Trao tặng quà yêu thương (21.04.2023 – Thứ Sáu tuần II Mùa Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 5,34-42, Ga 6,1-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 6,1-15)

1 Khi ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. 2 Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. 3 Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. 4 Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

5 Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” 6 Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. 7 Ông Phi-líp-phê đáp : “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” 8 Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người : 9 “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !” 10 Đức Giê-su nói : “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. 11 Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. 12 Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ : “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” 13 Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. 14 Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói : “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian !” 15 Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

Trao tặng quà yêu thương (21.04.2023)

Mừng đại lễ Phục Sinh, trong niềm vui hân hoan có một ân nhân nhờ Huynh đoàn chúng tôi chuyển giúp một số quà gởi tặng cho các đoàn viên đang đau ốm. Thế là có dịp đem niềm vui đến cho anh chị em trong tuần lễ Mừng Chúa sống lại, gặp nhau mọi người tay bắt mặt mừng cảm nhận sợi dây thân ái thêm chặt, các chi trưởng kết hợp với chị phụ trách tông đồ đến thăm hỏi và an ủi động viên tinh thần các anh chị mau phục hồi sức khỏe. Niềm hạnh phúc đến bất ngờ, chỉ vài lời chia sẻ, câu chuyện không đầu đuôi, nụ cười luôn nở trên môi, hiệu quả mang lại cho người bệnh cảm giác như khỏe hơn. Nhiều chuyện vui buồn xa xưa từ thuở nào được tái hiện lại do các anh chị cao tuổi xúc động kể lại. Chúng con xin Chúa Giêsu Phục Sinh trả công bội hậu cho quý ân nhân.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay theo thánh Gioan (Ga 6,1-15), câu chuyện tường thuật về việc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để cho dân chúng đi theo nghe Người giảng dạy được no nê, trong đó “số đàn ông độ năm ngàn” Ga 6,10. Cảm tạ Lòng Thương Xót của Ngài, vì quá yêu thương nhân loại, Chúa luôn quan tâm đến nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của mọi người, cái đói về vật chất thì ngay trước mắt chúng ta có thể bù đắp theo nhu cầu, nhưng còn về tinh thần thì sao?

Hàng ngày Huynh đoàn chúng tôi vẫn cùng nhau dâng lời kinh chúc tụng cảm tạ Thiên Chúa, chúng ta đã đón nhận được rất nhiều ân sủng Thiên Chúa ban tặng, cuộc sống ngày nay dù giàu sang hay nghèo khó vẫn là thử thách cho chúng ta, người giàu sẽ sử dụng tiền của để phục vụ vào mục đích gì có mang lại hạnh phúc ở đời sau không? Kẻ nghèo khó sẽ sống như thế nào để mai sau cũng được hưởng phúc đời đời. Tất cả chúng ta đều đang trên đường tiến về nhà Cha, phải làm điều gì đây?

Câu chuyện trong Tin Mừng cậu bé mang theo năm cái bánh và hai con cá cũng góp phần nhỏ bé của mình với mọi người. Chúa đã làm cho phần thực phẩm nhỏ nhoi ấy trở nên nhiều hơn để có thể cung ứng cho rất đông dân chúng không chỉ đủ dùng mà còn thu lại “mười hai thùng đầy bánh vụn” Ga 6,13. Qua sự kiện ấy, chúng ta nhận ra một điều là trao tặng xuất phát từ lòng yêu mến và nhân ái sẽ làm đẹp lòng Chúa. Mỗi năm vào mùa chay, Huynh đoàn chúng tôi vẫn mời gọi sự chung tay góp sức của anh chị em để cùng thực hiện một công việc bác ái, năm nay chúng tôi hiệp hành cùng giáo xứ theo thư ngỏ của Cha Chánh xứ mong sao công trình sửa chữa nhà Chúa sớm hoàn thành.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, là Đấng từ bi nhân hậu luôn thương xót tạo vật mà Chúa tạo dựng “Thầy chạnh lòng thương đám đông” Mc 8,2, dù chúng con luôn bất xứng với Ngài. Trong cuộc sống bấp bênh, hôm nay công việc thuận lợi, nhưng đến ngày mai có thể gặp nhiều rủi ro, chính điều ấy làm chúng con luôn phòng thủ của cải tiền bạc, điều mà mọi người gọi là lo xa cho tương lai của gia đình mình. Xin ban cho chúng con ơn can đảm để dám sống theo tinh thần của Chúa, xin cho chúng con ơn biến đổi để luôn trông cậy, phó thác và sống xứng đáng là con Chúa.

Anna Anh

Chúng ta có gì cho họ ăn? (29.04.2022)

Ngày 29.04: Lễ Nhớ Thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Trên đường đến Tân Hiệp – Bình Phước hai bên đường là rừng cao su, để vào thăm các gia đình trẻ người dân tộc họ Lâm đang làm công nhân cạo mủ cao su tại đây, chúng tôi đi xe máy trên con đường cát, đầy lá úa vàng nâu, trong rừng lác đác các căn nhà nhỏ mái tôn, tường gạch không quét vôi, được dựng lên ở khoảng cách xa xa. Theo soeur Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn thì thời gian này họ đang thất nghiệp vì chưa vào mùa cao su và mùa nhặt hạt điều. Hàng ngày người bố vẫn ra ngoài tìm việc, còn ở nhà người mẹ trẻ chăm sóc các con, đứa bé thì ẵm trên tay, còn hai trẻ lớn hơn một chút thì ngồi gần đấy, họ đang gặp khó khăn về cuộc sống vì không có việc làm. Nhóm chúng tôi đến thăm và tặng gạo, túi gia vị, thêm ít bánh kẹo cho trẻ con của ba mươi gia đình. Niềm vui của người nhận và người tặng được nhân đôi như dân gian hay nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, và theo Lời Chúa dặn dò các môn đệ quan tâm đến nhu cầu của người xung quanh. Thánh Gioan Kim Khẩu từng nói: “Không có dấu nào chứng tỏ ta có lòng kính mến Chúa Giêsu, bằng nhiệt thành thương yêu anh em ta”.

Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 6,1-15) ghi nhận, Chúa Giê su đi sang bên kia Biển Hồ. Người đi khắp nơi, lôi cuốn đông đảo dân chúng, làm nhiều dấu lạ, chữa mọi thứ bệnh tật, đi lên núi, giảng dạy các môn đệ và dân chúng. Khi Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người, thì hỏi Philipphê: “ Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”. Chúng ta quan sát từng cử chỉ, lời nói và việc làm của Chúa Giê su, để biết rõ Chúa hơn. Chúa quan tâm đến nhu cầu đói của dân chúng, thánh hóa của ăn, cảm tạ Đấng ban nguồn lương thực nuôi sống con người và Chúa thương những người đi theo Ngài. Thánh Phêrô Julianô Eymard chia sẻ: “Đức Giêsu yêu tôi trước, ngay cả khi tôi không yêu Người… Đức Giêsu yêu chính bản thân tôi như thể tôi là người duy nhất trên cõi đời này … với một tình yêu dịu dàng, quảng đại, không điều kiện và say đắm.”

Có phải chỉ có người người giàu có, dư giả thì mới có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn túng thiếu? Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá của bé trai, không những đủ phân phát bánh – cá cho mấy ngàn người ăn no nê và còn dư mấy thùng bánh. Thể hiện điều Chúa muốn con người nhiệt thành cộng tác với Người trong mọi lúc, chúng ta có cảm nhận khi biết sống san sẻ với người anh em của mình, có phải chúng ta sẽ nhận được rất nhiều niềm vui, sự nối kết với nhau và trở nên thân thiết hơn? Theo thánh Tôma Aquino: “Tình yêu thương anh chị em chỉ đáng công phúc, khi nào được thực hiện vì lòng kính mến Chúa”. Khi mọi người đã no nê, Người yêu cầu các môn đệ thu hồi các miếng bánh dư thừa, không để vung vãi, Chúa dạy chúng ta biết trân quý của ăn.

Lạy Chúa, ngoài nhu cầu vật chất như ăn uống hàng ngày là để nuôi dưỡng thể xác, chúng con vẫn còn nhu cầu của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra nguồn lương thực thiêng liêng mà Chúa đã ban tặng còn quý trọng hơn, để chúng con luôn khao khát đón nhận.

Anna Anh

Máu Thịt Chúa là của ăn sự sống (16.04.2021)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tỏ bày tình thương và quyền phép của Người là Đấng Cứu Thế, cũng là Thiên Chúa, cho đám đông dân Do Thái, đại diện cho toàn thể nhân loại.

Trước hết chúng ta thấy Chúa Giêsu rất lo lắng bữa ăn phần xác cho dân chúng, vì bữa ăn trau dồi năng lượng, duy trì sự sống, không có bữa ăn sự sống ấy sẽ mất: “Thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Người hỏi ông Philipphê: Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Con người được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và cho làm chủ muôn vật, muôn loài. Nhưng vì tội nguyên tổ mà đã bị án phạt: “Ngươi sẽ phải cực nhọc… phải đổ mồ hôi trán… mới kiếm được miếng ăn” (St 3,17-19). Thế là bao tai nạn khổ đau, đói kém xảy ra xưa nay trên thế giới.

Hôm nay rõ ràng thực trạng ấy, nếu Chúa không bày tỏ quyền năng và tình thương thì không biết năm nghìn người này họ sẽ ra sao? Làm phép lạ chứng tỏ Chúa yêu quý cái sự sống thân xác mỗi người mà Thiên Chúa đã tạo dựng. Người vẫn đang làm phép lạ liên lỉ từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế, cho muôn loài muôn vật ấy sinh sôi nảy nở mà nuôi dưỡng ta. Làm phép lạ hôm nay càng chứng tỏ Người là nguyên nhân, là chủ sự sống và làm chủ muôn loài.

Của ăn phần xác là thứ tối thiểu, tối cần cho con người mà cả đến con vật ta cũng không được để nó thiếu đói, như Chúa đã dạy: “Hãy xem chim trời chúng không gieo, không gặt mà Thiên Chúa chẳng để cho con nào phải chết đói.” (Mt 6,26). Khi săn sóc phần xác cho con người là con cái, là hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa muốn ta sau khi sống ở trần thế này sẽ còn được sống bên Chúa muôn đời nữa. Chúa đã dùng nhiều dụ ngôn nói về bữa ăn, “bữa tiệc” cần thiết cho con người. Bữa tiệc hôm nay Chúa cho hơn 5000 người no nê an vui phần xác bên nhau. Còn bữa tiệc đêm thứ năm trước khi Người đi chịu chết, đồ ăn chỉ có một món duy nhất là Máu Thịt Chúa kéo dài qua muôn thế hệ, mời gọi mọi thứ người để ai ăn uống vào sẽ được no nê, không phải khát mãi mãi và được sống hạnh phúc muôn đời. Đó là chính bữa tiệc đời đời trên Thiên Quốc. Điều mà chỉ có Chúa Cứu Thế mới làm được.

Trong phép lạ này, Chúa muốn các môn đệ phải cộng tác với Chúa: “chính anh em hãy cho họ ăn.” (Mt 14,16). Đó cũng là bổn phân của mỗi chúng ta hôm nay. Thế giới giờ đây lúc nào cũng có người thiếu cơm bánh, thiếu cửa nhà, thiếu học hành, thiếu tình thương… nhất là thiếu Lời Chúa. Bạn hiện có những thứ gì từ Chúa ban? Hãy nghe Lời Chúa mà “cho họ ăn”!

Đọc bài giáo lý nói về tình yêu thương quan phòng  của Thiên Chúa đối với loài người, sách đã  kể ra: biết bao tỉ tấn cá hiện có ở các đại đương, bao tỉ tỉ tấn kim loại vàng bạc châu báu sắt thép, khí dầu, than đá, rừng vàng biển bạc… rồi còn không khí, nước, ánh sáng… đã có sẵn cho con người. Thiên Chúa giàu có yêu thương con người biết chừng nào?

Lạy Chúa! Mọi sự trên đời này là của Chúa. Chúa là nguồn sinh lực, là nguồn sống thân xác và linh hồn con. Rời Chúa ra con chẳng có gì, sẽ thành hư không. Xin cho con luôn sống trong tình thương của Chúa, để con được no nê thỏa mãn trong Chúa ở đời này và đời sau trên Thiên Quốc. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Của ăn trường sinh (24.04.2020)

Ghi nhớ:

Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý”. (Ga 6, 11)

 Suy niệm:

Trong cuộc sống của con người, có lẽ nỗi sợ hãi lớn nhất đối với họ là sợ đói. Thật vậy, trong những ngày vừa qua, để phòng dịch Corona, người dân nhất là ở các thành phố lớn, đã có lúc tranh nhau đi ra cửa hàng mua lương thực, thực phẩm về nhà dự trữ vì lo sợ rằng khi bệnh dịch  đến sẽ không còn thức ăn nữa. Vì vậy mà gây ra cái cảnh chen lấn, cháy hàng, mất trật tự…

Có thể nói, trong những cái chết mà nhân loại phải đối mặt thì có lẽ chết đói là cái chết kinh khủng nhất, đáng sợ nhất. Họ chết trong sự vật vã, chết dần chết mòn do không có gì để ăn và  nguồn cung cấp dinh dưỡng không còn được duy trì trong cơ thể nữa!

 Nước Việt Nam, mà cụ thể là miền Bắc vào năm 1945 đã phải trải qua nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử. Có khoảng gần hai triệu người đã chết trong thời gian từ tháng 10 năm 1944 cho đến tháng 5 năm 1945. Tất cả đã xảy ra chỉ vì con người  muốn tranh dành quyền lợi và sự thống trị trên kẻ khác. Tóm lại, những người chết đói  là những nạn nhân hiền lành  họ phải chết vì lợi ích của một bè lũ cầm quyền. Thực dân Pháp thì ra sức thu mua lúa gạo dự trữ để phục vụ cho chiến tranh. Còn quân đội Nhật cũng vì mục đích phục vụ chiến trường thì ngoài việc vơ vét lương thực ra họ còn bắt dân chúng phải nhổ bỏ lúa đi mà trồng đay bô thay thế vào!

Trong khi đó mặc dầu miền nam có lúa gạo, nhưng những kẻ xâm lược đâu có đủ lòng nhân từ để lo lắng, tìm cách cứu giúp dân chúng mà mang lương thực trong nam ra bắc để cứu đói cho họ. Ôi! đau xót thay những sinh mạng đã phải chết một cách thê thảm trong đói khát  chỉ vì tham vọng của một lũ  cầm quyền!

 Bài Tin Mừng  nay thuật lại biến cố Chúa Giê su hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, những kẻ đi theo, chứng kiến những dấu lạ Chúa làm và nghe những lời Ngài giảng dạy. Chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá. Đức Giê-su đã cho khoảng năm ngàn người đàn ông( không kể đàn bà và trẻ em) được ăn no nê. Khi chứng kiến phép lạ này thì dân chúng liền ca tụng Đức Giê-su: “ Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian”. Mặc dầu họ có cái nhìn về Đức Giê-su như vậy, Nhưng họ không hiểu rằng Chúa Giê-su chỉ đến thế gian để cứu giúp, giải thoát  con người ta ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi và dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa, Đấng yêu thương và luôn chăm sóc cho mọi người phần hồn cũng như phần xác. Ngài không đến thế gian với mục đích làm chính trị hay là làm vua, do vậy khi biết dân chúng muốn tôn vinh mình lên làm vua, Đức Giê-su đã lánh họ mà đi lên núi một mình!

Phép lạ hóa bánh ra nhiều vào thời điểm đó là dấu chỉ hướng chúng ta đến một phép lạ cả thể và cao trọng hơn mà Đức Giê-su sẽ thực hiện sau này, là lúc trước khi Chúa Giê-su chịu khổ nạn thập giá để cứu chuộc nhân loại: Đó là việc Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Rồi chính Ngài còn truyền dạy cho các tông đồ phải thực hiện lại việc này để luôn tưởng nhớ đến Ngài.

Thực hiện lệnh truyền đó. Ngày nay Giáo Hội cử hành thánh lễ, Qua việc đặt tay, đọc lời truyền phép của Linh Mục chủ tế và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần bánh và rượu sẽ hóa nên Thịt và Máu của Chúa Giê-su, và trở nên của ăn, của uống nuôi sống linh hồn mọi người đang trong cuộc lữ hành nơi dương thế. Để nhờ nguồn bổ dưỡng của Mình và Máu Thánh Chúa con người có đủ sức mạnh mà tiến bước, vượt qua mọi trở ngại, mọi thử thách và mọi khó khăn để  có thể tiến về đích điểm; đó là Nước Trời.

Ai cũng biết, là một con người thì phải có hai thành phần làm nên cuộc sống; Đó là thể xác và tâm hồn. Thể xác muốn được sống, muốn được tồn tại thì phải có thức ăn, thức uống. Cũng vậy, phần linh hồn nếu muốn sống và phát triển thì cũng cần có của ăn, của uống. Có hai hình thái của ăn phần tâm hồn: Trước hết là lắng nghe Lời Chúa. Bởi chưng như chính ĐứcGiê-su đã nói: “ Người ta sống không chỉ  bởi cơm bánh, nhưng còn nhờ bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.( Lc 4,4) Cũng thế, thánh Phê-rô đã có lần khẳng định:“Bỏ Thầy con biết theo ai? Vì chỉ Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”(Ga 6,68). Bên cạnh đó là của ăn Thánh Thể. Và để có của ăn phần hồn thì  chúng ta phải giữ mình sạch tội và thường xuyên tham dự thánh lễ vì ở đây chúng ta được đồng thời tham dự trọn vẹn vào hai bàn tiệc: Bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.

Người Ky tô hữu sẽ sống có ý nghĩa hơn nếu  bắt đầu một ngày mới bằng việc đi tham dự thánh lễ. Rước Chúa vào lòng, và sau đó về nhà đem lời Chúa dạy ra áp dụng vào cuộc sống hàng ngày thì thiết tưởng  người tín hữu ấy đã tìm được lẽ sống, được niềm vui, bình an và  hạnh phúc ngay trong cuộc đời này rồi.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su rất đáng kính mến, Chúa đã lo lắng cho chúng con có được lương thực phần xác để cho chúng con được sống, Ngài lại còn ban chính Máu Thịt Mình để nên của ăn thiêng liêng nuôi sống linh hồn chúng con. Chúng con xin tạ ơn Ngài và hứa sẽ luôn được giữ tâm hồn trong sạch để xứng đáng là ngôi đền thờ để Chúa ngự vào lòng. Amen.  

 Sống Lời Chúa:

Sắp xếp công việc và thời gian để có thể tham dự thánh lễ nghe lời Chúa và rước Chúa vào lòng. Trong thời gian cách ly vì dịch Covid-19 này chúng ta luôn nhớ đến Chúa và rước lẽ thiêng liêng nhiều lần trong ngày.

 Đaminh Trần Văn Chính.

Chúa yêu thương và cứu giúp dân chúng (13.04.2018)

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng khi họ đang đến và ở lại với Ngài. Ngài có thể tự mình làm được tất cả mọi sự theo ý muốn, nhưng Ngài cũng cần có sự cộng tác của mọi người, trong đó có cả các môn đệ của và của dân chúng. Các môn đệ cảm thấy rất là khó khăn khi phải kiếm ra lương thực để giải quyết việc ăn uống cho cả hàng nghìn người. Còn Chúa Giêsu, Ngài đã thể hiện quyền năng của Ngài để củng cố niềm tin cho các môn đệ và những ai đang tìm đến với Ngài.

Chúa vẫn còn luôn mãi thương con

Từ ngàn xưa trường tồn muôn kiếp

Tình Ngài bao la tha thiết

Cho con an lành, thề quyết vững tin

*

Chúa yêu thương, giữ gìn nhân thế

Hy sinh mình, lễ tế hiến dâng

Trao ban hồng phúc thánh ân

Nhân loại chung hưởng tinh thần hân hoan

 

Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân người. Việc làm này đã cho thấy Ngài luôn quan tâm đến nhu cầu của thân xác con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực đem lại sự sống đời đời.  Nhưng cùng một lúc, Chúa đã chữa lành và nuôi dưỡng dân chúng. Cả hai việc làm này đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.

Chúa còn đó, giữa ngàn gian khó

Nâng đỡ con, biết phó thác hoài

Cậy trông tin tưởng nơi Ngài

Vượt qua “sóng gió”, đến đài vinh quang

*

Chúa còn đây, từng ngày tươi sáng

Hướng dẫn con cố gắng vươn lên

Đức tin lớn mạnh vững bền

Cuộc sống cao đẹp, càng thêm tốt lành

 

Biết sống quan tâm và chia sẻ vui buồn sướng khổ với tha nhân là lời mời gọi mà Chúa muốn trao gởi đến mỗi người chúng ta. Thực thi được như vậy là chúng ta đã góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng cuộc sống có ý nghĩa và tốt đẹp hơn, để tinh thần yêu thương và hiệp nhất được loan tỏa tới muôn nơi cũng như tới mọi người. Để có của ăn vĩnh cửu, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, chúng ta cần phải: đến với Chúa và Tin vào Ngài.

Tạ ơn Chúa! Lòng thành dâng kính

Cho cuộc đời công chính thẳng ngay

Tình thương của Chúa tràn đầy

Giúp con vững bước tháng ngày trần gian

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những chúng con có được lòng cảm thương đối với mọi người, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như xoa dịu những đau khổ tinh thần của những người đang cần đến chúng con. Amen.

HOÀI THANH

Hồng ân của Thiên Chúa bao la luôn dư tràn (28.04.2017)

Chuyện kể rằng:

Mẹ Têrêxa thành Cacutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 đã kể lại câu chuyện sau đây: ngày nọ, có một thiếu phụ và 8 đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần… Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: “Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn”.

Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau. Càng giàu có, chúng ta càng muốn tích lũy thêm, nhưng càng nghèo khổ, chúng ta càng dễ chia sẻ hơn.

Suy niệm:

Bài phúc âm hôm nay cho ta thấy: Hồng ân của Thiên Chúa bao la luôn dư tràn trong đời sống của mỗi người. Vì chúa chẳng để cho những ai tin theo Người phải đói bao giờ. Chúa luôn ban no đủ ơn phúc như bánh trường sinh, nước hằng sống để ngay khi ở trần gian họ đã được thoả thuê sung sướng. Nhưng vì lòng tham của con người quá độ nên đã dẫn đến sự khổ đau, gây nên sự thiếu thốn …

“Năm chiếc bánh và hai con cá.” Một khẩu phần ăn của em bé, một đóng góp chia sẻ, một cộng tác bé nhỏ của con người, đặt vào bàn tay uy quyền Chúa, nhu cầu đói khát của đám đông dân chúng được hoá giải.

Trước những nhu cầu của con người, một thách thức vượt ngoài khả năng của con người: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Chúa biết rõ điều ấy, các môn đệ không thể làm được gì. Nhưng Chúa muốn có sự cộng tác của con người, Người muốn các môn đệ hãy suy nghĩ tìm cách nào đó để nhận ra quyền năng của Chúa. Ông Philipphê đề nghị: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút?”

Một ý kiến khác xuất hiện, đó là ý kiến của ông Anrê, anh ông Phêrô. Ông phát hiện ra một em bé và ông thưa với Chúa rằng: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạnh và hai con cá, nhưng với bằng ấy thì thấm vào đâu.”

Cũng vậy, sự tin tưởng và dâng hiến của em bé cho Chúa Giêsu bằng cả tấm lòng, cả con tim. Em đã cộng tác với tất cả những gì mình có là 5 con cá và 2 chiếc bánh  để cho mọi người cùng được ăn no thoả.

Ngày nay, trước những vấn đề lớn lao của nhân loại, như đói khát lương thực, đói khát hoà bình, đói khát công lý… con người chúng ta thường bất lực…! Nhưng nếu chúng ta biết liên đới với nhau và cộng tác với ơn Chúa mà thực thi những giáo huấn của Chúa, thì những thách đố đó sẽ dần dần được tháo gỡ và hoá giải.

Quả thật, thế giới không sợ thiếu lương thực, chỉ sợ thiếu những con người không biết mở lòng ra chia sẻ … Thế giới không sợ thiếu hoà bình, chỉ sợ thiếu những người xây dựng hoà bình. Nhân loại không sợ thiếu công lý, chỉ sợ con người không biết thực thi công lý.

Chúng ta là những người Kitô hữu, hãy trở nên Kitô hữu đích thực. Kitô hữu đích thực là hãy sống trong Chân Lý và thực thi Chân Lý. Chân lý ấy chính là Chúa Cha Yêu thương loài người, được thể qua Người Con yêu dấu là Đức Giêsu Kitô.

Chúa luôn chăm sóc cho ta được nghỉ ngơi bình an và những ai đi theo Người sẽ luôn được no thoả sức sống. Chỉ cần chúng ta luôn luôn cộng tác với Người, tin tưởng và phó thác vào Người thì thế giới này sẽ có hoà bình, mọi người sẽ được no thoả hạnh phúc.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho con luôn biết tin tưởng và phó thác nơi Người. Xin cho con luôn luôn sẵn sàng công tác với Chúa, chia sẻ tất cả những gì con có Cho Chúa, cho anh em đồng loại của, để cả con cũng được no thoả và hạnh phúc ngay nơi trần gian này. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Phép lạ vẫn được tiếp diễn hôm nay (08.04.2016)

“Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Chúa Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” (Ga 6,9-10)

Các môn đệ hết sức lúng túng khi Chúa bảo họ phải lo ăn cho đám đông người đang đói. Thực phẩm họ có trong tay có thấm vào đâu với số người này! Đối với các môn đệ, ‘không thấm vào đâu’ cũng có nghĩa không có gì hết để lo cho đám đông. Nhưng, ý nghĩ của họ khác nhiều với ý muốn của Chúa.

Như Đức Bênêđitô đã nói: phép lạ này không được làm từ không có gì, nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có. Chúa cho chúng ta hiểu rằng, nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá bé nhỏ, Chúa sẽ làm cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, bởi Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho anh chị em chúng ta.

Chúa đã trao cho quà tặng kỳ diệu là Mình Máu Ngài để nuôi sống chúng ta. Vậy, nếu hôm nay chúng ta có năm chiếc bánh và hai con cá, ta có dám đặt vào tay Chúa để phép lạ được diễn ra không? Nếu hôm nay chúng ta có mười chiếc bánh và bốn con cá, chúng ta dám trao vào tay Chúa không? Vì vậy, vấn đề không phải ở số lượng chúng ta có, mà ở tấm lòng của chúng ta, phải không?

Mỗi ngày, chúng ta quảng đại đặt vào tay Chúa một món quà, một ước nguyện…, để phép lạ được tiếp diễn…

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống lại để con vững tin rằng, trong thế giới hôm nay, Chúa đang sống với đầy đủ quyền năng của Đấng Phục Sinh và đang làm muôn điều kỳ diệu, cụ thể nhất trong cuộc đời của con, và nơi Huynh Đoàn Đa Minh chúng con.

BCT

Dấu chỉ nhận ra Người

“Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó.” (Ga 6,11).

Suy niệm: “Cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát” là hành động rất quen thuộc của Chúa Giê-su. Các Phúc Âm kể lại ít nhất năm lần Ngài thực hiện cử chỉ này: hai lần hoá bánh ra nhiều (Mc 6,32-44; 8,1-10); trong Bữa Tiệc Ly (Lc 22,19-20); hai lần sau Phục sinh (Lc 24,13-35;Ga 21,1-14). Ai ăn bánh đều phải cầm lấy bánh; nhưng Đức Giê-su cầm lấy bánh là để “dâng lời tạ ơn rồi phân phát”. Chính hành động này đã làm nên sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và mọi người. Chứng kiến việc “Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát”, dân chúng phải thừa nhận “Hẳn ông này là vị ngôn sứ phải đến thế gian” (c.14). Tuy họ hiểu sai về ý nghĩa ngôn sứ nơi Đức Giê-su (nên Ngài đã lánh đi), để rồi mãi về sau, ý nghĩa trọn vẹn mới được mạc khải qua việc Ngài tự hiến để trở thành Tấm Bánh bẻ ra trao cho mọi người: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em’” (Lc 22,19).

Mời Bạn: Hành động bẻ bánh của Chúa Giê-su là dấu chỉ để các môn đệ nhận ra Chúa Phục sinh. Và hằng ngày Bánh vẫn tiếp tục được bẻ ra và trao cho chúng ta trong mỗi Thánh lễ. Hãy khám phá nét đặc trưng này để nhận ra ý nghĩa trọn vẹn của việc Bẻ Bánh.

Chia sẻ về những lần rước lễ mà bạn cảm thấy xúc động nhất.

Sống Lời Chúa: Đặt Thánh lễ làm trung tâm và chóp đỉnh đời sống tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su là Tấm Bánh chấp nhận bị bẻ ra để trao ban, hầu giúp chúng con được sống và sống dồi dào. Xin cho con đừng thờ ơ với nghĩa cử cao đẹp này của Chúa. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *