Danh ngôn các Thánh: KIÊU CĂNG đến KHIÊM NHƯỢNG

Mục lục

KIÊU CĂNG đến KHIÊM NHƯỢNG

Trong lời kinh Magnificat, Đức Maria đã tuyên xưng: “Chúa đã ra oai sức mạnh cánh tay Người, làm cho tan tác lũ kiêu căng lòng trí.” Các thánh dạy cho chúng ta biết rằng khiêm nhượng không phải là hiền lành nhu nhược, nhưng là sự nhận thức chân lý. Thiên Chúa là tất cả, còn chúng ta là những thụ tạo tùy thuộc, nhỏ hèn, nhưng lại tuyệt vời, vì chúng ta là con cái của một Thiên Chúa đầy yêu thương. Tính kiêu ngạo dưới lớp vỏ háo danh, hợm hĩnh, hoặc tự cao tự đại như ma quỉ, là một thói xấu. Nó đánh lừa, dụ dỗ chúng ta làm một việc bất khả là gắng sức trở nên những thần minh. Thái độ đó làm chúng ta xa lìa Thiên Chúa là Đấng muốn cứu độ chúng ta.

Sau đây là một số thí dụ chúng ta thường gặp trong đời sống hiện tại. Một người chỉ là nhân công hạng quèn tại công sở, nhưng khi về đến nhà lại đóng vai “Hitler tại gia,” đêm nào cũng quát tháo và đánh đập vợ con. Một nữ giáo sư đại học, hậm hực vì phải bấm bụng chịu nhục hồi còn đi học để chiều theo quan điểm của người khác, giờ đây thích đưa ra những ý tưởng bất mãn làm chấn động các sinh viên.

Các thánh thật đáng thán phục trong thái độ vui lòng đón nhận xỉ nhục và không chút kiêu căng. Thánh Gioan Thánh Giá, một thiên tài trí thức và là nhà cải tổ, đã chịu các tu sĩ phản đối quyền lãnh đạo của ngài đánh đập và chịu giam cầm trong một tu viện. Trong thời gian ấy, thánh nhân đã sáng tác những vần thơ tuyệt vời về cuộc kết hợp đầy hoan lạc với Chúa Kitô. Là người có công sáng lập dòng, nhưng thánh nữ Raphaela lại bị một nữ tu ganh ghét và bắt chuyển đến một tu viện xa xôi. Nơi đó, ngài không được giới thiệu là người lãnh đạo, nhưng như một người giúp việc. Thánh nữ Germaine de Pibrac bị người cha dượng buộc phải sống trong chuồng súc vật. Các thánh vừa kể trên đây và nhiều vị khác đã không ngừng lấy đức ái kiên nhẫn để vượt qua tất cả các trở ngại của các ngài.

* Khi đọc Thánh Kinh, những người khiêm nhượng và tích cực trên phương diện thiêng liêng sẽ áp dụng mọi lời vào bản thân họ, chứ không phải vào người khác. (Thánh Mark khổ tu)

* Một người thực sự vĩ đại không chỉ ngang tầm với những điều vĩ đại, mà họ còn dùng khả năng của mình để làm cho những điều bé nhỏ trở nên vĩ đại. (Thánh Basil)

* Đức khiêm nhượng có thể nâng cao tâm hồn một cách lạ thường.

Ước muốn danh giá cám dỗ cả những tâm trí cao thượng. (Thánh Augustine)

* Trong bài ca ngợi người chị của thánh nhân:

[Thánh Gorgonia] không bao giờ trang sức bằng vàng hoặc… bằng những lọn tóc uốn…. Trang phục của ngài không đắt giá, lượt là, không có những hạt ngọc rực rỡ và xinh đẹp…. Tuy vẫn biết các thứ đồ trang điểm trưng diện của phụ nữ, nhưng ngài đã ý thức rằng không có gì quí báu hơn tâm tính và vẻ đẹp nội tâm. (Thánh Gregory Nazianzen)

* Tôi như một hòn đá nằm sâu dưới vũng sình lầy; Đấng toàn năng đã đến, và với lòng thương xót, Người đã đưa tôi lên, nâng tôi lên cao thực sự và đặt tôi trên chóp bức tường. (Thánh Patrick)

* Khi một con người đầy ắp kiêu căng, thì thiên thần bản mệnh là đấng ở bên cạnh để khuyên nhủ họ quan tâm đến đường nẻo chính trực sẽ bỏ họ mà đi. Khi người ấy đã xúc phạm đến vị thiên thần và ngài đã bỏ họ mà đi rồi, thì một kẻ lạ (thần tối tăm) sẽ mon men đến gần, và từ đó, người ấy sẽ chẳng quan tâm đến đường nẻo chính trực nữa.

Người khiêm nhượng không bao giờ hấp tấp, bộp chộp hoặc xôn xao. Họ chẳng bao giờ có những tư tưởng nóng nẩy hoặc thiếu nghiêm túc, nhưng luôn luôn điềm tĩnh. Không gì có thể làm cho họ kinh động, xao xuyến hoặc hoảng hốt, vì họ không sợ hãi cũng không thay đổi trong thử thách; không ngạc nhiên cũng không phởn chí trong vui tươi. Tất cả hoan lạc và niềm vui của họ gồm trong những gì đẹp lòng Thiên Chúa. (Thánh Isaak Syria)

* Ngay cả khi không có quyền lực trong tay, tâm trí con người vẫn hướng chiều về sự kiêu căng; thế thì khi có quyền lực nâng đỡ, họ còn tự đại đến đâu nữa. (Thánh Gregory Cả)

* Thiếu khiêm nhượng, không thể nào có lòng kính sợ Thiên Chúa, lòng nhân ái, đức tin, đức tự chủ, hoặc bất kỳ một nhân đức nào khác…. Nếu đau khổ xảy đến cho một người khiêm nhượng, họ lập tức nhận mình đáng chịu, không trách cứ hoặc đổ lỗi cho người khác. Như thế, họ điềm tĩnh cam chịu mọi điều xảy đến mà không xao động, không bứt rứt; và vì vậy, họ không bị ai tức giận mà cũng chẳng giận tức ai. (Thánh Abba Dorotheus)

* Khiêm nhượng là nhân đức độc nhất ma quỉ không thể bắt chước được. Nếu như tính kiêu ngạo đã biến các thiên thần trở nên ma quỉ, thì đức khiêm nhượng ắt hẳn cũng có thể biến các ma quỉ trở nên thiên thần.

Trong sự quan phòng khôn thấu, Thiên Chúa đã sắp định cho một số người được lãnh nhận phần thưởng vì khó nhọc của họ ngay trước khi bắt tay vào việc; một số nữa thì được trong khi đang làm việc; một số khác thì được sau khi công việc đã hoàn tất; và một số khác nữa thì được vào giờ chết. Vậy độc giả hãy tự vấn xem mình thuộc loại nào để sống khiêm nhượng hơn nữa. (Thánh Gioan Climacus)

* Người háo danh cảm thấy khó chịu khi thấy người khiêm nhượng chảy nước mắt nài xin được lòng thương xót của Thiên Chúa và khơi dậy lời cảm ơn tự phát nơi người khác.

Như ngọn lửa lúc nào cũng bốc lên, nhất là khi chất đốt được khêu cời và lật đảo, thì tâm hồn kẻ háo danh cũng không thể nào hạ mình xuống được. Khi anh em nói điều tốt về họ, thì tâm hồn họ càng lúc càng hứng chí; nếu bị tố cáo và quở trách, thì họ tranh cãi kịch liệt; còn nếu được khen lao và tiếp đón, thì họ càng hợm mình hơn nữa. (Thánh Simeon thần học gia mới)

* Khi cảm thấy sự nhục nhã, anh em hãy chấp nhận như một dấu chỉ chắc chắn báo trước một ân sủng nào đó đang dành sẵn cho anh em.

Ai lại thoát được những khuyết điểm? Người thiếu sót mọi sự là người tưởng mình không thiếu sót sự gì. (Thánh Bernard)

* Thân xác chúng ta không được dựng nên bằng sắt. Sức mạnh chúng ta không phải là sức mạnh của đá. Ta hãy sống và trông cậy vào Thiên Chúa, và hãy phục vụ cho hợp lý. Hãy dùng muối khôn ngoan mà tra vào của lễ toàn thiêu của chúng ta. (Thánh Clare Assisi)

* Người tự phụ về phương diện thiêng liêng thường sa vào lầm lạc và khó sửa mình hơn những người tự phụ về phương diện trần thế. Vì vậy, ta hãy coi mình là hư vô. (Chân phúc Angela Foligno)

* Sự trọn lành không hệ ở việc giết chết thân xác, nhưng ở việc giết chết ý riêng ngoan cố của chúng ta.

Lời Chúa phán cùng thánh nữ:

Con thực chất là hư không, còn Cha là Tự Hữu. (Thánh Catherine Siena)

* Chúa Kitô rất vui mừng khi thấy một linh hồn đơn sơ đến với Người trong sự trần trụi, đơn thành và chân chất, bởi vì Người chính là nơi cư ngụ tự nhiên của linh hồn được Chúa Thánh Thần thúc đẩy. (Chân phúc Julian Norwich)

* Chúa Kitô soi sáng tận thẳm cung của tâm hồn khiêm nhượng. Người luôn luôn xúc động mỗi khi có linh hồn nào than thở hoặc khiêm nhượng đem nỗi bất lực của họ đến đặt trước thánh nhan Người. (Chân phúc Jan Van Ruysbroeck)

* Điều duy nhất nơi tôi khiến tôi hãnh diện là tôi thấy nơi tôi chẳng có gì để hãnh diện. (Thánh Catherine Genoa)

* Trong tinh thần siêu thoát, linh hồn tìm được sự tĩnh lặng và thảnh thơi vì không còn ham hố sự gì. Nó không mỏi mệt vì tự cao, cũng không chán chường vì ngã lòng, bởi vì nó đứng ở tâm điểm sự khiêm nhượng. (Thánh Gioan Thánh Giá)

* Một ngày kia có lẽ anh chị em sẽ thấy tôi đi trước, phía sau có một nhân viên chấp pháp quất roi vào tôi, và anh chị em sẽ nói, “Lạy Chúa lòng lành, đúng kia là ông cha Philip mà chúng ta vẫn cứ tưởng là một người tốt lành dễ mến.” (Thánh Philip Neri)

* Nếu ai bỡ ngỡ vì sao Thiên Chúa lại tạo dựng mọi thụ tạo mà lại để họ lúc nào cũng cần đến sự trợ giúp của Người, thì họ hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm như thế chỉ vì lòng tốt lành toàn diện của Người. Thứ nhất, để giữ cho các thụ tạo khỏi kiêu ngạo bằng cách để họ nhận ra sự yếu đuối của họ mà kêu cầu lên Người; thứ hai, để tôn vinh và an ủi các thụ tạo của Người. (Thánh Thomas More)

* Sau khi đã sa ngã, anh em hãy hướng tâm hồn lên một cách dịu dàng và êm đềm. Anh em hãy sấp mình trước thánh nhan Thiên Chúa trong sự ý thức về nỗi khốn cùng của mình. Đừng ngạc nhiên trước sự yếu đuối của anh em, bởi vì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, sự yếu đuối thì phải yếu đuối. (Thánh Francis de Sales)

* Cuộc đời Chúa Kitô chẳng phải là một cuộc đời chấp nhận xỉ nhục triền miên hay sao? (Thánh Vincent de Paul)

* Có những ân sủng Thiên Chúa Toàn Năng không được ban khi anh em ngỏ lời xin lần thứ nhất, lần thứ hai, hoặc lần thứ ba, bởi vì Người muốn anh em phải cầu nguyện trong một thời gian lâu dài và thường xuyên. Người muốn trì hoãn để giữ anh em trong tình trạng khiêm cung và tự hạ, đồng thời làm cho anh em nhận thức được giá trị những ân sủng của Người. (Thánh Gioan Eudes)

* Cửa thiên đàng rất thấp; chỉ những người biết hạ mình mới có thể vào được. (Thánh Elizabeth Seton)

* Tôi chẳng biết gì cả; tôi chẳng là gì cả. Vì vậy, Thiên Chúa đã kén chọn tôi. (Thánh Catherine Labouré)

* Thiên Chúa thường và thực sự rất thường để cho các tôi trung cao cả của Người vấp phải những sai lỗi nhục nhã nhất. Điều ấy hạ thấp họ trước mắt họ và trước mắt những người đồng sự của họ. Điều ấy giữ cho họ khỏi nhìn thấy và không kiêu hãnh về những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho họ. (Thánh Louis Marie de Montfort)

* Trong nhà hát, các đam mê được trình bày theo một hình thức hoàn toàn khác với thực trạng…. Trên sân khấu, dường như óc thống trị, kiêu hãnh, căm giận, báo phục, v.v., phát xuất từ một tâm hồn vĩ đại và tâm trí cao thượng, trong khi người ta dùng một bức màn để che phủ sự thối nát của con tim. (Thánh Elizabeth Seton)

* Thiên Chúa chỉ có thể làm cho chúng ta trở nên khiêm nhượng bằng những nhát búa mà thôi, cho dù tâm tính tự nhiên chúng ta có tốt lành đến đâu đi nữa. (Thánh Anthony Mary Claret)

* Tôi lại không biết Đức Trinh Nữ Rất Thánh đã chọn tôi chỉ vì tôi là người dốt nát nhất hay sao? Nếu như đã tìm được một ai đó còn dốt nát hơn tôi, có lẽ Đức Mẹ đã chọn người ấy rồi.

Đức Trinh Nữ Rất Thánh sử dụng tôi như một cây chổi. Quí vị sẽ làm gì với một cây chổi sau khi đã quét xong? Quí vị sẽ cất nó vào chỗ của nó, ở phía sau cánh cửa. (Thánh Bernadette)

* Làm sao chúng ta có thể cảm thấy nhu cầu chúng ta cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, sự lệ thuộc của chúng ta vào Người, món nợ của chúng ta đối với Người, hoặc bản chất tặng ân Người ban cho chúng ta, nếu như chúng ta không nhận biết bản thân mình…. Đó là lý do nhiều người trong thời đại này (và trong tất cả các thời đại) đã trở nên vô thần, rối đạo, lạc đạo, bất trung với Giáo Hội…. Họ chưa từng cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì họ chưa bao giờ nhận ra tình trạng yếu đuối và nhu cầu của chính bản thân họ. (Đấng đáng kính hồng y John Henry Newman)

* Phương cách duy nhất để tiến nhanh trên con đường tình yêu Thiên Chúa là cứ sống rất nhỏ bé và đặt hết tín thác vào Thiên Chúa Toàn Năng. Đó là điều tôi đã thực hiện.

Một tư tưởng nào đó chợt đến với tôi, tôi nói ra và được chị em đón nhận – tại sao các chị không nhận nó làm của họ? Tư tưởng đó không phải của tôi, nhưng của Chúa Thánh Thần. Giả như tôi nghĩ nó thuộc về tôi, thì tôi cũng phạm sai lầm giống như con lừa chở đồ thánh, cứ tưởng rằng sự tôn kính người ta dành cho vị thánh là dành cho nó! (Thánh Thérèse Lisieux)

* Khi sống trong tình yêu, người ta khiêm nhượng, người ta thấy mình rất vô nghĩa và không là gì bên cạnh Đấng mình yêu dấu. (Đấng đáng kính Charles de Foucauld)

* Khiêm nhượng, khiêm nhượng, và luôn luôn khiêm nhượng. Satan sợ hãi và run giùng trước những linh hồn khiêm nhượng. Chúa sẵn lòng thực hiện những việc lớn lao, nhưng với điều kiện là chúng ta phải thực sự khiêm nhượng. (Thánh Piô Năm Dấu)

* Bạn đừng chán nản khi không thấy những điều tốt bạn làm. Hầu như người ta được trợ giúp nhờ sự vô danh, những hy sinh ẩn khuất của mình, thay vì lòng sốt sắng của một vị Tông Đồ lẫy lừng. Trên hết, chúng ta hãy cố gắng dẹp bỏ cái tôi của mình sang một bên, vì đó là điều làm tổn hại cho mọi sự. (Đấng đáng kính Thecla Merico)

* Hãy vứt bỏ những cảm tình, những cảm tình ngớ nẩn chỉ hợp với nữ sinh nhẹ dạ. Hãy để nếp sống bên ngoài của anh em phản ảnh niềm bình an và trật tự trong linh hồn của anh em.

Cung cách hợm hĩnh và tự mãn không hợp với anh em chút nào: Nó rất dễ lây nhiễm. Vậy anh em hãy cố gắng để đừng dùng nó với Thiên Chúa, hoặc với cha linh hướng, hoặc với anh em của anh em. Giữa họ và anh em sẽ có một vật cản kém hơn. (Thánh José Escriva)

Mục lục

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *