Bài hát và Suy niệm (15.10.2023 – Chúa Nhật XXVIII Thường Niên năm A)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

NL: ĐI VỀ NHÀ CHÚA

ĐC: CHÚA CHĂN NUỐI

HALL: Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a. Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Ha-lê-lui-a.

DL: LỜI THIÊNG

HL: TÌNH CA VÔ TẬN

KL: HOA MÂN CÔI

Lời Chúa: Is. 25, 6-10a; Pl. 4, 12-14.19-20; Mt. 22, 1-14


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt. 22, 1-14)

 1 Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng : 2 “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ : ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng : Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi : kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ : ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy : ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch : ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’.”

CHUYỆN BỮA TIỆC

– Khi cuộc sống còn nghèo, có được bữa tiệc thì rất quý. Người được mời dự tiệc thì vinh dự. Chủ tiệc và khách mời rất trân trọng bữa tiệc. Vị trí ngồi của khách trong bữa tiệc cũng được chú ý cách cẩn thận. Giờ giấc của buổi tiệc cũng được diễn ra đúng lúc.

Bây giờ có vẻ khác xưa. Tiệc tùng quá nhiều khiến người ta ngại bữa tiệc. Người được mời cũng chẳng hứng thú. Người đến dự tiệc chỉ vì tương quan qua lại. Những người đáng kính cũng chẳng thích thú khi được mời ngồi lên “mâm trên”, vì chỉ khổ thân với dàn âm thanh đùng đùng. Rõ mệt! Chẳng thế mà không ít người tìm cách thoái thác.

– Câu chuyện Tin mừng diễn tả Nước Trời như một tiệc cưới. Bữa tiệc này được Nhà Vua tổ chức cho con trai mình. Khách mời ban đầu rõ ràng đã được chọn lựa. Họ là những người đã được ưu tiên. Nhưng vào phút chót, chính khách mời lại từ chối hiện diện. Họ có những lý do của riêng mình. Bữa tiệc của Vua không là quan trọng.

Chính trong bối cảnh này, bữa tiệc được mở ra cho tất cả mọi người. Thật đáng mừng! Nước Trời không giới hạn. Ai cũng được mời vào trong.

Tuy nhiên, Bữa Tiệc Nước Trời vẫn có điều kiện. Đức Vua hỏi: “Sao anh không mang y phục lễ cưới”. Đó là điều kiện. Vào trong phòng tiệc, không đương nhiên đã xong.

– Giáo hội của Đức Giêsu mở ra cho mọi dân nẻo đường chắc chắn dẫn vào Nước Trời. Qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã thuộc về Giáo hội Chúa. Nhưng không vì thế mà chúng ta đã an tâm là “nắm vé” vào Nước Trời. Chúng ta được mời gọi “mang y phục” của bữa tiệc. Nghĩa là chúng ta sống xứng đáng với những gì Giáo hội dạy.

Bữa tiệc nhân gian có thể chúng ta từ chối. Đôi lúc, chúng ta tham dự cách miễn cưỡng.

Bữa Tiệc Nước Trời thì khác. Chúng ta hãy mau mắn tham dự. Cơ hội đang mở ra cho những ai nhiệt thành, sẵn sàng.

Tôi đã làm gì để được gọi vào dự tiệc? Nhiều người được gọi.

Tôi đã làm gì để được chọn dự tiệc muôn đời? Người được chọn thì ít.

Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP

BỮA TIỆC BỊ TỪ CHỐI

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn về một bữa tiệc của nhà vua bị từ chối nghe thật trớ trêu. Mọi người được mời không đếm xỉa tới, nhất loạt chối từ không đến dự tiệc, bằng đủ lý do của thế trần khiến họ không thể tham dự tiệc. Đối với họ, bữa tiệc này chẳng thể quan trọng bằng hiện trạng cuộc sống của họ. Có kẻ lại còn bắt các đầy tớ, người mời khách cho vua mà sỉ nhục và giết chết. Đầy tớ trở về báo lại sự việc, chủ nhà nổi cơn thịnh nộ, lên kế hoạch khách mời khác cho bữa tiệc đã bị… “ế”: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” (Mt 22, 8-9).

Người đời thường suy tính khi mời khách, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Khách mời càng thế giá thì chủ càng “trân trọng kính mời”. Đằng này ông chủ giục mời khắp nơi công cộng, từ đường phố đến đường làng ngõ xóm, bất luận xấu tốt. Ông chủ cho mời tá lả những người nghèo, bần cùng đầu đường xó chợ, bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt… (gồm những ai đón nhận Người).

Quả thật, Chúa luôn canh cánh tấm lòng yêu thương tất cả, không trừ ai. Vậy mà bao người đã từ chối dự tiệc vì đủ thứ lý do như dụ ngôn trên đây. Dân Do Thái xưa cũng như một số người Kitô hữu hôm nay từ khước dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Lời mời dự tiệc chuyển sang cho dân ngoại.

Cuối cùng phòng tiệc cũng đầy ắp khách mời. Những khách mời này thực sự có thiện chí chân thành với lòng khát khao được no thỏa, nên họ cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời, họ hoán cải, đổi thay tận gốc rễ. Còn những người dự tiệc Thánh Thể như nhàm chán, theo thói quen chẳng thấy đói khát gì nữa, lại đói khát những “thứ khác” hoặc đã chứa đầy những “thứ khác” rồi không còn đói khát chi, không màng gì tới bữa tiệc này.

Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia cũng từng loan báo bữa tiệc hậu đãi của Thiên Chúa: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế. (Is 25, 6).

Chúa ơi! Chúa chính là Bàn Tiệc trong Lời Chúa và Thánh Thể. Nơi đâu có Chúa ở đó có bàn tiệc. Khi con kết hợp với Chúa là lúc con đang dùng tiệc. Chính Chúa là bàn tiệc cho con được no thỏa bình an trong mỗi phút giây.

Én Nhỏ (Huynh Đoàn Gp. Hưng Hóa)

SẴN SÀNG Y PHỤC ĐỂ DỰ TIỆC CƯỚI.

1. Ghi nhớ:

Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?”.

2. Suy niệm:

Trong một lớp học giáo lý thiếu nhi. Giáo lý viên dặn dò các em:

Ở  vào tuổi các em bây giờ, các em phải tập tành các nhân đức; tại nhà thì vâng lời, giúp đỡ cha mẹ, đến lớp thì siêng năng chăm học, nghe lời thầy cô, không được nói dối, không được chửi thề, không lấy đồ dùng của bạn, không hút thuốc, không chửi nhau, đánh lộn…Khi các em giữ được như thế thì các em cứ tưởng tượng đi: các em giống như thiên thần đang khoắc trên mình một tấm áo trắng tinh đẹp đẽ. Ngược lại nếu các em sống buông thả; nói tục, cãi lộn đánh nhau,ghen ghét, làm biếng. ăn gian nói dối thì các em ra  xấu xí đen đủi; giống như… Đang thao thao đến đây. Glv chợt phát hiện trò Tý ở cuối lớp đang chọc ghẹo bạn bè, nên gọi.

 – Tý, đứng lên. Nãy giờ em có nghe chị nói không?

– Thưa có.

– Vậy em hãy xét mình xem em trắng hay đen?

Tý đưa tay lên gãi gáy rồi nói.

– Thưa chị, em không trắng mà cũng chẳng đen! Em khoang khoang sọc sọc giống như con ngựa vằn, chị ạ!

Cả lớp cười rộ. Glv lấy thước kẻ gõ xuống mặt bàn rồi nói:

– Các em giữ yên lặng. Đề nghị Tý nghiêm túc và nghe chị hỏi đây:

– Em hãy cho chị biết khi hiện ra tại Fatima. Đức Mẹ nhắn nhủ nhân loại những điều gì?.

– Thưa chị; Một là: Ăn năn cải thiện đời sống, hai là: Tôn sùng Mẫu Tâm và ba là: Siêng năng lần hạt Mâm côi!

– Khá lăm, chị khen và nói tiếp:

– Các em thân mến. Khi chúng ta lãnh Bí tích Thanh Tẩy, sau nghi thức đổ nước xong thì đến nghi thức trao áo. Cha chủ sự sẽ trao áo trắng cho tân tòng và nói: “ Anh(chị) đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Đức Ki-tô. Vậy anh(chị) hãy nhận lấy chiếc áo trắng này hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước tòa Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta để anh(chị) được sống muôn đời”.

Đến đây chị glv gọi Tý lên và đưa cho một tràng chuỗi, xoa đầu Tý và nói:

– Em về nhà chịu khó mỗi ngày ráng lần hạt năm chục kinh nhé. Chị ước mơ rằng sau này em sẽ trở thành một con ngựa trắng.  Một con “Bạch Mã” em nhé!

Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lại việc Thiên Chúa kêu gọi dân riêng của Ngài là dân tộc Do Thái tham dự tiệc cưới nước trời. Nhưng dân Do Thái đã khước từ. Thế nên Thiên Chúa đã kêu gọi tất cả mọi người, mọi dân tộc trên khắp trần gian này đến để tham dự tiệc cưới nước trời. Trong số những người được mời gọi đó có chúng ta.

Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội là chúng ta đã được thông dự vào Bàn Tiệc Nước Chúa. Chúng ta được mặc lấy Đức Giê-su Ki-tô như là một tấm áo trắng, tinh tuyền để dự tiệc cưới và chúng ta phải gìn giữ tấm áo ấy mãi mãi sạch trong, đừng để vết nhơ tội lỗi làm hoen ố. Với tấm áo ấy hằng ngày khi chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta cũng được kêu mời rước Chúa Giê-su Thánh Thể vào trong tâm hồn của mình. Việc rước Chúa Thánh Thể hàng ngày như là một dấu chỉ hết sức tốt đẹp. Như là một bước chuyển tiếp rất cần thiết để mai sau chúng ta mới có thể tham dự bàn Đại Tiệc Cưới Vĩnh Cửu trong nước hằng sống trên thiên đàng.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con nhận thức được rằng chúng con rất là diễm phúc và vinh dự vì đã được Chúa mời gọi tham dự bàn tiệc cưới nước trời, cho dù chúng con hèn mọn bất xứng. Xin cho chúng con luôn ý thức và tôn trọng hồng ân cao cả này, mà ra sức giữ gìn “chiếc áo trắng tâm hôn”  luôn luôn trong sạch. Để mỗi ngày chúng con có thể rước Chúa vào lòng, để sau khi cuộc sống trần thế này qua đi, chúng con được Chúa đón vào Nước Chúa để hưởng Tiệc Vui muôn đời. Amen.

4. Sống lời Chúa:

Luôn cố gắng giữ gìn, và làm chủ ngũ quan, và nếu có vấp phạm, mau mắn chạy đến Tòa Cáo Giải để tẩy trắng tâm hồn.

 

Đaminh Trần Văn Chính (Huynh Đoàn Gp. Long Xuyên)

***

 MỤC LỤC 

 1. Làm việc lành

2. Chiếc áo cưới

3. Lời mời gọi

4. Dụ ngôn tiệc cưới – R. Veritas

5. Mặc lấy Chúa Kitô – Lm. Ignatiô Trần Ngà

6. Lời mời dự tiệc

7. Tiệc cưới Nước Trời – Thiên Phúc

8. Cần một tấm lòng

9. Nếu cuộc sống thiếu tình yêu?

10. Ăn Bánh Trường Sinh

11. Tiệc cưới, áo cưới – Radio Veritas Asia

12. Y phục tiệc cưới

13. Tiệc cưới đã sẵn sàng

1. Làm việc lành 

Câu chuyện vừa nghe đối với chúng ta có phần nào khó hiểu.

Tại sao một ông vua làm tiệc cưới cho hoàng tử, mà các khách mời lại đồng loạt từ chối, không tới dự? Có thể là Chúa Giêsu đã sử dụng một câu chuyện có sẵn, đang được loan truyền trong dân gian. Câu chuyện ấy như thế này: Có một người thu thuế, nhờ làm mà ăn phất lên mau chóng, nên cũng muốn học làm sang, nên đã mở tiệc và cho mời đông đảo khách khứa. Vì không muốn để cho người thu thuế, vốn dĩ bị mọi người coi rẻ, lợi dụng sự hiện diện của mình tại nhà y để huênh hoang. Tất cả những người được mời đã nhất loạt từ chối không đến.

Chúa Giêsu đã từng cho thấy là Ngài không ngần ngại sử dụng những câu chuyện dân gian để cho chúng ta hiểu về thái độ của Thiên Chúa. Thực vậy, các khách được mời dự tiệc cưới, đã được thông báo nhắc nhở tới hai lần nhưng chẳng những đã không tới, mà có người lại còn hành hạ và giết cả những người được chủ sai đi mời. Như thế khách được mời đã không tới, chẳng phải vì quên hay vì bận việc khác, mà hoàn toàn vì ác ý. Hậu quả là họ đã bị trừng trị vì thái độ của họ.

Thay vào chỗ của họ là tất cả mọi người mà các đầy tớ của nhà vua có thể gặp được ở khắp cả ngã đường. Tất cả mọi người đều được mời không phân biệt người tốt kẻ xấu. Chúng ta có thể hiểu chi tiết này bằng hai cách: hoặc là trong Nước Trời, trước ngày phán xét, kẻ tốt người xấu lẫn lộn như cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Hoặc là Thiên Chúa qua lòng nhân lành của Ngài, đã mời gọi mọi người nhất là những kẻ tội lỗi vào dự tiệc mừng của Nước Trời.

Thế nhưng ám chỉ của dụ ngôn xem ra khá rõ. Vị vua làm tiệc cưới cho hoàng tử là Thiên Chúa, Đấng sẽ thực hiện chương trình cứu độ. Những người được mời trước là các thành phần của dân được tuyển chọn, nghĩa là người Do Thái. Nhưng họ đã khước từ lời mời gọi của các tiên tri và cuối cùng là của chính Chúa Giêsu. Những người được mời gọi lần thứ hai, từ khắp các ngã đường, tượng trưng cho mọi dân tộc, không phân biệt cũ mới, nguồn gốc. Như thế dụ ngôn cho thấy diễn tiến của chương trình cứu chuộc. Sự khước từ của người Do Thái đối với giáo huấn của Chúa Giêsu, việc những người tội lỗi và những người không phải là dân Do Thái được đón nhận Tin Mừng của Ngài là những dấu chỉ cho thấy thời cứu độ đang thực sự diễn ra.

Tuy nhiên, phần cuối của dụ ngôn, có thể là do cộng đoàn tiên khởi thêm vào, lại là một lời cảnh cáo đối với các tín hữu. Chiếc áo cưới mà những người dự tiệc phải mặc tượng trưng cho lòng tin, cho niềm vui, cho sự công chính, nghĩa là những việc lành luôn luôn được thánh Matthêu nói tới. Lời kêu gọi của Chúa không phải là không có những đòi hỏi. Chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ từ tình thương của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa cũng đòi hỏi chúng ta phải sống ơn cứu độ đó bằng cách làm những công việc tốt lành, để nhờ đó chúng ta xứng đáng được Chúa cho vào tham dự bàn tiệc Nước Trời.  [Mục Lục]

 

2. Chiếc áo cưới

Không ai biết đích xác được là con người đã bắt đầu biết may mặc từ thời nào, nhưng chắc chắn là rất xa xưa. Cái mặc đã đi theo cái ăn như là một trong hai cách thế hiện thân độc đáo của loài người, và ngay từ sớm, nó đã vượt ra ngoài cái ý nghĩa sở đẳng là một vật dụng để che thân cho kín đáo, cho ấm áp, hầu mang lấy những ý nghĩa khác có tính cách văn hoá, kinh tế, chính trị và tôn giáo.

Thực vậy, cái áo có thể cho chúng ta biết được giai cấp, địa vị, nghề nghiệp, và thậm chí đến cả tư cách và tính tình của một người. Người nông dân nghèo không ăn mặc như một cậu công tử thành phố. Ông quan không mặc như người lính, thầy tu không mặc như dân thường. Người con gái nết na kín đáo thì không thích ăn mặc hở hang khêu gợi. Người khiêm tốn không ăn mặc loè loẹt phô trương. Cái áo do đó có một vai trò, một ý nghĩa quan trọng trong đời sống con người. Vì thế mà Chúa Giêsu đã sử dụng nó như một hình ảnh để nói lên cái tư cách của một người công dân Nước Trời.

Bài Tin Mừng vừa nghe ghi lại hai dụ ngôn. Dụ ngôn tiệc cưới và dụ ngôn chiếc áo cưới. Hai dụ ngôn này, nguyên thuỷ có lẽ đã được Chúa Giêsu nói trong hai trường hợp riêng biệt, nhưng đã được Matthêu chắp lại thành một đề tài chung vì thấy có liên hệ với nhau.

Dụ ngôn thứ nhất ám chỉ dân Do Thái là dân hai lần được mời gọi tham dự tiệc cưới, nhưng họ đã từ chối và không những thế, họ còn sát hại những sứ giả của Thiên Chúa. Bởi đó cuối cùng, Ngài lại sai các sứ giả đi khắp các ngả đường để mời gọi tất cả mọi người, không phân biệt tốt xấu. Tuy nhiên lời mời gọi ấy đã được đưa ra với điều kiện là phải sám hối, phải hoán cải, phải đổi đời.

Sám hối, hoán cải hay đổi đời được diễn tả qua dụ ngôn chiếc áo cưới, là dụ ngôn thứ hai đã được ghi lại. Như chúng ta đã nói cái áo không phải chỉ là một đồ dùng để che thân mà còn là một trang phục, nghĩa là một phương tiện tô điểm, đánh giá con người, nói lên địa vị, nghề nghiệp cũng như tư cách của một con người. Đã hẳn tuyệt đối mà nói, cái áo không làm nên thầy tu, nhưng bình thường thì thầy tu vẫn có cái áo của thầy tu. Nhưng lính có cái áo của người lính hay ít ra thầy tu không được ăn mặc loè loẹt diêm dúa.

Ngoài ra cái áo còn là điều kiện để cho con người nhập cuộc với tha nhân: không ai ở trần và và mặc quần xà lỏn mà đi ăn đám cưới, trái lại không ai mặc bộ đồ vét mà lại đi hôi cá dưới ao.

Khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn chiếc áo cưới để nói về những điều kiện mà kẻ đón nhận Tin Mừng phải có để được vào Nước Trời, dĩ nhiên Ngài không muốn nói đến cái áo theo nghĩa thông thường mà là nói tới cái thái độ bên trong, tới những đức tính, hay nói đúng hơn đến cái tinh thần mà người đó phải có. Nói theo thánh Phaolô thì mặc áo cưới ở đây là mặc lấy con người mới được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hay nói một cách mạnh mẽ hơn, đó là hãy mặc lấy Đức Kitô.

Mặc lấy Đức Kitô là mang những tâm tình của Ngài, là sống hiền từ và khiêm tốn, biết chia sẻ nỗi bất hạnh của người anhem, biết yêu thương cho đến cùng như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và hiến mạng sống mình vì chúng ta.

Mặc lấy Đức Kitô là nên giống Ngài, đó là chiếc áo cưới mà tất cả những ai được nghe Tin Mừng và đón nhận lời mời vào Nước Chúa phải mặc lấy. Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta đã thực sự mặc lấy Đức Kitô như thế hay chưa?  [Mục Lục]

3. Lời mời gọi

Tại một xứ đạo ở một thành phố lớn, trong lớp giáo lý cha sở để ý thấy một em nhỏ xanh xao khoảng 13 tuổi. Ngày kia em đến với cha và cặp mắt đỏ hoe, em nói: Con không thể xưng tội rước lễ lần đầu. Tại sao? Vì cha mẹ con ngăn cấm. Cha sở bảo: Con thử về xin phép cha mẹ con một lần nữa xem thế nào? Mấy ngày sau, em lại đến với một điệu bộ thất vọng: Không được đâu cha ạ, bố mẹ con đã nổi nóng và đã đánh con. Cha sở an ủi: Con hãy cầu nguyện và Chúa sẽ giúp đỡ con. Ngày trọng đại đã đến nhưng vẫn không có em nhỏ trong số những em được xưng tội rước lễ lần đầu. Rồi một tuần sau, vào một buổi sáng, em chạy đến nhà xứ, hổn hển thưa: Xin cha giải tội cho con, kẻo mẹ con hay biết. Cha sở giải tội cho em rồi nói: Bây giờ con hãy về kẻo má con biết được. Em do dự một lát rồi nói với một giọng van xin: Cha có thể cho con rước lễ được chứ? Dĩ nhiên cha sở chấp thuận và ngài đã phát biểu: Tôi đã tổ chức nhiều cuộc xưng tội rước lễ lần đầu một cách trọng thể nhưng không lần nào làm tôi cảm động cho bằng lần này.

Chúng ta cũng vậy, có lẽ chúng ta cảm phục em bé đói khát Mình Máu Thánh Chúa. Trong khi đó những người khách trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay lại có một thái độ lãnh đạm. Họ đã được mời nhưng lại không đến. Nhưng đâu là ý nghĩa của dụ ngôn?

Vào thời Chúa Giêsu những kẻ được mời là những người Do Thái. Còn bây giờ những kẻ được mời lại là những Kitô hữu. Mọi sự đã sẵn ngay từ lúc chúng ta còn nhỏ bé: Các bí tích và những ơn lành của Chúa. Hằng tuần bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa cũng đã được dọn sẵn. Chúa vẫn kêu mời: Hãy đến vì tất cả đã sẵn. Nhưng người ta đã đưa ra những lý do: tậu bò, cưới vợ, mua đất để từ chối. Nếu chúng ta coi bí tích Thánh Thể là một quà tặng quý giá và chúng ta là những kẻ túng thiếu thì lẽ nào chúng ta lại từ chối.

Không phải chúng ta chỉ là những khách dự tiệc, mà hơn thế nữa, chúng ta còn là những gia nhân của Chúa, chúng ta có bổn phận tiếp tay với Chúa và kêu mời những người khác còn ở ngoài đường trở về bàn tiệc của Chúa qua những hoạt động tông đồ và truyền giáo. Thiên Chúa muốn rằng mọi người đều được dự tiệc vì phòng tiệc thì lúc nào cũng còn chỗ. Những kẻ còn ở ngoài đường, còn ở ngoài Giáo Hội, đó là những anh em lương dân chưa nhận biết Chúa, nhất là những người khổ đau và túng thiếu, chúng ta không được phép bỏ rơi họ.

Phương thế hiệu nghiệm hơn cả để cảm hoá họ, đó chính là tình thương, đó chính là bác ái được biểu lộ qua việc thăm viếng và giúp đỡ. Nhờ tình thương và bác ái, chúng ta sẽ gây được những cảm tình tốt đẹp và tạo được những điều kiện cần thiết, để rồi một ngày kia họ quay trở về với Chúa và nhất là họ sẽ hưởng được sự dịu ngọt tình thương của Chúa và tiệc cưới chính là niềm hạnh phúc Nước Trời mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ.  [Mục Lục]

4. Dụ ngôn tiệc cưới – R. Veritas

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Được một ông vua đích thân mời đến dự tiệc cưới của hoàng tử, nhưng các thần dân không những khước từ lời mời mà còn nhục mạ giết các sứ giả, đây quả là tột cùng của sự khiếm nhã. Qua dụ ngôn, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu nhắm vào dân Do Thái. Câu truyện gợi lên một sự đau thương của cả một dân tộc mà Thiên Chúa đã chọn họ làm dân riêng để thực hiện công cuộc cứu rỗi, nhưng họ đã khước từ ơn cứu rỗi ấy. Nhưng có lẽ trọng tâm của bài Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay không hẳn là mời dự tiệc cưới cho bằng chiếc áo cưới.

Hai câu truyện xem ra bất thường, được Vua mời đến dự tiệc cưới, thần dân lại khước từ. Đây quả là một hành động nhục mạ đối với nhà Vua. Nhưng thách thức không kém là khi vào phòng cưới mà không chịu mặc y phục lễ cưới do nhà Vua qui định, thái độ này khiêu khích đến nhà Vua phải truyền lệnh cho gia nhân trói tay chân người đó lại và ném ra ngoài.

Hình ảnh người thực khách vào dự tiệc cưới mà không chịu mặc y phục lễ cưới của nhà Vua qui định, gợi lại cho chúng ta lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Không phải những ai nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” mà được vào Nước Trời đâu, mà chỉ có những ai thực thi ý Chúa muốn, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Anh chị em thân mến,

Mang danh hiệu Kitô nhưng sống hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng, đây vốn là điều thường xảy ra trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng như trong lịch sử của Giáo Hội. Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi con cái Giáo Hội sám hối và thanh luyện ký ức lịch sử. Trong suốt 2,000 năm lịch sử của Giáo Hội, con cái Giáo Hội không biết bao nhiêu lần hành động hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng. Những cuộc thập tự viễn chinh để sát hại người Hồi Giáo, các tòa điều tra thời Trung Cổ để kết án, ngay cả thiêu sống những người lạc giáo, các cuộc chém giết giữa các tín hữu Công Giáo và Tin Lành.

Đó là những vết nhơ trong lịch sử của Giáo Hội, nhưng gần đây là chủ nghĩa bài trừ Do Thái thời đệ nhị thế chiến, trong cuộc sát tế 6 triệu người Do Thái, dĩ nhiên do Đức Quốc Xã chủ xướng, nhưng nó lại diễn ra ngay trong lục địa tự xưng là Kitô giáo. Không ai tự mình có thể trở thành độc tài và đồ tể. Hitler chắc chắn không có đủ ba đầu sáu tay mà hiện diện khắp cả Âu Châu để truy lùng và sát hại người Do Thái. Đức Quốc Xã không chỉ là một mình Hitler tích cực hay tiêu cực, do xác tín hay do hèn nhát, do ác ý hay vì dửng dưng, biết bao người tín hữu trên khắp lục địa Âu Châu đã nhúng tay vào tội ác của Đức Quốc Xã, tự xưng là người tín hữu Kitô nhưng hành động hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng.

Đây là cách cư xử mà Chúa Giêsu muốn ám chỉ qua người thực khách không chịu mặc y phục lễ cưới do nhà Vua qui định, một cách cư xử thiếu nhất quáng như thế vẫn xảy ra trong Giáo Hội ngày nay. Tại những nước vẫn tự xưng là Kitô giáo, đa số là những người tín hữu hữu danh vô thực, phép Rửa Tội chỉ còn là một nghi thức xã hội, ai sinh ra cũng phải đem đến nhà thờ để được rửa tội, nhưng suốt một đời nhiều người chỉ đến nhà thờ để được rửa tội, để được cưới hỏi và cuối cùng để gọi là được chết trong Giáo Hội.

Biết bao nhiêu đảng phái tự xưng là Kitô giáo nhưng đường hướng hoàn toàn ngược lại với Tin Mừng. Không ngược lại với Tin Mừng là gì khi những người mang danh hiệu Kitô lại cổ võ cho ly dị, phá thai, sinh hoạt đồng tính luyến ái v.v… Còn những nước trong đó Kitô giáo là thiểu số thì người ta thường tự hào về việc giữ đạo của các tín hữu Kitô, nhà thờ lúc nào cũng chật ních người, các cuộc biểu dương và rước sách lúc nào cũng đông người tham dự. Thế nhưng, chúng ta nghĩ gì về các tệ nạn xã hội đầy dẫy trong các giáo xứ, những người ngoài Công Giáo thấy gì về các tín hữu đến nhà thờ mỗi ngày Chúa Nhật, tối sớm đọc kinh làu làu, tích cực trong các buổi rước sách, nhưng sống ích kỷ, lường gạt, mánh mung như mọi người. Một cách sống như thế quả thực làm ố danh sự đạo. Không thể mang danh hiệu Kitô mà hoàn toàn xa lạ với Tin Mừng Kitô, không thể là người Công Giáo mà chủ trương sống ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội, bỉ ổi hơn cả là khi người ta dùng danh hiệu Công Giáo để phục vụ cho một chế độ chủ trương bách hại Giáo Hội.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về những lời cam kết khi chịu Phép Rửa Tội, một trong những ý tưởng đầy ý nghĩa của Bí Tích này là chiếc áo trắng mà Giáo Hội phủ lên người chúng ta. Chiếc áo trắng ấy là căn cước Kitô của chúng ta, chúng ta không chỉ mang nó mỗi năm một lần, mỗi tuần một lần hay thậm chí chờ cho đến khi ta nhắm mắt lìa đời. Chiếc áo trắng ấy là từng hơi thở của chúng ta, chiếc áo trắng ấy là Tin Mừng Chúa Kitô mà chúng ta phải sống từng giây phút trong cuộc sống. Có sống như thế chúng ta mới thật sự cảm nhận được niềm vui khi tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa dọn ra cho chúng ta mỗi ngày, nhất là ngày Chúa Nhật. Có sống như thế những người xung quanh mới nhìn vào chúng ta mà ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời. Amen.  [Mục Lục]

5. Mặc lấy Chúa Kitô – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Trong một trăm người đang sống trên lục địa Á châu, chỉ có hai người gia nhập Hội Thánh Chúa. Hạnh phúc cho ai được liệt vào số ít những người may mắn nầy. Trong số một trăm người đang sống trên giải đất Việt Nam, chỉ có bảy người có diễm phúc tham dự tiệc cưới vua trời, tức được gia nhập vào Hội Thánh Chúa. Chúng ta cũng được may mắn thuộc về thiểu số nầy. Đây quả là một hồng phúc lớn lao cho chúng ta.

Để xứng hợp với tư cách của vị khách được Thiên Chúa ưu ái mời vào dự tiệc Nước Trời, Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải vứt bỏ tấm áo dơ bẩn đang mặc để khoác vào mình y phục xứng đáng.

Khi mặc đồ tang chế mà đi dự tiệc cưới, người ta nghĩ là bạn bị khùng nặng và xua đuổi bạn tức khắc. Khi bước vào bệ kiến Đức Vua mà trang phục lôi thôi lếch thếch, nói năng hồ đồ lỗ mãng thì không khỏi bị kết tội khi quân. Khi bước vào đời quân ngũ mà ăn mặc rách rưới như kẻ bần cùng, thiếu tác phong quân nhân, thì bạn sẽ bị tống cổ ra ngay vì làm ô danh quân đội.

Hội Thánh của Chúa luôn mở rộng cửa để tiếp nhận tất cả mọi người từ khắp tứ phương thiên hạ bất kể sang hèn tốt xấu. Nhưng một khi đã gia nhập đại gia đình nầy, các thành viên phải cởi bỏ tấm áo xấu xa để khoác lên người trang phục xứng đáng, nghĩa là phải có những phẩm chất phù hợp với Tin Mừng.

Một con sâu tuy nhỏ nhưng cũng đủ để làm rầu nồi canh. Vài ba giọt mực tuy không nhiều nhưng cũng đủ để làm hư tấm vải trắng. Chỉ một ít tín hữu sống trái nghịch với Tin Mừng và giáo huấn Hội Thánh, cũng đủ để làm cho khuôn mặt của Giáo Hội trở nên khó thương trước mặt người khác.

Vì thế nên một khi đã gia nhập Hội Thánh mà cách ăn thói ở không phù hợp thì đương sự sẽ bị Thiên Chúa lên án nặng nề. Đoạn Tin Mừng sau đây nhắc nhở chúng ta điều đó.

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Là người được Thiên Chúa mời gọi gia nhập vương quốc Thiên Chúa, chúng ta phải xem lại cách ăn thói ở của chúng ta sao cho thích đáng.

Xưa kia, Augustinô ban đầu theo đuổi phù du ảo ảnh của thế gian, nhưng đến năm 33 tuổi, lần đầu tiên con người lầm lạc nầy tiếp cận với kinh thánh và đoạn văn đầu tiên đập vào mắt Anh là lời dạy của thánh Phaolô trong thư Rô-ma như sau: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt.” (Rm 13, 13-14).

Nhờ ơn Thánh Linh tác động, Augustinô bừng tỉnh trước Lời Chúa. Anh cảm thấy những câu Lời Chúa nầy như nói riêng với chính mình. Thế là từ đây, Augustinô từ bỏ quãng đời tội lỗi, từ bỏ những đam mê xác thịt, rũ bỏ bộ áo bẩn thỉu hôi hám để mặc áo mới, mặc lấy Đức Giêsu Kitô. Anh được lãnh bí tích rửa tội vào năm 33 tuổi, hiến mình cho Chúa và ba năm sau, trở thành một linh mục thánh thiện, về sau được cất nhắc lên chức giám mục và trở thành vị thánh chói ngời đồng thời cũng là thầy dạy trong Giáo Hội với tước hiệu tiến sĩ Hội Thánh.

Trong ngày lãnh bí tích rửa tội, ngày chúng ta chính thức gia nhập Hội Thánh, linh mục chủ sự thay mặt Hội Thánh trao cho chúng ta tấm áo trắng với lời kêu gọi: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để con được sống muôn đời”.

Xin cùng khẩn cầu Thiên Chúa giúp chúng ta đừng luyến tiếc áo cũ đã hoen ố vì vô vàn thói xấu tật hư. Hãy dứt khoát cởi bỏ nó để quyết tâm mặc lấy áo mới, mặc lấy Đức Kitô, mang những tâm tình cao đẹp như Chúa Giêsu, cư xử ôn hoà nhân ái như Chúa Giêsu, biết thứ tha, yêu thương và phục vụ như Chúa Giêsu; Nhờ đó, chúng ta sẽ được cùng với Chúa dự tiệc vui muôn đời.  [Mục Lục]

6. Lời mời dự tiệc

(Suy niệm của John W. Martens – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Nước Trời ví như một ông vua kia mở tiệc cưới cho đứa con” (Mt 22,2).

Khi nói về nước Thiên Chúa, có lẽ không một hình tượng nào thú vị và hấp dẫn cho bằng quang cảnh một bữa tiệc. Mọi người trong chúng ta đều đã từng trải nghiệm sự hoan vui với đồ ăn thức uống khi tham dự một bữa tiệc như vậy. Nhiều nơi tôi đã đi qua, đã để lại những dấu ấn khó quên với những món đặc sản tại nơi đó. Vì vậy, hình ảnh bữa tiệc mà bài Tin Mừng nói tới hôm nay mang đậm nét văn hóa nhân sinh nơi cuộc sống đời thường của chúng ta. Bữa ăn gợi nhớ những thời khắc thư giãn trong cuộc sống, hoặc đó cũng là những giờ phút đầm ấm, cả gia đình cùng quây quần sum họp bên nhau. Isaia phác vẽ một viễn cảnh tương lai, đó là lúc “Đức Chúa sẽ thiết đãi muôn dân một bữa tiệc thịnh soạn, nào thịt béo, nào rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,7). Vị tiên tri còn khai mở trong tâm tưởng chúng ta một chân trời tươi sáng hơn: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần” (Is 25,7). Người ta sẽ nhớ mãi đến Vương quốc này, vì không phải chỉ có thịt và rượu, nhưng còn có một đặc nét khác quan trọng hơn, đó là Thành đô sẽ dàn trải ơn cứu độ đến với muôn dân, và tử thần sẽ bị khuất phục.

Mọi người đều phải ngóng đợi, và hướng vọng về bữa tiệc này. Còn bạn, làm sao bạn có được vé mời để đến tham dự? Rất giản đơn và dễ dàng. Bởi vì chính bạn đã được mời từ lâu rồi. Đức Giêsu kể một dụ ngôn về một ông vua tổ chức tiệc cưới cho đứa con. Ông sai gia nhân đi mời các quan khách. Những người được mời, cho dù thiệp mời đã được trọng thị gửi đi từ trước, nhưng họ đã xem nhẹ và lạnh lùng từ chối. Người đi thăm nông trại, người khác mải mê công việc làm ăn…Một số khác còn bắt các gia nhân, ngược đãi và thậm chí còn giết chết họ. Thái độ phản kháng này xem ra rất dị thường trước một lời mời trang trọng như vậy. Thế thì, ai là những con người đã chối từ bữa tiệc của Đức Vua, mà chỉ chú tâm đến những bận rộn đời thường? Còn kỳ lạ và khó hiểu hơn nữa, chúng ta thử hỏi tiếp, ai là những người đã bắt các gia nhân, giết chết họ chỉ vì họ đi mời các quan khách? Dụ ngôn của Đức Giêsu vạch dẫn những ám dụ biểu thị sự từ chối lời gọi mời của chính Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta hôm nay.

Sự việc Vương quốc bị từ chối, còn nêu ra những thái độ kỳ lạ hơn nữa. Tự bản chất, Vương quốc của Thiên Chúa luôn là một bữa tiệc, là một lễ hội, lúc nào cũng được dọn sẵn và rộng mở cho mọi người. Các giáo phụ đã nói nhiều về điều này, ví dụ Thánh Clêment thành Alexandria đã viết “Trọn vẹn cuộc sống chúng ta là một ngày đại lễ”. Thánh Chrysostomo viết tiếp “Chúng ta có những ngày lễ bất tận”. Còn Thánh Augustinô cũng mô tả “ Lễ hội luôn mãi trường cửu trong nhà Thiên Chúa” và Thánh Hiêrônimô còn nói tổng quát hơn “Cuộc sống chúng ta, là một cuộc lễ hội không bao giờ chấm dứt”… Lễ hội hoan vui của Thiên Chúa luôn tuôn đổ niềm vui xuống trên chúng ta, giữa bao lao nhọc và khổ đau của kiếp người. Nhưng trớ trêu thay, con người lại đáp trả một cách vô tâm, hờ hững, và cuối cùng còn phản kháng một cách cuồng nộ nữa.

Cho dù bị chối từ, các gia nhân vẫn đi và kiếm tìm thực khách để lấp đầy phòng tiệc, bất kể người tốt hay kẻ xấu. Nhưng câu truyện lại nêu ra một khía cạnh khác khá nhức nhối. Nhiều nhà chú giải cho rằng chi tiết này thuộc về một dụ ngôn khác, nhưng đã được gượng ép gắn kết với dụ ngôn về bữa tiệc cưới. Đó là sự kiện xảy ra sau khi các gia nhân đã đi mời, và phòng tiệc đầy kín người, cả tốt lẫn xấu, nhà vua để ý thấy có một thực khách không mang y phục đám cưới. Nhà vua nói với anh ta “Này bạn, sao bạn đến đây mà không mặc áo cưới? Vị khách này đã được mời, và đã ngồi vào bàn, trong khi biết bao người khác lại chối từ. Nhưng tiếc thay, anh ta vẫn còn thiếu một điều quan trọng. Ông vua ra lệnh cho gia nhân “Hãy trói tay chân nó lại, đưa ra chỗ tối tăm bên ngoài, nơi chỉ có khóc lóc và nghiến răng”. Đây là một hình tượng nói về hỏa ngục, theo cách diễn tả truyền thống nơi Tin mừng Matthêu.

Dụ ngôn kết thúc với lời giáo huấn của Đức Giêsu “Người được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít”. Câu kết luận này đan nối câu chuyện tiệc cưới với sự kiện có một vị khách không mặc áo cưới. Khi chúng ta nhìn lại trình thuật của dụ ngôn, rõ ràng hạn từ “nhiều người” mà Chúa Giêsu nói tới, biểu trưng cho “tất cả mọi người”, cho tính phổ quát của ơn cứu độ. Tất cả mọi người, không loại trừ ai, đều được gọi mời vào bàn tiệc, người tốt cũng như kẻ xấu. Nhưng chỉ “ít người được chọn” mà thôi. Đó là những ai đã nhận được lời mời và thực lòng chấp nhận. Họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hoàn toàn do ân huệ trao ban cách nhưng không, chứ không phải do công lao của họ. Nhưng để được chọn, chỉ lời mời của Thiên Chúa mà thôi, thì không đủ. Còn phải có sự tự nguyện đáp trả từ phía con người, tức là những kẻ được mời. Hơn nữa, một khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo để đến dự tiệc. Y phục phải gọn gàng, khăn áo phải chỉnh tề, tức là chúng ta phải sẵn sàng mọi thứ để có thể ngồi vào bàn tiệc hầu thưởng lãm niềm vui. Y phục tiệc cưới là chính thái độ rộng mở của tâm hồn, sẵn sàng đáp trả lời gọi mời của Thiên Chúa và cộng tác với Ngài, Đấng đem đến cho ta ơn cứu độ. Điểm nhấn của Đức Giêsu nơi dụ ngôn, thể hiện trong câu nói cuối cùng. Không phải là Ngài có ý nói về số người được cứu sẽ ít ỏi. Ngài muốn nêu lên niềm khắc khoải, vì những người được mời thì nhiều, nhưng tiếc thay con số đáp trả lời mời gọi đó, và chuẩn bị sẵn sàng cho Vương quốc lại quá ít. Tất cả mọi người chúng ta được mời, nhưng chúng ta có được chọn hay không, tùy thuộc vào thái độ và sự tự do nơi chính chúng ta. Dầu sao, bạn hãy luôn sẵn sàng, không phải sẵn sàng ngồi vào bàn tiệc hôm nay, hay ngày mai, hay của một thời điểm nào đó, nhưng là bữa tiệc Nước Trời, bữa tiệc của ơn cứu độ, bữa tiệc lúc nào cũng được dọn sẵn và rộng mở để đem lại cho ta niềm vui vĩnh cửu tròn đầy.  [Mục Lục]

7. Tiệc cưới Nước Trời – Thiên Phúc

(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)

Chuyện kể rằng: có một con gà rừng đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ của nó một trứng đại bang. Đúng ngày giờ, trứng nở thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên đàn gà rừng như anh chị em ruột.

Một ngày kia, đang bươi móc kiếm ăn cùng đàn gà rừng, đại bang con bỗng thấy một con chim đại bang lớn bay lượn trên không thật oai phong và đẹp mắt. Cậu liền hỏi mẹ gà:

– Mẹ ơi! Sao mình không bay như chim kia trên trời?

– Chúng ta đâu phải đại bàng mà bay được!

– Thế chúng ta là ai?

– Chúng ta là gà rừng!

Bỗng một ngày, đang khi bươi chải kiếm ăn trên đống rác cậu lại thấy đại bang mẹ bay lượn trên đầu gọi:

– Bay lên con ơi, bay lên đại bang con của mẹ. Thế giới của con là trời cao đất rộng, chứ không phải là đống rác này! Bay lên đi con.

Cậu cố bay lên, nhưng lại rơi xuống. Trong khi các chú gà rừng cười cợt chế nhạo:

– Chúng ta là gà rừng, làm sao mà bay được.

Cậu suy nghĩ, nếu ta là gà rừng sao đại bang kia cứ bảo ta là đại bang con. Và khi bay lên ta thấy cũng đâu có gì khó khăn, có lẽ chưa quen thôi. Nào hãy thứ lần nữa xem.

Thế là cậu đại bang đủ lông đủ cánh bay lên, và bay lên mãi. Cậu bay theo mẹ về một chân trời mới. Lần đầu tiên trong đời, cậu được nhìn thế giới từ trên cao, lòng cậu mênh mang, hạnh phúc ngập tràn.

***

Như đại bàng mẹ tha thiết mời gọi đại bàng con bay lên bầu trời thênh thang lộng gió, Thiên Chúa cũng gọi mời các tín hữu Kitô, hãy tiến lên dự tiệc cưới Nước Trời.

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ví: “Nước Trời cũng giống như chuyệm một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,20). Ông cho mời các quan khách, nhưng họ đều kếm lý do để từ chối; thậm chí, còn sỉ nhục các đầy tớ của vua và giết đi. Cuối cùng vua sai đầy tớ đi mời tất cả mọi người bắt kể tốt xấu vào dự tiệc của ông. Rủi thay, có một thực khách không mặc y phục lễ cưới. Ông liền ra lệnh cho gia nhân: “Trói chân tay nó lại quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó ngươì ta sẽ phải khóc lóc nghiến rằng. Vì kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14).

Mỗi một kitô hữu đều có một bộ y phục lễ cưới, đó là tấm áo trắng ngày chịu phép Rửa tội.

Tấm áo trắng ấy là tâm hồn thanh khiết của những người con Chúa đã được tẩy trắng trong máu Con Chiên.

Tấm áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải nâng niu, gìn giữ suốt cuộc đời.

Tấm áo trắng ấy luôn được mặc vào khi người tín hữu đi dự tiệc Thánh Thể.

Và nhất là, tấm áo trắng ấy phải tinh tuyền cho đến ngày họ bước vào dự tiệc cưới trong Nước Trời.

Kitô hữu là người đã được thiên Chúa tuyển chọn., làm con cái của Người. Họ là những con đại bang, luôn ngước mắt nhìn cao, mong bay lên cùng Thiên Chúa là cha đầy yêu thương. Họ luôn sống tâm tình của thánh Au-tinh: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa. Tâm hồn con luôn thao thức cho tới khi nào được nghỉ yên trong Chúa”.

Đừng bao giờ nghĩ mình là giống gà rừng, để cúi đầu bươi chải, an phận với những hạnh phúc nhỏ nhoi tầm thường. Tuy được những con sâu bọ là miếng mồi ngon đấy, nhưng chúng cũng nằm trên đống rác, đống phân.

Đừng bao giờ quên rằng, những thành quả trong đời sống kinh tế, và những ân sủng trong đời sống đức tin, chỉ là phương tiện giúp ta đạt đến cứu cánh của cuộc đời, là được vào dự tiệc Nước Trời. Đức Giêsu nói: “Vì nếu người ta được cả thế giớ imà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26).

Người do thái bị loại ra khỏi tiệc cưới, cho dù họ là quan khách được mời trước, chỉ vì họ đã không đón nhận Đức Kitô của Thiên Chúa. Mặc lấy “tấm áo trắng Rửa tội” là “Mặc lấy đức Kitô”, là tin tưởng vào Người và ơn cứu độ do Người mang đến.

Người Kitô hữu cũng có thể không vào được Nước Trời, nếu họ để mất “tấm áo trắng Rửa tội”. Chính là việc họ từ chối “mặc lấy Đức Kitô”, từ chối mặc y phục lễ cưới mà vua đã qui định. Đức giêsu nói với họ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Rốt cuộc, “chỉ ai thi hành ý muốn của Cha” mới đúng là thực khách của bàn tiệc Nước Trời. Còn tất cả những ai mang danh hiệu Kitô, nhưng sống hòan toàn ngược lại với Tin Mừng, đều phải bị loại ra “chỗ tối tăm bên ngoài”, “nơi khóc lóc nghiến răng”.

***

Lạy Chúa,

Xin giải thoát chúng con khỏi những mê hoặc của khoái lạc, giàu sang, danh vọng. Con đại bang dù có bị cột vào một sợi dây rất nhỏ ấy cũng không thể bay lên cao.

Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa, và mau mắn đáp lại tiếng gọi yêu thương của ngài. Amen.  [Mục Lục]

8. Cần một tấm lòng

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

Một trong những cung cách giảng dạy của các danh sư là dùng các câu chuyện kể. Khi sinh thời, Chúa Giêsu cũng đã từng làm người kể chuyện. Cách kể chuyện của Chúa hẳn rất có duyên khiến cho đám đông thính giả say sưa nuốt từng lời, từng câu nói. Chúa Nhật 28 TN A này, Mẹ Hội Thánh cho chúng ta nghe lại câu chuyện Chúa Giêsu kể năm nào: “Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử. Đến hẹn, vua sai gia nhân đi mời quan khách. Ngày xưa, đi dự tiệc cưới của hoàng cung có phải mang theo quà cáp hay phong bì chăng? Ngày nay rất nhiều người cứ đến mùa cưới là như trong tư thế sẵn sàng đi trả nợ đời. Cứ mỗi tấm thiệp mời ăn cưới là một tờ giấy báo nợ không bằng. Tìm được cớ hợp lý để thoái thác tham dự một tiệc cưới kể như lập một chiến công, dù không trọn vẹn, vì cũng phải nhờ người gửi quà biếu, nhưng dẩu sao cũng tiết kiệm được một buổi công làm. Tuy nhiên hầu hết đây là những trường hợp “được hay bị mời”, kiểu phải đáp lễ, ít có liên hệ họ hàng hay thân thuộc.

Trở lại với câu chuyện dụ ngôn Chúa kể. Được vua mời dự tiệc cưới hoàng tử quả là một vinh dự to lớn mà nhiều người thời phong kiến hằng ước ao. Không chỉ vì mình được nhà vua sủng ái mà còn có nhiều vận hội lớn, mỗi khi được dịp vào hoàng cung, được dịp gặp gỡ bao vị quyền chức cao trọng. Hơn nữa, ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rõ sự hào phóng của đức vua: Thịt thì béo, rượu thì ngon mà khỏi phải trả đồng nào (x. Is 25,6; 55,1). Thế mà những người được mời lại nỡ tâm từ chối với những lý do không chút tương xứng: đi thăm nông trại, đi buôn bán. Có kẻ lại bắt đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết! Không thể hình dung và cũng chẳng thể hiểu được.

Chuyện hình như không thể xảy ra trong đời thường thì lại rất có thể có trong đời sống đức tin, và thực sự đã hiển nhiên với lịch sử đoàn dân được tuyển chọn ngày xưa. Israel, họ được Thiên Chúa ưu ái mời gọi đến hưởng nhận bao ân phúc của Người. Chỉ là một dân nhỏ bé giữa các dân, họ chẳng có gì xứng đáng. Tất thảy chỉ vì tình Chúa bao la. Chúa sủng ái họ cách đặc biệt hơn các dân. Thế mà khi sai các đầy tớ là các sứ ngôn đến mời gọi thì họ lại chối từ và còn nhẫn tâm hãm hại các ngài. Chính sự vô tình và sự nhẫn tâm của họ đã kết án họ, đã loại họ ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Và rồi muôn dân khắp thiên hạ đã được mời vào dự tiệc của Thiên Chúa. Thiên hạ sẽ từ Đông chí Tây, từ Bắc chí Nam đến dự tiệc Nước Thiên Chúa, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài. Người ta bị loại chỉ vì thiếu một tấm lòng.

Chúa Giêsu kể thêm một câu chuyện khác cũng về tiệc cưới của hoàng tử. Khi đức vua vào phòng tiệc thì thấy một người không mặc y phục lễ cưới. Đi dự một đám cưới mà trên người chỉ có chiếc “may – ô” và cái quần cộc hay với bộ đồ đen của “đám tang” thì quả là xấc xược với đôi tân hôn, với chủ tiệc và với cả quan khách. Lại còn ương ngạnh, không thèm trả lời khi được chất vấn, thì quả là người chẳng coi ai ra gì, đúng hơn là chẳng biết nghĩ đến kẻ khác. Đi dự một lễ hội, tiệc tùng hay đình đám thì chuyện mặc y phục gì, kiểu dáng ra sao, màu sắc thế nào… không nguyên là để làm đẹp bản thân mà tiên vàn là để tôn trọng chủ nhà, tôn trọng nội dung, bầu khí buổi lễ, buổi tiệc… Đã là người biết nghĩ, thì không ai ăn mặc hở hang, lòe loẹt đi dự đám tang và cũng chẳng có ai mặc toàn màu đen đi dự đám cưới.

Nguời không biết nghĩ đến kẻ khác thì không xứng đáng dự tiệc nước trời, vương quốc của tình yêu. Vào đạo, gia nhập Hội Thánh…mà chỉ biết lo cho bản thân mà thôi, cho dù là phần rỗi linh hồn mình, thì không xứng đáng lãnh nhận ân tình của Chúa. Chốn khóc lóc và nghiến răng là nơi dành cho những kẻ chỉ biết sống cho riêng mình.

Được làm con cái Chúa thì phải lấy danh Chúa làm trọng. Nguyện xin cho danh Cha cả sáng. Được làm tín hữu trong Hội Thánh thì phải mến yêu người mẹ sinh ta trong đức tin. Xin gìn giữ Hội Thánh Chúa trong chân lý và binh an. Được làm con dân nước Việt thì phải đồng hành với dân tộc trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Xin cho quê hương được thái bình thịnh vượng trong công lý. Những lời cầu xin cũng là những ý chỉ định hướng cuộc đời ta, hành vi của ta.

Những ngày vừa qua, truyền thông đại chúng nước nhà đất Việt chúng ta đã dùng xảo kế làm méo mó chân dung một vài đấng bậc trong Hội Thánh, gieo rắc ác cảm nơi tâm hồn nhiều bà con lương dân và khác đạo. Chính quyền Hà Nội lại còn dùng bạo lực đối xử cách bất công với nhiều tín hữu Công giáo. Là người đang cùng chung bữa căn nhà Hội Thánh, chúng ta hẳn đau xót cách này cách khác. Thế nhưng, sau một vài ngày, một vài tuần, lòng ta có lại dửng dưng như chưa có chuyện gì xảy ra? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai tự bằng lòng với một vài lời kinh hiệp thông cầu nguyện để che dấu tấm lòng ích kỷ chỉ lo cho riêng mình, sợ bị phiền toái, sợ bị bách hại hay sợ ảnh hưởng đến đường thăng tiến tương lai.

Trước tình cảnh đất nước nhiễu nhương vì nạn tham nhũng, gian dối, bạo lực, bất công… là đồng bào, là người con cùng một dạ mẹ tổ quốc, chúng ta có dừng lại ở một vài xuýt xoa, than thở, tán gấu vĩa hè…để rồi phủi tay xem như chuyện của người khác phải lo, phải liệu, chứ không phải của tôi? Hy vọng rằng sẽ chẳng có ai đóng khung các mối lo toan bằng vòng tay của bản thân hay các cánh cửa gia đình riêng mình.

Lạy Chúa xin cho chúng con có một tấm lòng.  [Mục Lục]

9. Nếu cuộc sống thiếu tình yêu?

(Trích trong ‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Ở đời có yêu nhau người ta mới dám hy sinh dành thời giờ cho nhau, mới hy sinh làm vui lòng nhau. Có yêu nhau người ta mới chẳng quản ngại ngăn sông cách núi để “Tam tứ núi cũng trèo – Thất bát sông cũng lội, thập cửu đèo cũng qua”. Ngược lại nếu không có tình yêu thì cuộc đời sẽ không có hy sinh và càng không cần làm vui lòng nhau. Phải chăng đó cũng là lối cư xử thiếu tình yêu của con người đối với Thiên Chúa mà bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đề cập đến? Phải chăng lời Chúa hôm nay là bức tranh tương phản giữa tình yêu quảng đại của Thiên Chúa và thái độ vô ơn, bất kính của con người?

Thiên Chúa là chủ tiệc. Thiên Chúa thiết đãi một bữa tiệc chứa chan hạnh phúc cho con người. Nhưng tiếc thay, con người đã từ chối lòng tốt của Thiên Chúa. Ngay từ đầu trong vườn địa đàng, Adam đã từ chối chung bàn với Thiên Chúa. Ông muốn loại trừ Thiên Chúa. Ông muốn bước đi theo lối đi của ông. Một lối đi theo ý mình. Một lối đi không có Thiên Chúa. Hậu quả là đau khổ và sự chết đã đi vào kiếp người. Cũng từ đây tình yêu của Thiên Chúa theo đuổi con người suốt dọc dài lịch sử ơn cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục kiên nhẫn mời gọi, dẫn dắt con người trở về trong sự hiệp nhất với Ngài. Các tiên tri và Chúa Giêsu đều dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về niềm vui của sự xum vầy bên Chúa và bên nhau trong hoan lạc hạnh phúc.

Thế nhưng, cho thì nhiều mà đáp trả chẳng bao nhiêu. Con người qua mọi thời đại vẫn tìm nhiều cách để khước từ lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa. Nhiều người vẫn đang tìm cho mình một lối đi không có Thiên Chúa. Họ muốn tự hành xử theo ý mình và bắt người khác theo ý mình. Một thế giới không có Thiên Chúa chỉ dẫn đến chiến tranh hận thù, nghị kỵ và kết án lẫn nhau. Một thế giới không có Thiên Chúa sẽ dẫn đến một nhân loại gồm toàn những người quá đề cao cái tôi đến nỗi chẳng ai chịu nghe ai. Đó là kinh nghiệm đắng cay nhưng đáng tiếc, chẳng mấy ai chịu sửa sai!

Có nhiều người hôm nay nhân danh đạo tại tâm để từ chối việc đến nhà thờ, ngay cả thánh lễ Chúa nhật họ vẫn dửng dưng xem thường. Họ cho rằng đạo tại tâm là không cần biểu lộ ra bên ngoài nhưng họ quên rằng cái tâm đó phải thể hiện ra bên ngoài bằng thái độ giữ đạo chân thành, không giả dối, không khoe trương. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã từng nói: “nghe và thực hành Lời Chúa” mới là điều quan trọng. Và chính Chúa thêm rằng: “Ai xưng mình là môn đệ của Thầy trước mặt người đời, thì Thầy mới xưng nó trước mặt Cha Thầy”.

Có nhiều người viện lý do ghét người này người nọ để từ chối việc đến nhà thờ. Họ cho rằng “tin đạo nhưng không tin người có đạo”. Điều đó có thể đúng, nhưng không thể “vơ đũa cả nắm” càng không thể “đánh lận con đen”, Đạo và người có đạo như nhau. Đạo là đường. Người có đạo đang đi trên con đường đó. Đường ta ta đi. Tại sao vì một vài người mà mình lại bỏ đạo? Tại sao ta không tiếp tục đi để nâng đỡ anh em đang vấp té trên đường? Tại sao ta không trở thành bạn đồng hành để giúp anh em sai lỗi biết sống và thực hành đạo? Xem ra đó chỉ là nguỵ biện cho thái độ từ chối thông hiệp với Thiên Chúa của chính mình!

Bên cạnh những người bỏ đạo còn có những người lấp lửng nửa vời. Họ nại vào lý do “có thực mới vực được đạo”. Họ không đi lễ vì phải lo kế sinh nhau. Lo đồng tiền bát gạo trước, rồi khi rãnh mới tranh thủ đi lễ. Họ là những người thờ thần tài trên cả Thiên Chúa. Họ say mê tìm kiếm của cải trần gian mau qua, mà lãng quên giá trị vĩnh cửu là Nước Trời. Họ là những người sống theo chủ nghĩa thực dụng. Cái gì có lợi trước mắt là làm ngay. Họ quên rằng: mọi sự thế gian này sẽ qua đi, và những gì họ đã một đời bán mạng để tìm kiếm cũng thuộc về người khác. Công việc tìm kiếm danh vọng của họ chỉ là “dã tràng xe cát biển đông”.

Hình ảnh vị khách đã không mặc áo “xứng kỳ đức” có thể là chính chúng ta. Những người mang danh ky-tô hữu nhưng không có nếp sống phù hợp với tư cách của người môn đệ Chúa. Chúng ta vẫn khoác trên mình biết bao thói hư tật xấu, biết bao những đam mê lầm lạc. Chúng ta chưa dám mặc lấy Đức Ky-tô. Chúng ta không dám sống như lời thánh Phaolo đã từng nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Ky-tô sống trong tôi”. Vì thế, cuộc đời chúng ta vẫn đầy những lầm lạc, gian dối và tội lỗi.

Phải chăng, bài dụ ngôn này là lời nhắc nhở chúng ta hãy chỉnh đốn lại lối sống cho phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa? Hãy nhìn lại tương quan của mình với Thiên Chúa cho đúng, để có cách sống cho phù hợp. Chúng ta là thụ tạo hãy biết lệ thuộc vào Đấng tạo hoá. Chúng ta là tôi tớ hãy sống theo ý của chủ. Chúng ta là môn đệ của Chúa hãy từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Con người của ân sủng không bị lệ thuộc vào những đam mê thấp hèn làm mờ lương tri. Chúng ta là con Chúa hãy sống thông hiệp với Chúa và với nhau để xây dựng một thế giới hiệp nhất, yêu thương, thắm đượm tình Chúa tình người.

Ước gì chúng ta luôn biết chọn Chúa làm gia nghiệp thay cho những phù vân ở đời mau qua. Ước gì chúng ta luôn trân trọng tình Chúa để dám dành thời giờ cho Chúa hơn là lao mình vào những danh vọng trần gian. Xin Chúa giúp chúng ta gìn giữ nét đẹp của phẩm giá con người bằng chiếc áo ân sủng của Chúa luôn gìn giữ chúng ta trong sạch và tinh tuyền. Amen. [Mục Lục]

10. Ăn Bánh Trường Sinh

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Năm 2005, Hội Đồng Giám Mục Anh đã cho phát hành bản báo cáo dài 90 trang do Đức Giám Mục John Hine soạn thảo trên cơ sở một cuộc điều tra kéo dài hơn một năm. Với hơn 15,000 gia đình Công Giáo về một vấn đề duy nhất là tại sao người ta không đi nhà thờ ngày Chúa Nhật.

Qua điều tra người ta nhận định rằng: 1/ chủ nghĩa vật chất, 2/ tình trạng tài chính khó khăn, và 3/ lề lối làm việc hiện đại là ba yếu tố chính đẩy đưa người ta đến chỗ bỏ lễ ngày Chúa Nhật.

Ở thời đại hôm nay người ta bỏ lễ ngày Chúa nhật rất dễ dàng. Người ta viện vào nhiều lý do để hợp thức hóa cho việc bỏ lễ. Họ cho rằng cuộc sống luôn phải làm việc vất vả để kiếm ăn. Họ còn phải chạy đua theo những tiện nghi vật chất. Cuộc sống quá vất vả, căng thăng vì cơm áo gạo tiền khiến người ta quá mệt sau một tuần vật lộn với cuộc sống. Tâm trí không thảnh thơi. Thân xác thì mệt mỏi khiến họ chỉ muốn tìm giây phút thư giãn qua việc giải trí, mua sắm …

Tệ hơn nữa là nhiều người vẫn coi nhẹ việc tham dự thánh lễ. Thánh lễ không phải là việc tối quan trọng. Thánh lễ chỉ là tùy phụ rảnh thì đi, bận thì thôi. Hay tệ hơn nữa, là lạm dụng lòng thương xót Chúa, bỏ lễ rồi xưng tội là xong!

Ở miền quê chúng tôi chỉ cần một cơn mưa nho nhỏ cũng khiến người tham dự thánh lễ vơi đi. Xem ra chỉ cần một khó khăn nho nhỏ cũng là lý do để họ bỏ lễ.

Chúa Giêsu ví Nước Trời là một bữa tiệc. Thiên Chúa mời mọi người vui lòng đến dự bữa tiệc do Ngài thiết đãi. Thế nhưng người ta nại vào nhiều lý do để không tới dự tiệc. Đa phần cũng chỉ vì công việc, vì nhu cầu vật chất, vì cuộc sống bận rộn khiến họ chú tâm vào cuộc sống phần xác mà quên dành thời giờ cho phần hồn. Họ khước từ vì họ còn mải mê với nhu cầu vật chất trần gian.

Bữa tiệc Nước Trời chính là bữa tiệc cánh chung. Đó là bữa tiệc Thiên Chúa khoản đãi cho tất cả những ai đón nhận lời mời của Ngài. Thiên Chúa mời gọi không phân biệt chủng tộc, màu da. Ngài hân hoan chào đón mọi thành phần vào tham dự bữa tiệc. Tuy nhiên, để được dự tiệc Ngài cũng đòi hỏi mỗi người phải khoác chiếc áo dự tiệc. Chiếc áo thể hiện lòng kính trọng với chủ tiệc. Chiếc áo mà Ngài đã trao cho mỗi người khi chấp nhận lời mời bước vào bữa tiệc cánh chung. Đó chính là chiếc áo trắng trong ngày rửa tội. Chiếc áo của ân sủng. Chiếc áo tinh tuyền không tì vết tội lỗi.

Nhưng đáng tiếc, có người đã đánh mất chiếc áo. Có người đã làm bẩn chiếc áo. Có người đã để chiếc áo nhàu nát, rách rưới. Có người đã bỏ lại chiếc áo ân sủng mà khoác trên mình chiếc áo của tính hư nết xấu. Họ đã thiếu y phục cần có khi dự tiệc. Nhìn lại mình nhơ nhớp tội nên không dám bước vào bữa tiệc cánh chung vì không còn xứng đáng với ân huệ của Thiên Chúa.

Bữa tiệc Nước Trời hôm nay còn là bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa mời gọi chúng ta hãy đến tham dự. Chính Chúa thiết đãi chúng ta của ăn không bao giờ hư nát chính là bánh trường sinh, vì Ngài đã nói: “Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”. Bánh Thánh Thể của Chúa luôn dành cho mọi người. Không phân biệt màu da sắc tộc. Chúa muốn mọi người đều được quy tụ bên nhau quanh bàn tiệc Thánh Thể. Chúa muốn qua bữa tiệc Thánh Thể này sẽ bảo đảm cho con người sự sống đời đời.

Đó là lý do mà Chúa muốn không trừ một ai mà không đến tham dự bữa tiệc. Ai cũng muốn trường sinh, thì đây là cơ hội để chúng ta sống chính sức sống phục sinh của Chúa. Chúng ta được bồi dưỡng bằng của ăn không hư nát trên hành trình về miền Đất Trường Sinh.

Ước gì chúng ta luôn biết ưu tiên dành thời giờ cho việc tham dự thánh lễ để được rước Thánh Thể Chúa là bánh thánh trường sinh. Ước gì chúng ta luôn biết chuẩn bị lòng mình cho xứng đáng tham dự bàn tiệc thánh. Xin gìn giữ chiếc áo ân sủng hầu xứng đáng tham dự bàn tiệc thánh. Amen.  [Mục Lục]

11. Tiệc cưới, áo cưới – Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết yếu là đạo của Tin Mừng.

Trong rất nhiều sinh hoạt và hình ảnh của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài. Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúa Giêsu cũng mặc cho bữa tiệc của Ngài một ý nghĩa tượng trưng đặc biệt. Chúng ta chỉ cần nhớ lại tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu để khách dự tiệc được tiếp tục cuộc vui. Ngài dự tiệc do Lêvi, do Zakêu và rất nhiều người thu thuế khoản đãi; Ngài đồng bàn với họ, chia sẻ một tấm bánh và uống một chén rượu với họ.

Không những đồng bàn với những người tội lỗi, Chúa Giêsu cũng không từ chối lời mời của những người Biệt phái, những người giàu có. Ngài chia sẻ bữa ăn thân thiết với gia đình Marta, Maria và Lazarô tại Bêtania. Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ. Sau khi sống lại, Ngài ngồi đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmau. Ngài hiện ra trên bờ hồ và chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Ngài cùng ăn cùng uống với các ông.

Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống của con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Đến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.

Có người đã tưởng tượng ra Thiên đàng, hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cao cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người đều cầm trong tay một đôi đũa dài đến độ thức ăn thì gắp được, nhưng không thể đưa thức ăn vào miệng. Bàn tiệc trên Thiên đàng cũng y hệt, nhưng khác một điều, là thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, người ta lại gắp thức ăn và đưa vào miệng người đối diện, thế là vui vẻ cả, vì ai cũng được ăn uống no nê.

Ước gì niềm vui bàn tiệc thánh mà chúng ta tham dự cũng được tiếp tục thể hiện trong đời thường của chúng ta. Ước gì cả cuộc sống chúng ta luôn được diễn ra trong gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, vui tươi, nhờ đó chúng ta cảm nhận được niềm vui đích thực của Nước Trời và thắng vượt được mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống.  [Mục Lục]

12. Y phục tiệc cưới

(Suy niệm của Barbara E. Reid – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Mọi sự đã sẵn sàng, xin mời đến dự tiệc”. (Mt 22,4).

Tuần vừa qua tôi nhận được hai lá thư. Lá thứ nhất do một người giàu sang quý tộc gửi đến qua đường bưu điện. Bức thư được gửi đi một cách trọng thị, với phong bì dán kín, được trang trí kiểu cách, và có dấu bảo đảm của bưu điện. Lá thứ hai được gửi qua đường email, gửi cho tôi cũng như cho nhiều người khác cùng lúc. Nội dung lá thư thứ hai này nói với người nhận hãy chuyển sứ điệp cho nhiều người khác nữa, càng nhiều càng tốt, không cần họ trả lời. Kẻ gửi thư email này, giống như một người xóc đĩa, cứ xóc đại, trúng ai thì trúng.

Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, ông vua sắp tổ chức tiệc cưới cho đứa con trai, dường như đã gửi thư mời theo cả hai dạng thức này. Những người đầu tiên được mời rất trang trọng, nhưng họ lạnh lùng từ chối, cho dù các gia nhân đã đi mời họ đến hai lần. Nhà vua sau đó truyền lệnh cho các gia nhân ra khắp các nẻo đường phố xá, mời tất cả những ai họ gặp để đến cho đầy nhà, bất kể người tốt lẫn kẻ xấu. Và cuối cùng, phòng tiệc đã chật kín người.

Trong mạch văn của Tin mừng Matthêu, dụ ngôn dường như không phân định sự khác biệt giữa hai nhóm người được mời. Thánh ký cũng chẳng đá động gì tới những người được mời thuộc tầng lớp xã hội nào, có khi chỉ là những người nghèo kiết xác, thậm chí bị què quặt hay đui mù như trong trình thuật của Luca (Lc 14,15-24). Matthêu cũng không để ý đến sự kiếu từ mà nhóm thứ nhất đưa ra, xem lý do của họ có chính đáng hay không. Hơn nữa, thánh ký cũng chẳng cần điều tra lý lịch những người ở nhóm thứ hai, xem họ thuộc giai tầng nào, và đặt điều kiện ra sao đối với họ. Thay vào đó, Matthêu chỉ nhấn mạnh đến tính cách đại trà không cần tính toán nơi lời mời, và sự kỳ vọng duy nhất của đức vua đặt để nơi những người được mời, là mong họ chấp nhận.

Đây là dụ ngôn thứ ba trong một loạt những dụ ngôn nhắm đến các lãnh đạo tôn giáo thời Chúa Giêsu. Họ là những người đầu tiên đã được Thiên Chúa gọi mời, và Ngài hy vọng họ sẽ chấp thuận lời mời trọng thị đó, ngang qua Đức Giêsu. Tuy nhiên đây không phải là những nhân vật đã mau mắn sẵn sàng đáp trả, và đến để ngồi vào bàn tiệc. Đức Giêsu, qua hình tượng Người Nữ Khôn ngoan mà sách châm ngôn trong cựu ước nói tới, “đã lên các nơi cao trên thành phố (Cn 9,3) mời gọi mọi người: Hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9,6).

Tuy nhiên, có một điều kiện khá giản đơn được đặt ra, là khi đến tham dự bữa tiệc, người ta phải “mặc” y phục chỉnh tề. Trong các lá thư của Thánh Phaolô, chúng ta thường thấy hạn từ “mặc lấy” mang một ý nghĩa biểu trưng, nói về chính cách sống của người Kitô hữu. Ngài nhắn nhủ giáo đoàn Colossê “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Anh em hãy mặc lấy lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại” (Col 3,12; xem Rm 13,14; Gal 3,37). Cũng tương tự, Thánh Matthêu muốn khách dự tiệc cưới phải mặc y phục. Những việc làm tốt lành và thái độ đức tin, chính là biểu thị cụ thể của y phục lễ cưới. Thực khách phải “mặc vào” để có thể xứng đáng ngồi vào bàn. Những cách sống cụ thể như thế sẽ rất cần thiết, chứ không phải chỉ có thái độ hình thức xuông bề ngoài mà thôi.

Câu văn trong Tin mừng Matthêu hôm nay đổi hướng từ hình thái dụ ngôn, dường như chuyển sang hình thức ám dụ, để nói về lịch sử ơn cứu độ. Trong khi đức vua đã quảng đại và hào phóng vượt bậc khi mở phòng tiệc, là một hình ảnh tương thích với lời mời của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu, thì sự truy diệt không thương tiếc của nhà vua đối với những kẻ đã giết các đầy tớ và việc đốt phá các làng mạc của họ, chắc chắn không biểu thị về cách hành xử của Thiên Chúa. Tội ác của họ đã rõ ràng, cụ thể là sát hại các gia nhân, như trường hợp đã xảy ra khi Herôđê ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy giả, hoặc như những người Rôma phá hủy thành Jêrusalem năm 70. Nhưng Thiên Chúa đã xử đối như thế nào?

Cũng như trong các dụ ngôn khác nơi Tin Mừng Matthêu, những nhân vật chống đối sẽ bị “ném ra ngoài nơi tối tăm, chỗ khóc lóc và nghiến răng (8,12; 13,42; 13,50; 24,51;25,30). Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một điều quan trọng. Sự từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, tự nó sẽ gánh lấy hậu quả. Thiên Chúa không giáng phạt chúng ta một cách cuồng nộ để trả thù, như nhiều người vẫn nghĩ tưởng. Tuy nhiên, những ai phớt lờ lời mời gọi của Ngài, và không mặc lấy áo cưới, tức là không sống theo đường lối yêu thương và tha thứ của Đức Giêsu, thì chính họ đã tự chọn cho mình một chỗ dẫn đến hủy diệt và bạo tàn. Không phải Thiên Chúa ra hình phạt, nhưng chính họ, họ đã tự kết án chính mình.  [Mục Lục]

13. Tiệc cưới đã sẵn sàng

(Suy niệm của Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu)

Suy Niệm

Dụ ngôn hôm nay nói về một tình yêu bị từ chối.

Chẳng có gì long trọng và tưng bừng cho bằng tiệc cưới của hoàng tử.

Tiệc cưới này do chính nhà vua khoản đãi với sự chuẩn bị chu đáo.

Vua đã mời các quan khách từ trước, và còn mời nhiều lần sau đó.

Trước những lời mời trân trọng của nhà vua, họ đã chối từ.

Thái độ của quan khách thật không sao hiểu nổi.

Họ chẳng sợ xúc phạm đến nhà vua khi coi chuyện đi buôn và chăn nuôi

quan trọng hơn chuyện dự tiệc cưới hoàng tử (c. 5).

Thậm chí có kẻ còn bắt các đầy tớ, hành hạ và giết đi (c. 6).

Những khách quý bây giờ trở thành kẻ sát nhân.

Họ sẽ phải chịu cơn thịnh nộ ghê gớm của nhà vua về sự xúc phạm đó.

Như thế tiệc cưới cho hoàng tử sẽ đi về đâu?

Ai là người sẽ được mời tiếp theo, khi những người trước tỏ ra bất xứng?

Nhà vua đã đưa ra một quyết định rất bất ngờ.

“Hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9).

Như thế phòng tiệc bây giờ vẫn đầy người được mời, có cả tốt lẫn xấu.

Dụ ngôn trên đây lại được kết nối với một dụ ngôn khác.

Chúng ta ngạc nhiên khi thấy nhà vua đi vào phòng tiệc

để quan sát cách ăn mặc của những vị khách đến từ đường phố (c. 11).

Có người không mặc y phục lễ cưới và đã bị trừng phạt nặng nề (c. 13).

Tại sao lại phạt anh, khi anh bất ngờ được đưa vào ăn cưới?

Nhưng đừng quên các người khác đều mang y phục lễ cưới đầy đủ,

nên anh chẳng nói được gì để tự biện minh (c. 12).

Lịch sự với Thiên Chúa là điều ta dễ quên.

Ngài vẫn trân trọng mời ta dự tiệc chung vui với Ngài, với Con của Ngài.

“Mọi sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới” (c. 4).

Đối với Ngài, sự hiện diện của chúng ta đem lại niềm vui lớn.

Khi đa số dân Do-thái, những khách quý được mời trước, từ chối Ngài,

Ngài đã không muốn phòng tiệc bị trống, tiệc cưới bị đình hoãn.

Thiên Chúa chấp nhận mở cửa phòng tiệc cho mọi người.

Họ đến từ muôn phương, có người tốt người xấu, để làm nên Giáo hội.

Giáo hội gồm những người được mời và được gọi một cách nhưng không.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lịch sự với Thiên Chúa, người chủ tiệc,

cần mặc y phục lễ cưới một cách đàng hoàng.

Y phục ấy chính là một đời sống nghiêm túc theo giáo huấn của Đức Giêsu.

Các kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc của Thiên Chúa.

Chúng ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội,

nhưng chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn.

Số người được chọn bao giờ cũng ít hơn số người được gọi.

Để vào số những người được chọn, chúng ta phải biết trân trọng ơn ban.

Có khi chúng ta cũng coi chuyện buôn bán làm ăn của mình

quan trọng hơn những lời mời khẩn thiết đến từ Thiên Chúa.

Làm thế nào để chúng ta giữ được ơn cứu độ Chúa đang ban hôm nay?

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen. [Mục Lục]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *