Hãy yêu nhau đi (16.01.2024 – Thứ Ba Tuần II Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Sm 16,1-13 (năm chẵn), Hr 6,10-20 (năm lẻ), Mc 2,23-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 2,23-28)

23 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su : “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép !” 25 Người đáp : “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

27 Người nói tiếp : “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

Hãy yêu nhau đi (16.01.2024)

Tên của ca khúc cùng tựa đề bài chia sẻ Lời Chúa hôm nay, với ca từ rất dễ thương:

“Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu. Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau. Trái tim cho ta nơi về nương náu. Được quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều”

Vâng, ca từ rất dễ thương. Nhưng lòng người thương thì không dễ chút nào !

Tin Mừng theo thánh Mác-cô cho thấy những người Pha-ri-sêu bắt lỗi các môn đệ của Đức Giê-su khi thấy các môn đệ bứt lúa ăn, và cho là đã lỗi luật giữ ngày sa-bát. Bởi lẽ, theo luật Mô-sê người nào làm việc vào ngày sa-bát thì phải chịu án phạt: Nếu nhẹ thì bị loại ra khỏi cộng đoàn (x. Xh. 31,15; 35,2), còn nặng thì có thể bị ném đá cho đến chết (x. Ds. 15, 32-36)

Đối với Thiên Chúa, sống và thi hành lề luật chính là cốt lõi của lòng yêu mến và tự nguyện – Lề luật của Chúa là ách êm ái và nhẹ nhàng – Thế nhưng đối với các kinh sư, và những biệt phái thì sinh ra vụ luật và sử dụng lề luật làm thứ bình phong che chắn để làm lợi cho họ, làm cho dân chúng cảm thấy nặng nề, và xem lề luật là gánh nặng đè trên vai họ. Đáng lẽ lề luật làm cho con người ta thăng tiến, phát triẻn và trưởng thành; thì lúc đó lề luật lại là sự kìm hãm, đè nặng, trói buộc và giết chết sự tự do của con người.

Ước gì người người:

“Hãy ru nhau trên những lời gió mới. Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui. Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi. Dù mai nơi này người có xa người”

Thật vậy, Chúa đã đến trần gian để ban giới răn mới. Chúa đến để thổi làn gió mới – Lời gió yêu thương, bao dung và tha thứ cho con người. Thế nhưng, vì sao con người lại không biết ru nhau trên những làn gió mới – Yêu thương, bao dung và tha thứ cho nhau như Chúa đã làm ? Tại sao con người lại vô cảm trước những nỗi đau của nhân loại ? Tại sao con người lại không biết trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau ? Tại sao con người không ý thức được rằng trái tim cho ta nơi về nương náu, trái tim cho ta cơ hội san sẻ những buồn – vui; được – mất; sướng – khổ của thân phận người ?…

Câu trả lời, đó chính là lòng người vẫn còn ích kỷ, nhiều so đo, tính toán; trong lòng nhiều người còn nuôi dưỡng những hận thù, ghen tương, đố kỵ, hăm hở loại trừ nhau… ai ai cũng muốn khẳng định chính mình.

Bạn tôi ơi,

“Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui. Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi.

Dù mai nơi này người có xa người”

Xin hãy luôn nhớ rằng:

“Hãy yêu nhau đi, quên ngày u tối. Dù vẫn biết mai đây xa lìa thế giới. Mặt đất đã cho ta những ngày vui với. Hãy nhìn vào mặt người lần cuối trong đời”.

Ta hãy mãi yêu mọi người trong tình yêu Chúa và trong tình người với người. Yêu cho tới chết nhé bạn !

Lạy Chúa,

Xin cho con biết khi yêu mến Chúa thì cũng phải biết yêu mến anh em mình (x. 1Ga. 4,20). Amen.

CÁT BIỂN

 

Luật vị nhân sinh (17.01.2023)

Ngày 17.01: Lễ Nhớ Thánh An-tôn, viện phụ

Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho ta thấy người biệt phái giữ Luật Mô-sê rất kỹ lưỡng, nghiêm ngặt nhưng hoàn toàn thiếu tình người, vì họ giữ Luật cách cứng ngắc mà không có tình người (x. Mc.2,23-28).

Suy đến đây làm tôi nhớ lại cách đây 46 năm, vào ngày 27/3/1975 các tín hữu miền nam đất Việt được phép “ngả mặn” mà không phải “chay lạt” gì cả, cho dù hôm đó là thứ Sáu Tuần Thánh ! Có lẽ Đấng Bản Quyền lo cho con cái mình không đủ sức để chạy loạn trong thời khắc đó cũng nên ? Quả là một quyết định rất… rất vị nhân sinh !

Thế mới biết rằng: Đối với Thiên Chúa sự sống con người chính là điều ưu tiên tối thượng chứ không phải là luật giữ ngày sa-bát. Bởi lẽ, việc giữ luật ngày sa-bát cũng sẽ trở thành vô nghĩa nếu không vì lợi ích, vì sự sống của con người. Đối với Thiên Chúa, chỉ có một luật lệ duy nhất và là nền tảng của mọi luật lệ, đó là yêu thương. Nhưng để có yêu thương, trước tiên phải có sự nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá mỗi người.

Bài học về luật yêu thương trên đây, vẫn còn nguyên giá trị dành cho con người thời nay; những ai tưởng mình biết đủ, biết quán thông tất cả; những ai tưởng mình đạo đức hơn người hãy xem đó để tránh bị mù quáng và độc đoán, ngoan cố như những người biệt phái xưa kia. Và đây cũng là một lời cảnh cáo cho chính cách sống đạo của tôi vậy.

Lạy Chúa, xin giúp con biết dùng tự do Chúa ban để quy hướng về Chúa, về sự thiện toàn mỹ, để đời con xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa từ nhân giàu lòng xót thương. Amen.

CÁT BIỂN

Tuân giữ luật Chúa (18.01.2022)

Ghi nhớ

Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, con người là chủ luôn cả ngày sa-bát”. (Mc 2, 27)

Suy niệm

Trong thế giới ngày nay, người ta đề cao tự do, người ta thường hay biểu tình đòi nhà nước phải lập ra luật này luật kia. Những điều luật mà họ đòi hỏi Quốc Hội phải thông qua đó chỉ nhằm một mục đích duy nhất là làm cho người dân được sống thoải mái dễ chịu hơn mà thôi. Thế nhưng chẳng thấy có mấy ai biểu tình đòi xoá bỏ đi cái luật được phá thai! Vì vậy cho nên, hàng ngày đã có không biết bao nhiêu thai nhi bị phá bỏ, bị giết chết. Qua sự im lặng này, người dân đã vô tình ủng hộ nhà nước trong việc hợp thức hoá hành động “giết người”! Mà giết người tự bản chất là xấu xa, là kinh tởm, là đáng lên án!

Bài Tin Mừng hôm này thánh sử Mác-cô tường thuật “sự cố” những người Pha-ri-sêu bắt lỗi Đức Giê-su về việc để cho các môn đệ bứt bông lúa mà ăn trong ngày lễ nghỉ. Việc bứt bông lúa mà ăn đây được người Pha-ri-sêu coi là đã làm việc, vi phạm vào các việc không được phép làm trong ngày sa-bát. Nhân dịp này Đức Giê-su giảng giải để xua tan đi cái não trạng giữ luật một cách máy móc, một cách cứng ngắc của các người Pha-ri-sêu. Đức Giê-su nâng tầm nhìn của họ nên để họ giữ luật bằng cái tâm của mình: Để nhờ  giữ lề luật mà mọi người thăng tiến lên trong việc thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Đó cũng là mục đích cốt lõi của việc tuân giữ  lề luật. Những người Biệt Phái và Pha-ri-sêu có tâm địa xấu, có óc hẹp hòi và nhất là có tính đố kỵ, ghen tương, họ rình rập để nếu có một ai đó, mà cụ thể ở đây là Đức Giê-su vi phạm là họ có cớ bắt chẹt, lên án và tố cáo Ngài, như có lần Đức Giê-su chữa lành cho một người bị bại tay vào ngày sa-bát, họ liền nhân danh lề luật để phản ứng chống lại và tố cáo việc làm này, cho dù đó là việc làm nhân đạo!

Đức Giê-su đã nói:“Tôi đế không phải để bãi bỏ lề luật mà là để kiện toàn lề luật”. Thật vậy Chúa Giê-su đến trong thế gian,  Người đã nên như một công dân tiêu biểu của xã hội. Người sinh ra trong hoàn cảnh phải về nguyên quán để khai báo“hộ khẩu”. Người chịu cắt bì theo lề luật như bao trẻ em khác. Người cũng nộp thuế như mọi người công dân v.v…Đức Giê-su là thế  nhưng dưới mắt bọn Pha-ri-sêu thì họ lại coi Ngài như một người chống lại lề luật, mà cụ thể như đoạn Phúc Âm hôm nay họ hạch sách Chúa vì coi Ngài như đang ủng hộ việc làm “bứt bông lúa” mà họ coi như là làm việc xác vào ngày sa-bát của các môn đệ.

Bài học rút ra từ đoạn Tin Mừng hôm nay là chúng ta mỗi ky-tô hữu hãy cố gắng tuân giữ mọi lề luật của Giáo Hội cũng như xã hội, để từ việc tuân giữ đó sẽ giúp chúng ta mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện mình hơn: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người” đồng nghĩa trong hành vi giữ luật là việc thờ phụng Chúa và phục vụ tha nhân mỗi ngày được tốt đẹp hơn. Nhưng muốn giữ luật cho tốt, trước hết phải có cái tâm cũng như  có thái độ yêu mến lề luật, để rồi việc tuân giữ lề luật không còn là gánh nặng mà nó lại trở nên “ êm ái và nhẹ nhàng”, như Lời Đức Giê-su đã nói: “Ách của tôi thì êm ái và gánh của tôi thì nhẹ nhàng”. Khi chúng ta đã yêu mến một ai rồi thì việc làm cho người ấy vui, cho người ấy hài lòng sẽ làm cho chính chúng ta cảm thấy thư thái trong tâm hồn!

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin giúp cho mỗi người chúng con luôn biết làm mọi việc để tuân giữ lề luật với tất cả lòng yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân, để việc giữ lề luật Chúa không phải là một gánh nặng mà lại trở nên nhẹ nhàng và êm ái. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Ky-tô Chúa chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa

Đi tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và dành ra ngày này để thăm hỏi anh em, bạn bè.

 Đaminh Trần Văn Chính.

Con Người làm chủ luôn cả ngày Sabat (19.01.2021)

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy một cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu, trong việc các môn đệ Chúa rứt mấy bông lúa ăn trên đường đi.

Là Chúa cứu thế đến trần gian, họ đã không nhận ra, Người luôn bị nhóm người này nhòm ngó, bới lông tìm vết. Hôm nay họ chê bai Chúa và các môn đệ về việc giữ luật ngày lễ nghỉ Sabat. Thực ra luật giữ ngày Sabat thời ấy chỉ cấm đi gặt lúa, đập lúa. Nhưng vì ghen ghét nên khi thấy các môn đệ Chúa chỉ rứt mấy bông lúa nhai cho khỏi buồn miệng, hoặc cũng có thể vì đói nữa, mà họ đã chỉ trích. Người Pharisêu, họ giữ luật rất câu nệ, tỉ mỉ mà sai lầm nữa. Họ chê trách: “Ông coi ngày Sabat mà họ làm điều gì kìa?”. Chúa đã bực mình mà dùng câu chuyện vua Đavit trong Sách Thánh cựu ước trước đó cả ngàn năm để trả lời, cũng là để dạy họ nhiều điều. (1Sm 22).

