Quyền năng yêu thương (03.10.2023 – Thứ Ba tuần XXVI Thường Niên)

Lời Chúa: G 3,1-3.11-17.20-23 (năm chẵn), Dcr 8,20-23 (năm lẻ), Lc 9, 51 – 56

Bài đọc 1: G 3,1-3.11-17.20-23

Bài trích sách Gióp.

Bấy giờ, ông Gióp mở miệng nguyền rủa ngày ông chào đời.  Ông Gióp lên tiếng nói :

Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời,
cũng như đêm đã báo :
“Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi !”
Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời,
không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ ?
Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi,
có đôi vú cho tôi bú mớm ?
Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã nằm xuống yên hàn,
đã an giấc nghỉ ngơi
cùng các bậc vương hầu khanh tướng
đã xây lăng xây mộ cho mình,
hay những bậc thủ lãnh vàng bạc chất đầy nhà.
Chẳng vậy thì giờ đây tôi đã không hiện hữu,
khác nào thai nhi chết yểu bị đem chôn,
hay trẻ sơ sinh không nhìn thấy ánh sáng.
Tại đó, kẻ hung tàn không còn quấy phá nữa,
cũng tại đó người kiệt sức lại được nghỉ ngơi.
Sao Người lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng,
ban sự sống cho ai nuốt cay ngậm đắng ?
Họ là những người mong chết mà không được,
tìm cái chết hơn cả tìm kho báu.
Họ phấn khởi mừng vui, hân hoan vì tìm thấy phần mộ.
Sao lại ban ánh sáng và sự sống
cho kẻ chẳng biết mình đi đâu,
cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 9, 51 – 56)

51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.52 Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến.53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.54 Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? “55 Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông.56 Rồi Thầy trò đi sang làng khác.

Quyền năng yêu thương (03.10.2023)

Khi Thiên Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Người tỏ tường hơn cả. Đó chính là quyền năng yêu thương đến cùng, quyền năng hy sinh cả tính mạng mình cho người mình yêu !

Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay cho ta cảm nhận sâu sắc lòng nhân từ, khoan dung của Thiên Chúa đối với những ai không tin nhận Người, không tiếp rước Người, và cả những khi xúc phạm Người (x. Lc. 9,51-56)

Lạy Chúa, 

Chúa không xử với con như con đáng tội, vì đã bao phen con từ chối tình yêu của Ngài;

Lạy Chúa, 

Chúa nhân từ luôn kiên nhẫn chờ đợi con ăn năn, sám hối bỏ đường tội lỗi quay về nẻo chính đường ngay;

Lạy Chúa, 

Xin cho con biết sống hiền hòa và khiêm nhường để con luôn biết sẵn sàng tha kẻ dễ con và luôn nhịn kẻ mất lòng con;

Xin cho con một quả tim biết yêu thương anh chị em mình, như Chúa đã thương yêu con. Amen.

CÁT BIỂN

Mê lầm nhị nguyên (27.09.2022)

Ngày 27.09: Lễ Nhớ Thánh Vinh-sơn Phao-lô, linh mục

Nguyễn Du, một trong các bài thơ chữ Hán có câu:

“Mãn cảnh giai không hà hữu tướng,

Thử tâm thiền định bất ly thiền…”

(Đề Nhị Thanh động)

Nghĩa là: Mọi cảnh khắp cõi đều là không nào đâu là hình tướng ? Lòng này thường vẫn an định và không rời con đường thiền.

Đó là hai câu thơ cho thấy rõ thi nhân Tố Như đã thực sự bước vào con đường tìm cầu lẽ đạo bằng sự tu học bản thân, để giữ cho “tâm” được “định” theo những pháp tu của Thiền Tông. Đây chính là tư tưởng đối nghịch với tâm thức của đa số người xưa, cho rằng: “Tướng tùy Tâm sinh; Tướng tùy Tâm diệt”.

Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay (x. Lc.9,51-56) kể lại việc Chúa Giê-su quở mắng ông Gia-cô-bê và ông Gio-an chớ có xem tướng (thái độ, cách ứng xử) người Sa-ma-ri mà bắt hình dong họ (sic). Chúa không cho các ông được phép nhìn những người ngoại đạo trong làng theo dáng vẻ bên ngoài, cung cách nói năng, thái độ từ chối đón tiếp thầy trò Giê-su của họ; qua đó Chúa cũng uốn nắn cảm nghĩ, phán đoán sai lệch theo đầu óc Nhị nguyên của các tông đồ đối với họ, nhất là nhiều khi hầu như họ không có cái nhìn thiện cảm với thầy trò của Ngài.

Từ đây, nếu nhìn những người Sa-ma-ri đó dưới ánh sáng của đức tin, các ông sẽ thấy họ chính là hiện thân của Con Thiên Chúa, Đấng vốn giàu có nhưng lại chấp nhận làm người nghèo, Đấng vốn là bất tử, quyền năng, chúa tể hoàn vũ, mà lại tự hủy mình đi mặc lấy phận nô lệ của con người, Đấng đã bị lương dân coi là điên rồ, bị người Do-Thái coi là cớ vấp phạm (x. 2Cr.8,9; Pl.2,7; 1Cr.1,22-25);

Hôm nay đây, có lẽ Chúa Giê-su cũng muốn các Ki-tô hữu hãy tránh ‘vết xe đổ’ của các Tông đồ khi xưa, có thế thì sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân, cho những người chưa có đức Tin mới thật sự hữu hiệu, sinh ích lợi cho Giáo hội, và mới thật sự như ý Chúa muốn. Chính Giáo dân Đa-minh cũng phải cảm nghiệm điều đó, và phải xử sự như Đức Ki-tô là quan tâm đến người nghèo khổ, an ủi, giúp đỡ và nâng đỡ họ.

Tóm lại, Tin Mừng hôm nay chính là mời gọi các Ki-tô hữu lựa chọn một thái độ sống đến mức chí thiện. Và bằng cách đó, đẩy lùi cái ác trong chừng mực nào đó có thể, tuy không tiêu trừ được nó hoàn toàn, vì nó cũng là một phần của thân phận làm người vậy.

Lạy Chúa, chính nhờ Thiên Chúa mà con được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của con, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa: Đấng đã làm cho con trở nên công chính, đã thánh hóa và giải thoát con khỏi những mê lầm (x. 1Cr1,30). Amen.

CÁT BIỂN

Niềm tín thác (28.09.2021)

Tin Mừng hôm nay hẳn mời gọi chúng ta lặp lại niềm tín thác của chúng ta vào sự quan phòng kỳ diệu của Chúa. Thánh Luca, tác giả của đoạn Tin Mừng hôm nay nhìn cuộc đời của Chúa Giêsu như một cuộc hành trình tiến về Giêrusalem mà cao điểm là cái chết trên thập giá. Tiến về Giêrusalem để chịu tử nạn cho nên có gặp thù nghịch chống đối trong suốt cuộc hành trình cũng là chuyện bình thường đối với Chúa Giêsu, nhưng các môn đệ của Chúa Giêsu chưa thể hiểu tại sao Thầy mình phải gặp phải những chống đối như thế. Phản ứng của hai thánh Gioan và Giacôbê là điển hình, hai vị thánh này không thể chấp nhận được sự kiện người dân tại một làng Samaria nọ không đón tiếp Ngài. Các ngài chỉ mong cho lửa từ trời xuống để tiêu diệt cái dân phản nghịch này. Chúa Giêsu quở trách các ngài, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho các môn đệ biết rằng điều kiện đầu tiên để làm môn đệ Ngài là phải có thái độ kiên nhẫn trước sự chống đối, thù nghịch và thẳng thắn nói chung. Ðây là dịp để các môn đệ hiểu được ý nghĩa của những bài dụ ngôn về nước Trời, đặc biệt là các bài dụ ngôn về hạt giống, về cỏ lùng và lúa tốt. Hạt giống được gieo vãi ngay cả trên đất xấu, hạt giống được gieo vãi ngay cả trên cỏ lùng, hạt giống phải chịu thối đi trong lòng đất; dù có được gieo vãi trong những điều kiện không thuận lợi, hạt giống vẫn mọc lên và sinh nhiều bông hạt.

Hình ảnh của hạt giống gợi lên cho chúng ta lịch sử của Giáo Hội. Giáo Hội được tẩy trần và sinh hoa kết trái ngay giữa những cơn bách hại đẫm máu nhất. Giáo Hội từng được thanh luyện và trưởng thành khi gặp chống đối và thù nghịch. Thái độ thỏa hiệp có thể mang lại cho Giáo Hội một vài đặc ân và dễ dãi, nhưng chắc chắn những thiệt hại và mất mát mà Giáo Hội phải chịu thì không gì có thể bù lại được. Giáo Hội có đáng tin hay không? Giáo Hội có thật sự đi lại cuộc hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu hay không? Hay giữa những chống đối, thù nghịch và thử thách, Giáo Hội vẫn tỏ ra trung thành với Ðấng khi bị treo trên thập giá đã lặng thinh và phó thác cho Thiên Chúa. Hạt lúa có gieo vào lòng đất mới thối đi và lớn lên sinh nhiều bông hạt, đó là định luật của cuộc sống Giáo Hội và của người môn đệ Chúa Kitô.

Ước gì giữa những khổ đau, chống đối và thù nghịch, chúng ta vẫn luôn nhận ra được bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa, đó là ơn trọng đại mà chúng ta phải không ngừng cầu xin Chúa ban cho chúng ta.

Chấp trì chân lý… (27.09.2016)

Thánh Vinh-sơn Phao-lô (1581-1660)

Mahatma Gandhi (thánh Cam Địa) – Người lãnh đạo thành công phong trào đấu tranh “bất bạo động” chống thực dân Anh giành độc lập cho Ấn Độ (1914-1947) đã dựa trên nền tảng tư tưởng “chấp trì chân lý”; nghĩa là: Nếu một người nào đó làm tổn thương ta vì vô minh, thì ta thắng lại họ bằng năng lực của tình thương. Người tin vào chấp trì chân lý sẽ không bao giờ dùng bạo lực.

 Tháng 9 năm 2014, trong chuyến viếng thăm Anbani, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã thẳng thắn lặp lại lập trường của Giáo Hội là không bao giờ dùng chiến tranh để tạo nên hoà bình, không nhân danh tôn giáo đễ gây chiến với nhau.

 Từ đây cho thấy rằng: Trong cuộc sống dù là đạo hay đời; nếu mọi người không biết chấp nhận sự khác biệt của nhau, không có lòng bao dung, nhẫn nại chịu đựng nhau, và nếu không hết lòng tha thứ cho nhau… thì sẽ luôn còn những lý do để con người đối lập nhau, nghi kỵ chống đối nhau, khinh khi, cự tuyệt, và làm khổ nhau bằng cách này hay bằng cách khác…

Thật dễ hiểu khi Giacôbê và Gioan, cũng như hầu hết người Do thái trong thời Đức Giêsu đang thi hành sứ vụ tại thế của Người, vẫn mang trong mình tư tưởng có một Đấng Cứu Thế theo kiểu người phàm; sẽ sử dụng vũ lực để chinh phạt và dùng sức mạnh từ trời để huỷ diệt kẻ “vô đạo”; diệt trừ kẻ “không cùng chí hướng” với mình (x. Lc 9,51-56). Trong khi đó, Đức Giêsu quyết tâm lên Giêrusalem để chịu chết treo trên thập giá, thì họ lại có tư tưởng là Người sẽ lên Giêrusalem để huỷ diệt kẻ ác; sẽ tuột xuống khỏi thập giá, và sẽ thiết lập vương quốc mới theo não trạng phàm nhân hạ giới (sic).

Thế nhưng, Con đường Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giêsu không phải là con đường dùng bạo lực. Bởi lẽ:

Nếu chương trình Cứu Độ Nhân Loại mà dùng tới vũ lực thì hỏi còn ai có thể xứng đáng để được cứu độ? Nếu Đức Giêsu cứu độ mà không vì yêu thương thì không cần phải nhập thể, tử nạn, và phục sinh! Nhưng Đức Giêsu đã thực hiện ý Chúa Cha là nhập thể để cứu chuộc chứ không phải nhập thể để loại trừ tiêu diệt. Con đường “chịu chết để cứu độ” mới là con đường của Thiên Chúa hoạch định.

Nếu nghĩ rằng Thiên Chúa không phải là Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ, thì nhân loại đã bị trừng phạt liền ngay sau khi tổ tông con người vừa mới phạm tội rồi.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhẫn nại khi gặp khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Xin cho con biết nhân từ, đầy cảm thông, và tha thứ như tình thương của Ngài, để con luôn cảm thông, quảng đại, tin tưởng, và tha thứ cho những ai xúc phạm con trong tinh thần hiệp nhất, yêu thương. Amen.

CÁT BIỂN

Thập giá chiến thắng sự ác (30/09/2014)

“Khi đã tới ngày Chúa Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9,51)

Suy niệm: Con người đang sống trong một thế giới bất ổn, sự ác đang thắng thế với những mối đe doạ chiến tranh nổi lên khắp nơi: cuộc chiến ở dải Ga-da không có dấu hiệu kết thúc, khủng hoảng ở Ukraina như quả bom nguyên tử hẹn giờ, những cuộc khủng bố của phe Hồi giáo cực đoan ngày càng diễn ra một cách dã man, ghê rợn, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đe doạ nổ ra một cuộc chiến toàn cầu…. Bằng một thái độ đầy ý thức và quả quyết, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem cũng trong bối cảnh sự ác đang hoành hành, chế ngự: Gio-an Tẩy giả bị sát hại, các thượng tế, biệt phái và phe Hê-rô-đê cấu kết với nhau để tìm cách tiêu diệt Chúa Giê-su. Thế nhưng chương trình Chúa Cha đã hoạch định phải được thực thi “vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được” (Lc 13,33). Khi lên Giê-ru-sa-lem Chúa Giê-su quyết tử chiến với tội ác qua con đường thập giá trong sự phó thác vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chính nhờ thế, cuối cùng Ngài đã chiến thắng sự ác và cả sự chết.

Mời Bạn: Giê-ru-sa-lem của bạn ngày hôm nay là chính thế giới đầy dẫy bất ổn và tội ác này. Chúa mời gọi bạn dám chấp nhận những hy sinh dấn thân chống lại tội lỗi từ tâm hồn mình cho đến mọi ngõ ngách của thế giới thay vì vô cảm cầu an, hưởng thụ cách ích kỷ.

Chia sẻ trong nhóm của bạn để cùng nhau có một hành động thiết thực chống lại sự ác.

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm có thái độ tích cực và hướng thiện từ trong tư tưởng tới việc  làm, dù phải hy sinh.

Cầu nguyện: Hát Kinh Hoà Bình.