Liên huynh Hố Nai: Dâng Mẹ Miền Trung Yêu Thương

Giữa lúc cả thế giới đang lao đao vì cơn đại dịch Covid-19, thì Việt Nam lại phải hứng chịu thêm những trận bão lũ nặng nề diễn ra tại khu vực miền trung khiến bao gia đình rơi vào cảnh tang thương mất mát. Đứng trước thảm cảnh ấy, tất cả mọi người đều hướng về khúc ruột miền trung, chung tay chung lòng để phần nào xoa dịu những mất mát cho người dân nơi đây.

Huynh đoàn chúng tôi cũng không thể thờ ơ trước nỗi đau ấy. Hằng ngày theo dõi qua những phương tiện truyền thông, anh chị em không khỏi lo lắng hồi hộp trước diễn tiến của những trận cuồng phong. Ngày nào trước giờ kinh Phụng vụ, xướng viên đều hướng ý cầu nguyện cho đại dịch Covid-19 và bão lũ mau qua. Không chỉ có vậy, chị Đoàn trưởng còn phát động một cuộc tổng lạc quyên trong Huynh đoàn để giúp đỡ bà con bị thiên tai. Tất cả mọi người từ già đến trẻ đều nhiệt tình hưởng ứng, chi giới trẻ dành hẳn một buổi cầu nguyện và quyên góp, nhiều người già cũng chia sẻ những đồng tiền tiết kiệm của mình, chi trung niên không những tham gia mà còn vận động người thân cùng đóng góp…

Mỗi lần Huynh đoàn tôi làm bác ái, tôi thấy đây đó những hình ảnh đẹp vô cùng. Như trường hợp một bé gái mười hai tuổi cầm đến cho chúng tôi một con heo đất và nói: “Bác ơi, đây là tiền con được lì xì hôm tết, bác giúp con chuyển đến cho những người nghèo nhé”. Nghe mà cảm động không nói nên lời. Xin cảm ơn bé và cảm ơn cha mẹ của bé nữa, vì anh chị đã dạy con mình biết yêu thương và chia sẻ với người khác ngay từ thủa ấu thơ. Nếu gia đình nào cũng biết giáo dục con em mình có lòng thương người như thế thì thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao.

Ngày 08/11/2020, khi bão vừa tan và cơn áp thấp nhiệt đới bắt đầu diễn ra, tôi theo chân Ban phục vụ các Huynh đoàn trong Liên huynh Hố Nai, thuộc Giáo phận Xuân Lộc đi hành hương Đức mẹ La Vang để xin ơn bình an cho thế giới nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng. Càng đến gần “rốn” lũ thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, những tàn tích của cơn bão để lại càng hiện rõ. Hai bên đường, những thửa ruộng ngập thành sông đục ngầu nước, cây cối đổ rạp xuống, một số con đường mòn biến mất dưới làn nước mênh mông, có hôm trời mưa tầm tã khiến đường ngập nước… Tại Nha Trang, Đà Nẵng biển động mạnh nên một số điểm tham quan của đoàn phải hủy bỏ. Gió lạnh cùng những cơn mưa xối xả quất vào da thịt khiến tôi không khỏi rùng mình, lòng chợt dâng lên một niềm thương cảm khi nghĩ đến cảnh cơ cực của bà con vùng lũ. Tôi mới đi ngoài trời mưa khoảng nửa tiếng mà đã thấy rét mướt như thế, huống chi bà con phải sống chung với bão lũ nhiều ngày trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt thì sẽ vất vả đến thế nào!

Trên đường đi, đoàn dừng lại trước một cửa hàng để ăn sáng, những người già hành khất và những đứa trẻ chỉ chừng mười mấy tuổi ngồi trước cửa. Một lần nữa những tấm lòng lại mở ra để chia sẻ với những con người kém may mắn này. Nhìn những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học, gương mặt bơ phờ với đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, tôi không khỏi nghẹn lòng liền lân la lại gần hỏi thăm tình hình hiện tại của chúng. Tôi dơ máy lên, tính chụp lại những hình ảnh chân thực ấy nhưng những đứa trẻ ngại ngùng liền chạy chốn hoặc lấy tay che mặt đi.

Vượt qua hành trình gần 1000 km với mưa gió kéo dài, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân đến thánh địa La Vang. Vừa đến nơi tôi đã cảm nhận được sự linh thiêng  và bình an nơi đây. Mẹ đứng đó giữa đất trời bao la để che chở, bảo bọc, và hướng dẫn con cái đến bến bờ bình yên. Sau khi ổn định chỗ ở, mọi người mau mắn tiến về ngôi Thánh đường để tham dự Thánh lễ và tổ chức giờ cầu nguyện chung dưới chân Mẹ. Các hoạt động này như một sợi dây liên kết mạnh mẽ giữa mỗi người với Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của mẹ Maria. Từng lời kinh, tiếng hát vút cao thể hiện lòng hiếu kính của đoàn con thơ…Tôi thấy mình thật may mắn khi được đến đây, được sống trong những giây phút thiêng liêng tuyệt vời này.

Vì là chuyến hành hương nên ngày nào chúng tôi cũng dậy từ 3 hoặc 4 giờ sáng để chuẩn bị tham dự Thánh lễ ở những nhà thờ trong hành trình đoàn ghé qua, đồng thời chiêm ngưỡng kiến trúc cùng những nét độc đáo của từng ngôi Thánh đường. Chẳng hạn như tại nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng, trên gian Cung Thánh phía bên phải có đặt một chiếc ghế đỏ dành cho Giám mục mà chỉ riêng nhà thờ Chính Tòa mới có. Hay tại Đan viện Thiên An, ở hai bên phía trong Thánh đường có các bàn thờ nhỏ quay lên để cho mỗi cha đứng dâng Thánh lễ. Vì nhà thờ này được xây dựng từ năm 1959-1965 trước công đồng Vaticano II, lúc đó các cha làm lễ bằng tiến La tinh và đứng quay lên, Giáo hội chưa có luật đồng tế như bây giờ nên mỗi bàn Thờ là mỗi cha đứng dâng Thánh Lễ chứ không được làm chung. Rất tiếc hôm đó mưa lớn nên chúng tôi không đi tham quan được xung quanh, nhất là nơi tượng Chúa Giê su bị đập vỡ. Mặc dù vậy tôi vẫn cảm nhận được sự thánh thiêng và nét trầm mặc nơi đây.

Trong suốt cuộc hành trình, trên xe ngày nào đoàn cũng đều đặn cử hành hai giờ kinh Phụng vụ sáng, chiều cùng lần chuỗi Lòng Thương Xót để ca ngợi, chúc tụng, cảm tạ Thiên Chúa đồng thời xin ơn bình an cho mọi người.

Chuyến hành hương này như một nguồn động viên và củng cố tinh thần cho tôi, giúp đức tin của tôi thêm kiên vững trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Trên hành trình trở về, miệng tôi khe khẽ cất lên lời khấn nguyện: “Mẹ nguồn cậy trông chưa thấy ai xin Mẹ về không. Hỡi Mẹ Thiên Chúa xin hãy lắng nghe con nài van. Mẹ nguồn an vui ôi Nữ trinh là nguồn an vui. Hết tình kêu khấn con tin chắc Mẹ thương nhận lời”. (Bài hát nguồn cậy trông).

KimMary

XEM THÊM HÌNH ẢNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *