Truyền thống trong tháng Các Đẳng Linh Hồn

1. Ở Canada, tội ác căm thù người Công Giáo tăng 260% vào năm 2021

Cục Thống kê Canada đã thu thập số liệu của họ từ các vụ việc được cảnh sát ghi lại. Theo dữ liệu, có 155 tội phạm được thúc đẩy bởi thành kiến chống Công Giáo vào năm 2021, tăng so với chỉ 43 vụ trong năm trước đó. Mức tăng 260% này thể hiện sự gia tăng lớn nhất về tội phạm gây ra đối với bất kỳ nhóm nào, không phân biệt dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng tình dục.

Tuy nhiên, các cộng đồng Do Thái phải chịu gánh nặng của tội ác thù hận ở Canada nặng nề nhất, với 487 vụ việc được ghi nhận. Tội ác căm thù người Do Thái cũng tăng 47% từ năm 2020 đến năm 2021. Mặc dù con số này đang gây khó khăn theo đúng nghĩa của nó, nhưng số liệu thống kê cho thấy tội phạm có động cơ chống Công Giáo có thể vượt qua số lượng tội phạm chống người Do Thái chỉ trong một vài năm, nếu các con số vẫn như cũ.

Nhìn chung, tội phạm dựa trên lòng căm thù ở Canada đã tăng gần như trên diện rộng vào năm 2021. Chỉ có ba nhóm chủng tộc – người “Da trắng”, người “Da đen” và các nhóm bản địa – đã giảm số lượng tội phạm gây ra chống lại họ. Trong số các nhóm dân tộc, người Ả Rập và Tây Á có tỷ lệ tội phạm thù hận gia tăng nhiều nhất, ở mức 46%.

Trong khi Cơ quan Thống kê Canada không đưa ra lời giải thích nào cho số liệu của họ, BC Catholic suy đoán rằng các báo cáo về các ngôi mộ tập thể tại các trường học dân cư có thể đã thúc đẩy sự gia tăng của tội phạm thù hận nhắm vào các nhà thờ, cá nhân và tài sản Công Giáo. Họ viết:

“Các con số này tương ứng với các vụ đốt phá, phá hoại và các mối đe dọa nhắm vào các cơ sở Công Giáo vào mùa hè năm ngoái sau các bản tin gây bức xúc về sự tồn tại của những ngôi mộ có thể xảy ra tại một nghĩa trang bỏ hoang liền kề với trường nội trú dành cho người bản địa Kamloops trước đây.”

Hơn nữa, BC Catholic nhận thấy rằng các phương tiện truyền thông chính thống đưa tin về báo cáo Thống kê Canada còn rất ít. Họ lưu ý rằng ngay cả những tờ báo đã đưa ra những con số được trình bày trong báo cáo – bao gồm Canadian Press, Canadian Broadcasting Corporation, National Post, và Globe and Mail – cũng không đề cập đến sự gia tăng đáng báo động về tội ác thù hận nhắm vào người Công Giáo.


Source:Aleteia

2. Truyền thống trong tháng Các Đẳng Linh Hồn

Tháng 11 là tháng Giáo Hội dành đặc biệt để cầu nguyện cho linh hồn của những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết trong quá khứ, có nhiều truyền thống đáng quý mà ngày nay không còn được tuân giữ, vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, trong các ngôi nhà ở Ái Nhĩ Lan, cửa không được khóa để những người ra đi có thể cảm thấy được chào đón trở lại vào Ngày Các Đẳng Linh Hồn và sẽ tìm một chỗ cho họ tại bàn ăn tối. Phong tục đã biến mất một cách đáng buồn, vì nếu để cửa mở như thế thì có khác gì là mời trộm cắp vào nhà.

Tuy thế, có một số truyền thống đẹp vẫn còn diễn ra trên khắp thế giới.

Tại Đức

Trong thời gian này, theo truyền thống dân gian, các gia đình người Đức cất tất cả các con dao vào một nơi an toàn, để khi linh hồn về thăm nhà không bị dao đâm.

Tại Ba lan

Người Công Giáo Ba Lan sẽ đến thăm những ngôi mộ của người thân mang theo những bó hoa cúc và một ngọn nến. Đối với người Ba Lan, hoa cúc là biểu tượng của sự bất tử – và ngọn nến tượng trưng cho sự hiện diện của Chúa bên cạnh người thân yêu của họ. Cảnh nghĩa trang của Ba Lan vào dịp này là một cảnh rất đẹp đáng để chiêm ngưỡng.

Tại Phi Luật Tân

Thời điểm này trong năm sẽ chứng kiến các nghĩa trang Phi Luật Tân đầy ắp người. Nhiều gia đình sẽ dành nhiều thời gian bên phần mộ của người thân: ăn uống, trò chuyện, cầu nguyện, cũng như dọn dẹp và trang trí phần mộ. Đây là dịp để gia đình dành thời gian bên nhau, và có một cảm giác vui mừng khi mọi người tưởng nhớ những người đã ra đi.

Tại Ái Nhĩ Lan

Mặc dù nhiều truyền thống trong quá khứ không còn được tuân giữ, nhưng người Ái Nhĩ Lan vẫn dành thời gian của họ để cầu nguyện và đi lễ để tôn vinh những người bạn và thành viên gia đình đã khuất của họ. Một số gia đình vẫn sẽ thắp một ngọn nến trong nhà của họ, đặc biệt là trong phòng có người thân qua đời.

Tại Mễ Tây Cơ

Người Mễ Tây Cơ kỷ niệm Ngày Các Đẳng Linh Hồn kết hợp với Dia de los Muertos, hay “Ngày của người chết”. Giống như ở nhiều quốc gia Công Giáo, các gia đình sẽ dành thời gian bên mộ những người thân yêu, nhưng họ cũng sẽ lập một bàn thờ tại nhà với thức ăn, hoa và hộp hình sọ người đựng đường để tôn vinh những người đã qua đời.

Tại Áo

Trong các vùng của Áo, các gia đình dọn dẹp ngôi nhà của họ sạch đẹp và ấm áp, và sẽ để một chiếc bánh trên bàn để mời những người thân yêu đã khuất của họ.

Tại Malta

Người Công Giáo Malta theo truyền thống có món heo quay vào bữa tối Ngày Các Đẳng Linh Hồn. Điều này bắt nguồn từ một phong tục, dân làng đeo chuông cho một con heo và cho nó đi lang thang trên đường phố. Người dân địa phương sẽ cho nó ăn, sau đó nó sẽ bị giết thịt vào ngày hôm đó để nuôi người nghèo.

Tại Ý

Ý có nhiều truyền thống, nhưng nổi bật trong nhiều vùng là việc cung cấp các món ngọt riêng cho người đã khuất – tiếng Ý gọi là dolci dei morti, “kẹo cho người chết”. Họ cũng làm những chiếc bánh quy màu trắng có hình xương, chúng là một cách buồn vui lẫn lộn để tưởng nhớ những người thân yêu.

3. Sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Truyền thống cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước:

Sách Macabêô quyển thứ hai ghi lại như sau:

“Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,43-46).

Giáo Hội từ những thế kỷ đầu, cũng đã có cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời.

Thánh Augustinô, thế kỷ IV, đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.”

Các dòng tu đặc biệt quan tâm đến việc này. Thánh Ôđilô, Tu viện trưởng Dòng Cluny, vào giữa thế kỷ XI (1048) đã có sáng kiến cho dòng của ngài cầu nguyện cho những người đã qua đời vào ngày 2/11, ngay sau lễ Các Thánh. Sáng kiến này được Giáo Hội đưa vào lịch Phụng vụ Rôma.

Công Đồng Triđentinô (1545-1563) nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.

Vì thế, Giáo Hội dùng cả tháng 11 để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đẳng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11. Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.

Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; lên Thiên Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Ngục.

Khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài. Thiên Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.

Khi còn sống những ai đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa, những ai biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu thì hỏa ngục là nơi dành cho họ.

Sách Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là nơi dành cho “những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).

Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải cậy nhờ hoàn toàn vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.

Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Chẳng hạn, Kinh Nguyện Thánh Thể ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.”

Cha Piô năm dấu thánh kể câu chuyện sau cho thấy sự cần kíp phải cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

Một buổi tối lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:

– Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!

Nhưng một giọng nói – không phải của thầy Leone – trả lời:

– Con không phải thầy Leone!

Tôi hỏi lại:

– Vậy thầy là ai?

Tiếng nói trả lời:

– Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này mà cho đến nay con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình. Nhưng giờ đây Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.

Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội khi nhanh nhẹn hứa rằng: “Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc dâng Thánh Lễ”. Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”. Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim tôi. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai. Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời, trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa cho tới sáng mai!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *