“Trước mặt Chúa, Thái Sơn cũng mọn hèn…” (04.11.2023 – Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Lc 14,1.7-11 (năm chẵn), Rm 11,1-2a.11-12.25-29 (năm lẻ), Lc 14,1.7-11

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 14,1.7-11)

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người.

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này : 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

“Trước mặt Chúa Thái Sơn cũng mọn hèn…” (04.11.2023)

Ngày 04.11: Lễ Nhớ Thánh Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục

Khiêm tốn là đức tính đã được ca tụng từ ngàn xưa. Ai cũng yêu mến quý trọng người khiêm tốn, nhưng rất ít người và chỉ có thánh nhân mới muốn làm người khiêm tốn.

Nhu cầu của con người được nhà tâm lý học Maslow phân tích thể hiện thành một cái thang theo hính tháp có năm bậc, gọi là tháp nhu cầu Maslow. Lần lượt từ thấp đến cao nhất là các nhu cầu sinh tồn như cái đói ăn, khát uống, rét mặc, rồi đến an toàn, đã an toàn phải có giao tiếp, khi đã giao tiếp thì muốn được kính trọng, cuối cùng và trên hết là nhu cầu khẳng định mình. Muốn được kính trọng là muốn cái tôi của mình được mọi người nhìn nhận và kiêng nể. Cao hơn nữa là khẳng định mình, là tỏ ra cái tôi phải là nhất, phải vượt trên tất cả.

Dĩ nhiên không phải lúc nào nhu cầu của con người cũng phải theo cái thứ tự ấy, nhưng riêng cái nhu cầu cao nhất, cái nhu cầu thể hiện cái tôi thì mọi lúc mọi nơi đều có thể xuất hiện. Và lần xuất hiện đầu tiên cái nhu cầu tột cùng đó lại chính là ở hai con người đầu tiên : ông bà nguyên tổ Adam và Eva. Vì không muốn cái tôi thụ tạo thua kém Đấng sáng tạo ra mình, hai ông bà đã vi phạm lệnh cấm, dùng quyền tự do của mình để vượt lên cho bằng Thiên Chúa. Bi kịch của loài người bắt đầu từ sự tự khẳng định mình ấy.

Đối nghịch với Eva nguyên tổ, Eva mới là Đức Maria đã vô cùng khiêm tốn, nhận mình chỉ là nữ tì, là tôi tớ Đấng Tối Cao, xin vâng phục mọi điều Ngài muốn. Sự khiêm nhường ấy đã bắt đầu công cuộc cứu chuộc nhân loại.

Sách Châm ngôn dạy người Do Thái phải biết tôn ti trật tự trong cộng đoàn, phải ngồi thấp hơn thứ bậc của mình chứ đừng chen vào chỗ của các bậc vị vọng kẻo bị bẽ mặt vì bị kéo xuống, nhưng sẽ được danh dự vì được mời lên (x. Cn 25,6-7). Khi dùng câu nói của sách Châm ngôn để khuyên bảo người Do Thái thì Chúa Giêsu nhấn mạnh đến thái độ khiêm nhường trong cư xử : “Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

Đây cũng là giáo huấn cho mọi người, mọi thời đại. Vì mọi người, mọi thời đều mang di truyền tội nguyên tổ, tức là đã có sẵn cái tôi to đùng trong người, sẵn sàng đòi hỏi phải được tôn vinh, phải được ăn trên ngồi trốc. Mà thực ra con người có cao sang danh giá, xứng đáng như vậy không ?

Thánh Phanxicô Assisi nói : “con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy, không còn gì hơn nữa.”

Cũng như lời bài thánh ca Con chỉ là tạo vật : “Trước mặt Chúa Thái Sơn cũng mọn hèn…” thì con người có là gì, có chi đâu !

Thực vậy, con người ta chỉ nhận ra mình quá sức trần trụi tầm thường khi đối diện với Thiên Chúa. Chính từ Thiên Chúa mà con người có được sự khiêm nhường. Ngôn sứ Isaia khi chứng kiến vinh quang của Thiên Chúa đã phải thốt lên : “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, (Is 6,5); như Thánh Phê rô khi thấy mẻ cá lạ lùng đã phải thưa với Chúa Giêsu “ Xin Thầy tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8); như lời cầu nguyện của Thánh Augustino : “Xin ban cho con biết con và ban cho con biết Chúa; xin ban cho con biết con để con khiêm nhường và biết Chúa để con mến yêu Chúa”.

Trong dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện, thái độ khiêm nhường của người thu thuế trước Thiên Chúa đã làm cho anh nên công chính. (x. Lc 18,9-14).

Muốn làm môn đệ của Chúa Giêsu thì phải khiêm nhường, phải “ngồi vào chỗ rốt hết”, phải bé nhỏ lại để nhận được sự mặc khải ơn cứu độ của Chúa Cha, vì Chúa Giêsu đã nói : “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. (Mt 11,25).

Người môn đệ phải có tâm tình khiêm cung, đơn sơ như Thánh vịnh 131 đã diễn tả :

Lòng con chẳng dám tự cao

Mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!

Đường cao vọng, chẳng đời nào bước

Việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu

Hồn con, con vẫn trước sau

Giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình (Tv 131,1-2)

Xã hội ngày nay luôn đề cao cái tôi và sống tham lam, ích kỷ thì sống khiêm nhường quả là quá khó. Nhưng người Kitô hữu sẽ làm được khi sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Như cành nho được cây nho nuôi dưỡng và được cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái, thì Chúa Giêsu sẽ ban sức mạnh để người Kitô hữu học và sống khiêm nhường với Ngài và theo gương Mẹ Maria, gương của Thánh Gioan Tẩy giả “Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.

Lạy Chúa Giê-su, ai cũng quý mến người khiêm nhường, nhưng làm người khiêm nhường thật khó. Xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn và phó thác trong bậc sống mình để Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con. Amen

Jos. NM Tưởng

Sống khiêm nhường (29.10.2022)

Ghi nhớ:

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. (Lc 14, 11).

Suy niệm:

Chuyện kể rằng: Một nhà thông thái nọ, có công việc phải đi qua một con sông lớn, vì thế cho nên ông đã nhờ một anh lái đò chèo thuyền để đưa ông sang sông. Trong lúc đang chèo  anh lái đò hứng chí hát lên một khúc nhạc. Nghe vậy, nhà thông thái liền hỏi:

Anh có kiến thức gì về âm nhạc không?. Người lái đò trả lời:

Thưa bác, tôi chẳng biết gì về âm nhạc cả!

Thời đại này! Nhà bác học kêu lên: mà anh không biết âm nhạc thì quả thật là rất đáng tiếc.  Như thế có thể coi như anh đã chết nửa cuộc đời rồi vậy!  

Khi con thuyền đi ra đến giữa dòng sông thì nhà thông thái lại lên tiếng hỏi anh:

Thế anh có biết gì về khoa học không? Anh chèo đò thành thật trả lời:

Thú thật với ngài, tôi dốt lắm! ngoài việc chèo đò đưa đón khách sang sông tôi hầu như chẳng biết được điều gì.

Nghe đến đây thì nhà bác học cười vang và nói rằng.

Như vậy thì rõ ràng anh đã chết cả cuộc đời rồi vậy.

Lát sau, bỗng đâu cơn đen kéo đến. Trời chuyển mưa. Anh lái đò hỏi vị khách:

Bác có biết chèo thuyền không, giúp cháu với! chúng ta phải mau chóng bơi vào bờ trước khi dông tố ập tới!

Không, không tôi không biết chèo! Nhà thông thái cuống lên.

 Thế vậy bác có biết bơi không?

Tôi cũng chẳng biết bơi. Anh lái đò nói:

Bác không biết chèo mà cũng chẳng biết bơi thì rất có thể hôm nay bác sẽ chết cả cuộc đời đó!

Một lát sau thì trời đổ mưa, con thuyền bị gió và sóng đánh chìm, tuy anh chèo đò đã ráng bơi hết sức nhưng vẫn con một khoảng cách cho dù không xa nữa thì mới đến bờ,. Lúc này anh chèo đò quăng cho nhà thông thài một tấm gỗ và nói:

Bác hãy ôm miếng gỗ này, tôi sẽ cố gắng dìu bác vào bờ!

Trong suốt ba năm đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su tỏ thái độ lên án dối trá, thói đạo đức giả và tính tự cao tự đại, ta đây, khoe khoang công trạng. Tin Mừng công bố hôm Chủa nhật vừa qua kể lại sự việc hai người lên đền thờ cầu nguyện một kẻ tự phụ cầu nguyện rằng: “ Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Ngài, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” . Còn người kia thì khiêm tốn, biết thân, biết phận; chỉ xin Chúa đoái thương tha thứ vì mình là kẻ tội lỗi. Cuối cùng Đức Giê-su kết luận: “ Tôi nói cho các ông biết : người này khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi: còn kẻ kia thì không”. (Lc 18, 9-14). Trở về bài Tin Mưng hôm nay Đức Giê-su chỉ rõ cho mọi người đang hiện diện trong nhà của ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu là: “Khi anh được mời đến ăn tiệc cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh và nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn” ( Lc 14, 8-10).

Con người ta ai cũng muốn được làm lớn, được người khác coi trọng, được khen ngợi. Nhưng để làm lớn và được coi trọng thì ta phải ra sức học hành phấn đấu, để làm được những điều ích lợi cho người khác, cho xã hội, hoặc cố gắng trau dồi đạo đức và nhân cách để người khác thấy ta có những đức tính tốt đẹp mà trọng vọng, thì điều đó đáng được tuyên dương, đáng được cổ vũ. Nhưng để thoả man cái ta của mình bằng cách vênh váo, nổ, nói tốt cho mình, có khi còn dìm người khác xuống để mình nổi lên. Thì điều này đáng lên án và tẩy chay. Người đời thường nhận xét những kẻ không làm được việc gì mà cứ muốn hơn người bằng cách khoe khoang là “thùng rỗng kêu to” thì chẳng những sự khoe khoang ấy không được xem trọng mà ngược lại người đời còn coi thường, bị xa lánh,  kinh chê nữa.

Điều Đức Giê-su muốn chúng ta thực hành qua bài Tin Mừng hôm nay; là phải luôn sống khiêm tốn. Bởi lẽ trước mặt Chúa ta chỉ là một tạo vật từ bùn đất được tạo nên mà thội và như thánh Phao lô đã viết trong thư gửi cho giáo đoàn Corinto: “Tôi có gì  cũng là nhờ ơn Thiên Chúa ”( 1 Cor. 15, 10) Những kẻ tự cao tự đại thì luôn nghĩ rằng mọi sự mình có được là do tài năng của mình, chính vì thế kẻ ấy chẳng con cần đến ai nữa! Chính vì não trạng muốn tự đặt mình lên cao đó đã làm cho một số thiên thần phản nghịch cùng Chúa và cũng chính vì muốn được bằng Chúa nên Eva và Adam đã bất tuân lệnh Chúa mà phạm tội ăn trái cấm. Như vậy có thể nói: Lòng tự cao tự đại  là đầu mối  cho mọi tội lỗi, nó đẩy con ngươi xa Chúa, thậm chí chống lại Thiên Chúa

Khiêm tốn không phải là hèn kém, không phải là nhu nhược, nhưng đó là sức mạnh của người biết cậy dựa vào tình Chúa thương yêu để từ đó có thể làm được những việc cao cả.Thành ngữ của người Nhật có câu: “Bông lúa mẩy là bông lúa biết cúi đầu”. Nếu một bông lúa không biết cúi đầu nó chỉ là một bông lúa lép mà thôi và một bông lúa lép thì nó chẳng mang lại lợi ích gì ngoài việc làm mồi cho lửa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su. Xin cho chúng con biết luôn sống trong tâm tình khiêm tốn. Biết mình chỉ là tạo vật từ bụi đất để từ đó chúng con chỉ tìm vinh dự trong Chúa. Cố gắng ra sức thực thi điều Chúa dậy để mai sau chúng con chiếm được vinh quang và hạnh phúc thật sự là Nước Trời. Amen.

Sống Lời Chúa.

Sống khiêm tốn với châm ngôn: Ai nhất thì tôi thứ nhì, ai thứ nhì tôi thời thứ ba…

Đaminh Trần Văn Chính.

Khiêm nhường phó thác (30.10.2021)

Khiêm tốn, theo nhiều cách hiểu khác nhau, được coi là một đức tính tập trung vào việc hạ thấp lòng tự tôn, hoặc không sẵn lòng đặt mình lên trước, hay lên trên.

Khiêm tốn trái ngược với tự yêu bản thân, sự kiêu ngạo và các hình thức tự hào khác, và là một cấu trúc nội tại hiếm có khi nó lại có một chiều hướng ra bên ngoài.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho biết, nhân dịp Chúa Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người thấy khách đến dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi. Chúa Giê-su mới nói với họ dụ ngôn “Hãy ngồi chỗ cuối”. Qua đó, Chúa muốn nhắn nhủ những ai muốn và đang đi theo Ngài thì hãy học lấy sự khiêm nhường như chính Ngài, khiêm nhường để hết lòng quên mình phục vụ tha nhân, dẫu cho có chết cũng phục vụ (x. Pl. 2,1-8).

Kết thúc dụ ngôn, Chúa Giê-su dạy rằng: Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc. 14,11).

Nhìn về Mẹ Ma-ri-a nhân tháng Mân Côi, ai trong chúng ta cũng nhận thấy rõ tấm gương đời Mẹ – một đời khiêm nhường nhìn nhận mình là tôi tớ Chúa. Từ đó, Mẹ hết lòng phó thác cậy trông vào Chúa, để Chúa dẫn dắt cuộc đời Mẹ. Và Chúa đã dẫn dắt Mẹ đi vào Con Đường Làm Mẹ Thiên Chúa – Con Đường không thiếu vắng những đau khổ, nhưng cũng là Con Đường đầy ắp bình an và hạnh phúc.

Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con biết sống khiêm tốn và phó thác cậy trông vào Chúa như cuộc đời Mẹ, ngõ hầu con lãnh được Ơn Tha thứ và Cứu rỗi. Amen.

CÁT BIỂN

Khiêm nhu (31.10.2020)

Theo Tự Điển Đức Tin Công Giáo, Khiêm Nhu – Humilité – Danh từ gốc La ngữ, có nghĩa là đất. Nhằm nhắc nhở mỗi người nhớ cho, con người mình chỉ là bụi đất; để giúp ta thành tâm hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa là Đấng tạo thành và chủ tể quyền năng trên hết mọi loài, đồng thời cũng nhắc ta hạ mình xuống trước mặt anh chị em mình là hình ảnh Chúa hoặc là người đại diện Chúa.

Khiêm Nhu còn là nhân đức giúp yêu thương mình đúng đắn, đánh giá đúng vị thế của mình trước mặt Chúa và tha nhân.

Khiêm Nhu theo nghĩa tôn giáo là nhận biết mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa.

Khiêm Nhu trong luân lý là nhìn nhận mình bình đẳng với người khác, không tự ti, không tự hạ quá đáng nhưng biết nhận ra những ân huệ Chúa ban mà cảm tạ Chúa.

Để thực hành lời khuyên của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay (Lc. 14,1-7-11), thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta hãy nâng đỡ lẫn nhau trong sự nhẫn nhịn và bác ái, đối xử với nhau bằng sự kính trọng, tránh xa hư danh và thói khoe khoang.

Thánh Kinh đã minh chứng:

Khiêm Nhu chính là một mối phúc thật (x. Mt. 5,4; Tv. 37,11);

Nước Trời được hứa ban những ai ăn ở khiêm nhường (x. Lc. 10,21; Mt. 18,3);

Đức Ki-tô là Đấng có lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt. 11,29) và đã nêu gương hạ mình trong mầu nhiệm Nhập Thể (x. Pl. 2,29);

Kinh Magnificat là lời kinh khiêm cung đẹp lòng Chúa qua mọi thời đại (x. Lc. 1,46-55).

Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót con. Xin Chúa chớ để con sa chước cám dỗ của tham vọng và quyền uy. Xin cho con biết sống khiêm nhu, hiền hậu đẹp lòng Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Khiêm nhường

Như chúng ta biết bản năng tự nhiên của con người luôn luôn thôi thúc chúng ta đi tìm một địa vị trong xã hội, ai ai cũng muốn cho mình được người ta trọng vọng và kính nể. Vì thế, con người không thể tránh được thái độ ảo tưởng hạnh phúc trần gian này. Lời nói trên của Chúa Giêsu như một quy luật, như một nguyên tắc để dẫn dắt và cân nhắc người môn đệ và đồng thời đó cũng là nguyên tắc của Nước Trời.Vậy ta hiểu câu nói trên của Chúa Giêsu như thế nào?Thiết tưởng, Chúa Giêsu đang đối diện với những con người đề cao danh vọng, ưa thích địa vị trong xã hội.

Do đó Ngài mới nói: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống”. Một khi con người tự tôn mình lên, tự cho mình là cao trọng. Chắc chắn con người không còn có giá trị trong cuộc sống nữa. Bởi vì con người không sống trong sự thật. Chính những ảo tưởng về danh vọng mà con người làm lấp láp đi sự thật nơi chính mình.Điểm này ta thấy rõ nơi những người Pharisêu mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến: “Họ đang tranh dành nhau về chỗ danh dự, về cỗ nhất trong bữa tiệc”.

Câu Tin Mừng này cũng đủ để ta đánh giá về một xã hội thời bấy giờ, xã hội của những con người coi trọng địa vị mà quên đi cái chính yếu: là thiếu sự bác ái, thiếu sự bao dung. Và chúng ta vẫn từng nghe Chúa Giêsu khiển trách họ:ï “Hỡi những người Phariseu đạo đức giả, các người bỏ qua những điều chính yếu, các người thích được ngồi chỗ danh dự, thích được người ta chào hỏi nơi hội đường…”Như vậy, những người Phariseu quá ảo tưởng về hạnh phúc ở đời này cho nên họ coi cái danh vọng, địa vị ở đời này như là cùng đích, là hạnh phúc mà họ đang kiếm tìm.

Như thế, câu nói trên của chúa Giêsu vừa có ý cân nhắc về cái nhìn lệch lạc của họ, hạnh phúc mà họ cho là cùng đích lại là cái chóng qua, nay còn mai mất như bông hoa sớm nở chiều tàn.Trước những ảo tưởng của những người Phariseu Chúa Giêsu mời gọi họ cần sống khiêm tốn, sống thật với chính mình nên Ngài nói: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Một khi con người tự hạ mình xuống là con người có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Bởi vì con người đã sống sự thật, không ảo tưởng, không lệch lạc trong bước đường tìm kiếm hạnh phúc thật.“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”Câu nói của Chúa Giêsu vừa mang chiều kích nhân bản đối với người Phariseu, vừa mang chiều kích đức tin đối với các môn đệ.

Có lẽ Chúa Giêsu dùng cách đối xử ở đời để dạy cho các môn đệ về bài học đức tin, về bài học khiêm nhường. Đó là điều kiện để hướng họ đến hạnh phúc thật. Vậy hạnh phúc thật ở đâu?Hạnh phúc thật chỉ có ở trong Nước Trời. Bài tin mừng hôm nay lại đề cập đến tiệc. Như thế, tiệc tượng trưng cho Nước Trời. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ lớn nhất Nước Trời”. Vâäy đức khiêm nhường là điều kiện thiết yếu để được vào Nước Trời.

Khiêm nhường ở đây được hiểu là sống đơn sơ, chân thật.Càng suy niệm lời nói của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta càng thấy Chúa Giêsu như hướng con người đi xuống chiều sâu của khiêm nhường và tiến lên chiều cao của Nước Trời. Như thế Nước Trời là nơi vinh dự cho những ai sống khiêm nhường coi mình là nhỏ bé. Ngược lại ai tự cho mình là cao trọng thì không thể chiếm hữu được Nước Trời “Thiên Chúa chống lại những kẻ kiêu căng nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”.

Đọc Tin Mừng hôm nay, thiết tưởng dụ ngôn mà Chúa Giêsu đưa ra để khuyên bảo những người Pharisêu đồng thời Ngài cũng cân nhắc các môn đệ, tức là những ai đi theo Ngài, cần tránh những thái độ ảo tưởng trước cái chóng qua của trần gian, cái ảo tưởng đó sẽ làm người môn đệ mất đi tất cả. Ngược lại người môn đệ cần sống khiêm nhường, đơn sơ và trở nên nhỏ bé. Khi đặt đủ điều kiện đó ngưới môn đệ sẽ được diễm phúc, sẽ được vinh dự khi ở trên Quê Trời.Lạy Chúa, xin ban cho mỗi người chúng con biết ý thức mình là hư vô trước mặt Chúa, chúng con chẳng đáng là gì nếu Chúa không nâng lên, chúng con chẳng đáng là gì nếu Chúa không ban cho.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con biết noi gương Mẹ Maria sống khiêm nhường để đời sau chúng con cũng được diễm phúc như lời Chúa hứa: “Người sẽ nâng cao những kẻ khiêm nhường”.

Tiệc (04.11.2017)

Trong xã hội, giao tiếp là điều không thể thiếu, nó giúp con người gắn kết với nhau. Tuy nhiên, giao tiếp thông thường chưa đủ, con người còn muốn có thêm những sự kiện để thông qua đó, họ thêm gắn bó và hiểu nhau hơn. Đó là một trong những lí do khiến các buổi tiệc ra đời. Ngày nay, những buổi tiệc ngày càng phổ biến hơn, và tất nhiên, nó thường đi kèm với mục đích khác nhau.

Xét theo mục đích thông thường nhất, dễ nhận thấy nhất và đơn giản nhất, tiệc là nơi người ta cùng nhau tụ họp để chia sẻ niềm vui hoặc nỗi buồn. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, ẩn đằng sau các buổi tiệc ấy có thể là những mục đích khác. Không ít người muốn thông qua buổi tiệc có thể khuếch trương danh tiếng, gia sản, họ muốn cho người khác nể phục, trầm trồ về sự sa hoa, giàu có của mình. Tuy nhiên, cũng có những người dùng bữa tiệc để thực hiện mục đích không tốt, chẳng hạn như dò xét người khác, điển hình là những người Pharisêu trong Tin Mừng hôm nay.

Nhóm Pharisêu là những người chống đối Đức Giêsu, họ đã thử Người hết lần này đến lần khác nhưng vẫn không thể bắt lỗi được Người. Lần này cũng không ngoại lệ. Theo Thánh Kinh thuật lại, mục đích của họ khi mời Đức Giêsu đến bữa tiệc hôm nay là “cố dò xét người”. Dường như Người là cái gai trong mắt của họ, khiến họ khó chịu, bực tức và muốn dùng mọi cách để loại trừ Người.

Qua đó, ta có thể so sánh được thái độ giữa nhóm Pharisêu và những người họ gọi là “kẻ tội lỗi”. Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giêsu dùng bữa với những người tội lỗi nhưng chưa bao giờ chúng ta nghe việc họ thử người. Tại sao lại như vậy? Có lẽ, một phần là do họ ý thức được mình là phận người tội lỗi, chẳng xứng đáng lên án ai. Nhưng chính nhờ sự khiêm nhường ấy đã khiến họ được tha thứ. Ngược lại, nhóm Pharisêu là tự xem mình là người công chính, tự cho mình là người thánh thiện nên luôn soi mói “cái rác” trong mắt người khác mà bỏ qua “cái xà” trong mắt mình. Chính vì thế, họ chẳng buồn nghe những Lời rao giảng của Đức Kitô và tự bóp nghẹt mình trong cái tôi tự mãn ấy.

Khác với họ, Đức Giêsu là người Thầy vĩ đại và tài ba, Người dạy dỗ con người mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh và bữa tiệc trong bài Tin Mừng hôm nay cũng thế. Thông qua nó, Người dạy chúng ta bài học vô cùng cần thiết: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Qua đó, Người muốn chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của đức tính khiêm nhường. Kẻ càng tự mãn, cho mình là nhân vật quan trọng sẽ phải bẽ mặt, hổ ngươi khi nhân vật quan trọng thực sự xuất hiện và đuổi họ về vị trí của mình. Đây là bài học người dạy cho đám đông dân chúng, nhưng cũng chính là cái tát thẳng tay vào mặt những kẻ tự cho mình là công chính – những người Pharisêu: Kẻ tự mãn sẽ có ngày phải xấu hổ bởi chính thói xấu đó của mình.

Ngày nay, tiệc là một nhu cầu không thể thiếu của con người. Thông qua bữa tiệc, người ta có thể thực hiện những mục đích khác nhau. Vậy chúng ta thì sao? Chúng ta dùng bữa tiệc để “chia ngọt, sẻ bùi” như bản chất của nó hay dùng nó để tìm cách bắt chẹt, lên án người khác? Nếu không thể dạy dỗ người khác như Đức Giêsu thì cũng đừng nên làm gương mù, gương xấu cho họ. Kẻo một ngày Người sẽ hỏi tội chúng ta vì đã làm cớ cho người khác vấp phạm.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm nhường như lời Ngài dạy, cho chúng con biết nhận ra thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình; để từ đó, chúng con biết cảm thông cho tha nhân. Xin cho chúng con luôn hành động vì mục đích thánh thiện, đừng vì sự hơn thua, ganh ghét khiến chúng con bất hòa. Xin cho những buổi tiệc trở về đúng bản chất của nó, nơi người ta quây quần bên nhau, chia sẻ niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau trong cuộc sống. Để từ đó, chúng con trở nên gắn kết với nhau mỗi ngày một nhiều hơn. Amen.  

 Petrus Sơn

Chỗ cuối

Nếu như ta biết rõ Chúa đặt ta vào chỗ nào, thì ta phải theo đúng như thế, không bao giờ được tìm chỗ cao hơn hay chỗ thấp hơn. Nhưng trong tình cảnh hiện thời, quyết định của Chúa vẫn trong vòng bí mật, và ý muốn của Chúa vẫn đang được dấu kín. Bởi thế, tốt nhất là ta hãy nghe theo lời khuyên của Đấng là Chân Lý mà chọn lấy chỗ cuối.

Ta hãy tưởng tưởng như thế này: Có một người kia mà ta cho là kẻ xấu xa nhất, đáng khinh nhất, đang sống một cuộc đòi khiến ta ghê tởm. Và bạn nghĩ rằng mình có thể khinh miệt hắn, không những vì khi so sánh mình với hắn, bạn thấy ít nhất mình cũng đang sống thanh bần, công bằng, đạo đức, nhưng còn vì khi so sánh hắn với những kẻ bất lương khác, bạn thấy rằng không ai tệ như hắn. Nhưng có biết đâu rằng ngày nào đó hắn sẽ tốt lành hơn bạn, và dưới con mắt Chúa, bây giờ hắn đã tốt lành hơn bạn? Chính vì thế, Chúa đã không muốn ta lấy chỗ ở hàng giữa, hay ở hàng gần cuối, hay một trong những chỗ ở hàng cuối, nhưng Ngài nói rõ: “Hãy chọn chỗ cuối”, để mình thực sự đúng là kẻ duy nhất ở hàng cuối. Bấy giờ bạn khỏi phải nghĩ đến chuyện, tôi không nói là xích lên hàng trên, nhưng đơn giản là so sánh mình với bất cứ ai khác.

Thánh Bênađô

CHỌN CHỖ ĐÚNG

“Khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗ cuối.” (Lc 14,10)

Suy niệm: Có người muốn áp dụng dụ ngôn Chúa Giêsu dạy, khi đi ăn cưới, đã đến ngồi ở chỗ cuối hết. Ngồi mãi không thấy ai mời mình lên chỗ trên, anh ta mới kêu trách chủ tiệc. Chủ tiệc sai người đến nói với anh: “Này bạn, sao bạn kêu trách? Không ai mời bạn lên ghế trên vì bạn đã ngồi đúng chỗ của bạn rồi.” “Dụ ngôn” cải biên trên đây nói lên một thực tế, đó là có nhiều người đã áp dụng Lời Chúa dạy một cách thô thiển: “ngồi chỗ cuối” với hậu ý để được mời lên chỗ trên! Đối với con người, được tham dự bàn tiệc thiên quốc là hạnh phúc và đích điểm cuộc đời; “ngồi vào chỗ cuối” trong bàn tiệc đó là xác nhận đúng thân phận mình là thụ tạo của Thiên Chúa; còn việc “ngồi chỗ nhất” hay “ngồi hai bên tả hữu” là việc của Chúa Cha, vị chủ tiệc, “đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (x. Mt 20,23).

Mời Bạn: Để được ngồi chỗ đúng trong bàn tiệc thiên quốc, chúng ta hãy chọn chỗ cuối đích thực trong cách cư xử đối với tha nhân: đó là chọn tư thế sẵn sàng phục vụ ở những việc âm thầm, bé mọn, được coi là dành cho hàng tôi tớ; đó là chấp nhận bị quên lãng mà không buồn bực sau khi đã hoàn thành bổn phận của mình một cách tốt đẹp. Để biết mình có thực sự chọn chỗ cuối hay không, không chỉ xét mình có nhũn nhặn khiêm tốn khi có ai khen mình mà còn phải xét mình có “xù lông nhím” lên khi có người chê bai mình hay không nữa.

Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn nâng mình lên chẳng may bị hạ xuống.

Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ âm thầm mà tôi vốn thường tránh né.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết khiêm nhường phục vụ như Chúa đã nêu gương cho chúng con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *