Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? “24 Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? ” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy? “26 Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.”27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
Thiên Chúa Đấng uy quyền và toàn năng (16.12.2024)
Ghi nhớ:
Họ trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết.”Người nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.” (Mt 21, 27)
Suy niệm:
Thời Xuân Thu chiến quốc, Án Tử được cử đí sứ sang nước Sở. Nghe tin ấy vua Sở liền họp bàn với quần thần: “Án Tử là người có tài ăn nói mà nước Tề sắp phái sang đây. Nhân dịp này ta muốn làm cho hắn bị nhục, các khanh có kế gì không?”
Cận thần thưa:“Để khi Án Tử sang chầu kiến, chúng tôi sẽ trói một người nước Tề và nói là phạm tôi ăn trộm”.
Đúng như đã âm mưu trước, khi Án Tử đến nơi, vua Sở làm tiệc khoản đãi. Đang lúc giữa bữa tiệc, bỗng có hai tên lính điệu một người bị trói vào, vua Sở hỏi: “Tên này phạm tôi gì mà bị bắt thế?”Họ đáp: “Đây là một người nước Tề, phạm tôi ăn trộm”. Vua Sở đưa mắt nhìn Án Tử và nói: “Người nước Tề hay trộm cắp lắm sao?”.
Án Tử bèn đứng dậy thưa: “Chúng tôi nghe nói rằng; cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là quất ngọt, nhưng khi đem sang trồng ở đất Hoài Bắc lại trở thành quất chua! Cây thì giống nhau nhưng trái thì chua ngọt khác nhau là tại sao vậy? Thưa, là tại thuỷ thổ. Nay người dân ở bên nước Tề thì sống hiền lành, lương thiện, mà sang nước Sở lại sinh ra trộm cắp, đó cũng là tại bởi thổ nhưỡng đó thôi”.
Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Mát-Thêu thuật lại câu chuyện là khi Đức Giêsu vào Đền Thờ mà giảng dạy dân chúng thì các thượng tế và kỳ mục đến và chất vấn Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” “Điều ấy” ở đây là ngoài sự giảng dạy dân chúng ra, hôm trước Người còn xua đuổi những người buôn bán, cùng lật nhào bàn ghế của những kẻ đổi bạc và bán bồ câu. Ý họ muốn khẳng định là trong Đền Thờ này, ngoài họ là những thượng tế, những kỳ mục hay các kinh sư thì không ai có quyền hành trong Đền Thờ này cả. Nhưng thay vì trả lời trực tiếp vào câu hỏi của họ, Đức Giêsu lại đặt ra một câu hỏi “phản hồi”: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan ở đâu mà có? Do trời hay do người ta?”. Câu hỏi này khiến họ lúng túng, bởi lẽ trả lời là Do trời hay Do người ta thì họ đều gặp bất lợi. Vì thế cho nên, để chối bỏ sự thật, họ chỉ trả lời rằng: “Chúng tôi không biết”. Qua câu trả lời như vậy, thì đồng thời cũng giãi bày ra tâm địa xấu sa của nhóm thượng tế và kỳ mục này: Đó là họ không có lòng hướng thiện, hay nói cách khác là họ không có thành tâm thiện chí, không muốn tìm đến Chân-Thiện-Mỹ.
Cái lo trước mắt của họ chỉ là việc sợ Đức Giêsu sẽ làm lu mờ sức ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo của họ trong Đền Thờ, hay nói cách khác là trong đạo giáo mà họ đang độc quyền nắm giữ.
Chúa đến để thay đổi diện mạo thế giới, Người khai sáng và chỉnh đốn những gì lệch lạc, thế mà thay vì với vai trò những người hướng dẫn tôn giáo, thì đáng lẽ ra, các thượng tế và kỳ mục phải dẹp đi cái tâm địa hẹp hòi, cố chấp của mình và để tâm dõi theo những việc làm và những điều giảng dạy của Đức Giêsu và khi nhận biết Người chính là Đấng có quyền năng từ trời, thì lẽ ra họ phải ủng hộ và hô hào mọi người đến với Người.
Qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta rút ra bài học là đừng để cho tâm địa hẹp hòi, thành kiến và những lợi lộc phù vân trước mắt làm mê muội tâm trí, để rồi không còn nhìn ra sự thật, không nhận ra quyền năng vô cùng của Đấng tạo thành Trời Đất vũ trụ. Phải có một tâm hồn ngay thẳng và khách quan, chúng ta mới dễ dàng tìm đến được với Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết quy phục quyền năng của Người, bởi Người là Đấng toàn năng, vì thế ngoài việc nhìn nhận ra uy quyền của Chúa chúng con còn phải cao rao Danh Chúa cho mọi người. Amen.
Sống lời Chúa:
Tin tưởng tuyệt đối vào uy quyền của một Thiên Chúa toàn năng.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Mến yêu và tin tưởng vào Chúa (12.12.2022)
“Phép rửa của ông Gioan bởi đâu mà có?”
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” – câu hỏi của các thượng tế và kỳ mục thoạt nghe có vẻ họ muốn tìm hiểu về Chúa Giêsu, họ đang đi tìm sự thật về Chúa Giêsu, nhưng thực ra họ đặt ra câu hỏi đó có mục đích là để bắt bẻ và tìm cớ hại Người.
Chúa Giêsu biết rõ âm mưu của họ, lường trước được những hệ lụy nếu như chọn bất cứ vế nào trong câu hỏi của họ, và vì “giờ” của Người chưa đến, nên Chúa Giêsu đã hỏi ngược lại họ: “Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Nếu cái bẫy mà họ đưa ra cho Chúa để dồn Người vào chân tường, thì giờ đây, họ lại thay thế chỗ của Người khi bị hỏi ngược lại! Tuy nhiên, mục đích của Chúa Giêsu thì khác họ, Người không muốn đẩy họ vào đường cùng, Người đã tỏ ra khoan dung và nhân từ trước thái độ cố chấp của họ, Người muốn cho họ nhận ra vai trò của Đấng Cứu Thế, nhận ra được sự thật về Người và tin vào Người.
Tuy nhiên, vẫn lòng chai dạ đá, họ đã trả lời cách vu vơ: “Chúng tôi không biết.” Nhưng khi trả lời như thế, họ đã lãnh nhận hậu quả nặng nề, vì họ là những người lãnh đạo tinh thần, nên sự xuất hiện của Gioan, họ phải biết rằng ông là ai? Đằng này lại nói không biết, chứng tỏ họ vô trách nhiệm và hèn nhát vì không dám chấp nhận sự thật.
Chúng ta có thể thấy được ý muốn của Chúa Giêsu, nhận ra được tấm lòng thương xót của Người khi Người nhắc lại cho các thượng tế và kỳ mục về phép rửa của Gioan Tẩy Giả. Cuộc đời và lời giảng dạy của Gioan Tẩy Giả không những thu hút nhiều người đến nghe giảng, mà còn chịu phép rửa thống hối. Vậy mà Gioan chỉ coi mình là tiếng kêu trong sa mạc, dọn đường cho Đấng đến sau ông. Lời của Gioan Tẩy Giả chính là một chứng từ về sự thật: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” Như thế, khi nhắc về Gioan Tẩy Giả và phép rửa của ông là Chúa Giêsu muốn các thượng tế và kỳ mục chấp nhận sự thật. Nhưng họ vẫn cố chấp và ác ý, khiến họ không thể trở thành môn đệ của Người.
