Tại sao Chúa có thể chịu nhục nhã, đau đớn? Sao các môn đệ đã quá dễ dàng chối bỏ Người?

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

2020.04.11 CvM & tG…

Thứ Bảy Tuần Thánh.

Con tôn thờ cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su Ki-tô!

Vì Chúa đã chết cho con, chết vì tội lỗi con như thế đấy! Trọn cuộc khổ nạn của Người đều dành cho con, Người muốn cho con biết tội lỗi con khi xúc phạm đến Thiên Chúa nó nặng nề đến thế nào. Và Người cũng muốn tỏ bày cho con thấy, cho con biết tình yêu của Người dành cho con cao trọng và lớn lao dường nào.

Tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa. Amen.

***

Các con Vườn Cỏ Tình Yêu rất yêu thương!

Sẵn có anh chị em hỏi bố mấy vấn nạn. Bố viết trả lời và chia sẻ chung cho các con đây!

Con đã viết tâm tình của con

“Con xem nguyên đoạn phim về Cuộc Thương Khó Của Đức Chúa Giêsu có 4 vấn đề làm con trăn trở 

Một là sao Chúa có thể chịu nhục nhã như thế trước sự phỉ nhổ của người đời?

Hai là sao Chúa có thể chịu đau đớn về thể lý đến mức như thế, những chiếc roi chùm có móc ở đầu nó móc bứt da thịt Chúa khi những tên lính quất vào…

Ba là khi Chúa bị treo trên Thập giá Người có nói “Cha ơi, sao Cha bỏ con” có phải chính Chúa Giêsu cũng bị thử thách niềm tin hay không?

là các môn đệ của Người đã quá dễ dàng chối bỏ Người. Con khá bức xúc vì sự thiếu trung nghĩa ấy, điều đó đẩy Chúa Giêsu vào sự cô độc dễ bị đánh gục ý chí, dễ buông xuôi.

 ***

Để trả lời con, trước tiên bố phải đưa ra một nguyên tắc: Tất cả những gì Chúa Giê-su đã mấtđã chịu trong cuộc thương khó của Người, là để cho chúng ta được và không phải chịu trong cõi đời đời.

Nhưng để hiểu được chân lý này. Bố cho con một ví dụ, nếu con giết một đứa bé vừa sinh ra mà không ai biết. Nó chết, người đời không ai luận phạt con cả. Nhưng máu của đứa bé kêu lên Chúa “ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!” (St 4,10), và Người ghi nhớ tội ác của con. Không một tội lỗi nào dù nhỏ nhất bị bỏ qua, nhưng ai được hưởng Lòng thương xót của Thiên Chúa, thì Chúa có thể tha thứ tất cả.

 

Về phía người đời, nếu con cố tình đấm trúng một kẻ lang thang, có thể anh ta sợ con sẽ lui đi, như thể cú đấm không có ảnh hưởng gì. Nhưng nếu con đấm một tên giang hồ mạnh hơn con, con sẽ bị đấm lại cho công bằng, hoặc con sẽ bị nện cho một trận nhừ tử. Nhưng nếu cú đấm cố tình đó của con trúng ông Chủ Tịch Huyện, thì con sẽ bị công an bắt nhốt và đánh cho con một trận ra trò. Còn nếu cú đấm có chủ ý đó trúng ông Chủ Tịch Nước, lập tức con sẽ bị bắt bỏ tù và bị xử khung hình rất nặng.

Bố muốn nói cũng một cú đấm, một lỗi phạm giống nhau. Nhưng đối tượng bị trúng, bị xúc phạm có thế giá càng cao, thì luật pháp sẽ xét xử con càng nặng. Do đó, tội lỗi của chúng ta khi cố tình phạm vào tội trọng là xúc phạm trực tiếp đến Thiên Chúa, Đấng có phẩm giá cao quý vô cùng. Nên tội lỗi con người trở thành nặng nề, gớm ghiết vô cùng. Trong khi đó, tự bản thể con người là hữu hạn, dầu ăn năn đền tội đến mấy thì việc ăn năn đền tội cũng chỉ mang giá trị hữu hạn. Cho nên một người hay toàn nhân loại hiệp lại, cũng không có thể đền bù được giá trị vô cùng khi xúc phạm đến Thiên Chúa. Như Chúa Cha đã nói với Thánh nữ Catarina Sienna “Chúa Cha phán: Hỡi con Cha, con có biết không? Tất cả mọi sự khổ đau mà linh hồn phải chịu đựng, hoặc có thể chịu đựng được ở đời này, không đủ đền bù cho một tội nhẹ nhất? Vì sự xúc phạm đến Cha là Đấng Tốt Lành vô cùng đòi một sự đền bù cũng phải vô cùng.” (Đối Thoại. Thánh Catarina Sienna. Số 3)

Nhưng vậy một người có ý thức về tội lỗi cao độ, cố tình đền tội cả đời cũng không đền hết một tội nhẹ, thì làm sao đền cho hết tội trọng của nhân loại?!!!

Đó là lý do Con Thiên Chúa phải xuống thế làm người, để nơi Người có hai bản tính: thần tính và nhân tính. Có bản tính nhân loại, hầu đủ tư cách thay mặt cho toàn nhân loại; còn với bản tính Thiên Chúa, lại đền được giá trị vô cùng của Thiên Chúa

Ấy vậy, sự kết hiệp hai bản tính để đền tội thay cho cả nhân loại, không phải do đau khổ ở bản tính nhân loại hữu hạn, sinh ra từ khối bùn đất Ađam, mà bằng quyền năng của bản tính Thiên Chúa. Sự kết hợp hai bản tính làm Chúa Cha hài lòng hy lễ Máu Con Cha đã hợp với bản tính thần thánh, thành một tấm bánh nướng bởi lửa đức ái thần linh, làm sợi dây trói buộc cùng đóng đinh Ngài vào Thập giá. Nhờ vậy, tội Ađam nguyên tổ được tẩy xoá, nhưng vết tích hãy còn. Đó là sự hướng chiều về điều dữ, sự yếu đuối của bản tính loài người, tựa như vết sẹo còn lại sau một thương tích được chữa lành.” (Đối Thoại. Thánh Catarina Sienna. Số 14).

Như vậy, sự sa ngã của Ađam đã gây cho các con một thương tích đau thương trầm trọng, nhưng thầy thuốc vĩ đại, Con Một của Cha, đã đến để chữa trị cho chúng con, băng bó thương tích ấy, tự uống lấy liều thuốc đắng cay, mà con người không thể uống nổi. Thầy thuốc làm như mẹ nuôi cháu bé, đã uống lấy liều thuốc trị bệnh thay cháu bé vì mẹ nuôi lớn và khoẻ, trong khi cháu bé còn quá non nớt không chịu được sự đắng cay của thuốc. Con Một của Cha là thầy thuốc của chúng con, và Con Cha đã kết hợp bản tính Thiên Chúa với bản tính của các con, để uống lấy liều thuốc cay đắng trong cái chết đầy khổ nhục trên Thập giá, để chữa trị thương tích và ban sự sống cho chúng con, là những đứa con bại liệt bởi tội lỗi.” (Đối Thoại. Thánh Catarina Sienna. Số 14)

***

Giờ đi vào cụ thể vấn đề làm con trăn trở, thắc mắc

Một là sao Chúa có thể chịu nhục nhã như thế trước sự phỉ nhổ của người đời.

Con trai à, nhiễm tội nguyên tổ nên bản tính tự nhiên của con người là kiêu ngạo, tham lam và ích kỷ. Do đó, não trạng của chúng ta cách quá xa hành động khiêm nhường của Chúa Giê-su. Nên thật khó hiểu cách Chúa Giê-su đã chịu đựng sự sỉ nhục nặng nề đến vậy. Trong lúc Người chỉ cần cất một tiếng uy quyền, thì lập tức cả thế giới phải quy phục Người. Thế nhưng, nếu con suy nghĩ về thái độ khiêm hạ của Chúa Giê-su trong bữa tiệc ly “Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!” Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.” (Ga 13,4-11)

Chắc chắn, chúng ta vô cùng khó phải để hạ mình quỳ xuống rửa chân cho những người thấp kém, như kẻ làm công cho chúng ta. Nhưng Chúa Giê-su – Đấng đã tạo dựng nên chúng ta, tạo dựng nên cả đất trời đã hạ mình xuống rửa chân cho con người, cho các môn đệ của Người. Nhưng chỉ cần một hình ảnh mang ý nghĩa bố sắp nói ra đây, con sẽ hiểu ngay vấn đề. Sẽ không có một ai thắc mắc, hay cảm thấy khó hiểu khi một người mẹ rửa và hôn chân đứa con nhỏ vừa mới sinh ra, dù nó mới xả uế lên chân nó tức thời. Đối với Chúa, chúng ta còn nhỏ bé hơn đứa bé mới sinh ra, và Người yêu thương ta bằng tình yêu lớn lao hơn tình yêu của người mẹ dành cho đứa con nhỏ dại của mình vừa mới sinh. Cho nên, hành vi hạ mình rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giê-su nói lên tình yêu không bờ bến Người dành cho những kẻ Người yêu thương. Đồng thời như Người đã nói “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,12-15)

Thế nhưng, trong cuộc khổ nạn Chúa Giê-su thể hiện tình yêu thương là không đủ để chuộc tội kiêu ngạo của tất cả con cái loài người. Chính vì thế, Người phải chịu sỉ nhục để đền tội kiêu ngạo của con người, và làm thành bài học sống khiêm hạ cho tất cả chúng ta.

***

“Hai là sao Chúa có thể chịu đau đớn về thể lý đến mức như thế, những chiếc roi chùm có móc ở đầu nó móc bứt da thịt Chúa khi những tên lính quất vào…  

Con biết không, luật thời đó nghiêm cấm không được đánh phạm nhân đến roi  thứ bốn mươi. Vì đánh đòn đủ bốn mươi roi như thế phạm nhân sẽ chết. Nhưng đêm đó, Chúa Giê-su đã chịu “Cha đã chịu nơi thân xác Cha 5480 roi đòn.” (Chúa Giê-su tỏ cho Thánh nữ Brigitta, người nước Thụy điển biết). Trong phim người ta chỉ đóng có tính tượng trưng, hay nói cách khác, chỉ diễn tả lại một phần nhỏ sự thật mà thôi.

Con chưa yêu kính Chúa bao nhiêu, nhưng con đã không chịu nổi khi thấy người ta tra tấn Chúa một phần rất nhỏ như vậy. Huống hồ những người như các thánh, hiến thân chịu đau khổ một đời vì Chúa mà vẫn cảm thấy mình chưa làm được gì cả. Thậm chí còn thấy mình thật bất xứng lúc được ơn chịu đau khổ với Chúa.

Nếu Chúa Giê-su chịu đánh đòn và đau khổ với bản tính nhân loại, Người đã chết trước khi trận đánh đòn kết thúc từ rất lâu. Nhưng thần tính Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su đã nâng đỡ nhân tính, cho Người có sức chịu đựng tột cao. Người chịu đau đớn cùng cực như thế để đền tội con người đã phạm vào điều răn thứ sáu từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế.

Con yêu ơi! Con hiểu không, tội lỗi của chính con đã chất một gánh nặng đau đớn không nhỏ lên thân thể cực thánh của Người.

***

Ba là khi Chúa bị treo trên Thập giá Người có nói “Cha ơi, sao Cha bỏ con” có phải chính Chúa Giêsu cũng bị thử thách niềm tin hay không?”

Câu hỏi này của con rất thú vị.

Bố phải trả lời thế này, nếu ta hiểu từ ngữ “thử thách” như ta vẫn hiểu theo cách Chúa thử thách con người, thì hoàn toàn không. Chúa Giê-su không hề bị thử thách do kém tin hay thiếu hiểu biết, hoặc không có khả năng. Vì sự hiểu biết nơi lý trí của Chúa Giê-su về Thiên Chúa và về công cuộc cuộc cứu độ của Người, mà Chúa Giê-su phải kinh qua là tròn đầy, sáng sủa; không tí mập mờ, không hề có tăm tối. Và khả năng của Thiên Chúa làm người thì hoàn toàn giống hệt Thiên Chúa. Bởi vì thần tính nơi Chúa Giê-su, trong lúc Người cho dù chịu đau đớn hay khổ đau nhất, cũng không hề mất đi hay kém đi một tí nào. Người là Thiên Chúa và không có lúc nào, từ khi bắt đầu thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội cho đến khi chịu chết, chẳng có lúc nào Người không là Thiên Chúa.

Bởi vậy, có nhiều quan điểm cho rằng với bản tính con người Chúa Giê-su đã “sợ” đau khổ trong vườn Ghết-si-ma-ni nên toát mồ hôi máu “Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14,33-36) Và đã khủng hoảng đến mất niềm tin vào Thiên Chúa nên mới thốt ra “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46).

Nghĩ như thế là sai lầm, sai tín lý. Không bao giờ được phân tích theo chiều hướng thần tính và nhân tính nơi Chúa Giê-su có lúc tách rời nhau hoàn toàn. Sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính nơi Chúa Giê-su là bất khả phân ly. Một sự hiệp nhất trọn vẹn đến duy nhất và vĩnh viễn. Vì, nếu có lúc hai bản tính: thần tính và nhân tính phân ly, thì chính lúc đó Chúa Giê-su sẽ không còn là Thiên Chúa nữa.

Bời vậy, nơi tâm trạng của Chúa Giê-su không hề có sợ, không hề mất hay suy giảm hiểu biết về Thiên Chúa Cha và chương trình của Người. Do đó, cũng là không hề có thử thách đối với Người. Nói một cách khác chúng ta hay “lấy bụng ta suy ra bụng người”; lấy phận người nơi ta mà mặc cho Chúa Giê-su – Đấng có bản tính nhân loại vượt xa cao vời trên phận người của chúng ta.

Những gì Chúa Giê-su diễn tả trong vườn Ghết-si-ma-ni, trên Thánh giá là những biểu hiện chân thật sự cạn cùng sức chịu đựng của nhân tính mà thôi. Và chủ đích Người thể hiện như vậy để nói lên Người đã chịu đựng đến tột cùng đau đớn và đau khổ của nhân tính. Đồng thời làm gương cho chúng ta, cho con người những bài học chân lý, khi đứng trước đau khổ hay đau đớn cùng cực của phận người phải tuân phục Thánh Ý Thiên Chúa cách trọn hảo.

A, sẵn đây bố mở ra cho các con hiểu thêm một điểm về thần học thật là lý thú và sâu nhiệm.

Bố mở ra những vấn nạn nhé!

Nếu nói rằng thần tính và nhân tính nơi Chúa Giê-su là bất khả phân ly. Vậy, khi Chúa Giê-su chết thì thần tính nơi Người có chết không? Nếu thần tính mà chết, thì Thiên Chúa chết ư!?

Chết thì linh hồn phải rời khỏi xác, vậy lúc linh hồn Chúa Giê-su rời khỏi xác, thần tính của Người có rời khỏi xác không? Nếu thần tính nơi linh hồn rời khỏi thân xác Chúa Giê-su, thì lúc đó thân xác Người đâu còn là thân xác của Thiên Chúa làm người nữa? Vậy lời khẳng định của bố: thần tính và nhân tính bất khả phân ly, bị mâu thuẫn?

Tạ ơn Chúa. Trong giờ Kinh Thương Xót chiều nay, bố được Chúa dạy cho những điều này.

Trước tiên, bố phải khẳng quyết: Cái chết của Chúa Giê-su là cái chết thật sự, Người chết như mọi con người chết.

Nghĩa là thân xác Chúa Giê-su ngừng tất cả các hoạt động của mọi quan năng thể xác, đồng thời linh hồn Chúa Giê-su rời khỏi thân xác Người. Chúa Giê-su là Thiên Chúa và Người đã chết sau khi chịu khổ nạn. Nhưng không thể nói “Thiên Chúa đã chết”, vì thần tính thiêng liêng bất tử của Thiên Chúa làm sao chết được. Chỉ có con người mới chết.

Các con nên biết thêm, khi linh hồn Chúa Giê-su rời khỏi thân xác, không có nghĩa thần tính thiêng liêng quyền năng của Thiên Chúa cũng rời khỏi thân xác Chúa Giê-su. Lúc bấy giờ, linh hồn Chúa Giê-su vẫn mang trọn thần tính Thiên Chúa và thân xác Người cũng vậy. Bởi thế, dù linh hồn đã hoàn toàn rời khỏi thân xác, thân xác Chúa Giê-su không rơi vào tiến trình hoại tử tế bào như mọi thân xác của con người. Thần tính ngay lúc đó làm phát triển đến hoàn bị tình trạng một thân xác sẽ phục sinh sau đó. Nghĩa là thay vì đi vào tiến trình hoại tử, trở về cát bụi như thân xác chúng ta; thân xác Chúa Giê-su lập tức theo chiều hướng ngược lại, thần tính đẩy lên cao: biển đổi thành thân xác phục sinh. Tức là một thân xác không còn phải chịu bất cứ quy luật tự nhiên nào nữa.

Như vậy, ngay cả lúc Chúa Giê-su đã chết, thần tính và nhân tính của Người cũng không hề phân ly.

***

Thứ tư là các môn đệ của Người đã quá dễ dàng chối bỏ Người. Con khá bức xúc vì sự thiếu trung nghĩa ấy, điều đó đẩy Chúa Giêsu vào sự cô độc dễ bị đánh gục ý chí, dễ buông xuôi.

Về tự nhiên,  con nghĩ như trên là đúng! Tâm trạng của con khi nghĩ được như vậy là tốt. Tuy nhiên

Các con à, trên đây là quan điểm đầy cảm tính tự nhiên của một con người. Phải nói chân thật rằng: nếu không có ơn Chúa nâng đỡ chúng ta, không một ai trên trái đất không “quá dễ dàng chối bỏ Người” lúc đó. Thánh Phê-rô và các tông đồ khác cũng từng nghĩ như người có quan điểm trên đây. Nên Phúc Âm ghi thánh Phê-rô và các tông đồ nhiều lần khẳng định “Ông Phê-rô lại nói: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.” (Mt 26, 35); Ông Phê-rô liền thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không… Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.” (Mc 14, 29.31)

Và thánh Phê-rô chứng minh lập trường của mình, ông đã thủ sẵn gươm và thẳng tay chém “Ông Si-môn Phê-rô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Man-khô.” (Ga 18,10) Nhưng rồi chỉ một thời gian ngắn sau ông chối Chúa ba lần.

Trước mầu nhiệm Chúa Giê-su khổ nạn, tất cả chúng ta không ai đứng vững nếu như Chúa không ban ơn cho người đó. Cho nên Kinh Thánh mới ghi “Đừng tưởng mình là công chính trước mặt Đức Chúa,” (Hc 7,5).

Phàm nhân là gì để tự cho mình là thanh sạch,
và đứa con do người phụ nữ sinh ra là gì,
để tự cho mình là công chính?
 (G 15,14). 

Trên mặt đất, chẳng có người công chính nào làm điều thiện và không bao giờ phạm tội.” (Gv 7,20).

Trước mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Cứu Thế, không ai có thể đứng vững. Nếu các con nghĩ mình có thể đứng vững, thì các con đã lầm. Các con chưa biết rõ mình và đang ảo tưởng về bản thân đấy!

Các con ơi! Nếu các con muốn chứng tỏ mình có thể an ủi Chúa Giê-su thì đừng sống trong tội lỗi nữa.

Chúc các con sống mầu nhiệm Phục Sinh thật tốt lành và hạnh phúc.

Bố

Tình Yêu Hoa Cỏ

Pet. M. Linh hồn đại tội nhân.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *