Tất cả là anh em, đều là con của Chúa (13.01.2024 – Thứ Bảy Tuần I Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Sm 9,1-4.17-19 ; 10,1a (năm chẵn), Hr 4,12-16 (năm lẻ), Mc 2,13-17


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 2,13-17).

13 Khi ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

15 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người : “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Tất cả là anh em, đều là con của Chúa (13.01.2024)

Ca-phác-na-um ở phía bắc Galilê, là một trung tâm thương mại quan trọng của vùng, là cửa khẩu xuất nhập hàng hóa. Trạm thu thuế ở đây hẳn là lớn và quan trọng. Ca-phác-na-um còn được coi là “thành của Chúa Giêsu”. Người đã rao giảng và làm nhiều dấu lạ ở đây, nhưng dân thành ít tin vào Chúa nên đã từng bị Ngài lên án cùng với Khôradim và Bétsaiđa (Lc 10,13-15).

Lêvi – Mát thêu có lẽ là trưởng trạm thu thuế xuất nhập khẩu ở Ca-phác-na-um. Ông đã được Chúa Giêsu gọi khi ông đang ngồi nơi bàn làm việc.

Người ta thường hiểu “ơn gọi” là áp dụng vào những trường hợp đi tu của các tu sĩ và giáo sĩ. Thực ra “ơn gọi” áp dụng cho mọi người, trong đó ơn gọi đầu tiên là một hồng ân của Chúa ban nhưng không cho tất cả con người : ơn gọi trở thành con Chúa. Vì Chúa cũng trao cho mỗi người quyền tự do, nên mỗi người có quyền chọn lựa theo Chúa hay theo ma quỷ.

Lêvi – Mát thêu đã được Chúa Giêsu gọi và ngay lập tức Ông đứng dậy đi theo Người. Một thái độ dứt khoát mau chóng làm người ta có cảm tưởng như ông đã chờ đợi điều này từ lâu rồi.

Những người làm nghề thu thuế thời Chúa Giêsu luôn bị dân chúng ghét bỏ, khinh chê và xếp vào hạng tội lỗi. Thu thuế là làm việc cho đế quốc Rôma đang cai trị Do Thái. Như vậy là cộng tác với kẻ thù của đất nước, của dân tộc. Theo tục lệ của Rôma thì số thu thuế của mỗi trạm được đấu thầu, và trạm đó chỉ phải nộp cho Rôma số tiền đã trúng thầu, còn đánh thuế và thu như thế nào thì tùy những người thu thuế. Đương nhiên những người này không bỏ qua cơ hội làm giầu nhanh chóng bằng cách nhũng nhiễu, bóc lột, ấn định mức thuế cao nhất có thể thu được khi tính thuế dân Do Thái. Vì những việc làm bất chính này mà dân chúng Do Thái căm ghét và khinh bỉ những người thu thuế, coi họ là phường tội lỗi.

Lêvi có lẽ đã bị ức chế và rất khó chịu vì bị đối xử như thế, nên khi được Chúa Giêsu, một Ráp bi tiếng đồn đang vang dội trong dân, đến gặp và gọị, ông đã quyết định theo ngay. Việc Chúa Giêsu đến với Lêvi không những là niềm vui, là điều an ủi cho bản thân ông này, mà còn cho cả giới thu thuế tại Ca-phác-na-um, nên khi Lêvi mở tiệc khoản đãi Chúa Giêsu thì Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.

Hành động “đi theo Người” của Lêvi – Mát thêu và những người thu thuế rất can đảm, vì họ, những viên chức của đế quốc Rôma, một khi đã bỏ công việc béo bở đang làm rồi thì họ không còn có thể quay lại làm được nữa.

Việc làm của Chúa Giêsu đã bị những người Pharisêu bắt bẻ “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”. Một Rápbi mà như vậy là đâu có được ! Nhưng Chúa Giêsu trả lời như nhắc họ nhớ lại thân phận, tư cách của họ là những người công chính, luôn tuân giữ lề luật nghiêm ngặt nhưng lại quên đi lòng nhân từ của Thiên Chúa : Vì Ta muốn tình yêui chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu.” (Hs 6,6).

Đồng thời Chúa Giêsu cũng bày tỏ giáo lý đầy tình thương yêu của Ngài, luôn giúp mọi người biết sám hối trở về với Thiên Chúa : “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Các bài học từ Tin Mừng hôm nay.

  • “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện.” (2Tm 4,2).
  • Chúa Giêsu nhắc những Kitô hữu nhớ lại sự mệnh loan báo Tin Mừng mà mỗi người đã lãnh nhận khi chịu Thánh tẩy, là chúng ta phải chủ động tìm đến những đối tượng cần loan báo, nhất là những người đang ở trong tình trạng khô khan hoặc rối đạo, như Chúa Giêsu đã chủ động đến gọi Lêvi.
  • Người Kitô hữu cần khiêm tốn nhận mình là kẻ tội lỗi, yếu đuối, bất xứng với ơn gọi của Chúa và cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh để trung thành với Chúa.
  • Đừng bắt chước cách sống vị luật quá đáng của những người Pharisêu mà bỏ qua đức bác ái với tha nhân, vì tất cả đều là anh em, đều là con của Chúa.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con phải biết quảng đại khi giao tiếp với những người chúng con gặp trên đường đời, vì tất cả đều là con của Chúa, là anh em với nhau. Xin Chúa cho chúng con biết chia sẻ niềm hạnh phúc là con Chúa với những người chưa biết Chúa, nhất là những người đang gặp cảnh khó khăn, có nỗi đau buồn bất hạnh, để họ nhận ra Chúa chính là nguồn an ủi, là nơi đáng cậy trông. Amen.

Jos. NM Tưởng 

Đón lương y Giê-su đến, trong tình thần khiêm tốn (14.01.2023)

Ghi nhớ:

Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi  không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17).

Suy niệm:

Một tín đồ Ấn Giáo nọ, xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện. Đang lúc đó, trên dòng sông bỗng có một đám rác rưởi tấp lại dầy đặc quanh ông, và trong đám rác trôi nổi ấy có một con bọ cạp đang bò đi bò lại để kiếm đường thoát thân. Thấy vậy, sẵn lòng thương cảm người Ấn Giáo mới đưa tay ra để cứu con vật. Nhưng khi bàn tay ông vừa chạm đến nó thì liền bị nó dùng vòi chích cho, không nản chí, người đàn ông cầm nguyên cả dề rác để đưa con vật vào bờ! Có người nhìn thấy sự việc bèn lên tiếng trách người đàn ông rằng: “Sao ông lại mất công cứu nó làm chi! Nó chỉ là một con vật mà bản chất của nó là luôn dùng vòi để chích nọc độc mà thôi”. Người đàn ông thản nhiên trả lời: “Bản chất của con vật này là dùng vòi để chích nọc độc, còn bản chất của con người là cứu vớt”.

Đức Giê-su đến trần gian này với mục đích duy nhất là Cứu Chuộc nhân loại tội lỗi. Trình thuật đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Marco viết lại việc Đức Giê-su đến nhà ông Lê-vi, là một người thu thuế và bị coi là kẻ tội lỗi, để dùng bữa, thấy vậy nhóm người Pha-ri-sêu liền  trách móc Đức Giê-su qua các môn đệ rằng: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Nghe thấy thế, Đức Giê-su mới trả lời: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Câu trả lời Của Đức Giê-su áp dụng vào thực tế rất đúng, nói lên quan điểm của Ngài, đến để cứu chữa những người tội lỗi, coi như là bệnh nhân về mặt tinh thần. Muốn cho những người tội lỗi trở lại thì không có cách nào tốt hơn là trực tiếp  gặp gỡ họ, trò chuyện với họ để cảm hoá, để thu phục, để đưa họ ra khỏi con đường tội lỗi mà về nẻo chính đường ngay.

Trong các tội lỗi mà loài người thường hay phạm phải, đó là tội ghen tỵ và nói hành nói xấu. Cụ thể như hôm nay, khi thấy Đức Giê-su đến với người tội lỗi thì những người Pha-ri-sêu đâm lòng ghen ghét, vì thế họ lấy cớ đó để nói, nhưng là nói sau lưng Đức Giê-su về việc Ngài làm. Mục đích là chê bai, hạ thấp uy tín, của Thầy Giê-su: “Ông ấy giao du với quân tội lỗi và người thu thuế”. Theo ý họ: Một Thiên Chúa là Đấng thánh thiện thì phải hoàn toàn cách ly, tránh xa, không thể qua lại, tiếp xúc với những người phạm tội nhất la tội công khai như: gái điếm hoặc những người thu thuế. Nhưng với Đức Giê-su thì lại khác: Vì tình thương vô bờ bến, nên những con người càng tội lỗi bao nhiêu thì Ngài càng muốn gần gũi để cảm hoá, để đưa họ thoát ra khỏi vòng kìm toả của Ma Quỷ.

Nếu thật tâm xét mình trước Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng, thì không một con người nào có thể dám tự nhận mình là kẻ vô tội được, có chăng người tội ít, kẻ tội nhiều, người phạm  tội kín, kẻ phạm  tội công khai mà thôi. Vì vậy chúng ta ai nấy đều phải cần đế “Vị Thầy thuốc” là Đức Giê-su. Chính người sẽ chữa lành cho chúng ta nhờ quyền năng của Ngài. Vậy thì chúng ta phải luôn sẵn sàng mở rộng cánh của tâm hồn để đón Vị Thầy thuốc đó.

Để bày tỏ thiện chí muốn được  “Vị Lương Y” Giê-su đến chữa trị bệnh tật cho chúng ta, việc đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện đó là quyết tâm sống đổi mới tinh thần, khiêm tốn, không ghen ghét và không nói xấu bất cứ một ai! Được như thế, chắc chắn Thầy thuốc Giê-su sẽ sẵn lòng đến để chữa trị cho chúng ta khỏi mọi thứ từ bệnh nhẹ cho đến bệnh hiểm nghèo.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, vì một người mà tội lỗi đã tràn vào thế gian, và cũng vì một Người mà thế gian được cứu, chúng con biết chúng con đều là những tội nhân, chúng con rất cần đến Vị Lương Y Tối Cao. Xin Chúa đến với chúng con, xin tẩy rửa tâm hồn chúng con cho nên thanh sạch. Xin ban cho chúng con một trái tim biết yêu thương để không bao giờ ghen ghét, loại trừ hay nói xấu ai, xin cho chúng con luôn trung thành với Chúa và hiệp hành cùng anh chị em trong niềm vui vì mình được Chúa thương cứu độ. Amen.

Sống Lời Chúa.

Cố gắng tập nhân đức: Không ghen ghét nói hành nói xấu ai.

Đaminh Trần Văn Chính.

Vui mừng chữa lành (15.01.2022)

Đối diện với đại dịch SARSCoV-2 hành hành toàn cầu suốt hai năm qua. Nhiều người mong mỏi y học sớm tìm ra phương thế chữa trị tận căn, khống chế được các chủng vi-rút Corona. Đây cũng chính là mong ước không những của các nhà lãnh đạo thế quyền, mà còn của các Đấng giáo quyền. Mong lắm thay !

Tin Mừng thánh Mác-cô hôm nay tường thuật lại sự đổi đời của ông Lê-vi, sau khi dứt khoát buông bỏ công việc thu thuế mà ông vẫn làm lâu nay để đi theo Chúa Giê-su và làm môn đệ của Người. Tin Mừng còn cho thấy nỗi vui mừng khôn tả của ông Lê-vi, ông đã mời Chúa và các đồng nghiệp của ông đến nhà mình dùng bữa; gọi là tiệc chia tay quá khứ tội lỗi và cũng là tiệc mừng sang trang cuộc đời mới cũng không phải là cách nói quá đáng.

Như trên đã nói, người bệnh thể lý thì cần đúng thầy, đúng thuốc để bệnh được chữa khỏi; huống chi người bệnh về tâm linh thì còn cần “linh sư” chữa trị đến mức nào nữa. Từ đó, ta có thể hiểu được sự vui mừng và hạnh phúc vô cùng tận của Lê-vi khi được Chúa Giê-su nhìn thấu, sờ chạm, và chữa lành cho tâm hồn tội lỗi của mình như thế nào.

Lạy Chúa Giê-su, trong cuộc sống đầy những đam mê và cám dỗ hôm nay, xin Chúa con biết dứt khoát thoát khỏi tình trạng yếu đuối, tội lỗi và để cho Chúa lôi kéo vào đời sống mới, đời sống viên mãn trong vinh quang phục sinh của Ngài như ông Lê-vi khi xưa. Amen.

CÁT BIỂN

Dứt khoát tội lỗi (16.01.2021)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay, xoáy sâu và nổi bật hành động dứt khoát của Lê-vi khi Chúa Giê-su thấy ông đang ngồi tại trạm thu thuế của ông và bảo ông: “Anh hãy theo tôi !” để làm môn đệ của Chúa. Thì ông lập tức đứng dậy đi theo Người.

Hình ảnh “làm ngành thu thuế” thời bấy giờ, được xem là cuộc đời hành nghề tội lỗi công khai; được liệt chung một nố với những gái điếm. Khi can đảm đứng dậy đi theo tiếng gọi của Chúa Giê-su như vậy, Lê-vi như từ một kẻ đã chết trong tội, nay được chỗi dậy và sống lại trong đời sống mới; từ một kẻ gian ác mà nay đã bỏ đàng gian ác đã đi, và thực thi công bình chính trực. (x. Ed. 18,25-28). Chúa cũng gọi anh và tôi; gọi chúng ta làm chứng cho Ngài trong sứ vụ Giáo Dân Đa Minh. Ta đã biết dứt khoát gác lại mọi sự để tận tâm làm chứng nhân Tin Mừng của Chúa giữa dòng đời hôm nay hay chưa ?

Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh mẽ dứt khoát thoát khỏi tình trạng yếu đuối, tội lỗi của đời con và luôn sẵn sàng để cho Chúa dẫn dắt vào đời sống mới, đời sống viên mãn trong vinh quang phục sinh của Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Kêu gọi đổi đời… (18.01.2020)

Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để đền bù tội lỗi cho nhân loại; làm cho mọi người được trở nên con Chúa; và được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Khi thi hành sứ vụ tại thế, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ; trừ ma dẹp quỷ; chữa lành nhiều thứ bệnh tật; và ban ơn tha thứ tội lỗi. Người còn kêu gọi họ trở thành môn đệ của mình.

Hôm nay, Phúc âm theo thánh Mác-cô cho thấy Chúa Giê-su không ngại tiếp xúc với người tội lỗi – cụ thể là Lê-vi – Ngài còn đến dùng bữa, trò chuyện thân tình tại nhà ông, cùng với nhiều người thu thuế và người tội lỗi. Lê- vi đã được Chúa biến đổi từ một viên quan thuế tham lam, gian dối trở thành thánh sử Mát-thêu. Ngài khẳng định với những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa gọi mời biến đổi đời con mỗi ngày để con được trọn toàn trong tình thương Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Khoan dung (19.01.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các luật sĩ và biệt phái một bài học về sự khoan dung. Họ cảm thấy khó chịu khi thấy Người giao du với những người thu thuế mà đối với người Do Thái, đó là phường tội lỗi, tiếp tay với đế quốc Roma để bóc lột dân tộc mình. Người đã dùng một hình ảnh vô cùng đơn giản để thể hiện sự khoan dung của Thiên Chúa dành cho con người: “Người khỏe mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu”.

Quả thật, người tội lỗi là những người đang mang căn bệnh trầm kha trong tâm hồn. Căn bệnh ấy khiến họ ray rứt, thống khổ, để lại sự mặc cảm hằn sâu trong lòng họ. Ấy vậy mà, những người tự cho mình là công chính lại nhẫn tâm giày vò, miệt thị, khiến họ đã đau đớn lại càng khổ sở hơn. Nếu người tội lỗi là bệnh nhân, thì Thiên Chúa chính là lương y đang đợi họ đến để chữa lành. Người kiên nhẫn chờ đợi, dù đôi khi họ cố chấp không nhận ra căn bệnh đang gặm nhấm tâm hồn họ ngày càng nhiều hơn.

Trong khi đó, chúng ta là những người cùng đồng hành với nhau trên con đường lữ thứ này. Thế nhưng, thay vì yêu thương, hỗ trợ, dìu dắt nhau, chúng ta lại chỉ trích, cách ly hay thậm chí là phỉ báng những người tội lỗi. Những lúc làm như vậy chính là lúc ta không ý thức được thân phận của mình, càng không có lòng khoan dung với anh em mình. Chúng ta ai cũng có những yếu đuối, thiếu sót nhưng lại phớt lờ tội lỗi của mình, tự cho mình là công chính và bắt đầu phán xét người khác.

Chúa Giêsu bảo rằng Người không đến để kêu gọi người công chính mà kêu gọi những người tội lỗi. Điều đó cho ta thấy Người đặc biệt quan tâm đến những người đang lầm đường lạc lối, Người chờ đợi họ đến để chữa lành. Còn người công chính, có lẽ Người đã an tâm về họ và tin tưởng họ. Do đó, dù ta đang là người công chính hay tội lỗi, chúng ta đều nhận được sự quan tâm của Thiên Chúa. Chính vì thế, chúng ta cần phải tự ý thức được bản thân mình, tự nhận ra mình đang ở vị trí nào để có thể đối xử đúng mực với anh em mình. Điều nên nhớ là chúng ta phải biết khoan dung với nhau và khoan dung với chính mình. Sự yếu đuối khiến chúng ta dễ vấp ngã nhưng chỉ cần thật lòng ăn năn thống hối, Thiên Chúa sẽ thứ tha cho chúng ta, vì Người luôn đợi chờ ta đến xin được chữa lành.

Lạy Chúa, đôi lúc chúng con như những người biệt phái và luật sĩ hôm nay, chúng con hẹp hòi với những anh em đang đau khổ vì tội lỗi. Thay vì yêu thương và nâng đỡ họ, chúng con lại lên án và xa lánh. Xin cho chúng con biết ý thức được thân phận của mình và biết ghi nhớ lời Người dạy. Để từ đó, chúng con biết khoan dung và yêu thương nhau nhiều hơn. Amen.

Petrus Sơn 

Tự cao và xét đoán (13.01.2018)

Mang thân phận yếu đuối, con người thường dễ dàng phạm tội. Thế nhưng, thay vì đồng cảm và nâng đỡ nhau, người ta lại thích phán xét hay xét đoán người khác. Thật vậy, người ta dễ dàng nhìn thấy lỗi phạm của tha nhân nhưng lại chẳng thể nhận ra sự yếu đuối của mình. Họ tự cho mình là người công chính và lên án những người họ cho là tội lỗi. Đều là là tội nhân nhưng chính sự ảo tưởng công chính ấy khiến họ phớt lờ những lầm lỗi của bản thân và thích soi mói những thiếu sót của anh em. Chính vì thế, họ dễ mắc phải căn bệnh tự cao và xét đoán – những căn bệnh trầm kha của tâm hồn.

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển khiến con người tự tin tự tin thái quá về khả năng của mình. Thế nhưng, họ không ngờ rằng, chính sự tự tin quá mức ấy vô tình khiến người ta trở nên tự cao, ngạo mạn và khinh thường người khác. Nếu như ngày xưa, con người xét đoán nhau về sự công chính thì ngày nay, họ xét đoán cả vật chất lẫn trí tuệ của nhau. Sự phân biệt giàu nghèo, phân biệt chủng tộc ngày nay cũng gay gắt, tàn độc chẳng khác gì sự kì thị người tội lỗi thời xưa. Do đó, người ta thường khinh rẻ những người khó khăn, nghèo khổ hoặc những người không cùng tôn giáo, sắc tộc chỉ vì họ không tài giỏi bằng mình. Dần dần, thói xét đoán ấy ngày càng lớn dần và bóp chết cơ hội phát triển của những thân phận bé nhỏ kia, tất cả cũng chỉ vì sự ngạo mạn, tự cao của những người tự cho mình là “thượng đẳng”.

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi theo mình và dùng bữa cùng họ. Đương nhiên, hành động ấy của Người bị những kẻ tự nhận là công chính xét đoán, chỉ trích. Những kẻ đạo đức giả ấy chẳng quan tâm đến tội lỗi của mình, họ chỉ chực chờ để dìm chết những tâm hồn lỡ bước sa ngã mà thôi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu thì khác, Người ví mình như vị thầy thuốc cứu chữa những người đang bị bệnh tật về tâm hồn. Tất nhiên, chỉ những người nhận ra mình mắc bệnh mới chạy đến cùng Người, còn những kẻ tưởng mình khỏe mạnh lại chẳng cần điều đó và mãi đắm chìm trong tội lỗi.

Là người Kitô hữu, mấy ai trong chúng ta vượt qua được những căn bệnh khó chữa ấy. Đôi khi, chúng ta tự tin rằng mình là người công chính và chối bỏ sự cứu chữa từ Thiên Chúa. Không những thế, đôi khi chúng ta còn lên án tha nhân, lên án những người tội lỗi, kì thị những người nghèo khó, những người không cùng sắc tộc hay tôn giáo… Mỗi khi làm như vậy, chúng ta chẳng khác gì những kẻ đạo đức giả trong bài Tin Mừng hôm nay. Thế nên, muốn được chữa khỏi căn bệnh tội lỗi, chúng ta cần biết khiêm nhường nhận ra lỗi lầm của minh và chấp nhận để Thiên Chúa chữa lành.

Mỗi người chúng ta cần phải tự suy xét lại bản thân, trong những lúc yếu đuối, có bao giờ chúng ta cầu xin Chúa giúp sức chưa, hay lại tự tin vào khả năng của mình và đắm chìm trong sự tự mãn? Chúng ta có thật lòng yêu thương tha nhân và muốn dẫn đưa họ đến với vị thầy thuốc nhân hậu là Thiên Chúa, hay ta chỉ thích chỉ trích, xét đoán và lên án họ? Đừng để thói tự cao và xét đoán khiến chúng ta vấp phạm.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng mình còn nhiều thiếu sót, thế nên chúng con cần Ngài chữa lành. Xin hãy ở bên nâng đỡ, soi sáng những bước đường con đi, để chúng con biết sống sao cho đẹp ý Ngài. Xin cho chúng con cũng biết yêu thương và đồng cảm với tha nhân, để tình yêu của Ngài được thể hiện qua chúng con và từ đó, người ta sẽ nhận ra sự hiện hữu của Ngài. Amen.

Petrus Sơn 

Bước theo Đức Kitô (13.01.2017)

1. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày một cách tổng quát về sứ mệnh của Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a phải đến như lời tiên báo của các ngôn sứ thời Cựu Ước.

Nhân vật chính là Ông Lê-vi, một nhân viên thu thuế, ông còn có tên gọi là Mát-thêu (Mt 9, 9) , và theo thánh sử Mác-cô ông là trưởng trạm thu thuế của đế quốc La-mã ở Ca-pha-na-um. Ông đang ngồi ở trạm thu thuế gần cổng thành và khi nghe Đức Giê-su gọi tên mình, ông lập tức rời bàn thu thuế để đi theo Người.

Trình thuật Tin Mừng thuật lại: Khi Đức Giê-su rời thành Ca-pha-na-um để đi ra bờ biển hồ (biển hồ Ghen-nê-xa-rét), có đông đảo dân chúng đi theo Người để nghe Người giảng dạy; khi đi ngang qua cổng thành, Đức

Giê-su trông thấy ông Lê-vi liền bảo ông: “Anh hãy theo tôi”.

Trong đám đông ồn ào, náo nhiệt, dáng dấp một nhân vật nổi bật giữa giòng người đang chen lấn. Ông Lê-vi ngồi nơi trạm thu thuế nhìn theo bỗng bắt gặp ánh mắt hiền từ của Người, ông cảm thấy bối rối và khi Người nói với ông “Anh hãy theo tôi”, ông đã lập tức bỏ công việc đang làm mà đi theo Người; rồi mời Người cùng các môn đệ về nhà mình và mở tiệc thiết đãi.

Trong khoảnh khắc gặp gỡ ánh mắt của Đức Giêsu, ông Lê-vi nhận ra rằng đây là ngôn sứ của Thiên Chúa, một nhân vật mà dân chúng đang hết lòng ca ngợi vì những lời giảng dạy đầy khôn ngoan kèm theo các dấu kỳ phép lạ, như: chữa lành nhiều bệnh hoạn, tật nguyền và xua trừ được cả ma quỷ. Có lẽ đã từ lâu, ông Lê-vi được nghe bạn bè cũng như nhiều người dân bàn tán về Đức Giêsu, về giáo lý của Người, nhất là việc Người kêu gọi dân chúng từ bỏ đàng tội lỗi, ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng để đổi mới cách sống.

Là người Do Thái, ông cũng biết đến nỗi khát vọng trông mong, chờ đợi từ bao đời nay của cha ông về Đấng Mê-si-a, người của Thiên Chúa sẽ đến để giải cứu dân của Người. Tuy nhiên, cuộc sống trần thế vốn có nhiều cuốn hút vì cơm áo, gạo tiền; ông đã chấp nhận làm nhân viên thu thuế cho người La-mã, mặc cho đồng bào của mình khinh khi, miệt thị và lên án. Thực tế thì đã làm nghề thu thuế, ông làm sao tránh khỏi sự gian lận, bớt xén tiền bạc và hà khắc với người nghèo, nhất là bắt tay với quân ngoại đạo, ông bị dân Do Thái liệt vào hàng những kẻ tội lỗi; và bản thân ông cũng cảm nhận điều ấy.

Gặp gỡ Đức Giêsu, diện đối diện, ánh mắt giao nhau và khi nghe gọi: “Anh hãy theo tôi”, như bị một sức mạnh thiêng liêng thúc đẩy, Lê-vi đã chọn lựa một hướng đi mới cho đời mình, ông dứt bỏ cuộc sống giàu sang tiện nghi mà ra đi theo chân Đức Giêsu Na-da-rét.

Đức Giêsu chính là Đấng mà muôn dân đang trông mong chờ đợi; Người đến không phải để giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của đế quốc La-mã nhưng để giải thoát nhân loại nói chung và dân Do Thái nói riêng khỏi ách nô lệ của tội lỗi, đam mê và dục vọng; Người loan báo Nước Trời đã gần đến và kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Lời giảng dạy chân thực và uy quyền của Người đã chiếu rọi vào tâm hồn những người đang mỏi mòn, chờ đợi lời hứa ban Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa được thực hiện; lòng bùng cháy niềm hy vọng và họ đi theo Người.

Còn những người Pha-ri-sêu ngạo mạn và cứng lòng vì tính ích kỷ, kiêu căng; họ tự hào mình có lề luật và thông thạo lề luật, cũng như dựa vào các tập tục, truyền thống của cha ông họ để lại mà thờ phượng Thiên Chúa; nhưng họ đã đi chệch đường và dạy cho dân chúng như vậy. Vốn có thành kiến và ganh ghét với Đức Giêsu nên khi thấy Người vào nhà ông Lê-vi và ăn uống, đồng bàn với những người tội lỗi thì họ rất khó chịu, bực mình, lẩm bẩm chê trách Người.

Đức Giêsu thấu hiểu ý nghĩ xấu xa của những người Pha-ri-sêu nên bảo họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Dùng hình ảnh “người khỏe mạnh”, Đức Giêsu muốn ám chỉ đến người Pha-ri-sêu là những kẻ luôn kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết Thánh Kinh và tuân giữ lề luật một cách máy móc, hình thức mà quên đi cái cốt lõi là tinh thần tuân giữ lề luật; chính vì thế, việc giữ đạo của họ trở nên giả dối, vụ hình thức và họ sống trong lầm lạc mà không biết. Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Ông Lê-vi đại diện cho hạng người tội lỗi, đã trở thành mẫu người tiêu biểu trong việc đáp trả tiếng gọi “Anh hãy theo tôi” của Đức Giêsu, ông rũ bỏ cuộc sống hiện tại vốn có nhiều tai tiếng, chỉ trích để chấp nhận đi theo Đức Giêsu, để được nghe và sống giáo huấn của Người. Ông đã mở tiệc lớn để công khai cuộc đổi đời, lội ngược giòng đi tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời của mình với bạn bè là những người đồng nghiệp thu thuế, là những người tội lỗi, ông muốn họ nhận ra sự chọn lựa đúng đắn của mình; còn với Đức Giêsu và các môn đệ, ông bày tỏ niềm vui vì một người tội lỗi như ông đã được yêu thương, tha thứ và nhất là được nên nghĩa thiết, thân tình với Người.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, Người được sai đến để giảng dạy sự thật, chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền cả nơi thân xác lẫn tâm hồn; Người luôn tìm kiếm, tha thứ và chúc phúc cho người tội lỗi biết ăn năn sám hối.

Hãy đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu và chọn lựa thái độ dứt khoát như ông Lê-vi: từ bỏ con người cũ với những thói hư tật xấu mà bước theo Người, lắng nghe lời Người và cậy nhờ ân sủng của Người mà biến đổi, canh tân lối sống cho phù hợp với Tin Mừng.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con biết can đảm chọn lựa bước đi theo Chúa với tâm tình yêu mến; đồng thời, biết thành tâm ăn năn sám hối những lỗi lầm của mình mà cải hóa, canh tân.

3. SỐNG TIN MỪNG

 “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Khiêm tốn nhận ra những yếu đuối, tội lỗi, bất toàn nơi con người của mình và nhanh chóng đáp trả lời mời gọi “Anh hãy theo tôi” của Đức Giêsu Kitô: Lắng nghe lời Người gọi qua Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh; đến gặp Người trong bí tích Giao Hòa và đồng hành với Người nhờ bí tích Thánh Thể hằng ngày.

GHI NHỚ LỜI CHÚA: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Yêu thương người tội lỗi (16.01.2016)

SUY NIỆM:

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại việc Đức Giêsu chọn gọi một người thu thuế vào hàng ngũ các tông đồ của Người; và sau đó đến dùng bữa tại nhà ông.

Sau khi chữa lành cho một bệnh nhân bị bại liệt được người ta đặt trên một cái gường nhỏ, và họ dỡ mái nhà để thòng xuống trước mặt Người, khi Người đang ở trong nhà; Đức Giêsu cùng các môn đệ rời khỏi thành Ca-pha-na-um để ra bờ biển hồ; rất nhiều người khác cũng đi theo Người. Khi Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế,  thấy ông Lê-vi đang ngồi ở đó, Người liền gọi: “Anh hãy theo tôi”. Ông Lê-vi liền đứng dậy đi theo Người, rồi mời Người đến nhà và mở tiệc thiết đãi Đức Giêsu cùng bạn bè ông.

Lê-vi còn có tên là Mát-thêu (Mt 9, 9), ông làm trưởng trạm thu thuế ở Ca-pha-na-um. Đối với người Do Thái, Mát-thêu bị coi là hạng tội lỗi; vì hai lý do:

– Làm tay sai cho ngoại bang, vì ông giữ chức vụ thu thuế cho người La-mã; bắt dân của mình phải nộp đủ, nộp đúng thời hạn tiền thuế và gây khó dễ với những người gặp khó khăn hoặc chậm trễ.

– Là người có chức quyền nên dễ dàng gian lận, bớt xén tiền thuế của dân.

Vì thế, theo tập tục truyền thống Do Thái giáo:  người “công chính” thì không được tiếp xúc, thân cận với hạng người này.

Trên đường đi, Đức Giêsu nhìn thấy ông Mát-thêu và có lẽ ông cũng đang nhìn Người; cuộc gặp gỡ chớp nhoáng diễn ra qua ánh mắt với Đức Giêsu đã biến đổi cuộc đời Mát-thêu, và khi nghe Người lên tiếng bảo ông: “Anh hãy theo tôi”; ngay lập tức, vị quan thuế từ bỏ công việc mình đang làm và đi theo Người.

Đám đông (trong đó có cả các kinh sư) đi theo Đức Giêsu thì quá đỗi ngạc nhiên, nhất là khi Người cùng các môn đệ vào nhà ông Mát-thêu và dùng bữa ở đó; họ thường tự hào vì đã nghiêm nhặt tuân giữ lề luật Mô-sê theo truyền thống cha ông để lại; cũng như cầu nguyện lâu giờ, thường xuyên ăn chay, hãm mình đền tội; do đó họ cho mình là người công chính nên coi thường và lên án người khác, nhất là hạng người bị coi là tội lỗi (gái điếm, trộm cắp, thu thuế cho ngoại bang, bệnh hoạn, tật nguyền .v.v); thấy Đức Giêsu hành động như vậy, họ rất khó chịu.

Qua dấu lạ người bại liệt  được Đức Giêsu chữa lành: Người truyền cho anh vác chõng rời khỏi đám đông đang tập trung, chen lấn quanh ngôi nhà bị dỡ mái, lúc Người đang ở đó; đã làm cho đám đông chứng kiến phải sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa; mọi người thấy Đức Giêsu thật quyền năng và nghĩ rằng đây chính là người của Thiên Chúa. Giờ đây,  họ thấy Đức Giêsu gần gũi, thân mật và đồng bàn với ông Mát-thêu cùng những người thu thuế và người tội lỗi khác, thì có ý chê trách; mấy ông kinh sư đến nói với các môn đệ của Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! “. Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.”

Đức giêsu mượn hình ảnh “người khoẻ mạnh” trong đời thường để nói nói lên thực trạng của những kẻ kiêu căng, luôn cho mình là đạo đức, là khuôn mẫu cho người khác; nhưng họ chỉ là những người đạo đức giả hình, họ đã khước từ sự thật, khước từ giáo huấn của Người; Đức Giê-su cũng muốn nói đến sự ương nghạnh chai lì của các kinh sư và luật sĩ, không những họ không muốn đón nhận ơn cứu độ mà còn tìm cách ngăn cản người khác. Còn hình ảnh “người đau ốm”, những người cảm nhận được sự yếu đuối thể lý nơi thân xác họ như: bệnh hoạn, tật nguyền; thì họ rất cần được thầy thuốc chữa lành; sau đó, Đức Giê-su xác nhận sứ vụ của Người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Đức Giê-su rao giảng chân lý cứu độ để củng cố niềm tin cho những tâm hồn biết khiêm tốn đón nhận và Người sẽ giải thoát cho họ thoát khỏi lầm lạc, tội lỗi; đồng thời chữa lành cho họ.

Đức Giêsu dùng hình ảnh “người mạnh khỏe, người công chính” trong hoàn cảnh này có ý cảnh cáo các kinh sư, luật sĩ lúc bấy giờ; bởi họ là những người tự hào đang nắm giữ luật Mô-sê và dạy cho dân thi hành, nhưng lại rất kiêu căng và hình thức.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy: Đức Giêsu yêu thương tất cả mọi người không loại trừ ai; đặc biệt người gần gũi và biểu lộ lòng thương xót, tha thứ với những người tội lỗi. Nhân vật được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay là một người thu thuế ở Ca-pha-na-um; dưới cái nhìn khắt khe của người Do Thái, ông Mát-thêu là một người tội lỗi đáng bị nguyền rủa; nhưng Đức Giêsu đã chọn gọi ông và vào nhà ông dùng bữa; không những với ông mà còn cả với những người bạn thu thuế của ông và nhiều người tội lỗi khác, họ là những người bị cộng đồng Do Thái khinh khi và xa lánh. Đức Giêsu trở nên thân thiết để cảm hóa và mời gọi họ bước theo Người.

Đức Giêsu Con Một Thiên Chúa đến trần gian để cứu vớt, giải thoát con người khỏi tội lỗi; nhờ cuộc thương khó và hy lễ Người tiến dâng trên thập giá đẹp lòng Chúa Cha; Người gánh lấy tội lỗi nhân loại và được toàn quyền tha thứ mọi tội lỗi cho những ai gặp gỡ, tin tưởng và yêu mến Người. Lòng thương xót của Người luôn hướng đến những người bệnh tật, nghèo khổ, tội lỗi, và Người thực thi sứ mệnh cứu độ của Người bằng cách chữa lành những căn bệnh thể lý nơi thân xác con người, đồng thời cũng tha thứ những tội lỗi những khiếm khuyết trong tâm hồn họ và biến đổi họ nên tốt lành. Đức Giêsu đã quảng đại ôm vào lòng những con người tội lỗi ấy và chúc phúc cho họ.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

-Tin tưởng, cậy trông và tín thác cuộc đời cho lòng thương xót tha thứ của Đức Giêsu.

-Quảng đại cảm thông, yêu thương và giúp đỡ những người vì một lý do nào đã mắc phải những lỗi lầm. Giúp họ nhận ra tình thương của Chúa luôn mời gọi, chờ đợi họ.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa! Xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và tín thác bước theo Chúa, để đem tình thương của Chúa đến với tha nhân.

SỐNG TIN MỪNG:

Khiêm tốn để nhận ra thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình, đồng thời siêng năng chạy đến với lòng thương xót tha thứ của Đức Giêsu Kitô, vì người đang mời gọi: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”.

Nghe, thấy và đáp trả

“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)

Suy niệm: Đang ngồi mải mê với những con số ở trạm thu thuế ngoại ô thành phố Caphácnaum, nhân viên thu thuế Lêvi lại được Đức Giêsu gọi đi theo làm môn đệ Ngài. Lẽ ra Lêvi phải dằng co, đắn đo suy nghĩ nhiều lắm về cuộc phiêu lưu này. Đi theo thầy Giêsu là bỏ ngang một việc làm, dù tội lỗi vì cộng tác với quân xâm lược Rôma, nhưng lại béo bở, có thể hái ra tiền vào thời ấy. Đi theo thầy Giêsu cũng là để lại các sổ sách với những con số tiền thu mà ai cũng thèm muốn. Thế nhưng, đáp lại lời Đức Giêsu, Lêvi đã lập tức chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng, từ chỗ mải mê với những con số tiền bạc sang chỗ say mê Lời Hằng Sống của Con Thiên Chúa và đi theo Ngài.

Mời Bạn: Bỏ nghề đi theo Đức Giêsu, Lêvi rất xứng hợp với một tên gọi khác: Mátthêu, nghĩa là Hồng Ân Thiên Chúa. Hồng ân Thiên Chúa không chỉ vì Ngài luôn tuôn đổ ơn lành trên ông, mà còn ở chỗ ông trân trọng chấp nhận, vui vẻ đón nhận và tích cực tiếp nhận tình thương của Chúa. Với Chúa, “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội nhân nào cũng có một tương lai.”

Chia sẻ: Chúa Giêsu có phải là Vị Thầy Thuốc nhân hậu, đầy tình thương trong cuộc đời bạn không?

Sống Lời Chúa: Noi gương thánh Mátthêu, tôi sẽ mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi để can đảm hãm dẹp những thói hư tật xấu, bỏ đi những việc làm trái nghịch với tinh thần đức tin.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, hãy tìm kiếm chiên lạc của Chúa… Lạy Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành, xin đến để hoán cải và đổi mới chúng con.” Amen. (Thánh Ambrôsiô)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *