Làm để lớn… (25.07 – Lễ kính thánh Gia-cô-bê, Tông đồ)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Ngày 25.07: Lễ kính thánh Gia-cô-bê, Tông đồ

Lời Chúa: 2 Cr 4,7-15, Mt 20, 20-28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 20, 20-28)

20 Khi ấy, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo ; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. 21 Người hỏi bà : “Bà muốn gì ?” Bà thưa : “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây được ngồi, một người bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” 22 Đức Giê-su bảo : “Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?” Họ đáp : “Thưa uống nổi.” 23 Đức Giê-su bảo : “Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
24 Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. 25 Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 26 Giữa anh em thì không được như vậy : Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. 27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. 28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

Làm để lớn… (25.07.2023)

Tin Mừng hôm nay (Mt 20,20-28) cho thấy mong muốn tự nhiên, và rất “phàm nhân” đối với bà Sa-lô-mê – mẹ của hai vị Tông đồ – Gia-cô-bê và Gio-an. Bởi lẽ, không có người mẹ nào trên thế gian này lại không hy vọng, mong muốn cho con cái của mình được công thành, danh toại, sự nghiệp rỡ ràng vững chắc, chức vụ cao trọng, quyền hành tối ưu cả. Đó là tình cảm mẫu – tử rất đỗi bình thường của một đấng sinh thành.

Qua trình thuật Tin Mừng nêu trên, Chúa Giê-su đã nâng tình cảm thường tình của một người mẹ lên một tâm thức tầm cao hơn của một người lãnh đạo, một người được giao phó trách nhiệm trong đạo lẫn đời. Chúa Giê-su dạy các Tông đồ:

Hãy làm, hãy phục vụ để được lớn lên; chứ không phải làm lớn để thi thố tài năng, để ban phát ân huệ.

Hãy phục vụ để yêu thương nhiều hơn; chứ không phải được yêu thương nhiều mới ra sức phục vụ.

Hãy yêu thương đến cùng để dám hiến mạng sống mình, dám cùng uống Chén của Thầy mình cũng chỉ vì yêu; chứ không phải dám chịu chết để hưởng được phần thưởng, hay tiếng khen ở đời.

Lạy Chúa, xin dạy con tìm biết và nhận ra thánh ý Chúa muốn con làm gì, hơn là con làm gì để Chúa biết. Amen. 

CÁT BIỂN 

Muốn làm lớn thì phải là người phục vụ (25.07.2022)

“Chén của Thầy, các người sẽ uống.”

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính thánh Gia-cô-bê tông đồ. Ngài và thánh sử Gioan là anh em ruột, được Chúa Giêsu gọi là “con của thiên lôi” (Mc 3,17) vì tính khí nóng nảy của mình. Cha mẹ của ngài là ông Dê-bê-đê và bà Sa-lô-mê. Ngài làm nghề chài lưới, là một trong số các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu nên ngài được gọi là Gia-cô-bê tiền để phân biệt với thánh Gia-cô-bê hậu là con ông An-phê (mừng kính ngày 03/05). Thánh Gia-cô-bê tiền là một trong ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu khi ngài được chứng kiến những biến cố quan trọng của Thầy mình: phép lạ làm cho con gái ông trưởng hội đường Gia-ia sống lại (Mc 5,37), Chúa biến hình trên núi (Mc 9,2), Chúa lâm cơn hấp hối trong vườn Ghết-sê-ma-ni (Mc 14,33). Thánh nhân cũng là người đầu tiên trong số các tông đồ được phúc tử đạo.

Trở lại với bài Tin Mừng, chúng ta có thể sẽ ngạc nhiên. Các lễ kính thánh tông đồ khác, nội dung bài đọc thường nói về phẩm chất tốt, hành trình theo Chúa hay lời tuyên xưng đức tin của các vị ấy. Nhưng lễ thánh Gia-cô-bê hôm nay, nội dung Tin Mừng lại kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em ông: bà mẹ đi xin xỏ Chúa Giêsu để hai ông được quyền cao chức trọng. Thật ra không phải để nói xấu các ngài, mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực. Cũng như các tông đồ khác, động lực theo Chúa trong thời gian đầu của thánh Gia-cô-bê vẫn còn mang tính trần tục, thích được làm lớn, muốn được ngồi bên hữu bên tả trong nước của Chúa. Nhưng sau thời gian được Chúa huấn luyện, ngài đã đổi mới, chấp nhận uống “chén đắng” thực sự và đặc biệt ngài biết hiến thân hết mình để phục vụ Chúa và Giáo hội.

Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền. Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéo Thầy Giêsu xem ai sẽ được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Còn hai anh em kia thì lo lót chạy trước hai vị trí quan trọng ở bên tả và bên hữu Thầy.

Để trở thành môn đệ của Chúa, chúng ta phải chấp nhận đổi mới bản thân. Đổi mới ở đây là sự thay đổi từ cái cũ sang cái mới, từ tiêu cực đi đến tích cực, từ cái xấu chuyển thành cái tốt. Để đổi mới trước hết cần phải có ơn Chúa vì “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Tiếp đó, cần phải có sự nỗ lực của bản thân, luôn biết tự rèn luyện mình mỗi ngày. Sau cùng, để đổi mới cần phải nhờ sự hướng dẫn dạy dỗ của các vị bề trên, những người khôn ngoan và đôi khi là nhờ sự nhắc nhở của bạn bè.

Để trở thành môn đệ của Chúa, chúng ta phải chấp nhận “uống chén đắng”, tức là đón nhận những đau khổ, khó khăn, bất hạnh xảy đến trong cuộc đời. Chúng ta cũng phải luôn sẵn sàng chấp nhận vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa, là biết vượt qua những nỗi thống khổ và thử thách để sự sống của Chúa Giêsu được tỏ hiện nơi con người chúng ta.

Để trở thành môn đệ của Chúa, chúng ta cần phải biết hy sinh phục vụ. Chúa Giêsu không những mời gọi các tông đồ “uống chén đắng”, mà Ngài còn mong muốn các ông phải có tinh thần phục vụ, noi gương tinh thần phục vụ của chính Ngài. Thật vậy, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã tự hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, và suốt ba năm hoạt động công khai Ngài đã phục vụ hết mình. Tinh thần phục vụ của Ngài được thể hiện qua việc: huấn luyện các tông đồ, rao giảng Tin mừng, làm phép lạ chữa lành các bệnh nhân… Sau này, chính thánh Gia-cô-bê và các tông đồ cũng đã thấm nhuần bài học phục vụ của Chúa Giêsu dạy và gương sáng của Ngài, nên các ông đã tận tâm phục vụ Chúa và Giáo hội.

Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hy sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi, để trong mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.

Joston

Quyền lực (25.07.2021)

Quyền lực (权力) là một từ ghép Hán – Việt. Quyền () ghép chung với Lực ().

Chiết tự chữ Quyền () ta thấy gồm:

bộ Mộc ( – cây cối) liền kề với bộ Hựu ( – cộng thêm, nhiều thêm); nghĩa đen là nhiều cây; nghĩa bóng ám chỉ sự vững chắc, bền bĩ. Ngược với thành ngữ: “độc mộc bất thành lâm” (một cây không thành rừng, hoặc một cây làm chẳng nên non. Một cây thì yếu ớt).

Bộ Lực ( – sức lực; cường độ sức khỏe).

Thầy Mạnh Tử dạy rằng: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã; tẩu nịch viên chi dĩ thủ, quyền dã” (Nam nữ không được trực tiếp gần gũi với nhau, đó là lễ; chị dâu bị đắm chìm đưa tay ra vớt, đó là quyền). Vậy Quyền Lực (权力) là từ ngữ diễn tả sự ứng biến (thích ứng) mặc dù ta thấy trái với đạo thường, mà phải lẽ thì gọi là “quyền”. Nói cách khác, Quyền Lực là một khả năng mạnh mẽ, vững chắc để xử lý, ứng biến các sự việc xảy ra trong cuộc sống của con người. Quyền Lực luôn gắn liền với vị thế, chức vị của người thực thi nó.

Hôm nay, Tin Mừng thánh Mát-thêu cho thấy chính các môn đệ thuộc Nhóm Mười Hai của Chúa Giê-su cũng không thoát khỏi cám dỗ của quyền lực. Trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, các ông đã tranh cãi xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (x. Mt. 18,1). Hai con ông Dê-bê-đê là một trong Nhóm Mười Hai môn đệ của Chúa cũng nuôi tham vọng được ngồi ở hai bên tả hữu của Thầy mình trong Nước của Thầy, nên đã nhờ cậy mẹ của mình xin Chúa Giê-su trước (x. Mt 19,28; 20,21). Qua đó, Chúa đã dạy các ông cách sử dụng quyền lực của Chúa khác với cách thức của các thủ lãnh thế gian: Quyền lực và phẩm trật của những ai đi theo Chúa là dùng để phục vụ mọi người, phục vụ công ích tập thể; thậm chí sẵn sàng chết cho phục vụ anh chị em mình (x. Mt 20,25-28).

Lạy Chúa, xin cho con biết cầu xin những điều đẹp ý Chúa trong suốt đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Ai làm lớn, phải phục vụ (25.07.2018)

Kinh nghiệm dân gian để lại những nhận định như: “Con  hư tại mẹ, cháu hư tại ba”, dù có nhiều sai lầm và bất công, nhưng nói lên ảnh hưởng tự nhiên của những người mẹ, người bà trong gia đình đối với con cháu.

Bà mẹ của thánh Giacôbê, chắc chắn có ảnh hưởng đến tham vọng của con mình. Chính Bà đã dẫn thánh Giacôbê đến xin Chúa Giêsu cho con bà được “Một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong nước Thầy”. Thật may mắn cho gia đình nào có người mẹ biết dẫn con mình đến với Chúa Giêsu. Vì gặp được Chúa, điều sai, Ngài sẽ điều chỉnh lại cho đúng. Người chất chứa tham vọng xấu, sẽ trở nên người khát khao điều lành, dám  “uống chén đắng với Thầy”.

Thánh Giacôbê không phải tự nhiên mà nên tốt lành. Nơi ngài đã bộc lộ rõ nét những khuyết điểm của con người như: tham vọng trần thế, kiêu căng, nóng nảy, muốn thiêu đốt những ai cản lối đi của mình. Nhưng nhờ tình Chúa yêu thương dạy bảo, Ngài đã trở thành người dám sống và chết vì Thầy mình. Nhờ Thánh Giacôbê dám tỏ lộ với Chúa tham vọng của mình, mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta bài học về cách làm lớn trong Nước Chúa.

“Ai muốn làm lớn, thì phải làm người phục vụ. Ai muốn làm đầu, thì phải làm đầy tớ”. Đây không phải là một sáo ngữ của những quan quyền và người thời nay. Nhưng chính là cuộc đời của Chúa Giêsu. Ngài đã nêu gương bằng cuộc đời khiêm hạ, phục vụ và thí mạng sống vì phần rỗi loài người, vì mỗi người chúng ta.

Vì sao giữa gia đình, lối xóm, xã hội, lại xảy ra bao nhiêu tranh chấp, làm khổ lụy đời nhau? Chắc chắn là do chúng ta không lưu tâm để ý đến Lời Chúa Giêsu dạy. Không noi theo gương Chúa Giêsu đã sống. Ngài là “sự thật”, không nghe và giữ Lời Ngài, là sai lầm. Ngài là “sự sống”, không dõi theo Ngài mà đi, là vực sâu, là chết.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời cầu thay nguyện giúp của thánh Giacôbê, xin giúp chúng con cam đảm theo Chúa. Theo Chúa hôm nay, là biết mê say Tin Mừng, là theo gương Chúa khiêm tốn phục vụ anh em. Xin cho chúng con theo gương thánh Giacôbê, dám “uống chén” của Thầy, để chúng con được nên giống Chúa. Amen.

Cám dỗ kinh điển (25.07.2017)

Chúa Giê-su mời gọi các tông đồ hãy học cùng Người – Học hiền lành và khiêm nhường trong lòng – Hãy dùng quyền bính, chức vụ được trao phó cho mình mà đem ra phục vụ tha nhân; phục vụ vô vị lợi, phục vụ hết lòng vì Chúa, vì Nước Trời… dù cho mất mạng sống mình vì phần rỗi đời đời của mọi người thì cũng vui vẻ sẵn sàng phục vụ (x. Mt 20,25-28).

Thế nhưng, các tông đồ chưa lĩnh hội được bài học ‘Quên Mình Phục Vụ’ này. Cho nên ngay sau khi Thầy mình loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn Người sắp chịu; thì các ông tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời (x. Mt 18,1). Có lẽ Gio-an và Gia-cô-bê được thầy Giê-su yêu quý hơn các anh em tông đồ khác; nên hai ông đã cậy nhờ mẹ của mình ngỏ lời ‘xí chỗ’ trước, hy vọng được ngồi ghế bên trái, bên phải của thầy Giê-su trong vương quốc của thầy (x. Mt 20,20-21).