Ngày nay, phải chăng chúng ta cũng đang chất vấn Chúa về điều ấy? Có thể chúng ta không dùng lời lẽ chất vấn Chúa như họ, nhưng chính chúng ta cũng đang chất vấn, thách thức quyền của Người mỗi khi chúng ta phản nghịch, không để cho Người hoạt động, hoặc gạt Người ra khỏi cuộc đời của ta; thậm chí ngay cả khi Người muốn băng bó, chữa lành những vết thương cho ta, thì ta lại từ chối hoặc đẩy Người ra xa. Thiên Chúa yêu ta vô vàn đến độ trở nên lệ thuộc trong hình hài trẻ thơ, bất lực trên thập giá và thụ động trong hình bánh bé nhỏ. Cho nên, mỗi một lần chúng ta thờ ơ hoặc cự tuyệt tình yêu của Người, là chúng ta đang tước đi quyền yêu thương của Chúa.
Trong thế giới hôm nay Thiên Chúa vẫn đang đối thoại, mời gọi mỗi người chúng ta không ngừng tìm hiểu sự thật, và chúng ta được cứu rỗi hay bị luận phạt là tùy thuộc thái độ đón nhận hay khước từ lời mời gọi đó. Ước chi mỗi người chúng ta có thể nghe thấy tiếng Chúa giảng dạy trong hội đường – cuộc sống của mỗi người chúng ta – và ước chi khi ấy, mỗi người chúng ta có thể như dân chúng – vây quanh để lắng nghe Lời Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn tin nhận Chúa là Đấng đã đến trần gian để cứu chuộc nhân loại, cứu chuộc chúng con; xin cho chúng con nhận ra được ánh nhìn nhân từ và tấm lòng thương xót của Chúa, để chúng con luôn siêng năng đến với Chúa và được tắm trong đại dương ân sủng của Chúa. Amen.
Joston
Gậy ông lại đập lưng ông (13.12.2021)
Ngày 13.12: Lễ Nhớ Thánh Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo
MƯU HÈN KẾ BẨN
Chuyện kể rằng, khi Án Anh đi sứ nước Sở, Vua Sở cho bắt một tên ăn trộm vào để xử trước mặt Án Anh. Vua Sở hỏi: Kẻ ăn trộm đó là người ở đâu vậy? Quân lính trả lời: Dạ thưa người nước Tề. Quay sang Án Anh, vua nói: Người nước Tề các ngươi sao là toàn là kẻ trộm cắp thôi vậy. Án Anh trả lời bằng một câu chuyện, quả cam. Ông kể: Cây cam khi trồng ở đất Phương Nam thì sinh ra trái ngọt hương thơm, lá xanh trái đẹp, mùi vị thật là ngon. Khi đem nó trồng nơi đất Bắc thì cho ra quả chua trái xấu, mùi vị the đắng, đó là tại khác thổ nhưỡng. Cũng vậy, Người ở phương Nam thì hiền lành chất phác thật thà, sang đến đất Bắc thì thổ nhưỡng sinh ra tệ nạn trộm cắp.
Con người là thế, ở môi trường nào thì bị ảnh hưởng bởi môi trường đó, giữ trong tâm những điều xấu, điều ô uế thì lời nói, việc làm đều thể hiện xấu. Ở trong môi trường gian tham trộm cắp, giữ trong lòng điều gian tham thì ắt sẽ trở thành kẻ trộm cắp. Những thượng tế và kỳ lão là những người được học cao hiểu rộng, là những người đã sống lâu năm có dày dạn kinh nghiệm, nhưng họ là những người sống trong một môi trường chỉ biết lên án kết tội người khác, chỉ biết loại trừ những ai không thuộc về mình, không theo phe của mình. Từ lâu, họ đã là những người đối xử tệ với các tiên tri, ngôn sứ như đối xử với tiên Elia vậy. Cho nên, khi Chúa Giêsu xuất hiện họ luôn tìm mọi cách để triệt hạ, để loại trừ và giết Chúa khỏi tai mắt của họ. Vì Chúa Giêsu đã làm những điều phi thường hơn họ, lôi kéo dân chúng đi theo Chúa Giêsu, từ bỏ không còn tin theo họ nữa, đồng thời họ luôn bị Chúa Giêsu lên án.
Chính họ luôn tìm cách giăng bẫy hại Chúa Giêsu, Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện giữa họ và Chúa Giêsu, họ giăng bẫy hại Chúa nhưng lại bị Chúa Giêsu dạy cho một bài học, đó là hại người thì sẽ bị chính cái bẫy của mình hại lại mình.
Ngày nay xu thế bầy đàn, xu thế a dua, xu thế loại trừ đang phát triển khắp mọi nơi trên trái đất, khắp mọi miền dân cư, trong lòng rất nhiều người, ở nơi nông thôn đến thành thị, ở trong hội đoàn trong giáo xứ và ở trong lòng mỗi con người. Như việc yêu thích ủng hộ thần tượng của mình đến nỗi gần như mù quáng, điển hình như trong việc đi làm từ thiện, cả đám đông fan thần tượng đã cổ vũ và đóng góp tiền của cho một người, rồi sau đó lại chính họ thất vọng về thần tượng của mình.
Cuộc sống có muôn điều mê tín bởi chính tín ngưỡng mình tôn thờ. Có rất nhiều người đã tin theo kiểu mê tín ngu muội, giữ đạo từ lúc con trong bụng mẹ, nhưng khi lớn lên nghe theo những điều lầm lạc, bỏ đạo hoặc xa cách đạo bằng nhiều kiểu để tin theo những điều xấu như tin theo sứ điệp từ trời, để rồi phê phán và lên án giáo hội, lên án hàng giáo phẩm, chê trách các vị chủ chăn ngay tại giáo xứ, trong giáo hội, thâm chí tin theo lời nói quỷ dữ đội lốt Đức Giáo Hoàng… Còn nhiều những cái ngu muội đã lập nên những mưu hèn kế bẩn để dụ dỗ người khác tin theo, như trong vụ việc Giáo Điểm Truyền Giáo, để rồi có rất nhiều giáo dân đã lên án gắt gao cha xứ của mình, và gây nên bè rối chống đối nhau, trong một giáo xứ bị chia rẽ sâu sắc giữa những người theo Cha Long và những người theo Cha xứ của mình, giữa những hội đoàn Lòng Thương Xót Chúa với những hội đoàn khác, kéo dài theo thời gian.
Còn rất nhiều những mưu hèn kế bẩn để hại nhau, chỉ vì cái ranh giới, chỉ vì cái nhỏ mọn mà hại nhau, cũng bởi trong lòng nuôi dưỡng những điều ác, điều xấu mà dẫn đến những hành động xấu. Cuối cùng chỉ làm cho chính mình bị tổn thất, bị thiệt hại, có khi tan cửa nát nhà…
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cất khỏi con những ganh tị nhỏ nhen, những hận thù vô cớ, những chia rẽ bất hoà, để con luôn nhận biết Chúa hiện diện trong mỗi người xung quanh con, cho con luôn biết yêu thương và hiệp nhất với mọi người trong cùng một Cha chúng Trên trời.
Hư Vô
Bối rối cuộc đời (14.12.2020)
Ngày 14.12: Lễ Nhớ Thánh Gio-an Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Bối rối là lúc tâm tưởng của mình mất bình tĩnh, thiếu sáng suốt và sự khôn ngoan cũng ẩn nấp bên dưới sự lú lẫn.
Chuyện kể rằng, Có gia đình kia bị hoả hoạn cháy nhà. Mọi người lo chạy ra ngoài, vội vàng mang đồ đạc trong nhà ra ngoài. Chạy đủ thứ tủ bàn quần áo xong. Chợt nhớ lại đứa con đang ngủ trong phòng, nhưng đã không còn cơ hội để cứu nữa.
Sự bối rối tùy thuộc vào tình huống mà có những phản ứng khác nhau, và tùy thuộc vào khả năng tu thân hoặc kinh nghiệm từng trải mà có phản ứng tốt xấu khác nhau.
Sự bối rối và kèm theo lo sợ của Đức Mẹ khi nghe sứ thần nói: Bà sẽ thụ thai. Một cô gái trinh tiết, khiết tịnh và vô cùng đạo đức làm sao lại có thể mang thai chứ, khi chưa có chồng.
Kinh thánh tả Đức Mẹ vô cùng bối rối và lo sợ, “Nghe lời ấy bà rất bối rối” (Lc1, 29), sứ thần nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ” (Lc 1, 30). Sau giây lát, khi nghe sứ thần giải thích thì Đức Mẹ bình tâm. Sự bình tâm của Đức Mẹ là sự tràn đầy ơn Chúa, vì Đức Mẹ ngay khi còn nhỏ đã sống đời tận hiến cho Thiên Chúa, chuyên cần cầu nguyện và học hỏi kinh thánh, nên sau khi bối rối và lo sợ, Đức Mẹ được tràn đầy ơn khôn ngoan, ơn sáng suốt để nhận ra mình là tôi tớ của Thiên Chúa, lời sứ thần là Lời Thiên Chúa, Đức Mẹ được biến đổi và đã thưa Xin Vâng.
Dân Israel là dân được Chúa chọn làm Dân Riêng, được mạc khải rất nhiều điều về Thiên Chúa qua các ngôn sứ, các tiên tri, và nắm giữ các lề luật kinh thánh, những lời tiên báo về Đấng Cứu Chuộc sẽ đến. Nhưng khi Chúa Giêsu Kitô đã đến và ở giữa các ông, mà các luật sĩ, tư tế, biệt phái lại không nhận ra Chúa Giêsu Kitô.
Lời sấm của Balaam nói về Đấng Toàn Năng sẽ đến: “Một ngôi sao từ Gia cóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện”. Tiên tri Isaia cũng đã tiên báo: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel” (Is 7, 14).
Tất cả những lời tiên báo về Chúa Giêsu Kitô, họ đã họ nghe biết và học hỏi kinh thánh từ đời nọ đến đời kia, nhưng khi Chúa xuất hiện thì lòng họ rất bối rối và lo sợ.
Sự bối rối của các luật sĩ và biệt phái về Chúa Giêsu, mặc dù những phép cả thể Chúa làm nhưng họ vấp phạm, vì Chúa Giêsu cũng được sinh ra từ làng quê nghèo Be-lem, cũng chỉ là con người nên họ bối rối không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Thánh, và họ lo sợ vì lời giảng dạy của Chúa Giêsu có uy quyền, Lời chữa lành (hãy vác chõng mà về), Lời trừ tà thần ma quỷ (quỷ cũng phải nghe lời), Lời ban sự sống (Larazo sống lại), Lời mà toàn dân nghe theo Chúa mà bỏ họ, nên họ sợ. Và họ cứ bối rối lo sợ mặc dù đã nghe và thấy những phép lạ Chúa Giêsu đã làm, để rồi họ không tin.
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (21, 23-27) đã tường thuật sự nghi ngờ, bối rối khi họ đối thoại với Chúa Giêsu.25 Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? 26 Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri” (Mt 21, 25-26). Chính họ không nhận ra Chúa, vì họ không thuộc về Thiên Chúa, họ thuộc về chính họ, thuộc phàm tục, thuộc trần gian.
Nên khi gặp bối rối lo sợ họ không có ơn Chúa giúp, họ không nhận được Thần Khí và không có sự khôn ngoan sáng suốt, họ không được biến đổi để tin như Đức Mẹ đã tin lời thiên sứ.
Lạy Chúa Giêsu, con thường xuyên gặp bối rối và lo sợ. Bối rối vì cuộc đời con có quá nhiều chơi vơi, bấp bênh. Lo sợ vì con quá yếu đuối, lúc nào con cũng có thể sa ngã, quỵ té trong đam mê tội lỗi. Xin Chúa cho con luôn biết noi gương Đức Mẹ Maria mà tận hiến cho Thiên Chúa, tận hiến cho Mẹ để nhờ Mẹ giúp mà con trọn vẹn thuộc về Thiên Chúa, nhận ra Chúa trong mọi biến cố cuộc đời con.
Hư Vô
Thiên Chúa cúi xuống trên dân Người (16.12.2019)
“Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?” (Mt 21, 25)
Trong mắt các thượng tế và kỳ mục, Đức Giê-su là một con người mạt hạng cùng đinh, lại giảng dạy điều phi thường, cao cả, lại thực hiện những việc kỳ diệu, lạ lùng…Bởi vậy, họ hỏi Người: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã
ban quyền ấy cho ông?”. Họ vẫn hiểu được rằng chỉ có Người của Thiên Chúa mới có thể nói và làm những điều kỳ diệu như thế, nhưng họ không muốn tin Đức Giê-su là Người của Thiên Chúa sai đến. Bởi không lẽ Đấng Thiên Sai, Người của Thiên Chúa lại hèn mọn, tầm thường đến như thế sao!
Bệnh của những con người kiêu căng: Không dễ gì chấp nhận ai hơn mình. Không dễ gì cúi xuống, xót thương cảm thông, phục vụ. Không dễ gì chung đụng, xen lẫn, hòa nhịp với đám bần dân cùng đinh khốn khổ… Bệnh này cho tới nay vẫn còn. Và đáng tiếc là vẫn còn nơi những con người mang sứ vụ của Chúa Giê-su, nơi mỗi chúng ta, những Ki-tô hữu. Từ chỗ kiêu căng, trọng mình khinh người, chúng ta đã trở nên vô cảm hồi nào không hay biết. Sự vô cảm ấy đã thành chuyện thời sự
thật là đáng tiếc vì đi ngược đường với Chúa Giê-su, và đi về phía đồng bọn với các thượng tế và kỳ mục, biệt phái luật sĩ…
Xin nhớ cho rằng: những cử chỉ nhỏ biểu lộ một tình yêu lớn. Một cung cách nhỏ tỏ bày một sự trân trọng lớn. Những người nghĩ mình là cao trọng thường quên thực thi những cử chỉ, cung cách nhỏ ấy. Thật đáng tiếc. Một cái cúi xuống chào
hỏi. Một lần viếng thăm. Một chút tận tình. Một chỗ dừng xe đón người đi nhờ. …mà cũng không thực hiện được, thì làm gì nói chuyện noi gương Con Thiên Chúa mà cúi mình xuống trên dân Người. Chúng ta hãy cố gắng học tập theo gương Chúa Giê-su: yêu thương, phục vụ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống khiêm nhượng, chân thành và nhạy bén, để nhận ra Chúa,yêu thương và phục vụ Chúa nơi những người bé nhỏ. Amen.
Sống trong Sự Thật (12.12.2016)
1. Ghi nhớ:
Đức Giêsu đáp: “ Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi ; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21, 24-25).
2. Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đặt lại vấn đề với các thượng tế và kỳ mục về sứ vụ của ông Gio-an Tẩy giả và dồn họ vào thế lưỡng nan. Thế nhưng, mọi người đều nhìn nhận ông Gio-an là ngôn sứ Thiên Chúa sai đến và sứ vụ của ông là làm chứng cho Chúa Giêsu. Và đối với mọi người các ông là bậc thầy của dân, tại sao lại không biết? Tuy thế, Chúa Giêsu hỏi về sứ vụ Gio-an không phải Ngài muốn bắt bẻ gây khó cho họ, với sự quảng đại Chúa muốn họ sống và chấp nhận sự thật về Gio-an Tẩy Giả là người dọn đường cho Chúa đến, với họ vẫn là “mũ ni che tai” bằng cách sống bàng quan, sống tiêu cực, gác bỏ ngoài tai, trốn tránh sự thật và họ đã chối từ bằng cách trả lời với Chúa Giêsu: “Chúng tôi không biết”
Ngày nay khi chúng ta đang đối diện với sự thật, bằng cách sống với lương tâm và công chính, cuộc sống muôn mặt rất cần sự giúp đỡ bao người cô thế cô thân, hoặc đang bị chà đạp danh dự ức hiếp, rất cần những bàn tay nâng dỡ che chở của bao tấm lòng từ bi đón nhận che chở ủi an, nhưng đôi khi chúng ta né tránh hay vẫn thường nói “chúng tôi không biết”. Với câu “không biết” tưởng như là vô thưởng vô phạt, nhưng thực sự là tâm hồn chứa đựng toan tính vì lo sợ ảnh hưởng đến mình.
Nếu mọi người cứ sống theo thái độ này, tâm hồn mỗi người chẳng bao giờ biết dọn đường cho Chúa đến. Điều quan trọng nhất sống trong sự thật là phải sống bằng tấm lòng quảng đại yêu thương, tâm hồn mỗi người không ít nhiều có sự kiêu ngạo hay toan tính hẹp hòi hay có thể thiếu vắng tình yêu.
Sống trong Mùa Vọng này, để nhìn lại chính mình, đã đến lúc chúng ta biết đến đích điểm dừng lại mà vượt qua bóng tối trần gian, của sự gian dối, biết tiến về sống trong sự thật bằng sống trong chân lý của Chúa Giêsu: “Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8, 32)
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu! Với tâm tình mong chờ ngày Chúa đến, xin hãy giúp chúng con vượt qua bao lối sống đắm chìm trong u mê của bóng tối. Xin cho chúng con từ bỏ sửa đổi lối sống ích kỷ, bàng quang, biết hy sinh can đảm sống trong sự thật trong sự yêu thương với mọi người chung quanh, hầu mong được đón nhận ân sủng bình an hạnh phúc trong ngày Chúa quang lâm. Amen.
M.Liên
Bệnh “Gato” (14.12.2015)
1. Ghi nhớ:
Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “ Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy ? Ai đã làm cho Ông quyền ấy ?” (Mt 21,23)
2.Suy niệm:
Mùa vọng là thời gian chuẩn bị, suy gẫm nhìn lại mình từ cách sống, cách tìm Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay giúp ta suy xét nhiều cách chọn lựa trong cuộc sống cá nhân hay riêng tư của mỗi người, có những con đường dẫn đưa ta đến với Chúa, hay có những rào cản khiến ta chùn chân mỏi gối không chịu tiến bước chạy tới gần Ngài “Ai đã làm cho Ông quyền ấy” (Mt 21,23)
Đừng kết án ai, bởi vì ta chưa hề biết họ ra sao? Chỉ vì nghe mọi người nói khi ta chưa hề kiểm chứng hay nhận định sự việc, căn bệnh xã hội ngày nay là bệnh “gato” – bệnh “ghen ăn tức ở” nên họ mắc bệnh này bao giờ cũng muốn không ai hơn mình, tìm cách xuyên tạc mọi thông tin hay bới lông tìm vết để hạ bệ “đối thủ”, căn bệnh này từ thời Chúa Giêsu, các thượng tế và kỳ mục vẫn mắc phải khi hạch sách Chúa “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy”
Thế nên Chúa muốn chữa căn bệnh của con người từ sự nhận thức của họ, từ trong tâm hồn, và đó cũng là lý do Chúa đã nêu ra câu hỏi “ Vậy phép rửa của Ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta ?” (Mt 21, 25). Với tấm lòng thương xót, Chúa đã nhắc lại phép rửa của Ông Gio-an để chúng ta chấp nhận sự thật, nhưng họ vẫn ngoan cố và ác ý, nên không thể làm môn đệ của Ngài.
Cuộc đời luôn có những con người với sự ghen tương đố kỵ, đó cũng là tảng đá làm ta vấp ngã, ta sống nơi cộng đoàn tập tránh đi sự bè phái, làm hại nhau, hay hiểu lầm nhau, dẫn đến sự tổn thương, giết nhau bằng lời nói từng ngày từng giờ đôi khi ta không hề hay biết.
“Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27,6).
Trong thế giới hôm nay Thiên Chúa vẫn đang đối thoại với ta, mỗi người phải can đảm xét lại mình, đi tìm sự thật, tìm sự sống vĩnh cửu mai sau, giúp nhau đi đúng hướng, thế nên chúng ta được cứu rỗi hay luận phạt là tùy thuộc thái độ đón nhận hay khước từ lời Chúa đang mời gọi chúng ta.
3. Sống lời Chúa:
“Chính Thày là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thày” (Ga14,6)
4. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho chúng con một tấm lòng sám hối chân thành để mỗi người biết tìm về nẻo chính đường ngay, trong mùa vọng này xin Chúa hướng dẫn con luôn sống trong chân lý của Ngài. Amen.
M.Liên
Quyền và bổn phận loan báo
Khi ấy, Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (Mt 21,23).
Suy niệm: Các thượng tế và kỳ mục như đang rơi vào tình trạng hôn mê khi đối diện với Chúa Giêsu. Họ không còn nhớ gì về những điều Thánh Kinh đã nói về uy quyền Thiên Chúa, dù họ gần gũi sách Thánh. Thánh Kinh đã thuật lại Thiên Chúa chỉ dùng lời Ngài phán để tạo dựng vũ trụ. Ngài cũng đã mạc khải danh Đức Chúa của Ngài cho Môsê trước khi giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập và khi trao Lề Luật, Ngài cũng đã bày tỏ quyền năng của Ngài. Mọi sự Ngài nói và làm đều do quyền năng của Ngài. Thế mà những thượng tế và kỳ mục dám đến hạch hỏi Chúa Giêsu “lấy quyền nào” để giảng dạy. Dường như họ cho rằng chỉ có họ độc quyền nói về Thiên Chúa, nên những ai muốn tham dự vào quyền này nhất thiết phải có phép của họ. Nhưng đối với Chúa Giêsu, việc loan báo về Thiên Chúa là do bởi thánh ý của Chúa Cha, vì thế loan báo về Thiên Chúa không chỉ là quyền mà còn là bổn phận của Ngài đối với Chúa Cha.
Mời Bạn: Giáo Hội quả quyết, truyền giáo là một bổn phận của Kitô hữu và là quyền bất khả xâm phạm do đòi hỏi của ơn gọi Kitô hữu. Bạn lăn xả vào sứ mạng này hay còn chờ đợi một “giấy phép” cho sứ mạng này?
Chia sẻ: Kitô hữu lãnh nhận bổn phận truyền giáo từ khi nào?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn nói về Chúa cho một vài người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con mạnh mẽ nói về Chúa và xác tín những điều con loan báo trong mọi cảnh huống cuộc đời. Amen.
Khiêm nhường
1. Ghi nhớ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông biết là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy”. (Mt 21,27).
2. Suy niệm: Bài Tin Mừng cho ta thấy những người lãnh đạo Do thái tìm mọi cách để hại Đức Giêsu, họ căm ghét và tìm mọi cách để giết Ngài, nhưng chưa dám ra tay vì còn sợ dân chúng. Cũng vậy, khi chúng ta không có thiện chí đủ, hoặc thiếu khiêm nhường để thực thi lời dạy của Chúa chắc chắn chúng ta sẽ đi trong đêm tối của đức tin. Trong tâm tình của mùa vọng chúng ta hãy quyết lòng chạy đến với Chúa vì Ngài là Đấng cứu độ chúng, nên mỗi người hãy tỉnh thức để đón Chúa đến trong giây phút hiện tại và trong giờ sau hết của cuộc đời mình.
3. Sống lời Chúa: Sống khiêm nhường với mọi người.
4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, xin cho con sẵn sàng chờ đợi Chúa đến dù bất cứ lúc nào trong cuộc sống của con. Amen