Gương mặt Cha Thánh Pio Pietrelcina

 

Một số nhận định của Linh Mục thần học gia Antonio Maria Sicari, dòng Cát Minh, về gương mặt của cha thánh Pio Pietrelcina

Cha Pio thuộc dòng Capucino, tục danh là Francesco Forgione, sinh năm 1887 tại làng Pietrelcina, tỉnh Benevento, nam Italia. Năm lên 5 tuổi chú bé hứa tận hiến cuộc đời cho Chúa. Năm 1903 Francesco gia nhập dòng Capucino Morcone tại Benevento và lấy tên dòng là Pio da Pietrelcina. Năm 1907 thầy Pio khấn trọn và năm 1908 lãnh các chức nhỏ, và chức Phụ Phó tế. Năm sau đó vì lý do sức khỏe phải về quê, nhưng cũng được phong Phó tế, và năm 1910 với phép chuẩn của Tòa Thánh, thầy được thụ phong Linh Mục. Ngày mùng 8 tháng 9 năm đó (1910) lần đầu tiên 5 dấu thánh hiện diện trong thân thể cha và cứ định kỳ cha cảm thấy đau đớn, nhưng các dấu thánh không lộ hiện ra bên ra bên ngoài.

Ngày 20 tháng 9 năm 1917 Chúa hiện ra với Cha Pio có 5 dấu thánh chảy máu, và cha Pio nhận được 5 dấu thánh cuộc Khổ Nạn của Chúa. Năm 1920 tuy không được phép coi 5 dấu thánh, linh mục Agostino Gemelli cũng tới San Giovanni Rotondo và sau đó viết một bản tường trình cho Thánh Bộ, nay là Bộ Giáo Lý Đức Tin, và đưa ra các phán đoán tiêu cực về cha Pio. Năm 1922 Thánh Bộ yêu cầu Cha Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Capucino tái lập trật tự tại tu viện San Giovanni Rotondo và đặt người quan sát canh chừng chung quanh cha Pio. Năm 1923 Thánh Bộ công bố tuyên ngôn khẳng định là không nhận thấy hiện tượng siêu nhiên nào nơi các sự kiện được gán cho cha Pio và khuyên các tín hữu hành xử theo tinh thần của tuyên ngôn này. Tháng 7 và tháng 8 cùng năm có tin đồn là cha Pio sẽ bị thuyên chuyển tới một tu viện khác, tín hữu đã phản ứng mạnh mẽ và ngăn chặn được dự tính này.

 

Năm 1925 nhà thương nhỏ mang tên thánh Phanxicô thành Assisi được khánh thành. Năm 1929 Thánh Bộ lại tái yêu cầu các bề trên đổi cha Pio đi một tu viện khác, nhưng phản ứng mạnh mẽ của tín hữu lần này cũng khiến cho lệnh thuyên chuyển bị bãi bỏ. Năm 1931 Thánh Bộ ra lệnh cho cha Pio không được cử hành thánh lễ cho tín hữu nữa. Nhưng tháng 6 năm 1933 cha lại được phép cử hành thánh lễ cho tín hữu. Ngoài việc cử hành thánh lễ, Cha Pio giải tội cho tín hữu và nhờ lời cầu nguyện của cha rất nhiều tín hữu nhận được ơn lạ. Năm 1947 cha khởi công xây cất ”Nhà thoa dịu khổ đau”. Năm 1961 Thánh Bộ ra nhiều chỉ thị liên quan tới cha Pio. Năm 1964 Đức Hồng Y Ottaviani thông báo cho cha biết quyết định của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho phép cha hoàn toàn tự do thi hành chức thừa tác. Cha Pio qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968. Án phong chân phước cấp giáo phận bắt đầu năm 1983 và kết thúc năm 1990. Bẩy năm sau Đức Gioan Phaolô II ký nhận sắc lệnh liên quan tới các nhân đức anh hùng của cha. Ngày mùng 2 tháng 5 năm 1999 cha được Đức Gioan Phaolô II phong chân phước và ngày 16 tháng 6 năm 2002 được tôn phong hiển thánh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Linh Mục Antonio Maria Sicari, thần học gia dòng Cat Minh, tác giả loạt sách Chân dung các Thánh do nhà xuất bản Jaca Book phát hành.

Hỏi:Thưa Cha Sicari, cha giải thích sự thành công của Cha Thánh Pio đối với tín hữu Italia như thế nào?

Đáp: Đây là câu hỏi tôi đã đặt ra khi bắt đầu viết cuốn sách trình bầy chân dung của Cha Thánh Pio. Nghĩa là tôi đã hỏi tại sao một người không dễ dàng như Cha Thánh, không dễ dàng vì kinh nghiệm thiêng liêng đau khổ của người và vì tính tình cũng như những đòi hỏi của người, làm sao một người như thế mà lại đã lôi kéo tín hữu đến như vậy?

Và câu trả lời đó là Cha Pio nổi tiếng, vì ngài là người mang 5 dấu thánh của Chúa. Bình thường những người mang 5 dấu thánh của Chúa, như thánh Phanxicô thành Assisi, đều là một hiện tượng của tình yêu thần bí, phu thê với Chúa Giêsu chịu đóng đanh từ phía người chiêm ngắm Chúa. Một tình yêu mạnh mẽ tới độ được biểu lộ ra trên da thịt sống động của họ. Nhưng Cha Pio là một trường hợp khác. Nếu tôi nhớ không lầm, thì đây là linh mục duy nhất mang năm dấu thánh. Vì thế nên hơn là người đứng trước mặt Chúa Giêsu, cha đại diện Chúa Giêsu, hay nói đúng hơn đại diện Chúa trước mặt dân chúng. Khi người ta thấy cha dâng thánh lễ, thì như thể là trông thấy Chúa Giêsu đau khổ trở lại. Tham dự thánh lễ của cha cũng y như thể là trông thấy một người khổ đau trên Núi Canvê. Nhưng việc đại diện giới thiệu Chúa Giêsu ấy cũng tỏ hiện ra khi cha khơi dậy các sự kiện lạ hay khi cha giải tội, khi đó cũng giống như Chúa Giêsu, với lòng thương xót và dịu hiền, cha mang trên mình gánh nặng của tội lỗi đổ trên người cha.

