Nước Trời dành cho người khiêm hạ (09.08.2022 – Thứ Ba Tuần XIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Ed 2,8 – 3,4 (năm chẵn), Mt 18,1-5.10.12-14

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 18,1-5.10.12-14)

1 Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

5 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.

12 “Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

Nước Trời dành cho người khiêm hạ (09.08.2022)

Từ ngày theo Chúa Giê-su, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giê-su lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại chuyện các ông dám đến hỏi thẳng với Chúa Giê-su xem khi Người lập quốc thì ai sẽ làm quan to nhất trong nước đó. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giê-su sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ. Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp ai to ai nhỏ, nhưng Người đưa ra một hình ảnh trẻ thơ và hình ảnh người mục tử tìm con chiên lạc, để dạy các môn đệ sự khiêm tốn và phục vụ:

Cái cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.

Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng. Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.

Con người chúng ta dễ phân biệt sang hèn, so sánh tài năng và thiểu trí… để rồi dễ bề khinh thường người thiếu may mắn. Nhất là khi chúng ta có điều gì đó hơn người, rất dễ tỏ ra kênh kiệu lên mặt và coi thường người khác dở hơn mình. Giàu thì chê nghèo, giỏi thì khinh dốt, đẹp thì nhạo xấu… Chúa mời gọi chúng ta biết tôn trọng mọi người trong tinh thần của Chúa, là một Thiên Chúa tối cao đã không khinh chê con người tội lỗi thấp hèn.

Lạy Chúa Chúa Giê-su, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu, hăng say phục vụ vô vị lợi và bao dung với tội nhân để giúp họ quay trở về với Chúa. Amen.

Đặt cuộc đời mình trong bàn tay của Chúa (11.08.2020)

Ngày 11.08: Lễ Nhớ Cơ-la-ra, trinh nữ

“Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này” (Mt 18,10).

Trẻ thơ hồn nhiên vui sống trong sự che chở, bảo bọc, yêu thương của cha mẹ. Có người ví von cách sống của trẻ thơ rằng: “Đói bụng thì gọi má, sợ quá thì gọi ba”, hoặc “Đói bụng thì gọi mẹ, sợ ông kẹ thì gọi cha”. Quả đúng là như thế, lúc nào trẻ thơ cũng chẳng muốn rời xa vòng tay mẹ, ánh mắt cha, ngược lại, lúc nào chúng cũng muốn có mẹ có cha trong mái nhà an vui hạnh phúc.

Chúa Giê-su biết rõ tâm ý và đời sống của trẻ thơ là hoàn toàn nương cậy, ký thác vào bàn tay yêu thương của cha mẹ. Người muốn chúng ta mặc lấy tâm tình ấy để nhìn nhận, để tín thác vào tình thương và bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, là người cha quyền năng vĩ đại, là người mẹ rộng lượng khoan dung. Thiên Chúa là địa chỉ duy nhất của Đức Trông Cậy, của niềm hy vọng của chúng ta.

Hãy kêu cầu Chúa như gọi mẹ khi đói, như gọi cha khi lo sợ. Chúa Giê-su xác nhận rằng, Thiên Chúa không để mất một con người nào, và nhất là người nghèo đói đau khổ bệnh tật, người mê muội, lạc lối, tội lỗi. Chúa là mục tử tốt lành luôn đi tìm con chiên lạc mà đưa về sum họp trong đoàn chiên của Người. Cũng thế, người dạy chúng ta không chỉ sống như trẻ thơ hoàn toàn tín thác vào Người, mà còn dạy chúng ta thấu cảm yêu thương đón nhận và giúp đỡ những người thấp bé cùng khốn trong đời. Hãy bỏ ngay đi tính kiêu căng tự phụ, tự liệu, tự lo rồi bất cần Thiên Chúa, nhưng hãy khiêm tốn đặt cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương của Chúa. Và hơn nữa, cũng hãy là bàn tay nối dài của Chúa mà đón nhận mọi người.

Lạy Chúa, Chúa đang lo liệu mọi sự cho chúng con, xin cho chúng con nên niềm vui, hy vọng cho mọi người. Amen

BCT

Trở nên như trẻ thơ (13.08.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ đã hỏi Chúa Giêsu: “Ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?”.  Câu trả lời của Chúa Giêsu ngoài tầm dự tính của các môn đệ. Kẻ nhỏ nhất sẽ trở thành kẻ lớn nhất. Nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Chúa muốn chúng ta luôn sống như một trẻ thơ trong vòng tay yêu thương của Chúa. Và khi trở nên như trẻ thơ, chúng ta lại càng được Chúa yêu quý hơn.

 

Trẻ em trong trắng ngây thơ

Tâm hồn thanh thản, ước mơ đạt thành

Nghĩ suy  hành động ngay lành

Không vương tội lỗi, lợi danh chẳng màng

*

Cuộc sống rạng rỡ huy hoàng

Ấm êm, yên ổn đầy tràn niềm vui

Vô tư thoải mái yêu đời

Chẳng biết hờn giận, không lời thở than

 

Trong cuộc đời của mỗi người, hình ảnh tươi đẹp nhất mà ai cũng đều quý mến và trân trọng, đó là quãng đời tuổi thơ. Tuổi thơ là niềm vui của cha mẹ, là mầm sống tương lai cho Giáo Hội và quê hương. Cái đẹp của tuổi thơ là sự vô tư hồn nhiên trước cuộc sống, luôn bình thản với hiện tại, không bon chen, không hận thù tranh chấp, lại chẳng lo lắng đến tương lai, luôn chấp nhận cuộc sống với một thái độ lạc quan vui vẻ.

 

Trẻ em chẳng biết gian tham

Thật thà dễ mến nói làm thực tâm

Trắng trong nên chẳng lỗi lầm

Mọi người  quý mến vô ngần biết bao

 

Nước Trời là Nước của trẻ thơ và những ai trở nên giống trẻ thơ nhờ hoán cải. Vậy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?  Chúa Giêsu trả lời: đó là người tự hạ, thấp kém như một em nhỏ.  Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước Trời, cần trở nên như trẻ thơ, không tự hào, tự mãn về mình, nhưng luôn biết cậy trông vào tình thương của Chúa. Như thế người lớn nhất trong Nước Trời lại là người nhỏ bé, khiêm nhu.

 

“Trở nên như trẻ” đi nào !

Để cho tâm trí dạt dào hân hoan

“Trở nên như trẻ” hoàn toàn

Ngày sau hưởng phúc Thiên Đàng vinh quang 

 

Lạy Chúa! Xin Chúa cho chúng con biết trở nên như trẻ nhỏ với một tâm hồn đơn sơ, hiền lành, tin tưởng và tín  thác nơi Chúa, để chính Chúa nâng đỡ, hướng dẫn chúng con trên hành trình của cuộc sống trần gian này và dẫn đưa chúng con về Quê Trời chung hưởng Thánh Nhan Chúa muôn đời. Amen

 

HOÀI THANH

Con đường thơ ấu thiêng liêng (14.08.2018)

Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, nhưng thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh hết sức đơn sơ, giản dị, và cũng là một linh đạo tuyệt vời: “Con đường thơ ấu thiêng liêng”. Bí quyết đi theo con đường thánh này thật giản dị:

“Hãy yêu Chúa và yêu tha nhân thật nhiều. Hãy chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau khổ vì Chúa, vì tha nhân”

Tin Mừng hôm nay cho thấy việc Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh của một đứa trẻ con để làm căn nguyên cho cách sống của người môn đệ Chúa, bởi vì:

Trẻ con thì luôn ngây thơ, chúng vô tội, chúng tuyệt đối tin tưởng, cậy dựa vào sự chở che, bảo bọc cha mẹ mình. Đời sống thiêng liêng cũng thế, những ai đi theo Chúa, làm môn đệ Chúa cũng phải biết sống kết hiệp, sống gắn bó vào Chúa; tức là phải biết từ bỏ bản thân mỉnh, từ bỏ ý riêng mình để đi theo Chúa.

Và Chúa Giê-su khẳng định: Hễ ai tự hạ, coi mình như trẻ em bé nhỏ, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (x. Mt 18,4).

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết tín thác đời sống của con vào Chúa qua mọi biến cố thăng trầm của cuộc sống. Xin cho con nhận ra Chúa qua những thân phận bé mọn, nghèo hèn để biết yêu thương và tôn trọng những mảnh đời ấy nhiều hơn. Amen.

 

CÁT BIỂN

Cám dỗ quyền lực … (09.08.2016)

Xã hội ngày càng phát triển, làm cho cuộc sống con người ngày càng an nhàn thoải mái. Nhưng đi kèm theo đó là những thử thách và muôn vàn cám dỗ. Một trong những cám dỗ ngọt ngào, kinh điển, và nguy hiểm nhất đó chính là cám dỗ về quyền lực; chính nguyên tổ loài người đã mắc phải trước tiên.

Cám dỗ về quyền lực là cám dỗ về danh vọng, địa vị, và chức quyền; để cá nhân mình được người khác trọng vọng, kính nể trong uy quyền nắm giữ. Đâu đâu người ta cũng thấy sự cạnh tranh, hơn thua, đến nỗi ai cũng muốn mình phải hơn người khác, và bắt buộc mình phải thắng người khác thì mới chịu.

Theo lẽ thường tình thì có ai lại không thích mình trở thành một “ai đó” khiến cho người khác phải kính trọng, và ngưỡng mộ chứ ?

Nhưng Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hiểu rằng tiêu chuẩn và giá trị của thế gian thì khác với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời; trật tự và địa vị ở trần thế khác xa với trật tự và địa vị trong Nước Trời. Đồng thời Người cũng dạy cho các môn đệ một bài học khiêm nhu tự hạ. Bởi chưng, điều khó khăn nhất không phải là chiến thắng người khác, mà là chiến thắng chính bản thân mình: thắng được tính ích kỷ, kiêu căng của mình; thắng được cái tôi và những dục vọng bất chính của mình… như thế mới thật là người bản lĩnh và “lớn nhất” vậy.

Thế gian muốn có địa vị và quyền hành để bắt người khác phục vụ. Ngược lại, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải khiêm hạ và phục vụ nguời khác. Không chỉ phục vụ người có quyền cao chức trọng, mà còn phải phục vụ cả những nguời bé mọn thấp kém trong tinh thần trọng kính yêu thương thì mới có thể vào Nước Trời (x. Mt 18,10.12-14). Khi phục vụ mọi người trong tình yêu mến và tôn trọng phẩm giá của họ, thì mọi sự đều có thể. Tình thương yêu trong khiêm nhu phục vụ đã đảo lộn mọi biểu thức tự nhiên; từ nay bé mọn được trở nên cao trọng; tuy “một” vẫn quý và đáng giá y như “chín mươi chín”; ít ỏi được nhận chân như đa phần (x. Mt 18, 4.12-14).

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết mặc lấy tâm tình của trẻ thơ; biết khiêm tốn thấy mình rất yếu đuối để cần đến ơn Chúa và biết phó thác đời mình trong sự quan phòng định đặt của Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Nên như trẻ nhỏ (11.08.2015)

Các môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”Sống trong trần gian mà các ông mơ tính chuyện tương lai “Nước Trời”, lại bon chen phen bì kiểu trần gian. Họ hình dung một thế giới ngày sau giống triều đình vua quan, phân bậc cao thấp sang hèn, nên mới hỏi “ai lớn nhất ?”

Chắc các ông bị hụt hẫng vì Ngài trả lời không thỏa đáng, bằng việc đem một em nhỏ (thành phần chẳng có giá trị gì trong xã hội thời đó), đặt vào giữa làm “mẫu” mà bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

 Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.”Giá trị như bị đảo lộn, các ông chưng hửng quá !

Cái tiêu chí “trở lại mà nên” này quả là khó đối với người coi mình đã trưởng thành! Chẳng  phải cứ đơn sơ nhõng nhẽo, thấp bé nhẹ cân như tôi là đã vội mừng. Phải “tự hạ, coi mình” chẳng ăn thua trước mọi người. Đằng này chưa bị “hạ bệ” đã muốn khóc rồi, được khen lao thì cười… “tươi như hoa nở”! Trẻ nhỏ thì không cậy sức riêng mình, mọi sự chỉ biết cậy nhờ vào bố mẹ. Chúng “giòn cười tươi khóc” nhưng lại huề thật nhanh chóng như chưa xảy ra chuyện gì. Trẻ nhỏ không mánh mung để bụng trả đũa, không tối ngày lo tìm ăn mặc gì đây? chẳng sợ gì vì ta luôn có mẹ cha bảo bọc. Từ cái kẹo cho đến mạng sống nó đều tin tưởng cậy vào mẹ cha. Mỗi ngày tôi cố gắng “làm bé đi cái tôi” của mình, buông mình trong bàn tay yêu thương của Chúa, tâm lòng thanh tịnh vui vẻ, thì bên ngoài dù có già đi, với Ngài tôi vẫn là bé thơ đáng yêu ấy chứ !

“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.” Tiếp đón người thế giá, người thương mến ta thì dễ, nhưng “vì danh Thầy” mà kết thân với người khó ở, bạn bè với người thấp cổ bé họng, hèn hạ đói rách, bệnh tật ngạo ngơ, người “chẳng ra gì” mà kể như chính Thầy thì khó biết bao! Nhưng khi cảm nghiệm mình “chẳng ra gì” mà được Chúa nâng niu, ta sẽ vui vẻ đón nhận người anh em của ta cho dù họ là ai.

  “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.” Dụ ngôn “con chiên lạc” xem ra chẳng liên quan đến chuyện trở nên trẻ nhỏ. Nhưng ở đây Đức Giê-su muốn mỗi người cần hoán cải trở về, biến đổi trở nên như trẻ nhỏ trong mối tương quan với Chúa. Tôi có phải là “chiên lạc” không? Đôi lúc tôi có thể ảo tưởng, không biết là mình đi lạc, cứ tưởng mình luôn đúng đường.

Lạy Chúa! xin biến đổi tâm hồn mỗi chúng con nên bé nhỏ, sống khiêm tốn đơn sơ như trẻ thơ nép mình trong lòng mẹ, để chúng con luôn tin yêu, sống trọn tâm tình phó thác trong vòng tay yêu thương của Chúa.

Én Nhỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *