Sống đẹp lòng Chúa bằng việc thực thi lời Ngài (16.09.2023 – Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên)  

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Cr 10,14-22 (năm chẵn), 1 Tm 1,15-17 (năm lẻ), Lc 6,43-49


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,43-49)

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho ! 45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình ; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

46 “Tại sao anh em gọi Thầy : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’, mà anh em không làm điều Thầy dạy ?

47 “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. 48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. 49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

 

Sống đẹp lòng Chúa bằng việc thực thi lời Ngài (16.09.2023)

Ghi nhớ:

“Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai? Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc” (Lc 6, 47-48).

Suy niệm:

Chuyện kể rằng: Tại một vương quốc nọ, nạn tham nhũng xảy ra tràn lan, các quan ăn của dân không chừa thứ gì. Chính vì thế, nhà vua mới ban hành  ra một điều luật; Đó là; Nếu một ai đó bị bắt qua tang đang có hành vi tham nhũng hoặc nhận hối lộ, thì sẽ bị nọc ra giữa triều đình mà đánh đủ 50 roi. Chỉ vài ngày sau khi luật có hiệu lực thì người ta đã bắt được kẻ phạm tội quả tang. Điều trớ trêu thay cho nhà vua là cái người phạm tội đó lại chính là thân mẫu của ngài. Luật pháp bất vị thân, nhà vua ra lệnh cho lính trói mẹ mình lại và đem ra giữa triều đình để xử. Nhưng khi quân lính vừa giơ cao cây gậy lên để đánh, thì lập tức nhà vua liền chạy lại chịu đòn thay mẹ, sau đó ông cởi trói cho mẹ và hô quân lính trói mình lại và tiếp tục đánh cho đủ 50 roi.

Với thân thể rướm máu và khuôn mặt nhợt nhạt, ông quay về phía các quan mà nói:

Bây giờ thì các ngươi có thể ra về. Luật đã được thi hành. Máu vua các ngươi đã chảy ra để đền bù cho tội lỗi này.

Kể từ ngày đó, trong vương quốc người ta không còn bao giờ nghe nói đến nạn tham nhũng hoặc hối lộ nữa.

Khi xây nhà, nhất là ở những vùng đất yếu, miền Tây, người ta phải đào mỗi chân cột một cái lỗ để giộng cây cừ bằng tràm tươi hoặc tre tươi xuống, rồi sau đó mới đổ đà và xây lên. Làm như vậy tuy rất tốn phí, có khi bằng nửa giá trị của căn nhà, thế nhưng người ta phải chấp nhận với mục tiêu là sau này khi xây dựng xong thì sức nặng của căn nhà đã được các móng chịu đựng, vì thế căn nhà sẽ không bị sụt lún gây ra nứt tường hoặc nghiêng ngả…Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su mượn hình ảnh rất sống động đó để so sánh những người nghe lời Ngài mà đem ra thực hành thì ví như người xây nhà đã đổ nền móng vững chắc, còn ngược, lại kẻ nghe lời Ngài mà không đem ra thực thi, thì giống như kẻ xây nhà trên bãi cát chỉ cần mưa xuống nước dâng lên tràn vào nhà thì lập tức căn nhà sẽ bị sụp đổ hay bị cuốn trôi đi. Tan tành

Trong ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Nước đổ đầu vịt” hay “ Nước đổ lá môn” ý nói rằng những lời dạy dỗ, bảo ban của người trên không được kẻ dưới để ý tiếp thu mà đem ra áp dụng vào cuộc sống, để nhờ đó cuộc sống sẽ tốt đẹp lên. Những thành phần như thế sẽ làm cho cha mẹ hoặc những người có trách nhiệm rất rầu rĩ, khổ tâm.

Thiên Chúa yêu thương con người vì thế Ngài chỉ muốn những điều tốt đẹp cho con người mà thôi. Vậy khi hiểu và cảm nhận được tình yêu bao la đó của Ngài, thì chúng ta phải có bổn phận đáp trả lại ân tình đó, bằng cách sống thi hành những điều Ngài truyền dạy. Chính nhờ việc thực thi những điều Ngài dạy bảo đó chúng ta mới có thể nói lên cách cụ thể; mình là người con có lòng thảo hiếu với Đấng đã ban cho mình không biết bao nhiêu là ân sủng, đồng thời việc thi hành những điều Ngài truyền dạy đó cũng sẽ trở nên như chiếc chìa khoá để mở cánh của thiên đàng cho chúng ta được vào hưởng vinh phúc muôn đời sau khi khép lại cuộc sống dương gian.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, chúng con ai cũng có thể tuyên xưng lòng tin của mình nơi Chúa. Nhưng nhiều khi chúng con chỉ là những kẻ tin suông, nghĩ hay nói thì giỏi, đọc kinh nhiều. Còn việc đem lời Chúa ra mà áp dụng vào cuộc sống hàng ngày thì chúng con còn chểnh mảng, thờ ơ. Xin giúp chúng con nhận ra những điều chưa tốt ấy mà biết khiem tốn cùng cố gắng đem lời Chúa ra thực thi. Vì chỉ khi nào chúng con sống đức tin bằng cách cụ thể là thực thi ý Chúa, lúc ấy chúng con mới có thể trở thành những chứng nhân cho Chúa giữa đời mà thôi. Amen.

Sống Lời Chúa:

Cố gắng sống đẹp lòng Chúa.

Đaminh Trần Văn Chính.

Nghe và thực thi Lời Chúa (10.09.2022)

Ghi nhớ:

“Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai? Người ấy ví được như một người khi xây nhà , đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt có dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc”. (Lc 6, 47-48).

 Suy niệm:

Một thiếu nữ nọ, có bác làm linh mục. Một hôm cô đến thăm bác ( đang lúc ngài soạn bài giảng) đồng thời cũng báo cho bác một tin vui: Cô nói.

  • Thưa cha, con đã có người yêu rồi và chúng con sắp tiến đến hôn nhân.

Con đã tìm hiểu kỹ chưa, cháu rể của cha là người như thế nào? Cha đặt câu hỏi.

  • Thưa cha, anh ấy rất đẹp trai, và là một trí thức,

Nghe cháu nói xong cha ghi một số zero trên tờ giấy. Đoạn hỏi tiếp.

Còn điều gì nổi trội nữa không?

  • Thưa cha, gia đình anh ấy rất giầu có..

Cha lại tiếp tục viết thêm một con số zero nữa, rồi lại hỏi.

Còn gì cái gì hay không?

  • Thưa cha. Hiện anh ấy đang làm giám đốc một công ty. Vẫn như hai lần trước, cha lại viết con số zero, rồi hỏi tiếp.

  Còn điều gì đặc biệt nữa không?

  • Thưa cha, anh ấy là một con chiên ngoan đạo, siêng năng đi lễ và luôn sống theo tinh thần Phúc Âm.

Lúc này mặt cha tươi hẳn lên, ngài ghi con số một trước dẫy số zero và nói.

Chúc mừng con đã tìm được người chồng lý tưởng.

Bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su dựa trên luật tự nhiên để dạy cho dân chúng và các môn đệ ngày xưa, cũng như chúng ta hôm nay một kinh nghiệm sống; đó là: “ Xem quả thì biết cây”. Cây tốt thì tất nhiên sinh trái tốt và cây sâu thì không bao giờ có thể sinh ra trái tốt được! Và qua hình ảnh của cây trái, Đức Giê-su muốn hướng chúng ta đến những hành vi của con người: Đó là, kẻ có tâm địa bất chính, bất minh thì sẽ làm và nói những điều xấu. Ngược lại, người có tâm hồn thật thà, ngay thẳng thì sẽ nói năng và hành động những việc tốt lành. Vì những hành động mà con người ta thể hiện ra bên ngoài đều phát xuất từ trong thâm tâm của họ. Mặc dầu có kẻ khéo nói, hắn có thể che dấu tâm địa xấu xa của mình bằng những việc làm được coi là tốt, thế nhưng không chóng thì chầy kẻ ấy cũng sẽ bị  bại lộ, mọi người cuối cùng cũng nhìn ra chân tướng thật sự của y mà thôi.

Một điều rất hệ trọng mà Đức Giê-su nói hôm nay là nếu chúng ta muốn trở thành một con người tốt, có những việc làm tốt thì phải lấy việc nghe Lời Chúa và đem ra thực thi làm nên tảng cho cuộc sống của mình mình: “Lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành” được Đức Giê-su ví như những người khôn ngoan, xây dựng nhà mình trên đá tảng, để rồi dẫu có mưa tuôn, nước có dâng tràn vào nhà thì căn nhà ấy vẫn đứng vững! Nhưng nếu chúng ta chỉ nghe lời Chúa theo lối tai nọ lọt sang tai kia, chứ không chịu đưa Lời Chúa áp dụng vào cuộc sống hàng ngày thì như Đức Giê-su nhắc nhở: “Kẻ đó như người dại, xây nhà trên cát” và tất nhiên vì không có nền tảng vững chắc nên khi mưa gió đến nhà này sẽ mau chóng bị sụp đổ tan thành!

Như vậy, nếu muốn trở thành một cây tốt lành sinh hoa trái “mến Chúa, yêu người” thì điều quan trọng là trong cuộc sống của chúng ta phải luôn để Lời Chúa hướng dẫn, luôn thực thi ý Chúa.   

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đời sống chúng con chỉ có ý nghĩa khi mang lại cho mọi người niềm vui và bình an. Nhưng để sống được như thế chúng con phải để cho lời Chúa hướng dẫn cuộc đời mình. Xin cho chúng con luôn yêu mến lời Chúa và đem ra thực hành trong suốt cả cuộc đời, hầu đứng vững trước những sóng gió của cuộc đời; đó là vượt thắng được những cám dỗ của ma quỷ, của thế gian và của xác thịt. Amen.

Sống Lời Chúa

Tuân giữ Lời Chúa cách triệt để..

Đaminh Trần Văn Chính.

Căn nhà đức tin (11.09.2021)

Ngay từ ban đầu Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, nhưng vì lạm dụng tự do, con người đã sa ngã và phạm tội chống lại thánh ý Thiên Chúa. Vì thế, tốt xấu là tùy thuộc vào trách nhiệm của mỗi người và có thể thay đổi.

Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Lu-ca cho biết Chúa Giê-su áp dụng nguyên tắc “xem quả, biết cây” cho việc phân định hành vi tốt xấu của con người: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra điều xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Lc.6, 45).

Có nghĩa là việc tốt phát xuất tự đáy lòng, cho phép lượng giá mọi hành vi con người.

Là Ki-tô hữu mà ta không biết sống giá trị của Tin Mừng hằng ngày thì cũng ví ngôi nhà xây ngay mặt đất, không có nền móng. Một chút thử thách, một cơn cám dỗ, một sự đau khổ, cũng đủ làm ta nghiêng ngả và sụp đổ. Bài học từ đại dịch Covid-19 làm không ít “căn nhà đức tin” lung lay, sụp đổ, bị phá hủy tan tành; ngược lại cũng có nhiều “căn nhà đức tin” vẫn vững chắc, không gì lay chuyển nổi.

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa và can đảm thực hành Lời của Ngài trong cuộc sống của con, để đời sống con được củng cố chở che ngày càng vững chắc nhờ ơn Chúa luôn. Amen.

CÁT BIỂN

Trước sau như một (12.09.2020)  

Thống nhất đời sống là bước đầu tiên để tiến tới hoàn thiện. Đó là điều mà Chúa Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ cũng như mỗi chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.

Có thể nói con đường xa nhất là con đường từ đầu đến tay. Ước muốn thì nhiều, nhưng biến ước muốn thành hành động thì cả là một quảng đường dài. Cũng vậy nghe mà hiểu đã là khó, huống chi đem ra áp dụng vào cuộc sống quả là một quá trình dài hơi và lắm chông gai. Chính vì thế mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nỗ lực để thống nhất đời sống bằng cách đem Lời Chúa ra thực hành?

Chúa Giêsu đưa ra 2 hình ảnh cụ thể để diễn đạt ý tưởng này:

– Xem quả thì biết cây. Quả tốt phải được phát sinh từ cây tốt. Cây nào thì quả đó. Hành vi được xem là tốt, khi nó phải phát sinh từ ý tưởng đẹp. Còn nếu hành động xem ra xấu là do nuôi dưỡng bởi những ý nghĩ xấu, vì « tư tưởng biến thành hành động ; lòng đầy miệng mới nói ra », rất nguy hại đến mình và cho người. Nên cần lắm thống nhất giữa “cái là” và “cái làm”.

Những người Pharisêu chính bởi không thống nhất giữa ý tưởng bên trong và hành vi bên ngoài nên đã bị Chúa Giêsu khiển trách nặng lời về lối sống giả hình của họ. Hạt giống Lời Chúa thì luôn luôn tốt. Hãy gieo hạt Lời Chúa vào trong tâm hồn mình và hằng ngày chăm sóc vun tưới hạt giống ấy qua việc lắng nghe, học hỏi và suy niệm thì hạt giống Lời Chúa mới phát triển và đâm hoa kết trái tốt đẹp qua những hành động tốt đẹp được.

– Nhà trên nền đá. Tựa như xây nhà trên nền đá vững chắc, thì cho dù mưa sa giống tố và nước ùa vào cũng không làm lay chuyển được. Cũng vậy, nếu ngôi nhà tâm hồn chúng ta được xây bằng vật liệu vững chắc là Lời Chúa, thì cho dù cuộc đời mình có gặp phải những gian nan thử thách hay phải đối mặt với những hoàn cảnh khắc nghiệt, thì ngôi nhà đức tin của ta mới mong được đứng vững.

Xin Chúa cho chúng ta ý thức được tầm quan trọng của Lời Chúa để yêu mến học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh sống của mình qua những việc làm cụ thể. Nhờ đó cây đời của chúng ta mới trỗ sinh được nhiều hoa trái tốt lành dâng hiến cho đời và cho người.

Nói và làm (16.09.2017)

Đã có người từng nhận định rằng: “khoảng cách xa nhất không phait từ Trái Đất đến Sao Hỏa, mà là từ miệng đến tay, hay đúng hơn là từ lời nói đến hành động”. Quả đúng như vậy, dân gian có câu “Nói dễ hơn làm”, những lời nói “phóng đại”, khoe mẽ chưa bao giờ khó bằng việc đưa nó vào hành động thực tiễn.

Nếu chỉ đánh giá con người qua lời nói, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng bị “dắt mũi” bởi những dời dối trá hoa mĩ. Không có gì ngạc nhiên khi có nhiều cô gái bị lừa gạt bởi những gã nhân tình “sở khanh”, “quất mã truy phong”; hay có rất nhiều người bị lôi kéo, dụ dỗ bởi những nhân viên “bán hàng đa cấp”… Lỗi một phần là do họ nhẹ dạ cả tin, dễ tin tưởng vào những lời nói đường mật. Tuy nhiên, cũng có thể là do những người lừa gạt ấy có một khả năng thuyết phục tuyệt hảo, chúng ta có thể thấy nơi họ một sự lôi cuốn khó cưỡng, từ đó khiến ta dễ dàng nghe theo lời họ nói mà chẳng cần quan tâm liệu họ có khả năng thực hiện những việc đó hay không.

Có người đã từng nói rằng: “đừng nghe những gì ‘người ta’ nói, mà hãy nhìn những gì ‘họ’ đã làm”. Một khi đã nhận thấy được những hành động của họ  khác xa với lời nói, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thẳng vào tâm can chứa đầy sự dối trá, lừa phỉnh của những kẻ lừa gạt ấy. Từ đó, chúng ta có thể nhận ra rằng, chính việc nói được mà không là được đã đẩy con người vào đường tội lỗi, dối gạt lẫn nhau; và đương nhiên, đối với những người hết lòng tin tưởng vào chúng ta, hành động đó thật đáng lên án vì nó có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Về cơ bản, những người thích nói hơn làm cũng tương tự những người có thói quen “phóng đại” (hay thường gọi là “nổ”). Mục đích của họ thường là tự đề cao bản thân hoặc “dắt mũi” những “linh hồn trong sáng”. Họ muốn người khác nhìn mình với đôi mắt kính trọng, nể phục nhưng khả năng của họ chưa đủ; họ muốn tạc một tượng đài kì vĩ trong lòng người khác nhưng chính bản thân họ không xứng đáng với điều đó; họ muốn dùng những lời nói hoa mĩ của mình để lôi kéo sự ủng hộ của người khác trong khi khả năng thực hiện điều đó không cao…Thế nhưng, dù là mục đích nào đi chăng nữa, ít nhiều họ cũng đã dối gạt tha nhân, đó vẫn là tội nói dối và tuyệt đối không nên cổ súy.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã chất vấn các môn đệ rằng: “Tại sao anh em gọi thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà anh em không làm điều thầy dạy?”. Ta có thể thấy rằng, nói được làm được là chuyện nhỏ, có một chuyện còn quan trọng hơn muôn phần, đó là phải biết lấy Lời Chúa làm lẽ sống, làm kim chỉ nam của cuộc đời mình. Người đề cao hành động thực tế hơn những lời sáo rỗng, Người muốn chúng ta phải thực thi thánh ý của Ngài. Có như vậy, chúng ta mới được ví như “Người xây nhà trên đá” những kẻ khôn ngoan biết thi hành Lời Người. “Xem quả thì biết cây”, nếu chúng ta sống như Người dạy, người khác sẽ đánh giá tốt những người mang danh Kitô hữu; và đương nhiên, một khi danh Chúa tràn ngập khắp cả địa cầu, nhiệm vụ của chúng ta đã hoàn thành.

Xã hội chúng ta đang sống chứa đầy những lời xảo trá, bịp bợm, nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ là những con cừu non tội nghiệp bị mắc bẫy của những lão sói già ranh ma, xảo quyệt. Mỗi người chúng ta phải biết tỉnh táo, cảnh giác trước những lời nói đường mật, vì “mật ngọt chết ruồi”. Chỉ có một Lời có thể đem lại cho chúng ta sự sống đời đời, đó là Lời của chính Thiên Chúa được mặc khải qua Chúa Giêsu. Những lời Người đã nói ra, Người đều thực hiện, vì Chúa là Đấng Chân Thật và chính Người là Sự thật. Chúng ta phải biết học tập nơi Người, hãy để Chúa trở thành một “siêu người mẫu” – người mà tất cả chúng ta phải noi theo. Chúng ta hãy sống sao cho phải phép, để mai này Chúa sẽ không chất vấn chúng ta như đã chất vấn các môn đệ của Người, vì người không biết không có tội, còn kẻ “tri pháp phạm pháp” sẽ phải chịu phạt nặng hơn.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Ngài đã dạy chúng con những bài học vô cùng quý giá. Xin hãy soi sáng để chúng con biết đưa Lời của Ngài vào cuộc sống hằng ngày, để những Lời ấy trở thành lẽ sống của chúng con; nhưng trước tiên, xin cho chúng con dám thực hiện những điều đã thốt ra từ miệng của chúng con, để những người xung quanh có thể thấy rằng: Người Công giáo đã nói được thì làm được, họ dám chống lại bất công và  yêu sự thật vì chính Thiên Chúa của họ là Sự thật. Amen.

Sơn Còi

Người khôn xây trên đá ngôi nhà chắc chắn và xinh (10.09.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay trình bày hai vấn đề quan trọng trong cuộc sống tạm bợ của một kiếp người.

Thứ nhất, đời sống tự nhiên: Đức Giêsu nêu ra định luật nhân quả: cây tốt – trái tốt; cây sâu không thể cho quả đẹp, thơm ngon. Thánh sử đặt ý tưởng này sau bài giảng trên núi của Đức Giêsu để dẫn người đọc hiểu sâu hơn về những mối phúc mà Đức Giêsu nêu ra cho những ai muốn tìm thấy hạnh phúc thật. Đức Giêsu công khai giảng dạy và kêu gọi mọi người trước hết phải nhìn lại lối sống để thấy được cội nguồn của hành vi, lời nói của mình phát xuất từ đâu? Dân Do Thái đang hoang mang trước các tập tục, truyền thống của cha ông để lại (tuy có phần hình thức, nặng nề…nhưng đấy là lề luật được các kinh sư và luật sĩ Pha-ri-sêu giảng dạy) và trước giáo lý cao siêu của Đức Giêsu Na-da-rét (người đã và đang nhân danh Thiên Chúa để làm nhiều dấu kỳ phép lạ, được nhiều người mộ mến).

Lời giảng dạy của Đức Giêsu mời gọi mọi người nhìn lại nhân cách của chính mình; đồng thời vạch ra những điều sai trái lỗi thời trong việc thực thi lề luật Mô-sê khi khẳng định: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt”. Lấy một hình ảnh quen thuộc trong lãnh vực nông nghiệp “cứ xem quả thì biết cây” đễ dạy cho dân nhận biết cái đúng, cái sai, điều tốt lành và gian ác; qua đó phân biệt được sự thật cứu độ với những lý lẽ viễn vông, giả hình mà họ đang mù quáng tuân thủ; dĩ nhiên Người muốn con người chọn lựa phương án làm cho cây tốt để sinh hoa thơm, kết trái tốt và ngon ngọt. Trước lối sống giả hình của những nhà lãnh đạo Do thái lúc bấy giờ, cùng với những tập tục, truyền thống lỗi thời và quan niệm sai trái về lề luật, khiến nhiều người lầm lạc.

Đức Giêsu xuất hiện và công bố tám mối phúc như lời mời gọi bước theo Người. Đức Giêsu muốn dân Do Thái nhận biết Người để biến đổi và sinh hoa trái là thứ hoa trái mà sau này thánh Phao-lô tông đồ giải thích cho các tín hữu ở giáo đoàn Ga-lát, đó là: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ…” (Gl 5, 22). Người cũng nhấn mạnh đến hệ quả tất yếu trong lối sống của mỗi người: “Xem quả thì biết cây; ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!”;  nếu chiều theo tính xác thịt thì: “ Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng,20 thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái,21 ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy; nhưng nếu sống theo thần khí, thì ngược lại.

Thứ hai, đời sống thiêng liêng: Sự khôn  ngoan chọn lựa chất liệu làm nền móng cho căn nhà đời mình; Đức Kitô là nhà cung cấp vật tư uy tín, chất lượng, để những ai muốn xây dựng một căn nhà chắc chắn và xinh xắn sẽ thỏa mãn giấc mơ “Không gian đẹp” cho đời mình; không những cho riêng mình mà còn cho Thiên Chúa, kiến trúc sư các “linh hồn” nhìn ngắm và khen ngợi.

Cuộc đời là chuỗi thời gian đủ cho mỗi người tài bồi, trang điểm trước khi đến trình diện Đấng Toàn Năng để được xét xử; công trình ấy Đức Giêsu ví như những căn nhà được xây cất tùy thuộc vào nỗ lực bản thân và chất liệu là ơn Chúa và khả năng Chúa đã ban cho để hành động; càng gắng công đào móng cho sâu, đặt nền cho vững thì công trình càng bền, chắc, kiên cố; dù cho bão tố, phong ba; dù có sóng to, lũ quét cũng chẳng lay chuyển, hề hấn gì; đó là căn nhà linh hồn. Đời người, thân xác kết hợp với linh hồn và Thiên Chúa yêu thương đặt nó vào một lộ trình phát triển, Ngài ban cho lý trí để phân biệt đúng sai, phải trái, Ngài ban cho tự do để chọn lựa và tự định đoạt số phận của mình; nhưng vì yếu đuối, con người đánh mất sự minh mẫn ban đầu khiến luôn chọn lựa sai lầm.

Đức Giêsu, Ngôi Lời đã sinh hạ làm người và giảng dạy về sự thật, để giải thoát con người khỏi những lầm lạc đó; nhưng họ đã không nghe, không tiếp đón Người. Đức Giêsu tuyên bố với các môn đệ và những người đang lắng nghe: Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, được ví như người khôn ngoan xây nhà mình trên nền móng bằng đá… Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành. Lời của Đức Giêsu có giá trị đem lại sự sống đời đời; bởi lời Người là lời chân lý, là lời tình yêu của Chúa Cha gửi đến cho nhân loại và là thánh ý Thiên Chúa muốn con người đem ra thực hành để có hạnh phúc đời đời.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

– Hãy biến đổi đời sống tự căn cơ là tâm hồn; một tâm hồn công chính và tràn ngập yêu thương để có những hành vi tốt là hoa trái các nhân đức tự nhiên lẫn siêu nhiên trong cuộc sống.

– Đặt trọn niềm tin nơi Đức Giêsu Kitô bằng việc làm cụ thể: Đến với Người nơi các bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể; đồng thời lắng nghe giáo huấn của Người trong các giờ Phụng vụ và áp dụng phương pháp Lectio Divina của Giáo hội mỗi ngày để bồi đắp nền móng đức tin Kitô Giáo cho ngày thêm vững chắc.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin biến đổi con nên người tốt bằng ân sủng của Chúa và cho con biết nỗ lực làm đơm bông, kết trái như lòng Chúa mong ước, nhờ đó sinh ích cho các linh hồn. Xin cho con và mọi người biết lắng nghe, đón nhận và đem ra thực hành Lời Chúa để có một đức tin mạnh mẽ, một đức cậy vững vàng và một tình yêu nồng nàn, nhờ đó con vượt qua những sóng gió cuộc đời và đứng vững trong ngày Chúa đến.

SỐNG TIN MỪNG

Đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày (Lectio divina).

Đóa hoa lòng thơm ngát (11.09.2015) 

1. Ghi nhớ: “ Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6, 45)

2. Suy niệm:

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta sống hết lòng với tâm tình chân thật, ngay thẳng; hướng dẫn ta cách nhìn nhận, phân biệt người tốt, kẻ xấu qua tâm tính, cách ăn, nết ở của họ.

Cuộc sống muôn hình vạn trạng với biết bao loại người trong xã hội. Giữa biển người mênh mông ấy, chúng ta chỉ có thể nhìn người tốt dựa vào cách ăn nói, cư xử lễ độ, chừng mực, qua việc làm phúc đức của họ vì “người tốt thì lấy ra cái tốt của lòng mình” để đối đãi với anh em xung quanh. Còn “người xấu thì nói lời thô lỗ bất nhã” hoặc có những người dù tác phong, văn phong đều đẹp nhưng lời nói hay ho không đi đôi với việc làm, chỉ lo bề ngoài danh lợi, xa hoa phù phiếm.

Đối với người Kitô hữu chúng ta cũng vậy, đời sống đạo không đơn thuần bằng đọc kinh, đi lễ, làm bác ái, từ thiện để lấy lời khen, nhiều người ca ngợi mà quên đi sống không có cái tâm trong việc làm, lời cầu nguyện không phát xuất từ đáy lòng chân thật sẽ cũng không trở nên đóa hoa lòng thơm ngát làm đẹp lòng Chúa.

3. Sống Lời Chúa:

Sống lời Chúa, nghe lời Chúa, thực thi Giáo huấn của Ngài.

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con cái tâm nhân ái và đôn hậu, để cho mọi người luôn có tấm lòng rộng mở vị tha để luôn đối xử tốt với anh chị em chung quanh con Amen. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *