Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: St 27,1-5.15-29 (năm lẻ), Am 9,11-15 (năm chẵn), Mt 9,14-17
Bài đọc 1: St 27,1-5.15-29
Bài trích sách Sáng thế.
Ông I-xa-ác đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa. Ông bèn gọi Ê-xau, con trai lớn của ông, ông nói : “Con ơi !” Cậu thưa : “Dạ, con đây.” Ông nói : “Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào. Bây giờ con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho cha. Con hãy làm cho cha một món ăn ngon như cha thích, rồi đem đến cho cha ăn, để cha đích thân chúc phúc cho con trước khi chết.” Đang khi ông I-xa-ác nói với Ê-xau, con trai ông, thì bà Rê-bê-ca nghe được. Ê-xau đi ra đồng để săn thú mang về.
Bà Rê-bê-ca lấy áo của Ê-xau, con trai lớn của bà, áo sang nhất mà bà có ở nhà, và mặc cho Gia-cóp, con trai nhỏ của bà. Bà lấy da dê non mà bọc lấy tay và phần cổ nhẵn nhụi của cậu. Rồi bà đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay Gia-cóp, con bà.
Cậu vào với cha và thưa : “Cha ơi !” Ông đáp : “Cha đây ! Con là đứa nào đấy con ?” Gia-cóp thưa với cha : “Con là Ê-xau, con trưởng của cha ; con đã làm như cha bảo. Mời cha ngồi dậy xơi món thịt rừng của con, để cha đích thân chúc phúc cho con.” Ông I-xa-ác hỏi con : “Con ơi ! sao con tìm được mau thế ?” Cậu thưa : “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha, đã cho con gặp được may mắn.” Ông I-xa-ác bảo Gia-cóp : “Con ơi, lại gần đây, để cha rờ con, xem con có đúng là Ê-xau, con cha, hay không.” Gia-cóp lại gần ông I-xa-ác, cha ông ; ông rờ cậu và nói : “Tiếng thì tiếng Gia-cóp, mà tay là tay Ê-xau.” Ông không nhận ra cậu, vì tay cậu lông lá như tay Ê-xau, anh cậu ; thế là ông chúc lành cho cậu. Ông hỏi : “Con có đúng là Ê-xau, con cha không ?” Cậu thưa : “Vâng, chính con.” Ông nói : “Con ơi, bưng lại cho cha ăn món thịt rừng, để cha đích thân chúc phúc cho con.” Cậu bưng lại cho ông, ông ăn ; rồi cậu đem rượu đến, ông uống. Ông I-xa-ác, cha cậu, bảo : “Con ơi, lại gần đây và hôn cha đi !” Cậu lại gần và hôn ông. Ông hít mùi áo cậu và chúc phúc cho cậu rằng :
“Kìa, mùi thơm con tôi
như mùi thơm cánh đồng Đức Chúa đã chúc phúc.
Xin Thiên Chúa ban cho con,
sương trời với đất đai màu mỡ, và lúa mì rượu mới dồi dào.
Các dân phải làm tôi con, các nước phải sụp xuống lạy con.
Con hãy làm chủ các anh em con,
và các con của mẹ con phải sụp xuống lạy con.
Kẻ nguyền rủa con sẽ bị nguyền rủa,
kẻ chúc phúc cho con sẽ được chúc phúc.”
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 9,14-17)
14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai.”
Xin cho con sống đạo với tinh thần mới (06.07.2024)
Chay tịnh là một phần không thể thiếu trong các tôn giáo, nhưng mỗi tôn giáo lại có những cách thức ăn chay và mục đích ý nghĩa riêng.
Người Do Thái ăn chay trước hết để chờ được cứu độ, để chuẩn bị gặp Thiên Chúa (Xh 19,10; 34,28); để cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn họ xin, hoặc ăn chay sám hối vì tội lỗi đã phạm, xin Thiên Chúa nguôi giận mà tha chết cho họ. Vua Đa-vít ăn chay nhiệm nhặt để cầu xin Thiên Chúa cho đứa con của Vua với bà Bát Se-va được sống. Nhưng khi đứa bé chết Vua không ăn chay nữa. Vua nói : “Bây giờ nó chết rồi, ta ăn chay làm gì ?” (x. 2 Sm 2,16-23); vua và toàn dân thành Ninivê khi nghe ông Giôna công bố lệnh trừng phạt của Thiên Chúa, họ đã tin vào Thiên Chúa nên sám hối, bỏ đàng gian ác và các hành vi bạo lực, ăn chay thống hối và hết sức kêu cầu Thiên Chúa, mong Ngài nghĩ lại mà bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ để dân thành “khỏi phải chết” (x. Gn 3.4-10).
Thời Chúa Giêsu, ngoài những ngày lễ bắt buộc phải ăn chay như ngày lễ “Xá tội” (Cv 27,9; Lv 23,29), người Do Thái coi việc ăn chay đồng nghĩa với thánh thiện, đạo đức và họ vẫn giữ truyền thống ăn chay để chờ ngày Thiên Chúa cứu độ.
Tin Mừng Máccô thuật lại việc các môn đệ Gioan đến gặp Chúa Giêsu mà hỏi: “Tại sao chúng tôi và những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?”. Có lẽ họ chỉ muốn nhắc Chúa Giêsu về việc các môn đệ của Người không ăn chay, nghĩa là chưa sống thánh thiện đủ theo như xã hội thời đó đòi hỏi. Chúa Giêsu đã không trách họ có thói sống giả hình như Người thường trách những người Pharisêu và các kinh sư, vì những môn đệ của Gioan thật lòng ăn chay do muốn có sự thánh thiện. Người giải thích cho các ông hiểu lý do các môn đệ của Người chưa ăn chay bằng việc ví các môn đệ như đang dự tiệc cưới, vì họ đang ở với chú rể, họ phải vui vẻ cho đến khi chàng rể được đem đi. Khi nói đến tiệc cưới hẳn Chúa Giêsu muốn nhắc các môn đệ Gioan nhớ trong Cựu ước về bữa tiệc của Thiên Chúa đãi muôn dân khi thời cứu độ đến và Chúa Giêsu ví mình như chàng rể trong tiệc cưới cánh chung đó, khi ấy mọi người sẽ vui mừng hoan hỉ vì thời cứu độ đã đến (x. Is 25,6-9; 61,10).
Bản thân Chúa Giê-su đã ăn chay bốn mươi ngày đêm trước khi ra rao giảng, nhưng trong các giáo huấn Người luôn nhấn mạnh đến tinh thần phải có khi chay tịnh. Việc chay tịnh của Chúa nhắm đến việc giải thoát con người khỏi tầm ảnh hưởng của của cải vật chất và những ham muốn, những thú vui trần tục (Mt 19,21), từ đó có thể bỏ mình và vác thập giá theo Chúa (Mt 10,38). Vì vậy kiểu ăn chay để trình diễn của những kinh sư, luật sĩ, của những người biệt phái thời đó (Mt 6,16) không còn lý do tồn tại nữa. Từ đây việc ăn chay theo Chúa Giêsu phải từ lòng ước muốn hoán cải và thay đổi bản thân, dọn dẹp tâm hồn chờ ngày ra diện kiến Thiên Chúa. Cho nên việc chay tịnh của Chúa mang một niềm hy vọng tràn ngập chứ không còn buồn tẻ tang tóc không lối thoát như quan niệm cũ nữa.
Như vậy không thể áp dụng tinh thần mới vào đạo lý cũ vì không còn phù hợp, cũng như không thể lấy vải mới mà váo vào áo cũ, lấy rượu mới mà đổ vào bầu da cũ, vì những cái cũ không đủ tầm để chịu được sức mạnh của cái mới và sự việc sẽ thành tồi tệ hơn.
Ngày nay ăn chay không còn là để trông chờ Chúa đến nữa, vì Chúa đã đến và luôn hiện diện, đồng hành với Giáo hội và với mỗi người, nhưng là để xác tín rằng Chúa Giê-su, Đấng đã đến trần gian thực hiện sứ vụ cứu độ nhân loại của Thiên Chúa, Người sẽ đến lần thứ hai trong uy quyền vinh quang để hoàn tất thế giới này bằng cuộc phán xét. Niềm xác tín đó là hy vọng của Giáo Hội và của mỗi người hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn cho những ai xứng đáng là con cái của sự sáng,
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng con từ bỏ lối sống đạo cũ, hình thức để có một tinh thần, một thái độ mới, là chân tình đem yêu thương và hy vọng vào xã hội, bằng việc học hỏi và sống Lời Chúa. Để qua cách sống của chúng con những người chung quanh nhận ra có Thiên Chúa đang hiện diện trong thế giới này.
Xin Chúa ban cho chúng con sự can đảm và sự quyết liệt chống lại cái ác mà Chúa đã ban cho Thánh nữ Maria Goretti, để chúng con chiến thắng những cám dỗ cũng như những bài xích, thách đố Tin Mừng mà chúng con gặp trong cuộc sống hàng ngày. Amen.
Jos. NM Tưởng
Luôn canh tân đời sống để xứng đáng là đền thờ Chúa ngự (08.07.2023)
Ghi nhớ:
“Rượu mới thì đổ vào bầu mới.” (Mt 9, 17)
Suy niệm:
Một ngày nọ, triết gia Diogene đến ngay giữa chợ thành Athène và dựng lên một cái lều. Ông làm một tấm bảng và ghi dòng chữ đậm như sau: “Ở đây có bán sự khôn ngoan”. Một nhà trí thức tình cờ đi ngang qua, đọc được lời rao báo trên thì cười thầm trong bụng. Ông muốn biết bên trong cái lều kia có cái gì hay để bán nên ông đã đưa tiền cho người đầy tớ và sai người ấy đến dò la và mua cho được cái mà người bán gọi là sự khôn ngoan.
Người đày tớ vậng lệnh cầm tiền ra đi. Đến nơi anh ta đưa cho Diogene 3 đồng tiền và nói rằng: Chủ của anh muốn mua sự khôn ngoan. Cầm lấy tiền bỏ vào túi, triết gia Diogene nhìn người đày tớ mà nói một cách trịnh trọng rằng: “Anh hãy về và thưa lại với chủ của anh rằng: Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích”.
Vị trí thức thành Athène vô cùng thích thú vì lời khôn ngoan này. Ông đã viết trước cửa nhà mình, như là một khuôn vàng thước ngọc để ông suy niệm mỗi ngày, và để tất cả những ai đi qua nhà của ông đều có thể đọc dòng chữ đó.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại sự việc các đồ đệ của ông Gioan đến gặp Đức Gê-su để nhờ Ngài giải thích cho họ một điều thắc mắc là: “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay mà các môn đệ của ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su giải thích: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay”. Chàng rể ở đây là chính Đức Giê-su. Như vậy thì thời điểm này chưa phải là thời kỳ ăn chay, buồn sầu, nhưng là thời gian của mừng vui hân hoan vì Đấng cứu độ đang hiện diện giữa họ. Rồi sẽ đến thời kỳ ăn chay thích hợp là: khi chàng rể được đem đi có nghĩa là sau cuộc tử nạn của Ngài, lúc đó là thời điểm thích hợp để con người ăn chay.
Đức Giê-su còn nói thêm: “Người ta không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới, thế là giữ được cả hai”.
Vào thời Chúa Giê-su chưa có những vật dụng cao cấp như ngày nay, thế nên rượu được chứa trong các bầu da. Khi rượu mới được đựng trong các bầu da cũ thì quá trình nên men của rượu vẫn còn tiếp tục diễn ra nên khí gas sẽ tạo ra một áp suất trong bầu. Các bầu mới thì có khả năng giãn nở, ngược lại các bầu cũ thì do đã chai cứng nên không thể giãn nở được do vậy bầu sẽ bể.
Rượu mới ở đây có thể ví như là Tin Mừng mà Đức Giê-su rao giảng, cũng như chính bản thân Ngài, đổ vào bầu mới có nghĩa chúng ta phải tiếp nhận Ngài bằng sự đổi mới, phải trở thành một tạo vật mới, ở nơi chúng ta không còn những đam mê của xác thịt, không còn những chủ trương sống ích kỷ cho mình mà phải biết hy sinh phục vụ tha nhân và sống cho Chúa, sống tôn thờ Chúa và phụng sự Ngài.
Như vậy để đón nhận Lời Chúa. Hay nói cách khác là đón nhận Chính Ngài, chúng ta phải hoàn toàn đổi mới, phải canh tân đời sống của mình, phải từ bỏ con người cũ. Con người của ghen ty, nhỏ nhoi, ích kỷ, thù hằn… và mặc lấy một con người mới đó là sống chân thành, quảng đại, yêu thương. Tóm lại để xứng đáng đón nhận Chúa, chúng ta phải là con người sạch sẽ không vết nhơ của tội lỗi.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa. Xin cho chúng con luôn biết để tâm lắng nghe lời Chúa, suy gẫm mà mang ra thực hành hầu tâm hồn chúng con luôn được đổi mới để xứng đáng trở nên Đền Thờ cho Chúa ngự. Amen.
Sống Lời Chúa:
Sống với ý thức: Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Giê-su Ky-tô sống trong tôi.
Đaminh Trần Văn Chính.
Cái mới của Chúa (02.07.2022)
Thánh lễ được xem là bàn tiệc mà ở đó mọi người được quy tụ bên vị chủ tế như khi xưa các môn đệ quây quần bên Thầy Giêsu. Vì thế, chỗ ngồi chỉ là hình thức bên ngoài mà tâm điểm phải là Chúa Giêsu. Nếu cách sống đạo hôm nay chỉ câu nệ hình thức bên ngoài như thế chẳng khác nào chuyện “bình cũ rượu mới” như lời Chúa nói trong Tin mừng hôm nay.
Hình ảnh áo vá và rượu trong bầu da hình như không còn quen thuộc lắm nữa. Nếu Chúa nói chuyện với thính giả hôm nay, hẳn Ngài sẽ dùng những hình ảnh khác. Dù sao, cốt lõi sứ điệp vẫn rất rõ: Cần thích nghi để phù hợp! Ngữ cảnh ở đây là sự giải thích của Chúa Giêsu : Vì chàng rể đang hiện diện, nên các bạn hữu không ăn chay.
Như vậy, chính sự hiện diện của Chúa Giêsu, tức của Tin Mừng, của Nước Trời, làm nên yếu tố mới mẻ và đòi người ta phải ứng xử phù hợp với yếu tố mới mẻ này. Tin Mừng Mátthêu giới thiệu một loạt những cái mới nơi Chúa Giêsu và nơi giáo huấn của Ngài: yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (chương 5), không phô trương khi làm việc lành phúc đức (chương 6)… Người ta chống Chúa Giêsu vì họ thích yên ổn trong nếp
Khi có mấy môn đệ của ông Gioan đến gặp Chúa Giêsu thắc mắc về chuyện họ phải ăn chay trong khi môn đệ của Chúa thì không. Bấy giờ Chúa Giêsu giải thích cho họ biết thêm vì “khách dự tiệc cưới không thể buồn rầu khi tân lang đang còn ở với họ. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn”.
Qua ba hình ảnh tiệc cưới, bầu rượu và việc vá áo, Chúa Giêsu muốn các môn đệ tiến xa hơn trong việc giữ luật để đi vào sự kết hợp thâm sâu thân tình với Thiên Chúa, thao thức kiếm tìm ý nghĩa đích thực của Tin Mừng giữa những điều luật buộc phải giữ. “Rượu mới, bầu cũng phải mới”, cái “mới” ở đây không phá bỏ cái “cũ” nhưng đã được chắt lọc từ sự tinh hoa của cái cũ. Tin Mừng của Chúa phải được đón nhận bằng tất cả lòng quảng đại và yêu mến.
Nếu luật cũ là “mắt đền mắt, răng đền răng” thì luật mới phải vượt lên sự hiềm thù đền trả 1-1 mà là “nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn lấy áo trong của anh thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5, 39-42).
Nếu luật cũ là phải trả thù thì luật mới là biến thù thành bạn. Nếu luật cũ khi ăn chay là sống trong than van khóc lóc, tiếc thương “một thời vàng son đã qua” thì luật mới là sống trong niềm tin và hy vọng, là cất đi chiếc khăn tang u buồn, là mặc áo mới, xức dầu thơm trên đầu…Thiên Chúa là một ngôi vị, Người không bị lệ thuộc vào thời gian và không gian. Người là khởi nguyên và cùng đích, hôm qua hôm nay và mãi mãi cho đến muôn đời. Khi sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, con người sẽ được hoán cải, được đổi mới bằng ân sủng và tình yêu. Chính ân sủng và tình yêu tinh ròng của Thiên Chúa tôi luyện chúng ta trở nên mạnh mẽ vượt thắng con người hèn yếu tội lỗi. Thời ăn chay chính là lúc chờ đợi. Khi đã gặp được Đức Lang Quân lòng chúng ta sẽ vui mừng hớn hở, sẽ không còn bị lệ thuộc vào luật lệ mà quảng đại hiến thân cho Chúa và dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ thì thân tình, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông…Đó là cái mới đáng trân trọng được xây trên nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và thổi vào đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Chúa Giêsu quả là một người quan sát tinh tế vì ở thời đó người ta chưa có bình đựng rượu nên họ thường chứa trong một cái bầu làm bằng da thú. Nếu rượu cũ đổ vào bầu da mới, rượu lên men và thải ra lượng khí carbon độc hại, túi da sẽ rách và rượu chảy ra ngoài. Trái lại rượu mới phải chứa trong bầu da mới vì da mới có tính đàn hồi nên sẽ không bị rách.
Chúa Giêsu còn dùng một hình ảnh rất quen thuộc với mọi người như việc lấy vải mới vá vào áo cũ, miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng rách to hơn. Với lối nói so sánh bằng hình ảnh, Chúa Giêsu muốn mời gọi chúng ta cần có một tư tưởng mới, một cái nhìn cởi mở thì mới hiểu được những việc Chúa làm, hiểu được những giá trị của Tin Mừng.
Và ta thấy rằng có thể nói đây là một cuộc cách mạng lề luật giúp người ta không bị héo mòn trong mớ lề luật để vươn lên tầm cao mới của tình yêu mến. Việc ăn chay, đi lễ, đọc thiên kinh vạn quyển mà thiếu đức ái thì việc ấy có ích gì. Nếu chỉ giữ lề luật mà trong lòng còn chất chứa sự hận thù ghen ghét, đối xử bất công với người khác thì nào có ích gì.
Trong cuộc sống, không phải cái gì cũ cũng là xấu, trái lại kỷ niệm xưa thì đáng trân trọng, bạn cũ, đồ cổ thì quý. Trái lại cũng có trang vở mới tinh khôi, thanh khiết, có con đường mới thẳng tắp, chiếc cầu mới nối liền nhịp sống hai bên bờ sông…Đó là cái mới đáng trân trọng được xây nền tảng cái cũ, được chắt lọc từ sự tinh túy của cái cũ. Chúa Giêsu đã đến không phải để phá bỏ cái cũ nhưng kiện toàn và khắc lên đó một tinh thần mới, tinh thần khiêm tốn phục vụ và yêu thương trọn vẹn.
Cuộc sống xã hội đang từng ngày đổi thay vì thế Giáo Hội cũng luôn trăn trở để tìm ra cách thế hữu hiệu nhất để loan báoTin Mừng sao cho đời sống đạo có chiều sâu vững vàng và phải bén rễ vào Đức Kitô, nếu không chúng ta sẽ bị đánh bật bởi những cái mới, trào lưu sống “hời hợt, ào ào, vội vã” mà đánh mất căn tính của mình. Xin Chúa Thánh Thần canh tân biến đổi chúng ta nên những người biết sẵn sàng lắng nghe những gợi hứng của Chúa Thánh Thần mà có thái độ sống đức tin linh hoạt, sống động phù hợp với chân lý đức tin và đạo hiếu con người.
Sỏi Đá Ven Đường
Tinh thần chay tịnh (04.07.2020)
Ăn chay là hình thức đền tội của Cựu Ước và Tân Ước: Chúa Giê-su cũng đã giữ chay 40 đêm ngày để làm gương cho các môn đệ và những ai đi theo Người.
Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay cho thấy các môn đệ của Gio-an Tẩy giả thắc mắc và hỏi Chúa Giê-su vì sao họ và người Pha-ri-sêu thì ăn chay, còn môn đệ của Người thì lại không thấy ăn chay.
Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh ngày vui của tiệc cưới, công việc vá khíu chiếc áo cũ, và cách bảo quản rượu mới trong bầu da. Để giúp họ hiểu rằng không ai than khóc trong ngày vui, chẳng có ai lấy vải mới đem vá cho chiếc áo cũ, và cũng không hề có ai chứa rượu mới trong bầu da cũ. Qua đó, Chúa Giê-su chỉ dạy ăn chay theo tinh thần sám hối mới, chứ không hẳn chỉ đơn thuần là do lòng đạo đức riêng của cá nhân ai đó.
Tinh thần chay tịnh đẹp lòng Chúa là phải biết hy sinh, từ bỏ bản thân, vác thập giá mình mà theo Chúa (x.Mt. 16,24); chay tịnh đẹp lòng Chúa là phải biết kiêng khem ăn uống chừng mực, không xa xỉ; biết chia sớt, san sẻ với tha nhân. để ý đến tinh thần hy sinh, hãm mình, khắc khổ, tự chế.
Lạy Chúa, xin cho con biết cách hãm mình đền tội theo ý Chúa ở đời này, hơn là để con phải chịu đền tội nặng ở đời sau. Amen.
CÁT BIỂN
Ăn Chay (07.07.2018)
Ăn chay là một hoạt động đạo đức phổ biến ở hầu hết các tôn giáo. Việc ăn chay của mỗi tôn giáo khác nhau đều mang một ý nghĩa đặc trưng riêng nhưng nhìn chung đều là để hãm mình hoặc mang tính bác ái. Thế nhưng, không ít trường hợp ăn chay chỉ dừng lại ở hình thức, chưa thực sự ăn chay theo đúng tinh thần của tôn giáo mình. Hoặc cũng có trường hợp người ta ăn chay để tĩnh tâm, nhìn lại mình nhưng tâm họ chưa thực sự tĩnh vì vẫn mang lòng đố kị, ghen ghét lẫn nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, những môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả đã chất vất Chúa Giêsu về việc ăn chay của Người và các môn đệ Người. Dưới con mắt của những con người bình thường, những người theo Chúa chẳng cần chay tịnh, chẳng cần hãm mình, không đúng với tinh thần chung của tôn giáo. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã thức tỉnh họ rằng, tân lang còn ở với khách dự tiệc, cớ sao họ phải buồn rầu.
Có thể cái nhìn của các môn đệ Thánh Gioan chỉ mang yếu tố thắc mắc đơn thuần, có chăng cũng chỉ là nhắc khéo Chúa Giêsu và các tông đồ không giữ truyền thống ăn chay hãm mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng mang cái nhìn như họ. Ngày nay, tuy khoa học phát triển nhưng niềm tin của con người vào tôn giáo vẫn không bị mất đi. Thế nên, ăn chay vẫn rất phổ biến trong xã hội hiện đại. Dù vậy, không phải ai ăn chay cũng mang thiện chí trong lòng.
Thật vậy, xã hội ngày nay không ít người “khẩu Phật tâm xà”, “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”… Họ chú trọng hình thức hơn nội dung, chỉ ăn chay mà không tĩnh tâm, hãm mình, ăn chay nhưng lại mang lòng đố kị, ganh ghét người khác, ăn chay nhưng lại mưu mô, xảo trá, nghĩ cách hãm hại người khác… Chính những thành phần như thế đã khiến người khác nghĩ không hay về tôn giáo.
Là người Kitô hữu, chúng ta nhận biết được tầm quan trọng của việc chay tịnh cả hình thức bên ngoài lẫn nội dung cốt lõi bên trong. Giữ chay không chỉ là tĩnh tâm, hãm mình mà còn là một việc làm bác ái. Thế nên, chúng ta phải biết trở nên gương sáng cho anh chị em lương dân nhìn thấy để có thiện cảm với đạo Công giáo; biết sống yêu thương, phục vụ mọi người, biết tha thứ những lỗi lầm thiếu sót của tha nhân… Chúng ta phải biết sống thật tâm, thật lòng, đừng vì sự hào nhoáng bên ngoài khiến chúng ta trở thành những kẻ đạo đức giả.
Lạy Chúa, Ngài đã dạy chúng con biết giữ chay, hãm mình để hướng về Ngài và về tha nhân, xin cho chúng con biết sống đúng với tinh thần Ngài đã dạy, đừng vì phù hoa hão huyền của thế gian khiến chúng con thành những kẻ dối trá, giả hình. Xin Chúa cũng thương đến những người đã hết lòng giữ các điều Ngài dạy nhưng bị xã hội lên án, loại trừ, xin cho họ được bình an và những người đang chống đối họ nhận ra sai lầm của mình. Amen.
Petrus Sơn
Đừng xét đoán (08.07.2017)
Thiên Chúa toàn năng đã tạo thành vũ trụ huy hoàng, tuyệt mĩ này và trao cho con người quyền làm chủ nó. Chẳng những thế, Người còn ban cho chúng ta một đặc ân cao quý, đó là sự tự do. Thế nhưng, mang phận là kiếp tro bụi, con người khó tránh khỏi sự yếu đuối, họ ưa chuộng bóng tối hơn sự sáng và lạm dụng sự tự do Chúa ban để chối bỏ Người. Nếu ý thức thân phận con người là thế, lẽ ra chúng ta phải yêu thương, cảm thông cho nhau. Vậy mà, lắm khi chúng ta lại thích lên án, xét đoán nhau, chúng ta chỉ thấy cái rác nhỏ bé trong con mắt anh em mà lại không nhận ra cái xà to lớn trong con mắt mình.
Xã hội phát triển cũng là lúc tư duy của con người thay đổi. Ngày nay, người ta luôn ước muốn cánh cửa tương lai rộng mở, mong được giàu sang, phú quý để có thể theo kịp sự tiến bộ của thế giới, hay chí ít là được hơn những người khác; họ muốn được mọi người nhìn mình với đôi mắt ngưỡng mộ. Thế nhưng, họ lại chẳng hề hay biết cánh cửa trái tim của mình đang dần khép lại, họ làm ngơ trước tội lỗi của mình mà lại thích chỉ trích, soi mói sự yếu đuối của người khác. Không chỉ vậy, con người ngày nay còn phải sống trong một xã hội đầy thành kiến và định kiến, họ mặc định rằng “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Chính vì thế, người ta lại càng không muốn giao du với những người lầm lỗi. Vì lẽ đó, những người từng “vào tù ra khám”, những người mà họ gọi là “phường trộm cướp” hay những người lầm lạc khác càng khó có khả năng hòa nhập với cộng đồng hơn. Đó là một trong những lí do khiến những người đáng thương đó“ngựa quen đường cũ”, tự sa vào “vết xe đổ” của chính mình. Tội lỗi đã dằn vặt khôn nguôi, khiến lòng họ bất an, tạo thành một vết thương khó lành trong lòng họ. Vậy mà chúng ta – những người tự nhận là công chính – lại nhẫn tâm xát muối lên những vết thương đó bằng sự xét đoán, bằng những cái nhìn kì thị của mình.
Ngày nay, người ta không chỉ lên án người lầm lỗi, mà sự xét đoán còn nhắm vào những người bất đồng chính kiến, những người không thuộc “phe phái” của mình. Họ xem những người ấy là kẻ thù và ra sức để chống lại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta “Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn” (c16 – 17).
Ăn chay là một truyền thống đạo đức, cần được cổ võ. Ở đây, Đức Giêsu không bãi bỏ truyền thống tốt đẹp đó, Người muốn dạy chúng ta phải biết thích nghi; không nên tuân giữ truyền thống một cách cứng nhắc mà ngược lại, cần phải hợp với thời đại. Thời đại nào cũng có những tư tưởng đối lập nhau, có người tuân theo truyền thống, nhưng cũng có người thích theo xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, dù mang tư tưởng nào, mục đích của con người vẫn là phát triển xã hội. Có thể nói, những tư tưởng đó không những không đối nghịch theo hướng tiêu cực mà ngược lại, chúng còn bổ trợ cho nhau, góp phần làm cho xã hội thêm phong phú. Bên cạnh khía cạnh nhỏ là sự lỗi thời, truyền thống vẫn mang những nét tích cực không thể chối cãi. Thế nên, đừng để những sự cổ hủ của truyền thống làm cớ cho chúng ta vấp phạm, khiến chúng ta xét đoán anh em của mình.
Ai trong chúng ta cũng đã từng có lúc yếu đuối, trót đi theo con đường tội lỗi, điều quan trọng là chúng ta có biết thật lòng hối cải, trở về với Thiên Chúa là Cha nhân từ hay không, hay lại tiếp tục trầm mình trong vũng lầy tội lỗi. Do đó, mỗi người phải biết ý thức rằng, đều là phận người yếu đuối, chúng ta cần phải cầu nguyện, nâng đỡ đức tin cho nhau, biết tha thứ những thiếu sót của nhau; chớ vì lỗi lầm của những người anh em mà xa lánh hay kì thị họ. Hãy nhớ lấy một điều, Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Đấng quyền uy tột bật mà còn tha thứ cho những người tội lỗi biết ăn năn, vậy chúng ta là ai mà có quyền xét đoán hay lên án họ. Xã hội chỉ có thể phát triển khi có nhiều tư tưởng, nhiều ý kiến để cùng nhau xây dựng. Mỗi người hãy biết tự bỏ qua cái tôi cá nhân, lắng nghe những quan điểm trái chiều. Có như vậy, đất nước mới có thể ngày càng phát triển, bắt kịp sự tiến bộ của thế giới.
Lạy Chúa, xin Ngài luôn ở cùng chúng con, che chở và nâng đỡ tâm hồn yếu đuối, mỏng manh của chúng con; xin cho chúng con biết mở rộng lòng mình, biết tha thứ cho những người anh em xung quanh, nhất là những người đãkhiến chúng con phải đau khổ nhiều; xin cho chúng con biết nhận ra thân phận nhỏ nhoi của mình, biết đồng cảm với tha nhân, để chúng con có thể cảm thông với những tâm hồn đau khổ đang u sầu trong bùn nhơ tội lỗi, hầu có thể đem họ đến với tình yêu của Ngài mỗi ngày một gần hơn. Amen.
Mới và cũ (02.07.2016)
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày sự đối lập giữa cái cũ và mới; đồng thời chỉ ra phương thế để không những vẫn bảo toàn được chúng mà còn nâng cao giá trị và đem lại lợi ích nhiều hơn. Theo trình thuật, những môn đệ của ông Gio-an Tiền hô là những người có đời sống khắc khổ, nhiệm nhặt, họ chú tâm thực hiện việc sám hối, cầu nguyện để trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân tộc. Cũng như những người Pha-ri-sêu nhiệt thành, họ tự nguyện ăn chay nhiều ngày trong tuần để thực hiện lý tưởng của mình. Khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu không mấy quan tâm đến việc ăn chay; họ đến gặp Đức Giêsu và đặt vấn đề: “Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay”; ý họ muốn nói đến việc giữ chay “tự nguyện” mà không do luật buộc.
Theo Do Thái giáo, chay tịnh là một điều luật bắt buộc mà bất cứ người Do Thái nào cũng phải tuân thủ để giữ cho tâm hồn thanh khiết, nhờ đó dễ dàng quy hướng về Thiên Chúa mà đền tội, cầu xin ơn tha thứ và nhất là chờ đón Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, luật Mô-sê chỉ buộc mỗi năm phải ăn chay một lần vào ngày “Xá tội” (Lê-vi 16, 19-31). Lâu ngày việc giữ chay trở nên như một hình thức: Thời gian ăn chay nhiều hơn (những người Pha-ri-siêu chính thống giữ chay 2 ngày trong tuần); khi ăn chay phải làm ra vẻ mặt ủ dột, nhịn ăn, bớt uống và để cho mọi người biết mà kính nể; những người này có xu hướng yêu thích hình thức bên ngoài. Một số người khác thì sống khắc khổ, ăn uống nhiệm nhặt như ông Gioan Tiền hô và các môn đệ (ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng) để chiêm niệm, sám hối và đợi chờ Đức Chúa ngự đến. Thấy các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay như họ, họ có ý chê trách.
Đọc được suy nghĩ của những người này, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh của chú rể và bạn bè trong ngày cưới để mặc khải về chính Người và các môn đệ; qua đó Người trả lời cho họ lý do tại sao các môn đệ của Người không ăn chay. Đức Giêsu không phủ nhận việc ăn chay, nhưng Người chú trọng đến ý nghĩa và tinh thần tuân giữ lề luật.
Hình ảnh chú rể trong ngày cưới mang đậm nét hân hoan vui mừng, không chỉ riêng tân lang – tân nương mà cả bạn bè cùng mọi người thân thuộc cũng như láng giềng. Vì thế trong những ngày này chay tịnh không thể làm mất đi niềm vui mừng vì chú rể và bầu khí của ngày cưới còn đó. Câu trả lời của Đức Giêsu đã mặc cho việc chay tịnh một tinh thần mới, một cái nhìn rộng hơn, không còn gò bó và vụ hình thức vì lề luật. Hình ảnh chú rể còn ám chỉ về Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a đã đến và đám cưới là một bữa tiệc vui ơn cứu độ mà Người cùng các môn đệ và nhân loại đang cử hành; Đức Giêsu đến thổi vào thế gian một luồng thần khí mới để thay đổi não trạng của người Do Thái, Người đem Tin Mừng đến để giải thoát và cứu độ It-ra-en, và Người mong muốn họ đón nhận trong tinh thần và sự thật.
Thực tế, giữa giáo lý của Đức Giêsu và lề luật Mô-sê có nhiều điểm khác biệt, tương phản. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh “lấy vải mới để vá những chỗ thủng, rách” của chiếc áo cũ cho thấy đã đến lúc lề luật Môsê, luật của Giao ước Si-nai phải nhường chỗ cho cho Giao ước mới mà Người thiết lập sau này. Người còn nói thêm rượu mới không thể đựng trong bầu da cũ vì tinh chất rượu mới sẽ làm hỏng bầu da đã mục nát; vì thế, rượu mới phải chứa trong bầu da mới. Tin Mừng Cứu độ mà Đức Giêsu đem đến cho nhân loại phải được đón nhận với một tinh thần mới, một nghị lực mới, nghĩa là phải canh tân đời sống một cách triệt để theo Thần khí và Tin Mừng của Người.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
-Trong hành trình tìm kiếm Nước Trời; cần chú trọng đến tinh thần, nội tâm hơn là hình thức giả tạo bề ngoài.
– Phải thay đổi, loại trừ những quan niệm hẹp hòi, ích kỷ, lỗi thời; để có thể hòa hợp, đáp ứng được những nhu cầu của Tin Mừng trong thời đại mới.
– Tin Mừng Cứu độ của Đức Giêsu phải được đón nhận bằng một thái độ chân thành, một tinh thần mới đó là khiêm tốn, sám hối và nhiệt thành yêu mến.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã đến thế gian và đem Tin Mừng cho chúng con; xin cho con biết cộng tác với ơn Chúa để biến đổi cuộc đời mình thành áo mới, bầu da mới; nhờ đó con có thể lưu giữ Chúa và ân sủng của Ngài mà trở nên một con người hoàn hảo hơn.
SỐNG TIN MỪNG
Quảng đại, hy sinh, khiêm tốn, chân thành tuân giữ lề luật và thực thi tinh thần Tin Mừng.
Chúa đồng bàn với tội nhân
“Rượu mới thì đổ vào bầu mới.” (Mt 9,17)
Suy niệm: Hình ảnh áo vá và rượu trong bầu da hình như không còn quen thuộc lắm nữa. Nếu Chúa nói chuyện với thính giả hôm nay, hẳn Ngài sẽ dùng những hình ảnh khác. Dù sao, cốt lõi sứ điệp vẫn rất rõ: Cần thích nghi để phù hợp! Ngữ cảnh ở đây là sự giải thích của Đức Giê-su: Vì chàng rể đang hiện diện, nên các bạn hữu không ăn chay. Như vậy, chính sự hiện diện của Đức Giê-su, tức của Tin Mừng, của Nước Trời, làm nên yếu tố mới mẻ và đòi người ta phải ứng xử phù hợp với yếu tố mới mẻ này. Tin Mừng Mát-thêu giới thiệu một loạt những cái mới nơi Đức Giê-su và nơi giáo huấn của Ngài: yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (chương 5), không phô trương khi làm việc lành phúc đức (chương 6)… Người ta chống Đức Giê-su vì họ thích yên ổn trong nếp sống nếp nghĩ cũ hơn là chấp nhận bị xáo trộn để thay đổi cho phù hợp với tính mới mẻ mà Ngài đem lại!
Mời Bạn: Đức Giê-su và giáo huấn của Ngài có đang bị đề kháng bởi chính chúng ta là những người mang danh môn đệ Ngài? Bài học “rượu mới bầu da mới” hình như vẫn còn đầy thách đố cho Giáo hội hôm nay. Mỗi khi chúng ta không dung nạp tinh thần của Đức Giê-su, không suy nghĩ, phản ứng theo Tin Mừng, thì hoặc là chúng ta có vấn đề, hoặc là Đức Giê-su và Tin Mừng của Ngài có vấn đề. Chúng ta phải sửa cho phù hợp với Đức Giê-su, hay là Đức Giê-su phải sửa cho phù hợp với chúng ta?
Sống Lời Chúa: Ta tập tự vấn trong mỗi ý nghĩ và hành động của mình: Tôi đang theo ai đây? Theo một ai đó, theo chính mình, hay theo Chúa Giê-su?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết chọn Chúa và theo Chúa một cách đích thực hơn. Amen.