Vua Đavit khi trốn chạy cuộc truy lùng sát hại của vua Saun, ông và bệ hạ ông đã chạy vào một đền thờ. Trong cơn đói khát, ông đã lấy bánh thánh cho ông và tùy tùng ăn để được sống. Thứ bánh mà chỉ các thầy tư tế mới được phép ăn. Luật Thiên Chúa là luật yêu thương, luật cho con người được sống. Đavit là hình ảnh Thiên Chúa yêu thương. Với con mắt người đời, Đavit như đã lỗi luật vì dám ăn bánh thánh không phải dành cho mình, nhưng ăn vì để cứu sống ông và tùy tùng thì lại là việc được phép. Các thánh cũng dạy ta: “Trong cơn cùng quẫn, người ta có quyền lấy của người khác bất kể thứ gì để giữ cho mạng sống họ”. Đọc chuyện ấy ta lại cũng thấy lòng nhân đạo của Đavit  khi tha chết cho vua Saun, kẻ đang tìm giết ông khi Saun trên đường truy sát Đavit mà vào hang núi đi việc cần.

Ngày nay trên các đường giao thông người ta đều ghi: “Mạng sống con người là trên hết” cho mọi người chú ý giao thông an toàn tính mạng. Còn Chúa Giêsu và Giáo hội Chúa đã dạy con người điều ấy từ mấy nghìn năm nay rồi.

Ngày nay khác với thời phong kiến ngày xưa, khi ban bố một bộ luật hay sửa đổi bộ luật gì phải đưa ra dân học hỏi, bàn bạc kỹ càng rồi mới dám thi hành. Còn Chúa Giêsu Người cũng đã dạy cho các ông Pharisêu đã hai nghìn năm nay: “Luật ngày Sabat được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabat”.

Cuối cùng Chúa đã khẳng định: “Con Người, chính Chúa là chủ của ngày Sabat”. Thật vậy mọi luật lệ thiện hảo, mọi quyền bính đều xuất phát từ Thiên Chúa, được gói gọn trong bộ Sách Thánh mà nhiều quốc gia phải lấy đó làm nền tảng cho luật pháp của mình. Đó cũng là bản tuyên ngôn nhân quyền sớm nhất của toàn thể nhân loại.

Lạy Chúa! Luật pháp Chúa thiện hảo, bồi bổ tâm can, là ách êm ái, là gánh nhẹ nhàng. Xin cho con luôn yêu mến, thực thi lề luật Chúa đêm ngày, để nhờ lề luật dẫn đưa con về chốn hạnh phúc đời đời. Amen.

 Giuse Ngọc Năng

Giữ luật vì lòng kính thờ Chúa và yêu thương anh em (21.01.2020)

Ngày 21.01: Lễ Nhớ Thánh A-nê, trinh nữ, tử đạo

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nhắc đến tinh thần giữ luật của ngày sabát. Một điều luật mà người Do Thái coi là quan trọng nhất trong mười điều răn mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ítraen qua trung gian ông Môsê trên núi Sinai. Luật giữ ngày sabát mang một tầm quan trọng đặc biệt, những người pharisêu tuân giữ điều luật này hết sức tỉ mỉ. Họ luôn đi theo để rình mò, dò xét, bắt bẻ tìm cớ kết án Đức Giêsu. Lần này chỉ vì mấy bông lúa mà lý do là quá đói bụng :“ Ông coi ngày sabát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép”.

 

Hãy yêu bằng chính con tim
Ở ngay thực tại, chớ tìm viễn vông
Hãy yêu bằng cả tấm lòng
Đừng nên rào đón lòng vòng quẩn quanh

*
Hãy yêu bằng cả lòng thành
Chớ đừng gian dối, tan tành đấy thôi!
Hãy yêu không phải “vì tôi”
Mà luôn hướng đến: “cho đời”, “cho ai”?

 

Nhân cơ hội này, Đức Giêsu dẫn chứng câu chuyện của Đavít trong khi chạy trốn Vua Saun để bảo toàn tính mạng. Vua và các thuộc hạ đã ăn bánh tiến trong nhà Thiên Chúa, thứ bánh chỉ dành cho các tứ tế, đây là việc không được kể là mắc tội.


Hãy yêu tha thiết miệt mài
Tâm tim hòa hợp, chẳng phai chẳng mờ
Hãy yêu! đừng nói “hẹn chờ”
“Kẻo tim hóa đá” ai ngờ được đâu

*
Hãy yêu nghĩa nặng tình sâu
Nếu mà “nông cạn” phải đâu là người
Hãy yêu phấn khởi vui cười
Tình thêm cao đẹp, sáng tươi tuyệt vời

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: lề luật mà Thiên Chúa trao ban cho con người được ký kết bằng một Giao Ước của tình yêu thương. Qua đó việc giữ luật phải thể hiện sự tôn trọng và sống tình bác ái giữa con người với nhau. Điều chính yếu trong việc giữ luật để mang lại niềm vui, sự bình an, đó mới là nguồn hạnh phúc đích thực dành cho con người.

 

Hãy yêu bằng cả cuộc đời

Thiết tha, chung thủy, chẳng dời đổi thay

Vươn lên, lớn mạnh từng ngày

Càng yêu càng thắm, tràn đầy niềm tin

*

Chắp tay nguyện ước cầu xin 

Cùng nhau kết hợp giữ gìn tình ta

Hãy yêu chân chất thật thà

Để cho Tâm – Trí mãi là của nhau

 

Lạy Chúa! Chúng con biết rằng: sống ở trên đời này, chỉ có tình yêu thương nhau mới là điều tốt đẹp nhất, thân thương quý mến nhất và hạnh phúc nhất. Xin Chúa giúp chúng con luôn lấy tình yêu thương để cư xử với nhau sao cho đẹp lòng Chúa và hài hòa với mọi người. Amen.

 HOÀI THANH

Luật vị nhân sinh (22.01.2019)

Giữ ngày sa-bát là điều hết sức quan trọng đối với người theo đạo Do Thái.
Bất cứ ai vi phạm ngày này đều có thể bị xử tử, bị ném đá.

Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện:

Thầy trò Chúa Giê-su vào một ngày sa-bát, khi đang băng qua đồng lúa, các môn đệ đã bứt các bông lúa ăn đỡ đói. Nhưng theo các kinh sư, điều này bị cấm làm trong ngày sa-bát. Từ đó người Pha-ri-sêu kết luận việc các môn đệ bứt lúa là phạm đến luật Mô-sê.

Chúa Giê-su đã trả lời người Pha-ri-sêu bằng cách trưng dẫn chuyện vua Đa-vít và các thuộc hạ khi đói và thiếu thốn thì cũng cứ ăn bánh thánh đặt ở nhà tạm, vốn chỉ dành cho các tư tế; trong khi theo luật định thì không được phép làm như thế. Và Người đã khẳng định là: LUẬT VỊ NHÂN SINH – “ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát”.

Người Pha-ri-sêu đã quên mục đích chính của việc giữ luật ngày sa-bát. Ngày sa-bát được Thiên Chúa lập nên để loài người có thời gian nghỉ ngơi hầu nhớ đến công trình tạo dựng và giải phóng của Ngài (x. Đnl 5,14-15).

Ngày sa-bát đúng là ngày của Chúa, dành cho Chúa, nhưng nó cũng là ngày cho con người nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc vất vả. Nghỉ ngơi sau sáu ngày làm việc để sống cho Chúa, sống cho mình, và sống cho nhau.

Ngày nay, Chúa Nhật của Ki-tô giáo được thay thế cho ngày sa-bát của Do Thái giáo.

Lạy Chúa Giê-su, sự sống con người quan trọng hơn mọi lề luật. Xin cho con con tim của Chúa, để con biết chạnh lòng thương trước những nỗi khổ đau của đồng loại mình, để con biết sống cho đi với tha nhân. Amen.

CÁT BIỂN

Chủ (16.01.2018)

Chúa Giê-su đã tinh chỉnh ý nghĩa của ngày sa-bát: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người… Bởi đó, Con Người làm chủ cả ngày sa-bát”; nhân việc người Pha-ri-sêu bắt bẻ các môn đệ Chúa bứt lúa trong ngày sa-bát.

Đối với người Pha-ri-sêu, họ chỉ chú trọng việc tuân giữ lề luật theo nghĩa đen, giữ luật theo hình thức bên ngoài, mà bỏ quên tinh thần của lề luật.

Ngược lại, Chúa Giê-su lên án lối giữ luật vụ hình thức mà bỏ quên hoặc xem nhẹ điều quan trọng nhất trong lề luật chính là yêu mến Thiên Chúa; sống công bình, và bác ái với tất cả mọi người – Đó cũng chính là thánh hóa ngày sa-bát, để thờ phượng Thiên Chúa đẹp lòng Ngài nhất.

Lạy Chúa, xin dạy biết con sống giới luật của Chúa, xin dạy con biết mến Chúa và yêu người như ý Chúa muốn. Amen.

CÁT BIỂN 

 

Luật yêu thương (17.01.2017)  

Ngày 17.01: Thánh An-tôn, viện phụ – Lễ Nhớ

Mahatma Gandhi (Ấn Độ) nói:

“Công lý mà tình yêu mang lại là sự đầu hàng; Công lý mà luật pháp mang lại là sự trừng phạt”.

Tin Mừng hôm nay cho thấy cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu và nhóm Biệt phái về vấn đề luật pháp.

Chúa Giêsu là một người sống tuân thủ kỷ luật. Bởi:

Người được giáng sinh trong lúc thánh Giuse và mẹ Maria đi lên Bê-lem để khai tên theo lệnh hoàng đế Au-gút-tô truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ dưới thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri (x. Lc 2,1-5);

Người cũng chịu cắt bì, được hiến dâng trong Ðền thờ theo luật của Mô-sê (x. Sđd 2,21-24);

Người và gia đình thánh, hằng năm đều lên Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua (x. Sđd 2,41-46);

Ngài thực thi nghĩa vụ đóng thuế của một công dân như bao người khác (x. Sđd 20, 20-25);

Chúa Giêsu đã sống tuân thủ kỷ luật chính là để kiện toàn lề luật (x. Mt 5,17-19).

Kiện toàn lề luật chính là mặc cho lề luật một ý nghĩa mới – một ý nghĩa nhân sinh, mà nền tảng là tình yêu thương.

Kiện toàn lề luật chính là thay cho lề luật một tinh thần mới – giải thoát cho con người, giúp cho con người được sống sung mãn ân sủng của Thiên Chúa; chứ không phải luật là trừng phạt, là giết chết…

Vì vậy, lề luật chỉ có ý nghĩa và thật sự giá trị khi nó là biểu hiệu của sự tôn trọng và yêu thương dành cho con người.

Chúa Giêsu gay gắt lên án và đả phá thứ lề luật kềm hãm trói buộc con người, hoặc giết chết con người. Không chỉ trong thời của Chúa Giêsu, mà thế giới ngày nay cũng nệ luật nhân quyền, nhân đạo… làm giảm mất phẩm giá con người, xúc phạm đến chính sự sống của con người. Vì thế, người ta cho phép phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính, cho phép ly dị, cho phép bệnh nhân được chọn an tử…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con ý thức được chu toàn lề luật chính là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là con phải sống như Ngài đã sống, và biết yêu thương như Ngài đã yêu. Amen.

CÁT BIỂN

Con người làm chủ ngày Sa-bát (19.01.2016)

Đọc Tin Mừng, thỉnh thoảng lại gặp thấy cảnh Thầy Giêsu bị các nhóm Do thái thời đó tranh luận và chống đối về vấn đề giữ ngày sabát. Ngày thánh, ngày vui của dân Thiên Chúa thành dịp cãi cọ, bởi họ vạch lá tìm sâu, quét nhà ra rác. Thực ra, có ngày sabát là để con người được nghỉ ngơi. Thiên Chúa không muốn một dân của Ngài lại làm nô lệ cho nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc cho việc lao động của mình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà con người làm nô lệ cho ngày sa bát, nhưng là để con người làm chủ ngày Sa-bát, với tinh thần này, Chúa Giê-su bị các kinh sư và nhóm Pharisêu chống đối nhiều lần.

Tin Mừng hôm nay chỉ đơn cử một việc làm rất nhỏ: “Vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.” Thời đó người ta coi việc bứt lúa, vò trong tay này như việc ngoài đồng áng, gặt hái. Ngày sabát họ kiêng cả việc lượm củi nấu nướng đồ ăn, dắt lừa đi uống nước… Ngày nay nếu cứ Chúa nhật là kiêng làm việc bếp núc, dẫn đến thiếu ăn, bụng đói meo, người mệt dải, mặt ủ rũ… Dân Chúa chịu đói khổ trong ngày của Chúa như thế, không biết Chúa có vui thích không nhỉ?

Hôm nay các ông đi cùng Thầy Giêsu, mà còn “lỗi luật”, làm ảnh hưởng đến Thầy. Được thể họ tố cáo rõ ràng: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!”  Đức Giê-su biện hộ cho các môn đệ, đồng thời được dịp phân tích ý nghĩa và mục đích của ngày sabát: .Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”  Hay thật! Người mượn chuyện “thầy trò” vua Đa-vít ngày xưa trong Sách, để biện hộ cho Thầy trò mình hôm nay, chuyện giống y chang! Đoàn ngày xưa có vua Đa-vít, hôm nay các môn đệ có Thầy Giê-su. Người khẳng định mình làm chủ ngày sabát: “Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát!”

Thực ra các ông Pharisêu cũng không muốn làm chủ, mà lại là làm nô lệ ngày Sabát. Ngày nghỉ cấm hết mọi việc dù là việc tốt tối cần, tôi không cựa quậy động đến thân xác, chỉ ngồi chơi, rỗi hơi rình bắt lỗi người khác, lại được tiếng “đạo đức”. Ai làm sao thì mặc kệ nó, dại gì mà bẩn thỉu “lội xuống bùn kéo con bò bị sa hố” lên thêm mệt vào xác?

Chúa ơi! Trên tất cả là Tình Yêu! Khi con yêu mến thì con không mang luật lệ ra làm thước đo, nhưng càng là ngày thánh, thì con càng ra tay làm nhiều việc tốt lành, tùy cơ ứng biến, vì chạnh lòng, vì cảm thương với người anh em ngay bên đang cần đến con. Bởi vì khi con người được hạnh phúc, là Thiên Chúa cũng được tôn vinh.

 Én Nhỏ

Vì con người và cho con người

“Ngày sabát được tạo ra cho loài người… Con người làm chủ luôn cả ngày sabát.” (Mc 2,27-28)

Suy niệm: Nhân việc người Pharisêu bắt bẻ các môn đệ bứt lúa trong ngày sabát, Chúa Giêsu minh định ý nghĩa của ngày Sabát là “được tạo ra vì con người và cho loài người.” Vì con người con người để họ biết quan tâm, chăm sóc nhau để cùng mưu tìm hạnh phúc đích thực cho con người. Cho con người để họ hướng tới Thiên Chúa và tôn thờ Ngài, Đấng tạo dựng họ và toàn thể vạn vật. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến ý nghĩa cốt lõi của ngày sabát là đưa con người đến chỗ nhận ra ý định yêu thương của Chúa và đem lại sự an tĩnh cho con người sau những ngày lao động mệt nhọc. Bổn phận của con người là thánh hóa ngày ấy theo như ý Thiên Chúa muốn vì “Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

Mời Bạn: Vì những ý nghĩa mang nặng tính nhân văn cũng như tính tôn giáo nên Hội Thánh mới khuyên chúng ta nên “nghỉ việc xác” trong ngày Chúa Nhật hiện nay. Nhưng trên thực tế có ít người tuân giữ, cứ viện cớ làm thêm để cải thiện cuộc sống. Rồi ra chính chúng ta làm cho ngày Chúa Nhật trở thành một ngày như mọi ngày!

Chia sẻ: Hãy suy nghĩ và đặt lại vấn đề làm thêm trong ngày Chúa Nhật, xem nó có thực sự cải thiện cuộc sống bản thân và gia đình hay chúng ta đang đẩy ngày này đi sai mục đích của nó.

Sống Lời Chúa: Tìm lại ý nghĩa đích thực của điều răn thứ ba “giữ ngày Chúa Nhật.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Chủ của ngày sabát chứ không phải con. Xin cho con biết tuân theo ý muốn của Chúa là Chủ của đời sống con. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *