Đền thánh Ninh Cường

ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI NINH CƯỜNG

Đền thánh Ninh Cường tọa lạc trên mảnh đất giáo sĩ I-ni-khu đã đến rao giảng Tin Mừng vào tháng 3 năm 1533. Nơi đây, người xưa gọi là “Phúc Âm địa linh nhân kiệt”. Ngay từ khi đón nhận hạt giống Tin Mừng, Ninh Cường đã trở thành cơ sở truyền giáo lớn trong vùng Sơn Nam Hạ (Nam Định).

ninhcuong1.jpg

Toàn cảnh nhà thờ và trung tâm mục vụ

Đền thánh được xây dựng trong 22 năm (1872-1894) và đã được trùng tu năm 1994, dài 65m, rộng 24m, cao 18m, với bốn hàng cột gỗ và kèo vì chạm trổ, tháp chính cao 50m. Đây được coi là ngôi thánh đường gỗ lớn nhất giáo phận hiện nay.

Ngày 27.12.1997, đức cha Giuse Vũ Duy Nhất đã thánh hiến thành đền thánh Ninh Cường kính Đức Mẹ Mân Côi.

ninhcuong3.JPG

Chúa Hiển Dung : Mầu nhiệm 4 mùa sáng

Bên cạnh thánh đường là Trung Tâm Mục Vụ, được khánh thành năm 2013, có vườn Rosa, với 20 bộ tượng các mầu nhiệm Mân Côi. Kế đó là vườn cầu nguyện với ngôi nhà nguyện cổ kính xây dựng năm 1682, khi cha Juan Thập OP nhận xứ này. Trong vườn có tượng thừa sai I-ni-khu, với tấm bia ghi nhớ thời điểm đón nhận Tin Mừng của Ninh Cường.

ninhcuong5a.JPG

Cổng chủng viện Ninh Cường 1837

Từ năm 1814 Ninh Cường có nhà tràng Latinh (tiểu chủng viện). Mãi cho đến năm 1895, cha giám đốc nhà tràng cũng là cha xứ. Hiện giáo xứ còn lưu giữ cổng nhà tràng ghi năm 1837, và đã tôn tạo giếng nước của chủng viện xưa.

ninhcuong6a.JPG

Giếng nước chủng viện Ninh Cường

Quê Ninh Cường có HAI thánh tử đạo là cha Nguyễn Văn Tự OP (1796-1838) và Giuse Nguyễn Đình Uyển TOP (1775-1838). Ngoài ra còn có sáu vị tử đạo từng là cha xứ Ninh Cường,  gồm bốn thánh giám mục Delgado Y OP (+1838) Henarez Minh OP (+1838), Sampedro Xuyên OP (+1858) Valentinô Vinh OP (+1861) và hai thánh linh mục Fernandez Hiền OP (+1838) và Phêrô Nguyễn Bá Tuần (+1838).

ninhcuong4.JPG

Tượng I-Ni-Khu và nhà nguyện 1682 (nội thất được giữ nguyên)

Đặc biệt trong khuôn viên nhà thờ có căn nhà lá, là nhà lưu niệm thánh giám mục Vinh, vị giám mục “gậy tre mũ giấy”, theo lịch sử đã được đức cha Sampedro Xuyên tấn phong giữa đêm tại nhà ông trùm Chi (hay ông huyện Hinh).

ninhcuong2.JPG

Nhà lưu niệm Đức cha Valentinô Vinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *