát ân sủng của Người cho mọi người. Chúng ta không cần phải cố gắng tìm hiểu tại sao một số người có vẻ như coi thường ân sủng của Thiên Chúa. Nỗ lực của chúng ta sẽ đặt vào việc nhận biết những ân sủng quảng đại của Thiên Chúa ban xuống trên chúng ta. Người đã ban cho chúng ta đời sống, gia đình, thế giới mà chúng ta đang sống và Người đã ban cho chúng ta đức tin công giáo. Tất cả những điều này đều là ân sủng, là đặc ân đến từ Thiên Chúa. Không có gì dù đơn sơ mặc lòng mà chúng ta có thể làm để đáng được hưởng phúc lành của Thiên Chúa.

Sự quảng đại của Thiên Chúa được biểu lộ trong suốt phụng vụ hy tế Thánh Thể. Người nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu của người con Thần linh của người. Chúng ta thú nhận sự bất xứng của mình: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con”, những vị thánh cao cả nhất cũng không xứng đáng với Thánh Thể, và các ngài còn không được hưởng dồi dào bí tích ấy như chúng ta. Sau khi chúng ta thú nhận sự bất xứng của mình. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với Người để lãnh nhận Mình và Máu Người trong đức tin.

Và nhờ đức tin đó mà chúng ta không bao giờ phàn nàn với Thiên Chúa như những người thợ đã làm đầu tiên, nhưng luôn luôn biết dâng lời tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa, Đấng cao vượt hơn cả trí tưởng cuả chúng ta là sự quảng đại của người dành chúng ta. [Mục Lục]

4. Đường lối của Thiên Chúa

(Suy niệm của John W. Martens – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8).

Đường lối của Thiên Chúa là gì? Suy tư về câu hỏi này, chúng ta thấy có hai nguy cơ trước mắt. Nguy cơ đầu tiên, là nhiều người sẽ cảm thấy khó chịu và không lý giải được, khi họ muốn biết xem Thiên Chúa hành xử thế nào, hoặc đòi hỏi điều gì nơi họ. Từ đó dễdẫn họ đến thái độ vô tín, không còn tin vào Thiên Chúa nữa. Bởi lẽ, nếu đường lối của Thiên Chúa đưa ra nhằm đánh đố con người, hay để lừa lọc những kỳ vọng nơi con người chúng ta, thì thử hỏi, còn tin vào Thiên Chúa để làm gì nữa. Nguy cơ thứ hai, là nhiều người khác lại quá cứng nhắc để dấn bước, tuyệt đối tin tưởng rằng đường lối Thiên Chúa đã vạch dẫn một cách quá rõ ràng qua mạc khải của Thánh Kinh, qua truyền thống của Hội Thánh, hoặc qua những chỉ huấn của Giáo hội. Họ không cần phải khám phá và tìm tòi. Họ cũng chẳng cần phải thắc mắc làm gì, vì đường lối của Thiên Chúa đã quá hiển nhiên và rõ ràng.

Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta đang toan tính quay lưng lại với Thiên Chúa, chúng ta vẫn bị cám dỗ muốn tinh giản đường lối Ngài qua một vài điều mà chúng ta nghĩ rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ thực hiện thánh ý Ngài giống như vậy. Khi chúng ta xác tín là mình đã thấu tỏ đường lối của Thiên Chúa một cách rõ ràng, chúng ta thường dễ dị ứng với ý tưởng cần phải sáng tạo hoặc cần mở lòng để Thiên Chúa có thể thực hiện một điều gì đó mới mẻ nơi chúng ta. Đồng thời, chúng ta hay có khuynh hướng giản lược mối thân tình của chúng ta với Ngài bằng một vài định thức có sẵn, chẳng cần phải phát huy sáng kiến hay tìm tòi. Ngôn sứ Isaia đã khuyên mời các đọc giả hãy sửa đổi quan niệm này. Ông nói “Hãy tìm Đức Chúa khi Ngài còn cho gặp, hãy kêu cầu Chúa khi Ngài còn ở gần bên. Kẻ gian ác hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương hãy bỏ tư tưởng mình đang có”. Trong mạch văn này, vị ngôn sứ có dụng ý nói về kế hoạch của Thiên Chúa muốn cứu Israel, và Thiên Chúa khẳng định “Tư tưởng của Ta, không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta”.

Khi đề cập đến việc đừngnên biến tướng đường lối của Thiên Chúa, và đừng cố tìnhlàm méo mó ý định của Ngài, Isaia muốn nhắc nhở dân Israel năm xưa, cũng như nhắn gửi chúng ta hôm nay một điều rất quan trọng. Đó là, khi chúng ta không thấu hiểu được cách thức Thiên Chúa hành động trong thế giới hay trong cuộc cuộc sống hiện sinh của chúng ta hôm nay, đan xen giữa bao hỗn độn và mơ hồ, chúng ta vẫn phải tin tưởng tuyệt đối rằng Thiên Chúa đang lèo lái, và dẫn dắt cuộc đời củachính chúng ta. Ngài vẫn đang thực hiện những kế hoạch mang lại thiện ích cho thế giới, và kéo mọi sự dữ ra khỏi cuộc sống của ta. Liệu chúng ta có xác tín như thế không? Đối với tất cả những ai nắm bắt được Thiên Chúa, đấng là căn nguyên mọi sự, thì họ sẽ cảm nhận ra Ngài luôn hiện diện và hành động trong cuộc đời này, ngay cả khi chúng ta không am hiểu đường lối Ngài.

Thánh Phaolô đã bị tống ngục, và chúng ta cũng không biết chính xác Ngài bị giam cầm ở đâu. Ở trong tù, Ngài đã viết một lá thơ cho giáo đoàn Philip. Trong thơ, Ngài đối diện với vấn đề là phải luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, ngay cả khi Ngài không hiểu Thiên Chúa muốn dẫn dắt Ngài đi đâu và đi như thế nào. Việc Ngài ngồi tù rồi sẽ ra sao, Ngài không biết. Những hành hạ và khổ nhục chốn lao tù xảy ra khiến Ngài có thể phải chết, nhưng Ngài vẫn tin tưởng rằng cái chết đối với Ngài là cửa ngõ dẫn đưa Ngài vào sự thông hiệp trọn vẹn với Đức Kitô, nên Ngài đã diễn tả “ Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Tuy vậy, dù Ngài mong muốn “chết để được nên một với Đức Kitô”, Ngài vẫn hy vọng “còn ở lại trong thân xác”, và Ngài thấy điều đó “cần thiết hơn, vì thiện ích của anh em”. Mong ước sâu xa nhất của Thánh Phaolô là Ngài muốn hoàn toàn quy thuận đường lối của Thiên Chúa, cho dù Ngài không hề biết thánh ý của Thiên Chúa muốn thánh nhân phải dấn bước theo nẻo đường nào.

Đặc biệt giữa cơn khủng hoảng và chao đảo trong tù ngục, sự khôn ngoan của Thánh Phaolô lại càng trổi trang hơn.Ngài đã nhắn nhủ giáo đoàn Philip một phương thức sống rất giản đơn, là“Anh em hãy ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng Đức Kitô” (Phil 1,27). Để thực hiện điều đó, chúng ta phải chuẩn bị hầu biết chấp nhận dấn bước trên những nẻo đường dẫn đến những nơi mà chúng ta không muốn đến, nhưng những nơi đó vẫn luôn vang vọng lời mời gọi của Thiên Chúa gửi trao cho chúng ta.

Tin mừng Matthêu kể lại dụ ngôn về Nước Trời, qua hình ảnh ông chủ vườn nho đi tìm thợ đến làm vườn cho mình. Vài người thợ được mướn vào buổi sáng từ 6 giờ, hay từ 9 giờ. Một số khác được mướn trễ hơn, vào ban trưa, hoặc xế chiều, lúc 3 hoặc 5 giờ chiều. Tất cả đều được trả công đồng đều, giống hệt nhau, cho dù họ bắt đầu làm việc vào nhữngthời điểm khác nhau. Dụ ngôn có đá động đến việc Thiên Chúa đối xử không công bằng. Lời cằn nhằn của những người thợ được mướn từ sáng sớm, nêu bật ý nghĩa trọng yếu của dụ ngôn: Đó là, lòng quảng đại của Thiên Chúa trao ban cho những người thợ bắt đầu làm việc vào lúc muộn giờ, không tương hợp với cách xử trí thông thường theo kiểu cách người đời. Nhưng nếu đọc kỹ dụ ngôn, chúng ta có thể trách cứ những người thợ đến làm từ sáng sớm. Họ ghen tỵ không đúng cách, vì những người thợ được mướn rất muộn màng, cho dù hầu như suốt cả ngày họ không làm gì, song thực chất họ vẫn đứng đó để chờ đợi trong sẵn sàng. Họ xứng đáng được thưởng công, bởi vì họ vẫn chăm chú đợi chờ, ngay cả khi niềm hy vọng của họ chỉ còn rất mong manh.

Đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người. Tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta luôn biết sẵn sàng trải lòng mình ra để Thiên Chúa thực hiện những điều mới mẻ, theo cách thế của Ngài, chúng ta sẽ tìm ra được lối bước mà Thiên Chúa muốn dẫn đưa chúng ta đi vào. [Mục Lục]

5. Tôi đâu có bất công

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Trong dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15), chúng ta đã từng thấy thái độ của người con cả nổi giận không chịu vào nhà, vì anh thấy cha tỏ ra quá bao dung đối với đứa em hư đốn, chẳng những cha tha thứ mà còn mở đại tiệc ăn mừng.

“Đã bao năm con hầu hạ cha? thế mà chưa bao giờ? còn thằng con của cha đó… Vậy mà…”

Anh thấy mình bị cha đối xử bất công!

Trong dụ ngôn trên đây, người làm sớm cũng cằn nhằn vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng.

Cả hai dụ ngôn đều phản ánh một căng thẳng có thực do việc Đức Giêsu thường giao du với tội nhân. Ngài quý trọng từng con chiên lạc, đem đến cho họ niềm vui sống và sự tự tin. Ngài mời họ hoán cải và hứa ban cho họ Nước Trời.

Như thế, rốt cuộc những người Do Thái tội lỗi cũng được hưởng hạnh phúc như các ông Pharisêu suốt đời tuân giữ chi li Lề Luật.

Người Pharisêu bị sốc vì thái độ của Đức Giêsu. Họ cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Khi nhìn thái độ bực bội của người làm từ sớm, chúng ta hiểu được thế nào là ghen tỵ.

Người làm sớm cằn nhằn ông chủ vườn nho không phải vì ông đã đối xử bất công đối với họ (họ vẫn được trả đủ tiền lương mà), nhưng vì ông đã trả cho người làm sau ngang hàng với họ, là những kẻ vất vả suốt ngày. Nếu ông trả cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu.

Người ghen tỵ không vui được với người vui vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không phải là bạn, nên sự thành công của ai đó trở thành nỗi đe dọa.

Đức Giêsu mời chúng ta đổi cái nhìn về Thiên Chúa.

Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ.

Ngài có trái tim để tự do yêu, có lòng tốt để bất ngờ trao tặng, Thiên Chúa là Thiên Chúa của người trộm lành, là chủ của người thợ chỉ làm có một tiếng.

Thiên Chúa công bình lại là người cha đầy yêu thương.

Đức Giêsu cũng mời ta đổi cái nhìn về tha nhân, bớt tự hào về mình, thêm trân trọng người khác, phá bỏ những hàng rào của nhỏ mọn, ghen tương.

Đến khi nào người con cả mới chịu vào nhà để niềm vui của cha, của em là của anh?

Đến khi nào người làm từ sáng sớm biết chia vui cùng người mới làm buổi chiều?

Đến khi nào tôi mới thật sự vui với người kế bên chỉ vì người ấy là bạn tôi?

Gợi Ý Chia Sẻ

Cain vì ganh tỵ đã giết em là Aben. Người ganh tỵ vừa hủy diệt người khác, vừa huỷ diệt chính mình. Có khi nào bạn nuôi lòng ganh tỵ, ghét ghen không? Làm sao để ra khỏi thái độ đó?

Bạn thấy “vui với người vui” dễ hay khó? Có khi nào bạn vui trước thành công của một người bạn hay của một người mà bạn không ưa?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con. [Mục Lục]

6. Công bằng hay bác ái?

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong cuốn sách mang tựa đề: “Người đó, chính là bạn”, cha Louis Evely đã kể một câu truyện sau đây:

Trong một vở kịch, nhà đạo diễn Jean Anouilb đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung theo như ông tưởng: Những kẻ lành đang đứng trước cửa vào thiên đàng, chật ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp, sốt ruột… Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xì xầm với nhau: “Hình như Thiên Chúa cũng tha thứ cho mấy người đứng bên kia nữa”. Thế là họ lại phải một mẻ ngẩn người ra. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được. Họ la ó, phản đối. Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì phải hy sinh khó nhọc cả đời…”. “Tôi mà biết vậy thì tôi đã ăn chơi cho đã đời…”. Gan mật họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc Thiên Chúa và cũng chính lúc đó, họ bị đày xuống hỏa ngục.

Cha Louis Evely giải thích: ‘Giờ phán xét đã điểm: họ đã tự xét xử lấy họ, đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc của Chúa. Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ đã từ chối không nhận tình yêu: “Tôi từ chối không chấp nhận cái thứ thiên đàng mà người ta vào như chợ. Tôi phản đối Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng như thế”. Vì họ không thích Tình Yêu nên họ không nhận ra được Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu mới làm những chuyện như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng để đón nhận những chuyện bất ngờ như vậy”.

Cũng thế, thưa anh chị em, có lẽ ai trong chúng ta cũng bị chưng hửng trước cách ứng xử của ông chủ vườn nho mà Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu diễn tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn giới thiệu với chúng ta. “Tại sao ông chủ lại trả công cho mọi người bằng nhau, người chỉ làm có một giờ cuối ngày cũng được lãnh tiền bằng người đã làm trọn ngày nắng nôi nặng nhọc? Có phải ông chủ bất công hay không?”. Câu trả lời của ông chủ làm cho những công nhân và chúng ta phải ngạc nhiên thán phục: “Này anh, tôi đâu có xử bất công với anh. Anh đã chẳng thỏa thuận với tôi công nhật là một đồng sao? Cầm lấy phần của anh mà đi đi! Tôi không muốn cho người làm sau chót cũng được bằng anh. Tôi không có quyền làm thế sao? Hay anh ganh tị vì thấy tôi đối xử rộng rãi tốt lành với những người khác?”. Quả thật, Thiên Chúa hành xử không theo sự công bằng của con người, nhưng theo lòng thương xót và tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta khám phá được một điều quan trọng là suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa khác xa với suy nghĩ và hành động của chúng ta. Ngôn sứ Isaia đã nói rõ: “Chúa phán: tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta: Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu”.

Thưa anh chị em,

Nếu cứ theo lẽ công bằng thường tình của loài người chúng ta: người làm nhiều sẽ lãnh lương nhiều, người làm ít sẽ lãnh lương tí, thì hỏi rằng, người làm một tiếng đồng hồ sẽ được bao nhiêu tiền để đủ nuôi sống gia đình, con cái, đang túng thiếu, nghèo đói? Chính vì thương xót, thông cảm cảnh nghèo đói, thất nghiệp của các công nhân và vì muốn cho mọi người có công ăn việc làm, mà ông chủ đã mời gọi mọi người thất nghiệp vào làm việc bất cứ giờ nào, và đã trả lương cho mọi người bằng nhau, người đến sau cũng như người đến trước. Câu trả lời của ông chủ vườn: “Hay anh ganh tị vì thấy tôi đối xử rộng rãi, tốt lành với người khác?”đã vạch ra tâm địa ích kỷ, hẹp hòi của nhóm công nhân làm từ đầu ngày. Lời đó cho thấy chính họ mới là kẻ bất công, vì không chấp nhận cho người khác có quyền sống hạnh phúc như họ. Tâm địa xấu xa của họ càng làm nổi bật lòng nhân nghĩa cao vời của ông chủ. Ông không đối xử với người ta theo tương quan buôn bán, tính toán, nhưng theo tương quan tình nghĩa và mời gọi người ta bắt chước cách đối xử tình nghĩa của ông.

Anh chị em thân mến,

Cách ứng xử của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn chính là cách ứng xử của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa của chúng ta hành động như thế đó. Thật là rộng lượng, nhân từ! Ngài mời gọi những người thu thuế, những người bị xã hội loài người khinh chê, loại trừ, những người tội lỗi, vào Nước Trời một cách rộng rãi, cho không, chẳng phải vì công trạng gì xứng đáng của họ. Người công chính, đạo đức, đừng vì thế mà ganh tị kêu trách Chúa bất công, giống như những người Biệt Phái Pharisêu đã kêu ca trách móc Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa đón nhận tất cả mọi người không trừ mộ ai, vì bản chất của Ngài là Tình Yêu. Chúng ta thường làm ngạc nhiên và bị “sốc”trước cách hành xử Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta cũng có những phản ứng như những công nhân làm việc giờ đầu tiên hoặc như những kẻ lành trước cửa Thiên Đàng trong vở kịch Ngày phán xét chung của nhà đạo diễn Jean Anouilh: “Sao! Những tên đã sống một cuộc đời bừa bãi, bê bối, lung tung kia cũng được Chúa tha sao? Thậm chí những kẻ đã bách hại đạo Chúa, nếu sau này ăn năn hối cải, cũng xứng đáng được hưởng Nước Trời như người Kitô hữu nhiệt thành cả đời sao? Tên gian phi bị treo trên thập giá bên cạnh Chúa Giêsu cũng được vào Thiên Đàng sao?” (x.Lc 23,43).

Thiên Chúa chúng ta như thế đó! Thật rộng lượng, nhân từ. Quả thật đường lối của Ngài khác hẳn đường lối ti tiện, hẹp hòi của chúng ta. Chúng ta hay so đo, tính toán, đánh giá từ sự so sánh của chúng ta. Chúng ta nhìn người khác với những cái-họ-có-hơn-mình hay cái-mình-không-có, để bực tức, ghen ghét. Nhiều khi chúng ta nhân danh công bằng để đối xử hẹp hòi, khắt khe, độc ác với kẻ khác. Công bằng là mức độ thấp nhất của bác ái. Công bằng mà không có bác ái là tàn nhẫn, là vô nhân đạo. Phải vượt hơn mức tối thiểu của công bằng, chúng ta mới có thể đối xử bác ái, tình nghĩa với nhau được, cuộc sống mới chan hòa tình người, đầy niềm vui và hạnh phúc.

Với những ai hay so đo, tính toán với anh em, Thiên Chúa sẽ cứ theo luật công bằng mà xét xử; còn những ai rộng rãi, biết thương xót người, thì sẽ được Ngài xét xử theo lòng nhân từ xót thương. Thiên Chúa luôn luôn tuyệt vời hơn những gì con tim nghèo nàn của chúng ta có thể tưởng tượng. Ước gì trái tim chúng ta trở nên giống như trái tim của Thiên Chúa Tình Thương. Chính trong tình thương, chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa. [Mục Lục]

7. Công bằng hay lòng thương xót?

Anh chị em thân mến,

Bài dụ ngôn chúng ta vừa nghe, kể lại chuyện ông chủ vườn nho sáng sớm ra chợ để mướn người vào làm cho ông. Một chuyện khá lạ là: không phải tất cả thợ đều được gọi vào làm ngay từ sáng sớm. Có nguời vào lúc giữa trưa; có người đến xế chiều mới vào làm, chỉ làm một giờ trước khi kẻng báo giờ nghỉ thôi. Vậy mà mọi người đều được lãnh như nhau: một đồng. Ta phải nói rõ: lương một ngày công của thợ là tương đương một đồng. Vậy nên những người làm ít giờ vừa khỏe lại có lợi, vì vẫn được một đồng. Còn nguời làm quần quật từ sớm cũng chỉ được như vậy. Do đó họ cằn nhằn cho là ông chủ không công bằng. Thực ra ông chủ cắt nghĩa thế nào? Kính mời anh chị em cùng suy niệm…

a/. Có hai hạng người chúng ta cần lưu ý:

* Ông chủ mướn công thợ: Bài dụ ngôn cho thấy, ông chủ rất quan tâm chuyện kêu gọi thợ đến làm vườn nho cho mình. Rõ ràng từ sáng sớm, ông đã ra đón thợ, mời họ vào làm vườn nho cho ông. Ông đã thỏa thuận với họ lương một ngày công là một đồng. Sau đó, lúc trưa, lúc xế ông lại ra, và gặp ai ông cũng mời họ vào làm cho ông. Rồi lúc 5g chiều, ông lại ra nữa, cũng thấy có mấy người đứng không đó, không có công ăn việc làm. Ông ngạc nhiên hỏi: Sao các anh ở không nhưng cả ngày như vậy? Họ trả lời: vì không ai mướn chúng tôi cả. Nghe vậy ông lại mời họ vào làm cho ông, dù họ chỉ làm có một giờ mà thôi. Cuối cùng khi hết giờ làm việc, ông cho phát tiền công; mỗi người đều được một đồng như nhau. Chính vì chuyện trả tiền công đồng đều như thế mà ông chủ bị phàn nàn…

Ở đây ta lại nhận thấy việc này: điều ông chủ quan tâm không phải là công việc, mà là những người khốn khổ, những người thiếu sống. Rõ ràng ông chủ quan tâm họ, vì họ không có việc làm, và ông sợ họ không kiếm đuợc tiền hàng ngày, để nuôi sống gia đình họ. Chuyện gọi họ vào làm công cho ông, chỉ là cái cớ, để ông trợ giúp kẻ thất nghiệp không công ăn việc làm. Như vậy ông chủ vườn nho cư xữ theo lòng thương xót, không phải theo lối công bằng sòng phẳng ở đời….

* Các người làm công ganh tị: Như trên đã nói, vì ông chủ thương xót nguời thất nghiệp, nên đã trả công cho một đồng, bằng lương cả ngày công lao động; tuy họ chỉ làm có một giờ thôi. Lối cư xử đầy lòng thương xót này đã vấp phải lời dị nghị của những con người chỉ quen thứ công bằng gắt gao, vị kỷ, sẵn sàng loại trừ kẻ yếu thế, cô thân. Rõ ràng lòng thương xót của ông chủ vượt xa lẻ công bằng; nó không cần đong đo xem có tương xứng không, giữa cái cho và cái nhận, cũng không cần nhìn đến sự thiệt hơn, chỉ nghĩ đến sự khốn cùng của con người, để cứu giúp không so đo tính toán…

b/. Chúa Giêsu muốn nói gì qua dụ ngôn này?

Dĩ nhiên, ông chủ ở đây chính là hình ảnh của Thiên Chúa; các người làm công ganh tị, là hình ảnh các pharisêu, luật sĩ. Họ đang phẩn nộ vì Chúa quan tâm đến hạng thu thuế, gái điếm, dân ngoại, đó là những người bị họ liệt vào hạng tội lỗi; trong khi xem ra Chúa đánh giá các luật sĩ, biệt phái thấp quá… Qua dụ ngôn này, Chúa nhắc khéo họ như lời Thánh vịnh: “Chúa công minh trong mọi đường lối, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm”. Thiên Chúa không phải là ông quan tòa thưởng phạt chính xác, cũng không phải ông chủ tính toán chi li, cũng không phải ông thầu trả lương sòng phẳng, mà Người là Thiên Chúa lấy tình thương mà đối xử với con cái. Con cái nào Chúa cũng thương, nhưng đứa con Chúa thương hơn chính là vì nó bệnh tật, yếu ớt, đần độn…Cha thương con vì đó là con của Cha, không vì con đã làm cho Cha điều này điều nọ. Đứa con bệnh hoạn tật nguyền, Cha lại yêu hơn… Dụ ngôn này là một mạc khải sâu xa về lòng nhân hậu của Thiên Chúa, vì “tình yêu thì vượt xa lẽ công bằng…”

Câu chuyện: Có một người giáo dân hỏi cha sở: Thưa cha, con phân bì với anh trộm lành, người cùng chết với Chúa trên đồi Golgotha đó, vì Chúa hứa cho anh ta về thiên đàng ngay ngày hôm đó với Chúa. Anh trộm lành rõ ràng là một tên cướp với đủ thứ tội. Vậy mà Chúa hứa cho anh ta lên thiên đàng ngay với Chúa. Con không phục đâu. Cha sở cười hỏi lại: Vậy có phải nếu anh là Chúa, anh sẽ nói với anh trộm lành: “Tôi không quên anh đâu; nhưng còn vào thiên đàng hả? Chắc còn lâu quá! Vì anh phải đền tội trong luyện ngục cái đã chứ! Rồi sau đó mới lên thiên đàng đuợc.” Có phải anh muốn nói thế không?: – Anh giáo dân cười nói: “Dạ phải vậy chứ! Anh ta là tay cướp khét tiếng, tội nào mà không có..” Cha sở nói: “Vậy rõ ràng anh không phải là Chúa rồi, cho nên anh đâu hiểu được đường lối của Chúa. Người ta thì đòi công bằng, nhưng Thiên Chúa lại cư xử bằng tình yêu. Chính tôi cũng không hiểu được Chúa nhiều về điểm này; nhưng tôi chỉ biết tình yêu và lòng thương xót của Chúa thì vượt xa lẽ công bằng mà thôi…

c/. Gợi ý sống và chia sẻ:

Mỗi người kitô hữu chúng ta đều được Chúa mời gọi vào làm cùng chung một việc là: làm trong vườn nho của Chúa, vào các thời điểm khác nhau. Thực ra Chúa không cần ta làm nhiều hay ít; điều quan trọng là ta có sẵn lòng làm cho Chúa trong tin yêu, khiêm tốn, quảng đại không ganh tị, cộng tác với mọi người không? [Mục Lục]

8. Công bằng của lòng từ nhân

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

“Mấy người sau chót chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”.

Câu nguyện dụ ngôn về tiền công trả cho các người làm vườn nho, nói gì thì nói, vẫn khó nuốt trôi, nhất là khi ta tự đặt mình vào tư thế các lao động nhóm một đã làm lụng vất vả suốt 12 tiếng ròng. Lời ông chủ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn…” xét về diện pháp lý thì không ai chối cãi được, nhưng vẫn còn đó một điều gì không mấy ổn, đăng đắng trong ruột gan… Ít nhiều ta vẫn còn thấy lời phàn nàn của đám thợ làm sớm có phần nào chính đáng. Nếu Nước Trời giống như câu chuyện này thì quả thật nó hàm chứa một điều gì quá bất thường và có phần nào khó hiểu lắm đấy.

Hầu như mọi tôn giáo đều tuân thủ cặn kẽ qui luật nhân quả, có nguyên nhân thì phải có hậu quả, ai làm thiện thì gặp lành, còn ai làm ác thì phải gặp dữ. Kể cả người Công giáo cũng thường được dạy, và đi tới xác tín như đinh đóng cột: nếu làm việc lành phước đức nhiều thì công phúc trên thiên đàng sẽ rất lớn, còn nếu sống tội lỗi và làm điều dữ thì sẽ bị trầm luân trong hỏa ngục đến muôn đời muôn kiếp. Đó là lẽ công bằng, đó là luật nhân quả quá hợp lý đã in sâu vào tâm khảm không dễ gì xóa nhòa; ngay cả đôi lúc nếu có xuất hiện một vài luật trừ ra ngoài định luật này, ta cũng còn thấy khó chấp nhận.

Khi kể câu chuyện dụ ngôn về ông chủ trả lương các người làm công theo cách thức đó, chắc hẳn Đức Giêsu chủ tâm cho thấy: một đàng công bằng vẫn được tôn trọng, “Tôi đâu có xử bất công với bạn…”, trong khi đó có một yếu tố ‘cào bằng’ rất lạ xuất hiện để trở thành nét đặc trưng của Nước Trời đang đến; “Tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng bằng bạn đó…” Thoạt tiên ‘cào bằng’ xem ra như đạp đổ tính công bằng của luật nhân quả, thưởng phạt, và đó là lý do của sự giận dữ kêu trách của những kẻ lẽ ra phải được coi trọng hơn. Tuy nhiên chính sự vô lý đó lại mời gọi ta khám phá ra nét độc đáo có một không hai đứng đàng sau Tin Mừng: “Tôi tốt bụng”, Thiên Chúa nhân lành, Ông Chủ đầy từ tâm.

Qua câu chuyện dụ ngôn Đức Giêsu đang vẽ lên hình ảnh một Thiên Chúa – Cha của Người khác xa hình ảnh Đức Chúa của Cựu Ước, khác xa với Ngọc Hoàng truy xét con người với tầm sét Thiên Lôi. Sự công bằng của Tin Mừng là công bằng của lòng từ nhân và thương xót. Nếu không thấu hiểu và chấp nhận sự công bằng này, sự công bằng mà chỉ một mình Đức Giêsu mới có thể mạc khải bằng cả cuộc sống và cái chết của Người, thì có thể cả tôi nữa cũng sẽ phải cằn nhằn ghen tức Thiên Chúa mà thôi: “Mấy người sau chót chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Và nếu Nước Trời chính là công bằng của lòng từ ái (tốt bụng) thì đúng là lúc đó tôi sẽ bị liệt vào hạng ‘những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót…’ Thật đáng tiếc, những người thợ của giờ thứ nhất đã không khám phá ra điều này để phải cằn nhằn với chủ và ghen tức với đồng bạn. Lẽ ra họ đã phải rất tự hào và sung sướng vì đã được diễm phúc làm lụng cho Ông Chủ tốt bụng suốt 12 tiếng, trong khi tiếc cho các bạn khác vì chỉ được gần gũi phục dịch Ngài trong một thời gian quá ngắn ngủi như thế.

Nếu không khám phá ra Thiên Chúa ‘tốt bụng’ của Đức Ki-tô, niềm tin và việc giữ đạo của Ki-tô hữu chúng ta cũng có nguy cơ trở thành một chuỗi những ‘công việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. Chúng ta cũng sẽ rất dễ dàng phàn nàn và ghen tức khi thấy rằng mình, bất chấp các nỗ lực sống luân lý cách gương mẫu, cũng chẳng được ưu đãi hay nhận được ân huệ gì hơn những kẻ ‘tội lỗi và dân ngoại’ khác.

Khi áp dụng qui luật này vào chính mình, nhiều khi tôi cũng cảm thấy vui sướng và hãnh diện tạ ơn vì nhận được các ân huệ đặc biệt như trở thành tu sĩ, linh mục… vì cho rằng đó là phần thưởng xứng đáng cho những cố gắng tu luyện của mình; đồng thời những khi gặp thử thách gian nan tôi cũng dễ dàng chao đảo và mất lòng trông cậy. Thi thoảng khi thoáng nhận ra Thiên Chúa tốt bụng với kẻ khác… tôi cũng rơi vào tình trạng “hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” Chính vì thế mà tôi vẫn thấy rất lý thuyết và xa vời cái tâm tình tạ ơn không ngừng của Ki-tô hữu; ‘tất cả đều là hồng ân’ không gì hơn một khẩu hiệu đầu môi chóp lưỡi… vì nhiều lúc tôi đâu có tìm thấy một lý do nào để mà cảm tạ. Ôi thật đáng thương cho tôi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, và Tin Mừng tôi sống sẽ chỉ là một nửa dang dở!

Lạy Chúa từ nhân, con không muốn là người thợ ‘đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót’. Xin ban cho con ơn huệ vĩ đại là không ngừng nhận biết Chúa là Ông Chủ công bằng giầu lòng xót thương, nhờ đó con sẽ có khả năng cảm tạ Chúa không ngừng trước bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống mình; và vui mừng vì nhận ra Chúa xót thương hết thảy mọi người, nhất là những kẻ thấp hèn và tội lỗi. Xin hãy giúp con luôn biết khiêm tốn dâng lời ca khen lòng nhân hậu Chúa không ngừng. Amen. [Mục Lục]

9. Tất cả đều lãnh mỗi người một đồng

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Hôm nay chúng ta bắt đầu chu kỳ ba dụ ngôn về vườn nho của Chúa Giêsu. Chúa nhật 25, những người thợ sẽ vào làm vườn nho. Chúa nhật 26, hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho, và Chúa nhật 27, những người tá điền muốn giết con ông chủ vườn nho.

Bước vào trong sự thân tình của Chúa

Trong Kinh Thánh, cây nho có một ý nghĩa sâu sắc. Nó là biểu tượng của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài (Is 5, 1-7; Gr 2, 21; Ez 15, 4). Câu “hãy đi làm vườn nho ta” (Mt 20, 4) được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong ba dụ ngôn, theo truyền thống câu này muốn nói: “Hãy đi vào trong Giao ước…Hãy đến chia sẻ Giao ước với ta”.

Chúa Giêsu tự khẳng định mình là cây nho: “Thầy là cây nho thật” (Ga 15, 1-5). Chúng ta được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa, được sẻ chia công việc với Chúa, có ý nói, chúng ta dù sớm hay muộn cũng bước vào trong thân tình với Chúa, sống với Chúa. “Hãy đi làm vườn nho ta” còn có nghĩa là “Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25, 21). Từ đây chúng ta mới hiểu được một đồng mà ông chủ trả cho người đến trước cũng như người đến sau là đồng nào.

Đồng lương yêu thương

Dụ ngôn những người làm thuê được mướn làm việc trong vườn nho qua những giờ khác nhau, tất cả lãnh lương giống như nhau là một đồng bạc, đã gây nên một khó khăn cho những người đọc Tin Mừng. Chúa nói với những người làm công: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng” (Mt 20, 4). Có người hỏi: Xứng đáng ở đây là xứng với cái gì? Khi có hai cái bằng nhau, hoặc cái này xứng với cái kia được coi là xứng đáng. Vậy đâu là tiêu chuẩn để Chúa Giêsu trả công xứng đáng? Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhất là những người đến làm việc trước hết vì tiêu chuẩn trả công của ông chủ. Cách hành xử của ông chủ có chấp nhận được không? Không xúc phạm đến nguyên tắc đền bù xứng đáng sao?

Khó khăn phát xuất từ một sự sai lầm. Vấn đề đền bù được qui chiếu về sự đời đời, Thiên Chúa “sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm” (Rm 2, 6). Thiên Chúa nhân lành, Ngài có cách tính không giống chúng ta: “Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55, 8). Thiên Chúa ban cho con người cái mà Ngài cho là tốt nhất. Tiêu chuẩn của Ngài là tấm lòng, tiêu chuẩn của chúng ta thường là lý trí, và dĩ nhiên không luôn luôn đúng.

Trong dụ ngôn, mức lương được trả là một đồng. Đây là đồng đracmơ; hay đồng đờ-nhê, là thuế mà mỗi Người Do Thái phải nộp vào Đền Thờ Giêrusalem mỗi năm cho việc bảo trì, hoặc đồng “xtate” tiền cổ Hy-lạp là đồng được thánh Phêrô dùng để nộp thuế Đền thờ, phần của ngài và của Chúa Giêsu. Mỗi người nhận được một đồng, có ý nói đến mức lương của một ngày làm việc, một cái gì đó để sống trong ngày như bánh mì chẳng hạn.

Để nhận ra “điểm chính” trong dụ ngôn, chúng ta phải để ý đến qui chiếu của Chúa Giêsu ở đây về một tình huống cụ thể. Đồng bạc duy nhất được trả cho tất cả là nước Chúa, Chúa Giêsu đã mang xuống thế vì yêu thương thế gian. Dụ ngôn bắt đầu: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình” (Mt 20, 1). Như vậy, Nước Trời là chủ đề chính và là bối cảnh của dụ ngôn.

Đồng lương ơn cứu độ phổ quát

Một lần nữa, vấn đề về ơn cứu độ của người Do thái và dân ngoại, hay của kẻ lành và những người tội lỗi được đặt ra, trước ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang đến. Mặc dầu chỉ vì nghe huấn giáo của Chúa Giêsu mà người dân ngoại (những kẻ tội lỗi, những người thu thuế, những người đĩ điếm, v.v.) quyết định theo Chúa, trong khi trước lúc đó họ còn đứng đàng xa (nhàn rỗi). Vì ý định theo Chúa mà họ sẽ không có chỗ bậc hai trong vương quốc. Họ cũng sẽ ngồi cùng một bàn như những người khác và hưởng đầy đủ những của cải thời cứu thế.

Chúa Giêsu không cung cấp chúng ta một bài học về đạo đức xã hội, nhưng là bài học về tình yêu của Thiên Chúa với hết mọi người: “Từ sáng sớm, cho đến giờ thứ ba, giờ thứ sáu và thứ chín”.

Không có ai là quá muộn để vào Nước Trời. Tất cả những ai chưa khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn được Ngài mời gọi mọi người nam nữ trong mọi giờ và ở mọi lứa tuổi đi làm vườn nho của Chúa! Đây là lời kêu gọi phổ quát. Đó là vấn đề kêu gọi hơn là vấn đề thưởng. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về ơn cứu độ đời đời của chúng ta.

Có nhiều người cần cù, chịu khó, luôn sẵn sàng làm việc nhưng “không ai thuê”; họ nhàn rỗi vì thiếu việc làm và không có người mướn, lòng nhiệt thành đang có sẵn, có tiếng gọi thuê, họ lên đường mà không có sự mặc cả giá tiền như những người trước. Ông chủ đánh giá công việc của họ cách khôn ngoan và trả công cho họ bằng những người khác. Ý muốn nói, dù hoán cải vào “buổi sáng, giờ thứ ba … và thứ mười một giờ” đi chăng nữa, thì hết thảy mọi người đều được đón nhận … anh trộm lành được lên Thiên đàng “vào giờ thứ mười một” anh thực sự là người được mời gọi vào giờ sau hết và trở thành người đầu tiền vào Nước Trời: “Thật hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng với ta” (Lc 23, 43). Chúa không kết án kẻ trộm, Chúa bày tỏ lòng nhân lành của mình; họ đi làm, nhưng “không ai thuê” (Mt 20, 7), nếu người ta không thuê anh, anh “hãy đi làm vườn nho ta” (Mt 20, 4).

Điều mà chúng ta gán cho Thiên Chúa là không xứng đáng với Thiên Chúa, và điều Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt quá công trạng của chúng ta: “từ người đến sau hết tới người đến trước hết đều lãnh mỗi người một đồng”. Chúng ta không thể trách lòng tốt của ông chủ, vì không thấy gì sai trái trong cách ông hành xử. Ông trả cho mỗi người theo như thỏa thuận và thể hiện lòng thương xót như ông muốn: “Nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao?”

Một huấn giáo khác có thể rút ra từ dụ ngôn. Ông chủ biết rằng những người làm thuê giờ cuối cũng có những nhu cầu như bao người khác, họ cũng có con cái phải nuôi ăn, như những nguời làm thuê giờ thứ nhất. Khi trả cho mọi người đồng lương y nhau, ông chủ chứng tỏ rằng ông không xét theo công trạng cho bằng theo nhu cầu. Ông chứng tỏ rằng ông không những công bằng, mà còn “tốt lành”, quảng đại và nhân đạo. [Mục Lục]

10. Vì tôi tốt bụng – Lm Nguyễn Cao Siêu

Suy niệm:

Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giêsu

ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:

“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.

Họ sẽ được xét xử các chi tộc Israel, được gấp trăm về mọi sự,

và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).

Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,

một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.

Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.

Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,

nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.

Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,

thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.

Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.

Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.

Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ông chủ độ lượng”.

Trong thế giới thời Đức Giêsu, người ta mướn thợ buổi sáng

và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).

Lương công nhật là một quan tiền (denarius),

tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.

Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.

Ông chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.

Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)

lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.

Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,

còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).

Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.

Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường

với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.

Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)

cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.

Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,

“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).

Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.

Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ

để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.

Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.

Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả

khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.

Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.

Bất công nằm ở chỗ làm nhiều, làm ít, nhận lương như nhau.

Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,

vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.

Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,

những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.

“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).

Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh:

đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.

Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,

người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.

“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn

với tài sản của tôi sao?” (c. 15).

Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.

Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.

Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).

“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).

Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,

ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.

Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,

đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.

Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.

Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.

Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.

Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.

Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban

hơn là một sự trả công hay phần thưởng.

Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.

Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.

Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.

Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.

Ông chủ vườn nho thương cả những người

đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.

Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?

Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?

Chắc chẳng được bao nhiêu.

Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.

Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,

“những người không được ai mướn” (c.7),

những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,

những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.

chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.

Những người này khác với những người làm từ sáng,

biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.

Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hĩ.

Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.

Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,

kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…

Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên

vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,

quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.

Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người

mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.

Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.

Người còn thấy cả thời gian chờ.

Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.

Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,

Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,

vì lòng tốt của Ngài không sao hiểu được.

Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.

Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.

Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.

Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen. [Mục Lục]

11. Lòng tốt của Thiên Chúa 

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn “Christi Fideles Laici” về ơn gọi và và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới: “Những thành phần giáo dân trong dân tín hữu Chúa Kitô… hình thành nên Dân Chúa có thể được so sánh với những người làm trong vườn nho được nhắc tới trong Tin Mừng Matthêu…“Anh cũng đi vào vườn nho”…Tiếng gọi là một quan tâm không những cho các Mục tử, các giáo sĩ, những người nam và nữ tu sĩ. Tiếng gọi được gởi tới mọi người; những người giáo dân thường cũng được Chúa kêu gọi đích danh, từ Người họ nhận lãnh một sứ vụ vì Giáo Hội và vì thế giới” (số 1-2).

Dụ ngôn “ thợ làm vườn nho” với hình ảnh ông chủ vườn nho năm lần đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau chứa đựng một huấn giáo thiêng liêng: lòng quảng đại vượt trên lẽ công bình,Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng tốt của Ngài.

“Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông…”. Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật.

Chúa Giêsu đã quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày.

Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên.Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau.

Ở Do thái một ngày bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều:

– 3 giờ là 9 giờ sáng

– 6 giờ là 12 giờ trưa

– 9 giờ là 3 giờ chiều

– 11 giờ là 5 giờ chiều

  1. Lòng ghen tị

Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt lúc 12 giờ tức là 6 giờ chiều. 5 giờ chiều ông chủ còn ra thuê nhân công. Những người làm từ giờ 11, họ chỉ làm việc 1 giờ là nghĩ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động 12 giờ. Vậy mà cuối ngày khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai thiệt thòi: kẻ khác làm 1 giờ mà họ 12 giờ, kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, họ làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng của miền Địa Trung Hải. Họ hụt hẫng và khó chịu với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không là bạn. Vì vậy, sự thành công của ai đó đã trở thành mối đe dọa, ghen tức.

Lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Cain ghen tị với em trai là Aben chỉ vì lễ vật của Aben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật của Cain bị khước từ. Lòng ghen tị đã xui khiến Cain giết em. Đavít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt, cứu nguy cho dân quân Ítraen bằng cách giao chiến một chọi một với tên Gôliát khổng lồ thuộc phe Philitinh, hạ gục y chỉ bằng một phát ná bắn đá và dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Thế rồi quân Ítraen thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân Philitinh thù nghịch. “Khi Đavít thắng trận trở về, phụ nữ từ hết mọi thành của Ítraen kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Saun, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ ca hát rằng: “Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn”. Thế là từ lúc ấy, lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Saun, khiến nhà vua phóng giáo vào Đavít đang khi Đavít gảy đàn cho vua nghe. May thay Đavít kịp né mình thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, vua lùng sục Đavít tận thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy. (1Sam 17-18).

Lòng ghen tị làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh em bạn bè. Lòng ghen tị còn xui khiến người ta làm hại nhau, làm cho xã hội chậm tiến và kém phát triển.

  1. Lòng tốt

Ông chủ trả lương như vậy có bất công không? Chắc chắn là không vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông trả lời: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức?

Đây là điểm chính của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành.Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ 11 không phải là do công bình. Đồng bạc ấy là do lòng tốt của ông ban tặng.

Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời kỳ khác nhau. Thợ làm giờ thứ 11 là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp Nước Trời. Các thợ cằn nhằn là nhóm Pharisiêu, Luật sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời.

1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính Đức Giêsu nhấn mạnh là Thiên Chúa rộng rãi vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa trả công không làm thiệt hại ai, luôn công bằng.

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những qui tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi tình yêu của mình. Ngài hào phóng trong tình thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo.

  1. Sứ điệp

Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”, cho thấy rõ sự trái ngược giữa lòng tốt của gia chủ và lòng ghen tị của những người thợ vào vườn nho từ sáng sớm. Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, còn chúng ta thì khép chặt lại không muốn tiếp nhận ai. Thiên Chúa nhìn thấy sự đáng thương của những người chưa được làm con cái Ngài, còn chúng ta chỉ nhìn những người anh chị em này một cách tiêu cực và vênh vang cho rằng mình tốt hơn họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu với người khác. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa ban cho những khả năng khác nhau. Người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa, Chúa không hỏi: con đã làm những gì, làm ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng mến, mến Chúa và yêu thương tha nhân. Con đã yêu mến Thầy và tha nhân không? Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Đó là cung cách sống đạo đền đáp hồng ân.

Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng.

Như thế, có một sự khác biệt lớn giữa kiểu sống đạo dựa trên hồng ân và kiểu giữ đạo nhằm vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận “giữ đạo” để được “lên thiên đàng”. Nhưng người ta cũng có thể “sống đạo” chỉ vì muốn đền đáp một chút nào hồng ân bao la của Thiên Chúa. Kiểu giữ đạo theo công trạng sẽ làm cho người Kitô hữư trở thành “nô lệ”, thành “kẻ làm công”. Cách sống đạo như một hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình.

Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo hội qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo hội, mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa yêu thương. Đã là yêu thương thì không còn đứng trong ranh giới công bình.Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian. [Mục Lục]

12. Nếu bạn yêu thương bạn sẽ biết Thiên Chúa 

Làm sao không ghét ông chủ là người nhạo báng những người thợ can đảm khi trả công (trước mặt họ!) cùng một số tiền với những người chỉ làm việc có một tiếng đồng hồ được? May thay các nhà chú giải giúp chúng ta nhận ra hai bài học của dụ ngôn khó hiểu nhưng đẹp đẽ này.

Trước tiên dụ ngôn này cho thấy lòng tốt của Thiên Chúa, một lòng tốt vô cùng, không tính toán và làm cho phỉ nguyện. Thiên Chúa muống trao ban Tin Mừng cho tất cả mọi người, Ngài muốn mở rộng cuộc sống vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Thí dụ cuối cùng về người thợ vào giờ thứ mười một chính là ngươì trộm lành trên thánh giá nhận được mức lương rất lớn: “Hôm nay ngươi sẽ được ở cùng ta trên thiên đàng”.

Nhưng dụ ngôn cũng nhằm vào chúng ta: “Bạn hãy coi chừng khi người ta nói rằng Thiên Chúa tốt lành đến mức đó. Nếu bạn khó hiểu thì có lẽ chính bạn là người không tốt”.

Cốt lõi của dụ ngôn này nằm ở câu hỏi của ông chủ nói với kẻ không bằng lòng: “Có phải anh ganh tỵ hay không?”. Cái nhìn của người thợ lành nghề đối với những người bạn quá may mắn thì không có thiện cảm: “Đừng đối xử với những người đến trễ như đối xử với chúng tôi”.

Một lần nữa, Chúa Giêsu muốn thay đổi những người Pharisêu. Ngài biết họ nghĩ rằng: “Chúng tôi làm việc nhiều vì Thiên Chúa”. Điều đó không sai, nhưng từ trên sự tin chắc này họ xét rằng việc Chúa Giêsu quan tâm đến những kẻ xấu xa, những người thu thuế và những người mại dâm là điều không thể chịu đựng được. “Làm sao ngài dám đối xử với họ cũng tốt và thậm chí còn hơn cả chúng ta nữa? Một luât sĩ hay lui tới với hạng người này thì có gì để nói với chúng ta về Thiên Chuá cơ chứ? Người đó biết gì về Thiên Chúa?”

Này nhé, thật sự kẻ nào đó biết đến lòng tốt của Thiên Chúa thì biết tất cả về Ngài. Chúa Giêsu muốn mạc khải lòng tốt này và Ngài đụng chạm với những người nói với Ngài: “Không, không phải hiểu Thiên Chúa như thế đâu”. Có lẽ có điều gì đó kỳ lạ trong phản ứng này, nhưng nếu chúng ta suy nghĩ về thái độ của chúng ta thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng tin vào lòng tốt tuyệt vời và phổ quát của Thiên Chúa thì khó hơn là chúng ta nghĩ.

Không gì ngăn nổi, nhúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương những người tốt lành nhiều nhất, ghét những người hoài nghi, và thế là chúng ta xét đoán nhân danh Ngài vị linh mục này hoặc người nọ thì độ lượng. “Quan tâm đến những người liêm chính tốt hơn là lân la trong gia đình này hoặc nơi những kẻ vô lại kia”.

Một người ly dị tái hôn nói với tôi: “Trong những cộng đoàn Kitô giáo chúng ta không có nhiều tình thương bao nhiêu”. Một phụ nữ đã lập gia đình với một linh mục không thể chịu đựng nổi: “Nếu bạn biết được tôi bị ruồng bỏ như thế nào”. Và trong chính trị, có cái nhìn kỳ cục về những “người không suy nghĩ cho đúng đắn” biết bao!

Một số người sẽ nói hoan hô, chúng ta sẽ chấp nhận bất cứ cái gì. Hoan hô những người đến vào giờ thứ mười một và những tên trộm lành! Thiên Chúa yêu thương mọi người chứ? Thế thì chúng ta đừng mất công tuân giữ đạo đức làm cái gì nữa.

Còn phải bỏ công sức, cần phải có những người thợ vào giờ thứ nhất. Họ thật may mắn đã được Thiên Chúa nhanh chóng tuyển dụng một cách bình thản. Nhưng Ngài yêu thương những người đến cuối cùng làm sao! Họ sẽ chứng tỏ rằng việc luôn luôn ở gần Chúa đã làm cho họ nhận biết Ngài và tình yêu của Ngài. Than ôi! nếu họ cứng rắn đối với những người đến trễ và những người lầm lạc, họ cố gắng không bao giờ bỏ lễ, thì họ vẫn ở xa Thiên Chúa. Thánh Gioan nói: “Ai không yêu thương, kẻ ấy không nhận biết Thiên Chúa”. [Mục Lục]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *