Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
NL: TRĂM TRIỆU LỜI CA
ĐC: XIN TỎ LÒNG TỪ BI
ALL: Ngôi Lời đã làm Người và ở giữa chúng ta. Những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền làm con Thiên Chúa.
DL: NÀY TỪNG GIỌT RƯỢU
HL: XIN TRI ÂN
KL: LỄ HẾT
Lời Chúa: 1 V 19,9a.11-13a, Rm 9,1-5, Mt 14,22-33
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 14,22-33)
22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29 Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”
Vinh quang Chúa (13.08.2023)
“Núi rung, đá vỡ, trời nghiêng ngã
Gió lộng, đất quần, xẻ núi non,
Vinh quang tột mức nhan thánh Chúa
Tôi hèn run rẩy tấc lòng son.
Lửa rực mở đường nghinh đón Chúa
Hiu hiu gió thổi cảnh chon von,
Cửa hang, che mặt thân hèn mọn
Hồn trần khát Chúa dạ héo hon.
Thân hành vinh sáng cao quang ngự
Lưng thiêng chiêm ngưỡng thỏa vuông tròn,
Ê-li-a phúc phần ngôn sứ
Vinh đời hiển hách đức tin son.
… … …
Trăm năm ngẫm lại đời dâu bể
Tiền, tình, danh, lợi tựa phấn son!
Nếm đắng, vị đời chua chát thật
Khép lòng, trăn trở… mối tình con!
Cha hỡi! Con chia Tình Thập Tự
Cảm ân cứu độ quá sắt son!
Phận hèn ẩn khuất trong góc nhỏ
Say ngắm tình Người đỉnh cao tôn.
(Ê-li-a 1 V 19,9-15)
Sau khi Chúa Giê-su làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con ăn no. Người bắt các môn đệ xuống thuyền chèo qua bên kia biển hồ Ga-li-lê, còn Chúa Giê-su lên núi cầu nguyện “Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.” Những điểm này làm chúng ta phải suy nghĩ.
Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật, sao Người vẫn cầu nguyện sau khi làm một phép lạ lớn lao, xứng danh là Con Thiên Chúa?
Thật ra, nếu Chúa Giê-su sử dụng thần tính của Người trong địa vị là Ngôi Hai Thiên Chúa, Người sẽ không cần cầu nguyện. Nhưng giờ đây trong nhân tính, một nhân tính luôn cần phát triển cho đến hoàn thiện. Cho dù xác hồn thụ tạo đã kết hiệp đến hiệp nhất với thần tính, ở trong địa vị là Con Thiên Chúa nhập thể làm người và nhập thế. Hơn nữa, Chúa Giê-su đang mang trong mình sứ mạng cứu độ nhân loại, thực hiện cho hoàn tất chương trình của Chúa Cha. Chúa Giê-su cần gắn bó hiệp nhất Chúa Cha, kín múc sủng ân cho nhân loại để hoàn thiện nhân tính (x. Dt 2,10). Đồng thời, cảm tạ và tôn vinh Chúa Cha đã cùng hành động với Người trong mỗi hoạt động thực hiện chương trình cứu độ. Không những thế, việc Chúa Giê-su thường xuyên cầu nguyện với Chúa Cha còn là bài học lớn, tấm gương sáng tuyệt vời cho những người tin Thiên Chúa Ba Ngôi và hướng về sự sống vĩnh hằng.
Trở về với bối cảnh Phúc Âm, thánh Mát-thêu ghi “Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.” Chúng ta thấy Chúa Giê-su giải tán dân chúng và bắt các môn đệ lên thuyền đi qua biền hồ Ga-li-lê sau giờ ăn chiều, tức khoảng năm, sáu giờ chiều. Còn chính Người ở lại trong đêm, một mình lên núi cầu nguyện, trong lúc các Tông Đồ ra đi vượt biển trong tình trạng vất vả “Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.” Mãi đến canh tư, tức vào khoảng từ một giờ cho đến ba giờ sáng, lúc đó thuyền của các môn đệ đã đi khá xa trên biển.
Đến đây, nội dung chính của đoạn Phúc Âm bắt đầu được tường trình “Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên.” Đây là điểm quan trọng, cho ta biết rằng não trạng “sợ ma” của người dân Ít-ra-en, Việt Nam và nhân loại nói chung không khác nhau là mấy. Các thánh Tông Đồ lúc bấy giờ cũng kinh hoảng vì “sợ ma”.
Nhưng thử hỏi, “ma” là gì mà sợ đến vậy?
Là các linh hồn được ơn nghĩa với Chúa sau khi đã chết.
Nói cách khác là các linh hồn ấy, đang ở trong luyện ngục hay ngục tổ tông (nếu đã lên thiên đàng, linh hồn ở trong tình trạng sáng láng, đẹp đẽ, khác với “ma”). Rồi trong ý nhiệm của Chúa hay ngẫu nhiên, vô tình họ cho chúng ta thấy được sự hiện diện của họ. Vậy, có gì đáng sợ đâu mà ai cũng sợ, phải chăng chúng ta và các thánh Tông Đồ lúc thấy ma đã tự quên thân phận mình là con Thiên Chúa? Mặc nhiên để cảm tính tự cho rằng “ma” có thể gây nguy hiểm hay hại được mình! Cho nên mới sợ. Trong lúc theo sự thật đức tin, ma lại sợ chúng ta, họ sợ những người con của Thiên Chúa.
Với cấp độ đức tin này, các thánh Tông Đồ và chính thánh Phê-rô cũng không hiểu hết lời nầy của Thầy mình “Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.
Thánh Phê-rô nhiệt thành, sự nhiệt thành còn vương mang cao vọng trong lúc chẳng biết mình, nên ông táo bạo mở lời xin Chúa “Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đây là lời cầu xin vượt quy luật tự nhiên vốn có tự ngàn đời, chẳng khác nào đòi hỏi Chúa Giê-su ban một phép lạ. Nhưng đồng thời cũng đòi hỏi chính mình phải có một đức tin đã trưởng thành, thật vững mạnh. Cho nên kết quả, dù Chúa Giê-su đã bảo thánh Phê-rô “Cứ đến!”, vị thánh Tông Đồ Trưởng của chúng ta vẫn phải lãnh lấy hậu quả đức tin yếu kém của mình “Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”
Dẫu biết rằng, nếu thánh Phê-rô không nhìn vào sóng biển, không chùn lòng sợ gió lớn, mà chỉ nhìn về phía Chúa Giê-su thôi, ông sẽ không chìm xuống biển. Nhưng làm sao chế ngự được cảm giác sợ ở con người mình, con người vốn có đức tin yếu kém. Không thể trong phút chốc biến yếu tin thành mạnh tin, nỗi lòng luôn còn “sợ ma” kia sẽ là định mức của một đức tin cần trải nghiệm thật nhiều. Cần biết sống cho Chúa, và với Chúa để có thể kinh qua những đau khổ, thử thách lớn lao, mới được nên vững vàng. Bởi thế, lời cầu xin đúng lúc “ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”, lại được nhận lời quở trách “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
Câu kết của đoạn trình thuật Phúc Âm này “Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” làm cho chúng ta nhận ra việc Chúa Giê-su bắt các Tông Đồ ra khơi lúc chiều, và Người chủ ý ở lại cầu nguyện trong đêm một mình là một sự sắp xếp có tính toán hẳn hoi. Chúa Giê-su chủ trương cho các thánh Tông Đồ và tất cả chúng ta một bài học đức tin thật thú vị:
Ngoài việc Chúa Giê-su chứng tỏ cho các Tông Đồ biết thần tính của Người, Đấng làm chủ quy luật tự nhiên, vượt lên trên sóng biển và thu ngắn khoảng cách không gian (Người đi trên biển nhanh hơn các Tông Đồ chèo thuyền). Lời các Tông Đồ nói “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”, chứng tỏ ý muốn của Chúa Giê-su đã thành công. Chúa còn dạy chúng ta, sống đời con Chúa ở trần gian, chẳng khác nào đi trên sóng biển đời, cần có một đức tin vững mạnh để không bị chìm xuống.
Thú vị ngay trong điểm thánh Phê-rô kêu cầu Chúa lúc nguy nan mà Chúa đánh giá là “kém tin”. Một sự thật siêu nhiên hòa trong tự nhiên, thật sự lúc bấy giờ các Tông Đồ vẫn còn khá kém tin, niềm tin của những người sợ ma!
Chúng ta xem lại đức tin của ngôn sứ Ê-li-a, một khác biệt khá lớn với các tông đồ. Ngôn sứ Ê-li-a nhìn cảnh tượng thiên nhiên núi non hùng vĩ, giờ lại run rẩy, kinh hoàng trước nhan Đức Chúa. Thế mà động đất, bão tố làm đá vỡ, lửa rực non ngàn dập dồn đến, cũng không làm cho lòng Ê-li-a bấn loạn hay lo lắng “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan ĐỨC CHÚA,… Sau đó là động đất, … Sau động đất là lửa,”. Ngay cả lời Kinh “Người phán: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” (Xh 33,20) cũng không làm Ê-li-a nản lòng. Người ngôn sứ hết tình khao khát kiếm tìm thánh nhan Đức Chúa không còn biết sợ là gì. Vì đối với những người khao khát Chúa ngay cả cái chết cũng là một sủng ân, còn gì hạnh phúc bằng khi được chết đi trong ơn nghĩa với Chúa! Họ xác tín rằng được chết trong Chúa là một niềm hạnh phúc lớn, là hoa trái của cả một đời người sống công chính. Quả thật, trong hành trình đức tin, còn có nhiều điều quan trọng hơn cả cái chết hay đau khổ. Bởi thế, nơi bài đọc hai thánh Phao-lô mới trần tình “được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.” Tình yêu dành cho phần rỗi các linh hồn người thân theo huyết thống của thánh Phao-lô thật lớn lao. Dám hy sinh phần rỗi của chính mình cho những người thân tộc, đây chính là nhân đức hy sinh cả thể của một linh hồn nặng mang hồn tông đồ. Lời dẫn tiếp theo của thánh Phao-lô, cho ta nhận ra khẳng định sự hợp lý về lập trường của thánh Phao-lô. Điểm mấu chốt là quy về Chúa Giê-su Ki-tô, nhân tố then chốt làm nên huyết thống tự nhiên và siêu nhiên. Làm sáng giá hơn về ơn cứu độ qua cuộc khổ nạn phải trả giá thật lớn lao của Người, thể hiện trọn vẹn nghĩa tình của Chúa Chiên Lành “Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời.”
Qua nội dung ba bài đọc, chúng ta nhận ra chân lý: Đức Giê-su Ki-tô, Đấng có thể kéo con người lên khỏi sóng nước biển cả, cũng kéo con người lên khỏi vũng lầy tội lỗi và cái chết cõi nhân gian đưa lên thuyền cứu độ, đưa vào cuộc sống vĩnh hằng và vinh quang bất diệt. Con thuyền cứu độ là Hội Thánh hữu hình ở đời này, lẫn Hội Thánh vô hình ở đời sau, mà Con Thiên Chúa đã thiết lập cho tất cả những người tin. Bằng giềng mối huyết thống tự nhiên nối kết với huyết thống siêu nhiên, tức là thông công trong giá máu của Người qua việc tin nhận ơn cứu độ được thực hiện trên đồi Can-vê, nơi đất nước Ít-ra-en cách đây hơn hai ngàn năm. Giá tình Thập Tự ấy có giá trị vĩnh viễn với thời gian.
Tình Yêu Hoa Cỏ
Sóng đời xô đẩy
– Rời quê lên phố, em được mọi người trong làng ngưỡng mộ, vì “cái mác” sinh viên bách khoa. Trong môi trường phố thị, em choáng ngợp. Em bắt đầu đua đòi theo chúng bạn. Gia đình thì sẵn lòng đáp ứng mọi thứ để em hoàn thành đời sinh viên. Sau mấy năm “vừa chơi vừa học”, em cũng nhận được bằng cử nhân.
Thế nhưng, em thấy đời vẫn không vui. Em thấy trống trải sau cuộc chơi. Em nhận thấy sự vô nghĩa sau những ồn ào thoáng qua.
Em hỏi tôi: “Sao cha đi tu? Có gì khác với đời sống bình thường của nhiều người ở đời không? Con có thể đi tu không? Chúa có đón nhận con không?”
– Thuyền của các môn đệ bấp bênh trên biển với cơn sóng dữ, khiến các ông hoang mang. Đức Giêsu đến mà các ông còn tưởng là ma. Ngay cả khi ông Phê-rô đã bước đi dưới biển, nhưng vẫn hoài nghi. Thế nhưng, Đức Giêsu vẫn thương các ông, vẫn kiên nhẫn dạy bảo các ông, và Người đã trấn an các ông: “Thầy đây, đừng sợ!”
Có thể các môn đệ chưa có được sự gắn bó mật thiết với Thầy Giêsu, nên các ông rơi vào sự hoài nghi, ngờ vực. Nhất là khi các ông đối diện với sóng to gió lớn giữa biển khơi. Thế nhưng, Đức Giêsu vẫn bước lên thuyền. Nghĩa là người chấp nhận các ông, chấp nhận sự hoài nghi của các ông, chấp nhận niềm tin non yếu của các ông.
– Trong thử thách, chúng ta có để Chúa bước vào cuộc đời mình, như cách Chúa bước lên thuyền của các môn đệ không? Chỉ cần Chúa bước vào đời ta, mọi khó khăn sẽ được giải gỡ, sẽ có cách giải quyết. Chúa Giêsu vừa bước lên thuyền, thì sóng đã yên, biển đã lặng đấy thôi!
Chúa vẫn đang hiện diện bằng nhiều cách trong cuộc sống chúng ta. Chỉ là chúng ta kém tin, hay hoài nghi nên chưa nhận ra. Tệ hơn, nhiều lúc chúng ta từ chối không để Chúa bước vào cuộc đời mình, nên chúng ta cứ mãi loay hoay trong thử thách.
Câu trả lời của tôi dành cho bạn sinh viên là: “Nếu đã sẵn sàng để Chúa bước vào cuộc đời của con, thì con đã bắt đầu theo Chúa được rồi!”
Chúa có bỏ ai đâu!
Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP.
Đi trên mặt biển
“Đức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.” (Mt 14, 22). Tại sao Người lại bắt các môn đệ chèo thuyền để lánh sang bên kia, đồng thời giải tán đám đông dân chúng nhỉ? Bởi dân chúng theo Người vì được ăn bánh phép lạ no nê, theo Người hy vọng được ăn mãi thứ bánh ấy. Người biết các môn đệ cũng quan niệm về một Đấng Thiên Sai với sức mạnh quyền uy mà giải phóng dân tộc, nên Người dẹp trận mà bắt các ông xuống thuyền đi trước.
“Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.” (Mt 14,23). Tin Mừng Gioan cho biết: Đức Giêsu “trốn” đám đông để lánh mặt một mình lên núi, vì biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua. Dân chúng thích vị “Vua” cho ăn bánh, nhưng Ngài là Vua Tình Yêu cơ! Trong khi đám đông muốn tôn vinh vì sức mạnh quyền năng của Ngài, thì Ngài lại đi cầu nguyện với Cha lâu giờ. Cầu nguyện là trực diện một mình với Chúa. Cầu nguyện là phương thế để khỏi sa chước cám dỗ.
Chuyện trong Tin Mừng hôm nay thật hấp dẫn. Thầy Giêsu chìm trong cầu nguyện. Các môn đệ thì chèo thuyền đã xa Thầy cả mấy cây số và bị sóng đánh vì ngược gió. Nửa đêm gần sáng, Thầy ra biển hồ thấy các ông đang vật vã với sóng gió. Các ông đang sợ mà thấy Thầy đi trên mặt biển tiến về phía mình lúc còn trong đêm. Ai mà không sợ chứ? Các ông hoảng hốt tưởng là ma nên sợ hãi la lên, nhưng họ nghe được tiếng Thầy trấn an từ xa vọng lại: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14, 27). Nghe tiếng Thầy, ông Phêrô xin Thầy cho được đi trên mặt nước để đến với Thầy. Và quả nhiên ông bước xuống khỏi thuyền, ông cũng đi được trên mặt nước như Thầy. Nhưng khi yếu lòng tin, gió vừa thổi ông đâm sợ và chìm xuống. Ông la lên xin Thầy cứu. Thầy vừa đưa tay nắm lấy ông vừa trách yêu: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” (Mt 14, 31).
Tại sao Thầy đi được trên mặt nước? Phải chăng vì Thầy mới cầu nguyện? Sống cầu nguyện làm cho người đó nhẹ tênh, tâm hồn có thể “bay lên” được. Ba môn đệ đã từng chứng kiến khi Thầy cầu nguyện trên núi Tabor, Thầy tỏa sáng làm các ông lóa mắt, ra mê sảng. Ông Phêrô hôm nay cũng mạnh tin, nhưng đến khi gặp sóng gió thì niềm tin như chẳng còn. Chỉ khi kêu cứu đến Thầy thì ông được lại sự an toàn, bình an trong tay Thầy mình.
“Màn trượt băng” hôm nay cho chúng con một bài học: phải luôn luôn tin tưởng, buông mình trong bàn tay yêu thương của Chúa. Có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường đời, có khi nào yếu lòng hầu quỵ ngã, con vẫn một niềm bám víu vào Chúa như Phêrô, để rồi sẽ thấy: “Kìa bóng Chúa hiện đến cầm tay nâng con lên, ủi an như mẹ hiền. Chúa chính là Chúa bình an”. (Thánh ca).
Én Nhỏ
Thưa Thầy, xin cứu con với!”
1. Ghi nhớ:
“Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên; “Thưa Ngài, xin cứu con với!”. (Mt14, 30)
2. Suy niệm:
Bá tước Constantin Volney(1757-1820) là một học giả, một văn hào nổi tiếng của Hàn lâm viện văn chương Pháp thời cách mạng 1789 và thời đế chính của Napoleon. Ông là hiện thân cho phái tự do tư tưởng, vô tín ngưỡng và duy vật cực đoan.
Một ngày kia, trong một cuộc du ngoạn dọc theo bờ biển Hoa-Kỳ, chiếc du thuyền ông đang đi thì bất ngờ gặp phải một cơn giông tố dữ dội, con tầu gần như muốn bị nhấn chìm. Các hành khách trên tầu đều cầu nguyện và phó mình cho Chúa và Đức Mẹ phù hộ chở che. Thế rồi cơn bão cũng qua, mọi sự bình yên trở lại.
Có người hành khách thuộc giới trí thức, trước đó đã nhìn thấy Volney mượn được của ai đó một xâu chuỗi và lần hạt trong cơn nguy biến. Vì biết Volney là người vô thần nên ông tiến lại, mỉa mai và châm biếm hỏi rằng:
–“Thưa ngài Volney kính mến, nếu được, xin ngài vui lòng cho tôi biết lúc nãy ngài đã cầu nguyện với ai mà sốt sắng như vậy?”
Ông Volney lúng túng một thoáng, rồi sau đó quyết định nói thật lòng mình:
–“Người ta chỉ có thể làm triết gia vô thần trong phòng làm việc, chứ không thể như thế khi gặp cơn giông tố nguy tử như lúc nãy được.”
Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Matthêu kể lại rằng khi thấy mình sắp bị chìm xuống dưới lòng biển sâu thẳm, mênh mông thì thánh Phêrô đã hoảng hốt kêu lên: “Thưa Thầy, xin cứu con với!”. Và Chúa đã đưa tay ra nắm lấy tay ông.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng có thể được ví như những chuyến hành trình vượt biển để đến với bến bờ vinh quang thiên quốc. Trong cuộc hải hành đó chúng ta không thể không gặp những sóng gió bão táp, đang chực chờ nhận chìm chúng ta xuống lòng biển cả. Nhưng, thật hạnh phúc thay cho chúng ta vì đã có Chúa bên cạnh, luôn sãn sàng giúp chúng ta vượt qua được những cơn sóng gió bão táp đó. Chúa hằng chở che, bảo vệ chúng ta nếu như chúng ta biết tin tưởng cầu nguyện phó thác mọi nghịch cảnh cuộc đời trong tay Ngài.
Trước biển cả bao la, chúng ta cảm nhận được một điều rất rõ ràng là: Chúng ta thật sự nhỏ bé, hèn mọn và bất lực trước sóng to gió cả, chúng ta sẽ chết chìm nếu như không có sự hộ vực từ nơi Thiên Chúa.
Trong cuộc sống trần gian, về thể xác, chúng ta sống được là do bởi chúng ta có không khí để thở, có nước để uống và có lửa để nấu chín thức ăn. Nhưng chúng ta cũng phải thường xuyên hứng chịu những tai họa cũng chính bởi do Gió,Nước và Lửa gây ra. Khi ngọn cuồng phong xảy đến, nó có thể làm chìm đắm những con tầu dù to lớn đi trên biển và san bằng hết những vật cản như nhà cửa, cây cối trên mặt đất nơi mà nó đi qua. Cũng vậy, chỉ sau một trận lũ ống, lũ quét thôi thì có khi cả một buôn làng đều bị tàn phá tan hoang. Ngọn lửa thì chẳng kiêng nể gì! Khi nó đi qua, tất cả chỉ còn lại là một đống tro tàn!
“Lửa thử vàng, gian nan tôi luyện con người”. Chúa vẫn để cho sóng gió bão tố, tai ương xảy ra trong cuộc đời này, như là để cho đức tin của chúng ta được tôi luyện ngày càng thêm kiên vững sắt son hơn. Bởi thế, chúng ta không xin Chúa cất khỏi đôi vai chúng ta cây thập giá, nhưng chúng ta luôn cậy trông tin tưởng Chúa sẽ ban ơn hộ giúp để chúng ta có đủ nghị lực và bền chí vác thập tự cho đến cùng.
Về phần tâm linh, sống trên trần gian này chúng ta cũng phải đối đầu với ba kẻ thù nguy hiểm đó là: Thế gian, xác thịt và ma quỉ. Mà muốn vượt thắng được những kẻ thù đó, thì chúng ta phải cậy nhờ vào ơn Chúa. Bởi nếu không có ơn Chúa chúng ta sẽ không vượt qua được những kẻ thù đó. Như lời Chúa đã dạy: “Không có Thầy các con không thể làm được gì”(Ga15,5).
Theo tường trình của Tin Mừng hôm nay, thì Chúa đã đưa bàn tay cho thánh Phêrô nắm lấy vì thế ông không bị chìm xuống biển. Noi theo thánh nhân, chúng ta luôn tin tưởng cầu nguyện, phó thác, đặt trọn niềm cậy trông tuyết đối vào Chúa. Như luôn đặt ban tay mình trong bàn tay Thiên Chúa.Và Ngài sẽ mãi gìn giữ chúng ta vượt qua khỏi mọi sự dữ trần gian, được luôn sống bình an và hạnh phúc trong bàn tay đầy yêu thương của Ngài.
Đồng thời, như Chúa đã đưa tay ra cứu giúp chúng ta thế nào thì chính chúng ta cũng phải biết đưa tay ra hộ giúp anh em thân cận khi họ gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn, cần đến sự trợ giúp của chúng ta.
3.Cầu nguyện:
Lạy Chúa, khi chúng con ngắm nhìn vũ trụ, biển trời bao la vô tận, chúng con cảm thấy mình thật nhỏ bé yếu đuối và mong manh. Chúng con như những trẻ thơ chỉ biết nép mình bên Chúa để được bảo vệ chở che, chăm sóc. Xin cho chúng con trọn cuộc đời này luôn tin tưởng, phó thác mọi sự trong tình yêu thương xót của Chúa và xin cho chúng con cũng trở nên giống Chúa để trở thành chỗ dựa cho mọi người đặc biệt là cho những người thân yêu trong gia đình của chúng con. Amen.
4. Sống lời Chúa:
Để ý đến những nhu cầu thiết thực của những người thân và tìm cách thỏa đáng cho họ.
Đaminh Trần Văn Chính
***
4. Một điểm tựa duy nhất trên cõi đời
6. Kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu
7. Uy quyền – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
8. Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con
10. Dìu nhau tiến bước – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
11. Khi hành trình đức tin có sóng gió
1. Trên sóng biển
Sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ rời bỏ đám đông để qua bờ bên kia, còn Ngài thì lo việc giải tán dân chúng.
So sánh hai đoạn Tin Mừng ấy chúng ta ghi nhận được một chi tiết thú vị. Đó là giữa lúc các môn đệ muốn giải tán dân chúng thì Chúa Giêsu lại yêu cầu các ông giữ họ lại và lo cho họ ăn. Còn bây giờ khi các ông muốn ở lại với họ thì Ngài lại buộc các ông phải rời bỏ họ mà đi nơi khác. Chúa Giêsu xem ra muốn chất dứt niềm hứng khởi của các ông giữa một đám đông vừa mới được thưởng thức phép lạ Ngài làm. Qua đó Chúa Giêsu như muốn dạy các ông một bài học về tinh thần phục vụ đích thực: Hãy phục vụ người khác nhưng đừng tìm cách hưởng thụ hay khai thác những kết quả do việc phục vụ đem lại. Hãy giúp đỡ vì tình trạng cần giúp đỡ của người khác chứ không thể dựa vào lòng biết ơn của họ để tạo thêm uy tín, thanh danh hay ảnh hưởng của riêng mình.
Người môn đệ của Chúa phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng từ bỏ nơi của phép lạ hoá bánh ra nhiều, nơi của sự thành công, nơi của những cơ sở đã được gầy dựng, nơi của một chỗ đứng đã được bảo đảm, để đến một nơi xa lạ, một nơi khởi sự làm quen với những bất trắc và những khó khăn có thể gặp phải. Cũng như trên đỉnh Taborê, giữa lúc Phêrô đang tính chuyện dựng lều thì Ngài lại giục các ông phải xuống núi và tiếp tục con đường lên Giêrusalem, là nơi bản án tử hình của Ngài đang được chuẩn bị.
Công cuộc rao giảng Tin Mừng của các môn đệ không phải là không có những bất trắc, những xáo trộn và những hiểm nguy, như xưa trên mặt biển, các ông đã gặp phải phong ba bão táp. Nhưng nếu chỉ nhìn vào những bất trắc, thì người ta dễ thất vọng và thối lui. Thế nhưng Chúa Giêsu vẫn có đó trong đêm tối của phong ba bão táp. Ngài có đó để nói với chúng ta rằng: Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.
Vấn đề là trong những lúc bất trắc xảy đến, chúng ta phải biết nhận ra sự hiện diện của Ngài để can đảm và vững tâm bước tới. Giữa những âm thanh của biển gầm sóng vỗ, chúng ta phải biết nhận ra tiếng nói của Ngài. Và như thế niềm tin của chúng ta phải là một niềm tin, không xuất phát từ lý luận, từ sách vở, nhưng xuất phát từ việc nhận biết Chúa và tiếng gọi yêu thương của Ngài giữa những sự kiện xảy đến trong cuộc sống của chúng ta. [Mục Lục]
2. Con thuyền Giáo Hội
Phải chăng đoạn Tin Mừng sáng hôm nay phản ảnh cho một kinh nghiệm sống đức tin của Giáo Hội thời sơ khai? Thực vậy, như một con thuyền tròng trành giữa biển khơi dậy sóng, Giáo Hội chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé và yếu đuối giữa một thế gian đối nghịch và không ngừng áp đảo…
Trong cuốn chuyện Quo vadis, tác giả Sienkievich đã đặt Phêrô, người chài lưới già nua và dốt nát trong thế đối diện với Néron, một hoàng đế hùng mạnh, chủ tể của trần gian. Phêrô đã run rẩy, ngẩng mái đầu bạc trắng của mình lên trời cao mà thầm thĩ kêu xin: Lạy Chúa, con biết làm gì với thành phố mà Chúa sai con tới. Của y nào là biển cả và đất liền. Của y nào là muông thú trên mặt đất cũng như thuỷ tộc dưới lòng đại dương. Của y nào là những vương quốc, thành quách và 30 chiến đoàn đang canh giữ. Còn con, lạy Chúa, con chỉ là một tên ngư phủ, sống quanh quẩn trên các mặt sông hồ. Con biết làm gì đây. Làm sao con thắng được sự dữ mà y đã gieo rắc.
Quả là mong manh, bé bỏng và yếu đuối, thế nhưng Giáo Hội vẫn không ngừng đi tới vì tin rằng Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện như lời Ngài xác quyết: Thầy đây, đừng sợ. Cho dẫu đó chỉ là một sự hiện diện vô hình, tưởng chừng như ảo ảnh. Thế nhưng cộng đoàn nhỏ bé ấy đã làm đảo lộn cả lịch sử. Néron đã biến đi như một cơn mộng dữ đẫm máu. Còn Phêrô, người chài lưới già nua và dốt nát vẫn còn đấy, đã chiếm lĩnh đến muôn thuở cả trần gian.
Cũng chính vì thế mà câu chuyện của 2.000 năm về trước luôn là nguồn suy tư và sức mạnh cho Giáo Hội, đặc biệt trong những giai đoạn phải đối diện với những khó khăn và thử thách, với những phong ba và bão táp, để ở đó, Giáo Hội hâm nóng lại niềm tin của mình và can đảm tiến bước.
Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Pháp vào năm 1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng đã lấy đoạn Tin Mừng hôm nay làm chủ đề để khai triển suy tư và tăng cường sức mạnh cho một Giáo Hội đã từng có thời kỳ vàng son đáng nhớ, nhưng hôm nay đang phải đối đầu với những vấn đề được xem là bi quan và nan giải.
Đồng thời, nếu hình ảnh Phêrô đi trên sóng biển được nhìn với tư cách người lãnh đạo Giáo Hội, thì Phêrô ấy cũng còn là hình ảnh tượng trưng cho từng người Kitô hữu đang sống trong lòng cuộc đời. Với niềm tin bên cạnh những giây phút nghi nan và ngờ vực. Với những niềm vui mừng xen lẫn những âu lo và sợ hãi. Với quyết tâm giữa những ngả nghiêng và chao đảo. Chính nơi con người Phêrô ấy mà mỗi người chúng ta sẽ nhận ra thân phận mỏng manh và yếu đuối của bản thân. Và nhất là nơi con người Phêrô ấy, chúng ta cần hun nóng lại niềm cậy trông và kêu cầu: Lạy Chúa, xin cứu vớt con. [Mục Lục]
3. Biển đời.
Có một cậu bé xin đi biển để học nghề làm thuỷ thủ. Ngày nọ trời dông bão, người ta bảo cậu leo lên cột buồn. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt ngước lên trời. Nhưng đến lưng chừng, cậu phạm phải một sai lầm, đó là cậu nhìn xuống mặt biển dậy sóng. Thế là cậu bị chóng mặt như muốn ngã xuống. Thấy vậy, một thuỷ thủ già bèn la lên: Này cậu bé, hãy nhìn lên trời. Nghe theo lời chỉ dẫn trên, cuối cùng cậu bé đã leo tới đỉnh cột buồm một cách an toàn.
Lỗi lầm của cậu bé giống hệt lỗi lầm của Phêrô qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay. Cậu bé đã rời mắt khỏi bầu trời và đã nhìn xuống mặt biển dông bão như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa và nhìn xuống những ngọn sóng.
Điều này cũng thường xảy đến với mỗi người chúng ta. Thực vậy, có những lúc trong cuộc đời, chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Chúa, nhất là những lúc chúng ta được may mắn và những thành công như mỉm cười với chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sóng yên biển lặng. Trái lại cuộc đời của chúng ta cũng có những ngày phong ba và bão táp. Chính trong những giờ phút đen tối này, chúng ta dễ dàng rời xa Chúa, chúng ta dễ dàng từ bỏ Ngài để đi tìm những sự vật khác, để rồi bản thân chúng ta bị chao đảo, mất thăng bằng và chìm xuống.
Đoạm Tin Mừng sáng hôm nay mời gọi chúng ta hãy thẳng thắn kiểm điểm lại đời sống của mình. Nếu lúc này, chúng ta không cảm nhận được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng thì chắc chắn đó là vì chúng ta đã lìa xa Chúa. Nếu như lúc này chúng ta đang chao đảo và như muốn chìm xuống đáy nước, thì chắc hẳn đó là vì chúng ta đã không còn tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Hãy quay trở về cùng Chúa và hãy kêu lên như thánh Phêrô: Lạy Chúa, xin cứu vớt con. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay phù trợ, bởi vì Ngài không phải chỉ là một Thiên Chúa quyền năng, có thể làm được những sự chúng ta kêu van, mà hơn thế nữa, Ngài còn là một người cha đầy lòng thương xót, luôn sẵn sàng cứu vớt và nâng đỡ chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc. Có Chúa cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước những phong ba và bão táp, chúng ta sẽ không còn lo lắng trước những gian nan và thử thách như lời thánh vịnh đã viết: Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công, thành trì Chúa chẳng giữ trông, hùng binh kiện tước cũng không ra gì.
Và để kết luận, chúng ta cùng nhau ghi nhớ tư tưởng sau đây của một câu danh ngôn: Có Chúa thì màng nhện cũng sẽ trở nên tường thành. Trái lại, nếu không có Chúa, thì tường thành cũng chỉ là màng nhện mà thôi. [Mục Lục]
4. Một điểm tựa duy nhất trên cõi đời
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Đang chèo thuyền giữa khơi trong bóng đêm dày đặc, các môn đệ bỗng phát hiện một bóng ma chập chờn trên sóng nước. Mọi người hốt hoảng la lên. Nào ngờ đó lại là Chúa Giêsu. Ngài trấn an họ: “Chính Thầy đây! Đừng sợ!”. Biết vậy, Phêrô hăm hở đòi đi trên nước như Thầy: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài thì xin truyền cho con đi trên mặt nước và đến cùng Ngài”.
Được Chúa chấp thuận, Phêrô bước ra khỏi thuyền, bước chân chao đảo trên sóng nước như người say. Thế rồi một cơn gió mạnh thổi đến, nước xô ập vào người làm Phêrô chới với. Ông hoảng hốt la lên: “Lạy Thầy, xin mau cứu con!”.
Lập tức, Chúa Giêsu nắm lấy tay Phêrô, kéo ông lên rồi đưa ông vào thuyền bình an vô sự.
Sống trên đời nầy, chúng ta cũng như Phêrô đi trên mặt biển. Mọi sự chung quanh đều chao đảo, bấp bênh, hỗn độn. Mới đây còn đang vui đùa, nhảy múa reo cười đùng một cái, bỗng hoá ra người thiên cổ! Mạng người quá đỗi mong manh. Kiếp người như ngọn đèn lung linh trước gió, như một giấc chiêm bao!
Cuộc đời đầy dẫy tai ương
Những thiên tai xảy ra dồn dập khắp nơi trên thế giới: bão tố, lũ lụt, động đất, sóng thần, lốc xoáy… đã gây ra tổn thất khủng khiếp về nhân mạng cũng như về tài sản.
Bên cạnh đó, những tai hoạ do con người gây ra cũng khủng khiếp và tàn bạo không kém: chiến tranh, bạo lực, khủng bố, đàn áp, bóc lột, bệnh tật, đói nghèo…
Trước những tai ương hoạn nạn đó, con người biết tìm đâu nơi nương tựa vững bền? Biết bám víu vào ai để bảo toàn mạng sống? Biết dựa vào sức mạnh nào để đương đầu?
Chẳng có chi vững bền
Trên cõi đời nầy, tìm đâu ra một điểm tựa vững bền?
Tựa vào tiền của ư? Tiền của không mua được sức khoẻ và sự sống. Những tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không thoát khỏi bệnh tật và chết chóc.
Tựa vào địa vị, chức quyền ư? Những tổng thống, vua chúa quyền lực nhất thế gian cũng chỉ được ngồi trên ngai trong thời hạn ngắn rồi bị truất phế và tất cả không trừ ai đã vùi thây dưới mộ.
Chẳng có gì kiên cố
Toà tháp đôi ở Newyork cao đến 110 tầng (417- 425 mét) đứng uy nghi sừng sững giữa trời, vượt hẳn lên các công trình kiến trúc hoành tráng chung quanh, ngạo nghễ thách thức với cả những cơn địa chấn mạnh nhất, nằm ở trung tâm một đất nước phồn vinh và hùng mạnh nhất thế giới, nhưng có ai ngờ: nó đã bị tấn công, bị bốc cháy ngùn ngụt và sụp đổ tan tành trước sự kinh hoàng của hàng tỉ người trên thế giới, chôn vùi ngót năm ngàn nạn nhân dưới khối bê tông khổng lồ của nó trong một biến cố gây chấn động thế giới vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Mọi thứ đều bấp bênh
Hành trình của con người trên dương gian không khác chi hành trình của Phêrô trên mặt nước; nhìn trước, nhìn sau, nhìn lui, nhìn tới, mọi thứ đều chao đảo, tất cả đều bấp bênh, chẳng có gì vững bền.
“Ôi nhân sinh là thế: như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao” (Khuyết danh)
Biết nương tựa vào đâu
Con người không thể dựa vào người khác vì tất cả những người khác cũng đang ở trong tư thế bấp bênh, chao đảo như mình. Một chiếc tàu sắp đắm không thể cứu vớt chiếc tàu khác cũng đang chìm đắm như mình.
Cần phải có một “quyền lực” nào đó ở bên trên, ở một bờ bến vững vàng, mới có thể cứu vớt những ai đang chìm đắm trong biển đời chao đảo.
Hãy nắm lấy bàn tay Chúa Giêsu
Duy chỉ có bàn tay Chúa Giêsu mới có đủ quyền năng cứu vớt mọi người trên dương thế và bàn tay ấy luôn đưa tay ra để nâng đỡ, dìu dắt, cứu vớt bao người.
Bàn tay Chúa Giêsu đã đẩy lùi bệnh tật ra khỏi kiếp người: chạm đến những người phong hủi khiến những người nầy được sạch (Mt 8,3); đặt lên “những người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn và họ được chữa lành” (Lc 4, 40)
Bàn tay Chúa Giêsu trả lại ánh sáng cho người mù tối: chạm đến mắt người mù khiến y được sáng. (Mt 9,29. 20, 34)
Bàn tay Chúa Giêsu đã lôi kéo con người ra khỏi cõi chết: nắm lấy bàn tay bé gái đã chết và trả lại sự sống cho em. (Mt 9,24)
Và cũng chính bàn tay ấy đã đưa ra nắm lấy tay Phêrô đang chới với giữa sóng gió hãi hùng, kéo ông khỏi bị chìm đắm và đưa ông vào trong thuyền bình an vô sự. (Mt 14, 31).
Lạy Chúa Giêsu,
Chỉ có Chúa và duy chỉ có một mình Chúa mới là điểm tựa duy nhất cho nhân loại đang chơi vơi, chao đảo giữa biển đời tăm tối hãi hùng.
Bàn tay Chúa vẫn đưa ra và sẵn sàng nắm lấy bàn tay yếu đuối của con người đắm chìm giữa biển đời tối đen đầy sóng gió, nhưng tiếc thay, người đời không chịu để cho Chúa nắm lấy tay mình.
Chúa yêu mến con người và sẵn sàng cứu vớt họ, nhưng đồng thời Chúa cũng luôn tôn trọng tự do của họ.
Xin soi sáng cho nhân loại hôm nay khám phá ra bàn tay đầy quyền năng của Thiên Chúa Tình Yêu đang luôn vươn ra để che chở và cứu vớt mọi người.
Xin cho chúng con được trở thành bàn tay nối dài của Chúa, sẵn sàng đưa ra nắm lấy những bàn tay khác đang gặp sóng gió gian nan. [Mục Lục]
5. Đừng sợ
(John.W. Martens – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
“Hãy can đảm lên. Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14,27)
Chỉ đảo qua những bản dịch Kinh Thánh cổ xưa chuyển sang Anh Ngữ, ví dụ bản dịch của Douay-Rheims hay của King James, chúng ta sẽ thấy hạn từ ma (ghost) xuất hiện hơn cả một trăm lần ở mỗi bản dịch. Các bản dịch này chuyển ngữ từ hạn từ Hy Lạp hagios pneuma thành thuật ngữ “Holy ghost” (ma thánh). Trong các bản dịch hiện hành, các dịch giả thường sử dụng từ “Holy Spirit” (thần khí). Từ ngữ “ghost” (ma) trong các văn bản hiện nay chỉ dùng để chuyển ngữ từ tiếng Hy Lạp Phantasma và hạn từ này chỉ xuất hiện trong trình thuật kể lại việc Chúa Giêsu đi trên mặt nước, như được thuật lại trong Mt 14,26. Tuy nhiên, từ ngữ ghost trong bản dịch của Douay-Rheims và King James không ám chỉ ý niệm ma quái, mà nói về một cuộc thần hiện (apparition) hoặc về sự xuất hiện của thần khí (spirit), thì có lẽ chính xác hơn.
Điều này lý giải lý do tại sao ý niệm của từ ngữ này dần dần được chuyển đổi. Ngày nay, người ta dang dần dần loại bỏ những hình ảnh ma quái trong các phim hoạt hình, trong các câu chuyện cho trẻ em, hay trong các hóa trang ngày lễ Halloween (trước lễ các Thánh). Vì thế, thuật ngữ holy ghost (ma thánh thiêng) không còn biểu thị cho 2 khía cạnh “thánh thiện và thiêng liêng” nữa. Ám ảnh sợ hãi không nhất thiết phải gắn liền với hình ảnh ghost (ma). Dẫu sao, khi người ta dùng từ ngữ phantasma với ý niệm về ma quái, hoặc về thần hiện, hoặc nói về thần khí, rõ ràng từ ngữ này không nhắm đến một con người bằng xương bằng thịt bình thường xuất hiện trước mặt các môn đệ. Cho nên, sự liên tưởng khi nhìn thấy một phantasma (có vẻ giống như ma quái) đang đi trên mặt nước khiến các ông khiếp sợ. Họ la toáng lên “ma kìa” và rất kinh khiếp.
Khi có một người lạ hay một người chúng ta không hề quen biết xuất hiện, thường chúng ta sợ. Đây là phản ứng tự nhiên của chúng ta cũng như của các tông đồ. Tuy nhiên, trong lần gặp gỡ này, Đức Giêsu muốn vén mở đôi điều về thần tính của Ngài cho các học trò mình. Thoạt đầu, Chúa đi trên mặt nước cách lạ thường không phải nhằm khải thị thần tính của Ngài, cho dù sự kiện đó rõ ràng biểu hiện năng quyền của Ngài có thể thống trị thiên nhiên. Điều sâu xa Chúa Giêsu muốn truyền đạt cho các môn đệ , giữa lúc các ông đang khiếp hãi, là lời trấn an “Hãy can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ”. “Thầy đây” là thuật ngữ dịch từ tiếng Hy Lạp “egô eimi” có nghĩa “Ta là”. Đây cũng là lời bày tỏ căn tính của Đức Chúa Giavê trong cựu ước, được sách xuất hành 3,14 thuật lại. Chúa nói với Môisen: “Ta là (Đấng) Ta Là” – Ego sum qui sum . Đức Giêsu muốn phá tan nỗi khiếp sợ của các môn đệ bằng cách khẳng định sự hiện diện của Ngài giữa cơn giông bão, và sâu xa hơn, đó chính là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi hữu thể của Đức Giêsu. Thiên Chúa đang hiển hiện nơi thân xác của chính Đức Giêsu.
Phêrô xuất hiện, và ông đã đáp trả lời trấn an của Thầy mình. Ông tin rằng đây không phải là một bóng ma, một phantasma, nhưng là chính Đức Giêsu Đấng đang gọi mời ông và các môn đệ. Phêrô bắt đầu bước xuống biển và đi trên mặt nước. Nhưng một lần nữa, ông lại sợ khi sóng to gió lớn nổi lên. Quyết tâm của ông bị chao đảo. Ông từ từ lún chìm trong dòng nước. Cho dù Đức Giêsu có nói hay không nói với Phêrô “ Sao kém tin thế”, thì Phêrô cũng đã gào lên với Chúa “Thưa Thầy, xin cứu con”. Đây là một động thái tổng hợp cả hai mặt: vừa nghi ngờ khiến ông bị chìm, vừa bày tỏ lòng tin như một phương sách cuối cùng. Lòng tin đó khởi dẫn ông tìm đến ơn cứu độ giữa lúc bị chìm dưới biển. Không phải chỉ Phêrô, nhưng tất cả những ai lúc đó đang ở trên thuyền, chứng kiến những sự kiện nói lên sự trọng thị đối với Đức Giêsu – chính xác hơn là sự tôn phục Ngài, chúng ta cũng như các tông đồ sẽ phải thốt lên “ Đúng Ngài là con Thiên Chúa”. Đức Giêsu đã mặc khải uy quyền của Ngài vượt trên sức mạnh thiên nhiên và khuất phục cả những mãnh lực làm chúng ta chảo đảo sợ hãi. Nhưng quan trọng hơn hết, Ngài khải thị cho chúng ta chính thần tính của Ngài và biểu tỏ sức mạnh có thể cứu lấy những gì đã hư mất.
Đa phần chúng ta chưa từng có kinh nghiệm về sự hiện diện linh thánh của Thiên Chúa sâu xa như các môn đệ, và trải nghiệm đức tin giống như các ngài đã kinh qua khi thắng vượt được sự nghi ngờ và nỗi sợ hãi. Các ngài e rằng, mình có thể rơi vào những ảo giác bên ngoài nhằm đánh lừa , và cái họ thấy trước mắt chỉ là một bóng ma đầy kinh khiếp. Vì thế, đây là mấu chốt khiến câu chuyện ma trong trình thuật Tin Mừng hôm nay trở nên khá thú vị. Không phải lúc nào Thiên Chúa cũng đến với chúng ta trong hình hài thân xác, hoặc giữa cơn bão tố, hay trong lúc chúng ta chao đảo đức tin. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta trong muôn vàn cách thái khác nhau. Ngôn sứ Elia đã đến một cái hang trên núi Horeb, ngọn núi của Chúa, để gặp Chúa. Nhưng Chúa không hiện diện trong cơn giông bão. Ngài không có mặt trong cơn động đất, trong núi lửa, nhưng Chúa đến trong “tiếng gió hiu hiu nhè nhẹ”. Sau khi Elia nghe những âm thanh nhẹ nhàng này, ông tiến ra đứng trước cửa hang để đón gặp Chúa. Trong sự thanh vắng sau cơn bão tố, Chúa đã xuất hiện , hoàn toàn tĩnh lặng giữa núi rừng. Thần khí của Chúa đã đến với Elia dưới một một dạng thức thiêng liêng. Người ta có thể sánh ví , Ngài đến giống hệt như một bóng ma vậy. [Mục Lục]
6. Kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu
Thánh Phêrô đã kêu lên: “Lạy Ngài, xin cứu giúp con”. Lời kêu xin thật ngắn gọn, và khẩn thiết để giúp Phêrô thoát khỏi sóng to gió lớn. Lời kêu cầu đó, Phêrô nhắm vào chính Chúa Giêsu. Vì thế, chúng ta hãy noi gương Phêrô mà kêu cầu Chúa Giêsu, để Ngài ban ơn giúp ta đứng vững trước mọi khó khăn ở đời này và hưởng hạnh phúc ở đời sau.
“Lạy Ngài, xin cứu giúp con”. Lời của Phêrô đã thốt lên trong sợ hãi, để xin Chúa Giêsu cứu giúp. Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” Phêrô lo sợ, khi thấy mình nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng! ngay lúc đó Phêrô ý thức Chúa Giêsu đang hiện diện trước mặt ông và sẵn sàng cứu giúp ông. Cho nên, Phêrô đã kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu một cách dứt khoát và trông cậy vào Ngài. Nhờ đó, Phêrô được Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy và đưa lên ông thuyền bình an. Cho dù, đức tin Phêrô còn yếu kém, như Chúa Giêsu đã khiển trách ông: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi”.
Trong xã hội Do Thái thời bấy giờ, Danh Thánh Chúa Giêsu luôn vang lên mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh qua môi miệng của mọi hạng người khi gặp Ngài. Lời kêu cầu của họ thật ngắn gọn: như các thánh Tông đồ đã kêu cầu ngài cứu giúp khi thấy thuyền sắp chìm: “Lạy Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”. Hay người mù ăn xin nài nỉ: “Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy”. Ngay khi Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá, danh Thánh của Ngài cũng vang lên qua anh trộm lành: “Lạy Ngài, khi vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”. Những lời kêu cầu đó, đôi khi chỉ vì sợ sệt hay muốn Ngài chữa lành bệnh mà thôi. Nhưng, tất cả đều tin rằng ChúaGiêsu sẽ giúp đỡ họ. Đối với Chúa Giêsu thì không từ chối một ai, sẵn sàng đón nhận và giúp họ nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống tại thế cũng như đời sống mai sau.
Chính Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã cảm nhận đều này. Thánh nữ luôn kêu cầu danh Thánh Chúa Giêsu mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh: khi gặp gian nan thử thách, đau khổ bệnh tật hay an vui hạnh phúc. Đặc biệt, khi đối diện với cái chết thánh nữ thân thưa: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa”. Những lời kêu cầu đó như là một sức mạnh giúp ngài chấp nhận tất những gì xảy ra trong cuộc đời của thánh nữ. Cho nên, sau khi từ giã thế gian, nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi ngài như lúc còn sống.
Có thể nói, Danh Thánh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả những lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con”. Cũng như, tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu “và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”. Đối với chúng ta, nhiều khi chưa nhận ra giá trị của việc kêu cầu Danh Thánh Chúa Giêsu. Thực tế cho thấy nhiều người khi gặp thất bại, đau khổ, đã kêu Danh Thánh Ngài để trách móc: “Lạy Chúa Giêsu, tại sao để cho con đau khổ, bệnh tật” hay có người đã thốt lên: “Giêsu ơi! Tao đã thua mày”. Đây là dịp chúng ta hãy xác tín rằng. Chúa Giêsu luôn hiện diện bên cạnh ta và sẵn sàng giúp đỡ ta trong mọi lúc mọi nơi, nếu chúng ta kêu cầu danh Thánh Ngài, cho dù đức tin của chúng ta con yếu kém: như Ngài đã phán: ” Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vì vậy, khi gặp gian nan thử thách, đau khổ, bệnh tật. Chúng ta hãy bày tỏ: “Lạy Chúa Giêsu, xin cứu giúp con. Xin chữa lành con”. Chắc hẳn Ngài sẽ cứu chúng ta như đã từng đưa tay nắm lấy Phêrô; Ngài sẽ chữa lành cho chúng ta như từng chữa lành cho người cùi được sạch, người mù được sáng mắt. Đối Chúa Giêsu, Ngài luôn mở rộng bàn tay đón nhận những người tội lỗi biết ăn năn thống hối trở về, như đón nhận Giakêu hay hứa ban cho anh trộm lành được ở với Ngài. Như thế, khi chúng ta tội lỗi, xúc phạm đến Ngài hãy nói với cả con tim mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con”. Cụ thể hơn, một chút nữa, trước khi rước lễ ta hãy ý thức những lời ta sẽ kêu cầu: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Hơn nữa, khi ta làm việc, khi ăn uống, hay khi nghỉ ngơi…Chúng ta hãy thân thưa: “Lạy Chúa, xin làm việc cùng con,…”
Lời kêu cầu vào Danh Thánh Chúa Giêsu là con đường đơn giản nhất của việc cầu nguyện. Nếu chúng ta thường xuyên lặp đi lặp lại danh Thánh Ngài mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh với một tâm hồn khiêm tốn, tin tưởng, phó thác vào Chúa Giêsu, thì lời kêu cầu này không biến thành những lời lãi nhãi, những giúp chúng ta nắm giữ được Lời Chúa và nhờ lòng kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Vì, Chúng ta đã ý thức Ngài đang hiện diện và sẵn sàng giúp đỡ ta. Tôi tin chắc rằng Ngài sẽ giúp ta luôn đứng vững trước sống to gió lớn của cuộc đời. Và khi nhắm mắt lìa đời, chúng ta sẽ rạng rỡ môi cười như Thánh nữ Têsêsa: một nụ cười mãn nguyện. Đồng thời, Chúa Giêsu sẽ nói với mỗi người chúng ta như nói với anh trộm lành: “Ngày hôm nay con sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”. Amen. [Mục Lục]
7. Uy quyền – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Tiên tri Êlia xuất hiện và làm nhiều việc phi thường tại miền Bắc Kinh Thành nước Israel dưới thời vua Ahab, vào thế kỷ thứ 9, trước Công Nguyên. Theo sách Các Vua, Êlia đã bảo vệ việc tôn thờ Thiên Chúa Yavê chống lại thần Baal thuộc xứ Canaan. Êlia đã thực hiện một số việc lạ lùng như cho kẻ chết sống lại, cho lửa từ trời xuống và được cất nhắc lên trời trong xe lửa. Trong sách Malachi, nói về sự trở lại của Êlia trước ngày Chúa quang lâm. Trong Tân Ước, có nhắc đến tên Êlia, khi người ta so sánh tiên tri Êlia với Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ông Êlia xuất hiện cùng với Môisen trong sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi Taborê.
Chúng ta không biết nhiều về tiểu sử đời tư của tiên tri Êlia. Tên Êlia có nghĩa là Chúa của tôi là Yavê. Tại Israel, khi vua Ahab và hoàng hậu Jezebel tôn thờ các thần dân ngoại và xây dựng đền thờ kính thần Baal. Baal là thần xứ Canaan, họ tin rằng thần này chịu trách nhiệm về việc làm sấm chớp, mưa bão và sương sa. Jezebel nhập cư các thầy tư tế và các tiên tri của thần Baal vào đất Canaan. Êlia cảnh cáo và thách thức vua Ahab và các đồ đệ của thần Baal là sẽ có hạn hán trong ba năm. Êlia cũng đã thách đố quyền lực của thần Baal trên của lễ toàn thiêu. Kết qủa thần Baal chỉ là hư danh. Êlia đã toàn thắng trước mặt chư dân, nhưng vì ghen tương, bà hoàng hậu Jezebel tìm cách trả thù, nên ông phải trốn chạy lên núi. Chúa đã nâng đỡ an ủi ông trong cơn khốn cùng: Chúa phán cùng ông Êlia rằng: Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa. Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xẻ núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa. Nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất (1Vua 19, 11).
Bài phúc âm hôm nay, sau khi Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, Chúa ở lại trong hoang địa để cầu nguyện. Thánh Matthêô viết: Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông (Mt 14, 25). Chúa Giêsu đi trên mặt nước. Một sự kiện lạ lùng. Con người bình thường với sức nặng khi bước xuống nước sẽ bị chìm xuống. Ở miền Nam Do-thái, vùng Giuđêa có Biển Chết, nước rất mặn. Khi xuống nước tắm, chúng ta có thể nằm ngửa và thân xác sẽ nổi trên mặt nước và không cần phải cựa quậy chân tay. Khi đứng thì nhẹ nhàng nhưng nằm thì thân xác có thể nổi. Không ai có thể đi trên mặt nước. Trong một vài cảnh lạ quảng cáo trên truyền hình, đôi khi chúng ta cũng thấy có người đi trên mặt nước, nhưng phải cẩn thận quan sát vì có sự dàn dựng phía sau để che mắt thiên hạ. Cũng giống như tất cả các nhà ảo thuật, họ đều có kỹ năng chuyên môn để qua mắt bà con. Chúng ta có thể tìm hiểu về nguồn ngọn của các sự việc cách cụ thể trên sách vở báo chí.
Chúa Giêsu đi trên mặt nước và đến với các tông đồ vào ban đêm: Chúa Giêsu nói với các ông rằng: Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ (Mt 14, 27). Các tông đồ là những người chài lưới rất quen thuộc với khung cảnh sóng biển. Khi thấy sự kiện lạ, các ông hoảng sợ. Đúng thế, ai mà không sợ chứ! Một phản ứng rất tự nhiên của con người. Các sự kiện lạ vượt ra ngoài qui luật của không gian và thời gian. Chúa Giêsu củng cố đức tin của các ông bằng các dấu lạ, để các ông nhận ra uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta thấy các tông đồ được chứng kiến nhiều phép lạ mà Chúa đã thực hiện, nhưng tới lúc nguy nan và khó khăn, đức tin của các tông đồ cũng vẫn bị lung lay và sợ hãi.
Ông Phêrô tính tình rất thật thà và nhiệt thành. Ông đã xin Chúa cho đi trên mặt nước, Chúa chấp nhận, nhưng: Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sấp mình xuống nên la lên rằng: Lạy Thầy, xin cứu con (Mt 14, 30). Phêrô là dân chài lưới. Ông sống trên sông nước và tắm lội hằng ngày, vậy mà khi gió thổi mạnh, ông chìm xuống và vội la lên, xin Chúa cứu. Đứng trước Đấng có quyền phép vô cùng, Phêrô cảm thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối. Ông cậy dựa vào tình thương của Chúa để xin cứu vớt. Có Chúa, con còn sợ chi ai. Tính tình của ông Phêrô rất bộc trực nhưng chân thành. Chúa Giêsu đã yêu thương và trao cho ông quyền trên các tông đồ. Chúa còn trao quyền cho ông cai quản Giáo Hội mà Chúa thiết lập. Chúa hỏi ông và ba lần ông đã tuyên xưng: Lạy Thầy, con mến yêu Thầy.
Cuộc đời của mỗi người chúng ta cũng đối diện với năm chìm bảy nổi. Nhưng các khó khăn và thất bại trong cuộc sống là những bài học giúp chúng ta sống trưởng thành hơn. Mới đây, trong một cuộc họp hàng tháng, chúng tôi đã chia sẻ về các vấn đề gây sự ưu tư trong cuộc sống đạo. Một linh mục chia sẻ rằng: Mỗi ngày cha đều dâng lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa, vậy mà sau ba mươi năm linh mục, cũng chẳng thay đổi được bao nhiêu. Tính nào vẫn tật đó. Các tính xấu cứ lập đi lập lại. Lời chia sẻ rất chân tình. Hầu như ai trong chúng ta cũng thế. Tội đó đã xưng mười năm trước, nay vẫn còn tái phạm. Đôi khi chúng ta muốn sửa đổi và chừa tội, nhưng chỉ thay đổi và chừa cải được chút chút. Sau vài suy nghĩ, tôi tự an ủi rằng: Dù sao chúng ta cũng còn tiếp tục ở lại trong ơn nghĩa Chúa cho tới ngày hôm nay. Cũng giống như thức ăn thức uống giúp nuôi dưỡng chúng ta qua tháng ngày, nhờ từng bữa ăn bổ sức mà chúng ta còn sống khỏe tới ngày hôm nay. Tạ ơn Chúa.
Mỗi ngày sống là một ngày mới hoàn toàn. Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Chúa. Sống ngày hôm nay cho trọn vẹn. Ngày hôm qua có bị ngã, bị chìm thì sự việc cũng đã qua. Chúng ta không thể làm gì được với quá khứ. Bình sành đã bể là đã bể. Hàn gắn lại là việc của ngày hôm nay. Chúng ta không nên ngồi đó để phiền trách về quá khứ đã qua. Cái đã qua giúp chúng ta học hỏi nhiều kinh nghiệm để tiến thân và sống tốt hơn. Đừng chìm đắm trong qúa khứ, nhưng hãy vui sống giây phút hiện tại mà chúng ta đang có đây. Phêrô đã chìm xuống nước và vội la lên, xin Thầy cứu con. Nếu có khi nào chúng ta bị rơi chìm, thất bại và chán nản, hãy nhớ rằng chúng ta có Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng có uy quyền trên hết mọi tạo vật. Hãy thân thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin cứu con!.
Phần thưởng của cuộc sống là sự an vui và hạnh phúc. Khi con người nhận rõ vai trò, sứ vụ và cùng đích của cuộc đời, thì không còn phải lắng lo nhiều. Niềm tin sẽ dẫn dắt chúng ta hoàn thành sứ mệnh của con người trong cuộc lữ hành. Hãy tránh dần sự tranh chấp vô thưởng vô phạt để duy trì tình thân ái. Bỏ bớt cái tôi cao ngạo và dễ ghét, để cùng hòa đồng xây dựng sự hài hòa trong an bình. Tất cả mọi sinh hoạt đều qui hướng tạo niềm an vui hôm nay và ngày mai. Niềm vui lớn lao nhất của chúng ta là được làm nghĩa tử của Thiên Chúa. Trong niềm tin sống đạo và ân sủng của các Bí tích trong Giáo Hội, chúng ta được tháp nhập vào nhiệm thể của Chúa Kitô, để đồng thừa hưởng gia nghiệp đã hứa ban. Không riêng gì dân Do-thái mà tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô: Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phụng tự và lời hứa (Rm 9, 4). Chúng ta sẽ được thừa kế gia sản ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành sẵn cho loài người qua Con Chúa Nhập Thể và cứu chuộc.
Lạy Chúa, Chúa là chủ của muôn loài muôn vật. Chúa có quyền sáng tạo, biến hóa và tái tạo. Xin Chúa biến đổi tâm hồn chúng con trở thành những mảnh đất phì nhiêu sinh hoa kết trái nhân đức tốt lành trong cuộc sống. Xin cho chúng con can đảm tin tưởng và dõi theo lối bước của Chúa. Hãy lắng nghe lời của Thầy Chí Thánh: Thầy đây, các con yên tâm, đừng sợ! [Mục Lục]
8. Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con
(Suy niệm của Lm. Anmai)
Liệu người ta có sống được không khi không có lòng tin? Câu trả lời dường như quá dễ dàng, người ta chết vì thiếu cơm thiếu gạo, thiếu chất dinh dưỡng hay thuốc men chứ có ai chết vì thiếu lòng tin!
Nhưng cứ thử hình dung, một đứa trẻ nếu không có lòng tin vào tình thương, vào trách nhiệm của cha mẹ mình thì dù có ăn ngon mặc đẹp, được hưởng thụ mọi tiện nghi, thậm chí được học hành thì đứa trẻ ấy cũng chẳng bao giờ được sung sướng. Nếu sống như vậy nó chỉ là một đứa trẻ vất vưởng mồ côi, có lẽ trong số những trẻ bỏ nhà đi bụi đời nhiều em đã mang theo cõi lòng tan hoang như thế. Bình thường, ra khỏi cái thế giới của gia đình, một thiếu niên có thêm lòng tin mới, tin vào thầy cô bạn bè, nhà trường. Chúng đau khổ khi bị bạn bè chơi xấu, và đâu đó nhà trường đã biến thành thị trường, người dạy không vì chúng mà vì túi tiền của cha mẹ chúng nên chúng đã hỗn láo, hư hỏng hoặc lớn lên ra trường đi làm, chúng tìm mọi cách để tận thu lại với đời.
Vợ chồng mà không tin nhau thì dù nhà cao cửa rộng, chăn êm nệm ấm thì cũng chỉ là một sự “liên hiệp”, và những cuộc hành lạc hợp pháp. Không niềm tin thì không thể có tình yêu, còn hạnh phúc càng là chuyện hoang tưởng.
Một cuộc sống thiếu lòng tin thì đó không phải là cuộc sống…
Chẳng hiểu làm sao mà ngày hôm nay con người sống trong một thế giới thiếu vắng lòng tin để rồi từ thiếu vắng lòng tin nó đã gây ra cho con người biết bao nhiêu là xáo trộn, biết bao nhiêu à bất an. Ngày hôm nay người ta phải đối diện với quá nhiều sự giả trá, sự gian tà để rồi không còn tin vào nhau như xưa nữa.
Nhan nhản, sách báo, tivi, các chương trình truyền thông đại chúng cho chúng ta thấy một cuộc đời thật ê chề, thật chán chường. Tất cả chỉ là những lời hứa hão huyền, những lời hứa cuội. Mới đây thôi, tuần qua, một sự kiện đáng nhớ của người dân Sài Gòn: cơn mưa chiều ngày 1 tháng 8 đã biến Sài Gòn thành một dòng sông. Do đâu? Do người ta hứa hẹn, người ta thiếu trách nhiệm để ma lo cho dân. Ngân sách rót ra cho chuyện sửa chữa cầu cống, ngập lụt đổ ra bạc tỷ, tiền ấy gom góp từ mồ hôi nước mắt của dân, vậy mà sau những trận mưa thì người dân hoàn toàn chịu trận. Chịu riết rồi chẳng còn ai tin vào lời hứa là sẽ lo cho dân, sẽ phục vụ dân nữa. Một lần, hai lần, ba lần người ta còn cố gắng chờ đợi để mà tin nhưng nhiều lần quá chẳng ai còn can đảm để mà tin.
Ngoài đường là như vậy, còn trong nhà thì sao? Trong nhà hình như cũng nhuốm một cái màu đen tối của sự mất niềm tin vào nhau. Ai cũng sợ sống sự thật, đối diện với sự thật để rồi người ta không còn đến với nhau thật lòng nữa. Chắc có lẽ từ cái lối sống “làm láo báo cáo hay” nó nhen nhúm vào trong con người ta khi nào mà người ta không hay để rồi ai cũng báo cáo, cũng “nổ” cũng tô son trát phấn về mình. Vì sao? Vì sợ người đối diện biết cái bộ mặt thật của mình nên người ta phải làm như vậy. Và khi làm như vậy đến một lúc nào đó cũng xuất đầu lộ diện thì thử hỏi còn ai dám tin vào nhau nữa?
Cay đắng, bi đát ở chỗ là con người, ai ai cũng thấy và cần sống với những người có niềm tin vào nhau nhưng rồi người ta cư xử với nhau làm sao đấy. Cứ thật thật giả giả lẫn lộn để rồi đi tìm một lòng tin nguyên vẹn hơi bị hiếm.
Đứng trước vấn nạn của lòng tin, chúng ta có lòng tin như thế nào với người xung quanh và người xung quanh chúng ta có tin chúng ta hay không? Cách riêng, người kitô hữu, người có Chúa thì sống lòng tin như thế nào?
Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ về lòng tin. Phêrô, là người đã từng theo Thầy mình đi rao giảng nhưng đụng chuyện Phêrô cũng chưa tin vào Chúa, vẫn ngờ vực Chúa. Qua thái độ ngờ vực của Phêrô, Chúa Giêsu đã thẳng thắn trách móc ông. Chúng ta nhìn lại đời mình, chúng ta theo Chúa nhiều năm lắm, có người hai chục, có người ba chục, có người bốn chục… được Chúa yêu thương nhiều, được Chúa ủ ấp nhiều nhưng hình như chúng ta vẫn mang trong mình thái độ ngờ vực như Phêrô thì phải. Thế nhưng chuyện hay nơi Phêrô là sau bao nhiêu lần ngã lên vấp xuống nhưng cuối cùng Phêrô đã tin và sống chết với Thầy. Còn chúng ta, chúng ta sẽ sống sao với Thầy của chúng ta?
Ngày hôm nay, cơ hội để chúng ta đặt lại niềm tin của chúng ta vào Chúa. Chúng ta đã theo Chúa nhiều năm nhưng hiện giờ lòng tin của chúng ta vào Chúa như thế nào? Chúng ta tin vào người đời hay tin vào Thiên Chúa.
Chúa vẫn nhắc nhở chúng ta trong các thánh vịnh:
Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời
Thì hơn tin cậy ở người trần gian
Tin vào thần thế vua quan
chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời (Tv 117, 8.9)
Cuộc đời mỗi người chúng ta vẫn bị giằng co, vẫn đứng giữa cái ngã ba đường là dựa vào Chúa hay dựa vào thần thế vua quan, tin vào Chúa hay tin vào của cải vật chất? Đây không phải là chuyện đơn giản mà là chuyện chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong cuộc sống thường nhật.
Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn lại tất cả các biến cố lớn bé từ khi cất tiếng khóc chào đời đến ngày hôm nay chúng ta thử hỏi xem ai đã quan phòng cho cuộc đời chúng ta? Ai yêu thương chúng ta? Ai là thành luỹ đời chúng ta? Ai là cùng đích đời chúng ta? Vậy mà chúng ta đã không dựa vào tình yêu, vào đấng quan phòng, vào thành luỹ, vào Chúa của đời chúng ta mà chúng ta cứ quanh quẩn mãi trong cái thế giới vật chất, trong cái thế giới mau qua chóng tàn này.
Tuần trước, khi đang giúp cho một đôi hôn phối do một cha trong Dòng nhờ bỗng dưng cô bé nói với tôi rằng: “Mẹ bạn trai con đi coi thầy rồi, phải là trong tháng 10 này phải cưới vì tuổi của con và tuổi của anh ấy chỉ cưới trong tháng 10. Nếu không thì chúng con phải đợi đến 3, 4 năm nữa mới cưới được!”.
Tôi nghe xong tôi ngạc nhiên vì tôi biết rằng hai bên đều là đạo gốc, được học hành giáo lý nghiêm túc ở một giáo xứ lớn hẳn hoi mà nói với tôi như thế! Hoá ra là mẹ của chú rễ dù là người có đạo nhưng hình như chẳng còn tin vào Chúa mà tin vào ông thầy bói. Tôi bèn nói với hai bạn trẻ rằng tôi cảm ơn mẹ của chú rễ. Và, nếu được xin kính mời bà mẹ của chú rễ đến đây, dẫn tôi đến với ông thầy bói nào đó đã coi cho hai bạn. Tôi nói rằng:
Thứ nhất: tại sao ông thầy bói coi cho hai bạn được mà sao không coi tương lai cho ông như thế nào? Tại sao ông phải đi lượm bạc cắc từ những người nhẹ dạ và thiếu lòng tin vào Chúa? Nếu giỏi, sao ông không coi chiều nay xổ số ra số mấy để ông mua nguyên tập vé số để có nhà lầu xe hơi mà phải đi coi bói thế này?
Thứ hai: nếu được nhờ ông coi xem tương lai tôi có làm giám mục hay không? Nếu tôi làm giám mục tôi mời ông về ở trong “Toà” với tôi? Làm gì mà ông coi được? Ngay cái bản thân của ông ông không biết ông sống ngày nào, chết ngày nào sao mà coi được cho ai?
Và còn nữa về chuyện thiếu lòng tin vào nhau, thiếu lòng tin vào Chúa nên đến với bói toán. Nhất là các cô các chị. Đôi khi chồng mình mệt mỏi hay có vấn đề gì không chịu hỏi, chạy tới hỏi ông thầy bói và khi mở bài lên con đầm bích. Ông phán ngay cho một câu là chồng chị có một người nước da ngăm ngăm theo đuổi! Thế là về nhà mặt nặng mày nề với ông chồng mà không chịu hỏi thực hư!
Thời buổi ngày hôm nay người ta thường nói đùa với nhau là “lên cung trăng” rồi mà người ta còn tin vào bói toán. Thật ra số người tin vào bói toán ngày nay còn nhiều chứ không phải là ít, cách riêng là nữ giới. Vì nhẹ dạ, vì thiếu lòng tin và nhất là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa nên họ dựa vào bói toán là điều dễ hiểu. Lẽ ra trong những cơn gian nan thử thách của cuộc đời họ tìm đến Chúa, họ cậy vào Chúa nhưng không, họ đã tìm đến những con người tầm thường của thế gian.
Và như đã nói ở trên, cuối đời Phêrô hối hận về tất cả những gì mình làm buồn phiền Thầy mình nên Ngài đã làm lại tất cả những gì có thể được để minh chứng cho tình yêu của Ngài đối với Thầy Chí Thánh. Và với lời nguyện xin quen thuộc của Ngài khi Chúa Giêsu hiện ra sau khi Phục Sinh với mẻ cá lạ, mỗi người chúng ta trong từng phút từng giây của cuộc đời cũng biết thưa như Phêrô: “Lạy Ngài ơi thương đến! Xin củng cố giúp con! Này lòng tin con đây còn mỏng dòn non yếu! “Lạy Ngài ơi thương đến! Xin củng cố giúp con! Này lòng tin con đây hầu đã vỡ tan rồi” (bài Con tin thưa Thầy – linh mục Thành Tâm)
Khi và chỉ khi ta đặt niềm tin của ta vào Chúa như Phêrô thì cuộc đời ta mới bình an giữa muôn sóng sóng gió của cuộc đời này được.
Nguyện xin Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn mạch tình yêu, nguồn mạch của lòng tin đến và ở lại trên cuộc đời của mỗi người chúng ta để chúng ta luôn trao phó cuộc đời của chúng ta vào trong bàn tay của Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào mà chúng ta đang sống. [Mục Lục]
9. Giá của một ly sữa
(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Hình ảnh Chúa Giêsu đi trên mặt nước cho chúng ta thấy tình thương của Chúa dành cho các môn đệ thật cao sâu. Dù đêm tối. Dù giông bão. Điều đó không cản bước để Ngài tiến đến với các môn đệ. Ngài đã đến thật đúng lúc, thật kịp thời. Ngài đến để phá tan giông bão. Ngài đến trả lại sự bình yên cho biển cả và cho cả các tông đồ đang hú hồn bạc vía!
Cuộc sống là bước đi trên biển đời. Có sóng gió. Có giông tố. Có những khó khăn khiến biết bao người chao đảo. Họ đang cần chúng ta làm điều gì đó để cứu giúp họ. Hằng ngày có biết bao bàn tay đang xòe ra cầu cứu chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám thoát ra khỏi sự bình yên của mình để đến với anh em và giúp họ vượt qua khó khăn hay không?
Có thể chúng ta nghĩ mình sẽ chẳng làm được những chuyện phi thường như Chúa Giêsu, điều này cũng chẳng sai, nhưng chúng ta lại có thể làm những chuyện bình thường với trái tim phi thường hết mình vì tha nhân. Những chuyện bình thường thật dễ làm nhưng lại đòi hỏi phải có tình yêu mới có thể tìm được hạnh phúc trong từng điều nhỏ nhặt bình thường.
Người ta kể rằng: Trưa hôm đó, có một cậu bé nghèo bán hàng rong ở các khu nhà để kiếm tiền đi học. Bụng đói cồn cào mà lục túi chỉ còn mấy đồng tiền ít ỏi, cậu liều xin một bữa ăn tại một căn nhà gần đó. Nhưng cậu giật mình xấu hổ khi thấy một cô bé ra mở cửa. Và thay vì xin gì đó để ăn, cậu đành xin một ly nước uống. Cô bé trông cậu có vẻ đang đói nên bưng ra một ly sữa lớn.
Cậu bé uống xong, hỏi “Tôi nợ bạn bao nhiêu?”.
“Bạn không nợ tôi bao nhiêu cả. Mẹ dạy rằng chúng tôi không bao giờ nhận tiền khi làm một điều tốt.”
Cậu bé cám ơn và đi khỏi. Lúc này, Howard Kelly thấy tự tin hơn nhiều, mạnh mẽ hơn nhiều.
Nhiều năm sau, cô gái đó bị căn bệnh hiểm nghèo. Các bác sĩ trong vùng bó tay và chuyển cô lên bệnh viện trung tâm thành phố để các chuyên gia chữa trị. Tiến sĩ Howard Kelly được mời khám. Khi nghe tên địa chỉ của bệnh nhân, một tia sáng loé lên trong mắt ông. Ông đứng bật dậy và đi đến phòng bệnh nhân và nhận ra cô bé ngày nào ngay lập tức. Ông đã gắng sức cứu được cô gái này. Sau thời gian dài, căn bệnh của cô gái cũng qua khỏi. Trước khi tờ hoá đơn thanh toán viện phí được chuyển đến cô gái, ông đã viết gì đó lên bên cạnh.
Cô gái lo sợ không dám mở ra, bởi vì cô chắc chắn rằng cho đến hết đời thì cô cũng khó mà thanh toán hết số tiền này.
Cuối cùng cô can đảm nhìn, và chú ý đến dòng chữ bên cạnh tờ hoá đơn….
“Đã thanh toán đủ bằng một ly sữa.”
Ký tên
Tiến sĩ Howard Kelly.Nước mắt vui mừng cứ thế dâng trào và lời từ trái tim cô gái thốt lên trong nước mắt: “Cảm ơn ông!.”
Đây là câu chuyện có thật. Dr. Howard Kelly là một nhà vât lý lỗi lạc, đã sáng lập ra Khoa Ung thư tại trường Đại học John Hopkins năm 1895.
Cuộc sống luôn mời gọi chúng ta hãy làm điều gì đó có ích cho tha nhân. Bởi chung quanh chúng ta có biết bao mảnh đời bất hạnh lầm than. Cuộc sống luôn đưa đến cho chúng ta biết bao bàn tay đang cần chúng ta dìu họ đi qua những khó khăn, hay giúp họ đứng dạy bước tiếp sau những lần vấp ngã. Việc làm này tưởng chừng như chỉ là một việc tốt nhỏ bé rồi sẽ trôi qua, nhưng thực ra nó sẽ được đền bù khi chúng ta gặp khó khăn. Đó là trường hợp của cô gái đã tặng người bạn nghèo một ly sữa để làm động lực cho câu ta tiến thân và thành danh mai sau.
Vâng, chúng ta có thể không có khả năng đi trên mặt nước, nhưng chúng ta có thể nâng đỡ, dìu dắt anh em qua những khó khăn của cuộc sống. Vì cuộc sống chung quanh chúng ta có quá nhiều những hoàn cảnh đang cần chúng ta thi ân giúp sức.
Chúng ta có thể không có khả năng hô phong hoán vũ nhưng chúng ta có thể xoa dịu những đau thương cho anh em bằng sự chia sẻ, bằng cảm thông liên đới.
Chúng ta có thể không có khả năng ngăn gió chống bão nhưng chúng ta có thể giúp anh em làm lại cuộc đời sau những thất bại làm ăn.
Vâng, chúng ta không cần phải làm những chuyện cao siêu, chỉ cần cho một ai đó ly nước với một tấm lòng chân thành là được. Cuộc sống của chúng ta chỉ cần có tấm lòng như dẫn người già qua đường, nhịn chút quà sáng để cho các em học sinh khó khăn, biết an ủi động viên người đang đau bệnh hay thất bại, tủi hờn… Đó là những việc chúng ta đang làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Cuộc đời ai mà không cần sự nâng đỡ, bao bọc của người khác. Thật không ngoa khi nói rằng chúng ta đều lớn lên trong tình thương giúp đỡ của người khác cụ thể là cha mẹ, là thầy cô, bạn bè… Thế nên, hãy sống có ích cho tha nhân. Hãy làm điều gì đó tốt đẹp cho tha nhân. Hãy đến với tha nhân để xoa dịu nỗi đau cho họ, để dìu họ đi qua những khổ đau, để giúp họ đứng dậy làm lại cuộc đời.
Xin Chúa cho chúng ta có đôi chân nhẹ nhàng, thanh thoát để đến với tha nhân trong tinh thần phục vụ mà không mong đền đáp. Amen. [Mục Lục]
10. Dìu nhau tiến bước – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Khi đối diện với đau khổ chúng ta thường hỏi: Chúa ở đâu? Và khi đứng trước những nghi nan chúng ta thường đặt điều kiện: “Nếu có Thiên Chúa xin hãy cứu con?”. Thế nhưng, đau khổ vẫn cứ tiếp diễn trên thế gian. Mỗi ngày trôi qua chúng ta phải chứng kiến biết bao cái chết đau thương, biết bao những bất hạnh rủi ro đến với con người chúng ta. Nhìn vào cuộc đời khiến nhiều người bi quan bảo rằng: “Đời là bể khổ”, hay ‘Cây xanh thiếu lá nó xanh xanh – Biết mình thế này thà đừng sinh ra”. Quả thực, nếu sinh ra trong cuộc đời để rồi chịu cực, chịu khổ, chịu nhiều đắng cay đoạ đầy là một bất hạnh cho kiếp người chúng ta. Nhưng thực ra, trong cuộc sống vẫn có những niềm vui. Niềm vui của tình liên đới, của sự chia sẻ, của lòng bác ái, của tinh thần hy sinh dấn thân phục vụ vì lý tưởng và vì đồng loại…
Trong giáo xứ Bình Lâm có một em bé 6 tuổi tên là K’ Thủ Lĩnh. Em vừa lọt lòng mẹ đã bị bỏ đi. Điều tệ hại là chính người vứt em đi đã bẻ gãy đôi chân của em thành tàn phế rồi mới bỏ em bên vệ đường. Em đã được một gia đình người dân tộc Châu Mạ đón về nuôi. Mỗi ngày em đi học phải có người bồng ẵm đi, nếu đi một mình phải đi bằng khuỷ chân thật tội nghiệp! Thấy cảnh thương tâm, giáo xứ đã quyết định đưa em đi bệnh viện để chữa trị đôi chân. Tại trung tâm chấn thương chỉnh hình ơn Chúa đã đến với em và giáo xứ. Vì đã có nhà tài trợ sẵn lòng trả toàn bộ chi phí cho ca mổ và suốt thời gian điều trị cho em. Đây là một món quà quá bất ngờ đối với gia đình mẹ nuôi của em và với giáo xứ. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì trên thế gian này vẫn còn đó những tấm lòng quảng đại được trao ban một cách quảng đại và vô vị lợi.
Thực vậy, nếu không có tấm lòng nhân ái được trao ban thì những bất hạnh rủi ro đến với nhân loại sẽ mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai, nhưng nếu có nhiều tấm lòng nhân ái, biết chia sẻ cho nhau, thì những đau thương mất mát sẽ sớm được hàn gắn và chữa lành. Vì có ai đó đã nói rằng:
“Có một đường đi, đi chung Đường sẽ vui hơn,
Có một quặn đau, đau cùng sẽ sớm nguôi ngoai”.
Trở lại với bài phúc âm của Chúa nhật 18 thường niên, thánh Matthêu đã nhấn mạnh với chúng ta một điều: nếu không có lòng nhân ái của em bé dâng cho Chúa 5 chiếc bánh và hai con cái, có lẽ đã không có phép lạ hoá bánh ra nhiều để chia sẻ với hơn 5 ngàn người đang đói vào buổi chiều hôm đó. Bài phúc âm hôm nay, Chúa còn khẳng định với chúng ta: sự dữ luôn có mặt ở quanh ta. Cuộc đời không thiếu những sóng gió nghi nan. Nhưng, Chúa có thể làm những điều tốt hơn từ trong những bất hạnh này. Em K’ Thủ Lĩnh từ trong bất hạnh nhưng hôm nay em đã học được bài học về nhân ái khi đôi chân của em đang được chữa trị. Và Chúa Giêsu Ngài đã làm phép lạ từ lòng tốt của người dâng cho Chúa bánh và cá. Phải chăng, Chúa muốn dạy chúng ta bài học, khi đứng trước khổ đau của anh em mình, chúng ta phải tự hỏi: chúng ta đang ở đâu khi khổ đau ập xuống anh em? Chúng ta đã làm gì cho anh em mình khi chứng kiến những cảnh tang thương và bất hạnh của anh em? Sự dữ vẫn đang hoành hành. Quyền lực của ác thần vẫn làm cho con người sợ hãi, đôi khi đánh mất niềm tin. Nhưng Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta: Anh em đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian. Thầy đã thắng thế gian, đó cũng là tiếng mời gọi các môn đệ của Chúa là chúng ta, hãy cũng với Chúa để chiến thắng sự dữ, để đẩy lùi cái ác ra khỏi thế gian, để xoa dịu những đau thương mất mát trong cuộc đời. Đồng thời Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy đưa tay cho Ngài dìu chúng ta bước qua những khó khăn của dòng đời. Thánh Phê-rô đã có thể đi trên mặt nước, đi qua hiểm nguy khi ông nhận ra Chúa đang đến với ông. Cuộc đời chúng ta cũng chỉ bình an trước gian nan khi chúng ta tin tưởng rằng: Chúa vẫn đang đồng hành với chúng ta. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta hãy trao vào tay Chúa những khó khăn của cuộc đời để Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy.
Và hôm nay với biết bao khổ đau của tha nhân, Chúa cũng muốn chúng ta hãy là chứng nhân cho tình thương và lòng nhân ái của Chúa, khi chúng ta cùng cầm tay nhau vượt qua những thăng trầm của cuộc đời. Khi chúng ta biết chạnh lòng thương xót trước những bất hạnh của tha nhân. Khi chúng ta không phủi tay trốn tránh trách nhiệm trước những nhu cầu của thời đại. Vâng cuộc đời sẽ ấm áp hơn nếu mỗi người biết liên đới và chia sẻ cho nhau để làm vơi đi những khổ dau, những lắng lo trong cuộc sống.
Chúng ta có thể không có khả năng làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, nhưng chúng ta có khả năng trao vào tay Chúa một chút lương thực ít ỏi, để Chúa có thể nhân rộng cho hàng ngàn người hưởng dùng.
Chúng ta có thể không có khả năng đi trên mặt nước, nhưng chúng ta có thể nâng đỡ, dìu dắt anh em qua những khó khăn của cuộc sống.
Chúng ta có thể không khiến cho sóng gió ba đào im lặng, nhưng chúng ta có thể góp phần đầy lùi sự dữ và xoa dịu những đau thương bằng lòng quảng đại và nhân ái của chúng ta.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lòng mến nồng nàn để chúng ta trở nên khí cụ mang tình yêu và lòng nhân ái đến cho anh chị em chung quanh. Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin và đức cậy để chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn trợ giúp của Chúa và an bình sống trong sự quan phòng của Chúa. Amen. [Mục Lục]
11. Khi hành trình đức tin có sóng gió
(Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Vào khoảng năm 860 trước công nguyên, vương quốc Israel bị ảnh hưởng bởi tà giáo. Vua Ahab và hoàng hậu Izabel nuôi dưỡng hàng ngàn tiên tri Baal. Nhiều đền thờ thần thoại được xây lên. Dân chúng cũng hùa theo việc cúng bái Baal. Nhưng tiên tri của Giavê Thiên Chúa là Êlia vẫn can đảm đương đầu với đám đông phản trắc để bênh vực chính giáo.
Một mình ông dám thách thức 450 tiên tri Baal hãy chứng minh cho toàn dân biết đâu là Chúa thật. Êlia bảo người ta bắt hai bò tơ để đôi bên cùng xẻ thịt, đặt lên củi, và khẩn cầu. Thần linh nào đáp lời nguyện xin, cho lửa xuống thiêu cháy đống củi cùng của lễ, thì đó chính là Đấng mọi người phải tôn thờ.
Sau khi giết bò và chất lên bàn thờ, 450 tiên tri và tư tế Baal bắt đầu kêu khấn: “Lạy thần Baal, xin đáp lời chúng tôi.” Nhưng không một tiếng trả lời! Họ bắt đầu nhảy nhót như kiểu lên đồng. Nhưng cũng chẳng thấy ai đáp lại! Êlia mới chế nhạo: “Các ngươi phải kêu lớn lên nữa. Không chừng thần linh đang suy tính hay bận rộn chuyện gì; cũng có thể ngài đi vắng hoặc đang ngủ. Đánh thức ngài dậy đi!” Các môn đệ thần Baal ra sức kêu gào, lại còn rạch mình cho máu chảy lai láng như kích động lòng trắc ẩn của thần linh. Nhưng vẫn không thấy gì.
Lúc này Êlia mới giơ tay cầu nguyện: “Lạy Giavê Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel, ước gì hôm nay người ta nhận biết chính Người… xin nhậm lời tôi” (1 V 18,36-37), và lập tức Giavê cho lửa từ trời thiêu cháy hết mọi của lễ của Êlia. Thấy vậy, toàn dân tung hô Thiên Chúa. Thế rồi, khi được lệnh của Êlia, họ đem các tiên tri và tư tế Baal xuống núi giết sạch.
Chuyện sảy ra quá bất ngờ khiến hoàng hậu Izabel bàng hoàng căm tức. Bà thề sẽ lấy mạng Êlia bằng mọi giá. Khi biết thế, vị tiên tri tức tốc lên đường lánh nạn. Sau một ngày trốn chạy vất vả trong vùng sa mạc khô khan, ông cảm thấy mệt mỏi chán chường. Con người can đảm và nhiệt thành hôm nào bây giờ lại rơi vào tình trạng hoang mang cực độ đến nỗi muốn chết cho yên. Ông thốt lên: “Nay đã đủ rồi, lạy Giavê, xin cất mạng tôi đi, tôi cũng không hơn gì các bậc tổ tiên”.
Người hùng của Thiên Chúa mà cũng có lúc đảo điên như thế thì huống chi là tôi! Thế nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Kinh thánh kể tiếp:
Chính trong giây phút giao động và chán nản đó của người hùng, sứ thần Thiên Chúa đã đến nâng đỡ ông bằng bánh và nước. Êlia đã ăn và uống. Sau đó tiếp tục hành trình 40 ngày đêm đến núi Sinai. Tại đây ông đi vào cuộc gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ sảy ra không phải trong bão tố, đất động hay lửa chớp, nhưng trong làn gió thoảng đưa.
Từ trong làn gió thoảng ấy, Thiên Chúa cất lời nâng đỡ và chỉ dẫn Êlia. Cuộc gặp gỡ thân tình với Giavê đã kéo ông khỏi hố sâu của lao đao thất vọng. Kết quả, Êlia tìm lại được bình an và sức mạnh nội tâm, tiếp tục ra đi chu toàn sứ mạng làm chứng cho Thiên Chúa.
Thiết tưởng hành trình đức tin của người Kitô hữu cũng có những lúc khốn khó lao đao như Êlia vậy. Dù là người nhiệt tâm và can đảm cách mấy cũng không tránh khỏi tình trạng bị thế gian săn đuổi, đe doạ, và bao chước cám dỗ tấn công. Lắm lúc tưởng như sắp chìm sâu trong bão tố của hận thù, ích kỷ, đam mê. Ngay như thánh Phêrô, vị tông đồ năng nổ và xông xáo nhất trong hàng ngũ các tông đồ, cũng đã từng bị sóng gió làm đảo điên đến nỗi “sắp chìm xuống” (Mt 14,30). Nhưng khi ông thốt lên lời kêu van, “Lạy Thầy, xin cứu con”, thì bàn tay đỡ nâng của Thiên Chúa đã giải thoát và đem lại bình an ngọt ngào.
Cho đến hôm nay, những người theo Đức Kitô vẫn chưa hết bị sóng gió trần gian bủa vây, không chỉ là những truân chuyên trong cuộc sống, nhưng còn là những cám dỗ tinh vi của quỉ ma. Nhưng liệu trước các phong ba dữ dằn đó, tôi có nghe được tiếng nói đỡ nâng và nhắc nhở của Thiên Chúa chăng? Lắm khi tiếng nói của Ngài rất nhẹ nhàng như “gió hiu hiu thổi” chứ không phải như tiếng đất động, bão tố hay hoả hào.
Thử hỏi: nếu là một thanh niên hay thiếu nữ đang tuổi lớn lên, trước những lời réo gọi của đam mê xác thịt, liệu tôi có nghe được tiếng nhắc nhở “phúc cho ai có lòng trong sạch” nơi lương tâm để vượt thoát cạm bẫy dục tình và tiến lên núi cao với Chúa không?
Nếu vì nhẹ dạ mà sa ngã hay mang thai, trước những sóng gió của từ khước khinh bỉ, hay giòng xoáy phá thai của thời đại muốn nhận chìm sự sống, liệu tôi có nghe được tiếng bảo thì thầm trong lương tâm rằng “phá thai là giết người”, và rồi hướng nhìn lên Chúa, kêu nài một sự đỡ nâng an ủi không?
Nếu là người mẹ có đứa con hư dại hay người vợ có ông chồng hủ bại, liệu tôi có nghe được lời nhắc nhở “hãy vững tin” của Đức Giêsu để tiếp tục hành trình làm nhân chứng cho đạo Chúa không?
Nếu là người cha phải lao đao vì trách nhiệm gia đình, bị giong tố của xã hội tấn công, bị chèn ép, hiểu lầm, khích bác…, liệu tôi có nghe được tiếng nói “Đừng sợ, có Ta đây”, và rồi đưa tay cho Đức Giêsu để Ngài kéo lên không?
Cuộc đời người Kitô hữu được ví như hành trình tiến lên núi Thánh giữa sa mạc nắng cháy, hay như chiếc thuyền đang tìm về bến bờ giữa bao sóng gió to và gió ngược. Không có ơn Chúa đỡ nâng, chắc chắn con người sẽ ngã gục. Cũng như nếu không có những chiếc bánh và ấm nước Thiên Chúa trao cho, Êlia đã bỏ cuộc giữa đường; hay nếu không có bàn tay Đức Giêsu giơ ra kéo lên, Phêrô đã chìm sâu trong sợ hãi và hoang mang.
Song khi có Chúa, bình an và sức mạnh sẽ đến. Dù giông tố và thách đố trần gian cứ sảy ra, con thuyền đời tôi vẫn thẳng tiến, vì có Thiên Chúa đồng hành.
Nhưng để được như thế, có lẽ tôi phải không ngừng kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con” (Mt 14,30). [Mục Lục]