Xem ra tham quyền, cố vị vẫn là nỗi thèm khát muôn thuở của con người từ thời nguyên thủy cho đến nền văn minh phát triển như vũ bão hôm nay.

Cám dỗ quyền lực, chức tước có thể được xem là cám dỗ kinh điển của nhân loại kể từ lúc nguyên tổ loài người kiêu ngạo, bất trung.

Lạy Chúa, xin dạy con ý thức bài học ‘Phục Vụ’ của Chúa bằng cách xét mình nghiêm túc hàng ngày để con xứng đáng là tín hữu Chúa Ki-tô. Amen.

CÁT BIỂN

Khiêm nhường trong phục vụ (25.07.2017)

1. Ghi nhớ:

Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn, thì phải phục vụ anh em (Mt 20, 26).

2. Suy niệm:

Bản tính “tham sân si” luôn tiềm ẩn trong tâm của mỗi người. Dù sinh trong hoàn cảnh nào, sống trong xã hội hay thời đại nào, con người luôn mong muốn mình có được một cuộc sống tốt đẹp và một vị thế trong xã hội. Khó ai có thể từ chối được sự hấp dẫn khi mình được cất nhắc lên những chức vụ cao hay trở thành một nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo “có tâm” và “có tầm” thì được lòng dân trân trọng hơn là một lãnh đạo chỉ biết thỏa mãn quyền lực và lợi ích cá nhân thay vì lợi ích cộng đồng.

Xã hội ngoài đời là thế, trong Giáo hội cũng phải có kẻ đứng trước người ngồi sau, cũng cần có sự lãnh đạo và chỉ huy, nhưng đối với Thiên Chúa, thì người chức vụ cao hay dù lớn hay bé, cũng là người phục vụ là rốt hết, ở hạng sau cùng, người lãnh đạo phải là tôi tớ, như Chúa đã dạy chúng ta bài học sống khiêm nhường: “Và ai muốn làm đầu anh em, thì phải là người phục anh em”.

Một bài học xưa kia Chúa đã dạy cho các Tông Đồ: “Thầy là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em hãy rửa chân cho nhau” đã vạch ra kim chi chỉ nam trong cách hành xử của mọi người Kitô hữu là phải sống khiêm nhường và phục vụ tất cả mọi người trong bất kỳ vai trò nào hay hoàn cảnh nào.

Trong đời sống huynh đoàn hơn 30 năm qua, tôi đã cảm nghiệm và chứng kiến được biết bao tấm gương hy sinh phục vụ của anh chị em mình. Đó là những anh chị em trong Ban phục vụ các cấp không quản ngại ngày nắng cũng như ngày mưa rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường để dâng giờ kinh cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

Đó là những bước chân không mỏi trên nẻo đường phục vụ của các Cha, các Soeur đến những miền xa xôi hẻo lánh phục vụ anh chị em nghèo khó, giúp đỡ các cụ già neo đơn sống cô quạnh, và còn nhiều tấm gương sống phục vụ khác nữa… Nhưng đọng lại trong tôi có lẽ là một hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất, và cũng là bài học dạy tôi sống đức tin phục vụ vô vị lợi là hình ảnh Cụ Mịch tại giáo xứ của tôi, cũng là một đoàn viên Huynh Đoàn. Lúc ấy cụ đã ngoài 73 tuổi sống đối diện nhà thờ, sáng nào cũng thế sau Thánh lễ, Cụ rảo chung quanh nhà thờ nhặt rác và cỏ cây cho sạch sẽ Thánh đường.

Dù già yếu sống một mình phải xách bao đi nhặt bao ny lông bán ve chai để mưu sinh, nhưng cụ vẫn không bỏ lễ và bỏ quét nhà thờ ngày nào. Đây quả thật là một tinh thần phục vụ cao đẹp nhất, đáng trân trọng nhất. Đó cũng là cách sống của người Kitô hữu mà Chúa hằng mong muốn chúng ta luôn sống tinh thần phục vụ dù ở một vị trí bé nhỏ hay là người lãnh đạo tối cao, phải yêu thương trong phục vụ, địa vị càng cao, càng phải phục vụ anh em mình.

Hình ảnh Đức Thánh Cha Phanxico chính là hình ảnh khiêm nhường phục vụ mà Thiên Chúa đã đem đến cho Giáo Hội chúng ta, giữa muôn ngàn cạm bẫy và cám dỗ của thời đại, Ngài chính là nhân chứng cho lòng nhân hậu vô bờ và tinh thần phục vụ trong Chúa đến với tha nhân.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, lời mời gọi của Thiên Chúa đến với từng ngưới đang sống, tất cả chúng ta được mời gọi, hãy sống khiêm nhường trong phục vụ, những việc dù nhỏ trong phục vụ vẫn không kém phần quan trọng, có khi còn có giá trị gấp trăm ngàn lần với người lãnh đạo, vì lãnh đạo thì được mọi người tung hô, còn phục vụ tự trong tâm hồn, phục vụ trong khiêm nhường còn có giá trị vô vàn trước mặt Thiên Chúa.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin mở rộng tâm hồn chúng con, biết hy sinh quên đi danh vọng , quên mình để phục vụ cách vô vị lợi, ước muốn của chúng con đối với mọi người là sống yêu thương  qua sự phục vụ yêu thương và khiêm nhường. Amen.

M.Liên

Tham vọng chân chính …

Xã hội càng phát triển, càng mở ra những tiện nghi hấp dẫn thì tham vọng của con người càng bị đánh thức và giãn nở.

Đối tượng quen thuộc của tham vọng từ xưa tới nay vẫn là tiền bạc, quyền lực, danh vọng, sắc dục… Ngày nay những đối tượng quen thuộc này được chứa đựng trong vỏ bọc hoàn hảo hơn. Đó chính là khao khát quyền lực và địa vị. Đó chính là muốn được công nhận và ngưỡng mộ. Đã là người thì ai lại không muốn được mọi người trọng vọng và tôn vinh ?

Nhưng Tin Mừng hôm nay cho thấy, Chúa Giêsu đã đảo ngược những tham vọng tự nhiên tầm thường này.

Chúa Giêsu đã dạy cho các tông đồ hiểu thế nào là tham vọng chân chính. Đó là tham vọng “quyền bính Nước Trời”.

Tham vọng quyền bính Nước Trời không phải tương quan thống trị giữa vua – tôi, chủ – tớ, mà là tương quan anh em bạn hữu;

Tham vọng quyền bính Nước Trời là cung cách phục vụ quên mình;

Tham vọng quyền bính Nước Trời là hy sinh tự hủy mình ra không, vì tình yêu.

Tham vọng quyền bính Nước Trời là vui lãnh nhận mầu nhiệm thập giá của cuộc đời mình;

Tham vọng quyền bính Nước Trời là sống đời khiêm nhu phó thác.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết phục vụ anh chị em mình vì hạnh phúc Nước Trời. Xin ban cho con biết quảng đại phục vụ mọi người trong niềm vui vì lợi ích Nước Trời. Amen.

CÁT BIỂN

Ai làm lớn phải phục vụ

1. Ghi nhớ: “Giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ. nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” ( Mt 20. 26-28)

2. Suy niệm:

Chúa Giêsu dạy chúng con muốn trở nên hoàn thiện theo Chúa, đó là con đường phục vụ. Chúa đã hiến thân mình và phục vụ, tinh thần phục vụ được thể hiện rõ nét là rửa chân cho các môn đệ:“ Nếu Thầy là Chúa, là Thầy,  mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14-15). Chính Chúa đã khiêm tốn phục vụ, Ngài đã dâng chính đời mình làm giá chuộc cho nhân loại, trở nên nghèo hèn, khốn cực cho mọi người, nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ cầu nguyện.

Nhìn chung về Ban Phục Vụ Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh, có những Anh Chị âm thầm hy sinh thời gian, công việc phục vụ, theo Chúa không phải là dễ, quả thật là khó vì ai làm lớn phải hạ mình phục vụ anh chị em đoàn viên của mình. Tuy nhiên, khi làm lớn chỉ ra lệnh, ra oai với mọi người, tất cả phải vâng lời và tùng phục mình thì hẳn đây không phải là tinh thần phục vụ.

Nơi một Huynh đoàn nọ có một Chị đoàn viên lúc ấy gần 72 tuổi, suốt một cuộc đời mấy chục năm từ khi gia nhập HĐ, sáng nào Chị cũng đi lễ và âm thầm nhặt rác lá cây chung quanh nhà thờ rồi về nhà  xách bao lượm ve chai. Chiều nào cũng vậy cứ khoảng ba giờ chiều Chị lại ra lau ghế nhà thờ cho khỏi bụi để trước giờ Thánh lễ chiều, để mọi người tham dự ngồi cho sạch. Nay Chị Maria, Chúa đã gọi về. Quả thật một tinh thần trước nhan Thiên Chúa, Chị là người phục vụ hy sinh cao cả nhất.

3. Sống Lời Chúa:

Sau giờ  kinh tối gia đình “Hôm nay tôi hãy nhìn lại mình, đã làm gì để phục vụ, như nở nụ cười với mọi người, chia sẻ thân thiện với người cùng khốn, an ủi cảm thông người đau khổ”. Đây là hồng ân, quà tặng Thiên Chúa giúp ta phục vụ tha nhân.

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đến dạy chúng con phục vụ, xin cho chúng con nhận hình ảnh Thiên Chúa luôn ngự trị  nơi những anh chị em nghèo khổ, hoạn nạn. bệnh tật luôn cần bàn tay phục vụ cách vô vị lợi của chúng con. Amen.

Sống tinh thần phục vụ (25.07.2015)

1. Ghi nhớ: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người ” (Mt 20,28).

2. Suy niệm : Trong cuộc sống ít ai muốn mình là người phục vụ vì nó có vẻ rất nặng nề và thấp kém. Thông thường, con người chỉ muốn mình được phục vụ chứ không thích phục vụ người khác. Thánh Giacôbê Tông đồ mà chúng ta mừng kính hôm nay là môn đệ được Chúa Giêsu kêu gọi đầu tiên và thuộc nhóm ba môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt. Nhờ được ở bên Vị Thầy Chí thánh suốt đời chỉ biết hy sinh phục vụ, nên thánh Giacôbê đã trở thành người biết phục vụ người khác theo cùng cách thức như Thầy Giêsu của mình, và Ngài cũng đã trở thành một người phục vụ đắc lực cho Tin mừng của Chúa. Vì thế noi gương thánh Giacôbê chúng ta cũng hay quên mình phục vụ cách vô vị lợi cho tha nhân.

3. Sống Lời Chúa: Sống tinh thần phục vụ.

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm được tình yêu trong phục vụ, hầu con có thể phục vụ mọi người như Chúa đã từng phục vụ chúng con. Amen.

Không biết xin gì! (25.07.2014)

Bấy giờ, bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su…; bà bái lạy và kêu xin Người một điều…. Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì!” (Mt 20,20-22)

Suy niệm: Ba mẹ con nhà Dê-bê-đê đã gõ đúng cửa khi đến cầu xin Đức Giê-su. Nhưng nếu cầu cạnh Ngài chỉ để xin chiếc ghế “tả hữu tướng quốc” thì chẳng khác nào vào một kho tàng chứa đầy ngọc ngà châu báu mà chỉ lấy ra vài viên đá cuội. Dù Chúa trách hai ông Gia-cô-bê và Gio-an: “Các người không biết các người xin gì”, Ngài vẫn giúp họ từ bỏ động lực trần tục đó để nhắm tới mục đích đích thực của việc theo Chúa là “cùng uống chén mà Thầy sắp uống” tức là cùng tham dự vào cuộc khổ nạn với Ngài. Nói rộng ra, “trước hết phải biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa” và tin tưởng rằng “những sự khác, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Mời Bạn: Hẳn có lúc, bạn tự hỏi: tôi tin Chúa, chấp nhận hy sinh từ bỏ nhiều thứ để đi theo Chúa, nhưng tại sao đời tôi vẫn túng nghèo, vất vả, bị chèn ép, gặp những chuyện không may…? Thế thì bạn có tự hỏi mình đang tìm gì nơi Chúa không? Phải chăng bạn cũng đang “không biết mình đang xin gì”? Bạn nhớ Chúa dạy đi theo Ngài không phải để được địa vị chức quyền, giàu sang an nhàn, nhưng là để bước theo Chúa trên con đường thập giá, để hiến thân mình phục vụ tha nhân trong khiêm tốn và vui tươi.

Sống Lời Chúa: Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên chúng ta hãy bắt đầu các công việc bằng việc cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài cầu thay nguyện giúp chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa (Rm 8,26-27).

Cầu nguyện: Sốt sắng đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần.