Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Is 38,1-6.21-22.7-8 (năm chẵn), Xh 11,10 – 12,14 (năm lẻ), Mt 12,1- 8
✠ Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Mát- thêu (Mt 12,1- 8)
1 Khi ấy, vào ngày sa- bát, Đức Giê- su đi băng qua một cánh đồng lúa ; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pha- ri- sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giê- su : “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa- bát !” 3 Người đáp : “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa- vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa- bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa- bát mà không mắc tội đó sao ? 6 Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sa- bát.”
Kiện toàn lề luật (19.07.2024)
Trong các thánh lễ Chúa Nhật hay lễ trọng, người ta thấy không ít giáo dân, nhất là giới trẻ thường đi lễ “vọng” (đứng ở ngoài nhà thờ, có khi ở bên kia đường vọng sang nhà thờ!) hay lễ “ôm” (Một cặp ngồi trên xe gắn máy mà tham dự thánh lễ…) hoặc tham gia thánh lễ mà cắt đầu cắt đuôi chẳng hạn.
Ngoài những lý do bất đắc dĩ như có con nhỏ quấy khóc thì cũng không ít người chỉ đi lễ một cách chiếu lệ như trên vì sợ phạm tội…
Giữ lề luật như vậy thật là khiên cưỡng và máy móc…
Người Do Thái dưới thời Đức Giêsu, nhiều khi cũng nệ luật một cách máy móc như vậy. Điển hình là trong bài Phúc Âm hôm nay, họ đã phê bình các môn đệ của Chúa khi các ngài đói bụng, đã bứt lấy bông lúa mà ăn. Theo họ, lề luật là do Thiên Chúa ban. Vì thế, lề luật có một vị trí thượng tôn, phải được tuân giữ một cách cẩn thận và đầy đủ. Trong dụ ngôn “người Samari nhân lành”:Vị Tư Tế và Thầy Lêvi sở dĩ bỏ mặc người bị nạn cũng vì họ nệ luật. Người ta còn kể thêm một câu chuyện để phê phàn tính nệ luật này:
Rằng hôm ấy một Rabi Do-thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực. Nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Khi thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, chỉ vì bờ cao không lên được. Ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực và cướp ngựa phóng đi, miệng tiếp tục hát thánh ca…!!!.
Thực ra, Chúa Giêsu không chống lại Luật Môsê. Trong một bài giảng, Đức Giêsu đã tuyên bố:
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
Vâng, Chúa đã kiện toàn Lề Luật, để ai giữ luật sẽ giữ luật cách tích cực hơn. Không phải giữ luật vì luật, hay giữ luật cho người ta biết mình giữ luật, nhưng giữ luật vì kính mến Thiên Chúa và yêu thương người như Chúa yêu.
Có hai thứ luật: Thiên luật và nhân luật.
Thiên luật là luật do Thiên Chúa ấn định và trao ban. Thiên luật thì trên hết, bất di bất dịch, mọi người đều phải tuân giữ và ưu tiên trên mọi ưu tiên.
Còn nhân luật là luật do con người làm ra, có tính tương đối. Luật của con người có thể thay đổi và cần được thay đổi.
Trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta khẳng định rằng, luật của con người phải nhắm phục vụ luật của Thiên Chúa. Do đó, luật của con người cần phải lấy luật của Thiên Chúa để quy chiếu và không được trái với luật của Thiên Chúa.
Như thế, việc giữ luật phải theo đúng với điều răn căn bản: “mến Chúa, yêu người.”
Con người ngày nay thích tìm sự dễ dãi, họ xem Luật Chúa như một gánh nặng cổ hủ. Đây chính là nguyên nhân gây ra biết bao hệ lụy đáng buồn… Càng sống trong vòng xoáy của xã hội vật chất và hưởng thụ, nhiều người Kitô hữu đã dùng lối lý luận: “tin là đủ, đạo tại tâm”, biện minh cho việc mải mê làm ăn, cho thú vui chơi và cả sự lười biếng của mình, để khỏi phải đi thờ, không cần đọc kinh nữa. Hơn nữa, họ còn cho rằng, cứ đi lễ mà đời sống không tốt thì chẳng bằng ở nhà cho khoẻ. Chúa quá hiểu cái “đạo tại tâm” của những người Công giáo nguội lạnh và làm biếng… nên Ngài minh nhiên cảnh báo: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”
Lạy Chúa, những luật lệ hay sinh hoạt bên ngoài là phương tiện giúp chúng con diễn tả tâm tình yêu mến chúng con dành cho Chúa bằng cách tuân giứ Luât Ngài. Như vậy, Lề luật là tay vịn giúp chúng con leo cao vững vàng, là đường rầy để con tàu chúng con chạy nhanh mà không chệch ga, là dây cương giúp con ngựa chạy đúng hướng…
Dĩ nhiên sống trong khuôn khổ Lề Luật, có vẻ như gò bó, mất tự do… Nhưng nếu chúng con hiểu được rằng vì yêu chúng con mà Chúa đã ban Lề Luật giúp con người yếu hèn chúng con vững bước tiến tới Chúa thì xin cho chúng con biết đáp lại tình yêu của Ngài bằng cách sẵn sàng tuân theo Luật Chúa.
Têrêsa Hảo
Lòng nhân quý hơn lễ tế (21.07.2023)
“Con Người làm chủ ngày sa-bát.”
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách thức sống tuân giữ ngày sa-bát (nay là ngày Chúa Nhật). Việc tuân giữ này không hệ tại bởi sự kiêng việc xác và dành giờ đến nhà thờ dự lễ vì luật quy định, nhưng việc giữ ngày này cần được làm với tấm lòng yêu mến.
Đối với người Do-thái, nhất là giới lãnh đạo tôn giáo, họ tuân giữ ngày sa-bát rất nghiêm ngặt, không được làm gì nặng nhọc mang tính lao động trong ngày này. Vì ngày sa-bát là ngày được thánh hiến dành cho Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chọn ngày này như là dấu hiệu giao ước của Người với dân Do-thái. Ngày sa-bát cũng là ngày để nghỉ ngơi về thể chất cũng như tinh thần sau một tuần làm việc vất vả mệt nhọc. Những người Pha-ri-sêu tức giận với các môn đệ của Chúa Giêsu không phải vì các ông bứt lúa mà không có phép của chủ nhân; nhưng vì họ cho rằng các ông lỗi luật ngày sa-bát.
Người Pha-ri-sêu và các kinh sư là những người hay giữ luật cách mù quáng và thụ động. Họ đặt nặng luật lệ mà quên đi điều quan trọng là sự sống con người và lòng bác ái. Trong dân Do-thái, nhiều khi những người thân trong nhà bị đau bệnh cần sự chữa trị của thầy thuốc, họ cũng không dám mời thầy thuốc đến để cứu giúp. Hay như việc các môn đệ Chúa đói, bứt vài bông lúa để ăn cho đỡ đói thì bị xem như là làm việc xác ngày sa-bát. Thật là một hình thức giữ luật cứng nhắc và thiếu bác ái. Chúa Giêsu đã bênh vực các môn đệ và giúp họ hiểu rằng những nhu cầu cấp bách cho sự sống con người và lòng nhân từ thì được ưu tiên và đáng quý hơn cả hy lễ và các luật lệ truyền thống. Chúa Giêsu muốn thay đổi não trạng việc giữ luật của họ. Ngài muốn họ hãy tuân giữ luật Thiên Chúa ban bằng một tinh thần mới – tinh thần của tình yêu. Do đó, vì yêu thương con người, Chúa đã không ngần ngại chữa lành cho nhiều bệnh nhân đang đau khổ, hay xua trừ ma quỷ ra khỏi họ, cho dù ngày ấy là ngày sa-bát. Làm như thế Chúa muốn đưa con người trở về tình trạng hiệp thông với Chúa cách thắm thiết hơn.
Để trả lời thắc mắc của những người Pha-ri-sêu về việc các môn đệ không giữ luật, Chúa Giêsu nhắc lại việc xảy ra trong Cựu Ước liên quan đến vua Ða-vít và thuộc hạ khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền Thờ không nghỉ ngày sa-bát thì cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội.” Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.
Sống ở đời “nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”, nhóm Pha-ri-sêu chỉ giữ luật một cách máy móc hình thức, nô lệ cho luật mà quên rằng tinh thần của luật mới là điều quan trọng. Chúa Giêsu đến để kiện toàn giá trị của luật. Thời các ngôn sứ đã qua đi, Chúa Giêsu mở ra một thời kỳ mới đầy tự do với luật yêu thương, một giới luật được viết trong trái tim mỗi người. Tình yêu ấy thấm đẫm trong từng trang Tin Mừng.
Là người Kitô hữu, chúng ta cũng hãy sống tinh thần tuân giữ luật Chúa bằng trái tim yêu mến. Ước chi Lời Chúa hôm nay là một bài học quý giá để chúng ta thay đổi lối suy nghĩ cũ, mà mặc lấy tinh thần sống đạo mới như Chúa mong muốn: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.”
Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng thêm đức tin cho chúng con, xin giúp mỗi người chúng con luôn biết cảm nhận bài học sống đạo mà Chúa dạy hôm nay và quyết tâm thực hành với tình yêu mến Chúa tha thiết. Amen.
Joston
Lòng nhân từ – cầu nối với tha nhân (15.07.2022)
Ngày 15.07: Lễ Nhớ Thánh Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Từ bệnh viện Nhi Đồng 1 băng qua bên kia đường đối diện là Giáo xứ Bắc Hà, hàng ngày có nhiều đôi vợ chồng trẻ bồng bế con sang khuôn viên nhà thờ ngồi chờ đến giờ khám bệnh, cũng có người bố, người mẹ trầm ngâm cầu nguyện với Chúa Giêsu và Mẹ Maria xin ơn chữa lành cho con trẻ. Trước mặt chúng tôi là cặp vợ chồng trẻ ở xa đến thành phố chữa bệnh cho bé trai 11 tháng tuổi đang có khối u trên vai, nhìn dáng vẻ thiểu nảo âu sầu, gương mặt hiện nét lo âu, mệt mỏi của cả hai bố mẹ mới biết nỗi lòng của cha mẹ dành cho con cái. Người mẹ ôm con, nước mắt đầm đìa, mấy ngày liền họ bế con đứng dưới chân Thánh Gia cầu nguyện. Mặc dù bác sĩ đã tư vấn, chẩn đoán và quyết định ngày phẫu thuật, nhưng hai vợ chồng vẫn không dấu được sự lo lắng. Nhiều năm qua Huynh đoàn chúng tôi vẫn gặp các trường hợp như vậy nên mọi người cảm thông, hiệp ý cầu nguyện, hỏi thăm an ủi cha mẹ bé với lời nhắn nhủ, hãy đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, như thánh Giêbrônimô từng chia sẻ: “Không ai sinh ra mà không được Thiên Chúa ở cùng”.
Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta đừng như các Biệt phái tuân giữ Lề luật một cách máy móc, mỗi người đều biết rằng không ai có thể là người hoàn hảo, con người bất toàn trước mặt Thiên Chúa và anh em mình. Lời Chúa nói với mỗi người Kitô hữu: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ”. Người Kitô hữu là người không chỉ thể hiện đức tin theo lề luật đòi buộc, nhưng là người có tấm lòng, có đời sống và cách đối xử với người khác giống Chúa Giêsu. Chuyện bên cạnh nhà tôi là gia đình hàng xóm theo đạo ông bà, cô con gái út lấy chồng Công giáo, cô dâu theo đạo chồng, khi mẹ cô gái mất, các anh chị em trong gia đình cô ấy đều vái quỳ trước quan tài của người mẹ. Nhưng chồng cô ấy không cho vợ quỳ lạy, cô ấy khóc sướt mướt hỏi: Anh ơi, em rất thương mẹ, em quỳ lạy mẹ em lần cuối được không?
Một thực tế khác là bản thân ta sai sót thì muốn được mọi người thông cảm; nhưng khi người khác sai sót thì lại chỉ trích và phê phán. Nhiều vấn đề hàng ngày xảy ra trong sinh hoạt hội đoàn, xã hội. Có nhiều người nói về quá khứ không mấy tốt đẹp của người đứng đầu một hội đoàn, nhưng thật ra nhiều năm qua chị vẫn làm tốt nhiệm vụ điều hành, có phải bàn tay Chúa quan phòng đã sắp xếp và đặt chị vào vị trí ấy? Nếu chúng ta hay nhiều lời bàn tán nhỏ to về một ai đó, cho thấy ta đang tự đề cao bản thân mình, và xét đoán người khác dựa vào tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta, mà quên rằng chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét. Đôi khi chúng ta còn có thái độ khó chịu, đòi hỏi người khác phải đáp ứng yêu cầu của mình, chuyện vẫn diễn ra thường xuyên như thế. Đức Giáo Hoàng Phanxico từng nói: “ Các dòng sông không uống nước chính mình, cây không ăn trái của chính nó; mặt trời không tỏa sáng trên chính mình và hoa không tỏa hương thơm vì chính mình. Sống vì người khác là quy luật tự nhiên. Tất cả chúng ta được sinh ra để giúp đỡ lẫn nhau. Dù khó khăn đến mấy…. Cuộc sống tốt đẹp khi bạn hạnh phúc; nhưng tốt hơn nhiều khi người khác hạnh phúc vì bạn”.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống nhân từ như Lời Chúa dạy, để có lòng quảng đại, khoan dung và không bao giờ kết án người khác. Thánh Augustino từng chia sẻ: “Chúng ta hãy yêu nhau bằng con tim của Thiên Chúa”.
Anna Anh
Con Người làm chủ ngày Sabat (16.07.2021)
Tin Mừng hôm nay cho ta câu chuyện: các môn đệ Chúa Giêsu khi đi qua cánh đồng vì “thấy đói” mà đã “bứt lúa ăn”. Người Pharisêu đã trách Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu đã dạy cho họ những bài học cần thiết.
Vì vốn đã có sự hiềm khích, hạch sách, bới lá tìm sâu của người Pharisêu đối với Chúa Giêsu và các môn đệ, nên hôm nay dù một việc nhỏ thôi “Các môn đệ thấy đói và bắt đầu rứt lúa ăn”, nhưng người Pharisêu đã lên tiếng chỉ trích Chúa Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabat!”. Thật là những tâm địa ác độc thiếu yêu thương lợi dụng luật lệ đạo đức để chê trách lên án người vô tội. Thực ra luật nghỉ ngày Sabat hồi đó vẫn cho phép làm những việc cần thiết như chữa người đau yếu, hay kéo con vật khi nó bị sa xuống hố chẳng hạn. (Lc 14,1-6). Việc bứt mấy bông lúa ăn khi đang đói đâu đã phải nên tội.
Đáp lại thái độ bạc ác đó, Chúa Giêsu đã chỉ cho họ câu chuyện trong Sách Thánh cựu ước: “Các ông không đọc Sách sao?” Câu chuyện kể về cuộc trốn chạy của vua Đavít khi vua đang bị truy sát của vua Saun. Trong cơn cùng cực đó, tư tế Akhimelec đã cấp cho vua Đavít và tùy tùng bánh tiến để ăn trên đường trốn chạy. Thứ bánh tiến ấy thông thường chỉ các tư tế mới được phép ăn. (1Sm 21,1-6). Nhắc lại câu chuyện ấy, cho ta thấy luật thiên nhiên vẫn trọng hơn luật thực tế của con người. Bởi đó khi lâm cảnh cùng quẫn, dầu luật cấm cũng vẫn được phép ăn để cứu sống con người. Chúa Giêsu cũng nhắc lời ngôn sứ (Hs 6,6) cho họ biết sự xét đoán của Chúa không xét nét thẳng nhặt như họ. Người đến cho loài người được hưởng lòng từ bi của Thiên Chúa. Trong sách luật các tư tế vẫn được làm trong các ngày lễ nghỉ mà không có tội, vì các việc ấy liên quan đến Đền Thờ hoặc tới việc tế lễ Thiên Chúa. Vả lại đã có lần Chúa khẳng định: “Ngày Sabat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabat.” (Mc 2,23-28). Lời dạy đây của Chúa Giêsu đã trở thành kim chỉ nam, làm nền tảng cho các nhà cầm quyền mọi nơi mọi thời, cho họ biết tôn trọng phẩm giá và quyền sống của con người.
Các môn đệ Chúa hôm nay nếu thực sự vì đói mà bứt mấy bông lúa, rồi bị khiển trách thì càng đáng thương hơn và những người trách các ông thì họ càng đáng trách. Miếng ăn là tối cần cho sự sống thân xác con người nhưng nó cũng là chuyện tối thiểu, lẽ thường phải có cho con người và muôn vật được sống. Vì Chúa cũng đã nói: “Hãy xem chim trời chúng không gieo không gặt… mà Thiên Chúa chẳng để cho con nào phải chết đói… Anh em còn trọng hơn chim sẻ rất nhiều.” (Lc 12,22-25). Ước mong những nhà cầm quyền lo cho dân, cho nước ý thức được điều ấy.
Trước Chúa Giêsu gần một nghìn năm, thánh vịnh đã viết: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa quả là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời… Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh, thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, mật ong nguyên chất”. (Tv 19,9-11). Vậy còn Chúa Giêsu, Người cũng chính là Thiên Chúa, là “Chủ ngày Sabat”, đến cứu độ trần gian thì luật pháp của Người còn phải “hoàn thiện, làm hoan hỷ cõi lòng, quý báu, ngọt ngào…” biết bao hơn nữa, chứ đâu có như các ông Pharisêu hiểu biết, để hành hạ làm khổ con người.
Lạy Chúa! Xin cho con biết yêu mến luật Chúa mà tuân giữ đêm ngày. Vì chỉ tuân giữ vì lòng yêu mến thì mới nên niềm vui cho con ở đời này và đem con đến chốn hạnh phúc muôn đời. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Chúa muốn tấm lòng thành (17.07.2020)
Ghi nhớ:
Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ”, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. (Mt 12,7).
Suy niệm:
Ông đang ngồi ghế đọc sách, thì đứa con mang về một con thỏ nhỏ có bộ lông rất đẹp. Đặt xuống trước mặt ông, nó nói:
– Thằng Tâm đổi cho con con thỏ này đấy bố ạ.
– Ừ, một con thỏ nhỏ rất đẹp. Ông nhìn con thỏ nói. Chăm sóc một con vật mà mình ưa thích; đó cũng là một thú vui tao nhã! Suy nghĩ một lát, ông hỏi con.
– Con vừa nói, thằng Tâm chịu đổi con thỏ này để lấy cái gì vậy?
– Thưa bố, một tấm vé số.
– Ô hay, tấm vé đó số lỡ trúng thưởng thì sao?
– Vâng, thì tấm vé số ấy trúng thưởng đấy bố. Nó tỉnh bơ trả lời.
– Sao con biết là trúng? Ông hỏi dồn.
– Thì con dò số ở tấm vé số trùng với những con số ở tờ giấy dò!
Đến đây thì ông không còn bình tĩnh được nữa. Ông cúi xuống một tay nhặt con thỏ một cầm tay nó kéo đi, vừa đi ông vừa nói.
-Sao con dại vậy. Đi với bố lấy lại tấm vé số trúng, bố sẽ mua cho con không chỉ một con mà cả chục con thỏ đẹp hơn. Thằng bé ghì lại nó không muốn đi.
– Bố ơi đừng làm vậy, con phải năn nỉ lắm thằng Tâm nó mói chịu đổi đấy…
Thằng Tâm đang chơi cùng lũ bạn, nó chưng hửng khi ông đột nhiên đến nắm cổ áo nó và nói:
– Đồ khôn nong, mày trả ngay lại cho ông tấm vé số. Tâm run rảy trả lời.
– Tấm vé số cháu đã gấp làm cái máy bay và phóng nó mắc kẹt ở trên mái nhà đàng kia rồi.
Ông chạy vội về nhà lấy cái thang, và theo chỉ dẫn của thằng Tâm ông leo lên mái nhà lấy được tờ vé số xuống. Nhưng khi kiểm tra lại ông thất vọng vì tờ vé số này đã hết hạn. Ông buồn rầu lững thững trở về nhà, gieo mình trên chiếc ghế.
Một cảm giác hổ thẹn tràn ngập tâm hồn ông…Ông nghĩ cái tuổi “thần tiên”, đơn sơ, vô tư, hồn nhiên và chân thành của tuổi thơ nơi ông đã vĩnh viễn không còn nữa! Cái tuổi mà ông sẵn sàng đổi bất kể thứ gì dù là một tờ vé số trúng thật để lấy một vật mà mình yêu thích đã qua mất rồi. Bất giác ông liên tưởng đến Thằng Bờm và cái quạt mo; Thằng Bờm có cái quạt mo… Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười.
Đang mải suy nghĩ thì hai đứa trẻ đến, Thằng con lấm lét nói.
– Bố ơi! Bố đừng giận con và thằng Tâm bố nhé.
Không! Không. Ông đứng lên đi lại ôm hai đứa vào lòng. Kể có lỗi chính là bố. Nói xong hai hàng lệ ông tuôn rơi!
Lề luật được làm ra là để con người chiếu theo đó để biết việc gì nên làm và điều gì nên tránh. Vậy bản chất lề luật là rất tốt. Thế nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy. Những người Pha-ri-sêu lại dùng chính luật lệ mà bắt bẻ, hạch sách Chúa Giê-su: “ Các môn đệ ông làm điều không được phép làm vào ngày sa-bát!”. Ở đây họ đã dùng luật nhằm chê trách Chúa đã dung dưỡng, bao che cho các môn đệ vi phạm luật mà từ xưa đến nay đạo Do Thái đã một mực tuân giữ. Nhân dịp này Chúa Giê-su đã giảng giải cho họ hiểu cái cốt lõi của việc tuân giữ lề luật: “Các ông chưa đọc trong sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi…” Như vậy, việc tuân giữ lề luật là nhằm mục đích thăng tiến, phát triển con người về cả thể xác lẫn tinh thần, nếu nó đi ngược lại hai tiêu chí trên nghĩa là việc tuân giữ lề luật sẽ làm phương hại đến sự tồn tại và phát triển của con người thì người ta có thể không phải tuân giữ. Qua đây Chúa Giê-su muốn nói với nhóm pha ri-sêu không nên giữ lề luật cách máy móc, cứng ngắc : “ Con người làm chủ ngày sa-bát”
Cũng nhân dịp này Chúa Giê-su hướng họ đến một vấn đề quan trọng mà việc này không nằm nơi việc tuân giữ lề luật một cách câu nệ;. Đó là tấm lòng chân thành, đơn sơ, nhân nghĩa; Đây là của lễ cao trọng, có thể thay thế mọi của lễ khác mà dâng lên Thiên Chúa “ Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ.”
Trong đời sống đạo hiện nay, có không ít giáo dân đi lễ chỉ vì giữ luật: “ Thứ ba; Giữ ngày Chúa Nhật” Hay; xem lễ ngày Chúa Nhật cùng những ngày lễ buộc (sáu điều răn Hội Thánh) họ đến nhà thờ đó nhưng “lòng con đâu chứ xác con đây!”. Giữ luật như vậy thì làm sao chu toàn luật Chúa cách trọn vẹn được? Chúa muốn người ta đến với Ngài với một tấm lòng chứ không phải là một thể xác vô hồn, vô tâm.
Cầu nguyện:
Lạy Cha. Lề luật được đặt ra là để giúp chúng con thăng tiến lên. Xin cho chúng con biết ý nghĩa đó mà tuân giữ lề luật với một tấm lòng thành kính, biết ơn. Đừng để chúng con giữ luật với thái độ khô khan, máy móc, chiếu lệ. Và để nhờ việc tuân giữ các giới luật Chúa chúng con được Chúa yêu thương và chúc phúc. Amen.
Sống Lời Chúa:
Đến với Chúa trong các thánh lễ với tấm lòng thành, cảm tạ và tri ân.
Đaminh Trần Văn Chính
Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế (19.07.2019)
Ghi nhớ:
“Quả thế, Con người làm chủ ngày sa bát”. (Mt 12, 8)
Suy niệm:
Một vị hiệu trưởng trường trung học nọ, nhận thấy học sinh của trường có tật “lề mề” khi đến lớp. Tám giờ sáng thì nhà trường đánh trống vào học, song có rất nhiều học sinh đi trễ, thậm chí 8 giờ mười lăm rồi mà vẫn còn có trò nhẩn nha tới lớp. Để chém dứt tệ nạn này ông đưa ra quy định:
– Bắt đầu từ ngày mai nhà trường sẽ đóng cổng đúng lúc tám giờ. Vì vậy những học sinh đến trễ thì sẽ không được vào lớp!
Mấy hôm sau người ta thấy một học sinh đứng trước cổng, trò này khóc lóc, kêu gào vị giám thị mở cửa để cho được vào lớp. Em nói:
– Thưa thầy giám thị, xin mở cổng cho em vào học, không phải em lơ là ham chơi mà đến trễ. Nhà em ở xa, xe em bị hỏng nên xảy ra sự việc này, em tha thiết mong thầy thông cảm mà mở cổng cho.
Thầy giám thị lạnh lùng đáp:
– Luật của thầy hiệu trưởng đã ra, tôi không thể giúp em được.
Ngày hôm sau. Người học trò này đến gặp vị hiệu trưởng em nói:
– Kính thưa thầy hiệu trưởng, hôm qua vì nhà em ở xa, xe bị xì lốp nên em đã đến lớp không đúng giờ. Em đã xin thầy giám thị mở cửa cho em vào mà thầy vẫn không mở. Thưa thầy hiệu trưởng chỉ vì không muốn mất một ngày học nên em đã cố gắng đến lớp dù có trễ mươi phút với hy vọng được vào lớp, chứ em không muốn đến trường để rồi bị đuổi về. Em xin hỏi thầy, nhà trường ta vẫn dạy học trò phải sống nhân nghĩa. Vậy hành động đóng cửa không cho một học sinh ham học được vào học có tàn nhẫn lắm không?
Thầy hiệu trưởng tỏ ra ân cần:
– Thầy xin lỗi em. Nhưng em cũng phải thông cảm cho nhà trường, nếu để em vào thì thành tiền lệ, rồi mai đây ai cũng nại lý do này hoàn cảnh kia mà đến trễ, rốt cuộc đâu lại vào đấy! Thôi, Thầy sẽ đền bù ngày học cho em bằng một quyển sách giáo khoa vạn vật nhé. Từ mai trở đi, em có thể khởi hành từ nhà sớm hơn để đề phòng rủi ro trên đường đén trường em nhé!
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc người biệt phái phàn nàn với Đức Giê- su về việc các môn đệ của Ngài đã không giữ luật ngày sa bát mà đã bứt những bông lúa mà ăn. Nhân dịp này Chúa Giê- su đã khai mở, nâng lòng trí cho những người có đầu óc câu nệ, chỉ biết đến hình thức, chỉ nghĩ đến những gì ở bên ngoài mà không quan tâm lưu ý đến cái cốt lõi, cái bên trong của vấn đề. Chúa đưa ra các sự việc xảy ra vào thời Cựu Ước để giải thích cho những người Pha- ri- sêu: “ Các ông chưa đọc trong sách sao? Ông Đa vit đã làm gì , khi vua và đám thuộc hạ bị đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa bát , các tư tế trong đền thờ vi phạm luật sa bát mà không mắc tội đó sao?”. Như vậy, lề luật ban ra chỉ nhằm mục đích thăng tiến, giúp con người đi vào con đường hạnh phúc tốt đẹp, chứ không mang lại sự gò ép, trịêt hạ con người. Vì thế, cách nào để phục vụ con người đẹp nhất, đúng cách nhất đó là thi hành lề luật trọn hảo nhất.
Đức Giêsu còn dậy cho người Pha ri sêu: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Như vậy, một tâm hồn thanh sạch, ngay thẳng, nhân nghĩa, bao dung thì có giá trị hơn mọi lễ tế được dâng lên trước tòa Chúa.
Bài học khác mà chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay là; phải sống quảng đại bao dung, không lên án, trách móc bất cứ ai nhất là khi chúng ta chưa hiểu được tâm tư họ, hay nói cách khác là chưa hiểu được tận căn nguyên của sự việc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lề luật Chúa trao cho chúng con là để giúp chúng con sống theo đó mà mỗi ngày thăng tiến hơn. Xin cho chúng con tuân giữ lề luật trong tâm tình yêu mến, để lề luật không làm cho chúng con cảm thấy gò bó, khó chịu mà trái lại trở nên như ách êm ái và nhẹ nhàng. Amen
Sống Lời Chúa:
Sống cởi mở, thân thiện với mọi người và không kết án ai.
Đaminh Trần văn Chính
Tâm tình giữ luật (20.07.2018)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày Sabát. Nhưng Ngài là chủ ngày Sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm. Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li, khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi. Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc, phải đi với lòng nhân. Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, sự bao dung, thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần, vì luật trên hết là luật yêu thương. Người giữ luật thực sự phải là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.
Chung quanh ta, bao người đang sống
Họ rất cần cuộc sống yêu thương
Hài hòa thân thiện hiền lương
Giúp nhau thăng tiến mở đường vươn lên
*
Gặp thấy nhau càng thêm thân thiết
Lòng từ nhân phải biết cho đi
Đừng nên xét nét chi li
Bắt bẻ lề luật, có gì hay đâu
Giữ ngày Sabát là điều rất quan trọng trong Do Thái giáo. Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc. Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm. Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày Sabát. Thay vì trách các môn đệ, Chúa Giêsu lại bênh vực họ. Ngài trưng dẫn trường hợp vua Đavít và các thuộc hạ của ông khi đói bụng, đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế. Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng. Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ, vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa.
Dành cho nhau: tình sâu nghĩa nặng
Nếu “lạnh lùng”, sao đặng người ơi!
Cùng là một kiếp làm người
Sẻ chia nâng đỡ, cao vời biết bao
*
Hãy rộng mở dạt dào thương mến
Đón tha nhân đang đến cùng ta
Yêu thương chan chứa đậm đà
Vui buồn sướng khổ mãi là anh em
*
Đón tiếp người: tăng thêm ơn phúc
Dù một lời cầu chúc bình an
Niềm vui sẽ được lan tràn
Lương tâm thanh thản vô vàn sướng vui
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy mở lòng ra, hãy mở trái tim ra để đón Chúa. Hãy để con tim của chúng ta lắng nghe và ý chí của chúng ta mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta điều chỉnh cách thức và thái độ của chúng ta với Lề Luật, theo như những gì Trái Tim Chúa đã hướng dẫn chỉ dạy cho chúng ta phải thực hiện là phải quan tâm đến ý nghĩa cốt lõi của ngày Sabát và nhận ra ý định yêu thương của Chúa, đồng thời biết cộng tác vào việc thánh hóa ngày ấy theo như Thánh ý của Ngài.
Chúa xót thương muôn đời thương xót
Noi gương Người, sống tốt với nhau
Nghĩa tình đằm thắm nặng sâu
Làm cho cuộc sống đượm màu sáng trong
*
Tình nhân loại ấm nồng thân thiết
Suốt cuộc đời mải miết yêu thương
Ngày mai hạnh phúc Thiên Đường
Sum vầy đoàn tụ Quê hương Nước Trời
Lạy Chúa! Chúng con nhận biết Chúa là mẫu gương trong việc tuân giữ lề luật. Xin Chúa cho chúng con ý thức “luật pháp Chúa toàn thiện, bổ sức cho tâm hồn… ”, để chúng con luôn trung thành bước đi trong đường lối Chúa chỉ dạy, để tuân giữ lề luật vì lòng kính mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
HOÀI THANH
Tước đoạt quyền con người (21.07.2017)
Bố là con ngựa em cưỡi, em chơi
Bố là thuyền nan cho em vượt sóng
Bố là sông rộng cho thuyền em bơi
Bố, bố là bờ đê cho em nằm ngủ
Bố, bố là phi thuyền cho em bay vào không gian
Bài hát “Bố là tất cả” của nhạc sĩ Thập Nhất nói về một điều: tất cả cho con và vì con. Ông bố làm nên tàu lửa, làm nên xe hơi, làm thành con thuyền, làm ra con sông, tạo thành phi thuyền, trở nên bờ đê …, tất cả cho đứa con của mình được hạnh phúc.
Khi tạo dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa cũng đã dựng nên ngày và đêm, trời và đất, mọi loài sinh vật trên trời và dưới đất chỉ để cho con người. Vì Thiên Chúa muốn cho con người được hạnh phúc. “Thiên Chúa phán: Chúng ta sẽ làm ra con người theo hình ảnh Chúng ta, giống như Chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1,26)
Từ khi Adong – Eva phạm tội, con người đã dần đánh mất quyền làm con Thiên Chúa, quyền được cai quản và làm chủ mọi loài tất cả mặt đất, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên đều vì con người: Thiên Chúa dựng nên vũ trụ để loài người có nơi cư ngụ, có thực phẩm nuôi sống. Vũ trụ vật chất là cái nôi, là nguồn cung cấp lương thực cho loài người.
Sự lầm lạc xúc phạm nhân phẩm của con người mà Pharisiêu đã đặt nên những luật lệ phân biệt để đối xử với những người thấp kém, họ coi những người thấp kém này chỉ là người nô lệ cho họ, nên không có bất cứ một quyền nào, kể cả quyền được ăn, được nói. Họ bắt dân chúng phải nghỉ ngày Sabát để đến nhà thờ mà cúng các lễ vật cho họ, vì họ được quyền thay mặt Thiên Chúa mà nhận lễ vật, lễ vật cho các tư tế, chỉ có họ mới được ăn, người khác ăn sẽ bị tội, theo luật thì có thể bị ném đá. Còn họ: “Ngày sa- bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa- bát mà không mắc tội đó sao? (Mt 12, 5).
Bài Tin Mừng Chúa Giêsu nhắc lại hình ảnh của con người là hình ảnh của Thiên Chúa, ngay từ khi Thiên Chúa tạo dựng con người có quyền được sinh sống trên trái đất, làm chủ mọi loài mọi vật để làm lương thực sống cho mình, không phân biệt một ai. Người nói: “27 Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát” (Mc 2, 27- 28).
Chính cái ác tâm chiếm đoạt quyền sống ấy của người Pharisiêu mà họ đã làm ra những lề luật để tước đoạt quyền làm con Thiên Chúa, quyền một con người. Còn họ như một đấng tối cao. Họ coi mình như một Thiên Chúa phán xử trên trần gian, mà loại bỏ quyền của Đấng họ Tôn Thờ, chính là Thiên Chúa. “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày Sa- bát!” (Mt 12, 2).
Chúa Giêsu khẳng định với họ, những việc làm công chính của con người trong ngày sabat là không có tội “8 Con người làm chủ ngày sabat.” Chúa cũng cho họ biết nhận biết rằng: Chính Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, còn lớn hơn cả đền thờ mà họ đang ở. “6 Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội.”
Con người làm chủ vật chất, vạn vật tất cả phải để làm sáng danh Thiên Chúa. Tất cả những việc làm không quy hướng về việc ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa đều là bất xứng, có tội. Chúng ta, mỗi người phải biết làm cho vật chất, vạn vật mỗi ngày mỗi nên tốt đẹp hơn, để danh Chúa mỗi ngày được cả sáng. Những tàn phá môi trường để thể hiện uy lực của con người thời nay nhằm loại trừ Thiên Chúa thì cũng chẳng khác chi người Pharisiêu xưa.
Cầu nguyện
Lay Chúa Giêsu, xin cho con nhận ra bổn phận làm chủ mọi ngày, mọi vật trên trần gian này, để con luôn quy hướng mọi sự về việc ngợi khen, tôn vinh Thiên Chúa. Xin cho con nhận ra lòng nhân từ của Chúa, để con dâng chính cuộc đời con làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa.
Gã Đầu Bạc
Lòng nhân (15.07.2016)
“Nếu các ông hiểu ý nghĩa câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế…” (Mt 12,7)
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tuy không Công Giáo, nhưng ông sống rất nội tâm, và đã để lại cho đời nhiều ca khúc thật sâu lắng…, đầy ý nghĩa nhân văn, để giờ đây tuy ông đã khuất bóng, nhưng các bài hát do ông sáng tác vẫn luôn được nhiều người hâm mộ,và thưởng thức từ lời ca sĩ cất lên như xoáy vào lòng người.
Bài Tin Mừng hôm nay kể về một việc nhỏ xíu: đó là các môn đệ Chúa Giê- su bứt ít gié lúa, chà xát trong tay để ăn cho vui miệng quên đói mà các ông Pha- ri- sêu cũng chộp lấy để dựa vào đó lên án Chúa Giê- su và các môn đệ vi phạm luật ngày sa- bát. Đối lại, Chúa Giê- su trưng dẫn việc vua Đa- vít và các tuỳ tùng khi đói được phép ăn bánh dâng hiến trong đền thờ, bánh chỉ dành riêng cho các thầy tư tế.
Trong khi quan điểm của các ông Pha- ri- sêu là con người vì lề luật thì Chúa Giê- su nhấn mạnh lề luật vì con người. Và đã vì con người thì tấm lòng mới là quan trọng: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” Quả vậy, Chúa từ chối làm một dấu lạ từ trời theo lời thách thức của người Do Thái vì Ngài muốn họ đến với Thiên Chúa bằng tấm lòng. Ngược lại, tại tiệc cưới Ca- na, Chúa sẵn lòng hoá nước thành rượu cho dù “giờ chưa đến” chỉ vì một tấm lòng biết cảm thông.
Nếu chúng ta hiểu rằng “Chúa muốn lòng nhân chứ không cần lễ tế” thì tại sao chúng ta sống giả hình giữ luật cách chi li hình thức mà không yêu mến Chúa lại còn chểnh mảng việc phục vụ tha nhân? Nếu chúng ta biết Chúa muốn tấm lòng, sao chúng ta không dâng cho Ngài tất cả tấm lòng trong mỗi việc nhỏ bé chúng ta làm vì lòng yêu mến Ngài? Bí tích Thánh Thể chính là phương thế tuyệt hảo để chúng ta dành cho Chúa tất cả tấm lòng của mình. Chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thể hôm nay chưa?
Lạy Chúa, con ước ao khát khao được Chúa ngự vào lòng con. Dù con không được rước Chúa cách hữu hình lúc này, xin Chúa ngự vào lòng con cách thiêng liêng, để hồn con luôn có Chúa, và từ đó con đem Chúa đến với những anh chị em con gặp gỡ, nhất là với ai cần sẻ chia nâng đỡ, cho con luôn biết mở lòng đón nhận họ như Chúa đã xót thương đón nhận con vậy. Amen.
BCT
Luật tình yêu
Suy niệm
Lề luật làm ra để bảo vệ sự sống con người. Lề luật của các lề luật là luật bác ái. Luật nghỉ ngày sa-bát nhằm lợi ích cho con người. Mọi lề luật trở nên trống rỗng, nếu nó không được thực thi vì lòng bác ái.
Trong tin Mừng hôm nay, vào ngày sa-bát, Thầy trò Đức Giê-su đang đi qua cánh đồng, thấy đói bụng, các môn đệ thản nhiên bứt lúa mà ăn. Việc bứt lúa thời đó kể như việc gặt lúa. Người Pha-ri-sêu coi trái mắt, nên vừa mách vừa “chê trách” Thầy họ: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát !” Vấn đề họ đưa ra không phải là tôn trọng luật pháp hay không, nhưng là bắt bẻ, hạch hỏi và tìm cách tố cáo Chúa. Trong cuộc đời, nhiều khi người ta muốn được người khác cảm thông cho mình, nhưng lại hay cắt nghĩa xấu, phê bình chỉ trích về người khác. Để trả lời, Đức Giê-su trưng dẫn chuyện xưa trong sách thánh để chứng minh: “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng ? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội đó sao ? Tôi nói cho các ông hay : ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.” Trong một tình cảnh ngặt nghèo, Thiên Chúa đã chấp nhận việc vua Đa-vít và đoàn tùy tùng ăn bánh tiến. Ngày sa-bát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sa-bát mà không mắc tội.
Đức Giê-su và các môn đệ ở đây, Người là hiện thân của Thiên Chúa. Người có thể thiết lập nên một tinh thần giữ ngày Sa-bát riêng. Đức Giê-su đã từng vạch trần lối sống vị luật: “Ai trong các ông có con chiên bị té xuống giếng trong ngày sa-bát, lại chẳng kéo nó lên sao? Bảo vệ mạng sống con người còn quan trọng hơn nữa. Hôm nay Người lên tiếng không chỉ để bênh vực các ông, mà để cho mọi thời biết rõ đường lối của Chúa, cách xử thế tùy hoàn cảnh, Tình Yêu vượt lên trên tất cả lề luật. Nơi bài đọc I, sách Xuất hành cho thấy mục đích của lễ Vượt qua là tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân ra khỏi cảnh làm nô lệ cho người Ai-cập, để dẫn đưa dân vào Đất Hứa; chứ không phải chỉ là để giữ những luật lệ thật chi tiết cách vụ luật.
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Với Chúa, người ta thường tạo ra kiểu “lễ tế”, khoảng cách giữa con người với Thiên Chúa. Chúa ở mãi tận trên cao, xa vời, cao siêu, nắm quyền hành ban phát ơn lộc. Còn “con người hèn mọn ấy chúng tôi” thì thấp hèn, chờ chực xin xỏ, với không tới, đây là hướng chiều dọc. Còn hướng chiều ngang đối với anh em là “lòng nhân” thì được biểu lộ bằng sự thân tình cởi mở, cảm thông tha thứ và đón nhận nhau.
Chúa ơi! Khi con yêu Chúa, con đâu còn sống vì luật lệ hình thức theo mặt chữ. Nhưng con sẽ mến thương, gần gũi anh em do lòng yêu mến Chúa thúc đẩy. Vì hoa trái tốt đẹp của tình anh em là dấu chứng tương quan mật thiết trong Chúa. Amen.
Én Nhỏ
Tuân giữ luật bằng tình yêu (17.07.2015)
1. Ghi nhớ : “Quả thế, Con Người làm chủ ngày Sa- bat ” (Mt 12,8).
2. Suy niệm: Chúa Giêsu chỉ cho người Do thái thấy rằng: luật là nhằm phục vụ cho con người, giúp cho con người sống đúng với vai trò của mình. Tinh thần của luật chính là tình yêu . Không có tình yêu thì việc giữ luật sẽ trở thành một ghánh nặng, nhàm chán và máy móc, không có ích lợi gì. Chúa Giêsu cũng xác nhận với người Do thái rằng: Chính Ngài làm chủ ngày Sabat và cũng là Chủ của Lề luật. Ngài ước mong con người đừng lấy Lề luật làm thước đo lòng người, làm tiêu chuẩn để xét đoán người khác. Ngài ban lề luật cho con người là vì yêu thương con người và muốn cho con người được hạnh phúc và tìm được sự sống vĩnh cửu.
3. Sống Lời Chúa: Tuân giữ luật bằng tình yêu.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy cho con biết tuân giữ và thi hành luật của Chúa bằng tấm lòng và bằng con tim yêu mến tha thiết. Amen.