Thánh Ca-ta-ri-na Ri-xi, OP., Trinh nữ (1522-1590) – Lễ nhớ
Lời Chúa: Mc 6,30-34
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô
30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện đám đông dân chúng Do Thái khao khát được nghe giáo lý của Đức Giêsu; họ đã cất công tìm kiếm Người và không ngại vất vả, mệt nhọc vượt đường xa để đến với Người.
Vâng lệnh Đức Giêsu, các môn đệ ra đi đến các thành, các làng mạc trong miền Ga-li-lê rao giảng về Nước Trời và giáo lý của Người; các ông trở về, quây quần bên Đức Giêsu và tỉ mỉ tường trình với Người các hoạt động của mình. Chắc hẳn lòng các ông vui sướng và nhiệt huyết tông đồ nơi các ông đang bùng cháy, các ông muốn tiếp tục dấn thân trong công cuộc loan báo tin vui cho đồng bào mình. Nhưng Đức Giêsu bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”
Đức Giêsu đồng cảm với nỗi vất vả lo toan của các môn đệ khi các ông chia sẻ trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu độ; Người bảo các ông hãy “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.
Rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối là điều cấp bách, cần thiết phải làm và làm ngay nhưng việc nghỉ ngơi cũng là một nhu cầu thiết yếu trong hoạt động của các môn đệ; vì thế, Đức Giêsu muốn các ông “nghỉ ngơi đôi chút”. Việc nghỉ ngơi Đức Giêsu đề nghị với các môn đệ bao gồm ba yếu tố: Ngưng những việc đang làm; chọn một địa điểm thanh vắng yên tĩnh; dành đôi chút thời gian cho riêng mình. Đó chính là khoảng thời gian các môn đệ xếp lại những bận rộn, lo toan để nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe cũng như nghị lực để tiếp tục làm tốt sứ vụ được trao; bằng việc hồi tâm, cảm tạ và cầu nguyện.
Đức Giêsu cùng các môn đệ xuống thuyền để tìm nơi thanh vắng như đã hoạch định. Tuy nhiên, khi thuyền vừa cập bến, Đức Giêsu đã thấy đám đông túc trực sẵn ở đó chờ Người.
Trình thuật Tin Mừng cho thấy niềm khao khát của dân chúng, họ muốn được nghe Đức Giêsu rao giảng và họ đã biểu lộ mạnh mẽ qua nỗ lực tìm kiếm và gặp gỡ Người: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài”. Khi cho thuyền vào bờ, thấy dông đảo dân chúng đã chờ sẵn thì Đức Giêsu chạnh lòng thương, Người lại bắt đầu giảng dạy cho họ.
Dân chúng sống dưới ách lề luật cùng với những tập tục truyền thống nặng về hình thức, phô trương, giả tạo; còn giới lãnh đạo tinh thần thì bảo thủ, ích kỷ; dân chúng đa phần chán ghét và sợ hãi; họ trông mong Đấng Mê-si-a đến; và họ như bầy chiên không người chăn dắt; nên khi gặp được Đức Giêsu họ tuôn đến với Người và bị thuyết phục bởi giáo lý của Người cũng như những việc Người đã làm.
Dân Do Thái dưới thời Đức Giêsu đã cảm nghiệm sự quan tâm và lòng thương xót, thứ tha của Người đối với tha nhân, nhất là với những người tội lỗi, những người đau khổ vì bệnh hoạn, tật nguyền. Lời giảng dạy của Đức Giêsu đầy quyền uy và đem lại bình an cho tâm hồn; cách cư xử đầy yêu thương, tha thứ đã hấp dẫn, lôi cuốn họ, khiến họ đã không ngại vất vả, khó nhọc đường xa mà tìm kiếm, gặp gỡ Người.
Tâm tình và thái độ của các môn đệ, cũng như dân chúng Do Thái trong trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
Ý thức: sự thiếu vắng Đức Giêsu Kitô, thiếu vắng lời của Người trong cuộc sống là một tai họa; vì: Lời Chúa là lời tình yêu, lời cứu rỗi và là thánh ý của Chúa Cha; Lời sẽ giúp tôi tránh xa tội lỗi và cho tôi hạnh phúc trường tồn.
2. CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con ý thức được giá trị đích thực của Lời Chúa trong cuộc sống: đó là kim chỉ nam, là sức mạnh và là nguồn yêu thương trong mọi hoạt động; nhờ đó con nỗ lực tìm kiếm và sống trong mọi khoảnh khắc của đời mình.
3. SỐNG TIN MỪNG
Dành thời gian để đọc, suy gẫm Lời Chúa và nỗ lực thực hành mỗi ngày.