Hỏi: Như thế có nghĩa Cha Pio là một trường hợp duy nhất trong bối cảnh sự thánh thiện của Kitô giáo, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đâng, đúng thế. Tất cả các vị thánh khác cho thấy phải yêu thương Chúa Giêsu như thế nào, nhưng Cha Pio, trong một cách thức nào đó, diễn tả lại Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương ra sao. Và đây là một sự mới mẻ. Nơi tất cả các thánh mà tín hữu Kitô yêu mến, họ nhận ra các vị là những người yêu Chúa Kitô và họ muốn bắt chước các vị. Nhưng trong trường hợp của cha thánh Pio tín hữu đã trông thấy và tiếp tục trông thấy Chúa Giêsu còn đang sống, đau khổ, tha thứ và chữa lành. Và đây là lý do giải thích tại sao tín hữu cũng muốn trông thấy thi hài của cha.

Hỏi: Điu cha đang nói ám ch cha Pio khi người còn sống. Nhưng mà cha thánh đã qua đi đưc 40 năm ri mà thưa cha…

Đáp: Đúng vậy, nhưng kiểu cách, mà đa số tín hữu nhận thức cha Pio, đã không thay đổi tí nào cả. Trái lại, tôi tin rằng đây là hoa trái của một ký ức truyền từ đời cha sang đời con. Trong cuộc đời mình, cha thánh Pio đã gặp rất nhiều tín hữu. Và tất cả mọi tín hữu đó đều có một lịch sử, một kinh nghiệm, một ơn thánh để kể lại cho con cháu. Tôi nhớ tới lời của một thần học gia tên tuổi như Hans Urs von Balthasar: điều quan trọng nơi một vị thánh đó là sứ mệnh của vị thánh đó, lòng trung thành với sứ mệnh mà Thiên Chúa đã trao phó cho vị thánh đó.

Hỏi: Như vậy sứ mệnh của cha thánh Pio là sứ mệnh nào thưa cha?

Đáp: Cha thánh Pio thuộc loại ít các thánh, cùng với thánh Phanxicô thành Assisi, thánh nữ Terexa Hài Đồng Giêsu, thánh Anton thành Padova và thánh nữ Rita thành Cascia, là những người đã có sứ mệnh đồng hành, gần gũi với dân Chúa trong dòng lịch sử. Và các vị là các thánh được sùng kính vượt ngoài ranh giới của Giáo Hội Công Giáo. Tôi nghĩ tới lòng sùng mộ của các tín hữu chính thống bên Rumani đối với thánh Anton thành Padova; và đôi khi lòng sùng mộ đối với các vị vượt ngoài ranh giới của Kitô giáo nữa. Các vị là các thánh vô biên giới, vượt ngoài ranh giới của các dân nước, điều kiện xã hội và đôi khi của cả các tôn giáo nữa.

Hỏi: Cha giải thích tính tình cộc cằn của cha thánh Pio như thế nào?

Đáp: Có lẽ cha thánh Pio cũng hơi cộc cằn một chút, vì gốc gác là người miền nam Italia của cha. Nhưng mà theo tôi nó phát xuất từ sự kiện cha phải tự bảo vệ mình, và để làm lắng dịu sự nhiệt thành qúa đáng của những người yêu thương cha và muốn đến gần cha bằng mọi cách để cắt lấy một mảnh áo dòng của cha. Cha đã qủơ trách các tín hữu qúa nồng nhiệt này và tố cáo họ tội tôn thờ thần tượng. Cả khi không phải lúc nào cha cũng thành công trong việc tự bảo vệ mình chống lại các tấn công của họ. Nhưng mà trong Phúc Âm cũng có kể rằng đôi khi Chúa Giêsu cũng đã bị dân chúng vây quanh vòng trong vòng ngoài, chen lấn tìm cách đến gần và đụng tới Ngài. Vì thế trong trường hợp cha thánh Pio cũng đâu có phải là chuyện lạ.

Hỏi: Thưa cha, có các gương mẫu thánh thiện mạnh mẽ khác như trường hợp của cha thánh Pio hay không?

Đáp: Các thánh là những người rất là hiền dịu, khi các vị ở trong sứ mệnh mà Thiên Chúa trao phó cho các vị thi hành. Các vị chỉ cộc cằn, khi ở ngoài sứ mệnh đó mà thôi. Tôi nhớ tới cuộc đời của thánh Camillo de Lellis, trước khi tận hiến đời mình để săn sóc các bệnh nhân, người đã là một binh sĩ. Và qúy vị biết các binh sĩ thời đó cộc cằn thô lỗ đến chừng nào, và thánh nhân cũng không tránh khỏi tính tình chung của giai tầng xã hội binh sĩ thời ấy. Nhưng mà với các bệnh nhân và các người hấp hối mà thánh Camillo săn sóc yêu thương, thánh nhân vô cùng hiền dịu. Cũng giống như cha thánh Pio vậy, rất là dịu hiền trong sứ mệnh của người, nhưng hơi cộc cằn một chút trong tất cả những gì còn lại.
 
(Avvenire 24-4-2008; RG 24-4-2008)

Linh Tiến Khải

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *