Giám quản phải là người không ai chê trách được ; các trợ tá cũng vậy, phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch.
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.
Anh thân mến, đây là lời đáng tin cậy : ai mong được làm giám quản, người ấy ước muốn một nhiệm vụ cao đẹp. Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy ; người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh, vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được ? Người ấy không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ. Người ấy còn phải được người ngoài chứng nhận là tốt, kẻo bị sỉ nhục và sa vào cạm bẫy ma quỷ.
Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn ; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại. Các bà cũng vậy, phải là người đàng hoàng, không nói xấu, nhưng tiết độ, đáng tin cậy mọi bề. Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su.
Bài đọc 1: 1 Cr 12,12-14.27-31a
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô
Thưa anh em, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi.
Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao ? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao ? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao ?
Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 7, 11 – 17)
11 Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người.12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà.13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! “14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! “15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ.16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”.17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
Lòng lân tuất (17.09.2024)
Xuân Vọng – Bài Đường thi của Đỗ Phủ (712-770) – Có câu:
“Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm”.
Tạm dịch:
“Cảm thương thời thế, con người nhìn hoa mà mắt ướt lệ
Buồn vì ly biệt, nghe tiếng chim hót cũng thấy kinh sợ trong lòng”.
Hai câu thơ trên toát ra một tinh thần rất nhân bản. Cái làm cho độc giả cám cảnh; đó chính là diễn tả tình trạng nước đôi:
Tất cả dường như còn, mà tất cả lại đã mất hết. Cái còn sót lại chỉ làm tăng thêm vẻ bi thảm mà cái mất mang lại.
Hơn 700 năm trước Đỗ Phủ – lịch sử nhân loại cũng có một người rất “cảm thương thời thế”, đã cảm nhận sâu sắc nỗi buồn sinh ly tử biệt của tình mẫu tử – Đó chính là Đức Giê-su Na-da-rét.
Đức Giê-su thấu tỏ nỗi buồn của người mẹ mất con, Người thấu hiểu nỗi đau mất con của bà góa thành Na-im và sự cô đơn không nơi nương tựa ở bà. Dường như bà cũng đang chết theo cái chết của người con trai duy nhất của mình. Đức Giê-su chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa”. Rồi không cần người mẹ cầu xin, nài nỉ. Người bảo các người khiêng quan tài dừng lại. Người bước lại gần, sờ vào quan tài và nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”. Người chết ngồi dậy và bắt đầu nói. Chúa trao anh ta lại cho bà mẹ của anh (x. Lc. 7,11-17).
Hôm nay, Chúa Giê-su cũng yêu cầu các Ki-tô hữu hãy hiện-thực-hóa Tin Mừng, hãy sống lời của Chúa và đem Lời của Chúa vào cuộc sống.
Hôm nay, các Ki-tô hữu có xác tín Chúa Giê-su là tình yêu độc tôn và duy nhất hay không ? Chỉ khi nào được như vậy, thì Ki-tô hữu mới có thể yêu thương trong sự thật và buộc phải thương yêu xót thương hết mọi người mà họ gặp trong cuộc sống.
Hôm nay, các Ki-tô hữu học biết tình yêu là gì và phải yêu như thế nào, khi và chỉ khi mỗi người có chính trái tim của Chúa.
Hôm nay, các Ki-tô hữu hãy học bài học đi đến với người khác; học mang lấy tâm tình của người khác; nghĩa là: Học thương cảm. Học “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm. 12, 15).
Lạy Chúa, xin ban cho con thêm lòng quảng đại và hy sinh trong việc phục vụ, giúp đỡ tha nhân. Amen.
CÁT BIỂN
Hãy trỗi dậy ! (19.09.2023)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã chạnh lòng thương cảm cho bà mẹ góa chỉ có một đứa con trai duy nhất, nhưng lại chết sớm. Chúa đã chủ động đến gần, sờ vào quan tài, và bảo người thanh niên: hãy trỗi dậy !
Người thanh niên đã chết liền ngồi dậy và bắt đầu nói (x. Lc. 7,11-17)
Từ đó cho thấy, đối với mỗi người “Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Người” (x. Tv. 100,3). Người luôn ở gần, ở kề bên những ai đang gặp đau khổ để ủi an, cứu giúp, và ban niềm vui cho họ (x. Lc. 7,13-15)
Lạy Chúa,
Xin cho con một trái tim biết xúc động, đồng cảm với những đau khổ của người khác hầu xoa dịu được những đau đớn thể xác và tinh thần của họ;
Xin cho con biết xót thương cứu giúp những người nghèo khổ để họ luôn vững niềm trông cậy vào cuộc sống tươi đẹp;
Xin cho con biết an ủi, đỡ nâng những ai lầm đường lạc lối biết trỗi dậy quay về đường ngay, nẻo chính;
Xin vì công nghiệp Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
“Phù ai mạc đại ư tâm tử, nhi nhân tử diệc thứ chi” (夫哀莫大於心死, 而人死亦次之)
Nghĩa là: Không có gì đáng thương lớn hơn là lòng chết (trong lòng tuyệt vọng như đã chết), rồi kế đó mới là xác chết.
Đó cũng là tâm trạng của bà góa thành Na-in mà thánh sử Lu-ca đã cho ta biết trong Tin Mừng (x. Lc.7,11-17). Chúa Giê-su đã đồng cảm với nỗi đau mất mát của bà ấy, Ngài đã chạnh lòng thương cho hoàn cảnh tuyệt vọng của bà – từ nay bà không còn một nơi nương tựa nào hết, mọi hy vọng có một cuộc sống tối thiểu trông đợi vào người con trai duy nhất của bà đã tắt ngúm, ra đi theo cái chết của con trai bà rồi.
Chúa Giê-su bằng một lời nói hết sức uy quyền và một cử chỉ sờ chạm quan tài hết sức khả ái. Ngài đã gọi người chết trở về cõi sống và trao anh ta cho bà mẹ.
Vâng, Chúa Giê-su đã trao anh ta cho bà mẹ. Ngài đã:
Trao quyền năng cứu chữa của Thiên Chúa cho những mảnh đời khốn khổ.
Trao lòng thương xót của Thiên Chúa hằng ấp ủ và tuôn đổ cho những tâm hồn cô độc.
Sự hiện diện của Đức Giê-su giữa cảnh buồn đưa đám (tang) cũng chính là sự hiện diện của Thiên Chúa cứu độ.
Sự hiện diện của Chúa Giê-su không chỉ đưa lại sự an ủi, khích lệ kẻ đau, người buồn mà thôi mà còn đưa lại sự sống, khôi phục sự sống và trao ban đức Tin.
Đấy cũng là điều mà các môn đệ của Đức Giê-su ở mọi thời phải làm chứng.
Lạy Chúa, xin cho con được ơn tái sinh trong tâm hồn khô cằn, tội lỗi. Amen.
CÁT BIỂN
Tấm lòng đồng cảm và yêu thương (17.09.2019)
Tin Mừng hôm nay thuật lại phép lạ của Chúa Giêsu làm cho con trai bà góa thành Naim đã chết được sống lại. Lòng thương xót của Chúa đã đưa bà góa ra khỏi nỗi tuyệt vọng. Chúa đã cảm thông và cảm động khi thấy bà góa đi bên cạnh quan tài của người con một đã chết. Chúa đã cho cậu con trai của bà sống lại, khiến mọi người kinh hãi, nhưng đầy thán phục Ngài. Bà đã lấy lại niềm hy vọng và cùng với mọi người xác tín một cách mạnh mẽ rằng: tình yêu của Thiên Chúa vô cùng lớn lao và cao cả.
Chúa đến miền đó: Naim
Nhiều người theo Chúa, để xin ơn lành
Khi gần sắp đến cửa thành
Gặp một đám táng, chung quanh nhiều người
*
Con bà góa, tuổi đời còn trẻ
Mới qua đời, bao kẻ tiếc thương
Chúa liền đồng cảm xót thương
Nhìn người mẹ góa, vấn vương chạnh lòng
Chúa đã đến với những phận đời, phận người đang cần đến tình yêu của Thiên Chúa. Để rồi, Ngài cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết kín múc lấy sự nhạy cảm, tình yêu thương xót giữa những con người với nhau. Từ đó giúp chúng ta không được sống vô tâm, vô cảm trước những cảnh đời bất hạnh đang xảy ra xung quanh chúng ta.
Chúa nhân từ, luôn hằng thương xót
Đem niềm vui điều tốt lời hay
Với lòng nhân ái tràn đầy
Thực tình thi thố, trước nay sáng ngời
*
“Đừng khóc nữa” với lời thân thiết
Người mẹ hiền da diết khổ đau
Tâm tư tình cảm u sầu
Bà liền ngưng khóc ngẩng đầu nhìn lên
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải biết vững tin vào Chúa, cho dù là những lúc đau đớn nhất trong đời. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa luôn chạnh lòng thương. Chúng ta cũng phải biết “chạnh lòng thương” như Chúa đã từng yêu thương và cứu độ chúng ta.
Chúa bước lại, đến bên Người nói
“Hỡi thanh niên, hãy chỗi dậy đi”
Người chết ngồi dây kịp thì
Ai cũng sợ hãi những gì đã xem
*
Rồi cất tiếng ngợi khen kính mến
Một Tiên tri đã đến dương gian
Thiên Chúa, Ngài đã viếng thăm
Đem bình an tới vô vàn yêu thương
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện và quan phòng của Chúa trong cuộc sống, để chúng con cũng biết cảm thông và chia sẻ với tha nhân trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nhờ vào những việc làm tốt đẹp đó mà chúng con được sống trong niềm vui và bình an của Chúa và chia sẻ niềm vui và bình an cho mọi người đang sống chung quanh chúng con. Amen.
Tin Mừng theo thánh Lu-ca đã kể lại câu chuyện một đám đông cùng đi với Chúa Giê-su và các môn đệ. Thầy trò và mọi người đang trên đường tiến vào thành Na-in. Khi gần đến cửa thành thì gặp một đám tang có đông người đưa tiễn đang đi ngược lại…
Lòng trắc ẩn của Chúa bị đánh động bởi những giọt nước mắt dầm dề trên gương mặt đau khổ, vật vã của người mẹ góa, con côi. Bà chỉ có duy nhất mỗi đứa con trai sớm hôm hủ hỉ, chuyện trò nhưng thần chết cũng vừa cướp đi sinh mạng của nó rồi. Chúa Giê-su đã thấu hiểu tận căng nỗi đau ngút ngàn của bà góa phụ thành Na-in. Người đã cảm nhận được nỗi đau đớn khôn cùng của bà ấy khi mất đi những người thân yêu của mình qua những giọt nước mắt ướt đẫm trên khuôn mặt của bà.
Chính vì hiểu rõ nỗi đau đớn tột cùng của sự chia ly bởi cái chết. Người đã chạnh lòng thương xót lau khô giọt lệ sầu của người mẹ và làm cho con tim bà vui trở lại chỉ bằng một câu nói: “này anh bạn trẻ, hãy trỗi dậy !”. chàng thanh niên liền hoàn sinh, ngồi lên và bắt đầu nói. Chúa Giê-su trao anh ta lại cho bà mẹ của anh.
Đám đông chứng kiến sự việc đều kinh sợ và không ngừng tôn vinh Thiên Chúa. Họ đã loan truyền khắp nơi việc Chúa Giê-su đã làm phép lạ này.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn chạnh lòng thương xót và thi ân cho những ai gặp cảnh sầu thương đau khổ. Xin Chúa giúp con mau mắn nhận ra những nỗi đau của bao người bất hạnh xung quanh mình và xin cho con luôn biết quảng đại giúp đỡ, tận tình xoa dịu nỗi đau cho họ. Amen.
CÁT BIỂN
Chết để trường sinh (13.09.2016)
Đạo Đức Kinh, Chương 33 chép rằng: Tử nhi bất vong giả thọ (死而不亡者壽). Nghĩa là: Chết mà không mất đi là thọ. Lão Tử ám chỉ cái chết ở đây là chết cái phàm tâm, chết cái vọng tâm. Thánh nhân không coi cái chết là chết, mà coi sự không biết Đạo là cái chết; cũng không gọi cái sống là sống, mà coi sự biết Đạo là cái sống.Chết nhưng không phải là hết ! Điều này cho thấy, cuộc sống con người có một ý nghĩa hết sức quan trọng; không chỉ đơn thuần theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của vạn vật muôn loài tự nhiên mà thôi.
Chúa Giêsu đã đến trần gian này không phải để ban cho con người ta phép trường sinh bất tử. Nhưng Ngài đến để chỉ cho con người được hạnh phúc và tận hưởng đời sống trường sinh mai sau. Nhưng để bước vào đời sống mới – Đời sống vĩnh cửu – thì con người phải trải qua cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng cũng phải chết rồi mới phục sinh khải hoàn kia mà.
Việc Chúa Giêsu “động lòng thương” trước một sự kiện đau thương trong cuộc sống con người, cụ thể là trước cái chết của đứa con bà góa được diễn tả trong Tin mừng thánh Luca 7, 11-17. Chúa Giêsu đã cảm thông, chia sẻ thân phận với con người trong mọi hoàn cảnh sống. Chính lúc có sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa, con người mới thật sự đón nhận được niềm vui, bình an, và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã vâng phục Thiên Chúa Cha cho đến chết. Khi đón nhận cái chết, Người đã thể hiện cho con người ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho họ thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống.
Vậy người Kitô hữu đón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa ? Đây chính là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con cái của Người khi đi vào cái chết.
Đón nhận cái chết một cách có ý nghĩa đó là điều mang lại ý nghĩa nhất cho cuộc sống con người, và làm cho cuộc sống này trở thành đáng sống vậy.
Lạy Chúa, xin đồng hành với con trên mọi nẻo đường nhân gian và xin cho con được hạnh phúc khi chết, được chết trong Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Chạnh lòng nước mắt của mẹ (16/09/2014)
Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá…. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” (Lc 7,12-13)
Suy niệm: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”, thế nên nỗi đau của người mẹ khi đứa con yêu dấu của mình mất đi lại càng mênh mông hơn biết mấy. Đức Giê-su là Thiên Chúa Tình Yêu, sao lại không thể chạnh lòng thương xót trước nỗi đau lớn lao người mẹ làng Na-in này! Lời Chúa Giê-su nói: “Bà đừng khóc nữa” và việc Ngài cho người thanh niên sống lại, rồi “trao anh ta lại cho người mẹ” là dấu chỉ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và hơn nữa còn tiên báo Ngài chính là Người Con duy nhất của Thiên Chúa sẽ được Chúa cho sống lại và trao cho Mẹ Giáo Hội để mãi mãi ở lại với con người chúng ta.
Mời Bạn: Chúa chạnh lòng trước tiếng khóc người mẹ đau khổ. Ngài cũng chạnh lòng thương trước những nỗi thống khổ của con người. Và Chúa còn xót thương gấp bội khi chúng ta chết về phần linh hồn vì tội lỗi của mình. Bạn đã làm gì khi rơi vào tình trạng “chết linh hồn” đó? Với những giọt lệ thống hối, cùng với tiếng khóc của Mẹ Giáo Hội, bạn hãy đến với Bí tích Hoà Giải, để nhận được ơn tha tội, để được sống lại trong ân sủng Chúa.
Chia sẻ: Điều gì làm bạn ngại đến với bí tích Hoà Giải?
Sống Lời Chúa: Thường xuyên lãnh nhận bí tích Hoà Giải thay vì dừng lại ở giới hạn “một năm ít là một lần”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin cho con được đánh động bởi lòng thương xót Chúa, bởi nước mắt của mẹ Giáo Hội, để con có lòng ăn năn tội thực sự.