Thánh Thể, lương thực mang lại sự sống vĩnh cửu (11.02.2023 – Thứ Bảy Tuần V Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  St 3,9-24 (năm lẻ), 1 V 12,26-32 ; 13,33-34 (năm chẵn), Mc 8,1-10

Bài đọc 1: St 3,9-24

Bài trích sách Sáng thế.

Sau khi con người ăn trái cây, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi : “Ngươi ở đâu ?”  Con người thưa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.”  Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi : “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?”  Con người thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.”  Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà : “Ngươi đã làm gì thế ?” Người đàn bà thưa : “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”  Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn :

“Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất
trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.
Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi.
Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy ;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Với người đàn bà, Chúa phán :

“Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén ;
ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con.
Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi,
và nó sẽ thống trị ngươi.”

Với con người, Chúa phán : “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng : ‘Ngươi đừng ăn’,

nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi ;
ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi,
mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.
Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi,
ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng.
Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn,
cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra.
Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”

Con người đặt tên cho vợ là E-và, vì bà là mẹ của chúng sinh.  Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ.  Đức Chúa là Thiên Chúa nói : “Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.”  Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra.  Người trục xuất con người ; và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loé, để canh giữ đường đến cây trường sinh.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 8,1-10)

Trong những ngày ấy, có rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói : “Thầy chạnh lòng thương dân chúng, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn ! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” Các môn đệ thưa Người : “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?” Người hỏi các ông : “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp : “Thưa có bảy chiếc.” Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho dân chúng. Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. Dân chúng đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa : bảy giỏ ! Số người ăn độ chừng bốn ngàn người. Người giải tán họ. Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

Thánh Thể, lương thực mang lại sự sống vĩnh cửu (11.02.2023)

Lễ Đức Mẹ Lộ Đức

Ghi nhớ:

“Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người”. (Mc 8, 8).

Suy niệm:

Cha xứ rất “dị ứng” với câu tục ngữ: “Có thực mới vực được đạo”. Cha bảo các tín hữu của cha không nên nói câu tục ngữ này. Vì theo cha, khi nói đến câu tục ngữ ấy người Ki-tô hữu tỏ ra không tin vào Đấng mình tôn thờ. Đấng làm cho cây trái trổ bông, mùa màng bội thu. Rồi cha đưa ra gương các thánh tử Đạo để chứng minh cho lời nói của mình. Cha nói:

Nếu bảo rằng chỉ khi có no bụng con người ta mới có thể giữ Đạo được thì hãy nhìn vào tấm gương của nhiều Vị Thánh tử Đạo, các vị bị kẻ thù bỏ đói, bỏ khát nhằm lung lạc ý chí của các Ngài để các Ngài bỏ Đạo, nhưng các Ngài vẫn một lòng heo Chúa dù có bị đói khát, thậm chí chết chóc.

Trong thế chiến thứ II, thánh Maximilianô M. Kolbê vì tự nguyện chết thay cho một tù nhân muốn được sống để có thể về nhà sum họp cùng với vợ con, mà Ngài bị lính Đức Quốc Xã bỏ đói trong suốt 12 ngày. Ngài vẫn kiên cường, anh dũng chịu đựng, trong thời gian đó Ngài còn khuyên bảo, động viên những người tù khác để họ được phấn khởi chịu đoạ đầy. Cuối cùng bọn lính đã tiêm thuốc độc vào cơ thể để kết thúc sự sống của Ngài!

Như vậy rõ ràng là con người ta có thể giữ Đạo trong mọi điệu kiện cho dù khó khăn. Chứ không phải chỉ no bụng người ta mới giữ đạo được.

Đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Marco tường thuật lại về phép lạ Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều để cho dân chúng ăn. Đức Giê-su rất thương những kẻ đã theo Ngài ba ngày để nghe Ngài giảng dạy, sợ họ đói khát mà khi trên đường trở về nhà bị xỉu nên Ngài đã cho họ đươc an uống no nê.

Ngày nay, nhiều người ta còn quá bận tâm lo lắng để tìm kiếm và dự trữ lương thực để nhằm bảo đảm cho sự sống của họ cũng như của gia đình, hầu hết thời gia họ dùng chỉ cho một việc đó là tìm kiếm và tích trữ lương thực trần gian, họ quên đi rằng : “Nếu Chúa không muốn xây nhà, thợ nề vất vả cũng là bằng không”. Họ cậy vào tài trí của mình mà quên đi quyền năng của Thiên Chúa.

Con người ta cần hiểu ra một chân lý: Đó là cơm bánh chỉ là thứ lương thực nuôi sống con người đời này mà thôi. Nếu muốn có được sự sống vĩnh cửu đời sau, con người ta cần đến lương thực thần linh; Đó chính là Thánh Thể Chúa. Đức Giê-su không chỉ ban cho chúng ta lương thực đời này mà Ngài con lo cho chúng ta một thần lương mang lại sự sống đời sau. Vậy ước gì mọi người biết ý thức về sự sống đời sau mà dọn tâm hồn trong sạch để đón nhận được lương thực mang lại sự sống đời sau; là Thánh Thể Chúa. 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho mọi người ý thức được rằng, Thánh Thể Chúa mới mang lại sự sống đời đời, để rồi luôn siêng năng tham dự thánh lễ, giữ mình sạch tội, rước Chúa vào lòng, vì chỉ có Chúa mới là cùng đích của cuộc đời chúng con mà thôi. Amen.

Sống Lời Chúa.

Giữ mình sạch tội để rước Thánh thể Chúa vào lòng hằng ngày.

Đaminh Trần Văn Chính

Sẻ chia … (12.02.2022)

Robin Sharma, tác giả quyển The Man Who Sold His Ferrari nói: “Về cơ bản, số phận của chúng ta được định hình bởi những gì chúng ta chia sẻ, chứ không phải bởi những gì chúng ta nhận được”.

Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho biết, Chúa Giê-su nhạy cảm với nhu cầu cơ bản của thân xác con người. Chúa đã chạnh lòng thương dân chúng, vì họ đã ở với Ngài đã ba ngày rồi mà không có gì ăn; cũng như Ngài sợ để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường.

Cuối cùng, Tin Mừng cho thấy một hình ảnh đẹp không sao diễn tả cho đầy, cho đủ hết ý về lòng nhân từ, yêu thương của Chúa Giê-su qua một bữa ăn được san sẻ no nê, đầy dư cho dân chúng.

Qua Tin Mừng, Chúa Giê-su dạy các môn đệ và con người hôm nay rằng: Cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng.

Thật vậy, có rất nhiều thứ mà hôm nay ta có thể trao tặng cho người khác. Trao tặng hôm nay không chỉ đơn thuần là cải vật chất, mà quà tặng có thể là một lời khuyên, một kinh nghiệm sống, một lời nói chân tình, hay thậm chí chỉ là một ánh mắt cảm thông, một nụ cười nhân hậu… Những hành động chia sẻ nhỏ nhoi như thế đi kèm với một tấm chân tình chắc chắn chúng ta sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ nghĩa cử cho đi cao đẹp này.

Lạy Chúa, xin cho con biết san sẻ những vui buồn kiếp người với anh chị em mình để làm chứng cho Tin Mừng Cứu Độ. Amen.

CÁT BIỂN

Sống thực… (15.02.2020)

Xưa nay thành ngữ “có thực mới vực được đạo”, thường hiểu đơn thuần là có cái ăn no đủ mới sống đạo, mới “no” của ăn tinh thần được. Có lẽ chính bởi việc hiểu sai câu nói “có thực mới vực được đạo” mà con người càng ngày càng rời xa chân lý và những giá trị đạo đức cơ bản. Hoặc nếu có ý tưởng chạm tới thì nó rất dễ lung lay, họ dễ dàng bị kéo ngược trở lại việc cần tích lũy vật chất nhiều hơn nữa để cảm thấy an toàn. Dần dà, họ lấy làm thích thú trong việc kiếm tiền thay vì sướng vui trong việc trau dồi phẩm hạnh. Nên con người thời nay thà dối trá để trục lợi về mình hơn là học cách biết đủ, biết hài lòng với cuộc sống. Vì hiểu sai câu nói nên người ta trì hoãn thực hành đạo lý để tập trung cho sự ấm no thân xác và những phẩm chất phù du khác: danh tiếng, quyền lực, nhan sắc, v.v…

Theo từ Hán – Việt, “thực” đây phải hiểu là chân thực (真實). Vì thế, ta có thể chuyển thể câu “có thực mới vực được đạo”, thành câu “có tâm lòng chân thật thì mới vực được đạo” để dễ hình dung hơn. Liên quan thành ngữ “hữu danh vô thực” (有名無實), ta sẽ thấy câu “có thực mới vực được đạo” sáng nghĩa hơn nữa. Ngoài ra, chữ “thực” trong câu “có thực mới vực được đạo”, còn mang thêm một ý nghĩa khác, có thể hiểu là lớn lên, tăng trưởng (殖), sống thực.

Theo đó, thì cái “thực” nên được hiểu là việc một người thực sự sống đạo, đưa đạo vào trong đời sống, thấm nhuần vào chính mình mỗi phút giây, giúp bản thân mình và người khác có đời sống tâm linh lớn mạnh; sống hướng thượng chân – thiện – mỹ trọn toàn, chứ không phải “thực” chỉ đơn thuần là bỏ cơm, đưa cá vào miệng mà thôi.

Theo Phúc âm thánh Mác-cô hôm nay cho thấy:

Chúa Giê-su “chạnh lòng thương” đến đời sống tâm linh, và trăn trở ưu tư của ăn thiêng liêng cho đám đông dân chúng hơn là chỉ lo cho họ có của ăn vật chất, và những gì thuộc về đời sống thể xác mà thôi !

Do đó, Chúa Giê-su kêu các môn đệ của mình hãy đưa bánh, đưa cá cho Chúa. Và Ngài đã dâng lời tạ ơn, và bẻ chia bánh cùng với cá ra, rồi trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông dân chúng ăn và họ đã ăn no nê.

Hình ảnh “Đưa cho, bẻ ra, trao cho và dọn ra” chính là chứng từ “thực” (chân thật) sống động cụ thể của hành vi bác ái, chia sẻ… Có thật lòng, thật sự tôn trọng cái sự thật (chân lý) thì mới vực được Đạo, mới làm cho Đạo lan ra rộng khắp. Tức là lúc này Đạo sẽ được gìn giữ và thăng tiến trong lòng mỗi người. Và một khi thật sự dám bẻ ra và trao đi cho người khác, chẳng giữ lại gì cho riêng mình thì mới sinh ra hạnh phúc thật sự.

Tóm lại, “có thực mới vực được đạo” nên được hiểu là một người cần tiếp xúc và ứng dụng các giá trị đạo đức vào trong đời sống. bởi “có thực” là một trong các điều kiện cho sự phát triển, thăgn tiến đời sống tâm linh. Mục đích cuối cùng của việc sống Đạo chính là sự hoàn thiện tâm hồn của chính mình, trở nên giống như Chúa Cha là Đấng thiện toàn (x. Mt 5, 43-48).

Lạy Chúa, xin cho con biết sống thực với tinh thần Phúc Âm mỗi khi con dám bẻ ra và trao đi tấm bánh của đời con cho anh chị em mình. Amen.

CÁT BIỂN

No và đói (16.02.2019)

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Với bảy chiếc bánh và vài con cá nhỏ, Người đã cho khoảng bốn ngàn người được ăn no nê. Phép lạ đó không chỉ chứng minh được quyền năng của Người mà còn thể hiện sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Để qua đó, ta có thể nhận ra rằng ta phải biết đi theo Người trước đã, biết lắng nghe và thực thi Lời Người, biết phó thác mọi sự trong tay Người, những điều còn lại Người sẽ ban cho.

Cái đói luôn là mối đe dọa con người không chỉ vào thời xa xưa mà ngay cả ngày nay, con người vẫn sợ hãi nó. Biết bao nhiêu người đã bị đói khát tước đoạt mạng sống ngay giữa thế giới đầy đủ về vật chất hiện nay. Đó là một mối nguy rất to lớn. Thế nhưng, đó chỉ là cái đói của thể xác, liệu có bao nhiêu người lo lắng cho sự đói khát của linh hồn mình? Có lẽ cuộc sống đã vô tình lôi cuốn con người vào vòng xoáy vật chất, khiến họ quên rằng mình vẫn còn một phần thiêng liêng cũng cần lo lắng không kém: linh hồn.

Người ta sợ đói khát, sợ cơ thể sẽ không chống lại được cái đói nên tìm cách để mình được no đủ. Ấy thế mà dường như ít ai quan tâm linh hồn mình đã no hay chưa. Thiên Chúa cho chúng ta rất nhiều thời gian để làm việc, Người chỉ cần ta dành một ít thời giờ ngày cuối tuần để tham dự bàn tiệc thánh nuôi dưỡng linh hồn. Thế nhưng, nhiều người vẫn chưa ý thức được điều đó, họ quên mất rằng linh hồn mình đang đói khát vì mình mải mê “nhồi nhét” cho thể xác nặng nề ấy được no nê. Đó không chỉ là bất công với chính mình mà còn là bất công với Thiên Chúa.

Đôi lúc chúng ta nên ngẫm lại mối tương quan giữa thể xác và linh hồn, hay lớn hơn là tương quan giữa mình với Chúa. Cán cân ấy liệu có cân bằng hay chưa? Nếu đã cân bằng, ta nên tự hào, tạ ơn Người và tiếp tục phát huy, ít nhất là cho nó được tiếp tục cân bằng; nếu chưa, ta nên xem xét lại cách ta đối xử với Người và với linh hồn mình, bắt đầu từ cách sử dụng thời gian Người đã ban cho mỗi người chúng ta.

Thể xác và linh hồn, cả hai đều quan trọng, đừng quá đặt nặng một bên mà xem nhẹ bên còn lại. Nếu đã quan tâm đến sự đói khát của thể xác thì ta cũng đừng quên linh hồn cũng cần được no nê.

Lạy Chúa, Người đã ban cho chúng con thời gian để sống, cho chúng con sức khỏe để làm việc nuôi sống mình. Nhưng có lẽ chúng con đã quá nuông chiều thể xác, quá chú trọng đến vật chất mà quên mất rằng mình còn linh hồn cũng rất cần được quan tâm. Xin Ngài cho chúng con biết quan tân nuôi dưỡng linh hồn mình bằng cách “bồi dưỡng” tương quan với Ngài, biết siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể, siêng năng cầu nguyện, lắng nghe và thực hành Lời Người. Để nhờ đó, không chỉ thể xác mà linh hồn con cũng được no đủ trong tình yêu và sự quan phòng của Ngài. Amen.

Cho kẻ đói ăn (11.02.2017)

 11 Tháng Hai Ðức Mẹ Lộ Ðức

1. SUY NIỆM:

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại lòng thương xót của Đức Giê-su đối với đám đông đi theo Người để được nghe Người giảng dạy.

Đã ba ngày, đông đảo dân chúng trong miền tuôn đến với Đức Giê-su; có người vì tò mò, đến xem một nhân vật đang thu hút số đông người Do Thái bằng lời giảng dạy đầy uy quyền và thuyết phục; có người thì tin Đức Giê-su như là một ngôn sứ vì Người làm được nhiều dấu lạ; tuy nhiên tất cả chỉ là những cảm xúc nhất thời bởi đa số họ là dân ngoại. Chạnh lòng trước đám đông đã đi theo thầy trò ba ngày rồi, hơn nữa lại đang ở nơi hoang vắng không có hàng quán; Đức Giê-su để nghị với các môn đệ tìm lương thực cho họ ăn đỡ đói.

Nghe Đức Giê-su hỏi: có bao nhiêu bánh, thì các môn đệ phân vân; trước ý muốn tốt lành của Đức Giê-su, các môn đệ biết Người muốn lo cho họ ăn, nhưng tìm đâu ra bánh? hơn nữa dân chúng đang hiện diện rất đông. Như muốn các ông góp phần vào phép lạ Người sắp làm, Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? “. Giữa nơi hoang vắng, lương thực cạn dần, chỉ còn bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ dành cho thầy trò, bây giờ Đức Giê-su hỏi đến, khiến các ông băn khoăn: băn khoăn vì với bảy cái bánh và vài con cá nhỏ bõ bèn gì trước đám dân chúng rất đông này, và rồi thầy trò sẽ lấy gì để ăn khi đói bụng? Các môn đệ trả lời Người: “có bảy cái bánh”. Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra; và tất cả mọi người đều được ăn no nê.

Đây là phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai Đức Giê-su đã thực hiện để thỏa mãn cơn đói thể lý cho đám đông dân chúng đang khao khát nghe lời giảng dạy và đi theo Người. Trình thuật Tin Mừng cho thấy lòng nhân từ, hay thương xót của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể nơi Đức Giê-su, là Đấng Mê-si-a Thiên Chúa sai đến để cứu độ nhân loại. Người không những ban cho dân chúng lời cứu độ, lời đem lại hạnh phúc vĩnh cửu mà còn ban cho cả lương thực tự nhiên để giải quyết nhu cầu của sự sống trần thế.

Khi Đức Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều, tự Người có thể làm được, nhưng cả hai lần ban lương thực cho dân, Đức Giê-su đều mời gọi sự cộng tác của các môn đệ của Người: lần thứ nhất ở trong hoang địa gần Ca-pha-na-um, trước khi thực hiện phép lạ Người truyền cho các môn đệ: “chính anh em hãy cho họ ăn” và các môn đệ đã phải vất vả tìm năm cái bánh và hai con cá nơi một em bé bán rong; còn lần thứ hai này, các môn đệ phải dùng đến bảy cái bánh và vài con cá nhỏ là lương thực tối thiểu còn lại của thầy trò.

Khi Đức Giê-su thực hiện phép lạ bánh hóa nhiều với công thức như nhau: Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ; diễn tả phần nào bí tích Thánh Thể Người thiết lập sau này; phải chăng đây là hình ảnh tiền trưng của lương thực thần linh Người trao ban để nuôi dưỡng và ban sự sống đời đời cho nhân loại?

Ngày nay, thế giới cũng không thiếu những người, những cộng đồng đang có nguy cơ rơi vào tình trạng đói khát: đói khát một nền văn hóa tình thương, công lý, hòa bình; đói khát ân sủng đức tin và đói khát lương thực nuôi sống bản thân, gia đình; họ đang trông đợi lòng quảng đại và thương cảm của mọi người.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

– Nỗ lực cộng tác với ân sủng của Đức Giê-su để làm cho Tin Mừng của Người lan rộng đến mọi người bằng những hy sinh nhỏ bé và những sẻ chia vật chất cho anh em trong môi trường sống.

– Hãy là tấm bánh của lòng bác ái, vị tha được bẻ ra và cho đi để xoa dịu những cơn đói, khát – cả thể lý lẫn tinh thần – của anh em đang cơ nhỡ, thiếu thốn.

2. CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa xin cho con biết quý chuộng Thánh Lễ và hằng khao khát đón nhận lương thực thần linh là Mình và Máu Thánh Chúa mỗi ngày. Xin cho mọi người biết tôn thờ và kính yêu Thánh Thể Chúa và cụ thế hóa bằng các việc bác ái, yêu thương.

3. SỐNG TIN MỪNG: 

Quảng đại chia sẻ và giúp đỡ những người cơ nhỡ, túng nghèo.

Đức Giêsu yêu thương con người

Đám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa : bảy giỏ.
Số người ăn độ chừng bốn ngàn người. (Mc 8,8-9)

Suy niệm: Chúa Giêsu làm phép lạ hoá bánh ra nhiều tới hai lần. Lần nào cũng thế, Chúa thương dân chúng “bơ vơ như chiên không có người chăn”. Chúa chăm lo cho cả những nhu cầu vật chất của người ta khi người ta sẵn sàng hy sinh để lắng nghe Lời Chúa và theo Chúa. Và bao giờ cũng thế, đã ban ơn thì Chúa ban thật dư dật: từ 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, trên 4000 người ăn mà vẫn còn dư đến 7 giỏ.

Mời Bạn: Bạn thấy không, có khi nào Chúa kém quảng đại hơn chúng ta đâu? Khi người ta sẵn sàng hy sinh chấp nhận cơn đói của thể xác để thoả mãn cơn đói khát Lời Chúa bằng cách đi theo Chúa Giêsu, thì lúc đó chẳng những Người ban cho họ no thoả Lời Người mà còn dư đầy cả bánh và cá nữa. Nước lã hoá thành hằng trăm lít rượu ngon tại Cana, mẻ cá lạ lùng hai chiếc thuyền đầy khẳm đến gần chìm, tất cả những điều đó há chẳng nói lên Thiên Chúa rộng lượng quảng đại với bạn thế nào hay sao? Bạn hãy đong cho Chúa bằng một chiếc đấu thật lớn, thật đầy đi, và Chúa sẽ đong lại cho bạn bằng chính chiếc đấu ấy đã dằn đã lắc hẳn hoi.

Sống Lời Chúa: Ngày mai, Chúa Nhật bạn hãy hy sinh xếp các công việc của bạn lại để dành cho Chúa một ngày thật trọn vẹn, thật đúng ý nghĩa Chúa Nhật là Ngày Của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa thật quảng đại với con. Còn con lại quá nhỏ nhen, hẹp hòi với Chúa. Xin cho con biết sống quảng đại với Chúa và với nhau, như Chúa vẫn quảng đại với con.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *