Trước thánh Ða Minh, đã có những nhà giảng thuyết. Họ có thể thành công hay thất bại, nhưng rồi tất cả chỉ gắn liền với hoàn cảnh riêng biệt, công việc của họ rồi cũng qua đi khi họ không còn có thể giảng thuyết được nữa. Trái lại, thánh Ða Minh đã lập một cộng đoàn, một Dòng tu để cùng nhau làm việc tông đồ. Dòng tu đó đã hiện diện gần 800 năm qua và vẫn luôn sản sinh những nhà giảng thuyết đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Nhưng đó mới chỉ là vấn đề hiệu năng. Sâu xa hơn, chúng ta thấy thánh Ða Minh đã muốn lãnh nhận sứ mạng tông đồ từ chính Giáo hội, là cộng đoàn Mẹ của mọi cộng đoàn trong Giáo Hội và ngài muốn công tác tông đồ của anh chị em phải được hun đúc trong bầu khí cộng đoàn; và cuối cùng cả cộng đoàn cũng trở nên như một chứng ta tập thể về Thiên Chúa cho cả nhân loại.
Sứ vụ tông đồ chính yếu là sứ vụ của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội sứ vụ đó. Mỗi người trong Giáo Hội được lãnh sứ vụ tông đồ chỉ vì là thành phần của Giáo Hội. Vì vậy, công việc tông đồ bao giờ cũng là công việc của Giáo Hội, dù người tông đồ đó có phải thi hành một mình, phải đơn độc chiến đấu với những khó khăn và hoàn cảnh. Làm tông đồ bao giờ cũng phải là tông đồ trong sự hiệp thông với Giáo Hội, là nơi đã sai chúng ta đi. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rằng chính cộng đoàn đã hun đúc tinh thần tông đồ của chúng ta, hỗ trợ công tác của chúng ta. Trong cộng đoàn chúng ta đã lãnh nhận công tác như một người được thừa sai, lãnh nhận được sự huấn luyện, nâng đỡ, chia sẻ, cũng như những lời cầu nguyện cho nhau.
Là thành viên Gia đình Ða Minh, chúng ta được tham dự vào sứ vụ của Giáo hội qua sứ vụ của Dòng, tức là theo cách thức riêng biệt của Dòng và qua sự hiệp thông với anh chị em trong Dòng. Vì vậy, chính cộng đoàn tu viện hay huynh đoàn là nguồn mạch sứ vụ tông đồ của chúng ta. Mỗi người trong Gia đình Ða Minh phải coi công việc tông đồ của Dòng như là công việc của chính mình và công việc của mình là công việc tông đồ của Dòng; mỗi người cần tham dự vào công việc chung, ưu tư và lo lắng tới công việc chung, cầu nguyện hoặc đóng góp cách này hay cách khác cho sứ vụ của Dòng, của huynh đoàn. Ðồng thời, công việc của mỗi người, dù làm bất cứ điều gì, phải được coi như là sứ vụ mình đã lãnh nhận; công việc đó phải góp phần cách nào đó để làm sáng tỏ lên bộ mặt của giáo hội, của cộng đoàn mình.
Mỗi người Kitô hữu đều lãnh nhận sứ vụ tông đồ và mỗi cộng đoàn Ða Minh phải là cộng đoàn tông đồ. Ðiều đó, vừa là một trách vụ, vừa là một niềm vui; vì tuy trách vụ có khó khăn, nhưng chẳng phải chúng ta đã làm một mình, và càng trung thành với chức vụ thì chúng ta lại càng hiệp thông sâu xa với cộng đoàn hơn. Như vậy, chúng ta thực hiện điều thánh Ða Minh mong muốn là mỗi cộng đoàn phải được coi như một “thánh thuyết cục” (cộng đoàn giảng thuyết).