Dấu ấn Dòng Đa Minh trên quê hương Việt Nam (4/6)

V. Dấu ấn Dòng Đa Minh

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, op

Với anh em Đa Minh, gia sản chính các vị tiền bối để lại là sự thánh thiện, lòng hăng say, nhiệt thành và hy sinh. Các vị đến sống giữa quần chúng bình dân, hòa mình vào phong tục dân Việt, và can đảm làm chứng cho tin mừng. Lãnh trách nhiệm tại năm giáo phận, Dòng đã mở chủng viện đào tạo hàng ngũ linh mục giáo phận, thành lập các đoàn thể, đặc biệt là Dòng nữ Đa Minh, Dòng Ba, Hội Mân Côi tại nhiều nơi. Ngoài ra còn có hội dây thánh Tôma, hội Kính Danh Chúa Giêsu và hội thánh Imelda (dành cho trẻ rước lễ lần đầu).

danghoa.JPG

5.1. Nhà Phước Đa Minh Việt Nam

Với quy mô nhỏ hơn và thời gian muộn hơn một chút so với dòng Mến Thánh Giá, nhà phước Đa Minh được quy tụ  năm 1715, như một hội dòng bản xứ trong vùng truyền giáo, đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của hàng ngàn con tim, muốn tận hiến cho Chúa và dấn thân phục vụ tha nhân. Như vậy các Hội Dòng Nữ Đa Minh đã có một chiều dầy 300 năm hiện diện và hoạt động trong lịch sử Giáo hội Việt Nam.

Một điều cần lưu ý, theo Sử Ký Địa Phận Trung thì : “Hễ các thày dòng ông thánh Duminhgô lập nhà mụ nào thì lập những nhà mụ về dòng thứ ba ông thánh Duminhgô mà thôi”. (17) Tuy nhiên, tất cả các nhà Mến Thánh Giá vẫn được duy trì tồn tại trong các giáo phận Dòng. Các tu sĩ Đa Minh đã tuân thủ quyết định của đức Clêmentê XIII năm 1764 : “Chẳng nên ép chị em Mến Thánh Giá bỏ dòng riêng mình ; Các thày dòng ông thánh Duminhgô phải lấy lòng thương chị em, coi sóc dạy dỗ chị em như chính ý trong dòng chị em xưa nay… ; Chị em phải tin cậy và vâng nhời Giám mục cùng thày cả coi sóc địa hạt mình, vì phô thầy ấy là Đấng coi sóc chị em cách riêng”. (18)

Theo cha Angelo Walz OP, nhà Phước Đa Minh được thành lập năm 1715, do sáng kiến của cha chính Bustamante Hy,  (19) quy tụ các thiếu nữ sẵn sàng sống độc thân và sống chung. Với sự đồng ý của Giám mục, chị em sống chung thành những tu xá độc lập tại các xứ đạo, và được gọi theo tên xứ đạo ấy. Qua hình thức bỏ hạt, chị em bầu ra Bà Mụ (bề trên). Phụ giúp cho bà, có bà phó, Cô Ả (bà giáo) và Bà Cai (quản lý). Các dì phước ăn mặc đơn giản và bình dân: áo quần đen hoặc nâu như các phụ nữ nông thôn, đầu quấn khăn đen, đi chân đất. Thường chị em làm ruộng, may vá thêu thùa đồ lễ đồ thờ, nhuộm vải, dệt chiếu… hoặc bán thuốc viên chính tay nhà mụ làm từ làng này qua làng khác.

Về kinh nguyện, mỗi ngày các dì nguyện bảy giờ theo mẫu kinh riêng, suy niệm về cuộc thương khó Chúa Giêsu; gồm “giờ tý, giờ dần, giờ mão, giờ thìn, giờ ngọ, giờ mùi và giờ thân”, cùng lần chuỗi một trăm rưởi. Việc đọc sách thì “phải đọc một ngày một truyện thánh, một đoạn sách vườn hoa, hay là sách khác chẳng kỳ, mặc ý bề trên dạy”…

Các cha xứ thường trao cho chị em việc dạy kinh bổn cho trẻ nhỏ và các nữ dự tòng. Các dì lớn tuổi thì thường chia nhau đi thành từng đôi, bán thuốc tại các làng, để có thể tiếp xúc và loan báo Tin Mừng, rửa tội cho trẻ em nguy tử, hoặc chuộc các em đem về nuôi dưỡng tại các “nhà thiên thần” hay các nhà thương.

