Cải táng thánh phụ Ða Minh – Lễ Nhớ
Lời Chúa: Mt 28,16-20
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” |
Hương hoa của Chúa Ki-tô (24.05 – Cải táng Thánh phụ Đa Minh)
Trong đêm Vọng Phục Sinh, lòng nhà thờ hoàn toàn chìm trong bóng tối. Thế rồi, từ cuối nhà thờ, Nến Phục Sinh được thắp sáng lên và được long trọng rước lên cung thánh. Linh mục chủ sự lấy lửa từ Nến Phục Sinh thắp lên cho một vài cây nến nhỏ bé khác trên tay vài người. Những người nầy lại đem lửa phục sinh thắp lên cho người bên cạnh và cứ tiếp tục như thế, chẳng mấy chốc, cả ngàn cây nến nhỏ của các tín hữu tham dự đều được thắp lên.
Loan Tin Mừng cũng là thắp lên lửa yêu thương cho người quanh ta. Lửa đức tin, lửa yêu thương đã được Chúa Giê-su thắp lên trong ta, thì đến lượt mỗi chúng ta cũng hãy thắp lửa đức tin, lửa yêu thương ấy cho người bên cạnh và công việc truyền lửa nầy cần phải được tiếp nối không ngừng.
Thánh Ða Minh sinh tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha, khoảng năm 1172-1173. Người học thần học tại Pa-len-xi-a, và nổi tiếng về lòng nhân ái đối với người nghèo. Ngài là mẫu gương truyền giáo là chia sẻ tình thương.
Nhạy cảm trước đau khổ của người khác chính là đặc tính sâu sắc đã chi phối suốt cả cuộc đời của thánh Đa Minh và Ngài đã vận dụng tất cả năng lực của mình để tìm mọi cách thức, mọi biện pháp nhằm giải thoát con người khỏi khổ đau. Đã hai lần, khi không còn gì để bán nữa, Ngài xin được bán mình làm nô lệ để có tiền giúp đỡ những người nghèo khó.
Lòng trắc ẩn sâu xa đó của Ngài được biểu lộ ra bên ngoài một cách triệt để, nhưng không theo kiểu anh hùng cá nhân; với Ngài, vấn đề chính yếu là làm sao thiết lập được một cách thức khả dĩ thi thố lòng quảng đại đó nữa.
Nơi giáo phái An-bi gây nhiều xáo trộn, người đã trở thành một nhà giảng thuyết chuyên cần, bằng gương sống thanh bần theo tinh thần phúc âm, và bằng cách đối thoại huynh đệ trong khi tranh luận về đạo lý.
Người coi trọng phần đóng góp của phụ nữ trong việc truyền bá Phúc âm, nên đã thiết lập nữ đan viện Pơ-rui, để các nữ tu đó có phương tiện tiến đức và trợ lực các anh em giảng thuyết.
Tin tưởng vào ân sủng Chúa ban và cậy trông vào sự bảo trợ của Ðức trinh nữ Ma-ri-a, người tung anh em đi rao giảng Tin Mừng khắp Châu Âu. “Người luôn nói với Chúa” để rồi có thể “nói về Chúa”. Bằng lời giảng sốt sắng, người đem Chúa đến cho tha nhân, và nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, người dẫn đưa tha nhân về với Chúa.” Ðâu đâu, người cũng lấy lời nói, việc làm, chứng tỏ mình là con người sống theo tinh thần phúc âm. Không ai thông cảm và vui vẻ với anh em tu sĩ và những cộng sự viên hơn người. Người quả là “Vị an ủi tuyệt hảo”.Chẳng thế mà thi hào Dante đã mô tả thánh Đa Minh như “Người yêu nồng nàn của Đức tin Kitô giáo”.
Ước nguyện sục sôi của Ngài là đem chân lý Đức tin đến cho mọi người, bởi vì chỉ có chân lý Đức tin mới giải thoát và mang lại ơn cứu độ cho con người. Khi còn trẻ, Ngài đã luôn tha thiết nguyện xin Thiên Chúa ban cho Ngài một đức ái đích thực để có thể mang lại ơn cứu độ đến cho tha nhân một cách hữu hiệu, và Ngài hằng mong mỏi được tận hiến cả cuộc đời để phục vụ Tin Mừng như Chúa Kitô đã hiến thân trọn vẹn cho đến chết để cứu độ trần gian. Thánh Đa Minh hoàn toàn không nhằm tới kiếm tìm một lối sống đầy thuận lợi hay an toàn cho bản thân và cũng chẳng hề mơ ước sự trọn lành bản thân. Nhưng Ngài chỉ mong muốn được đi rao giảng Tin Mừng cho những nơi nào cần thiết nhất và bằng cách thức nào thích hợp nhất để Tin Mừng thực sự mang lại kết quả.
Khi Cha Đa Minh sắp lìa thế, các anh em khóc thương, nhưng Ngài hứa sẽ đem lại ích lợi cho anh em hơn cả khi còn sống. Quả đúng như vậy, mùi thơm lạ lùng từ hài cốt thánh Ða Minh toả ra trong ngày cải táng là minh chứng cho mọi người biết rõ thánh nhân là hương hoa của Chúa Ki-tô và Thiên Chúa hài lòng và chúc lành sứ vụ của Ngài được tiếp nối qua Gia đình Đa Minh.
Ký ức về Ngài vẫn luôn sống động trong tâm hồn những con cái của Gia đình Đa Minh; đồng thời thế giới vẫn nghe thấy tiếng Ngài dù có thể là họ không nhận biết điều ấy. Thánh Catarina Siena nói: “Ngày nay, lời giảng của cha Đa Minh vẫn còn được nghe và vẫn còn tiếp tục được nghe qua việc giảng thuyết của các con cái Ngài”.
Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho Hội Thánh Chúa bởi công đức và giáo thuyết của thánh Ða Minh là hiển tu Chúa và là Cha chúng con. Xin Chúa vì lời người chuyển cầu, ban cho Hội Thánh Chúa khỏi thiếu những trợ giúp trần thế, lại được luôn thăng tiến và phát triển về đường tâm linh. Chúng con cầu xin.
Điều răn mới… (24.05.2019 – Thứ Sáu Tuần V Phục Sinh)
Giữa một thế giới đa chiều hiện nay, cá lớn nuốt cá bé, hàng ngày ở đâu đó bạo lực và bất ổn vẫn diễn ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng hơn; thì lời nhắn nhủ của Ðức Giê-su với các tông đồ khi xưa vẫn là thời sự nóng bỏng.
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Đức Giê-su không nhắc các tông đồ hãy yêu thương người ngoài, nhưng Ngài đòi buộc trước tiên các ông hãy yêu thương nhau. Yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương các ông – Yêu cho đến cùng bằng việc hiến mạng sống của Ngài trên thập giá.
Lệnh truyền ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM vẫn còn nguyên giá trị. Bởi lẽ, nếu ta không cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho ta, thì ta cũng chẳng thể yêu nhau như Ngài muốn.
Thiết nghĩ, sự cảm thông, tha thứ, nỗ lực cộng tác, những hy sinh, chia sẻ, và chân thành đối thoại… chính là những phương thế xây đắp yêu thương, san lấp bao dị biệt văn hóa, chủng tộc; bao rào cản ý thức hệ khác biệt để… tinh cầu của chúng ta không đơn độc, thiếu vắng tình thương.
Lạy Chúa, xin dạy con biết cách yêu thương anh em mình và biết san sẻ tình thương với mọi người như ý Chúa muốn. Amen.
CÁT BIỂN