Yêu nhau bằng trái tim của Thiên Chúa (12.05.2023 – Thứ Sáu Tuần V Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 15,22-31, Ga 15,12-17

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 15,12-17)

12 Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”

Yêu nhau bằng trái tim của Thiên Chúa (12.05.2023)

Vào các chiều thứ bảy tháng năm – tháng kính Đức Mẹ trước thánh lễ ở giáo xứ tôi, mở đầu là nhóm ấu nhi rồi đến thiếu nhi trong trang phục trắng, tay cầm những bó hoa rực rỡ tiến lên cung thánh dâng hoa lên đài Đức Mẹ Maria, đẹp như những thiên thần bé nhỏ trên thánh điện nơi ngự trị của Đấng Hằng Hữu. Huynh đoàn chúng con dâng Mẹ tràng chuỗi Mân Côi mỗi ngày, nơi Mẹ rạng ngợi các nhân đức, chúng con nhẫn nại học đức Mến của Mẹ. Tất cả tình yêu thương Mẹ dành cho Chúa Giêsu được thể hiện qua việc tha thiết yêu thương mọi người, thánh Gioan Maria Vianê từng chia sẻ: “Tất cả tình yêu của người mẹ trần gian hợp lại để yêu một người con, cũng không thể sánh ví được với lòng Mẹ Maria yêu riêng mỗi người chúng ta”.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho các môn đệ: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con”. Ga 15,12.  Chỉ có tình yêu thương nhau mới giúp người ta vượt qua tất cả để đến được với nhau, ông bà ta thời xa xưa có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo – Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Khi nói đến tình yêu đích thực là tình thương yêu vô vị lợi, không so đo, cầu mong người mình yêu mến luôn được mọi sự tốt lành. Thiên Chúa đã yêu con người một tình yêu xóa bỏ mọi ngăn cách, Con Thiên Chúa từ trời cao xuống thế, trở nên người phàm, sống chung với tầng lớp người cùng khổ, để chia sẻ và cứu vớt những linh hồn đau khổ, cùng cực. Thánh Anphongsô từng chia sẻ: “Chúng ta hãy yêu nhau bằng trái tim của Thiên Chúa”. Kinh nghiệm sống của Thánh Pierre : “ Người ta chỉ tạo được hạnh phúc của mình bằng cách săn sóc đến hạnh phúc của người khác”.

Mến Chúa và yêu người” là lời nhắc nhở người Kitô hữu không chỉ gói gọn yêu thương với những người trong gia đình, mà còn lan tỏa tình yêu thương đến với tất cả mọi người nhất là những người cần đến chúng ta. Tình yêu Chúa mời gọi người Kitô hữu vượt qua chính mình để phục vụ và để đến với người khác. Có lần chúng tôi theo các soeur Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn đang công tác ở Suối Nho- Định Quán, đi sâu vào vùng hẻo lánh, nơi đây nhà ở thưa thớt, đến thăm nhiều gia đình đơn chiếc, trong nhà chỉ còn mỗi mẹ già ở tuổi nhớ nhớ quên quên, hay người bố tâm trí lãng đãng, cũng có gia đình chỉ có bốn người nhưng hai con bệnh tâm thần từ nhỏ, cả hai bố mẹ phải làm lụng để nuôi hai con. Cuộc sống rất chật vật, đa số là người dân tộc mưu sinh bằng nghề thuê mướn lãnh lương công nhật. Đứng trước những mảnh đời đó, để thấy rằng họ rất cần người quan tâm chăm sóc, cuộc viếng thăm chốc lát đem lại niềm vui khuây khỏa tạm thời, phần quà nho nhỏ cũng chỉ ấm lòng vài ngày.

Lạy Chúa Phục Sinh, chúng con nhận ra sứ vụ của mỗi người Ki tô hữu khi lãnh nhận ân sủng của Chúa là biết trao ban chia sẻ với tha nhân. Xin ban cho mỗi người chúng con có trái tim nhân từ của Chúa để cảm nghiệm được tình thương của Chúa dành cho mỗi người chúng con. Xin Chúa dạy chúng con biết mở rộng vòng tay yêu thương với người nghèo khó, thánh Gioan Kim Khẩu đã nói: “ Con cần phải có đức thương yêu, hơn là có nhiều tài trí”.

Anna Anh

Yêu thương nhau như Thầy Giêsu đã yêu (20.05.2022)

Hằng năm, sau ngày Đại lễ Phục Sinh, Huynh đoàn chúng tôi đến hẹn lại lên, đi thăm các mái ấm Vinh Sơn ở KonTum, vào giờ trưa cái nắng KonTum chang chang, gay gắt. Đường đi xa nhưng nghĩ đến việc góp phần nhỏ để chia sẻ khó khăn với các mái ấm, đặc biệt là nhìn thấy khuôn mặt các em ánh lên niềm vui mừng khi được nhận quà bánh kẹo, chúng tôi như quên đi sự mệt mỏi của quảng đường xa. Khi đến mái ấm Vinh Sơn 4 chúng tôi được nghe bài hát tiếng dân tộc và được phiên dịch tiếng Việt: “Hãy tạ ơn Chúa, Đấng đã ban cho đôi mắt và đôi tay…..” . Chúng tôi kể cho nhau câu chuyện về thánh Bernadinô Siêna, từ nhỏ ngài đã có một lòng bác ái đặc biệt với người nghèo. Một lần kia, dì Biana đuổi một người ăn xin vì hết thực phẩm. Bernadinô đau đớn nài nỉ: – “Vì tình yêu Chúa, ta hãy cho người này cái gì, bằng không cháu sẽ không ăn gì hôm nay, cháu thà nhịn đói còn hơn phải thấy ông ta còn đói.”

Trong sứ điệp Tin Mừng hôm nay “Đây là lệnh truyền của Thầy: các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con”. Ga 15,12. Chúa Giêsu vì yêu thế gian chấp nhận làm người phàm chịu mọi gian khổ, cuộc sống khó nghèo, và hy sinh trên thập giá để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại. Chúa cho chúng ta nhận biết chính tình yêu thương tạo nên sự kỳ diệu là động lực thúc đẩy chúng ta làm việc bác ái một cách hăng say, không chùn bước trước khó khăn, vất vả. Có tình yêu thương làm tinh thần chúng ta nhiệt thành hơn, vì khi yêu, người ta vượt qua tất cả để đến bên nhau. Nhiều câu chuyện cảm động về tình yêu thương, sự hy sinh của người cha, người mẹ dành cho con cái như tặng đôi mắt, tặng trái tim… để người con tiếp tục được hưởng cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhưng Chúa Kitô còn muốn người Kitô hữu, không chỉ yêu thương những người trong gia đình, mà còn yêu thương và đến với tất cả mọi người cần đến mình. Thánh Gioan Kim Khẩu từng chia sẻ: “Ta phải có đức thương yêu hơn là có nhiều tài trí”.

Tình yêu Chúa Kitô mời gọi người Kitô hữu vượt qua chính mình để phục vụ và để đến với người khác. Một tình yêu lớn lao như Ngài tự hiến cho những người tội lỗi, để con người được thanh tẩy và nâng chúng ta lên làm bạn hữu: “Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền”. Ga 15,14. Chúng ta có cảm nhận tình yêu thương nhau sẽ cảm hóa tâm hồn, giúp con người nhận ra chân lý của cuộc sống mà Chúa đã truyền dạy. Làm sao chúng ta có thể tha thứ cho kẻ xúc phạm ta?  Có phải tình yêu thương như Chúa làm cho chúng ta có lòng vị tha, nhân ái và nhìn thấy ở anh chị em mình là hình ảnh của Thiên Chúa, như thánh Gregolre De Nysse từng chia sẻ: “Tha thứ một sự bất công, là nâng mình lên tột đỉnh của nhân đức, là vượt trên bản tính tự nhiên, là bắt chước Thiên Chúa”. Nhìn những điều tốt người khác làm hơn là chỉ nhìn thấy điều xấu của người ấy, chúng ta học kinh nghiệm của  thánh Jeanne de Chantal: “Ở trong kẻ khác, ta hãy chỉ trông sự lành, đừng trông sự xấu”..

Lạy Chúa Phục Sinh, xin cho mỗi người chúng con cảm nghiệm được tình thương của Chúa; xin giúp chúng con biết đến với những người đang tuyệt vọng, bi quan để mọi người cũng cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và sống trong hy vọng.                    

Anna Anh

Anh em hãy yêu thương nhau (07.05.2021)

Vẫn trong loạt bài tâm tình yêu thương thống thiết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trước khi Người đi chịu chết. Hôm nay Tin Mừng cho ta lời căn dặn như năn nỉ của Chúa Giêsu với các tông đồ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Chúa Giêsu lại như nài nỉ với các tông đồ vì giới răn yêu thương này. Vì Thiên Chúa, mà thánh Gioan, người được kề cận bên Chúa Cứu Thế, được tận hưởng tình yêu Người đã dành cho nên ông đã khẳng định: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,16). Vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài. Trong mọi tạo vật đâu đâu cũng hoàn hảo và nhìn thấy tràn trề tình yêu thương ấy.

Đối với con người được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng cách đặc biệt “giống hình ảnh Thiên Chúa”, có linh hồn bất tử, lại được mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời”. Lẽ nào con người lại không biết yêu thương như người Cha của mình. Nhất là con người đang được Thiên Chúa trao cho quyền làm chủ trái đất từ khi được tạo dựng. Trái đất càng ngày càng tỏ cho mọi người nhận ra rằng nó chính là một ngôi nhà chung Thiên Chúa đã ban cho, mà Người là Chủ, là Cha. Thế thì lẽ nào mọi người trong nhà ấy không yêu thương nhau nếu muốn cho ngôi nhà ấy tồn tại và mọi người đều được an vui hạnh phúc?

Còn đối với các tông đồ, thì giới răn yêu thương mà Chúa trao cho các ông càng khẩn thiết hơn. Chúa muốn trao cho các ông sứ mệnh đặc biệt cao trọng trên hết nơi trần thế, đó là xây dựng Nước Thiên Chúa, Vương Quốc Tình Yêu bắt đầu ngay tại thế này. Là con người mà lại làm việc của Thiên Chúa thì thật là nặng nề, lớn lao, huyền nhiệm dường bao. Các ông, người trò học của Thầy Chí Thánh Giêsu. Người Thầy đã “thí mạng sống vì người mình yêu” là chính các ông. Các ông là người thấm nhuần lời dạy của Thầy hơn ai hết, lại được sức mạnh Thầy mình tiếp sức đã yêu thương hết lòng. Dù bị người đời nhục mạ, ghen ghét đối xử bạc ác các ông đã chẳng hề than trách. Tất cả đã vui lòng chịu chết để làm chứng cho lời dạy của Thầy mình là chân thật, cho vương quốc yêu thương của Thầy mình được lan tràn nơi dương thế.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các tông đồ, là lời gọi tâm điểm tối cần trong Giáo Hội Chúa, bởi vì như Chúa cũng đã nói: “Cứ dấu yêu thương nhau này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy”. Ngược lại nếu ai không yêu thương sẽ không được gọi là môn đệ của Người. Lời căn dặn của Chúa Giêsu giờ đây đối với con cái Chúa, nó như ngọn hải đăng soi đường, nó còn như ngọn đèn đỏ nhắc nhở mọi người xét mình kiểm điểm về lời ăn tiếng nói mỗi ngày có vi phạm đức thương yêu? Nó còn mời gọi mọi người kiên trì vững bước theo con đường đó. Bởi vì rời bỏ yêu thương anh em là rời bỏ Chúa, là sa xuống vực thẳm đời đời.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã yêu thương con đến thí mạng sống vì sự sống đời đời của con. Chúa lại muốn cho chúng con phải yêu thương nhau thì thật là chính đáng và phải lẽ. Xin cho con luôn thấm nhuần thực thi lời dặn ấy để đem lại hạnh phúc cho con và mọi người, đời này và cả đời sau. Amen.

 Giuse Ngọc Năng

Hãy yêu thương như Thầy yêu thương (15.05.2020)

Ghi nhớ:

Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”. (Ga 15, 17).

Suy niệm:

Gần đây có người phân tích nguyên nhân gây ra đau khổ cho loài người ta. Ông mô phỏng như sau: Ở trên trần gian nếu có 100% đau khổ thì trong đó có

  • 85% Đau khổ là do con người tạo ra cho nhau.
  • 10%. Do ngẫu nhiên.
  • 05%. Là do thiên tai; như lũ lụt, giông lốc, động đất.v.v…

Như vậy nếu như con người biết thương yêu nhau, làm những việc tốt đẹp cho nhau thì thế gian nay sẽ mất hẳn đi 85% đau khổ. Còn lại 15% đau khổ do ngẫu nhiên và thiên tai thì con người cũng có thể triệt tiêu đi được phần nào nếu trong cơn hoạn nạn được anh em, lối xóm đến an ủi sẻ chia.

Thật vây. Mới hôm qua báo đăng; Chỉ vì tiếng chó sủa thôi mà nó đã cướp sinh mạng của một người. Câu chuyện  như sau. Ông  Trí và ông Hùng là những người lối xóm. Khi ông Trí  đi ngang qua nhà của ông Hùng thì nghe có tiếng cho sủa, vì vậy ông Trí  đã dừng lại, hai ông lời qua tiếng lại, và cuối cùng xảy ra xô xát. Kết quả ông Trí  bị đập đầu xuống nền bê tông chấn thương vùng đầu khi đưa đến bệnh viện vì vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Chỉ vì không biết nhường nhịn, để rồi  một người thì chết, người kia chắc chắn  phải đi ở tù! Những đau khổ này từ đâu mà đến?!

Nếu như hai ông biết lấy lòng yêu thương mà cư xử nhã nhặn với nhau: “ Một câu nhịn chín câu lành” thì sự việc đáng tiếc đã không xảy ra, để rồi không những mang đau khổ đến cho chính bản thân mình mà còn làm liên lụy, gây đau khổ cho cả gia đình, cho con cái cũng như những người thân quyến…

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su truyền dạy cho các môn đệ một giới răn quan trọng, đó là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã thương yêu anh em”. Đức Giê-su  lấy chính Ngài ra làm tiêu chuẩn cho các môn đệ thi hành; đó là; như thầy đã yêu thương anh em. Thầy Giê-su đã yêu thương anh em như thế nào? Thưa. Thầy đã yêu thương đến độ hy sinh tính mạng của mình vì các môn đệ, và vì những người Ngài yêu thương, trong đó có cả chúng ta.

Đức  Giê-su còn nâng các môn đệ của Ngài ở vai trò là các đầy tớ lên địa vị cao trọng hơn. Đó là bạn hữu nếu như các môn đệ thực hành những điều Ngài truyền dạy. Thật là một vinh dự lớn lao cho các môn đệ và cho cả chúng ta nữa, một khi biết thực hiên lời Chúa dạy. Đó là giới luật yêu thương.

Chính Chúa đã chọn và mời gọi các môn đệ ngay xưa cũng như Ngài đang mời gọi chúng ta trong thời gian hiện tại để chúng ta tiếp bước các mộn đệ ra đi, vượt ra khỏi chính mình để mang yêu thương đến cho mọi người, nhất là những người đang  gặp cảnh đời khó khăn, đau khổ để làm vơi bớt đi phần nào những khổ đau cho tha nhận. Đó là chúng ta đã biết sinh lợi ra hoa trái.

Thiên Chúa là Đấng Thánh Thiện và đáng kính vô cùng! Thế nhưng Ngài vẫn nhẫn nhục, chịu đựng chúng ta là những kẻ ngỗ ngược thường xuyên xúc phạm đến Ngài. Noi theo gương Ngài chúng ta hãy lấy lòng khoan dung, độ lượng mà bỏ qua cho anh em mình nếu vì vô tình hoặc cố ý làm tổn thương hay xúc phạm đến  ta. Như vậy chúng ta sẽ tạo được cuộc sống yên bình cho chính mình và cho cả anh em đồng loại. Và nhất là chúng ta đã làm đẹp lòng Thiên Chúa. Đấng luôn yêu thương chúng ta.

Cầu nguyện:

 Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu thương chúng con, nâng chúng con lên hàng bạn hữu. Chúa đã hy sinh cả mạng sống của mình cho chúng con. Trong tình yêu vô bờ bến đó, Chúa không muốn cho chúng con giữ lại cho riêng mình, mà  muốn chúng con phải chia sẻ tình yêu ấy đến cho mọi người. Xin cho chúng con biết thực hành mệnh lệnh của Chúa trong đời sống; mở rộng tâm hồn để cảm thông, mở rộng đôi tay để chia sẻ. Để cuộc sống của chúng con luôn đầy tràn tình yêu thương và hạnh phúc. Nguồn yêu thương và hạnh phúc đích thực ấy chỉ bắt nguồn từ tình thương của Chúa qua Đức Giê-su, Chúa chúng con. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Kính Chúa và yêu thương mọi người trong suốt cuộc đời.

 Đaminh Trần Văn Chính.

Chứng tá của tình yêu thương (04.05.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phán với các môn đệ rằng: “Đây là lệnh truyền của Thầy: các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con” . Khi nói về tình yêu là nói về sự sống và sự chết, bởi vì người ta sống vì yêu mà chết cũng vì yêu. Thật vậy, Đức Kitô đã sống và chết vì yêu thương con người. Ngài đã vượt qua từ cõi chết đến cõi sống, để minh chứng về công cuộc cứu chuộc nhân loại của Ngài. Ngài đã dùng chính mẫu gương của Ngài để dạy chúng ta làm điều mà chính Ngài đã thực hiện.

Vì yêu thương, Chúa truyền lệnh mới

Chính Ngài trao, gởi tới anh em

YÊU THƯƠNG Chúa đã cho đem

Cùng nhau đón nhận cho thêm mặn nồng

*

Lệnh truyền này chân thành tha thiết

Để mọi người hiểu biết YÊU THƯƠNG

Cùng nhau tiến bước chung đường

Hài hòa thân thiện vấn vương nghĩa tình

Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy: qua Ngài, mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và chúng ta rất bền chặt. Chúng ta cũng được đón nhận tình yêu thương của Chúa, nhờ tuân giữ các giới răn của Ngài. Trong Ðức Giêsu, chúng ta được kết hợp mật thiết với nhau như các cành cây gắn liền với thân cây và gắn liền với nhau. Chính vì thế, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta yêu mến nhau như chính Ngài đã yêu mến chúng ta, đến độ hy sinh cả mạng sống vì chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, vậy thì không lý do nào chúng ta không chia sẻ tình yêu thương ấy cho anh em mình.

Lệnh truyền đó quang minh chính trực

Giúp mọi người dạ thực lòng ngay

YÊU THƯƠNG thật sự như Thây

Tận tâm phục vụ tràn đầy thiết tha

*

Lệnh truyền đó: chính là lẽ sống

Để lấp đầy chỗ trống xưa nay

YÊU THƯƠNG phủ kín tràn đầy

Kết liên sum họp ngất ngây tình người

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy yêu mến Chúa để được sống trong tình yêu thương của Ngài, đồng thời cũng phải biết yêu thương anh em đồng loại bằng cách chân thành phục vụ, sẵn sang tha thứ và mở rộng tấm lòng nhân hậu với mọi người. Tất cả chúng ta phải xứng đáng là những chứng nhân của tình yêu thương, vì đó là điều răn Chúa đã trăn trối cho các môn đệ, là tiêu chuẩn để nhận diện ai là môn đệ đích thực của Ngài. Để có thể đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, người Kitô hữu phải sống tình yêu thương ấy cách triệt để trong đời sống của mình. Nhờ vào sự thôi thúc của tình yêu mà chúng ta có thể từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi ích kỷ để hướng về lẽ sống chân thành với tha nhân.

Lệnh truyền Chúa:  cho đời hạnh phúc

YÊU THƯƠNG rồi hát khúc hoan ca

Điểm tô cuộc sống mặn mà

Nhìn nhau ánh mắt chan hòa niềm tin

*

Cùng đan kết giữ gìn luôn nhớ

Lòng bảo lòng xin chớ đừng quên

YÊU THƯƠNG đời sẽ đẹp thêm

Lệnh truyền của Chúa êm đềm biết bao

 

Lạy Chúa! Chúa đã yêu thương chúng con và hy sinh cả mạng sống vì chúng con. Chúa muốn chúng con biết chia sẻ tình yêu thương ấy cho mọi người. Xin cho chúng con biết thực thi lệnh truyền của Chúa trong cuộc sống, đó là: mở rộng tâm hồn để cảm thông, mở rộng đôi tay để chia sẻ. Nhờ đó cuộc sống của chúng con mãi luôn đầy tràn tình yêu thương và hạnh phúc trong tình yêu thương của Chúa Amen.

HOÀI THANH

Yêu thương là mầm của sự sống, sức mạnh tiêu diệt sự chết (19.05.2017)

NHÓM BẠN HỮU

Mỗi sáng sớm, tiếng chuông nhà thờ vang lên, cũng là lúc lão thức dậy đi lễ.

Vào nhà thờ, lão cúi đầu chào Chúa, lão ngó lơ xem nhóm bạn hữu lão đã đến đủ chưa. Lòng lão cảm thấy vui vui khi anh em của lão đã đến trong nhà thờ cùng lão thưa kinh.

Nhóm bạn của lão có sáu người, chênh lệch nhau cả hơn chục tuổi, nhưng tất cả đều gọi nhau bằng anh em.

Sau lễ, không ai bảo ai, mọi người đều ghé vào một quán bên đường, vì đã trở thành thói quen từ bao giờ. Quán này của ông phó trương, một người hiền lành, chăm chỉ việc đạo đức, chuyên lo làm bác ái.

Buổi họp mặt kéo dài khoảng nửa tiếng, trước tiên là những nụ cười, lời nói chào thân với nhau. Sau là nhắc vài điều trong thánh lễ Cha đã giảng hoặc dặn dò.

Trong nhóm, có một người được mệnh danh là “ngang”, điều anh ta nói luôn phải đúng, mặc dầu mọi người cho biết là sai. Thế rồi, sau vài năm, tính khí ngang tàng của anh cũng bớt hẳn đi, anh cũng biết lắng nghe, biết nhận ra những điều hay lẽ phải.

Mỗi khi nhóm của lão vắng ai đó, còn lại năm người, trong lòng không ai nói ai nhưng cái cảm giác lâng lâng thiếu vắng người bạn trong mỗi người làm cho cuộc hội ngộ buổi sáng cũng với đi nụ cười.

Một hôm, một người trong nhóm bị bệnh, cả nhóm buồn, ngày nào cũng dâng lời cầu nguyện trong mỗi thánh lễ, thường xuyên thăm hỏi, động viên và chia sẻ cho anh ta vui tươi mà chóng khỏi bệnh.

Trong nhóm mỗi người mỗi tật, mỗi người mỗi tính nết khác nhau. Nhưng tất cả đều coi trọng tình bạn, nên chấp nhận nhau, chấp nhận cả những tính xấu của nhau. Nhóm đã trở nên như men trong thúng bột, hôm thì vài anh em khác cùng tham gia nhóm cho vui, họ tâm sự: ngồi chung trong nhóm như một lời tạ ơn: “Tạ ơn Chúa mỗi sớm mai thức dậy, con có thêm một ngày nữa để yêu thương.”

Suy niệm

Thực tế từ ngàn xưa đã cho thấy, sự chết bắt nguồn từ lòng kiêu căng, hận thù, sự bất hoà, lòng ghen tuông, chia rẽ, danh lợi, quyền thế, địa vị, … tất cả đều căn nguyên không có tấm lòng biết yêu thương.

Ngay từ thuở ban đầu, anh em Cain đã giết nhau vì ghen ghét, hận thù. Con rắn cũng vì ghen ghét vườn địa đàng dành cho con người mà nó đã xúi dục bà Eva ăn trái cấm. Lòng ham muốn quyền thế, địa vị đã dục ông Ađam ăn trái cấm cùng với Eva.

Sự chết đã bắt đầu. “Cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết.” (Rm 5, 12)

Ngày nay, trên thế giới đâu đâu cũng có chiến tranh, có hận thù, có chém giết… tàn sát nhau bằng nhiều hình thức. Đó là con người đã làm mất lòng yêu thương ngay ở trong chính mình.

Chỉ có một con đường duy nhất để con người được hạnh phúc, đó là phải yêu thương nhau và xây dựng mối tương quan trên tình bạn hữu. “14 Anh em là bạn hữu của Thày.” (Ga 15, 14)

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan (15, 12-17) Chúa đã truyền dạy cho chúng ta, những người con của Chúa, muốn được hạnh phúc ngay ở đời này và đời sau, thì phải yêu thương nhau. “17 Điều Thầy dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15, 17)

Phát triển tình bạn trở nên thân hữu sẽ trân quí nhau, tôn trọng nhau, tin tưởng nhau, yêu mến nhau, chấp nhận nhau, và luôn tha thứ cho nhau. Như hai người bạn thân họ luôn ở gần gũi nhau, chia sẻ mọi thứ cho nhau, quan tâm đến nhau. Như Chúa Giêsu chấp cả sự phản bội của Giuđa, sự chối Thày của Phêrô. Vì Chúa Giêsu đã đối xử với các tông đồ là bạn hữu.

Sống trong tình bạn là sống trong Chúa Kitô. Sống trong Chúa Kitô là làm những gì Chúa dạy. Đời sống gắn kết của tình bạn là “Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh em.”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con trở nên một Kitô đích thực để con yêu mến Chúa trên hết mọi sự và thương yêu anh em như Chúa dạy. Xin cho con luôn biết đối xử với anh em bằng một tình bạn thân hữu, biết thánh hóa bản thân, thánh hóa môi trường đang sống, trở thành chiến sĩ Chúa Ki-tô, trở nên muối nên men, nên ánh sáng cho đời.

Gã Đầu Bạc 

Bạn hữu của Thầy (29.04.2016) 

“Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em.” (Ga 15,12)

Đức Ki-tô đã sống và chết vì yêu thương con người. Ngài đã vượt qua từ cõi chết đến cõi sống, để minh chứng về công cuộc cứu chuộc vì yêu thương. Và Ngài dùng chính mẫu gương của Ngài để dạy chúng ta làm điều mà chính Ngài đã thực hiện: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em”.

Ngài đã chết vì chúng ta để trở nên bạn hữu của chúng ta, và mời gọi chúng ta : “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy”. Muốn trở nên bạn hữu của Chúa, chúng ta chỉ có một điều kiện: thương yêu nhau như Chúa đã yêu.

Điều Chúa kêu gọi chúng ta, dễ mà khó. Dễ hiểu, nhưng khó thực hiện. Ai trong chúng ta mà chẳng biết thương yêu. Nhưng yêu thương như Chúa yêu thì quả là điều không tưởng. Chính Chúa Giê-su cũng đã thực hiện điều chúng ta không thể tưởng tượng được.

Muốn yêu như Chúa yêu, trước hết, tôi đừng có thù người khác. Muốn không thù người khác, tôi phải biết thứ tha. Muốn thứ tha cho ai đó đã làm khổ tôi, xúc phạm đến danh dự hoặc quyền lợi của tôi, đã gây thiệt hại cho tôi cách này cách nọ…, trước hết, tôi phải nhớ mình đã được Chúa thứ tha, để luôn biết sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình. Nói thì dễ, nhưng khi đụng chuyện…, quả là rất khó để có thể mỉm cười mà tha thứ một cách vô điều kiện, đôi lúc cảm thấy như bị rướm máu con tim…, chính vì thế rất cần được ơn Chúa ban để tôi có thể vượt qua “ cái tôi” đầy yếu đuối và hạn hẹp của tính người thế gian trần tục này.

Lạy Chúa xin nâng đỡ chúng con, xin lòng thương xót Chúa giúp con mỗi ngày nên tốt hơn, để xứng đáng được là bạn hữu của Thầy Chí Ái Giêsu.  “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù…”

BCT

Sống tình bạn với Chúa

“Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” (Ga 15,14).

Suy niệm: Trở nên bạn hữu với Thiên Chúa, có thể nói, là một điều vượt quá sức tưởng tượng đối với thân phận và suy luận thông thường của con người. Bởi lẽ, tình bạn đặt nền tảng trên sự bình đẳng giữa những người bạn hữu; còn giữa con người với Thiên Chúa là cả một khoảng cách vô biên của thân phận thụ tạo với Đấng Tạo dựng nên mình. Thế nhưng, điều tưởng chừng như không thể đó lại trở nên có thể đối với Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giê-su đã khẳng định cách rõ ràng: “Anh em là bạn hữu của Thầy”. Hạnh phúc biết bao cho con người khi có Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa làm bạn! Và như một hệ luận, để trở nên bạn hữu “tri âm, tri kỷ” với Chúa Giê-su, con người, cách riêng những Ki-tô hữu, cần có đời sống gắn bó thân tình với Chúa và trung thành thực thi những điều làm vui lòng Người.

Mời Bạn: Bạn và tôi, có lẽ, có những cảm nghiệm khác nhau khi sống tình bạn với Chúa. Nhưng chúng ta lại chia sẻ với nhau chung một điều, đó là được mời gọi sống Lời Chúa cách hết mình trong cuộc sống hằng ngày. Và điều Người truyền dạy không gì khác hơn là mệnh lệnh “hãy yêu thương nhau”.

Chia sẻ: Bạn cảm thấy thế nào khi trở nên bạn hữu với Chúa? Bạn đã và sẽ làm gì, một cách cụ thể, để thắt chặt mối dây bằng hữu này?

Sống Lời Chúa: Sẵn sàng giúp đỡ người khác với lòng yêu mến chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã cho chúng con trở nên những bạn hữu của ngài. Xin giúp chúng con luôn biết sống Lời Chúa dạy. Amen.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *