Giuse, ngôn sứ thầm lặng (01.05 – Lễ Thánh Giu-se thợ)

Ca nhập lễ: Tv 127,1-2

Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa,

ăn ở theo đường lối của Người.

Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng,

bạn quả là lắm phúc nhiều may. Ha-lê-lui-a.

Bài đọc 1: St 1,26 – 2,3

Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, và thống trị mặt đất.

Bài trích sách Sáng thế.

1 26 Thiên Chúa phán : “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.”

27Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,
Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.

28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” 29 Thiên Chúa phán : “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. 30 Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực.” Liền có như vậy. 31 Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp ! Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ sáu.

2 1 Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. 2 Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.

3 Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người.

Đáp ca: Tv 89,2.3-4.12-13.14 và 16 (Đ. c.17c)

Đ. Lạy Chúa, việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố.

2Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên,
địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.

Đ. Lạy Chúa, việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố.

3Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi,
Ngài phán bảo : “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi !”4Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi !

Đ. Lạy Chúa, việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố.

12Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.13Lạy Chúa, xin trở lại ! Ngài đợi đến bao giờ ?
Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây.

Đ. Lạy Chúa, việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố.

14Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.16Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa
được thấy công trình Ngài thực hiện,
và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài.

Đ. Lạy Chúa, việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố.

Tung hô Tin Mừng: Tv 67,20

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Ngày lại ngày, xin chúc tụng Chúa,

Thiên Chúa cứu độ ta, Người đỡ nâng ta. Ha-lê-lui-a.

Tin Mừng: Mt 13,54-58

Ông này không phải là con bác thợ sao ?

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

54 Khi ấy, Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói : “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế ? 55 Ông không phải là con bác thợ sao ? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a ; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao ? 56 Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao ? Vậy bởi đâu ông ta được như thế ?” 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” 58 Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

Ca hiệp lễ: Cl 3,17

Anh em có làm gì, nói gì,

thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giê-su,

và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Ha-lê-lui-a.

Thánh Giuse – chứng nhân của niềm hy vọng

Dẫn nhập

Có một nhân vật trong lịch sử loài người, tuy không mấy ai để ý đến vào đương thời, rồi khi mất đi cũng chẳng mấy người quan tâm, thế mà từ xưa cho đến hôm nay biết bao nhiêu giấy mực, lời hay ý đẹp mà người ta không thể nào nói hết được về con người âm thầm ấy: Thánh cả Giuse.

Vì thế, trong hạn hẹp của bài này người viết cũng xin được phác họa đôi nét về chân dung của vị thánh đáng kính, đáng ca ngợi và thật đáng để cho hậu thế học đòi dõi theo. Đức tính đầu tiên khi nói đến cha Thánh Giuse là người dám đón nhận tất cả mọi biến cố xẩy đến cho đời mình.

1/ Đón nhận mọi biến cố trong cuộc đời

* Người công chính

Thánh sử Matthêu trong Tin Mừng của mình đã dùng từ “công chính” để gán cho Giuse là chồng của Đức Maria và là cha nuôi của Đức Giêsu:“Ông Giuse [… ] là người công chính” (Mt 1,19).

Thật ra, Thánh Giuse đã nên công chính trong những hành động đầy khôn khoan của mình. Khi Thánh Giuse thấy vị hôn thê của mình mang thai cách kỳ lạ, nhưng không phải do mình, nên ông đã không tố giác mà chỉ nghĩ đến chuyện bỏ đi cách kín đáo (x. Mt 1, 19). Thánh Giuse đã hành động đầy khôn ngoan, vượt trên cả lề luật, vì ông đã không tố giác Đức Maria theo luật.

Chính Thần Học gia Jean Galot cũng đã thấy rõ như thế: “Sự công chính của Thánh Giuse, không nằm ở việc thi hành những quy định của lề luật, nhưng trong sự tôn trọng sâu xa hơn những luật lệ và tiếng tăm của ngài. Đó là một sự chính trực vượt quá những đòi hỏi bề ngoài của lề luật”[1].

Sự công chính của Thánh Giuse còn được thể hiện rõ nét qua việc ngài sống trung thành. Ngài trung thành với ý định của Thiên Chúa trong việc nuôi dưỡng Con Thiên Chúa, trung thành với lề luật và nhất là trung thành với vị hôn thê của mình là Maria, cho dù ngài đã từng nghi ngờ sự bất chính của vợ mình. Hay nói như Thần Học gia Jean Galot:“Sự công chính của thánh Giuse, người ta còn có thể gọi nó là một sự trung thành tuyệt đối. đó là lòng trung thành của người không những không muốn đánh lừa người khác, nhưng còn tránh khỏi việc tự đánh lừa chính mình, đồng thời cũng là người không hành động như là có thể đánh lừa Thiên Chúa. Thánh Giuse muốn trở thành đúng như con người trước mặt Thiên Chúa, trước cái nhìn của Thiên Chúa”[2].

Thánh Giuse, nên công chính là còn do luôn giữ tâm hồn thanh sạch: “Từ lâu Thánh Giuse luôn giữ tâm hồn hoàn toàn thanh sạch. Nơi ngài, không có những rắc rối, phức tạp do lòng tự ái gây nên, bởi vì ngay cả trong hành xử tốt đẹp đi nữa, tính cách này vẫn yêu sách sự thỏa mãn và tìm cách đạt được yêu cầu này. Không có bất cứ mưu mô nào để làm gia tăng hoặc phòng ngừa uy tín của ngài”[3].

Như thế rõ ràng, Thánh Giuse đáng được gọi là người công chính: công chính trong sự ngôn ngoan, công chính trong sự trung thành và công chính trong sự thanh sạch. Thánh Giuse không những chỉ công chính, nhưng ngài luôn có niềm tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Maria.

* Người có niềm tin mạnh mẽ

Thánh Giuse luôn có niềm tin kiên vững vào Thiên Chúa của ngài và tin tưởng vào người vợ yêu quý là Đức Maria, nhất là khi chấp nhận đón Maria về nhà mình khi cô mang thai không phải do mình. Thánh Giuse đang định tâm “đào tẩu” khi biết vợ mình đã mang thai khi thánh nhân chưa hề “biết” gì chuyện vợ chồng. Việc trốn chạy cách kín đáo của Thánh Giuse cũng chỉ vì không muốn làm tổn hại Mẹ Maria (x. Mt 1,19). Nhưng Thiên Chúa đã có kế hoạch của Người, vì không có gì mà Người không làm được (x. Lc 1,37). Người đã dùng Sứ thần Gabriel hiện ra báo mộng cho Thánh Giuse biết, Mẹ Maria đang mang thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Sau giấc mộng, Thánh Giuse đã bừng tỉnh và đón Maria về nhà làm vợ: “Khi tỉnh giấc, ông Giuse là như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,24). Đó là thái độ mau mắn đáp lại lời xin vâng của Thánh Giuse, khi ông đón nhận vợ mình về nhà. Nếu không có niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, và nếu không tin vào vợ mình thì làm sao ông có thể đáp lời xin vâng cách mau mắn như thế?

Quả thật, Thiên Chúa đã ban cho Thánh Giuse một niềm tin mạnh mẽ vào Người, nên cho dù những mầu nhiệm xảy ra trong đời Thánh Giuse, ngài vẫn đáp tiếng xin vâng để công trình Chúa được thực hiện và ơn cứu độ của Thiên Chúa được thành toàn. Cho dù trong cuộc đời dương thế, Thánh Giuse cũng phải trải qua không biết bao nhiêu khó khăn, nhưng khi tin tưởng vào Thiên Chúa ngài đã vượt qua tất cả, để trở thành con người của niềm tin và trở nên gương mẫu về niềm tin cho chúng ta noi theo. Không những thế, Thánh Giuse còn là một nhân chứng cho Nước Trời.

2/ Thánh Giuse luôn làm chứng cho Nước Trời

* Con người của thinh lặng

Thánh Giuse, con người của thinh lặng. Các sách Tin Mừng đã minh chứng cho thấy rằng thánh nhân không mở miệng nói lời nào.

Các sự kiện đã xảy ra trong cuộc đời của Thánh Giuse, cho dù là vui mừng, hay đau khổ, ngài cũng không mở miệng kêu than, hay oán trách, nhưng luôn giữ thinh lặng. Biến cố đầu tiên là sự kiện Đức Maria mang thai, nhưng không do mình là “tác giả”. Thánh Giuse mang đau khổ trong mình, không mở miệng than trách, hay tố giác vợ mình, nhưng định tâm bỏ đi cách kín đáo (x. Mt 1,19). Đây là một sự im lặng xóa bỏ mình, để bảo vệ danh dự và uy tín cho Đức Maria.

Thứ đến, trong biến cố Con Thiên Chúa Giáng Sinh tại Bêlem, Thánh Giuse được diễm phúc tham dự mầu nhiệm này, nhưng ngài cũng chỉ tham dự trong thinh lặng. Kể cả Tin Mừng Matthêu và Luca đều không ghi lại lời nào của Thánh Giuse trong biến cố này (x. Mt 2,1-12; Lc 2,1-20). Trong khi, các thiên thần ca hát, các mục đồng bái lạy, còn Thánh Giuse thì không nói lời nào, ngài giữ thinh lặng. Ngài giữ thinh lặng để tiếp nhận Mầu Nhiệm Nhập Thể trong sự chiêm ngưỡng say mê và cũng diễn tả niềm vui, sự biết ơn đang vùi sâu trong sâu thẳm của tâm hồn ngài.

Thứ ba, biến cố gặp Đức Giêsu trong Đền Thờ, Thánh Giuse đã thinh lặng để chuyển nỗi băn khoan lo lắng thành niềm vui. Lẽ ra, ngài là chủ gia đình, ngài phải có đôi ba lời với con để biết lý do tại sao con ở đây. Nhưng ngài đã thinh lặng và để phần đối thoại với Đức Giêsu cho Đức Maria (x. Lc 2,41-50). Đây có thể được gọi là một sự thinh lặng đầy dũng cảm của Thánh Giuse, ngài thinh lặng trong sự quên mình để người khác lớn lên. Và còn nhiều biến cố khác xảy ra trong cuộc đời, nhưng Thánh Giuse vẫn giữ im lặng để thánh ý Chúa được thành toàn.

Quả thế, Thánh Giuse là con người của thinh lặng, nên: “Ngài cũng là một giáo huấn sống đối với thời đại và thế giới chúng ta. Chắc chắn sự im lặng là một giá trị đối với bất cứ thời đại nào […]. Thánh Giuse nhắc nhớ rằng, người ta chỉ có thể đón nhận Chúa Kitô và mầu nhiệm của Người bằng sự thinh lặng. Chính sự im lặng này, đã cho phép ngài cũng như Đức Maria “lưu giữ trong trái tim” và “suy niệm” mầu nhiệm mà ngài chứng kiến”[4].

* Thánh Giuse, nhà chiêm niệm đích thực

Thánh Giuse ắt hẳn là một nhà chiêm niệm thật sự, bởi ngài sống trong chiều sâu nội tâm hơn là những thái độ hời hợt bề ngoài. Trong các công việc tại ngôi nhà nhỏ, ở làng Nazareth, Thánh Giuse luôn hướng về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, sâu xa hơn thế nữa, ngài hướng về trời cao để tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa.

Sự chiêm niệm của Thánh Giuse không hướng một cách đặc biệt vào sự nỗ lực trí thức, nhưng ngài dành hết tình cảm để gắn bó với Thiên Chúa, Đấng đã chiếm đoạt ngài mỗi lúc một trọn vẹn và thấm nhập vào toàn bộ cuộc sống của ngài. Tuy nhiên, thái độ chiêm niệm của Thánh Giuse đã không làm cho ngài xao lãng những hoạt động và những công việc trong gia đình nhỏ của ngài. Nhưng hơn thế nữa, sự chiêm niệm của Thánh Giuse đã thôi thúc nội tâm của ngài thực hiện các công việc với nhiều nghị lực hơn, nhất là tìm kiếm ý Chúa trong việc chăm sóc Gia đình Thánh Gia và làm cho gia đình nhỏ này trở nên dấu chỉ của ơn thánh sủng của Cha ban.

Tắt một lời, Thánh Giuse không những là con người thầm lặng nhưng nhất là con người chiêm niệm: Ngài sống trong sự đối thoại thân tình với Thiên Chúa, tìm hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa qua những dấu chỉ của các biến cố, và đặc biệt qua dấu chỉ nhân tính của Đức Kitô trong gia đình Nazareth. Ngài đúng là mẫu gương cho những ai được kêu gọi sống đời chiêm niệm

3/ Thánh Giuse – gương sáng ngời cho các đan sĩ hôm nay

* Ai khôn ai dại

Trong bài thơ Cảnh Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ.

Người khôn, người đến chỗ lao xao”

Có một thời, người ta nhận định một người có được hạnh phúc hay không là nhìn vào phúc ‘đa tử đa tôn’. Và cũng thật là hiếm thay vào thời buổi kinh tế như ngày nay mà lại có người nhìn nhận sự ‘khôn’, ‘dại’ qua nếp sống xô bồ với nơi vắng vẻ thanh nhàn.

Trong trọn bộ cuốn Thánh Kinh, người vĩ đại đóng góp vào công cuộc cứu độ nhưng lại ẩn mình kín đáo nhất thì không ai có thể phủ nhận được đó chính là bác thợ mộc Giuse. Thậm chí một trong ba vị ‘ẩn sĩ’ của gia đình Nazareth năm xưa thì vị ‘ẩn sĩ’ huyền bí nhất cũng chính là ngài. Ta chưa thấy ngài nói một lời nào trong Thánh Kinh, mà hoàn toàn nhường lời cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Như thế, cách đây hai mươi thế kỷ thì đã có người biết sống cái ‘dại’ trước ông Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi.

Thánh Giuse là người hùng không danh tiếng, là bác thợ không để lại tuyệt tác nào, đến không ai hay, đi không ai biết… Quan điểm sống của ngài là thinh lặng – lắng nghe – chiêm nghiệm.

Đó cũng không phải là đời sống người đan sĩ đang theo đuổi đấy ư? Khi người đời tìm cách để khẳng định mình bằng bất cứ giá nào cũng phải “có danh gì với núi sông” (Nguyễn Công Trứ), thì đối với người đan sĩ thể hiện bằng cách tự xóa nhòa mình với thời gian, mà ở đây Cha Tổ Phụ đã có câu nói so sánh rất dí dỏm: “…chúng ta phải ước ao nên thánh. Nhưng chớ có ai ước ao cho được phong thánh, chớ ước ao cho mình có truyện thánh đọc trong nhà cơm” (DN, số 120).

Vì thế, để có thể sống trọn vẹn ơn gọi đan tu chiêm niệm, con người ngày nay, đặc biệt là người trẻ cần phải đón nhận và theo đuổi cái ‘dại’ mà Thánh Giuse đã từng sống.

 * Luôn trong tư thế sẵn sàng thực thi ý muốn của Thiên Chúa

Câu này nói thì dễ mà nghe cũng rất là êm tai, thế nhưng được mấy ai thực hành cho trọn vẹn. Và không ai có thể nghi ngờ khi nhân đức này được tặng ban cho Thánh Cả Giuse – người luôn phó thác theo thánh ý Thiên Chúa. Những con người như thế sẽ ít khi sai lầm trong khi phải quyết định, tâm hồn luôn được an bình và thư thái vì không làm theo ý riêng, dầu kết quả có ra sao đi nữa cũng không phải bận tâm, hối hận.

Cũng như mọi người sống đời thánh hiến, việc tìm kiếm và thực thi thánh ý Thiên Chúa luôn được trân trọng, luôn là lý tưởng để họ hướng tới. Nhưng với thời gian, với những nhu cầu của cuộc nhân sinh, lý tưởng ban đầu ấy đôi khi đã bị bào mòn, thay vì tìm kiếm và thực thi Thiên ý, họ lại ngụp lặn trong những dự phóng riêng tư. ‘Cái Tôi’ bắt đầu lớn dần, có khi choán hết cả cuộc sống của họ. Đến lúc này họ tỏ ra không bằng lòng với hoàn cảnh, với những thực tại xung quanh, thói lẫm bẩm kêu ca cũng bắt đầu lộ diện. Đó cũng chính là điều Thánh Phụ Biển Đức đã nhắc nhở các đan sĩ của ngài trong Tu luật chương thư bốn[5]. Và chính thói xấu này mà nhiều người Do Thái năm xưa đã không được vào đất hứa (x. Ds 17,25).

* Công dân của nước trời ngay tại thế

Người công dân được vinh dự và tự hào biết bao khi xuất thân từ một đất nước văn minh và cường thịnh. Họ không những hớn hở cho mọi người biết, mà còn hãnh diện với bè bạn năm châu khi thuộc công dân của đất nước mình. Trái lại, có những người phải lén lún, để không ai biết mình thuộc nước nào vì quá xấu hổ và nhục nhã là công dân của một đất nước lạc hậu, man di mọi rợ.

Là công dân của Nước Trời, Thánh Giuse cư xử không giống như những công dân trần thế: thánh nhân đã chấp nhận làm chồng trên danh nghĩa và làm cha trên giấy tờ. Vì sao thế? Vì ngài tin tất cả là công trình của Thiên Chúa.

Người đan sĩ hôm nay có xác tín mình là công dân Nước Trời đang làm chứng tá cho Tin Mừng hay đang làm chứng cho một Đức Kitô nào khác? Cách sống của người đan sĩ hôm nay còn cuốn hút người khác sống đời thánh hiến nữa không? Nếp sống của người đan sĩ hôm nay có còn thanh đạm, bình dân như Thánh Biển Đức mong muốn, hay đang tìm mọi cách thể hiện ‘đẳng cấp’, thứ vị?

Lịch sử vẫn còn đó. Các dòng tu đã một thời đạt tới hoàng kim với những thành tựu đáng trân trọng, với những đóng góp to lớn cho Giáo Hội và xã hội, nhưng rồi chỉ không lâu sau đó, chính danh vọng, quyền lực và nếp sống hưởng thụ đã vô tình dẫn họ tới chỗ khai tử. Nguyên nhân vì đâu nếu chẳng phải là do bởi đời sống xa hoa và quá chú trọng vật chất đấy ư?

Người đan sĩ hôm nay luôn phải tâm niệm rằng mình là công dân Nước Trời nên cần xa lánh nếp sống vương giả, vì nó tỉ lệ nghịch với nếp sống đan tu.

Kết.                                                              

Với kiến thức hạn hẹp, người viết đã điểm xuyến một vài nét về Cha Thánh Giuse đáng kính trọng và yêu mến. Làm như thế không phải là để “mẹ hát con khen hay”, nhưng là để nhìn lên Cha như là mẫu gương công chính, mẫu gương của đời sống thinh lặng đan tu đích thực và nhất là mẫu gương chứng nhân của niềm hy vọng cho các đan sĩ hôm nay.

Lạy Cha Thánh Giuse, mỗi khi chúng con nhìn lên Cha là trong lòng chúng con khơi lên một niềm hy vọng phấn khích về quê hương mai hậu. Xin Cha tiếp tục hà hơi để ngọn lửa âm thầm mà ngài đã nhen nhóm không bao giờ bị lụi tàn trong chúng con.  Amen.

 

[1] Jean Galot, S.J., Thần Học Thánh Giuse, Nxb. Phương Đông, trang 110.

[2] Sđd, trang 111.

[3] Sđd, trang 112.

[4] Jean Galot, S.J., Thần Học Thánh Giuse, Nxb. Phương Đông, trang 130.

[5] x. TL 4.

Ông Giuse là người công chính

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Tay làm thì hàm nhai, tay quai thì miệng trễ”, với thánh Phaolô thì: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” (2Tx.3,10). Vâng! Đã mang lấy kiếp nhân sinh thì dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, quyền uy hay bần cùng, đời tu hay đời thường… ai cũng phải lao động vất vả mới có miếng ăn. “Lao động là vinh quang”, đây là câu nói khích lệ, trân trọng tất cả những ai đã và đang ngày đêm làm lụng vất vả trong việc mưu kế sinh nhai, trong việc giáo dục, chuyển giao luân lý, tri thức, khoa học, y học cho tầng lớp kế thừa…

Không vinh quang sao được! Vì làm việc, lao động tất cả đều khởi đi từ  Thiên Chúa, Đấng hoạt động, làm việc không ngưng nghỉ như lời minh định của Đức Giêsu: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”(Ga.5,17). Thiên Chúa là Đấng lao động và thực hiện công việc của Ngài  với mục đích duy nhất là bầy tỏ và trao ban tình yêu.

Vì yêu Thiên Chúa đã thực hiện việc tác dựng vũ trụ, vạn vật; vì yêu Thiên Chúa tác dựng và trao ban sự sống cho con người nhân loại, vì yêu mà Thiên Chúa thực hiện một công việc vĩ đại khi tự hạ bước xuống cõi trần mặc lấy thân xác con người yếu đuối, hữu hạn  để dạy dỗ và cứu độ con người nhân loại….Khi mặc lấy kiếp phàm nhân ( ngoại trừ tội lỗi), Thiên Chúa qua con người của Đức Giêsu, Ngài cũng có một cái tên là Giêsu thành Na-ra-rét, được sinh ra và lớn lên trong mái ấm gia đình, có mẹ là Đức Trinh Nữ Maria và dưỡng phụ là Thánh Cả Giuse, điều mà những người Do Thái khi xưa đã nói về Đức Giêsu Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa:“Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ ông không phải là bà Maria sao?” (Mt.13,55); “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả..”(Ga.6,42).

Thực trạng xã hội hôm nay, vì chạy theo lối sống “văn hóa thành công” đã và đang làm hình ảnh những người thợ trong mọi lĩnh vực, từ trong nhà đạo cho đến bình diện xã hội không còn mang những nét đẹp, cao thượng, mang những trái tim thịt mềm của Thiên Chúa. Nói theo cách của những anh em làm nghề xây dựng khi ta thán về cách nghĩ và hành động của công nhân: “ Họ làm theo lương tuần, chứ không theo lương tâm”, nói như thế không có nghĩa là “vơ đũa cả nắm”, nhưng điều này đang là một đại dịch, là ung nhọt gây nhức nhối cho gia đình, Giáo Hội và xã hội.

Trong ngày lễ kính Thánh Giuse Thợ, Đấng bảo trợ cho tất cả những ai đang ngày đêm làm việc, lao động. Trước tiên ta cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho ta sự sống, sức khỏe, tri thức để giúp ta lao động, làm việc, trước là tạo của ăn nuôi thân, giúp ích cho đời, Ngài mời gọi ta cùng cộng tác với Ngài trong chương trình sáng tạo và bảo tồn những gì mà Ngài đã tác dựng, ta cảm tạ Ngài vì Ngài đã và đang song hành, cùng làm việc với ta trong từng ngày sống.

Khi chiêm ngắm hình ảnh và gương sống của Thánh Cả Giuse, một người thợ, dẫu trong Kinh Thánh không nói nhiều về Ngài, không tường thuật một lời nào của Ngài, ngoại trừ lời giới thiệu của thánh sử Mát- thêu:“Ông Giuse, chồng bà là người công chính”(Mt.1,19). Vâng! Với niềm tin vào Thiên Chúa một cách đơn sơ, khiêm nhường, xin vâng theo Thánh ý Thiên Chúa một cách mau lẹ, không do dự; lòng quảng đại và từ bỏ ý riêng, ước mơ và sở thích của mình để thuận theo ý Chúa; chấp nhận và đón nhận những điều trái với ý riêng mình, đặc biệt là thấm nhuần Kinh Thánh và có một trái tim bao dung, yêu thương của Thiên Chúa. Tất cả những đức tính đó đã giúp cho Thánh Nhân lọt vào tầm ngắm của Thiên Chúa khi Ngài mời gọi và trao ban cho Thánh Nhân trách vụ trở thành người bạn đời của Đức Maria, trở thành dưỡng phụ của Đấng Cứu Thế.

Hướng về Thánh Cả Giuse, Ngài là một người thợ, người lao động, người chủ gia đình gương mẫu, thánh thiện, là cành huệ trắng luôn tỏa hương thơm ngát và không bao giờ tàn phai, ta nguyện xin Thánh Nhân giúp ta biết noi gương sống của Ngài, luôn tin tưởng và phó thác cuộc đời cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, giúp ta thực hiện mọi công việc từ lời nói tới hành động bằng một tình yêu, yêu Chúa và yêu người, ta xin Ngài cầu thay nguyện giúp cùng Thiên Chúa, nhất là với Thánh Tử Giêsu, để nhờ ơn Chúa giúp ta sáng suốt hơn, khôn ngoan hơn trong việc tìm kiếm kế sinh nhai, luôn chu toàn bổn phận của mình trong gia đình, cộng đoàn và ngoài xã hội, luôn là một người thợ chân chính. Cuối cùng ta nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse giúp ta và nhất là những vị lãnh đạo Giáo hội, những nhà truyền giáo luôn là những người thợ lành nghề trong cánh đồng truyền giáo còn bao la bát ngát giữa thế giới hôm nay.

Thánh nữ Têrêsa Avila đã quả quyết một cách mạnh mẽ khi Thánh Nhân cầu cùng Thánh Cả Giuse: “Chưa bao giờ tôi xin Thánh Giuse điều gì mà Ngài không nhận lời”

Để kết thúc xin mượn lời cầu của thánh nữ Têrêsa Avila

Lạy Thánh Cả Giuse! Trong suốt cuộc đời, Cha là niềm hy vọng, khi sinh hạ Chúa Giêsu, khi trốn sang Ai Cập, khi sống những ngày tha hương. Cha đã tìm thấy sức mạnh trong sự tin tưởng sắt đá vào quyền năng và lòng Nhân Lành của Chúa.

Hôm nay! Chúng con hết lòng trông cậy, chạy đến cầu xin Ngài. Xin Ngài hiệp lời cầu với chúng con, để xin Con Ngài nâng đỡ chúng con trong cơn khốn khó, xin Ngài ban sức mạnh để chúng con tiến lên như Ngài đã đã vượt thắng. xin Ngài ban cho chúng con ơn trông cậy mà Ngài đã có như ánh sáng hướng dẫn mọi ngày trong đời chúng con. Amen.

Antôn Lương Văn Liêm

Giuse, ngôn sứ thầm lặng

“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” (Mt 13,57)

Suy niệm:  Chúa Giêsu ví mình như “vị ngôn sứ bị rẻ rúng ngay ở quê hương mình” trước những lời dè bỉu của những người đồng hương:“Ông ta không phải là con bác thợ hay sao?”Thì ra thánh cả Giuse, khi nhận lời thiên sứ truyền tin làm cha nuôi của Đấng Cứu Thế, đã phải chịu sự rẻ rúng đó từ hàng chục năm trước đó rồi. Làm “bác thợ ở làng Nadarét” không phải là sắm vai trò ông thợ mộc, cha của Giêsu như một vỏ bọc che mắt thiên hạ; trái lại thánh cả Giuse chính là vị ngôn sứ thầm lặng, dùng cả cuộc sống khiêm hạ của mình để báo trước việc Con Thiên Chúa hạ mình“mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế”ở giữa trần thế để cứu chuộc nhân loại (x. Pl 2,6-7).

Mời Bạn:
  Việc lao động tự nó đã có giá trị làm thăng tiến phẩm giá con người. Hơn nữa gương thánh cả Giuse còn minh chứng những việc làm lương thiện hằng ngày để mưu sinh còn là một phương thế để cộng tác vào công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng được sai đến để“loan Tin Mừng cho người nghèo khó”(Lc 4,18). Noi gương thánh cả, mời bạn và cộng đoàn của bạn xoá bỏ não trạng phân biệt giàu nghèo bằng cách cư xử với mọi người trong tinh thần tôn trọng và giúp thăng tiến phẩm giá của họ. Việc bác ái không chỉ dừng lại ở chỗ chia cơm sẻ áo cho những người túng nghèo mà còn phải chia sẻ với họ những cơ hội để thăng tiến nữa.

Chia sẻ:
Cộng đoàn, giáo xứ của bạn có phương thế nào để xoá bỏ khoảng cách giàu nghèo trong cộng đoàn bạn không?

Sống Lời Chúa:
Giúp một người đang thất nghiệp tìm được công ăn việc làm.

Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.

Lao động vì yêu thương

“Ông ta không phải là con bác thợ sao?” (Mt 13,55)

Suy niệm: “Hãy yêu thích lao động không phải vì lợi nhuận hay phần thưởng; tuy vậy Thiên Chúa đã quyết định rằng lợi lộc lớn lao sẽ là hoa trái cho mọi lao động do yêu thương” (E. White). Thánh Giu-se nhiệt tình trong công việc hằng ngày của nghề thợ mộc, không chỉ vì “tay làm hàm nhai,” nhưng còn vì Ngài đặt vào đó trọn tình thương dành cho Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su mà ngài có nhiệm vụ chăm sóc. Ngài trở thành mẫu gương cho mọi người lao động muốn sử dụng công ăn việc làm như món quà yêu thương đối với những người thân yêu của mình. Thánh Giu-se làm nghề thợ mộc, một nghề thủ công bình thường, tiêu biểu cho sự đóng góp của đám đông công nhân vô danh cho cho sự phát triển của nhân loại, cho ấm no hạnh phúc của con người.

Mời Bạn: Bên cạnh những tên tuổi tầm cỡ có ảnh hưởng đến thế giới, vẫn có đám đông khổng lồ đang âm thầm cộng tác cho việc nâng cao điều kiện sống an vui của xã hội. Thánh Giu-se là quan thầy của những con người vô danh ấy, trong số đó có bạn. Ngài ở bên cạnh bạn, nâng đỡ niềm hãnh diện khiêm tốn của bạn trong tư thế người lao động.

Sống Lời Chúa: Tôi xác tín công việc lao động có giá trị hay không tùy theo ý hướng tôi làm vì ai và tôi đã có những đức tính nào khi làm công việc ấy. Ý hướng của tôi từ nay sẽ là vì Chúa, vì những người thân yêu, vì người nghèo…

Cầu nguyện: Lạy Thánh Giu-se, cảm tạ ngài đã nêu gương lao động miệt mài vì muốn bày tỏ tình thương mến dành cho Đức Mẹ và Chúa Giê-su. Xin cho chúng con ngày hôm nay cũng biết sử dụng công việc lao động như món quà quý giá cho người thân yêu. Amen.