Trong giáo phận Trung (gồm Bùi Chu và Thái Bình) năm 1916, các dì chuộc được tất cả 2.819 trẻ trên tổng số 3.353 trẻ các dì chăm sóc tại 15 nhà thiên thần. Cũng năm đó, chị em phụ trách 15 trong số 17 cơ sở bác ái của giáo phận (3 trại phong, 1 viện dưỡng lão và 11 bệnh xá).  (20) Các nữ tu Thánh Phaolô phụ trách hai cơ sở còn lại.

Trong thời cấm đạo, các dì là những người chuyển thư, đưa tin, lo liệu cơm nước, thuốc men, và đôi khi đưa Mình Thánh cho những vị ẩn nấp hoặc bị giam cầm vì đức tin. Sau thời bách hại, các Dì tham gia công tác xã hội, giúp những ohụ nữ bị ép cưới chồng ngoại đạo, hoặc mở các lớp học văn hóa cho các em thiếu nhi tại nhiều nơi.

Năm 1780, khu vực Đa Minh có và 12 nhà nữ Đa Minh với 178 dì. Năm 1945, trong năm giáo phận Dòng có tất cả 50 nhà phước Đa Minh với 950 dì. (21) Sang thế kỷ 20, theo ý công đồng Đông Dương, chị em được cải tổ thành các Hội dòng Giáo phận. Sớm nhất là Dòng nữ Đa Minh Bùi Chu năm 1951. Công cuộc cải tổ cũng đã tiến hành trong các giáo phận khác, nhưng do hoàn cảnh năm 1954, nhiều Hội dòng Nữ Đa Minh được thành lập tại miền nam.

Thống kê tháng 3-2015 : Nữ tu Đa Minh Việt Nam có 2.207 nữ tu, 196 tập sinh thuộc mười đơn vị Đa Minh : Bùi Chu và Tam Hiệp (1951), Thánh Tâm (1958), Rosa Lima (1973), Lạng Sơn (Gò Vấp 1978), Thái Bình (2004), Phú Cường, Bà Rịa, Bắc Ninh (2012), và Đan viện Đa Minh (2002).

5.2. Dòng Ba Đa Minh : Sẽ có một bài riêng

tangxac1.JPG

Thứ sáu tuần thánh tại giáo xứ Báo Đáp

5.3. Lễ hội trong giáo phận Dòng

Tiếp nối truyền thống từ thời các cha Dòng Tên, nói chung các thừa sai Tây Ban Nha, ủng hộ những sáng kiến đạo đức của tín hữu bình dân tại các xứ họ. Các vãn dâng hoa, các hình thức ngắm nguyện… đã trở thành truyền thống, đến độ hầu như không thể thiếu tại mỗi giáo xứ; đó cũng là những bài giáo lý vỡ lòng cho thiếu nhi, bài suy gẫm sâu sắc cho người lớn, và tạo nên bầu khí lễ hội cho thôn làng.

Dĩ nhiên lễ hội lớn nhất, ngày hội của toàn giáo phận là Lễ Đầu Dòng. Lễ Đầu Dòng hay lễ kính thánh phụ Đa Minh do giám mục Hermossilla khởi xướng trong giáo phận Đông Đàng Ngoài năm 1844; giám mục Sanjujo An khởi xướng tại giáo phận Trung năm 1855. Cả giáo phận tề tựu về Nhà thờ Chính tòa dịp lễ thánh Đa Minh ngày 4 tháng 8 mỗi năm. Các giáo xứ, các hội kèn, phường trống, phường trắc có cơ hội trổ tài. Các chú nhà Đúc Chúa Trời tham dự thi tuyển. Giáo dân thì nô nức đi nghe giảng, xưng tội và rước lễ. Nhiều người ở xa muốn ở lại nhiều ngày, còn mang theo gạo để nấu cơm.

Ngoài bốn mùa phụng vụ : mùa vọng, mùa giáng sinh, mùa chay, mùa phục sinh, sinh hoạt giáo hữu khá sôi nổi trong tháng hoa và tháng Rosa.

“Một năm hai tháng Đức Bà,
Một là Hoa Phượng hai là Mân Côi.”

Trong mùa hoa mỗi giáo họ đều quy tụ đội hoa riêng, trao cho bà quản tập tành suốt cả tháng trời, các “con hoa” tự đi hái hoa. Dâng hoa phải có cung điệu, có ca, có múa, có cử điệu nhịp nhàng. Nhộn nhịp sôi nổi nhất là hai ngày “khai hoa”“giã hoa” thường có sự thi đua giữa các xóm, đôi khi còn rước đoàn hoa xứ bạn đến “hội hoa” hay “góp hoa”. Vãn hoa thực sự là những bài suy niệm sâu sắc về hồng ân Chúa ban cho Đức Mẹ, hướng ta đến các nhân đức của Mẹ để noi gương. Sau phần rước long trọng, đoàn hoa hát chào mừng Đức Mẹ, rồi đến ngũ bái, năm sắc và bảy hoa (hoa quỳ, sen, lê, cúc, mai, lan và mẫu đơn) kết thành triều thiên.

Nhiệm thay ! hoa đỏ hồng hồng,
Nhuộm riêng Máu Thánh thơm chung lòng người.
Vì thương Con gánh tội đời,
Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.

… Quý thay ! này sắc hoa vàng,
Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.
Một niềm tin kính nhơn nhơn,
Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu.

(…) Hoa năm sắc đã giãi niềm,
Lại trưng cổ điển dâng thêm kim đề.

Đức Bà thờ Chúa một bề,
Hoa quỳ chăm chắm hướng về thái dương.
Tội nguyên không nhiễm khác thường,
Hoa sen trên nước chẳng vương bùn lầm…

(…)
Bảy hoa mượn chỉ nghĩa màu,
Hình dong ơn phúc kính tâu ngợi mừng.
Hợp cùng năm sắc đều dâng,
Dường mười hai ngọc kết tầng triều thiên.

Còn về tháng Mân Côi thì có “Phép ngắm Rosa”. Nếu thánh Đa Minh đã được Đức Mẹ trao tràng hạt Mân Côi, thì con cái ngài đến Việt Nam lại thuộc về tỉnh dòng Rất thánh Mân Côi. Chính vì thế hầu như xứ đạo nào cũng có đọc kinh Mân Côi chung mỗi ngày và có họ “Rosariô”.

Cũng chính vì thế ta thấy tại các giáo phận Dòng xuất hiện các vãn Mân Côi: Văn Côi thánh nguyệt tán tụng thi ca, Văn Côi thập ngũ sự thi ca (suy niệm 15 mầu nhiệm), và Vãn Kinh Cầu Đức Bà… (22)

Vườn Rosa bao quanh trái đất,
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền,
Thử truy cùng cho đến căn nguyên;
Xem ai đã gây nên vậy tá ?
Bởi ông Thánh Duminh cha cả,
Thấy ruộng thiêng cỏ rả mê man;
Người lo buồn nguyện ngắm kêu van
Xin Đức Mẹ cực khoan thương đoái …

Theo giáo sư Lê Đình Bảng: phần lớn các giáo phận đàng ngoài, đặc biệt thuộc hệ dòng Đa Minh như Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình… phép ngắm Rosa, một trường thiên ca khúc gồm 252 câu thơ phức hợp (Thất ngôn liên vận và Lục bát), một áng kinh vãn đã thực sự đi vào lòng người nhiều thế hệ. Sở dĩ bản trường ca còn sống mãi trong dòng chảy của lễ lạc phụng vụ, vì nó hội đủ những nhân tố làm nên sự thành tựu của tác phẩm văn học nghệ thuật: Lời hay, ý đẹp, lại có cả cung giọng ngân nga luyến láy như những hò lý của dân ca dân nhạc. Khi thì khấp khởi reo vui như điệu sơn nữ, lưu thủy, hành vân; lúc lại bi ai sầu tỉnh ủ dột như điệu lâm khốc, biệt hành”.

Đến đây, xin trình bày đôi nét về lễ hội tuần thánh. Thời đó giáo hội không cử hành thánh lễ chiều, nên các ngày Tuần Thánh là cơ hội đặc biệt để giáo dân “mở lễ” giúp nhau suy niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Tất cả được dựa trên sách đoạn “giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu”, nhiều nội dung vốn lấy từ sách Tin Mừng.

Mọi người trong xứ đều có thể tham gia: người thì nhập vai các tông đồ, quân dữ, Mađalêna, Nicôđêmô…; kẻ được chọn để ngắm đứng, dâng hạt, than mồ; người tham gia đánh trống, chiêng, trắc, lệnh, sênh, phách; hoặc các dịch vụ chuẩn bị như nấu cơm nếp mật, đắp chiên, treo cờ, dựng rạp, làm nhà mồ, sơn kiệu, trang trí… Tối thiểu thì ai cũng có thể tham gia vai quần chúng.

Thứ năm tuần thánh, tín hữu dựng “nhà tiệc ly” và rước chiên. Cha xứ và 12 tông đồ ăn lễ Vượt qua, rửa chân, rồi tất cả tham dự ngắm đứng. Thứ sáu tuần thánh thì có hoạt cảnh diễn lại cuộc thương khó. Thánh Gioan báo tin, Đức Mẹ gặp và theo Chúa đến “đẳng ngắm” tượng trưng đồi Canvê, hợp với lời “Con tôi đi đâu thì Mẹ theo đi đấy”. Một nhân vật được tuyển chọn với cung giọng diễn cảm đọc sách “giảng sự thương khó”, khi bổng khi trầm, khi thảm thương não nuột. Từ hậu trường vọng ra các âm thanh đang được mô tả, như tiếng xé áo, tiếng xô ngã trên thập giá, tiếng gân cốt dãn ra, tiếng búa đóng đinh, tiếng reo hò của quân dữ… Nhiều tín hữu tham dự cảm động đã bật khóc vì thương Chúa !

Một số chức sắc mặc áo tang ngắm 15 sự thương khó. Cứ sau 5 ngắm lại có “dâng hạt”. Sau đó nhóm “tập đòn” các nhân viên tháo đanh và “phù giá kiệu táng xác”. Tượng xác Chúa được liệm vào “săng” lộng kính nên ai ai cũng thấy Chúa. Rồi mọi người đều đội khăn tang, thắp nến và rước Chúa tới mộ, vừa đi vừa niệm lời Kinh Cầu chịu nạn: “Chúa Giêsu đầy tớ táng trong hang đá – Thương xót chúng tôi”. Đến nơi, một tốp thiếu nữ đại diện để “than mồ”, cha chủ sự hôn và xức dầu thơm chân tượng Chúa. Sau đó đến lượt giáo dân, họ đi bằng đầu gối vào kính viếng và hôn chân Chúa. Họ đổ nẻ và hoa xoan làm cho hang đá phảng phất một mùi thơm đặc biệt.

Chiều thứ bảy, thường có Đàng Thánh Giá trọng thể ngoài trời, với các tượng Chúa vác Thánh Giá, tượng Đức Mẹ, thánh Gioan và thánh Mađalêna. Sau đó là Ngắm Dấu Đanh, suy niệm về Năm Dấu Thánh Chúa, đã bị đanh sắt và lưỡi đòng đâm thâu. Trong lễ đêm Phục Sinh, sau lời xướng kinh Gloria, chuông trống vang lên những hồi dài với âm điệu hân hoan mừng Chúa khải hoàn. Từ mồ thánh, tượng Chúa Phục Sinh uy nghi lẫm liệt được rước lên bàn thờ, trong khi đám thanh niên hò reo “phá Lâm-bô”, dỡ bỏ hang táng Xác Chúa.

Cuối cùng, chiều Chúa nhật Phục Sinh có cuộc rước “kiệu mừng”. Kiệu tượng Đức Mẹ gặp kiệu Tượng Chúa Phục Sinh, kèm với nghi thức “bái kiệu”. Kiệu Đức Mẹ bái Chúa ba lần, trịnh trọng và trang nghiêm. Kiệu Chúa Phục sinh bái đáp lễ một lần, kèm với lời hát chào của nhóm khiêng tượng. Sau khi hai kiệu tiến vào nhà thờ, người ta ngắm năm sự Mừng Kinh Mân côi, với cung giọng Evan …

Với nhiều tín hữu, sau ba bốn chục năm xa xứ, vẫn không thể quên ấn tượng thời thơ ấu, được chứng kiến cảnh Đức Mẹ gặp Chúa vác thánh giá, cảnh tháo đanh Chúa xuống rồi phó vào tay Đức Mẹ, cảnh Đức Mẹ và thánh Gioan đứng dưới chân Thánh giá, và hình tượng Thánh Giá với khăn tang vắt ngang… Đúng là:

Tháng giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng hai Ngắm đứng, tháng ba ra Mùa.

  1. Sử Ký Địa Phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr. 234-237. Bùi Đức Sinh, Dòng Đa Minh trên đất Việt, T. II, tr 254.
  2. Trích “Tài liệu lịch sử hội dòng Đa Minh Bùi Chu”. Đánh máy lại sách cha Phê-rô Mĩ, viết tay tại Liên Thủy 1927. Tr 13-14.
  3. A. Walz, Conpendium Ordinis Praedicatorum, Roma 1930, tr. 547
  4. Sử Ký Địa Phận Trung, Phú Nhai Đường 1916, tr. 237-243.
  5. Đào Trung Hiệu, Nữ tu Đa Minh 300 năm hiện diện, tr. 10.
  6. Theo Lm Vũ Đình Trác, tác giả Các vãn Hoa và tháng Mân Côi là cụ cử Phạm Trạch Thiện, người Nam Trực Nam Định. Xc. “Công giáo Việt Nam trong truyền thống văn hóa Dân tộc”, California 1966, tr 87-97.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *