Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: St 9,1-13 (năm lẻ), Gc 2,1-9 (năm chẵn), Mc 8,27-33
Bài đọc 1: St 9,1-13
Bài trích sách Sáng thế.
Thiên Chúa ban phúc lành cho ông Nô-ê và các con ông. Người phán với họ : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất. Mọi dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh hãi khiếp sợ các ngươi : chúng được trao vào tay các ngươi. Mọi loài di động và có sự sống sẽ là lương thực cho các ngươi ; Ta ban cho các ngươi tất cả những thứ đó, cũng như đã ban cỏ xanh tươi. Tuy nhiên các ngươi không được ăn thịt với mạng sống của nó, tức là máu. Nhưng Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi ; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình.
Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra,
vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa.
“Về phần các ngươi, hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và nảy nở thật nhiều trên mặt đất.”
Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông đang ở với ông rằng : “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi : chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa.”
Thiên Chúa phán : “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau : Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.”
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 8,27-33)
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ?” Các ông đáp : “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết : Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô : “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Một chút! Một chút thôi! (16.02.2023)
Sau khi đọc bài Tin Mừng của thánh Marco hôm nay, chắc cũng để lại cho chúng ta nhiều thắc mắc. Rõ rang là ông Phêrô đã tuyên xưng đức tin rất chính xác về Đức Chúa Giêsu. Và trong một trình thuật khác, ông cũng được chính Đức Giê su khen vì đã được Cha Thầy mạc khải cho nên con đã biết. Ấy thế mà khi Phêrô khuyên Người thì lại bị mắng:
“Satan, lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Thật khó cho Phêrô, ông cũng là con người, thì có tư tưởng của loài người là lẽ đương nhiên. Hẳn ông khuyên Người như thế vì ông rất yêu mến Người, ông không muốn Người phải chịu đau khổ làm chi. Chuyện bình thường, tôi chẳng bao giờ muốn người tôi yêu phải chịu cơ cực, sầu khổ.
Nhưng, Chúa Giêsu rất gay gắt, vì tư tưởng của Ngài là tư tưởng của Thiên Chúa, nếu Ngài nghe theo ông, thì tất cả con người chúng ta tìm đâu cho được ơn cứu độ. Ngẫm lại mà xem, con người chúng ta có suy nghĩ gì? Con người có lòng tham vô đáy, có sự ghen tị hơn thua, có những thủ đoạn mưu mô ghê tởm. Khi còn nhỏ, người ta thường hỏi: “Con sợ con gì nhất?”, nào là con ma, con chó, con nhện,… Nhưng bây giờ mới biết. Con đáng sợ nhất là chính con người.
Vì thế, con người mà không mang lấy tư tưởng và trái tim của Thiên Chúa thì người ấy chẳng màng gì đến người khác. Họ sống cho chính họ, gặp người kém hơn thì đè xuống cho tận đáy, gặp người giỏi hơn thì phải tìm cách tiêu diệt. Những tư tưởng ấy thì thật là của Satan.
Tư tưởng của Chúa dạy ta biết hy sinh chính bản thân mình vì tha nhân. Nghe có vẻ khó. Nhưng đôi khi hy sinh cho người thân trong gia đình của mình còn không làm được. Hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt trong gia đình. Thay vì cãi vã tới khi tan vỡ, thì hãy nhường nhau, mỗi người một chút một chút thôi. Nhiều người cùng nhường một chút thì đã chẳng có gây lộn.
Thật sự rất khó, con người chúng ta yếu đuối, chưa kể tính khí mỗi người khác nhau, làm sao mà nhịn được. Chính lúc đó ta mới cần nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá. Người ta chửi rủa, nhạo báng, giết chết Người, nhưng Người vẫn hy sinh để cứu họ. Hôm nay, bạn hãy mang lấy tư tưởng của Chúa, nhịn anh em mình chỉ một chút thôi, là bạn đã đến gần Thiên Đàng được thêm một chút rồi.
Ngọn cỏ ven đường.
Thầy là Đấng Kitô (17.02.2022)
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu khảo sát sự hiểu biết của dân chúng, của các môn đệ về chính mình thế nào. Trước hết Người thăm dò về quần chúng qua câu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Với câu hỏi này không phải Chúa chưa biết người ta hiểu về mình thế nào mà Chúa đã quá rõ tâm can họ. Nhưng là dịp Chúa muốn tỏ bầy cho các môn đệ điều lớn lao hơn. “Họ bảo Thầy là ông Gioan tẩy giả, có kẻ bảo là ông Elia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Vậy là người ta cũng chỉ mới nhìn nhận Chúa ngang tầm với các ngôn sứ. Rồi cho đến hôm nay người ta cũng chỉ mới nhận ra Người là bậc vĩ nhân trong các bậc vĩ nhân khác nữa.
Đến lượt các môn đệ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”. Phêrô đại diện, ông đã vượt xa hơn dân chúng kia. Ông đã nhận ra bản tính thâm sâu của Chúa Giêsu. Người không chỉ là một vị ngôn sứ mà Thiên Chúa dùng để hướng dẫn lịch sử nhân loại đến trọn vẹn thành toàn. Người là chính Đấng các ngôn sứ đã loan báo, Đấng Thiên Chúa Ngôi Hai Cứu Độ nhân loại. Đến đây Chúa Giêsu đã “cấm ngặt các ông, không được nói với ai về Người”. Cấm các ông, không phải Chúa chối từ tước hiệu ấy, nhưng là để đề phòng với nhóm biệt phái, những người Do Thái cứng lòng đòi phép lạ từ trời… sẽ tạo nên điều không thuận cho chương trình của Người chăng? Một mầu nhiệm của Vị Thiên Sai, nên người không được ơn soi sáng sẽ không thể biết được.
Chúa Giêsu bày tỏ dần công việc của Đấng Cửu Thế: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Người còn tiếp tục loan báo cuộc khổ nạn và phục sinh của Người tới lần thứ ba trong Tin Mừng Máccô, mà mỗi lần càng rõ ràng hơn nữa. Thật là bất ngờ với mọi người, kể cả các môn đệ, mà Phêrô đã tuyên tín Người là Chúa Cứu Thế. Phêrô đã tỏ ra cái khát mong Đấng Cứu Thế theo trần tục của ông và nhân loại thời đó. Ông cả gan dám“kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”. Các ông mong đợi một Đấng Cứu Thế binh hùng tướng mạnh, đánh đâu được đấy, của cải dư tràn… Phêrô đã phải nhận lời nguyền rủa đích đáng: “Xa tan lui lại đằng sau Thầy! vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”.
Phêrô được phúc nhận ra Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế nhưng chưa đầy đủ. Ông còn phải chờ những tháng ngày theo Chúa nữa để được tôi luyện. Ông còn phải nhờ đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người nữa thì ông mới trở nên con người hoàn hảo. Đến ngày ấy ông mới nhận ra bài học tuyệt vời mà Chúa Cứu Thế đã dạy ông là: “ Chúa Cứu Thế đã cứu chuộc nhân loại bằng cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Ai muốn đến bến bờ vinh quang với Chúa thì cũng phải vác thập giá đời mình mà theo”. Đây cũng là quy luật cho mọi thành công trên dương thế này nữa. Thánh Phêrô đã hết lòng bước theo con đường thập giá vinh quang ấy mà gánh vác trọn hảo những trách nhiệm, những đặc ân Chúa đã trao nơi trần gian này: “Phêrô con là đá trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy…Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy…” (Mt, 16-19).
Giờ đây thế giới vẫn còn hàng tỷ người chưa được phúc nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Mỗi người chúng ta phải làm gì để góp phần cho những người còn thiệt thòi ấy được ơn nhận biết Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế duy nhất của nhân loại?
Lạy Chúa Giêsu! Chính vì tội lỗi con mà Chúa đã phải chết nhục hình trên cây thập tự. Xin cho con ngày ngày biết quyết tâm xa lánh tội lỗi và kiên tâm vui vẻ vác thánh giá đời mình. Để con đáng được về hưởng hạnh phúc bên Chúa trên Nước Trời- Amen.
Giuse Ngọc Năng
Đấng Ki-tô (20.02.2020)
Chúa Giê-su đã làm rất nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với các Rabbi Do thái. Dân chúng đã bắt đầu bàn tán về Ngài. Người ta bàn tán rằng, Ngài có thể là ông Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó.
Trước những bàn tán của dân chúng về mình, Chúa Giê-su cũng muốn các môn đệ nói lên suy nghĩ của họ. Vì thế, như Tin Mừng hôm nay được thuật lại, khi đang đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su mới hỏi các ông: “Người ta nói Thầy là ai?”
Câu hỏi về lai lịch của Đức Giê-su không do thiên hạ hay các môn đệ nêu ra, nhưng do chính Đức Giê-su đặt ra cho các môn đệ như một con đường dọn sẵn. Ngài không hỏi trực tiếp, nhưng Ngài dẫn tới câu hỏi ấy: khởi đầu từ những ý kiến của dân chúng và sau đó là câu trả lời của các môn đệ.
Mở đầu, Ngài hỏi họ rằng, người ta nói gì về Ngài, và họ cho Ngài là ai.
Có thể các ông đã nghe người ta bàn tán và nói về Thầy của mình nhiều, nên khi Chúa hỏi, thì các ông, ai cũng trả lời ngay rằng: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”
Sau khi Chúa Giê-su đã nghe những lời nhận định của quần chúng qua các môn đệ, Ngài lại đặt câu hỏi đó cho các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
Đến phần mình, đứng trước câu hỏi đó, chắc là các môn đệ phải im lặng một chút, tâm trí hơi băn khoăn, lúng túng với những ý nghĩ mà họ e ngại phải nói thành lời. Chắc chắn là thế rồi, vì Tin Mừng thuật lại cho chúng ta biết, lần này chỉ có một mình ông Phê-rô trả lời. Ông Phê-rô đưa ra điều khám phá và lời tuyên xưng bất hủ của mình: “Thầy là Đấng Ki-tô.”
Nếu để ý, chúng ta thấy Ba sách Tin Mừng ghi lại câu nói của ông Phê-rô theo ba cách. Câu của Tin Mừng theo thánh Mat-thêu là: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.” (Mt 16,16). Câu của thánh Mác-cô ngắn nhất: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8,29). Câu của thánh Luca rõ nhất: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9,20).
Lời đáp của ông Phê-rô quả là một lời tuyên xưng đức tin: “Ngài là Đấng Ki-tô,” hay còn gọi là Đấng Mê-si-a, nghĩa là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. (Hai chữa Ki-tô và Mê-si-a đều có cùng một nghĩa. Mê-si-a là tiếng Do-thái ; Ki-tô là tiếng Hy-lạp, đều có nghĩa là Đấng được xức dầu).
Bây giờ Chúa Giê-su biết rằng ít nhất đã có một người nhận biết Ngài là Đấng Ki-tô, “Đấng Được Xức Dầu” của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa Hằng Sống. Ngày xưa các vua được xức dầu khi lên ngôi, ngày nay cũng vẫn thế. Đấng Mê-si-a, hay Đấng Ki-tô, Đấng Được Xức Dầu là Vua của nhân loại.
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, lời tuyên xưng khi xưa của ông Phê-rô: “Thầy là Đấng Ki-tô”, đó cũng phải là lời tuyên xưng thường xuyên không những trên môi miệng của chúng ta, nhưng còn phải là lời tuyên xưng thường xuyên trong lòng, trong suy nghĩ và trong từng hành động hay việc làm của chúng ta.
Tin Mừng này, và qua lời tuyên xưng của ông Phê-rô dạy chúng ta rằng, khám phá của chúng ta về Chúa Giê-su phải là một khám phá cá nhân. Mỗi người cần phải tuyên xưng như ông Phê-rô xưa rằng: “Thầy là Đấng Ki-tô”, là Con Thiên Chúa Hằng Sống, là Chúa của muôn loài. Chúa Giê-su luôn mời gọi và đòi hỏi chúng phải có nhận biết riêng của mình, Ngài không chỉ hỏi Phê-rô mà còn hỏi mỗi người: “Còn các con, các con bảo Ta là ai?”
Bình Minh
Chúng ta có một Đấng Cứu Chuộc (21.02.2019)
Ghi nhớ:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.” (Mc 8, 31).
Suy niệm:
Có một câu chuyện xảy ra cách nay không lâu. Tại tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc, có một người đàn ông tên là: Xia Jun. Vì gia đình nghèo khó, trong khi đó đứa con trai lại mắc trọng bệnh, nên để có tiền chữa trị cho con. Ông ta đã nghĩ ra cách: Đứng giữa đường phố, mặc một cái áo trắng trên đó ghi dòng chữ:
Xin mời mọi người hãy đấm vào cái bao cát sống này. Mỗi cú đấm xin trả cho 10 nhân dân tệ!.
Trước mặt ông thì để một cái hộp giấy, trên chiếc hộp này ông đã dán giấy chứng nhận của bệnh viện về tình trạng bệnh hoạn của đứa con cùng với hình ảnh của cậu ấy…
Phần đầu bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Và sau khi nghe các môn đệ trả lời rồi, thì Chúa Giê-su lại đặt hỏi một câu khác, quan trọng hơn để các ông là những người luôn đi sát cánh bên Ngài, nói lên suy nghĩ của mình: “ Còn anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi này đã được thánh Phê-rô thay mặt cho các môn đệ trả lời ngay: “Thầy là Đấng Ki-tô.”
Đấng Ki-tô mà các môn đệ hiểu biết ở đây là Đấng đã được Chúa Cha sai đến và đã được Chúa Thánh Thần xức dầu phong vương.
Trong bối cảnh một nước Do Thái đang bị đế quốc Roma đô hộ, thì việc cần thiết và cấp bách là phải có một yếu nhân tài ba xuất chúng đứng lên, có tài lãnh đạo, có sức lôi cuốn, có khả năng tập hợp mọi con dân lại để khôi phục chủ quyền lãnh thổ cũng như giành lại độc lập tự do cho đất nước, thì với nhãn quan của các môn đệ không còn ai hội đủ các điều kiện cần thiết cho bằng Thầy của mình là Đức Giê-su! Vì vậy các ông hiểu Đức Ki tô sẽ đứng lên chấp chánh làm vua lãnh đạo nước Israel mới.
Nhưng đó là một quan niệm sai lạc. Bằng chứng là khi Thầy Giê-su loan báo về cuộc thương khó, chịu nạn chịu chết và phục sinh để hoàn tất chương trình cứu chuộc Dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung thì cũng chính Phê-rô đã kéo Chúa ra riêng và trách Người. Cứ như suy nghĩ của Phê-rô và các môn đệ thì Thầy Giê-su mà bị bắt bớ, bị loại bỏ và giết chết thì làm sao có thể khôi phục nước Israel và lên ngôi vua được? Vì vậy, ông đã quyết liệt phản đối; “ Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp chuyện ấy.” (Mt 16, 22).
Nhưng Phê-rô đã bị Chúa quở trách nặng lời: “Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Mục đích Chúa Giê-su xuống thế gian để rảo giảng Tin Mừng và Cứu độ loài người. Và Ngài sẽ hoàn tất sứ mệnh của Ngài bằng cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh.
Ngày nay, Chúa Giê-su cũng hỏi và cần câu trả lời của chúng ta: “Con bảo Thầy là ai?” Xác định được câu trả lời này sẽ làm cho đời sống trần gian của mỗi người chúng ta có ý nghĩa và xứng đáng đón nhận được ơn Chúa cứu độ của Ngài!
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su Chúa đã đến thế gian để cứu chuộc chúng con. Ngài đã thực thi sứ mệnh cao cả đó theo thánh ý Đức Chúa Cha. Xin ban ơn cho chúng con biết đón nhận và tuyên xưng Ngài là Đấng cứu độ trần gian và gắng sức vượt qua những đau khổ, thử thách, vác thập giá đời mình theo chân Ngài để xứng đáng lãnh nhận tinh yêu thương vô biên của Ngài. Amen.
Sống Lời Chúa:
Luôn sông trong tâm tình con thảo vì Chúa đã chết cho ta được sống!
Đaminh Trần văn Chính
Thầy là Đấng Kitô (16.02.2017)
Thầy Giêsu hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ Thầy là ai? Người thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Rồi quay sang các ông Thầy lại kiểm tra bài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8,29a). Điều đặc biệt ở đây là Thầy muốn chính các ông nói lên ý nghĩ của họ. Ông Phêrô có ngay đáp án đúng nhất: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29b).
Ông đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Thầy là Đấng Thiên Sai. Dù tuyên xưng nhưng ông chưa thể hiểu thấu. Thầy nghiêm giọng cấm các ông không được nói với ai về căn tính của Thầy. Đấng Thiên Sai đến không phải như cái nhìn của người Do thái cũng như các môn đệ, để thống trị bằng sức mạnh, nhưng bằng con đường yêu thương và vác thập giá như Người báo trước: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31).
Phêrô không phải chỉ tuyên xưng với Thầy như vậy là xong, nhưng còn phải đi vào cuộc Thương Khó với Thầy mà theo Thầy. Nhưng sẽ có ngày vinh quang như Thầy đã phục sinh khải hoàn. Các ông giữ im lặng cho đến ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô mới công bố: “nên Người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát…” Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2, 31.36).
Để sống được như lời tuyên xưng ấy, trở nên giống Thầy mình, ông Phêrô phải trả giá rất cao. Nhưng nhờ sức mạnh Tình Yêu lãnh nhận từ Thầy biến đổi trở nên con người mới, sẵn sàng đối diện mọi khó khăn đau khổ trên đường loan báo. “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời…”
Nguồn ân sủng lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa có thể biến những con người yếu đuối, bất toàn thành đá tảng vững chắc để xây dựng một Hội Thánh luôn vững bền. Thánh Phêrô đã minh chứng sống động cho điều kỳ diệu ấy. Quá khứ với những vấp phạm, lầm lỗi nhưng lại làm nên vị tông đồ phụ vụ Tin Mừng, đến hy sinh mạng sống và trở thành cột trụ của Hội Thánh. “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy… Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời” (2Tm 4, 7-8.17-18).
Lạy Chúa! chúng con biết Chúa là Cha hằng yêu thương chúng con trong từng phút giây. Mỗi chúng con dù là ai, xinh đẹp tốt lành hay bệnh tật xấu xí, đều có chỗ trong Trái Tim Chúa Yêu muôn đời. Dù chúng con có tội lỗi xấu xa gớm ghiếc thì Chúa vẫn yêu thương, lo lắng chăm sóc giữ gìn chúng con và muốn chúng con hạnh phúc. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con” (Lc 15,31). Như thánh Phêrô, mỗi ngày trong âm thầm lặng lẽ, chúng con được “dìm” vào cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa, cho đến khi được biến đổi cuộc đời trở nên nhân chứng sống động, họa lại bức chân dung của Đức Kitô. Chúng con sẽ trở nên những viên đá sống động trong tòa nhà Hội Thánh.
Én Nhỏ
Thầy là Đấng Kitô
Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho Thầy là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8,27-29)
Suy niệm: Khi thay mặt các tông đồ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”, Phêrô đã vượt xa hiểu biết của đại chúng về con người của Chúa Giêsu. Việc huấn luyện đã có kết quả. Nhờ đồng hành với Chúa qua vài năm sứ mạng khắp nơi, các tông đồ dần dà đã nhận ra Thầy, nhưng Chúa đã chẳng khen, lại còn bị “cấm” loan báo việc này với bất cứ ai. Chúa muốn các ông hiểu xa hơn nữa về chương trình của Thiên Chúa: Ngài phải là người tôi tớ khổ đau khi vuông tròn sứ mệnh cứu thế. Người môn đệ Chúa hôm nay cũng thế, đừng bao giờ tự mãn về vốn liếng hiểu biết Đạo của mình. Biết về Chúa không bao giờ đủ cũng như yêu Ngài chẳng bao giờ cùng.
Mời Bạn: Bạn hiểu biết về Chúa đủ chưa? Khi đã hiểu biết rồi, bạn có chú tâm biến thành sức sống, thành lòng mến? Như các tông đồ, tiên vàn, chúng ta tin nhận: “Thầy là Đức Kitô”, Đấng được sai đến.
Sống Lời Chúa: “Thầy là Đức Kitô”, lời tuyên xưng này sẽ là lời nguyện của chúng ta hằng ngày, hướng về những người anh em chưa biết Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, điều đáng sợ nhất trong thế giới ngày nay là sự dửng dưng với tôn giáo. Phải chăng cuộc sống của chúng con không đủ sức thuyết phục để trả lời cho câu hỏi của những người chưa tin: “Chúa của người Kitô hữu là ai?” Chúa ơi! Xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con.