Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (20.01.2024 – Thứ Bảy tuần II Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 2 Sm 1,1-4.11-12.19.23-27 (năm chẵn), Hr 9,2-3.11-14 (năm lẻ), Mc 3,20-21


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 3,20-21)

20 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. 21 Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta (20.01.2024)

Chỉ một thời gian không lâu sau khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng Nước Trời, một số lượng đông dân chúng ngưỡng mộ đã luôn đi theo Chúa. Họ theo Chúa vì nhiều lý do. Họ là những người bị bệnh tật, quỷ ám đã tìm đến Chúa để xin được Người chữa lành; là những người hâm mộ và muốn nghe những Lời Người rao giảng. Cuối cùng là những người tò mò, tìm đến “xem” Chúa Giêsu vì họ đã nghe những lời đồn thổi về những phép lạ Người đã làm.

Dù với lý do nào đi chăng nữa, khi họ đến với Chúa Giêsu họ cũng đều được Chúa và các môn đệ phục vụ.Nhưng chắc chắn Chúa Giêsu chú ý nhất đến những người muốn được nghe những “Giáo lý mới mẻ” được một người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư (Mc 1,22.27). Người đã từng xác định chính họ, những người “lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” là gia đình, là anh em của Người (Lc 8,21).

Chúa Giêsu và các môn đệ đã tận tình phục vụ dân chúng và các ngài cần phải nghỉ ngơi nên đã trở về nhà. Nhưng dân chúng vẫn kéo đến với các Ngài. Thấy họ đáng thương như vậy Chúa Giêsu lại tiếp tục phục vụ họ đến nỗi Người không còn thời gian để dùng bữa nữa.

Thân nhân đến bắt Chúa Giêsu vì cho rằng Người mất trí. “Thân nhân” ở đây là những anh em họ hàng, chắc chắn không có Mẹ Maria, vì Mẹ đã biết rõ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Từ khi mang thai Chúa Giêsu bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria đã chứng kiến biết bao điều lạ lùng liên quan tới Chúa Giêsu và Mẹ luôn ghi nhớ và chiêm niệm về những điều ấy. Vậy trước việc Chúa Giêsu đi rao giảng và phục vụ dân chúng thì Mẹ Maria chắc chắn cũng ghi nhớ và suy gẫm về điều cao cả hơn chứ không cho rằng Chúa Giêsu mất trí.

Thân nhân của Chúa Giêsu lo lắng cho sức khỏe của Người. Điều này hoàn toàn hợp lý và đầy tình cảm gia đình. Nhưng họ chưa hiểu được mục đích của Người khi đến thế gian là ưu tiên lo cho phần hồn của con người, phần xác chỉ là thứ yếu. Quả thật Chúa Giêsu là người điên trong Tình Yêu với nhân loại, như lời Thánh Phaolô Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cr 1, 18-21.25).

Ngày nay nhiều Kitô hữu cũng chưa ý thức đủ tầm quan trọng của Lời Chúa nên không chịu học hỏi. Có người nói đọc Thánh Kinh Cựu ước cứ như đọc các truyện Tầu, cũng phe này đánh phe kia, quân này chiến đấu với quân kia như trong Tam quốc chí, Đông Châu liệt quốc …mà lại không hấp dẫn bằng nên không đọc nữa. Những người chủ trương giữ đạo tại tâm này đi lễ thì chỉ chọn nơi nào có cha làm lễ nhanh gọn, còn Lời Chúa dạy gì thì chẳng cần để ý.

Chỉ khi nào được học hỏi Thánh Kinh hẳn hoi, với (theo) sự hướng dẫn của Giáo Hội, thì mới lãnh hội được những điều Thiên Chúa muốn mặc khải qua Lời trong Thánh Kinh, mới thấy được Cựu Ước là những mặc khải tiên báo về Chúa Giêsu Kitô, mới thấy Cựu Ước trở nên sáng tỏ trong Tân Ước va ngược lại Tân Ước cũng được sáng tỏ và giải thích nhờ Cựu Ước” (MK 16).

Thánh Kinh phải trọn vẹn cả Cựu Ước và Tân ước, vì “qua tất cả các lời trong Thánh Kinh,Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là (Ngôi) Lời duy nhất của Ngài” (GLHTCG 102).

Tân Ước được ẩn tàng trong Cựu Ước, còn Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước: cái Mới tiềm ẩn trong cái Cũ, còn cái Cũ xuất hiện trong cái Mới” (GLHTCG 129).

Thiên Chúa đã thể hiện Tình Yêu của Ngài khi “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng ta” để trực tiếp phán dạy chúng ta. Vì vậy nười Kitô hữu phải yêu mến, đón nhận, sống với Lời, để Lời uốn nắn, hướng dẫn mình thay đổi cuộc sống, thay đổi bản thân hầu trở nên con cái của Cha trên trời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vì Tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại nên Chúa đã xuống thế, mặc lấy xác phàm và ở với chúng con để dạy dỗ chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng Lời Chúa là nền tảng, là ánh sáng soi đường, là nguồn sống của chúng con. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con, giúp chúng con siêng năng lắng nghe, học hỏi và sống Lời Chúa để chùng con kiên vững theo Chúa và có được hạnh phúc Nước Trời. Amen.  

Jos. NM Tưởng

Sang năm mới, quyết tâm sống đẹp lòng Chúa hơn (21.01.2023)

Ngày 21.01: Lễ Nhớ Thánh A-nê, trinh nữ, tử đạo

Ghi nhớ:

“Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được” (Mc 3, 20).

Suy niệm:

Người đời sẽ cho rằng bạn là người điên khùng khi hành động trái ngược lại với suy nghĩ của họ. Thường thì con người ta sẽ chỉ lo cho bản thân mình; để sao cho được giầu sang, quyền thế, nhà cao cửa rộng, ăn trên ngồi trước, nếu có lòng nhân đạo thì người ta chỉ để ý đến người nghèo khó, bệnh tật khi người ta đã đầy đủ, no thoả mọi sự rồi.

Nhưng đối với những con người có lý tưởng, tôn thờ Thiên Chúa và thực thi ý Ngài là phục vụ tha nhân, thì thiên hạ nhìn thấy việc họ làm rất không bình thường nếu không muốn nói là điên dại. Thật vậy, trong khi mọi người đi tìm  sự an nhàn, vinh thân phì da,  sống trong sung túc và tiện nghi thì có những vị như: Phanxicô Xavier (1506-1552)  từ bỏ danh vọng, vinh quang và tiền bạc mà dấn thân đi theo Chúa, rao giảng Tin Mừng, chịu biết bao thiếu thốn cơ cực. Như cha Đamiêng (1840-1889) một tông đồ của người cùi hủi  lại tình nguyện ra một hòn đảo Molokai xa xôi, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài để phục vụ chăm sóc cho các bệnh nhân cùi. Để rồi cuối cùng cũng bị lây nhiễm căn bệnh gớm ghiếc này. Trước khi qua đời cha Đamiêng còn viết thư tâm sự với bạn bè rằng: “Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai sung sướng nhất trên địa cầu này”. Đúng như nhận xét của triết gia Pascal: “Con tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không thể hiểu được”.

Phúc Âm hôm nay tường thuật lại sự việc: Những người thân thuộc, họ hàng với Đức Giê-su lại nhận xét là Ngài bị mất trí, vì thế họ tìm cách bắt Ngài về nhà để “quản thúc”. Một nhà văn nói: “Con người ta thường được khen hay bị chê, nhưng ít ai được hiểu”. Khi thấy Đức Giê-su vất vả, không lo cho bản thân mà suốt cả ngày chỉ lo lắng đi dạy dỗ, tìm kiếm và giao du với những hạng người tội lỗi, bệnh tật, bất hạnh, nghèo khổ để giúp đỡ họ thì những người thân của Ngài đã cho rằng Đức Giê-su không bình thường, Ngài đã mất trí. Những người đó đâu có biết rằng Đức Giê-su luôn canh cánh trong lòng về việc phải thi hành thánh ý Chúa Cha là đến cứu độ trần gian :“Tôi đến để cho chiên Tôi được sống và sống dồi dào”. Khi nhìn thấy những người đang sống trong tội lỗi, đau yếu bệnh tật thì Đức Giê-su đã đến với họ vì họ rất cần sự cứu giúp của Ngài. Chỉ vì yêu thương con người, nhất là những người tội lỗi, khổ đau, Đức Giê-su đã bất chấp tất cả.

Cũng chính bởi vì nhân loại tội lỗi mà Đức Gie-su đã phải đến trong thế gian, lang thang đây đó, không nhà không cửa: “Con chồn có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”. Đức Giê-su đã phải sống cơ cực nay đây mai đó để tìm kiếm và chữa lành những con chiên thất lạc và bệnh hoạn. Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại thật là cao thẳm và mãnh liệt được bày tỏ nơi Đức Giê-su một cách cụ thể, sống động. Nhưng nhân loại  đâu có cảm nhận được tình yêu đó và đáp trả lại ?

Phần chúng ta là con cái Thánh Phụ Đa Minh, chúng ta phải có bổn phận giới thiệu tình yêu đó đến với mọi người. Với linh đạo của Dòng là: “Nới với Chúa và nói về Chúa” qua việc: siêng năng cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ, tông đồ bác ái và chăm chỉ học tập. Được như thế chúng ta mới xứng đáng là những đoàn viên Đa Minh đúng nghĩa trong bổn phận giới thiệu Chúa đến cho mọi người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, một năm cũ sắp kết thúc và một năm mới sắp bắt đầu, giờ phút này, xét nhìn lại bản thân, con thấy một năm đã qua, vì thương yêu con nên Chúa đã ban cho con biết bao ơn lành hồn xác. Nhưng nhìn lại mình con cảm thấy con chưa yêu mến Chúa đủ, chưa hết lòng phụng sự Chúa, ngược lại con còn làm nhiều điều mất lòng Chúa. Nay con xin lỗi Chúa vì những điều thiếu sót ấy. Sang năm mới con sẽ quyết tâm sống tin yêu và thờ phương Chúa tốt hơn để đáp lại tình Chúa yêu thương. Con cầu xin nhờ Danh Chúa Giê-su Ki-tô Chúa của con. Amen.

Sống Lời Chúa

Quyết tâm sống sao cho đẹp lòng Chúa, cho dù người đời có chê cười, thị phi.

Đaminh Trần Văn Chính

Ngược dòng… (22.01.2022)

Xem ra ngày nay muốn sống đàng hoàng, chuẩn mực đạo đức tối thiểu thật là quá khó.

Bởi lẽ đa phần bây giờ thiên hạ thích sống vội, nên đừng lại ba mươi giây trước màu đỏ của đèn tín hiệu giao thông là một điều khó chấp nhận. Vì thế, ai dừng lại khi đèn đỏ thì bị cho là “điên” !

Đa số mọi người thích hưởng thụ nhiều, nhưng lại nhác lầy nên mới có “móc ngoặc, nhũng nhiễu”. Vì thế, ai làm việc cần mẫn, liêm khiết thì bị cho là “điên” !

Tin Mừng hôm nay, thánh mác-cô cũng tường thuật một cách sống yêu thương hết lòng, thấy con người lầm than, vất vưởng vì ốm đau bệnh tật thì “chạnh lòng thương” mà ra tay cứu giúp, thậm chí không còn thì giờ ăn, uống nghỉ ngơi của Đức Giê-su. Vì thế, thân nhân của Người cũng nói rằng, Người bị “điên” (mất trí).

Thành nhữ có câu: “Cá lội ngược dòng cá mới sống, người vượt nghịch cảnh người thành công”

Là những Ki-tô hữu Đa-Minh, nếu vì biểu lộ đức tin của mình qua những chọn lựa cụ thể trong cuộc sống mà ta bị người đời, thậm chí cả những “đồng đạo” của mình chống đối, thì có thể nói rằng ta đang được diễm phúc (x. 1Pr. 1, 6-7) vì môn đệ không thể hơn thầy ! (Mt. 10,24)

Lạy Chúa, xin cho con dám sống ngược dòng đời, dù bị đời chê bai, cười nhạo để được nên giống Chúa luôn. Amen.

CÁT BIỂN

Xin cho biết làm việc quên mình (23.01.2021)

Sau khi Gio-an Tẩy giả bị vua Hê-rô-đê tống ngục. Chúa Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người kêu gọi mọi người hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Và Người đã chữa lành nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ (x. Mc. 1,14-15;34). Chúa Giê-su đã làm những công việc ấy suốt ngày, kể cả chiều đến khi mặt trời đã lặn Chúa vẫn còn chữa trị cho các bệnh nhân (x. Mc. 1,32). Dân chúng nghe danh tiếng Ngài, tụ tập lại, đông đến nổi trong nhà ngoài sân không chứa hết. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, thiên hạ lũ lượt đền với Người. Người ta đổ xô đến để được sờ chạm vào Người, và sẽ được chữa lành. Để khỏi bị đám đông chen lấn, Chúa Giê-su phải xuống một chiếc thuyền nhỏ chèo ra xa bờ tránh né dòng người đông đảo tìm cách đến gặp Ngài. Đến khi Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao có thời gian để ăn uống được (x. Mc.3,7-8;20).

Chúa đã dành hết tất cả thời gian trong một ngày để rao giảng Tin mừng Nước Trời cho những người nghèo khó, và để chữa lành bệnh tật cho họ: bệnh thể xác lẫn bệnh tinh thần. Ngài làm việc không ngơi nghỉ, không dành cho mình phút giây thảnh thơi nào cả, làm việc và chữa trị đến nổi không thiết việc ăn uống, nghỉ ngơi; Chúa cũng không sợlàm việc quá sức sẽ nguy hại cho sức khỏe của Ngài. Vì thế, không lạ gì khi thân nhân Chúa Giê-su cho rằng Người bị mất trí. Vì họ không làm sao hiểu nổi điều gì, động cơ nào đã khiến cho Chúa phải làm việc quá sức như vậy.

Chúa đã đến thế gian trong thân phận con người như chúng con để bày tỏ tình yêu bao la muôn trùng của Thiên Chúa đối với nhân trần chúng con. Tình yêu ấy không phải chỉ dựa trên lý thuyết, nhưng đó chính là tình yêu cụ thể, được minh chứng qua lời giảng dạy, qua những hành động chữa lành mọi bệnh tật, qua những lời an ủi động viên, răn đe, khiển trách của Chúa nhằm cứu thoát loài người chúng con khỏi vòng nô lệ của ma quỷ, của tội lỗi và sự chết.

Lạy Chúa, lâu nay với vai trò một thành viên Ban Phục Vụ Huynh Đoàn; thay vì dấn thân phục vụ anh chị em mình một cách nhiệt thành, phục vụ quên mình như mẫu gương Chúa đã sống và phục vụ trong trình thuật Tin Mừng thánh Mác-cô hôm nay. Nhưng con đã sống cuộc sống đối nghịch lại với giáo huấn Tin Mừng; con đã không hết lòng phục vụ anh chị em mình; con vẫn còn đó những do dự, những suy tính hơn thiệt, những e ngại lãng tránh sợ thiệt thân mình.

Lạy Chúa, xin cho con biết hết lòng phụng sự Chúa qua những việc tông đồ bác ái, luôn sẵn sànggiúp đỡ và sẻ chia những buồn vui kiếp người với tất cả anh chị em xung quanh mình. Amen.

CÁT BIỂN

Mất trí (20.01.2018)

Người ta thường nhìn vào một nhà bác học hay một thiên tài nào đó với sự ngưỡng mộ và khâm phục. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng những người họ đang ngưỡng mộ đã từng bị xem là những kẻ tâm thần hay những người điên. Điều đó cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì khả năng của những thiên tài thường vượt quá tư duy của những người đồng đại. Vì thế, họ bị xem là những kẻ lập dị hay những người mất trí là chuyện hết sức bình thường.

Chẳng hạn, nhà bác học Nikola Tesla (cùng thời với Thomas Edison) là một trong những minh chứng cụ thể nhất. Ông được các nhà khoa học ngày nay đánh giá là một nhà phát minh tài ba. Thế nhưng, vào thời đại của ông, người ta không thể hiểu hết được những nghiên cứu của ông và cho rằng ông là một “bác học điên”. Hay có nhiều nhạc sĩ, họa sĩ hoặc thi sĩ bị rẻ rúng, xem thường khi còn sống, nhưng mãi đến khi họ mất rồi, người ta mới trân trọng và ca ngợi những tác phẩm lúc sinh thời của họ.

Không chỉ trong quá khứ mà ngay tại thời điểm hiện tại, đặc biệt là trong thời đại mạng Internet phổ biến, rất nhiều thiên tài bị “cộng đồng mạng” lên án, chửi bới, nhục mạ không thương tiếc khi có những nghiên cứu khác thường. Họ bị xã hội xem như những kẻ tâm thần vì người ta chẳng thể hiểu nổi những việc họ làm. Những thiên tài luôn bị xem thường, chỉ trích khi những nghiên cứu của họ không phù hợp với ý muốn của quần chúng. Đôi khi, chính sự ngu muội của đám đông khiến những thiên tài bị thui chột tài năng. Nếu ở trong phạm vi nhỏ, điều đó cỏ thể gây ra hiện tượng “chảy máu chất xám” nhưng nếu ở phạm vi toàn cầu, tài năng ấy sẽ bị phí phạm một cách vô ích.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng thế, con người chẳng hiểu nổi việc Chúa Giêsu đã làm và họ xem Người như kẻ mất trí. Đáng buồn thay, những người đó lại là thân nhân của Người. Qua đó, ta có thể thấy được, người thân là một trong những người lên án, chống đối chúng ta trước nhất, tiếp đến là những kẻ chống đối, không cùng quan điểm và cuối cùng là những người “tin theo số đông”. Chính vì thế, họ không muốn thừa nhận quyền năng của Chúa Giêsu và khiến người phải thốt lên rằng: “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.

Thế nhưng, đừng vội chê cười, giễu cợt những người không thừa nhận tài năng của người khác vì biết đâu chừng, chúng ta lại là một trong số họ. Đôi lúc, vì tiếp cận với quá nhiều thông tin không chính thống khiến chúng ta bị rối loạn, dẫn đến việc dễ dàng thuận theo đám đông để chống đối những thiên tài chưa được thừa nhận. Đôi khi, người chúng ta chống đối, vùi dập ấy lại chính là thân nhân của mình.

Là người Kitô hữu, đôi lúc chúng ta cũng vô tình trở thành những người chống đối. Không chỉ riêng các thiên tài mà thôi, lắm khi chúng ta cũng chống đối các vị hữu trách trong Giáo hội, cho rằng các ngài bị mất trí khi có những hành động trái với mong muốn của chúng ta. Đôi khi chúng ta lầm tưởng mình là Chúa rồi bắt người khác phải tuân theo ý mình. Mỗi người cần phải biết khiêm nhường, nhỏ bé lại để từ đó, chúng ta mới có thể nhận ra những điều đẹp đẽ, những tài năng của tha nhân và chấp nhận nó như một hồng ân Chúa ban, ngõ hầu giúp chúng ta biết yêu thương và gắn bó với nhau mỗi ngày một nhiều hơn.

Lạy Chúa, lắm khi chúng con lên án, chỉ trích người khác chỉ vì họ khác mình; chúng con vô tình xem người khác là kẻ điên, kẻ mất trí vì họ không giống với những người bình thường khác hay đơn giản vì chúng con ghen tị với tài năng của họ. Xin cho chúng con biết khiêm nhường, biết cảm thông với tha nhân nhiều hơn để từ đó, chúng con biết chấp nhận sự khác biệt và yêu thương nhau hơn. Amen.

Petrus Sơn

Yêu đến dại khờ (21.01.2017)

Ngày 21.01: Thánh A-nê, trinh nữ, tử đạo lễ nhớ 

1. SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay nêu lên sự kiện Đức Giêsu bị các thân nhân của Người đánh giá là khờ dại, mất trí.

Sau khi tóm lược các hoạt động rao giảng và những dấu lạ đầy quyền năng Đức Giêsu đã thực hiện, thánh sử cho chúng ta thấy phản ứng của dân chúng:

– Với phần đông dân chúng: Họ thấy lời giảng dạy của Đức Giêsu có uy lực hấp dẫn, thuyết phục, bởi những giáo huấn mới mẻ đụng chạm đến khát vọng của họ là được giải thoát khỏi cái ách nặng nề của lề luật mà họ đang phải tuân giữ; họ còn thấy được quyền năng của Người khi chứng kiến những việc lạ lùng Người đã làm cho những kẻ đang bất lực trước nỗi thống khổ do bệnh hoạn, tật nguyền, đói nghèo; họ cảm nhận được sự an ủi, và tuôn đến với Người.

– Với những thân nhân của Đức Giêsu: Họ thấy Người bỏ nhà, đi lang thang khắp nơi, giảng dạy những điều không phù hợp với truyền thống của cha ông và đôi khi như muốn chống đối, hủy bỏ các tập tục đã có từ lâu đời; theo họ, đó là những hành vi cấm kỵ của người Do Thái trong cộng đồng vẫn tự hào là Dân riêng của Thiên Chúa, do đó họ giận dữ. Còn về những dấu kỳ phép lạ mà dân chúng truyền tụng và ca ngợi Đức Giêsu đã thực hiện, họ không được tận mắt chứng kiến nên không tin và cho đó là chuyện hoang đường; hơn nữa họ biết rõ Đức Giêsu là ai: Người là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria cư trú ở làng quê Na-da-rét; vậy có gì đặc biệt? Người chỉ là một kẻ mất trí, không làm chủ được chính mình; do đó họ định tâm đến bắt Người về để quản thúc vì sợ bị ảnh hưởng. thành kiến trong tâm trí họ đã ngăn cản họ nhận ra Đấng Cứu Độ mà họ vẫn mong đợi và tính ích kỷ đã sai kiến họ phạm sai lầm khi muốn bắt Đức Giêsu.

– Về Đức Giêsu: những đồn thổi và tuyền tụng về hoạt động của Đức Giêsu đều là chân thật. Bỏ nhà ra đi lang thang khắp mọi nơi, với chủ đích giảng dạy cho dân chúng biết sự thật về cuộc sống tạm nơi trần gian này, đồng thời giới thiệu cho mọi người về Nước Trời vĩnh cửu cũng như điều kiện để được thừa hưởng, Đức Giêsu ra đi: rảo bước khắp các thành thị, làng quê; giảng dạy không ngơi nghỉ, đến mức độ chẳng có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống. Sứ vụ của Đấng Mê-si-a luôn thôi thúc và tình yêu chiếm hữu cả con người của Đức Giêsu khiến Người trở nên “dại khờ” như người mất trí. Trước nỗi thống khổ về tinh thần mà dân Do Thái đang phải gánh chịu vì lề luật do các kinh sư và luật sĩ đặt ra; trước nỗi đau đớn vì bệnh tật, đói nghèo của nhiều người, Đức Giêsu chạnh lòng thương và Người thể hiện tình yêu của Người vô điều kiện. Vì hạnh phúc của dân Do Thái nói riêng và của cả nhân loại nói chung, Đức Giêsu đã yêu đến tận cùng, Người cống hiến cả cuộc đời cho công cuộc cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa trao cho Người: loan báo Tin Mừng Cứu Độ và chết trên thập giá để minh chứng cho sự thật, cho tình yêu.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

– Đón nhận tình yêu của Đức Kitô, bước theo Ngài và thắp sáng ngọn lửa yêu mến nơi anh em bằng đời sống chan hòa yêu thương và tha thứ.

– Dấn thân cho sứ vụ Loan Báo Tin Mừng qua những hy sinh nhỏ bé: sức khỏe, thời giờ và vật chất, để chu toàn bổn phận, trách nhiệm được giao.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sứ mệnh và tình yêu của Chúa để con hết lòng yêu mến kính tôn; đồng thời ban thêm sức mạnh thiêng liêng giúp con bước theo Chúa, lan tỏa tình yêu của Chúa đến với mọi người xung quanh, trong cuộc sống.

3. SỐNG TIN MỪNG

Hy sinh và tích cực góp phần cho hoạt động tông đồ, bác ái của Giáo hội, của đoàn thể theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Tin và không tin (23.01.2016)

GHI NHỚ: Thân nhân của Người nói rằng Người đã mất trí.

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí. 

SUY NIỆM

Chương 3 của Tin Mừng theo thánh Mác-cô, tóm lược các hoạt động của Đức Giêsu ở Ga-li-lê và việc Người tuyển chọn nhóm mười hai tông đồ làm nền tảng cho Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập sau này; những việc đó được coi như những thành quả đạt được trong sứ vụ của Người. Tuy nhiên một sự chống đối cũng hình thành, bắt đầu từ những thân nhân của Người và các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống (Mc 3, 22); bởi giáo lý cũng như cách thức tuân giữ lề luật mà Người giảng dạy cho dân chúng khác với những tập tục, truyền thống của cha ông họ để lại.

Do đó, dễ dàng nhận ra các thái độ tương phản của đám đông dân chúng cũng như của giới lãnh đạo Do Thái giáo lúc bấy giờ: – Dân chúng bị thu hút, hấp dẫn bởi lời giảng dạy đầy thuyết phục và nhất là các việc lạ lùng Đức Giêsu đã làm (chữa lành cho kẻ ốm đau  tật nguyền, xua trừ ma quỷ). Khi biết Người ở đâu thì họ tìm đến và mang theo các bệnh nhân, để được nghe giáo huấn của Người, và xin Người thi ân giáng phúc như phúc lành từ Thiên Chúa.

Thực tế,  không phải tất cả những ai tìm đến với Người đều có lòng tin; một số vì muốn nhìn xem Đấng đã làm được các dấu kỳ phép lạ; số khác bị lôi cuốn bởi những lời tuyền tụng “ông ấy” giảng dạy như Đấng có uy quyền; chỉ một số ít thành tâm tìm đến với Người vì Người đáp ứng được những thao thức thầm kín tự trong tâm hồn của họ, đó là nỗi khát mong, chờ đợi Đấng Thiên Chúa sai đến để giải thoát cho họ khỏi bóng đêm tội lỗi và dẫn họ vào ánh sáng của Ngài, như lời Kinh thánh đã chép. Lần này, Đức Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến; Người và các môn đệ lại tất bật đón tiếp và giảng dạy cho họ. Đối với Đức Giêsu, việc rao giảng Tin Mừng cứu độ và chữa lành bệnh tật cho dân chúng là niềm vui, là việc cần thiết phải làm ngay; bởi đó là sứ vụ của Người. Đức Giêsu vui mừng vì thấy có những người thành tâm tìm kiếm, lắng nghe và lòng tin của họ được củng cố. Ngược lại, thân nhân của Đức Giêsu khi thấy cảnh náo nhiệt: dân chúng khắp nơi tập trung đến để nghe giáo huấn của Người thì họ khó chịu; họ cho rằng người bị mất trí nên muốn bắt Người.

Thân nhân của Đức Giêsu là những người bà con thân thuộc với bác thợ mộc Giuse và mẹ Người là bà Maria; họ cũng có thể là những người đồng hương, hàng xóm của Người. Những người này biết rõ gốc tích, gia thế của Đức Giêsu nên cho rằng: những lời Người giảng dạy chẳng có gì là chân thật và những việc Người làm chỉ là lời đồn thổi; vì một thanh niên xuất thân từ gia đình của bác thợ mộc nghèo nàn ở làng quê Na-da-rét có gì là giỏi giang, tài trí?. Họ ganh ghét, đố kỵ và muốn loại trừ Người, nên nói rằng Người bị mất trí. Theo họ, người mất trí thì không làm chủ được hành vi và lời nói; do đó, những điều Đức Giêsu nói, những việc Đức Giêsu làm chỉ là giả dối bịa đặt, không đáng tin. Hơn nữa trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, người Do Thái đang chịu sự thống trị của đế quốc La-mã; còn giới lãnh đạo thì xu thời, cầu vinh; những cuộc tập hợp dân chúng đông đảo rất dễ bị nghi ngờ là nổi loạn và các đội quân của đế quốc có thể lập tức can thiệp dẹp loạn; dĩ nhiên nếu chuyện ấy xẩy ra, dân chúng càng khốn khổ hơn và họ là những người đồng hương, họ hàng với Đức Giêsu chắc chắn sẽ bị liên lụy.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay đưa ra hai hạng người cùng với hai thái độ của họ đã cư xử với Đức Giêsu:

  •  Đám đông dân chúng: Họ đang lạc lõng, bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt; họ đang phải gánh chịu áp lực do những hình thức tuân giữ cách tỉ mỉ các lề luật mà các kinh sư và luật sĩ đặt ra; họ bất an vì quan niệm những bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ là hình phạt của tội lỗi. Mọi người kỳ vọng bản thân họ, dân tộc họ sẽ được giải thoát khi Đấng Cứu Thế đến. Vì thế, khi Đức Giêsu xuất hiện, công khai rao giảng và chữa lành mọi bệnh tật cho họ, họ đặt hy vọng và tin tưởng vào Người.
  • Thân nhân của Đức Giêsu: Những người tự hào có liên hệ họ hàng với Đức Giêsu, họ đã không nhận ra Người là Đấng phải đến để muôn dân được cứu thoát. Họ kiêu căng tự phụ và đánh giá Đức Giêsu theo hình thức bên ngoài; cho nên không những họ không tin mà còn tìm cách chống đối, loại trừ Người.

Đức Giêsu  Na-da-rét; trước con mắt người đời, Người là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, một gia đình nghèo hèn ở Na-da-rét thuộc Ga-li-lê; nhưng chính Người là Đấng Cứu Thế, là Con Thiên Chúa đã nhập thế, nhập thể làm người và ở giữa nhân loại, Đấng mà thế gian phải đón tiếp và suy phục.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô để đón nhận và thực thi giáo huấn của Người trong cuộc sống thường ngày, nhờ đó có được hạnh phúc vĩnh cửu. 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con và mọi người biết hết lòng tin tưởng và yêu mến Chúa, chân thành tìm đến với Chúa, sống với Chúa và giới thiệu Chúa cho tha nhân. 

SỐNG TIN MỪNG

Nỗ lực tìm kiếm Đức Giêsu  qua việc chuyên cần đọc, suy niệm và thực thi Tin Mừng của Người.

Chúa bận rộn

Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, do đó Người và các môn đệ không sao ăn uống được. (Mc 3,20)

Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay chỉ gồm bốn dòng, đúng hai câu, nhưng rất hàm súc thông tin. Một đạo diễn lành nghề có thể dựng nên các cảnh phim sống động, trong đó nhân vật chính là chính Đức Giê-su với đầy những nét khắc họa sự bận rộn của Ngài: nào là rao giảng cho dân, nào là chữa lành bệnh nhân, xua đuổi thần ô uế (x. Mc 3,1-12); bận rộn với việc tuyển chọn các tông đồ để hỗ trợ Ngài trong sứ vụ (cc. 13-19); vẫn không hết bận rộn vì đám đông vẫn bám riết lấy Ngài khiến Ngài và các môn đệ thậm chí không có giờ để ăn uống! Có lẽ vì thế mà thân nhân Ngài cho rằng Ngài mất trí!

Mời Bạn: Điều gì đã thôi thúc Chúa Giê-su tất bật như thế nếu không phải là vì Ngài “chạnh lòng thương” như các tác giả Tin Mừng vẫn thường ghi nhận? Chúa bận rộn, không phải để tìm kiếm tiền bạc, danh vọng hay quyền lực… hay điều gì cho Ngài; Ngài bận rộn chỉ vì yêu thương và để cứu độ cách riêng những người bé mọn khốn cùng. Trong sự bận rộn ấy của Chúa Giê-su, chúng ta thấy nguyên mẫu của điều mà ngày nay chúng ta gọi là đức ái mục tử.

Mời Bạn chiêm ngắm Chúa để biết chạnh lòng trước tấm lòng của Chúa. Chúa Giêsu yêu thương chúng ta quá đỗi. Làm sao ta có thể ghẻ lạnh với Ngài? Chiêm ngắm Chúa, ta sẽ học với Chúa cung cách yêu thương và phục vụ, đến mức chấp nhận bị quấy rầy, bị xáo trộn trong đời sống riêng tư, chấp nhận quên mình.

Sống Lời Chúa: Vui vẻ đón nhận hy sinh và sẵn sàng phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin giúp con luôn sẵn sàng phục vụ anh chị em con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *