Bài hát và Suy niệm (27.08.2023 – Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm A)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

NL: ĐI VỀ NHÀ CHÚA

ĐC: XIN TÁN TỤNG

DL: LỄ DÂNG HIỆP NHẤT

HL: NẾU TRÁI TIM CON

KL: LỜI CHÚA

Lời Chúa: Is 22,19-23, Rm 11,33-36 , Mt 16,13-20

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 16,13-20)     

13 Khi ấy, Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng : “Người ta nói Con Người là ai ?” 14 Các ông thưa : “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, người khác lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” 15 Đức Giê-su lại hỏi : “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” 16 Ông Si-môn Phê-rô thưa : “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Đức Giê-su nói với ông : “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. 19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời : dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” 20 Rồi Người cấm các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

Đá Tảng đức tin (27.08.2023)

“Thầy là ai?”

Chúa Giê-su hỏi một câu khá đơn giản, với tất cả chúng ta, hầu hết ai cũng có thể trả lời đúng được. Dầu vậy, với thời đại này, đây là một lời dễ nói mà không dễ tin, càng không dễ xác tín.

Trong lúc đó, Phúc Âm kể, câu hỏi “Thầy là ai?” lại xuất hiện trong thời điểm mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Con Thiên Chúa chưa được tỏ lộ cho Ít-ra-en. Bức màn che mầu nhiệm giữa gian cực thánh Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và dân Chúa vẫn còn đó, ánh sáng chân lý mới còn chưa canh tân đức thờ phượng cho Ít-ra-en. Chúa Giê-su Ki-tô – Ngôi Hai nhập thế mới vừa công khai rao giảng được một phần thời gian của Người. Kẻ tin nhận Người là Thiên Chúa hạ phàm khi đó có quá ít, bấy giờ những người biết và tin, đếm chưa hết trên đầu ngón tay của hai bàn tay. Ngược lại, những người không tin và chống đối lại nhiều hơn gấp bội bội lần. Dư luận quần chúng đang ồn ào, xôn xao suy đoán trăm chiều đến tai các thánh Tông Đồ. Họ nói về Chúa Giê-su nào là “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.

Chúa Giê-su hỏi các thánh Tông Đồ “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, mới nghe qua câu trả lời của thánh Phê-rô “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” chúng ta không thấy có gì đặc biệt lắm. Nhưng trong sự thật siêu nhiên, câu trả lời của thánh Phê-rô đã hữu ý trong vô tình đánh dấu và xác nhận một kỷ nguyên mới dành cho dân Ít-ra-en và cho nhân loại. Đó là kỷ nguyên của lòng thương xót bởi Thánh Tâm Thương Xót Chúa Ba Ngôi dành cho con cái loài người suốt dòng lịch sử nhân sinh. Kỷ nguyên của Đấng Thiên Sai đem tình yêu cứu độ của Chúa Cha đến nhân gian, và làm cho tình yêu đó lên ngôi “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12,32). Người thực hiện chương trình mà Thiên Chúa Ba Ngôi đã chuẩn bị từ khi chưa có thời gian.

Được làm con Chúa, chúng ta có thấy lòng vui sướng, có lúc thầm lặng ngẩng mặt tự hào vì mình đã được sinh ra trong kỷ nguyên của lòng thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi không?

Suy gẫm lời Chúa Giê-su trả lời cho thánh Phê-rô, chúng ta càng thấy rõ hơn chiều kích nhiệm mầu của sự thật siêu nhiên mà Chúa Giê-su và các Tông Đồ đang đề cập đến “Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.

Thú vị thật, Chúa Giê-su không bảo “Này anh Si-môn”, mà lại nói “Này anh Si-môn con ông Giô-na”. Câu nói vừa tăng thêm phần trang trọng, vừa có ý nói đến nguồn gốc sủng ân dòng tộc của thánh Phê-rô. Lần đầu tiên dòng dõi ấy được nhận ân sủng Chúa Cha ban thời Tân Ước, mở đường cho vinh dự có người con, cháu được vinh quang và ân phúc “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” Riêng bản thân thánh nhân, từ một ngư dân vô học trở thành người đại diện cho Thiên Chúa Nhập Thể trên trần gian. Lãnh đạo một đoàn con theo huyết nhục Đức Ki-tô đông vô kể, có vị thế cao trọng nhất trên hoàn cầu. Kể cả đạo binh hỏa ngục, nói riêng anh Lu-xi-phe cũng phải kiêng dè, chịu làm bại tướng.

Chúa Cha mạc khải cho tâm trí của thánh Phê-rô, bằng thần khí Người thúc giục Thánh Nhân tuyên xưng một lời bất hủ. Lần đầu tiên trong nhân loại vang lên lời mà Chúa Cha hài lòng nhất từ con cái loài người. Chúa Cha từng lên tiếng giới thiệu Chúa Con “Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,17), nhưng phía con người mãi đến bây giờ Phúc Âm mới ghi được lời người đại diện cho nhân loại tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúa Cha vẫn rất vui cho dầu niềm tin ấy vẫn còn khá mong manh, tuyên xưng rồi Thánh Nhân lại chối Thầy. Cho thấy rằng tin và xác tín là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tin chỉ mới là hoa trái của nhận thức, của lý trí, có thể tác động một phần vào cuộc sống. Đức tin ở mức nầy dễ dàng đổi thay theo hoàn cảnh hay nghịch cảnh. Còn xác tín, đức tin đã được nhào nặn do trải nghiệm nhiều lần về Thiên Chúa, về thánh ý và chương trình của Người. Là tinh hoa của tất cả quan năng con người, có sức mạnh làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người tin, vượt qua hoàn cảnh và nghịch cảnh.

Thánh Phê-rô tuyên xưng niềm tin rồi chối bỏ, cho đến khi lòng hoàn toàn xác tín, Thánh Nhân mới sẵn sàng chết vì đức tin mình. Không chỉ thánh Phê-rô tông đồ, cả chúng ta nữa, để có thể bức phá vượt trên niềm tin còn thay đổi, cho đạt tới sự xác tín của đức tin. Chúng ta cần được Thiên Chúa cho trải qua những nhào nặn, tức các cuộc thanh tẩy và thử thách trong cuộc sống đức tin. Dĩ nhiên những thử thách hay thanh tẩy nầy sẽ đem lại rất nhiều đau khổ, mất mát, sỉ nhục, thậm chí còn đòi hỏi linh hồn phải hy sinh thật nhiều trong đau khổ tột cùng. Nhưng không mấy người Ki-tô hữu nhận thức được, chính để ba nhân đức đối thần ở chúng ta được phát triển đem lại lợi ích lớn lao cho linh hồn, Chúa mới quan phòng như vậy. Chúng ta hãy nhìn xem Con Thiên Chúa, Người trải qua những gì trong chuỗi ngày đời nơi dương thế? Và Chúa Giê-su là “con đường” (x. Ga 14,6), con đường đưa đến với Chúa Cha ở nơi chính Người. Vì vậy, con đường ấy là “hãy sống như Chúa Giê-su đã sống”. Lời tuyên xưng “Chúa Giê-su là con Thiên Chúa hằng sống” mới nên trọn vẹn khi linh hồn bước tới chặng cuối của “con đường”.

Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá,” đây là lời truyền của Chúa Giê-su về thánh Phê-rô. Một lời truyền mang nhiều ý nghĩa sâu nhiệm, lời truyền này được phát ra sau khi thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Như thế, tảng đá thiêng nơi thánh Phê-rô chỉ có thể cứng rắn, vững mạnh khi được gắn liền với đức tin Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Một khi đã gắn liền thì Tảng Đá Phê-rô mang hình bóng của Tảng Đá cực thiêng

nhờ tay Đấng Vạn Năng của Gia-cóp,
nhờ danh Vị Mục Tử, Tảng đá của Ít-ra-en
.” (St 49,24b)

Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống.” (Ds 20,8b)

Họ lấy những tảng đá còn nguyên theo như Luật truyền, mà xây bàn thờ mới” (1 Mcb 4,47)

Tảng Đá Phê-rô được xây trên Đá Tảng Đức Ki-tô, là xây trên truyền thống đức tin vào Thiên Chúa độc thần, ân sủng, chương trình của Thiên Chúa và định lệnh của Người. Tảng Đá Phê-rô mới có sức mạnh vượt thời gian và quỷ lực cũng phải đầu hàng.

En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu” một con người vừa trung thành với Lề Luật vừa nhiệt thành với Danh thánh Chúa. Ông là hình bóng mờ báo hiệu về Chúa Ki-tô, là người được Chúa chọn để hoàn tất chương trình cho dân Chúa, nên mới có lời kinh

Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó,
cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó,
quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó,
nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa.

Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được,
nó đóng lại thì không ai mở được.”

Bởi thế ông được Thần Khí chọn nói về ông trong phụng vụ hôm nay, như nói về thánh Phê-rô vậy. Cả hai ông như hai nhịp cầu đưa các linh hồn về với Thiên Chúa, thời Cựu Ước; và về với Chúa Cứu Thế, thời Tân Ước.

Những cuộc chọn lựa, những chương trình Thiên Chúa đặt ra hết sức nhiệm mầu, chúng ngoài sức tưởng nghĩ của con người. Bởi thế, sau khi được ơn thông hiểu cùng trải nghiệm thánh Phao-lô khẳng định “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!” Quan điểm này của thánh Phao-lô đưa chúng ta đến vấn đề cụ thể: mầu nhiệm Chúa chọn và ban ơn cho vị lãnh đạo dân Chúa thời Tân ước “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Một điều chưa từng có trong lịch sử nhân loại, cho thấy năng quyền Chúa ban cho Hội thánh của Người qua vị Chủ Chăn cao nhất trong Hội Thánh và những ai thông hiệp với ngài là điều vượt sức con người tưởng nghĩ. Nhưng chân lý ở đây còn hé lộ một điều, sự tương thông dưới đất và trên trời cao đã mở, quyết định của con người được nên một với ý muốn của Thiên Chúa. Đây cũng là chi tiết nói lên ý nghĩa “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20b)

Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.” Chúa Ngôi Hai nhập thể và nhập thế không phải để thực thi sứ mạng cứu độ nhân loại sao? Tại sao Chúa Giê-su lại cấm các môn đệ không cho nói Người là Đấng Ki-tô, trong lúc đích thực Người là Đấng Ki-tô?

Có nhiều luận điểm về vấn đề này. Chúa Giê-su cấm các Tông Đồ không cho nói Người là Đấng Ki-tô trong thời điểm Người còn rao giảng mà thôi. Nghĩa là Chúa Giê-su không muốn lời rao truyền của các Tông Đồ “Người là Đấng Ki-tô!” vô tình làm cản trở cuộc khổ nạn của Người và làm sai lệch nguồn gốc của đức tin. Đức tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Thần Nhân cứu độ, khởi đầu không được nảy sinh bởi lời chứng của con người. Nhưng phải từ chính Đấng Cứu Độ, nghĩa là được nói lên bởi cái chết khổ hình thập giá của Đức Ki-tô, làm thành hy tế toàn hiến dâng lên Chúa Cha, thì chương trình của Chúa Cha mới nên trọn.

Tình Yêu Hoa Cỏ

LÀM VIỆC CHO CHÚA

– Khi còn giúp Huynh đoàn giáo dân Đaminh tại giáo phận Bắc Ninh, tôi nể phục các bác trong Ban phục vụ giáo phận. Trong đó có các bác ở rất xa, cách Toà giám mục cả 250km. Hàng tháng, các bác họp một lần để trao đổi công việc. Có bác đã gần 70 tuổi, là phụ nữ mà chạy xe gắn máy xa đến 150km để đi họp. Đúng là họ rất hy sinh cho việc chung của đoàn thể.

Trong Giáo hội của Chúa, mọi tín hữu đều được mời gọi chia sẻ trách nhiệm, tuỳ vào khả năng và hoàn cảnh mỗi người. Các sinh hoạt đoàn thể, cộng đoàn đều cần có người hy sinh đón nhận công việc, nhiều khi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Từ trước tới nay, dù đời tu hay hôn nhân, đều có những người sẵn lòng hy sinh để lo việc chung. Bằng xác tín vào ơn Chúa, nhiều người chấp nhận vất vả để cho những sinh hoạt của Giáo hội được tốt đẹp.

– Tông đồ Phê-rô sau khi tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, đã được Đức Giêsu trao sứ mạng lo việc nhà Chúa. Từ nay, ông sẽ là thủ lãnh, được Thầy “trao chìa khoá Nước Trời”, có quyền cầm buộc “trên trời dưới đất”. Để hoàn thành việc này, ông Phê-rô sẽ phải đối diện với bách hại, đau khổ và sự chết. Nhiều lần, Phê-rô phải vượt qua chính bản thân ông với những giới hạn của sợ hãi, kém tin. Nhưng Đức Giêsu phục sinh sẽ nâng đỡ và giúp ông đi trọn vẹn hành trình “lo việc nhà Chúa”. Từ nay, Phê-rô phải lo sao cho Tin mừng cứu độ được lan rộng, Giáo hội của Chúa được vững bền.

– Mỗi người đều được Chúa trao một sứ mạng. Chúa biết rõ khả năng chúng ta. Chúa trao trách nhiệm thì Chúa thêm ơn. Chúng ta cần sẵn lòng cộng tác. Từ chối sứ vụ được trao là chúng ta đánh mất cơ hội được đón nhận ân sủng từ Chúa. Có khi Chúa lấy luôn những gì chúng ta đang có mà trao cho người khác: “Hãy nói với Sép-na, Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, khỏi địa vị… Ta sẽ trao quyền bính của ngươi cho En-gia-kim, tôi tớ Ta…”

Chúng ta cũng đừng tự ti về khả năng của mình. Sự tự ti có thể giết chết lòng nhiệt thành. Hơn nữa, chúng ta còn có niềm tín thác vào ơn Chúa. Nhiều khi chúng ta không hiểu hết được điều Thiên Chúa muốn trên cuộc đời và sứ vụ của chúng ta. Trong thư Rôma, thánh Phaolo đã nói: “Quyết định của Chúa, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!”

Xin Chúa chúc lành cho những người đang lo việc nhà Chúa!

Xin Chúa nâng đỡ những người đang nhiệt tâm với việc nhà Chúa!

Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP

THỰC THI SỨ MẠNG

Thầy Giêsu hỏi các môn đệ xem dân chúng nghĩ Thầy là ai? Người thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ. Rồi quay sang các ông Thầy lại kiểm tra bài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt 16, 15). Điều đặc biệt ở đây là Thầy muốn chính các ông nói lên ý nghĩ của họ. Ông Phêrô có ngay đáp án đúng nhất: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16, 16). Ông đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Thầy là Đấng Thiên Sai. Dù tuyên xưng nhưng ông chưa thể hiểu thấu. Thầy nghiêm giọng cấm các ông không được nói với ai về căn tính của Thầy. Đấng Thiên Sai đến không phải như cái nhìn của người Do thái cũng như các môn đệ, để thống trị bằng sức mạnh, nhưng bằng con đường yêu thương và vác thập giá như Người báo trước: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

 Phêrô không phải chỉ tuyên xưng với Thầy như vậy là xong, nhưng còn phải đi vào cuộc Thương Khó với Thầy mà theo Thầy. Nhưng sẽ có ngày vinh quang như Thầy đã phục sinh khải hoàn. Các ông giữ im lặng cho đến ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô mới công bố: “nên Người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát…” Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô.” (Cv 2, 31.36).

Để sống được như lời tuyên xưng ấy, trở nên giống Thầy mình, ông Phêrô phải trả giá rất cao. Nhưng nhờ sức mạnh Tình Yêu lãnh nhận từ Thầy biến đổi trở nên con người mới sẵn sàng đối diện mọi khó khăn đau khổ trên đường loan báo.

Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời…” (Mt 16, 18). Nguồn ân sủng lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa có thể biến những con người yếu đuối, bất toàn thành đá tảng vững chắc để xây dựng một Hội Thánh luôn vững bền. Thánh Phêrô đã minh chứng sống động cho điều kỳ diệu ấy.

Lạy Chúa! chúng con biết Chúa là Cha hằng yêu thương chúng con trong từng phút giây. Mỗi chúng con dù là ai, xinh đẹp tốt lành hay bệnh tật, đều có chỗ trong Trái Tim Chúa Yêu muôn đời. Dù chúng con có tội lỗi xấu xa thì Chúa vẫn yêu thương, lo lắng chăm sóc giữ gìn chúng con và muốn chúng con hạnh phúc. “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”. Như thánh Phêrô, mỗi ngày trong âm thầm lặng lẽ, chúng con được “dìm” vào cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Chúa, cho đến khi được biến đổi cuộc đời trở nên nhân chứng sống động, họa lại bức chân dung của Đức Kitô. Chúng con sẽ trở nên những viên đá sống động trong tòa nhà Hội Thánh.

Én Nhỏ  

NHẬN DIỆN ĐỨC GIÊSU KITÔ TRONG CUỘC SỐNG

1. Ghi nhớ:

Ông  Simon Phê-rô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt 16.16).

2. Suy niệm:

Sau khi đi khám tổng quát về, nhận được kết quả. Biết là trong thân thể mình đang mắc phải nhiều chứng bệnh, tuy rằng chưa đến độ nguy hiểm ngay bây giờ, song theo như tư vấn của bác sĩ thì nếu không kịp thời chữa trị thì mai này bệnh tình sẽ phát triển ngày càng thêm nặng. Và như thế việc chữa trị sau này sẽ khó khăn và tốn kém nhiều hơn.

Nhưng ngặt nỗi gia đình ông cuộc sống hiện nay chỉ ở mức “hằng ngày dùng đủ”thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh đây?. Chính điều này làm cho ông khổ tâm. Ông không muốn gia đình phải đi vay mượn, bởi vì sau đó biết lây tiền đâu ra đê mà trả nợ.

Lo nghĩ nhiều nên bị mất ngủ triền miên, ông suy sụp. Vợ con phải đưa ông lên bệnh viện thành phố chữa trị.

Hôm ấy cậu con trai đi nuôi ba. Biết là ba thích đọc báo và để ba bớt buôn nên anh mang lến cho người một xếp báo cả cũ lẫn mới.

Vì ở không nên khi có báo ông liền lấy một tờ đọc ngay cho khuây khỏa.

Ông chăm chú nhìn vào trang đầu của tờ báo, hình ảnh một người đàn ông thấy quen quen đập vào mắt mình, ông nhớ là đã gặp người này ở đâu đó một đôi lần rồi. Ông cứ tự hỏi: “ Vị này là ai mà mình thấy quen quen nhỉ?”. Sau một hồi lục lọi lại trí óc, ông không thể nhớ ra được, nên ông bèn tiếp tục đọc.

Ngay dưới hình ảnh đó là dòng chữ lớn: Một vị Bác sĩ tài ba, thiện tâm. Đã đến chữa trị miễn phí cho tất cả các bệnh nhân trong thành phố.

Đặt tờ báo xuống, ông tiếp tục miên man suy nghĩ về người đàn ông có hình trên mặt báo…

Mãi rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, ông ngồi bật dậy lấy giấy khám bệnh lần đầu ra xem ngày tháng ghi trên đó và đối chiếu với ngày mà tờ báo phát hành. Thế rồi với vẻ chán nản. Ông đưa tờ báo cho con trai và nói:

– Đây là vị bác sĩ đã đến nhà mình cách đây hơn một tháng. Ông xin ba cho tá tùc qua đêm. Ông thở dài và nói tiếp.

– Phải chi ba biết mở lòng ra mà tiếp đón vị này. Thì giờ đây giường bệnh này đâu phải là chỗ nằm của ba!.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, hãy đặt mình trước câu hỏi mà Chúa Giê-su đã hỏi các môn đệ ngày xưa xem các ông bảo Ngài là ai?. Thánh Phê-rô đã thay mặt các môn đệ mà tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sông”. Ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi đó. Vậy chúng ta sẽ trả lời Ngài như thế nào? Đường hướng cuộc đời của chúng ta sẽ được xác định trong câu trả lời này. Và đó là niêm hạnh phúc cho tất cả chúng ta.

Giống như Thánh Phê-rô chúng ta cũng tuyên tín: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Đấng đã đến trong thế gian này để cứu chuộc nhân loại. Nhưng muốn nhận biết Chúa Kitô một cách sâu sắc, trước tiên chúng ta phải tự biết mình thật chính xác đã. Chúng ta tự nhận biết rằng mình chỉ là những tạo vật mọn hèn, yếu đuối và đầy dẫy những khiếm khuyết bất toàn. Hay nói một cách hình dung; chúng ta chỉ là những con bệnh mang trong mình đầy những vi trùng, vi rút. Do vậy chúng ta rất cần một vị lương y tài năng để chữa trị. Đó chính là Đức Kitô Con chúa trời hằng sống. Chỉ duy có Ngài mới chữa khỏi cho chúng ta những căn bệnh đó mà thôi. Trong sự xác tín tuyệt đối vào Ngài, chúng ta, những con bệnh sẽ tuân thủ mọi liệu pháp và thi hành những hướng dẫn mà vị lương y đề ra. Thuốc có đắng mới dã được bệnh tật. Chúng ta sẽ cố gắng “dùng thuốc dù có đắng” để nhờ đó mới có thể khử trừ đi hết mọi thói hư, nết xấu, để ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, hầu xứng đáng làm môn đệ của Chúa Kitô. Và  làm chứng nhân của Chúa trong thời đại hôm nay.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa xin ban thêm lòng tin cho chúng con, xin ban cho Đức Giáo hoàng Phanxico, cùng các Đấng trong phẩm trật Hội thánh được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, để các Ngài  khôn ngoan mà hướng dẫn Giáo Hội ngày càng thăng tiến hơn. Amen.

4. Sống lời Chúa:

Tim hiểu để nhận ra thánh  ý của Chúa và ra sức sống theo ý Ngài.

Đaminh Trần Văn Chính

***

 MỤC LỤC 

1. Tôi cũng là người Công Giáo 

Nếu như bây giờ thiên hạ hỏi chúng ta: Bạn có phải là người Công giáo hay không? Tôi nghĩ rằng một số người trong chúng ta sẽ trả lời như thế này: Tôi cũng là người Công giáo. Hai tiếng “cũng là” biểu lộ một cái gì e dè, coi vấn đề tín ngưỡng cũng bình thường như mọi vấn đề khác. Và Kitô giáo cũng chỉ là một tổ chức nhằm thúc đẩy con người sống tốt lành hơn, bởi vì Kitô giáo có những nghi lễ trang trọng, đánh động trái tim con người mà đôi lúc chúng ta cần đến. Họ coi niềm tin chỉ là một vấn đề riêng tư cá nhân chúng ta với lương tâm và với Thiên Chúa mà thôi.

Nếu như vây giờ thiên hạ hỏi chúng ta: Bạn nghĩ gì về Đức Kitô? Tôi tin chắc rằng một số người trong chúng ta mặc dù đã biết Người là Con Thiên Chúa, nhưng vẫn ngập ngừng không dám tuyên xưng, bởi vì một khi tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thì lời tuyên xưng này đòi buộc họ phải chấm dứt những ý tưởng và những hành vi mờ ám, đòi buộc họ phải lột xác, phải đổi đời. Và họ đã sợ hãi trước viễn ảnh một tương lai như thế.

Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn chỉ là một. Từ hơn 2000 năm qua Người vẫn không ngừng đặt lại câu hỏi cân não ấy, cho mỗi người chúng ta: Phần các con, các con bảo Thầy là ai? Hướng đi tương lai của cuộc đời chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào câu trả lời này.

Trải qua hơn 20 thế kỷ, Đức Kitô vẫn còn là một vấn đề thời sự nóng bỏng nhất. Người ta bàn bạc, người ta tranh luận về Người. Người thì yêu mến Người, kẻ thì ghét bỏ Người. Điều quan trọng là chính thái độ, là chính câu trả lời của mỗi người chúng ta. Dĩ nhiên không phải là một câu trả lời thuộc lòng nằm sẵn trong sách giáo lý: Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng là một câu trả lời được gạn lọc ra từ cuộc sống như thánh Phêrô ngày xưa: Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai, vì chỉ mình Thầy mới có những lời ban sự sống.

Khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thì một trật chúng ta cũng tuyên xưng: Người là ánh sáng thế gian, là trung tâm của vũ trụ, là chìa khoá giải đáp cho mọi vấn đề được đặt ra. Bình thường thì lúc đau yếu chúng ta mới tìm bác sĩ; khi kiện tụng, chúng ta mới mời luật sư, nhưng Chúa Giêsu thì khác, Người chính là mục đích chúng ta hằng theo đuổi, Người chính là niềm hy vọng chúng ta hằng mơ ước, Người chính là tất cả cho cuộc đời chúng ta. Bởi đó trong một vài phút ngắn ngủi này, chúng ta thử đặt lại vấn đề xem: Đức Kitô là ai và Người nắm giữ vai trò nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta? [Mục Lục]

2. Ý Chúa 

Trong bài Phúc Âm hôm nay, ta thấy Chúa Giêsu khen ngợi thánh Phêrô. Thực vậy, Chúa Giêsu hỏi các tông đồ: Các con bảo Thầy là ai. Thánh Phêrô thưa: Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Nghe vậy, Chúa Giêsu liền chính thức xác nhận: Tư tưởng con vừa nói ra, không phải của con, nhưng đúng là của Chúa Cha soi sáng cho con.

Với lời đó, Chúa Giêsu đã đánh giá cao quan điểm của Phêrô. Cũng vì thế Chúa Giêsu trao cho Phêrô một nhiệm vụ hết sức quan trọng đó là nhiệm vụ phải đội trên mình tất cả toà nhà Hội Thánh. Chúa phán: Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy.

Thánh Phêrô hiểu lời đó. Ngài hiểu là chính bản thân mình, với tâm tình, tư tưởng của mình cùng với cuộc đời mình, sẽ phải là một cái nền, để Chúa xây Hội Thánh lên trên. Đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đồng thời cũng là một vinh dự hết sức lớn lao. Vinh dự làm người đứng đầu Hội Thánh. Thánh Phêrô hiểu rõ mình được Chúa Giêsu tín nhiệm, nên ngài cũng tự nhiên nhìn thấy trước mắt một bổn phận được đặt ra cho mình, đó là phải bảo vệ Thầy mình. Bảo vệ Thầy mình có nghĩa là làm sao cho Thầy mình được an toàn, uy tín của Thầy mình được vẻ vang. Ít là thế, ít là phải thế. Chính vì vậy mà mấy ngày sau, khi nghe Chúa Giêsu nói, Chúa sẽ phải nạp mình chịu chết một cách đau đớn khổ nhục, thì Phêrô liền phản ứng ngay lập tức. Phêrô can ngăn: Xin Thầy đừng làm chuyện đó. Xin Chúa Cha đừng để chuyện đó xảy ra cho Thầy. Sở dĩ Phêrô can ngăn chính là để bảo vệ mạng sống và uy tín của Thầy. Ngài nói lên ý nghĩ của mình. Nhân danh của kẻ đã được chọn đứng đầu Hội Thánh. Phải bảo vệ Chúa. Tôi tưởng rằng, khi nghe lời thánh Phêrô nói, Chúa Giêsu sẽ lại khen như lần trước và Chúa sẽ nói: Tư tưởng của con là được Chúa Cha soi sáng cho con. Thế nhưng sự việc đã xảy ra trái ngược. Chúa Giêsu không những không khen, lại còn nặng lời mắng trách: Satan hãy lui xa Ta, vì tư tưởng vừa nói không phải là do Chúa Cha soi sáng cho con đâu. Rõ ràng, ở đây có mâu thuẫn giữa ý Phêrô và ý Chúa.

Sự mâu thuẫn này, lại xảy ra một lần nữa ở vườn Cây Dầu, tối thứ năm tuần thánh. Phêrô liền tuốt gươm chém đứt tai một người trong bọn họ. Phêrô biết việc mình làm là một đụng độ liều mạng, là một thái độ cứng rắn, mục đích chỉ là để bảo vệ Thầy mình. Phêrô đã làm việc đó với tư cách một người đã được Chúa chọn làm nền tảng Hội Thánh. Tôi tưởng rằng việc làm đó của Phêrô được Chúa khen và Chúa sẽ nói: Việc con vừa làm là do Chúa Cha soi sáng. Nhưng không, Chúa Giêsu không khen, trái lại Chúa còn trách Phêrô đã làm một việc ngăn cản thánh ý Chúa Cha.

Khi suy nghĩ mấy sự việc trên đây nơi thánh Phêrô, tôi thấy lo sợ. Tôi thấy thánh Phêrô là người được Chúa chọn đứng đầu Hội Thánh, được ở gần Chúa. Ngài có những ý nghĩ và việc làm tưởng là đẹp lòng Chúa, tưởng là cần thiết để bênh Chúa, bênh đạo, thế mà Chúa lại không chấp nhận. Ý Chúa khác xa ý ngài. Những trường hợp như thế, có thể đã và đang xảy ra nơi nhiều người chúng ta. Chúng ta cũng như thánh Phêrô, thực sự nhằm mục đích làm sáng danh Chúa, bênh đạo. Mục đích như thế là rất tốt. Mục đích đó chẳng có gì phải trách. Nhưng đều có thể bị Chúa trách, đó là cách ta chọn để đạt mục đích đã thiếu khôn ngoan siêu nhiên. Tôi nghĩ là chúng ta phải khôn ngoan dè dặt, tế nhị nhiều lắm. Phải khiêm tốn nhiều lắm mới có thể nhìn rõ ý Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho chúng ta được sự khiêm nhường nhưng đầy can đảm, sự dè dặt tế nhị đầy sáng suốt, để nhận ra đâu là ý Chúa muốn cho chúng ta phải thực hiện. [Mục Lục]

3. Nhận ra Đức Kitô 

Khi nhìn vào hiện tình của thế giới hôm nay, chúng ta không khỏi đau lòng mà nhận ra rằng: con số những người chưa nhận biết Đức Kitô dường như càng ngày càng gia tăng. Vì thế Giáo Hội cần phải cấp bách đổi mới lòng nhiệt thành và hoạt động truyền giáo của mình. Tuy nhiên, muốn làm chứng về Chúa, muốn rao giảng Ngài một cách hiệu quả, thì chúng ta cần phải nhìn lại chính mình: Đối với tôi, Đức Kitô là ai?

Câu hỏi nòng cốt này dẫn chúng ta vào việc kiểm điểm toàn diện niềm tin và cách sống của mình. Có thật chúng ta tin nhận Ngài là Đức Kitô, là Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu độ và vạch cho chúng ta con đường sống hay không? Nếu tin nhận như thế, thì cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội của chúng ta phải chuyển biến phù hợp và kịp thời chưa? Hay là chúng ta vẫn tin một đàng, sống một nẻo, làm như niềm tin và cuộc sống là hai thực thể tách rời nhau, không ăn nhập gì với nhau.

Đức Giám mục Josef Cordes trong buổi nói chuyện với 17.000 đại biểu của phong trào Canh Tân, đã nói: Trong viễn tượng năm 2000, sẽ có nhiều thách đố mới đặt ra cho Giáo Hội. Trong Giáo Hội nhiều triệu người công giáo vẫn chưa sống mối quan hệ cá vị với Đức Kitô. Nhiều triệu người khác vẫn không sống theo Đức Kitô và không vâng phục Ngài… Cho dù họ vẫn tự xưng mình là người công giáo và vẫn tham dự vào phụng vụ của Giáo Hội.

Có thể nói được rằng, đối với một số không nhỏ trong chúng ta thì Đức Kitô vẫn chỉ là một khái niệm mông lung và mờ nhạt. Vì thế, trả lời được cho câu hỏi: Đức Kitô là ai đối với tôi? Không phải chỉ là chuyện kiến thức, sách vở lặp lại những gì được nghe trong các lớp giáo lý hay trong các bài giảng, mà còn là câu chuyện của chính cuộc sống, của sự chọn lựa cá nhân cũng như của sự dấn thân.

Hơn bao gờ hết xã hội thời mở cửa, đón nhận những trào lưu tư tưởng mới, càng đòi hỏi mỗi người chúng ta phải chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng để trả lời cho câu hỏi ngàn đời nêu trên. Bằng việc đem hết khả năng của mình để đóng góp vào việc thăng tiến con người, lành mạnh hoá xã hội và làm cho quê hương thêm giàu mạnh, người công giáo Việt Nam trả lời thoả đáng cho câu hỏi: Đức Kitô là ai?

Niềm tin Kitô giáo mặc dầu bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô nhưng lại có một âm vang rộng lớn trên toàn bộ đời sống xã hội và văn hoá của những người có lòng tin. [Mục Lục]

4. Phần quan trọng của cơ thể – Lm Jos. Tạ Duy Tuyền 

Có một người mẹ trẻ thường hay đố đứa con gái rằng: “Phần nào trong cơ thể quan trọng nhất?”. Em trả lời rằng âm thanh là quan trọng nhất nên đôi tai là bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể. Thế nhưng người mẹ lắc đầu bảo rằng: “Có rất nhiều người điếc, họ không cần âm thanh”. Một thời gian sau, người mẹ lại hỏi và lúc này đứa bé đã lớn hơn một chút nên nó nhận xét: hình ảnh là quan trọng nhất trong cuộc sống nên đôi mắt là phần quan trọng nhất. Người mẹ âu yếm nói với con: “Nhiều người mù họ không cần hình ảnh. Đôi mắt vẫn chưa phải là cần thiết nhất. Con hãy tiếp tục suy nghĩ”.

Sự kiện được tiếp tục nhiều năm tháng trôi qua, cho tới hôm ông nội của đứa trẻ hấp hối qua đời. Người mẹ dẫn con lại chào ông nội lần cuối và nói rằng: “Con đã tìm ra câu trả lời chưa?”. Đứa con ngạc nhiên vì câu hỏi của mẹ trong lúc này, nó tưởng rằng đây chỉ là trò đùa giữa hai mẹ con, nhưng người mẹ trịnh trọng nói: “Phần quan trọng nhất trên cơ thể con người chính là đôi vai. Vì đó là nơi người thân có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một đôi vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai để con có thể ngả đầu vào. Hôm nay gia đình chúng ta đã mất đi đôi vai của người cha, người ông. Một con người mà cả gia đình đã nương tựa nay đã không còn”.

Vâng, phần quan trọng nhất của con người không phải là phần để cho mình mà là để cho tha nhân. Vì thế, một con người quan trọng trong xã hội là một con người có ích cho người khác. Một người được yêu mến và quý trọng không phải vì địa vị hay chức quyền mà là vì sự đóng góp của họ với cộng đồng nhân loại.

Hôm nay, sau lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô, Chúa đã đặt Phêrô làm đá tảng của Giáo hội. Chúa không bảo Phêrô trở thành một cục đá vô hồn mà là một viên đá sống động, một chỗ dựa cho các tông đồ và cho toàn thể giáo hội. Phêrô phải là một tảng đá có một đức tin vững chắc đến nỗi không có gì lay chuyển nổi mới có thể bảo vệ và gìn giữ Giáo hội. Chúa cũng biết con người Phêrô còn đầy bất toàn, yếu đuối, nhưng Chúa cũng nhận thấy Phêrô có một tấm lòng nhiệt thành theo Chúa. Ông mến Chúa. Ông luôn mong muốn hoàn thiện đời mình. Ông đã từng vấp ngã, nhưng ông mau làm lại cuộc đời. Chúa chọn ông không vì tài năng đức độ, nhưng vì lòng chân thành của ông. Chúa dùng ông, một con người đã từng vấp ngã để có thể nâng đỡ đức tin còn yếu kém nơi anh em. Chính Chúa đã từng nói với Phêrô: “Khi nào con trở về, con hãy củng cố đức tin anh em con”.

Hôm nay, Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy trở nên những viên đá sống động để xây dựng Giáo hội. Tuy nhiên, mỗi người một khả năng, mỗi người một hoàn cảnh, Chúa mời gọi chúng ta hãy biết tự xây dựng đời mình bằng những vật liệu mà chúng ta đang có để trở thành những viên đá hữu ích cho tha nhân. Đặc biệt là cho gia đình chúng ta đang sống. Có nhiều người nghĩ rằng: mình phải làm ông này bà nọ mới có thể cống hiến cho tha nhân. Đó là chuyện của tương lai, nhưng ngay hôm nay, chúng ta hãy biết vận dụng những khả năng, hoàn cảnh Chúa ban để giúp đời, để cứu đời, để xoa dịu nỗi đau cho những người chung quanh, để trở nên điểm tựa cho anh chị em chúng ta.

Nếu chúng ta là người chồng hay người vợ: hãy đưa vai gánh lấy cuộc đời nhau. Hãy là điểm tựa để nâng đỡ chia sẻ buồn vui và cùng dìu nhau qua những thăng trần của dòng đời.

Nếu chúng ta là người cha, người mẹ: hãy là điểm tựa cho con cái. Hãy sống vì gia đình, vì con cái mà quên đi những niềm vui riêng của mình. Hãy chu toàn bổn phận của mình để xứng đáng là núi thái sơn, là biển rộng bao la cho con cái hưởng nhờ sự ấm áp, sự chở che của tình cha nghĩa mẹ.

Nếu chúng ta là con cái trong gia đình: hãy gánh vác trách nhiệm với gia đình. Hãy quan tâm tới gia đình, đừng vì sự lười biếng, cẩu thả của mình mà trở thành gánh nặng cho gia đình.

Nếu chúng ta là thành viên trong cộng đoàn nhân loại: hãy chung vai góp sức xây dựng hoà bình. Hãy hỏi với lòng mình: “Tôi đã làm gì cho thế giới này được tốt đẹp hơn?”. Hãy biết dùng cuộc đời nhỏ bé của mình để trở nên những viên gạch xây dựng thế giới này mỗi ngày hạnh phúc và an khang hơn.

Trong cuộc sống không có việc gì là việc tầm thường đến nỗi không đáng cho chúng ta làm mà chỉ có những con người tầm thường khi thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội. Có thể công việc của chúng ta thật bé nhỏ, thật âm thầm nhưng nó lại thật cần thiết cho gia đình và xã hội. Tựa như viên đá góc tường nhỏ bé nhưng không thể thiếu khi muốn xây dựng ngôi nhà cao rộng hơn.

Tuy nhiên, muốn trở thành chỗ dựa cho tha nhân, chúng ta cần phải biết xây dựng đời mình trở nên những viên đá vững chắc, nghĩa là mỗi người cần biết rèn luyện đức hạnh đời mình trên nền móng Lời Chúa và phải được tôi luyện hằng ngày qua việc tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa. Đó chính là người khôn ngoan. Vì kẻ khôn ngoan là người biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa, cho dù có gặp thử thách, gian truân, tựa như nước lũ ngập tràn cũng không lay chuyển. Còn kẻ thiếu đức hạnh, thiếu nền tảng Lời Chúa, không chỉ làm hỏng đời mình mà còn gây tai hoạ cho biết bao người khác, vì “mù dắt mù cả hai sẽ rơi xuống lỗ”.

Xin Chúa giúp chúng ta biết uốn nắn đời mình trở thành những viên đá sống động và hữu ích cho gia đình và những người chung quanh. Amen. [Mục Lục]

5. Đá Tảng Phêrô – Quyền bính vững chắc 

(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Anh là Phêrô, là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18).

Một trong những điều mà Kinh thánh nói tới, thường dễ gây ra dị ứng, nhưng vẫn rất được quan tâm, đó là quyền bính. Quyền bính quả là một thách đố, nhưng thách đố như thế nào? Theo truyền thống Thánh kinh, quyền bính được phú trao như một ân huệ nhưng không. Tuy nhiên, đề cập tới những con người kém cỏi được trao ban quyền bính, thậm chí có quyền sinh sát hoặc có thể khuynh đảo xã hội, thì rất họa hiếm, trong xã hội ngày xưa cũng như ngày nay. Vì vậy, một cách mặc nhiên phải hiểu là, những ai được trao phó quyền bính, ngay cả những quyền bính được ban trao một cách chính đáng, thì chính họ cũng như chúng ta, cần phải lắng nghe để hiểu rõ sự thật về chính nhân thân nơi con người của mình. Trong cựu ước, các ngôn sứ thường được trao phó để đảm nhận công việc khó khăn này. Thiên Chúa khích lệ và cổ vũ để họ dám nói, dám nhắc bảo những con người nắm trong tay quyền lực nhưng phạm nhiều sai trái, để họ biết trở về với con đường giao ước và những thánh chỉ của Giavê.

Trong cách thức đó, Isaia đã nói với Shebna, “chủ cung điện”, tức tể tướng dưới triều đại của hoàng đế Sennacherib, vua nước Assyria. Chúng ta sẽ biết nhiều về thời kỳ này, cùng những nhân vật liên quan, khi đọc lại sách Isaia 36-39, và sách các vua quyển thứ nhất 18-20. Isaia quả quyết với Shebna là ông ta sẽ bị tước quyền hành, để trao cho Eliakim, người sẽ làm chủ lâu đài. Hiện nay, Shebna đang là tể tướng triều đình. Shebna sẽ bị truất phế, theo lời Isaia, vì ông ta đã xây một lăng mộ kiên cố cho chính ông ta và đã bội nghĩa với chủ. Chúa nói qua miệng Isaia: “Ta sẽ tống khứ ngươi khỏi chức vụ, và sẽ đuổi ngươi ra khỏi địa vị.”

Đoạn văn trên mang chở ý nghĩa sâu xa, vừa trong văn mạch cổ xưa, vừa tương thích với lối cắt nghĩa hiện nay. Eliakim đã được trao ban quyền bính, thay cho Shebna, “để trở thành cha của dân cư tại Giêrusalem và của nhà Giuđa. Ta sẽ đặt trên vai nó chìa khóa nhà Đavit, nó sẽ mở và không ai đóng được. Nó sẽ đóng lại và không ai có thể mở ra. Nó sẽ thắt đai lưng và ngồi trên ngai an toàn cho tới khi Eliakim bị hạ bệ và ngã đổ.”

Đoạn văn này vẫn để lại âm vang và ám chỉ về quyền bính để lãnh đạo trong Giáo hội, Ekklesia, như được nói tới trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Tại Cêsarê Philiphê, Đức Giêssu đã đặt tên cho Simon là Petros, nghĩa là Đá. Matthêu thuật lại, Đức Giêsu nói với Phêrô “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy, cửa hỏa ngục cũng không chống nổi. Ta sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời. Điều gì ở dưới đất con cầm buộc, trên trời cũng sẽ cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên trời sẽ tháo mở”. Nhiều học giả tranh luận về tính xác thực của bối cảnh toàn bộ câu truyện. Nhưng có một điều chắc chắn, tên của Simon được Đức Giêsu thay đổi và gọi là Petros, là chi tiết được cả 4 phúc âm thuật lại, không có gì phải bàn cãi.

Qua sự kiện này, Đức Giêsu muốn nói lên điều gì? Oscar Cullmann trong cuốn tự điển thần học tân ước đã viết: “ Vì Phêrô, đá tảng của Hội Thánh, đã được chính Đức Giêsu đặt định, nên Ngài trở thành “ chủ của ngôi nhà, là chìa khóa của Vương quốc Nước Trời ”(Is 22,22; Khải huyền 3,7). Ngài còn là người trung gian của mầu nhiệm Phục sinh, và có phận vụ tiếp nhận dân của Chúa vào trong Vương quốc Phục Sinh này. Chính Đức Giêsu đã ủy thác cho Phêrô năng quyền để mở cửa Vương Quốc của Thiên Chúa đang đến, hoặc là sẽ đóng lại”. Shebna và Eliakim được phó trao quyền bính để phục vụ ông chủ của ngôi nhà là Hezekiah. Cũng vậy, Phêrô cũng được trao phó quyền bính để cai quản ngôi nhà của Đấng Messia.

Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, quyền bính này không thuộc về người quản lý ngôi nhà. Nó hệ tại ở chính ngôi nhà đó, và sâu xa hơn, nó phát nguyên từ Thiên Chúa. Ngay sau khi Phêrô tuyên tín Đức Giêsu là Đấng Messia, ông đã bị Người khiển trách vì đã không quy thuận đường lối của Chúa. Đó là lý do tại sao ngay cả hôm nay, khi chúng ta chấp nhận vâng phục quyền bính đối với các vị lãnh đạo trong Giáo hội, thì chính các Ngài là những người được ủy thác, luôn được mời gọi phải hành xử quyền bính trong khiêm tốn để phục vụ, bởi lẽ quyền bính tối thượng trong Giáo hội khởi nguồn từ Thiên Chúa, và chính xác hơn, là chính Thiên Chúa. [Mục Lục]

6. Đi sau Chúa – Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn 

Đang khi dân chúng còn mù mờ về vai trò và con người của Đức Giêsu thì Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phêrô được khen là có phúc vì nhận được mạc khải từ trên cao. Thế nhưng chỉ một khoảnh khắc sau, chính Phêrô lại bị Thầy mình trách là “Satan” vì lòng dạ tăm tối, chỉ “hiểu biết những sự thuộc về loài người” và đang “làm cớ cho Thầy vấp phạm”.

Phêrô tuy nhận chân Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng trong cái nhìn của ông, Đấng Cứu Thế sẽ là người hùng mạnh, đánh đông dẹp bắc, chinh phục vua Chúa, thâu tóm quyền hành, và rồi đăng quang thống trị thế giới.

Đức Giêsu hiểu rõ quan niệm trần gian của các tông đồ về Đấng Cứu Thế, nên ngay sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Ngài cấm các ông nói cho người khác những gì họ mới biết. Ngài muốn giúp các ông thay đổi quan niệm về Đức Kitô. Đức Kitô đúng nghĩa sẽ là đấng phải đau khổ, bị từ khước, chịu giết chết trước khi đi đến toàn thắng. Sức mạnh của Đức Kitô không ở trong binh khí hay chiến mã như bao vua chúa trần gian, song là nơi thập giá khổ đau. Chiến lược của Đức Kitô là đi xuống chỗ tận cùng trong lũng sâu nước mắt của nhân loại để nâng tất cả lên trong vinh quang của Thiên Chúa.

Nhưng nào các tông đồ có hiểu được điều đó! Và đâu phải chỉ có các ông. Chính tôi lắm khi cũng không hiểu nỗi đấy chứ. Tôi cứ nghĩ Chúa là Đấng quyền năng đầy sức mạnh, phải cứu con người khỏi bao gian nan, khốn khổ, trái ý trên đường đời; phải ra tay làm nhiều phép lạ cho người ta tin; chứ đàng này Chúa lại im như bất lực, thậm chí còn để cho dân Chúa, Giáo hội Ngài chịu biết bao thách đố đau thương.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình kỳ quặc về Giêrusalem. Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi. Tôi muốn Ngài rút bớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú.

Nhưng Chúa Giêsu quát lên: ‘Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Ta”.

Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan”. Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô. Satan đối nghịch với Thiên Chúa. Satan làm đảo lộn trật tự thế giới. Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người. Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất.

Nhưng để ý sẽ thấy: trong lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta”. Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi. Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.

Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó. Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạy theo tiếng gọi của quỉ ma, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang thập giá: “Ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16:24).

Thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài. Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.

Như thế, vị Giáo hoàng tiên khởi, với biết bao yếu đuối sa ngã, cuối cùng đã lấy cái chết của mình để xác minh chân lý thập giá. Từ chỗ muốn dạy cho Thầy mình về sự khôn ngoan của thế gian đến việc khám phá và ôm ấp giá trị sâu xa sự điên rồ của Thiên Chúa. Từ chỗ phủ nhận và ngăn chận Thầy mình bước đi trên con đường khổ đau, đến việc chính mình anh dũng tiến vào. Nhưng nhờ đâu mà Phêrô có được thái độ và hành vi hào hùng đó? Phải chăng chính nhờ niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng ông đã tuyên xưng. Nếu không có xác tín, hẳn ông đã chẳng dám theo.

Niềm tin mãnh liệt vào Đức Giêsu thúc đẩy người ta vâng theo lời Ngài. Khi Chúa bảo “Hãy lui ra sau Ta”, Phêrô vâng lời lui ra chứ không giận dỗi bỏ đi. Khi bị mắng là “Satan”, Phêrô vẫn khiêm tốn nhìn nhận tầm nhìn nông cạn của mình chứ không tự ái phản đối.

Thử hỏi tôi có được niềm xác tín làm phát sinh thái độ khiêm tốn và nghe lời Chúa như thế không, hay tôi vẫn khăng khăng chối từ lối đường thập giá?

Một nhà tư tưởng quả quyết: “Luật của thập giá là luật phổ quát. Làm người, không ai thoát khỏi thập giá”. Như thế chối từ thập giá là chối từ làm người đúng nghĩa.

Nhưng phải vác thập giá theo Đức Giêsu-tức là sống theo những giá trị Tin Mừng như vị tha, thanh khiết, chân thật, từ tâm, phục vụ, quên mình…-tôi mới là con người trọn vẹn, một con người phản chiếu dung mạo Thiên Chúa. [Mục Lục]

7. Đức Kitô, Ngài Là Ai? 

(Suy niệm của Lm. Nguyễn Trung Tây )

Có lẽ danh từ Kitô đã trở nên quá quen thuộc, cho nên nhiều người tín hữu đã quên mất đi ý nghĩa của danh xưng này. Kitô, chữ Việt Nam hay kristós trong tiếng cổ Hy Lạp, hay mýh, mêsia, trong tiếng cổ Do Thái có nghĩa Đấng [được] Xức Dầu. Vua Saolê và vua Đavít, hai vị vua đầu tiên của dòng lịch sử ơn cứu độ cũng có thể được gọi là kitô và mêsia, bởi họ đã từng được Thiên Chúa xức dầu qua bàn tay của ngôn sứ Samuel (1Samuel 9,26-27; 10,1; 16,12-13). Cho nên, khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Kitô hay Đấng Mêsia, người tín hữu đang tuyên xưng tôi tin Đức Giêsu chính là Vua [được Xức Dầu]. Bàn về danh từ thần học Kitô, câu hỏi được đặt ra trong bài tiểu luận này, “Đức Kitô, Ngài là ai?”

Do Thái vào thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên nằm dưới ách thống trị của đế quốc La Mã. Sống trong tình trạng nô lệ, bị kìm kẹp bởi người ngoại bang, dân Do Thái cầu nguyện và chờ đợi Giavê Thiên Chúa sẽ can thiệp, gửi tới Đấng Thiên Sai, hay Đấng Kitô, hay Đấng Mêsia. Đấng Thiên Sai sẽ lãnh đạo dân chúng đánh đuổi người La Mã ra khỏi đất của sữa và mật ong – tương tự như thời Cựu Ước, Giavê Thiên Chúa đã xức dầu phong vương cho Vua Saolê và Vua Đavít, cả hai đã đánh đuổi người Philistine ra khỏi đất hứa. Sau đó cả hai đã thống nhất, xây dựng Do Thái, biến vùng Đất Hứa trở thành cường quốc trong vùng Trung Đông vào thế kỷ thứ 10 và thứ 9 trước Công Nguyên.

Vào một ngày kia, trong vùng đất dân ngoại, kế cận thành Cêsarê Phêlípphê, nằm phía đông bắc của Galilê, Đức Giêsu hỏi các môn đệ một câu hỏi bất ngờ,

– Người ta nói Thầy là ai?

Các môn đệ tranh nhau nhắc lại tên của những vị ngôn sứ trong thời Cựu Ước,

– Người ta nói Thầy là Êlia.

– Có người nói Thầy là tiên tri Giêrêmia,

– Có người nói Thầy là Gioan Tẩy Giả.

Sau khi lắng nghe các môn đệ tranh nhau tường thuật lại những điều người dân đương thời đồn đại về căn tính của mình, Đức Giêsu một lần nữa lại cất tiếng hỏi,

– Vậy [riêng các con], các con nghĩ Thầy là ai?

Phêrô khẳng khái trả lời,

– Thầy là Đức Kitô (Lc 9,20), Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,13-20).

Qua câu nói này, Phêrô tuyên xưng hai điều,

(1). Ông tin rằng Đức Giêsu chính là Đấng Xức Dầu bởi Thiên Chúa, và nhiệm vụ của Ngài là lãnh đạo dân Do Thái, đánh đuổi người La Mã, giải cứu dân chúng thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang;

(2). Điều này khá mới lạ, Phêrô tin rằng Đức Giêsu chính là Con của Thiên Chúa.

Không giống như các dân tộc lân bang thờ phượng đa thần, người Do Thái chỉ thờ phượng một Giavê Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, “Hỡi Israel, Giavê là Thiên Chúa của chúng ta, Thiên Chúa duy nhất” (Đệ Nhị Luật 6,4). Nhưng từ cửa miệng của Phêrô, một tư tưởng thần học mới đã hé nụ, đó là, Đức Giêsu Kitô chính là Con Thiên Chúa.

Phêrô là một trong những Kitô hữu đầu tiên, theo như thánh Matthêu, đã tuyên xưng mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là, Giavê Thiên Chúa có ba bản thể (essence): Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Linh. Tín điều này loài người không bao giờ hiểu được, nên được gọi là một Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Cho nên, sau lời tuyên xưng của Phêrô, Đức Giêsu đã cất tiếng khen ngợi người thủ lãnh của nhóm Mười Hai là ông đã được Thiên Chúa chúc lành, bởi chính Thiên Chúa đã mạc khải cho Phêrô biết mầu nhiệm của tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau đó, Đức Giêsu đổi tên Simon sang Phêrô, Kêphas, nghĩa là đá. Bắt đầu từ giây phút đó, Phêrô trở thành nền đá vững chắc trường tồn của Giáo Hội Kitô. Sau cùng, người ngư phủ Biển Hồ cũng được trao ban chìa khóa Nước Trời. Điều gì Phêrô cầm buộc, trên trời cũng sẽ cầm buộc. Điều gì Phêrô tháo cởi, trên trời cũng sẽ tháo cởi (Mt 16,19). [Thánh Phêrô được minh họa trong tay đang cầm hai chìa khóa. Một vài người thắc mắc là tại sao Phêrô lại cầm tới hai chiếc chìa khóa trong tay? Nguyên văn trong bản tiếng Koiné, thánh sử Mátthêu sử dụng chữ klêdas, có nghĩa là những chiếc chìa khóa. Như vậy, vào ngày hôm đó, Đức Kitô đã trao cho Phêrô không phải chỉ là một chiếc chìa khóa. Bao nhiêu chìa khóa? Rất tiếc, thánh Mátthêu không nhắc đến. Nhưng, có lẽ, dựa vào chi tiết của câu nói tiếp theo sau đó, “… dưới đất con cầm buộc điều gì, trên Trời cũng sẽ cầm buộc, dưới đất con tháo cởi điều gì, trên Trời cũng sẽ tháo cởi… (Mt 16,19), người họa sĩ vẽ hình Phêrô nghĩ rằng Đức Kitô đã trao cho vị Giáo Hoàng tiên khởi hai chiếc chìa khóa, một chiếc chìa khóa để cầm buộc, một chiếc chìa khóa để tháo cởi.]

Một vị tu sĩ kể lại, ngày kia trong khi đang dạo chơi trên những con đường tấp nập người của kinh thành Nữu Ước, ông gặp người bạn cố tri từ hồi bên Việt Nam. Sau một vài câu chuyện hàn huyên tâm sự, người bạn nhìn vị tu sĩ e dè hỏi,

– Ông vẫn tin vào Thượng Đế?

Vị tu sĩ đáp,

– Vâng, tôi vẫn tin vào Thiên Chúa.

Tới phiên vị tu sĩ, ông hỏi lại người bạn,

– Còn ông thì sao, ông tin vào ai?

Người bạn móc ví, lôi ra tờ giấy 20$ đô la xanh lè, cười đáp,

– Tôi, tôi tin vào tấm hình này…

Suy Niệm

Ngày xưa, Đức Giêsu đã hỏi các người thân của mình, “Các con nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi đó, ngày hôm nay, Chúa không hỏi các môn đệ của Ngài nữa, nhưng Ngài đang hỏi chúng ta,

– Con nghĩ Thầy là ai?

Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời,

– Hình như… Hình như Thầy không còn là nơi con ẩn náu! Hình như Thầy không còn phải là Đấng con kiếm tìm. Hình như Thầy không phải là Thiên Chúa của con nữa, nhưng là tiền, như người bạn của vị tu sĩ trong câu chuyện đã từng khẳng định. Ngày hôm nay, trong một cuộc sống ngập tràn những tiện nghi vật chất, Laptop mỏng dính, iPod nhẹ tênh, hình như con không còn cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện hữu của Thầy trong đời sống nữa. Trong một cuộc sống siêu hành tinh, siêu liên mạng, siêu điện tử, và siêu xa lộ, Thầy, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã được con hạ bệ.

Lời Nguyện

Lạy Chúa, một lần nữa, con lại xin lỗi Chúa bởi con đang lúng túng với chính con khi Chúa đang hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?” Xin ban lại cho con một quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con một niềm tin quyết liệt để con không còn phải lúng túng với niềm tin, với chính con trong ngày hôm nay, ngày mai và vào ngày cuối đời khi con đang đứng trước mặt Chúa. [Mục Lục]

8. Đêm dài nhất của Phêrô – Thiên Phúc 

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Nhân kỷ niệm 20 năm triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Gioan Pholo II, (1978-1998) người ta đã thống kê được những con số chính xác sau đây. Ngài đã thực hiện:

– 84 chuyến công du và hành hương ngoại quốc.

– 134 chuyến viếng thăm mục vụ trong nước Ý.

– 3,078 bài nói chuyện và bài giảng.

– 700 chuyến đi thăm nhà tù, dòng tu. Chủng viện, bệnh viện, nhà dưỡng lão, giáo xứ.

Người đã viết:

– 13 thông điệp

– 36 Tông thư

– 15 Thư cho các nhân vật và các nhóm đặc biệt

– 9 Tông thư tổng kết sau Thượng Hội đồng.

Ngài đã đọc diễn văn cho:

– 600 chuyến “Đi Viếng Mộ Thánh Phêrô” của các giám mục.

Ngài đã công bố:

– Giáo luật mới và sách Giáo Lý Công giáo, (Giáo luật cũ đã công bố cách đây 400 năm)

Ngài đã tôn phong:

– 798 chân phước.

– 280 thánh mới (trong đó có 117 thánh tử đạ Việt nam 19-6-1988)

– Chưa kể 233 vị Thánh Tử Đạo tại Tây Ban Nha.

– Tổng cộng 145 buổi lễ phong thánh.

Ngài đã chọn:

– 2650 Giám mục trong số 4200 giám mục trong Hội thánh.

– 159 Tân Hồng Y.

– Thiết lập quan hệ ngoại giao với 64 nước, phục hồi quan hệ ngoại giao với 6 nước khác, nâng tổng số các quốc gia có liên hệ với Tòa Thánh là 168 nước.

***

Đó là những con số biết nói trong 20 năm phục vụ Chúa và Giáo hội của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, vị Giáo hoàng thứ 264 kế vị thánh Phêrô tông đồ, giáo hoàng tiên khởi, đã được Chúa trao cho quyền tối thượng Tin Mừng hôm nay đã nhắc lại sự kiện quan trọng ấy.

Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ về thân thể của Người, lập tức Phêrô được Chúa cha mạc khải đã mạnh dạn thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Người liền khen ông là người có phsuc và trao cho ông quyền trên Giáo Hội: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (mt 16,18-19).

Không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Giêsu đã tuyển chọn và tân phong Phêrô làm thủ lãnh cuả Giáo Hội. Người đã đổi tên Simon của ông thành Phêrô, tiếng Aram là Kêpha nghĩa là Tảng Đá, tượng trưng cho sự vững chắc trường tồn mà Thánh Kinh chỉ dành cho một mình thiên chúa: “Chúa là tảng đá của tôi, là thành trì của tôi” (Tv 71,3). Người đã xây Hội Thánh của người trên tảng đá Phêrô và hứa bảo vệ Hội Thánh khỏi mọi tấn công của tử thần. Người còn trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời, tượng trưng cho quyền bính trên trời dưới đất. Với tối thượng quyền này, Phêrô sẽ cai quản, giáo huấn và thánh hóa Hội Thánh của Đức Kitô trong tinh thần phục vụ và yêu thương, sẵn sàng hiến mình cho đoàn chiên đã được trao phó.

Chắc không phải Đức Giêsu chọn Phêrô làm thủ lãnh giáo Hội vì Phêrô đã mắn tuyên xưng Đức Tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Vì chỉ ít phút sau đó, Đức Giêsu đã phải nặng lời với ông: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy” (Mt 16,23).

Chắc không phải Đức Giêsu chọn Phêrô làm đầu Hội Thánh vì Phêrô quả quyết: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26,33). Vì ngày đêm hôm ấy, không ai bắt ông phải chết, không ai ra tay tra khảo, chỉ có mấy người đầy tớ thượng tế gặng hỏi, ông đã thốt lên những lời độc địa và thề rằng: “Tôi không biết người ấy” (Mt 26,74).

Thế là đã rõ, Đức Giêsu đã không chọn một vị thánh để dẫn dắt Hội Thánh của Người, mà đã chọn một dân chài, ít học, nóng nảy, bộc trực, sa ngã, và … phản bội. Vượt lên những khuyết điểm, sai lầm và yếu đuối của Phêrô, hẳn Đức Giêsu đã nhìn thấy suốt tâm can của Phêrô một tâm tình khiêm tốn thẳm sâu và một long sám hối chân thành.

Phêrô, một con người khiêm tốn:

Sau khi Đức Giêsu giảng bên bờ hồ Ghen-nê-xa-nét, Người bảo Simon: “chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Simon đáp: “Thưa thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5, 4-6). Kinh nghiệm chài lưới ông đã quá rõ, đánh cá ban ngày chẳng hy vọng gì, nhưng ông không cãi, ông khiêm tốn vâng lời. Khi kéo lên một mẻ cá quá lớn, lớn đến nỗi muốn rách lưới, ông không hả hê vui mừng, cũng chẳng kinh ngạc trước phép lạ cả thể, mà nghĩ ngay đến thân phận bất xứng của mình. Ông chạy đến sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5,8). Trước sự khiêm tốn thẳm sâu của Simon, Đức Giêsu không do dự, quyết định tuyển chọn ông: “Đừng sự, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta” (Lc 5,10).

Phêrô, một con người sám hối:

Sau khi nghe Đức Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn vầ cái chết của người, thì Phêrô liền nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt 17,22). Nhưng Đức Giêsu đã mắng ông thậm tệ, còn gọi ông là Satan. Thực tình ông chưa hiểu sứ mạng thiên sai của Người, ông thưởng làm thế là thương Thầy, nhưng thật ra ra là ông đang nối giáo cho giặc. Ông chẳng hiểu gì cả, nhưng ông biết mình sai, ông im lặng, không cãi lại, âm thầm ăn năn.

Ông tưởng mình sẽ không bao giờ sai phạm nữa, chẳng bao giờ sa ngã nữa. Suốt ba năm theo Thầy, chắc ông sẽ mạnh mẽ hơn trong Đức Tin, sẽ trung kiên với Thầy cho đến cùng. Thế nên, khi nghe Đức Giêsu tâm sự trong bữa tiệc ly: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,21), thì Phêrô không thể nào tin được. Người còn nói đích danh Phêrô sẽ chối Thầy ba lần. Ông càng bực tức và quả quyết hơn: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối thầy” (Mt 26,35). Nhưng chuyện gì đã xảy ra đêm hôm ấy, chúng ta đều biết rõ. Thánh sử Luca ghi lại: “Ông Phêrô trả lời cho tên đầy tớ vị thượng tế: “Này anh, tôi không biết anh nói gì?” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn Phêrô..” (Lc 22,60). Hai ánh mắt gặp nhau. Chúa biết hết rồi. Phêrô xấu hổ qua đỗi, nước mắt tuôn trào, ông lầm lũi ra khỏi pháp đình, tan nát cõi lòng, bước chân nặng trĩu.

Đêm hôm đó, một đêm dài nhất trong đời, ông không thể nào ngủ được, ông gặm nhấm tội lỗi của mình, tại sao mình có thể phản bội Thầy được. Hóa ra mình cỉ là cát bụi chứ đâu là Tảng Đá, là tội nhân chứ đâu phải là thánh nhân. Ông khóc òa lên, khóc mãi, khóc mãi, cho đến khi ông nhớ lại lời của Thầy: “Thầy không bảo là (phải tha) đến 7 lần mà là 70 lần 7” (Mt 18,21). Và ông biết mình đã được thầy tha thứ, ông biết mình đã được than gay từ cái nhìn của Thầy trên dinh tượng tế.

Ông quên đi quá khứ tội lỗi để hướng đến tương lai của ơn thánh: Cảm nghiệm sâu xa của lòng Chúa khoan dung tha thứ. Sau này Phêrô đã khuyên bảo các tín hữu của mình: “Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để người xóa bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv 3,19).

***

Lạy Chúa, Chúa đã tuyển chọn thánh Phêrô cả khi ngài thiếu sót, yếu đuối và sa ngã. Xin cho chúng con biết học nơi Thánh Phêrô lòng khiêm tốn thẳm sâu và lòng sám hối chân thành, để chúng con cảm nghiệm được ơn tha thứ của Chúa và để chúng con trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen. [Mục Lục]

9. Đá Tảng thật, Đá Tảng dỏm – Lm Anmai 

Lẽ thường tình, khi mà khoa học – kỹ thuật – công nghệ phát triển thì phẩm chất cũng tăng theo nhưng hình như ngược lại. Nói không biết có quá đáng hay không nhưng hầu hết các kết qủa của công trình thời hiện đại này đều kém chất lượng. Thử nghĩ xem từ giáo dục, y tế, xây dựng… cho đến tình người với người trong cuộc sống hiện tại nó cứ làm sao đó!

Với giáo dục thì không thể nào biết được là Việt Nam có bao nhiêu cái bằng giả và bao nhiêu cái bằng thật. Và trong cái đống bằng thật có đó nhưng chắc có mấy cái có chất lượng, mấy cái đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo thống kê thì chỉ có 30% sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của các công ty, các đơn vị sử dụng lao động. Vậy thì 70% những bác sĩ, kỹ sư và thậm chí là tiến sĩ, thạc sĩ sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, sau khi cầm bằng trong tay? Phụ huynh ngày nay không còn đơn giản là chạy cơm chạy áo nữa mà còn phải chạy trường!

Y tế thì có ai vào bệnh viện mới hay! Chẳng hiểu sao những ai vào bệnh viện về đều chỉ xin một điều là “xin Chúa cho tôi ra đi nhanh chóng chứ đừng để tôi phải vào bệnh viện”. Hỏi lý do thì chẳng ai chịu nói cả. Chỉ có ai vào viện mới hiểu được lý do mà thôi.

Tình người với người ngày hôm nay quả là một thực trạng thật đáng buồn thật bi đát. Người ta không còn yêu nhau, đến với nhau bằng mối tình thật nữa nhưng mà bằng tình dỏm. Nó cũng giống như con chuồn chuồn vậy: khi vui thì đậu – khi buồn thì bay. Tình yêu đôi lứa, tình cảm trong gia đình cũng thế, nó nhạt nhạt, nhẽo nhẽo làm sao đó! Có khi nhìn bề ngoài rất đẹp nhưng mà bên trong đang đứng trước bờ vực của ly tan mà người ngoài không tài nào thấy được.

Ngoài đời là thế! Gia đình là thế! Còn trong nhà tu thì sao? Thật ra nhà tu ngày nay do ảnh hưởng của tục hoá tràn ngập vào bốn bức tường của tu viện để rồi tình cảm của những người đi tu, của những người dâng hiến không còn tinh tuyền, không còn đẹp như xưa nữa. Chuyện này là chuyện hết sức tế nhị và nhạy cảm, không nên nói ra. Chỉ có mỗi người tự vấn trước mặt Chúa và trước mặt lương tâm thì mới thấy mà thôi. Và cười ra nước mắt khi nói đến chuyện Chúa và lương tâm. Hình như “gần chùa gọi bụt bằng anh” hay sao đó nên ở gần Chúa nên người ta quá xem thường Chúa và coi Chúa ngang hàng ngang lứa. Nếu có Chúa thật thì tu sĩ, linh mục đâu có cư xử như thế với anh chị em cùng đi tu với mình, cùng dâng hiến với mình như thế!

Một lãnh vực hết sức gần gũi với con người đó là chuyện xây dựng. Nhan nhản các công trình bị rút ruột, bị ăn sắt, ăn thép nên chất lượng chẳng ra làm sao cả. Có những phóng sự trình chiếu trên tivi thật nực cười: cọc bê tông nhưng ở trong thay vì cốt thép người ta làm bằng tre!

Một lần đang ngồi học trong nhà dòng, cả thầy và cả trò giật bắn người khi nghe một tiếng nổ cái “đùng”. Tưởng cái gì, hoá ra là gạch dưới nền chẳng hiểu sao bỗng nhiên bị nổ tung lên hết. Mọi người đến xem, hoá ra là ở dưới nền người ta trộn hồ toàn là cát chẳng thấy xi măng đâu cả. Ngước mắt nhìn lên toà nhà tu viện được xây trước ngày “miền Nam hoàn toàn giải phóng” sao mà nó vững chải thế, sao mà nó kiên cố thế! Lẽ ra với máy móc hiện đại, kỹ thuật tiên tiến thì phải tốt hơn ngày xưa chưa có nhiều máy móc như bây giờ chứ!

Thì ra là ngày hôm nay, người ta đánh mất cái nền tảng, cái đá tảng của căn nhà, của tâm hồn và của cuộc đời.

Trang tin mừng khá ngắn mà Thánh Matthêu vừa thuật lại cho chúng ta thấy rõ sự chọn lựa, sự cắt đặt của Chúa cho nền tảng của Giáo Hội.

Sở dĩ Giáo hội luôn bền vững và tồn tại dù trải qua không biết bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu bão tố là vì Thiên Chúa đã biết và đã chọn đúng nền móng cho toà nhà Giáo Hội. Thiên Chúa là một chủ đầu tư thật tuyệt vời, Chúa không phải như những nhà đầu tư trần gian đã không biết “chọn mặt gửi vàng”. Chúa nhìn người và Chúa biết người, dẫu rằng một Phêrô thật mong manh và mỏng dòn, nóng tính và vồn vập nhưng Phêrô đã sống trọn vẹn niềm tin của mình vào Chúa và vẹn tròn niềm tin của Chúa đặt nơi Ngài.

Vì sao như thế? Vì chính Thánh Phaolô trong thư của Ngài gửi tín hữu Rôma một lần nữa minh xác cho chúng ta rằng: “Sự giàu có, sự khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được? Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?” (Rm 11, 33-35). Chính vì Thiên Chúa khôn ngoan và thông suốt, Ngài thấy rõ lòng của con người nên Ngài quyết định. Ngài đã ra nghị quyết nào là nghị quyết ấy thật chính xác, thật khôn ngoan chứ không phải ra rồi lại đổi. Ngài giàu lòng thương xót, chậm bất bình và giàu ân sủng. Thiên Chúa đã tin Phêrô và giao con thuyền Giáo Hội cho Phêrô. Thiên Chúa khôn và Phêrô cũng khôn. Nếu như Phêrô tự cao tự đại, tự mãn thì Phêrô không kê cuộc đời của mình vào Chúa nhưng đàng này Phêrô đã tín thác vào Chúa và để cho Chúa quan phòng cuộc đời của mình. Thật sự “đá tảng” Phêrô đã quá tuyệt vời, đã quá khôn ngoan để dựa cuộc đời mình vào cuộc đời của Chúa. “Đá tảng” Phêrô đã quá khôn ngoan để dựa vào “viên đá thợ xây loại bỏ đã trở thành đá tảng góc tường” là chính Chúa Giêsu.

Chính “viên đá thợ xây loại bỏ” mà Phêrô đặt vào là viên đá thật làm cho nền tảng Giáo hội được bình an, được vững chắc!

Nhìn lại những thực tại của xã hội, của con người chúng ta thấy đau đau làm sao đó trong cõi lòng, đau nhưng mà không nói được và có nói ra thì cũng bị người đời xỉ vả dèm pha thôi. Lý do thực tế nhất đã đưa đẩy xã hội, đưa đẩy con người, đưa đẩy người kitô hữu, đưa đẩy tu sĩ linh mục sống mất phẩm, mất chất phải chăng là đã không biết đặt cuộc đòi của mình vào tảng đá thật là chính Chúa.

Thay vì đặt vào đá tảng thật là Chúa thì con người lại đặt cuộc đời của mình vào những tảng đá như quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc … Với con người, cứ tưởng chừng đá tảng tiền bạc, địa vị, danh vọng là đá tảng thật nhưng thật ra tất cả là đá dỏm. Tin hay không tin còn ở quan niệm của mỗi người. Có ai mang được quyền lực, tiền bạc, địa vị mà bao nhiêu năm tháng đổ mồ hôi, sôi con mắt và thậm chí phải thức trắng đêm để mưu mô tính toán chiếm đoạt được của người khác xuống mộ phần chăng?

Một câu chuyện có thật được một Cha trong Dòng kể lại sau khi đi Tây về kể lại là có an viện nọ ở bên Pháp. Chẳng hiểu sao mà du khách đến đan viện thấy cảnh trong tu viện buồn tẻ và u uất đến thế! Thấy cảnh tượng như thế ai cũng buồn nản. Đan Viện Trưởng bắt đầu cải tổ lại đời sống trong đan viện bằng cách lấy lại đời sống thiêng liêng, đời sống đạo đức, cầu nguyện thì tình hình bắt đầu thay đổi. Từ ngày ấy các vị ẩn sĩ thay đổi đời sống, họ yêu thương nhau hơn và chính tình yêu của họ đã lan toả đến tất cả những người đến thăm đan viện.

Lý do chính để đánh mất đi cái bầu khí yêu thương hiệp nhất trong đan viện đó chính là vì các đan sĩ đã không còn bám vào Chúa nữa. Khi và chỉ khi người ta đánh mất Chúa, đánh mất đá tảng thật của mình thì mới đâm ra đố kỵ, hơn thua, tranh giành, chà đạp, nói hành nói xấu nhau. Nếu có Chúa thật ở trong mỗi đan sĩ của đan viện thì chắc có lẽ không xảy ra tình trạng bi đát trước kia.

Ngày nay đan viện ấy khá nổi tiếng với nhiều du khách khi đặt chân đến thăm viếng đan viện. Đan viện ấy không phải nổi tiếng vì sầm uất, vì hoành tráng nhưng đan viện ấy nổi tiếng vì đã có một đời sống mật thiết gắn kết với Chúa.

Là giáo dân, tu sĩ hay linh mục cũng mang trong mình cái phận người mỏng dòn, mong manh và yếu đuối như Phêrô nhưng chúng ta có biết chỗi dậy sau những lần vấp ngã, sau những lần chối Chúa như Phêrô hay không? Chúng ta có dám thỏ thẻ với Chúa như Phêrô đã từng thỏ thẻ với Thầy: “Thầy ơi, tin con đi con yêu mến Thầy, tình con tuy phôi pha nhưng chân thành thiết tha!”.

Với Chúa, với anh chị em đồng loại cũng vậy, nếu như chúng ta sống với nhau bằng một lòng tin chân thành, một lòng tin thiết tha thì dù tình chúng ta có phôi pha đi chăng nữa nhưng cuối cùng Chúa cũng như anh chị em đồng loại sẽ tin và yêu chúng ta như Chúa vẫn tin và yêu Phêrô như vậy. Chỉ ngại chăng là chúng ta cứ theo cái thói tục của thế gian là sống không chân thành với anh chị em đồng loại đã đành mà còn không chân thành với Chúa nữa mới chết!

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt cuộc đời chúng ta vào đá thật hay đá dỏm.

Nguyện xin Thánh Phêrô giúp chúng ta biết bắt chước như Ngài là đặt cuộc đời chúng ta vào đá tảng là Thầy Chí Thánh như thánh nhân đã từng đặt.

Nguyện xin Chúa Giêsu là viên đá góc, viên đá tảng giúp mỗi người chúng ta biết đặt cuộc đời chúng ta vào đá tảng thật là Chúa. [Mục Lục]

10. Ngài là Đức Kitô! 

(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Đoạn 16,13-20 nằm ở trung tâm của tin mừng Matthêô. Đây là đoạn kết thúc và cũng là cao điểm của phần đầu của tin mừng bàn về sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilêa, như là Đấng Thiên Sai được hứa ban (4,17-16,20). Chủ đề chính của đoạn nầy là nói đến căn tính của Chúa Giêsu, và việc Chúa Giêsu trao quyền thủ lãnh cvà điều hành cho Phêrô. Đoạn nầy có thể chia thành ba phần: – Bối cảnh (c. 13a); – Ý kiến về căn tính của Chúa Giêsu (cc. 13b-17); Trao quyền cho Phêrô (cc. 18-19); Kết luận (c. 20).

Bối cảnh (c. 13a)

Bối cảnh của trình thuật nầy là một chỉ dẫn về không gian: Chúa Giêsu “Đến vùng Caisaria của Philip” (c. 13a). “Caesarea của Philip là một nơi rất đẹp dưới chân núi Hermon, trên nguồn nước chính của sông Giorđan. Thần Baal được sùng bái ở đây trong thời Cựu ước; sau đó người Hy lạp thay thế thần Pan vào, và vùng nầy mang tên Paneas, đền thờ của thần gọi là Panion… Vua Hêrôđê Cả xây một đền thờ cẩm thạch cho Augustus Caesar, người đã hiến cho ông vùng nầy; và Philip, vị tổng trấn sau đó đặt lại tên cho thành là Caesarea để tôn kính hoàng đế. Tên “Philippi” nghĩa là “của Philip” được thêm vào để phân biệt vùng nầy với bờ biển *Caesarea (x. Cv 8,40)…” (D.F.P., Caesarea Philippi, in Wood, D. R. W. ; Marshall, I. Howard: New Bible Dictionary. 3rd ed. Leicester, England, 1996, p. 153). Chính giữa khung cảnh vùng “linh thánh” nầy, dâng kính cho các thần từ thời xa xưa đến giờ, Chúa Giêsu đặt cho các môn đệ câu hỏi liên quan đến bản thân Ngài: “Người ta nói Con Người là ai?” Và Phêrô trả lời “Thầy là Đấng Kitô” (Mt 16,13-20; Mc 8,27-30; x. Lc 9,18-22).

Ý kiến về căn tính của Chúa Giêsu (cc. 13b-17)

Phần nầy thuộc dạng tường thuật, kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ; vì thế các động từ ở ngôi thứ ba. Đoạn nầy mở đầu với câu hỏi “Người ta nói Con Người là ai?” (c. 13b) và đóng lại bằng câu trả lời của Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). Như thế, “Con Người” được đồng hóa với “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng Sống”. Câu hỏi trên Chúa Giêsu đặt ra hai lần: một là để biết ý kiến của “người ta” (c. 13b), hai là ý kiến của các môn đệ (c. 15).

Về ý kiến của người ta, có nhiều phát biểu khác nhau. Điểm chung giữa các phát biểu nầy là họ xem Chúa Giêsu như là một ngôn sứ. Ý kiến về Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã thấy trong lời của Hêrôđê: “Ấy Yoan Tẩy Giả đó, ông ấy đã sống lại khỏi cõi chết, và vì thế những phép lạ mới phát hiện nơi Ngài” (14,2). Người khác cho rằng Chúa Giêsu là Êlia, vì Êlia “đến để tu chỉnh mọi sự” (17,11), và họ thấy điều nầy nơi lời rao giảng và việc làm của Chúa Giêsu. Vào gần cuối tin mừng Matthêô sẽ nói là đông đảo dân chúng cho rằng Ngài là một ngôn sứ xuất thân từ Nazaréth niền Galilêa (21,11.46).

Có một ý kiến khác không phải từ giữa dân chúng, mà cũng không từ giữa nhóm môn đệ của Chúa Giêsu, đó là của Gioan Tẩy Giả. Ông đã đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: “Có phải Ngài là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi người khác? (11,3). Và Gioan Tẩy Giả chỉ nhận được câu trả lời là hãy nghe những điều Ngài rao giảng và xem những hành động Ngài làm thì sẽ biết Ngài là ai (x. 11,4).

Với các môn đệ trước đây họ cũng thắc mắc Chúa Giêsu là ai (8,27). Hôm nay họ có câu trả lời từ miệng Simon Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). So với các bản văn song song, lời tuyên xưng trong Matthêô dài hơn, thêm câu “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mc 8,29; Lc 9,20; Ga 6,69). Đối với Matthêô, việc thêm nầy giúp xác định rõ hơn “Đức Kitô”, ho Christus. Ngay đầu tin mừng, “Đức Giêsu Kitô” được viết là “con Đavít, con Abraham” (1,1), nghĩa là Ngài được biết đến là thuộc dòng họ vua Đavít (1,17) và dân Israel thuộc mọi tầng lớp khác nhau đều xem Ngài là “Con vua Đavít” (9,27; 12,23; 15,22; 20,30tt; 21,9.15; 22,42). Tuy nhiên, không chỉ như thế. Ngài còn là “Con của Thiên Chúa hằng sống”. Chú ý là từ Christòs và hyios đều có mạo từ xác định, nghĩa là xác định rằng “Đấng Kitô nầy chính là Con của Thiên Chúa hằng sống”. Cách nói nầy chỉ được lập lại một lần nữa trong lời thẩm vấn của vị thượng tế (26,63; x. 27,40.43), và trong câu trả lời, chính Chúa Giêsu đã làm chứng về mình (26,64). Động tính từ zòvtos, “hằng sống” bổ nghĩa thêm cho “Thiên Chúa”. Ngài là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp… Thiên Chúa của kẻ sống” (22,32; 26,63), cũng có nghĩa là Thiên Chúa của dân Israel. Vậy Đức Giêsu Kitô, chính là Con của Thiên Chúa của tổ phụ dân Israel và Ngài được Thiên Chúa nầy sai đến, chứ Ngài không phải là một ngôn sứ (x. 14,33).

Lời tuyên xưng nầy không bởi “nghe và thấy” thuộc về kinh nghiệm con người, mà bởi mạc khải của Cha trên trời, như lời xác định của Chúa Giêsu (c. 17). Cụm từ “xác và máu” không thấy nơi khác trong các tin mừng. “Xác và máu” là thuộc về thân xác con nguời, và cũng là những gì của con người (19,5). Nó chỉ sự yếu đuối và hạn chế của con người so với tinh thần và Thiên Chúa (26,41; x. Ga 6,65; 1 Co 15,50). Bởi đó, Simon Phêrô không thể bởi kinh nghiệm và sự hiểu biết thuộc về con người mà có thể tuyên xưng Ngài là “Đấng Kitô. “Phúc cho”, makarios, chỉ phúc lành của Thiên Chúa ban cho ông. Cái phúc của Phêrô là được Chúa Cha mạc khải cho biết Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa hằng sống. Vậy lời tuyên xưng của Phêrô là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra “Con Người là ai?”.

Trao quyền cho Phêrô (cc. 18-19)

Phần nầy chỉ có trong Matthêô. Nó gồm các câu nói trực tiếp, động từ ở ngôi thứ nhất và thứ hai, và các đại danh cũng thế. Hai câu 18 và 19 có cấu trúc tương tự là một lời trực tiếp Chúa Giêsu nói với Phêrô + hai khẳng định tương phản nhau khai triển từ khẳng định trước: – Câu 18: “Tôi nói với anh: anh là Đá – “trên đá nầy Thầy sẽ xây dựng hội thánh của Thầy” – “cửa hoả ngục không thể phá được”; – Câu 19: “Tôi trao cho anh: chìa khóa Nước Trời” – “Sự gì anh cầm buộc…” – “Sự gì anh tháo gỡ…”.

“Anh là Đá” (c. 18) rất khớp với câu khẳng định của Chúa Giêsu “Thầy là Đấng Kitô”. Cả hai đều dùng “Thầy là /anh là…”. Phêrô đã cho biết Chúa Giêsu là ai, và Chúa Giêsu cũng cho biết Simon là Petros, nghĩa là Đá. Tên Petros không phải lần đầu tiên được nhắc đến ở đây, mà đã thấy ở các đoạn trước (4,18; 8,14; 10,2; 14,28). Tuy nhiên những bản văn ấy không cho biết khi nào và tại sao có tên nầy được dùng, và nó mang ý nghĩa gì. Tên nầy đã được dùng mà không được giải thích. Chỉ trong đoạn 16,18-19 nầy, chúng ta mới thấy nguồn gốc và ý nghĩa trọn vẹn của nó. Đặt tên mới là trao ban một ơn gọi. Abram được Thiên Chúa gọi là Abraham, vì Ngài sẽ đặt ông làm cha nhiều dân tộc, các dân và con cháu ông sẽ được Thiên Chúa chúc phúc bởi ông, và Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa của họ (Kn 17,1-8). Cũng thế Simon được gọi là Phêrô vì Chúa Giêsu sẽ đặt ông làm thủ lãnh trên Hội Thánh của Ngài sẽ thành lập, và Ngài sẽ trao quyền hành nắm giữ và tháo gỡ cho ông.

“Trên đá nầy Thầy sẽ xây hội thánh của thầy”. Trong 7,24 Matthêô dùng hình ảnh “nhà xây trên đá” để diễn tả nền tảng vững chắc của những người nghe lời Chúa và đem ra thực hành trước những thử thách. Phêrô đã được Chúa Giêsu khen ngợi về lời tuyên xưng, và được Ngài đặt tên là Đá, và làm nền móng cho hội thánh Ngài. Vì thế, “xây trên đá nầy” nghĩa là xây trên lời tuyên xưng đức tin nền tảng của Phêrô “Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (x. 1P 2,5). Chỉ trên nền móng “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” nầy thì cửa hỏa ngục mới không thể phá hủy được; ngược lại chúng còn bị tiêu diệt (x. 8,16. 29.33).

Hành động tiếp theo Chúa Giêsu làm cho Phêrô sau lời tuyên xưng của ông là “Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (c. 19). Sách Khải huyền cho biết chỉ mình Chúa Giêsu Kitô có chìa khóa nầy, nói là khi Ngài đã mở thì không ai có thể đóng lại, và khi Ngài đóng lại thì không ai có thể mở (Kh 3,7). Khi trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời” là Chúa Giêsu trao cho ông quyền nắm giữ chìa khóa và hành động thay mặt Ngài.

“Chìa khóa Nước Trời” là chìa khóa dùng mở ra để đi vào trong Nước Trời. Xét trong bối cảnh của bản văn, sau khi lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu đã làm cho Phêrô hai điều: một là đặt ông làm Đá như là nền móng để xây dựng hội thánh Ngài trên đó; hai là trao cho ông “chìa khóa Nước Trời”. Cả hai điều nầy chỉ có thể hiểu được trong tương quan với Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Bởi đó “chìa khóa Nước Trời” là chìa khóa để hiểu và tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Thật vậy, Chúa Giêsu chính là “Nước Trời” đến trong thế gian (3,2; 4,17). Không phải ai cũng hiểu Ngài và nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Điều nầy đã thấy trong dư luận của dân Israel (cc. 13b-17; 11,16-19; 12,24; 13,54-56). Ngài chính là “các mầu nhiệm Nước Trời” mà chỉ các môn đệ được ban ơn để hiểu (x. 13,11). Phêrô được phúc bởi Chúa Cha mạc khải cho về căn tính của Chúa Giêsu; các môn đệ cũng có phúc vì “mắt được thấy và tai được nghe” (13,16). Bởi đó, “chìa khóa Nước Trời” mà Phêrô nhận lãnh từ Chúa Giêsu chính là những mầu nhiệm liên quan đến bản thân Ngài, và quyền cầm buộc và tháo cởi là quyền tối cao về giảng dạy liên quan đến “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Quyền của Phêrô là quyền giảng dạy các mầu nhiệm Nước Trời, và quyền tuyên bố giáo thuyết nào là đúng hoặc sai (x. 23,13).

Kết luận (c. 20)

Vậy Chúa Giêsu được tuyên xưng là Đức Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai đến. Từ ho Kristos đóng khung lại câu chuyện (cc.16 và 20). Tuy nhiên Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ giữ thinh lặng về căn tính thiên sai của mình (8,4). Lý do việc giữ kín nầy là vì “Đức Kitô” nầy không phải là một vị thiên sai như dân chúng nghĩ. Phêrô sẽ để lộ ý nghĩ mình về một vị thiên sai trần thế trong trình thuật tiếp theo sau (16,22).

Lời tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là cốt lõi của nìềm tin Kitô giáo. Lời rao giảng và hành động của Ngài là gì đối với chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta tin Ngài là ai. Nếu tin Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, thì việc lắng nghe và thực hành lời Ngài, cũng như sống theo cách hành động của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ. [Mục Lục]

11. Thầy là ai? 

(Tổng hợp từ R. Veritas)

– Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. (Mt. 16,16).

Bạn thân mến! Trên đây là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô đối với Chúa Giêsu. Và đây cũng là lời tuyên xưng hùng hồn nhất, sâu sắc nhất và trang trọng nhất.

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay tường thuật rằng: Thầy trò Đức Giêsu đi bên nhau, nói chuyện tâm tình bên nhau, Ngài tế nhị dẫn dắt và nhắc nhở các môn đệ bằng những câu hỏi để gây ý thức nơi các ông. Trước hết Ngài nói: “Người ta nghĩ Thầy là ai?” (Mt 16,13). Và dần dần Ngài dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15)

Đức Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Ngài đã không làm thế. Ngài muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Ngài, Ngài muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Ngài.

Là môn đệ Đức Kitô, mỗi người chúng ta phải trực tiếp trả lời câu hỏi này bằng đức tin của chính mình. Người môn đệ phải biết căn tính của thầy mình, phải biết mình đang theo ai và người mình theo từ đâu đến. Có như thế, người môn đệ mới có thể đi sâu vào trong tình thân mật với thầy mình, mới tin tưởng những điều thầy mình dạy, mới can đảm thi hành những giáo huấn mà thày mình đã trao ban.

Phêrô đã trả lời câu hỏi này cho phần của ông: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng sống”. Còn bạn và tôi, chúng ta trả lời câu hỏi này ra sao? Nếu Đức Giêsu đến và hỏi tôi và bạn hôm nay “Thày là ai”, tôi sẽ trả lời Ngài ra sao? Nếu người ta hỏi tôi “Đức Giêsu là ai”, tôi sẽ giải thích cho họ như thế nào?

Được biết Đức Giêsu, được nói về Đức Giêsu, được làm chứng cho Đức Giêsu, được tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu … Đó là một ân phúc, ân phúc từ trời cao đổ xuống cho những người luôn vững lòng tin tưởng vào Đức Giêsu, vì “không phải phàm nhân mạc khải cho điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16, 17)

Sau lời tuyên xưng đức tin của Phêrô, Đức Giêsu đã mời gọi Phêrô đứng lên để cùng cộng tác trong công trình xây dựng Hội thánh của Ngài: “Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày”(Mt 16,18). Với lời nói này, Chúa Giêsu chính thức thiết lập Hội Thánh trên trần gian. Chính Chúa là sức mạnh của Hội Thánh. Phêrô là Đá Tảng, nhưng chính Chúa làm cho Đá Tảng được vững bền. Phêrô giữ chìa khoá Nước Trời, nhưng chính Chúa gìn giữ toà nhà Nước Trời.

Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô làm người lãnh đạo và cai quản Giáo hội. Còn bạn và tôi, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trong vai trò gì? Chúng ta phải làm gì để chung tay góp sức xây dựng Hội Thánh mà Ngài đã thiết lập?

***

“Phêrô! con là đá, trên tảng đá này, Thày sẽ xây Hội Thánh của Thày” (Mt 16,18).

Lạy Chúa! Nghe lời mời gọi của Đức Giêsu nói với Phêrô, con cứ nghĩ là Ngài chỉ nói với những người mà Ngài chọn làm giáo hoàng mà thôi. Nhưng suy xét kỹ hơn, con nhận ra Ngài nói với tất cả mọi người, mọi Kitô hữu. Ngài mời gọi mọi người trở nên đá tảng để chung tay góp sức xây dựng căn nhà Giáo Hội. Lạy Chúa! Xin giúp con biết quảng đại đáp trả lời mời gọi ấy. Amen. [Mục Lục]

12. Thầy là Đấng Kitô 

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

“Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”, câu tuyên xưng này của Phêrô hẳn phải có một tầm quang trọng lớn lắm, căn cứ vào phản ứng trang trọng của Đức Giêsu khi tuyên bố: “Này anh Si-môn con ông Gio-na, anh thật có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Ngược lại, chính vì là tín hữu (hơn nữa tu sĩ và linh mục) mà thường khi nhiều người trong chúng ta lại có cảm tưởng là lời tuyên xưng trên cũng tầm thường thôi, chẳng có chi mới lạ; chắc hẳn vì ta đã quá quen thuộc với công thức tuyên tín thuộc lòng này.

Gần đây, khi theo dõi chương trình Frontline series có tựa đề From Jesus to Christ: The First Christians, một chương trình hội thảo 02 ngày (two-day symposium) tại Đại Học Harvard (Hoa Kỳ) qui tụ nhiều học giả thuộc các lãnh vực khảo cổ, lịch sử, nhân văn, thánh kinh, thần học… trao đổi nghiên cứu để tìm hiểu cách hết sức khoa học đề tài: ‘làm sao đế quốc Rô-ma đã từng đóng đinh tên Giêsu vào thập giá, trong vòng 300 năm sau lại quay ra tiếp nhận Kitô giáo?’ nói cách khác, làm sao một Giêsu Na-da-rét lại có thể trở thành Giêsu Kitô?, tôi mới nhận ra câu tuyên xưng của Phêrô – một ngư phủ bình dị, quả là một bước nhảy vọt ghê gớm. Phêrô đáng được gọi là Kitô hữu tiên khởi vì là môn đệ đầu tiên đã mạnh dạn tuyên tín: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”

Tên gọi Giêsu (Ya-su/ Gio-su-ah) trong tiếng Aramaic tự nó đã mang một ý nghĩa rất độc đáo: ‘Thiên Chúa cứu vớt’. Tuy nhiên tên này trở thành khá phổ thông giữa các người Do Thái, vì nó hàm ý, căn cứ vào trình thuật của sách Xuất Hành, chỉ dân riêng mới được Đức Chúa giải thoát khỏi mọi ách thống trị. Còn danh xưng ‘đấng Kitô’ (Christos tiếng Hy-lạp/ Mashiah tiếng Do Thái), được hiểu là người được Thiên Chúa ‘sức dầu tấn phong’, thì trong suốt Cựu Ước được dành cho nhân vật đặc biệt nào đó, như vua Sao-lê, Đa vít, các quan án hay tiên tri… mang nơi mình hai chức năng giải thoát và lãnh đạo, kể từ khi được sức dầu. Càng về sau, danh xưng này càng giới hạn dần vào một lãnh tụ tối cao được Đức Chúa hứa gởi đến trong ngày sau hết để vĩnh viễn giải thoát dân khỏi mọi ách thống trị. Tới thời Đức Giêsu, vì danh xưng này đã bị nhiễm nặng mầu sắc xã hội chính trị nên chính Người đã chủ động né tránh cách tế nhị (xem Mt 16, 20; Lc 22, 67); điều này càng rõ ràng hơn trong Phúc Âm Mác-cô (Cf. Théo 610a). Chính trong bối cảnh này mà câu tuyên xưng của Phêrô trong Phúc Âm Mát-thêu được coi là rất đặc biệt, đặc biệt tới độ nhiều tác giả cho là nó được thêm vào chỉ sau này khi các tín hữu nhìn lại cả quãng thời gian hơn ba thế kỷ lịch sử đã qua. Cho dầu thế nào đi nữa thì đối với các tín hữu gốc Do Thái, đây chắc hẳn phải là lời tuyên xưng căn bản nhất: Giêsu chính là Đấng được Thiên Chúa sức dầu tấn phong (Kitô) hằng được mong đợi, là Đấng giải thoát tối hậu và trọn vẹn, không những dân riêng mà toàn thể nhân loại. Chúng ta biết rằng cho tới ngày nay Do Thái giáo và Hồi giáo, cho dầu chia sẻ với Kitô giáo rất nhiều điều trong niềm tin nhưng vẫn nhất mực từ chối chấp nhận điều căn bản này.

Chắc hẳn Phêrô và các môn đệ khác đều hiểu rõ, đối với các ngài nói riêng và đối với toàn dân Do Thái nói chung, Giêsu chính là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng giải thoát tối hậu và vĩnh viễn. Trong một khoảng khắc siêu đẳng của niềm tin, vì “không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, đấng ngự trên trời”, Phêrô đã đạt được điều mà, dưới khía cạnh nghiên cứu, các học giả cho thấy phải mất gần ba thế kỷ xã hội La-mã mới đạt được.

Và toàn bộ sứ mệnh của Hội Thánh được đặt trên lời tuyên tín này của Phêrô, căn cứ vào khảng định của chính Đức Giêsu. Ai nhận Giêsu là Kitô – đấng giải thoát cứu độ tối hậu và duy nhất – sẽ có chìa khóa để được giải thoát và cứu độ, còn ai không tin nhận cũng có nghĩa là không có chìa khóa mở, và do đó sẽ vĩnh viễn bị cầm buộc: “Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời…” Trước đây, trong câu chuyện trao đổi với Ni-cô-đê-mô về việc sinh lại, Đức Giêsu cũng đã từng khảng định cùng một nội dung đó rồi, “Ai tin vào con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi” (xem Ga 3, 18). Qua mọi thế hệ, Hội thánh được xây dựng trên nền đá tảng Phêrô sẽ không ngừng tuyên xưng Giêsu là đấng Kitô duy nhất và tối hậu; đồng thời các phần tử của Hội Thánh – mọi Kitô hữu, nhờ tác động của Thần Khí và trong đức tin đối thần chân chính, cũng phải tự mình và trong sâu thẳm nhất của cõi lòng mình, mở miệng tuyên xưng: Giêsu chính là Đấng cứu độ duy nhất của tôi, và là Đấng tối hậu giải thoát tôi khỏi mọi tội lỗi.

Mỗi người chúng ta cũng cần tự vấn: riêng tôi, tôi đã làm điều đó cách thâm tín tới đâu rồi? Hãy nhớ rằng chìa khóa mở Nước Trời cho tôi, và cho mọi tín hữu mà tôi có bổn phận dẫn dắt, hệ tại duy nhất ở điều này, nếu không thì cũng chính chìa khóa đó sẽ vĩnh viễn đóng chặt cửa cứu rỗi ngay trước mặt tôi đấy!

Lạy Chúa, xin cho con hiểu hết ý nghĩa danh xưng Kitô hữu con được hạnh phúc mang nơi mình. Thường khi con vẫn hay hời hợt coi đây chỉ là một công thức đức tin, một danh xưng trống rỗng. Từ nay xin cho con, trong mọi hoàn cảnh sống, biết cùng Phêrô tuyên xưng ‘Thầy quả là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’. Và con mong rằng không chỉ khi sống nhưng nhất là trong giờ chết, con vẫn có thể tiếp tục tuyên xưng như thế, để có được chìa khóa mở tung ra cho con cánh cửa Nước Trời. Amen. [Mục Lục]

13. Hồng ân và trách nhiệm 

Thánh Têrêsa có câu nói rất hay: “Tất cả là hồng ân”, câu nói tuy đơn sơ nhưng tràn đầy ý nghĩa. Thánh nhân cảm nhận được mọi sự trên đời là do Chúa ban, một ơn ban nhưng không, do tình yêu thương lạ lùng của Chúa chứ không do công lao hay con người xứng đáng được hưởng. Thật vậy, với cái nhìn đức tin ta biết rằng tất cả là hồng ân, mà hồng ân thì theo sau đó là trách nhiệm.

Chúng ta hãy hình dung vào bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, nơi Phêrô ta thấy được hồng ân và trách nhiệm mà ông nhận từ Chúa: “Này anh Simon, anh thật có phúc vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Qua lời tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” thì Chúa Giêsu khen ngợi Phêrô rằng: ông là người có phúc. Có phúc vì đó là hồng ân, hồng ân đức tin. Chúa Giêsu khẳng định: không phải tự sức mình mà Pr hiểu được, cảm nhận được để rồi tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Nhưng là nhờ ơn Chúa ban, nhờ Chúa Cha mạc khải cho biết về Chúa Giêsu, về nguồn gốc thần linh của Ngài: rằng Ngài là Con Thiên Chúa; là Messia của Israel; là Vua Trời Đất mà Cựu Ước đã loan báo. Tuy nhiên đức tin của Phêrô còn phải được củng cố thêm lúc Chúa Giêsu biến hình và những lần Ngài hiện ra sau Phục Sinh nữa.

Với hồng ân đức tin được Chúa ban, Phêrô có trách nhiệm củng cố đức tin nơi anh em mình trong cộng đoàn các tông đồ, cộng đoàn các tín hữu sơ khai và Hội Thánh mà Chúa Giêsu thiết lập. Đồng thời phải bảo vệ, gìn giữ đức tin vẹn tuyền ấy. Pr còn thay mặt Chúa giảng dạy cho muôn dân, cắt nghĩa chính đáng đức tin Kitô giáo và chiếu toả đức tin ấy cho muôn người.

Hồng ân tiếp theo mà Phêrô nhận được là ông được đổi đời. Chúa Giêsu đổi tên cho ông, mặc cho ông một con người mới: “Anh là Phêrô nghĩa là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Việc đổi tên từ Simon thành Pr mang ý nghĩa mới cho cuộc đời ông, bước ngoặc cuộc đời ông được mở ra. Thay đổi tên là thay đổi cả số phận con người: thay đổi đời, thay đổi sứ mạng. Từ một ngư phủ đánh lưới cá trở thành ngư phủ đánh lưới người. Kể từ đây, Phêrô là đá tảng vững chắc, là nền móng kiên cố xây dựng Hội Thánh Chúa. Kiên cố và bền vững đến nỗi không một thế lực nào có thể phá huỷ được: “quyền lực Tử thần sẽ không thắng được”.

Đây quả thật là một trách nhiệm nặng nề đối với một ngư phủ bình dân – chất phác – ít học như Phêrô: trách nhiệm bảo vệ, xd Hội Thánh Chúa ở trần gian; trách nhiệm qui tụ muôn dân nước về với Hội Thánh Chúa. Nhưng ông không làm việc một mình. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu hứa rằng: “Thầy sẽ không để các con mồ côi”. Điều đó chứng tỏ rằng Chúa luôn ở cùng, đồng hành, và ban Chúa Thánh Thần để giúp đỡ Phêrô và các tông đồ trong việc xây dựng Hội Thánh Chúa và trong việc loan báo Tin Mừng cứu độ.

Ngoài ra Phêrô còn thay mặt Chúa cai quản và điều khiển Hội Thánh. Với chìa khóa Nước trời Chúa ban là quyền tháo cởi và cầm buộc:” Thầy sẽ ban cho anh chìa khoá Nước trời, dưới đất anh cầm buộc điều gì trên trời cũng cầm buộc; dưới đất anh tháo cởi điều gì trên trời cũng tháo cởi”. Với tư cách là người đứng đầu Hội Thánh, là quản gia của Nước Trời, Phêrô đại diện Chúa ở trần gian ban phát ơn thánh, làm cho mọi người được nên thánh, phục vụ và cứu rỗi các linh hồn; mở cửa qui tụ muôn người về với Hội Thánh Chúa và làm cho nước Chúa được rạng sáng.

Hồng ân Chúa ban cho Phêrô quả là to lớn và trách nhiệm cũng nặng nề không kém. Giờ đây, chúng ta hãy nhìn lại đời sống mình với biết bao ơn lành Chúa ban và đã sử dụng những hồng ân đó như thế nào? Khi lãnh Bí tích Rửa Tội là ta được vinh dự làm con Chúa, được sống trong Hội Thánh, là người có đức tin và sống niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất; rồi ơn Chúa thánh hoá ta qua các Bí Tích. Đặc biệt Ngài trao ban chính mình Ngài cho ta nơi Bi tích Thánh Thể mà ta đón nhận hằng ngày,.v.v. Đây là hồng ân lớn lao đối với người kitô hữu chúng ta.

Với những ân huệ to lớn đó mà ta đón nhận hằng ngày từ Chúa. Vậy trách nhiệm của ta là hãy dâng lời tạ ơn Chúa mỗi ngày; phụng thờ Chúa; sống niềm tin-cậy-mến vào Chúa cách ý thức hơn với tư cách là một người con hiếu thảo: bằng những cử chỉ yêu thương giúp đỡ nhau cách cụ thể trong đời sống thường ngày. Can đảm tuyên xưng niềm tin và giới thiệu Chúa cho người khác.

Mặt khác nhìn vào đời sống gia đình, OBACE là cha là mẹ thì phải có bổn phận với nhau và với con cái: chu toàn bổn phận với nhau, nâng đỡ yêu thương nhau trong đời sống vợ chồng; cộng tác với nhà trường, với cha sở họ đạo để giáo dục con cái trong đời sống đức tin và tri thức như ý Chúa muốn. Đó là trách nhiệm mà mỗi người Kitô hữu chúng ta cần phải có đối với Chúa và với nhau.

Đời người là một chuỗi những hồng ân trải dài trong suốt đời sống mà ta đón nhận từng giờ từng phút trong cuộc đời. Ước mong OBACE luôn nhận ra mọi sự trên đời và những gì ta có đều là do hồng ân Chúa ban mà dâng lời cảm tạ. Đồng thời biết quý trọng và sử dụng những ơn ban ấy như là trách nhiệm cần phải có để sinh nhiều hoa trái tốùt đẹp cho cuộc sống. Qua đó ta cảm nhận được tình Chúa yêu thương và trong đức tin ta dám nói lên với Chúa rằng: “Tất cả là hồng ân Chúa ban”. Amen. [Mục Lục]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *