Vinh dự cao quý và hạnh phúc tuyệt vời của Kitô hữu (19.01.2024 – Thứ Sáu Tuần II Mùa Thường Niên)

Lời Chúa: 1 Sm 24,3-21 (năm chẵn), Hr 8,6-13 (năm lẻ), Mc 3,13-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 3,13-19)

13 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có : ông Si-môn -Người đặt tên là Phê-rô-, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Vinh dự cao quý và hạnh phúc tuyệt vời của Kitô hữu (19.01.2024)

Được Chúa chọn gọi luôn là một hồng ân lớn lao và hạnh phúc tuyệt vời của người được chọn. Đồng thời người được chọn cũng có bổn phận, trách nhiệm hết lòng với sứ mạng Chúa trao khi Người chọn.

Thiên Chúa đã nhiều lần chọn gọi con người. Đầu tiên là Thiên Chúa chọn tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng con người đã dùng quyền tự do của mình, món quà vô giá Thiên Chúa đã trao ban, mà quyết định không muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa, không muốn thua kém Thiên Chúa. Hậu quả của sự kiêu ngạo đó là con người phải chết và rước lấy sự dữ vào cuộc đời.

Con người phát triển sự dữ đến nỗi Thiên Chúa thấy mà ngáo ngán. Ngài đã   “… hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng.” (St 6,6).

Thiên Chúa là Tình Yêu, dù con người phản bội nhưng Ngài vẫn yêu thương và đã có một chương trình cừu con người thoát khỏi cái chết đời đời. Thiên Chúa thực hiện việc cứu độ thông qua một dân Người đã chọn làm dân riêng. Trong tiến trình xây dựng phát triển dân này, Thiên Chúa đã chiều theo ý của họ, chọn cho họ những vị vua để lãnh đạo họ. Vị vua đầu tiên là Sa-un. Nhưng Sa-un đã không biết quý ân huệ lớn lao Thiên Chúa đã ban cho, đã sớm đi theo ý riêng mà không theo đường lối của Chúa, không tuân giữ mệnh lệnh của Ngài, khiến Thiên Chúa phải ân hận : “Ta hối hận đã đặt Sa-un làm vua, vì nó đã bỏ không theo ta và không thi hành các lệnh của Ta.” (1 Sm 15,11). Vì vậy Thiên Chúa đã  thu lại vương quyền đã ban cho Saun mà trao cho Đa-vít.

Đa vít rất kính trọng và trung thành với vua Sa-un. Ngay từ lúc còn niên thiếu Đa vít đã lập nhiều chiến công cho vua Sa-un, nhưng do ganh ghét đố kỵ nên Sa-un đã coi Đa vít như kẻ thù và luôn tìm cách tiêu diệt ông

Bài đọc I trích trong sách Samuel quyển I thuật lại việc vua Sa-un đang lúc truy sát Đa-vit lại rơi vào cảnh tự “nộp mạng” cho Đa-vit. Nhưng Đa-vít kính sợ Thiên Chúa nên đã không ra tay sát hại vua Sa-un, vì vua là người đã được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, dù rằng vua bất xứng và đã bị Thiên Chúa truất ngôi. Lòng kính sợ Đức Chúa của Đa vít khiến vua Sa-un đang coi Đa vít là kẻ thù mà cũng phải thốt lên lời công nhận sự công chính của Đa vít và tin chắc rằng Đa vít sẽ làm vua Israel, đồng thời ông cầu xin Đa vít sau này sẽ sẽ tha cho dòng dõi của ông.

Bài Tin Mừng theo Thánh Marco là trình thuật Chúa Giêsu chọn trong các môn đệ và lập Nhóm Mười Hai. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển Hội Thánh của Người.

Trên nền tảng là mười hai tông đồ với thủ lãnh là Tông đồ Simon Phê-rô, Chúa Giêsu đã chọn những người kế thừa để tiếp nối công việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời và hoàn thành công trình cứu độ toàn thể nhân loại của Người.

Mười hai tông đồ với tính cách, trình độ khác nhau. Tông đồ trưởng Simon Phê rô là dân chài lưới, mộc mạc, nóng nảy, bộc trực, nhanh nhảu nên đã từng “cầm đèn chạy trước ô tô” can ngăn thầy mình đừng đi vào con đường chết (và bị Thầy mắng “đồ Satan”) (x. Mc 8,31-33). Nhưng Phê rô cũng dễ bị hù dọa nên khi đứa tớ gái của Thượng tế tra hỏi đã chối phắt Thầy mình. Matthêu và Batôlômêô là những trí thức am tường Thánh Kinh. Những người còn lại đều là “dân sự bình thường” và làm những công việc lao động tay chân.

Nhưng như Chúa Giêsu đã nói “Không có Thầy, anh em chẳng làm được gì” (Ga 15, 5) và : “anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.(Mt 10,19-20).

Vì vậy, trong ngày lễ Ngũ tuần, sau khi đã nhận Thánh Thần, các tông đồ từ những người nhút nhát sợ sệt đang trốn kín trong nhà, đã mở bung cửa và Thủ lãnh Phê rô đã khởi giảng những lời cốt lõi Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Lời rao giảng nguyên thủy “Kerygma” : Đức Kitô đã chết, sống lại, lên trời, ban Thánh Thần, lập Hội Thánh và sai đi rao giảng.

Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. Người môn đệ của Chúa Giêsu khi đã được chọn gọi thì phải ở với Người trước đã. Ở với Người để được Người dạy dỗ, để học hỏi và bắt chước cách suy nghĩ, thái độ, ứng xử, hành động của Người, nhất là cách vâng lời và tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Và điều vô cùng quan trọng là khi ở với Người sẽ nhận được từ nơi Người nguồn sức mạnh của Thánh Thần vì luôn kết hiệp với Người, và trở nên người môn đệ đích thực của Người để Người sai đi.

Người Kitô hữu khi chịu bí tích Thánh tẩy đã nhận lãnh sứ vụ Ngôn sứ, tức là đã được Chúa chọn gọi, được ở với Người và được Người sai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Đây là hồng ân vĩ đại, là niềm hạnh phúc tuyệt vời mà Chúa đã ban cho.

Nhưng để sự rao giảng có hiệu quả thì cần tiếp tục sống với Chúa bằng việc học hỏi và thực hành Lời Chúa mỗi ngày, để ngày càng trở nên tốt đẹp thánh thiện hơn. Người Kitô hữu chỉ có thánh thiện thì mới có thể đến gần Chúa và ở lại với Người được.

Cầu nguyện .

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn gọi và giao cho con nhiệm vụ tiếp nối công việc của các Thánh Tông đồ là tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người. Đây là vinh dự cao quý và niềm hạnh phúc tuyệt vời cho con.

Nhưng con còn quá yếu kém về mọi mặt. Xin Chúa giúp con luôn biết yêu mến và sống theo Lời Chúa, cho con sửa chữa được những khuyết điểm để ngày càng hoàn thiện bản thân, trở thành tông đồ nhiệt thành và nhân chứng sống động trong việc loan báo Tin Mừng của Chúa. Amen.

Jos. NM Tưởng 

Với Ngài và trong Ngài (20.01.2023)

“Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.”

Chúa không muốn một mình mãi mãi đích thân đi rao giảng Tin Mừng, mặc dù một mình Ngài có thể làm được hết mọi sự mà không cần đến con người. Nhưng, Ngài đã tuyển chọn và kêu gọi một số anh em để cùng làm công việc này.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, mà muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.”

Chúa muốn con người chia sẻ sứ mạng của Ngài. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã giải thích việc làm này như sau: “Để cho tiếng gọi ấy vang lên trong toàn cõi địa cầu, Đức Kitô đã sai các tông đồ do Người tuyển chọn, trao cho các ông nhiệm vụ loan báo Tin Mừng: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền dạy cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

Cảm tạ Chúa đã cho loài người chúng con được tham dự vào công việc cao cả mà chính Chúa Cha đã trao cho Người.

Nhưng, để cho công việc tham dự vào sứ mạng của Chúa có kết quả tốt đẹp, những người được Chúa tuyển chọn phải làm gì? Điều quan trọng và tiên quyết đó là phải “ở với Ngài”. Đây là việc cần thiết nhất.

Bạn không thể rao giảng và làm chứng cho một Thiên Chúa mà bạn không biết. Dù bạn có nói thật hay, có truyền cảm đến đâu, thì cũng đều thất bại. Vì đó không phải là một Thiên Chúa mà bạn đã từng gặp gỡ. Bạn làm chứng cho một điều mà ngay bạn con chưa vững tin.

Chính vì vậy, việc ở với Ngài, lắng nghe Ngài đang hiện diện trong mỗi thánh lễ. Ngài ẩn mình trong tấm bánh nhỏ bé, Ngài vẫn dạy bảo chúng ta qua Lời Chúa mỗi ngày. Chúa ở ngay bên chúng ta, nhưng chúng ta có đến với Ngài hay không thì còn tùy vào chúng ta quyết định.

Chúa chọn hết tất cả chúng ta. Mỗi người đều có ơn gọi riêng, có người chọn đời sống hôn nhân, có người theo cuộc đời thánh hiến, có người nguyện độc thân vì nước trời. Song, tất cả phải được xây dựng trên chính Chúa Giêsu Kitô là nền móng vững chắc nhất. Ngày hôm nay, bạn đã đến với Chúa chưa? Bạn đã ở với Ngài chưa?

Ngọn cỏ ven đường.  

Chúa Giê-su chọn môn đệ (21.01.2022)

Ngày 21.01: Lễ Nhớ Thánh A-nê, trinh nữ, tử đạo

Có nhiều hình thức để giới thiệu Thiên Chúa với mọi người, theo khả năng Chúa ban cho mỗi người, như thiếu niên Carlo Acutis người Công giáo Ý sớm phát hiện mình là một người giỏi tin học. Mới 15 tuổi, cậu được biết đến nhiều nhất qua việc thiết kế một trang web để tổng hợp các câu chuyện về phép lạ Thánh Thể trên khắp thế giới. Hiện nay trang web này đã phát triển thành một trang triển lãm Phép Lạ Thánh Thể Thế Giới, chuyên về các sự kiện siêu nhiên trên. Acutis từng nói: “Cùng đích của chúng ta phải là ở sự vô cùng chứ không phải hữu hạn. Vĩnh cửu mới là quê hương. Chúng ta phải luôn thấy hứng thú khi nghĩ về Thiên Đàng. Thánh Thể chính là đường cao tốc để lên trời.” Cậu được Chúa gọi về năm  2013 ở tuổi 15, Acutis được phong chân phước tại Vương cung thánh đường Giáo hoàng Thánh Phanxicô Assisi vào ngày 10.10.2020. Carlo Acutis là một bằng chứng cho sự thánh thiện thời hiện đại – hoạt động trên internet để làm cho Nước Cha trị đến (Theo The Catholic News Agency).

Tin Mừng hôm nay thánh Marco thuật về việc: “ Chúa Giê-su lên núi và gọi những kẻ Ngài muốn gọi, và họ đến cùng Người”(Mc 3, 13). Sau một thời gian giảng dạy Lời Chúa, Chúa Giê-su quyết định thiết lập nhóm mười hai tông đồ, cùng sống với Người và để tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người. Chúa tuyển chọn môn đệ theo tiêu chuẩn nào? Mười hai ông được Chúa gọi đến không phân biệt người giàu, nghèo, người lao động hay tri thức trong xã hội, ngay kẻ sau này phản bội Người là Giuđa Iscariô cũng được kêu gọi theo Chúa, Người chọn những kẻ Người muốn. Theo thánh Ambrôsiô chia sẻ : “ Chúa muốn các môn đệ của Người có một quyền năng vô biên: Người muốn các tôi tớ thấp hèn của Người nhân danh Người mà thực hiện tất cả những gì Người đã làm khi còn tại thế.”

Chúng ta cũng được Chúa Giê-su gọi và chọn để trở thành môn đệ của Người, được tham gia vào sứ mạng của Người là một vinh dự cao quý. Bài học cho mỗi người chúng ta là con người bất toàn trước mặt Thiên Chúa, nên phải luôn khiêm tốn, đừng phê phán hay chê trách người khác, chúng ta sẽ làm gì khi những người phụ trách các hội đoàn trong giáo xứ còn nhiều thiếu sót, trong cái nhìn so sánh của chúng ta với người khác? Chúng ta sẽ phối hợp hay không phối hợp? Chúng ta có vui khi tiếp nhận và luôn cầu nguyện cho họ, để cùng hiệp hành với nhau trong mọi sứ vụ được giao phó. Chúng ta có nghĩ rằng đó là những người đã được Chúa tuyển chọn không? Chính vì vậy, mà người Kitô hữu cần ý thức về ơn gọi và sứ mạng của mình để trở thành những chứng nhân của Chúa Kitô và của Nước Trời. Theo Tông huấn Evangelii Gaudium (2013), 67 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô:  “Xây dựng cầu nối với tha nhân: Chủ nghĩa cá nhân thời hậu hiện đại và toàn cầu hóa ưu ái một lối sống làm suy yếu sự phát triển và bền vững của các tương quan cá nhân, và làm biến dạng mối dây gia đình. Hoạt động mục vụ cần làm nổi bật sự thật này là mối liên hệ của chúng ta với Cha trên trời đòi hỏi và khuyến khích một tình hiệp thông có tác dụng chữa lành, thúc đẩy, và củng cố các mối quan hệ giữa con người với nhau.”

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự là người Kitô hữu, chúng con muốn trở thành những tông đồ nhiệt thành của Nước Chúa. Xin Chúa đến và giúp chúng con luôn biết yêu mến và sống theo Lời Chúa dạy.                                                                                  

Anna Anh

Giới thiệu Chúa đến với mọi người qua đời sống của mình (22.01.2021)

Ghi nhớ:

 “Người lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” ( Mc. 3, 14 )

  Suy niệm:

 Voltaire (1684-1777) Là một văn hào người Pháp. Nhận thấy có một số phần tử trong đạo Công Giáo làm những điều sai trái, vì  thế, ông có cái nhìn không tốt về đạo và có thành kiến với Thiên Chúa. Bởi đó ông ra sức chống đối, châm biếm và bổ báng đạo. Có một lần ông ngông cuồng tuyên bố rằng:

 – Ông Giê-su phải mất đến 33 năm trời và cần đến Mười Hai môn đệ mới thành lập được Đạo Công Giáo. Còn tôi, 20 năm nữa tôi sẽ cho Thiên Chúa về hưu vì không còn ai tin tưởng và phục vụ Ngài nữa!

Sử sách ghi lại. Đúng 20 năm sau ngày ông phát ngôn phạm thượng đó, ông chết. Điều tồi tệ diễn ra là trước khi lìa đời,  có người khuyên bảo ông nên xưng tôi để chịu những bí tích sau hết, nhưng ông cương quyết không nghe!

Theo lời kể lại của người giúp việc cho ông thì Voltaire khi hấp hối đã nhìn thấy những cảnh tượng ghê rợn, khiến ông tru tréo, gào thét, ông dùng tay cào xé da thịt mình… và người giúp việc nhận xét rằng:

Nếu Quỷ mà có thể chết được! Thì cũng không chết dữ dội như là Voltaire!

 Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Marcô thuật lại việc Đức Giê-su thành lập Nhóm Mười Hai Tông Đồ để các ông ở với Người và sau đó Người sai các ông đi giảng đạo.

Khi ở bên Người, đi đây đi đó các ông học được nơi Đức Giê-su những điều hay lẽ phải. Nói cách khác là ở bên Chúa các ông được huấn luyện, dạy bảo và sau khi các ông đã lĩnh hội được những điều cần thiết rồi thì Người sai các ông đi rao giảng Tin Mừng và  quyền xua trừ ma quỷ.

Với quyền năng của Thiên Chúa thì Ngài chỉ cần phán một lời thôi thì cũng khiến cho tất cả thế gian phải tin tưởng, tôn thờ và phụng sự Ngài. Thế nhưng đó không phải ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Ngài là mọi người phải cùng cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo và cứu độ trần gian. Chính vì thế, mà chúng ta, từng người, ai cũng được Chúa kêu gọi để trở thành những môn đệ đi rao giảng Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người.

Trong nghi thức cử hành Bí Tích Rửa Tội,  người lãnh Bí Tích nhận được một cây nến cháy sáng và một tấm áo trắng tinh.. Điều này nói nên là; từ nay cuộc đời của họ phải trở nên như ngọn nến cháy sáng bằng cách luôn giữ tâm hồn  trong sạch sẽ như tấm áo trắng, để nhờ đó mà đem Chúa đến với mọi người chung quanh.

Đem Chúa đến với mọi người và đem mọi người về với Chúa đó là bổn phận và là trách nhiệm của mỗi Ky tô hữu chúng ta. Cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa và giá tri khi chúng ta thực hiện được lời mời gọi này.  .

 Cầu nguyện:

 Lạy Chúa, bên cạnh chúng con còn biết bao người chưa nhận biết Chúa. Xin Chúa ban nhiều thợ gặt lành nghề đến để cánh đồng truyền giáo được tiến triền tốt đẹp, sẽ có nhiều biết Chúa, tin tưởng và tôn thờ Chúa. Xin cho bản thân chúng con cũng biết làm sáng Danh Chúa bằng đời sống ăn ở hiền lành, để qua cách sống đó chúng con giới thiệu Chúa đến cho mọi người sống chung quanh. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Kính mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người.

Đaminh Trần Văn Chính.

Ở lại bên Chúa và loan truyền ơn Tin Vui (19.01.2018)

Suy niệm

Bài Tin Mừng cho biết, trước khi cứu rỗi thế gian, Chúa Giê-su đã chọn Nhóm Mười Hai để xây dựng Nước Chúa ngay trên trần gian này.

Trải qua từ thời Cựu ước, Thiên Chúa luôn luôn tuyển chọn những người của Chúa, để Chúa thánh hóa và trao ban nhiệm vụ. Khi Chúa phán cùng tiên tri Giêrêmia: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi.” (Gr 1, 4)

Khi Thiên Chúa ông Abraham làm tổ phụ loài người, Chúa phán: “Đức Chúa phán với ông Áp-ram : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.” (St 12, 1)

Thiên Chúa chọn ông Môi-sê. Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: “Ngươi hãy ra đi, đem dân của Ta ra khỏi Ai Cập”. (Xh 3,1-10)

Khi Thiên Chúa đã chọn ai thì Thiên Chúa luôn ở trong người ấy và đông hành cùng người ấy.

Nhưng Chúa phán cùng tôi rằng: “Ngươi đừng nói: “Con là con nít”,

vì ngươi sẽ đi đến với những kẻ Ta sẽ sai ngươi đi,

ngươi sẽ nói mọi điều Ta sẽ truyền dạy ngươi nói.

Ngươi đừng sợ họ,

vì Ta sẽ ở với ngươi để bảo vệ ngươi”. (Gr 1, 7-8)

Trong thời Tân ước, chính Chúa Giê-su đã chọn các Tông  đồ, và ở cùng với các ông: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng.” (Mc 3, 14)

Chính Chúa Giê-su đã chọn các ông: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại.” (Ga 15, 16)

“Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28, 18-20)

Hôm nay đây, mỗi chúng ta đã được tuyển chọn làm con Chúa qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được tràn đầy các ân sủng qua các Bí tích, chúng ta được sống trong Hội Thánh của Chúa, chúng ta được học hỏi chính Lời Chúa qua Hội Thánh, chúng ta luôn có Chúa ở bên chúng ta như lời Chúa hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28, 20)

Ở lại trong Chúa chính là ở lại trong ơn cứu rỗi của Đức Giê-su Ki-tô.

Vậy chúng ta đã làm được gì cho Nước Chúa trên trần gian này. Thánh Phaolo đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” (1Cr 9, 16)

Nói đến việc học hỏi Lời Chúa là một sự ngại ngùng; nói đến việc tông đồ bác ái là một việc khó khăn; nói đến nhà thờ để cầu nguyện và hiệp dâng thánh lễ là một việc sợ hãi; nói đến thực thi Lời Chúa thì cứ loanh quanh. Đó là thực trạng của người tín hữu Ki-tô Giáo hôm nay.

Sống Lời Chúa là xây dựng Hội Thánh, xây dựng giáo xứ, khu xóm, và đặc biệt  xây dựng một gia đình Thánh Thiện.

Điều quan trọng nhất của người Ki-tô hữu là kết hợp mật thiết với Thánh Thể mỗi ngày, để Chúa sống trong ta và ta sống trong Chúa. Chỉ khi chúng ta ở bên Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa, chúng ta mới là con cái đích thực của Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con nhận biết Chúa luôn ở bên con, đồng hành cùng con, con chỉ là con nít, xin Chúa đặt Lời Chúa trên môi miệng con, để con ca rao Danh Chúa trong suốt cuộc đời con. Xin cho con trở nên chứng nhân Tin Mừng giữa môi trường con đang sống. Amen./.

Gã Đầu Bạc 

 

Người gọi những kẻ người muốn (20.01.2017)

Khi tuyển chọn nhân viên vào làm trong một cơ quan hay một công việc nào đó. Người ta phải bắt ứng cử viên nộp hồ sơ, trong đó có đầy đủ sơ yếu về lý lịch cá nhân.. kinh nghiệm nghề nghiệp ..vv. Nhưng đối với Thầy Giêsu thì thật ngoại lệ: một nhóm dân chài ngơ ngác, quanh năm vất vả quăng chài thả lưới, thậm chí còn có cả một ông cuối cùng không ngại bán đứng cả Thầy mình. Người ta bảo trông mặt mà bắt hình dong, nhưng với Chúa, Ngài… chơi tuốt.

Thật ra, đường lối của Chúa ai suy cho tỏ. Ngài đã tuyển chọn nhóm 12 để huấn luyện và trao cho họ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Họ là những cột trụ, là nền tảng cho Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Chúa đã hoàn toàn tin tưởng để trao cho họ sứ mệnh cao cả đó; để rồi họ đã theo Chúa trên mọi bước đường, cùng chung vai sát cánh với Chúa, và đem cả cuộc đời để phục vụ Chúa, đến cả cái chết cũng không làm các ngài tách rời Thầy mình.

Qua Lời Chúa hôm nay, ta suy nghĩ đến việc “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Mỗi người Kitô hữu ai cũng đều ước ao con số những người thợ gặt ngày càng tăng trưởng để có người phục vụ ở những giáo phận vùng sâu vùng xa… Có một việc ít khi ta để ý, là hàng năm mỗi mùa truyền chức Linh mục, Phó tế, khấn dòng… Ta thấy nở rộ lên ở một vài giáo xứ có số lượng người dâng mình cho Chúa rất đông, mà năm nào cũng có một hai ông chịu chức, đi dự đám ăn tiệc, nguyên ông Cố bà Cố cũng năm sáu bàn. Có nhà con trai con gái đi tu hết, chỉ để ở nhà duy nhất một người con phụng dưỡng cha mẹ. Khách nơi xa khi biết sự việc không khỏi ngạc nhiên: Không lẽ đất nơi đây có trạch vàng?

Nhưng khi được tiếp xúc với vị Linh mục quản xứ thì mới thấy công khó của ngài bỏ ra không hề nhỏ: Các tu sĩ tương lai của chúng ta đã được chăm sóc từ bé qua tay các Sơ từ mẫu giáo. Lý lịch gia đình đạo đức, tính tình các em được rèn từ nét chữ nết người. Rồi lên cấp 1, cấp 2, cấp 3 các em luôn được cha xứ dìu dắt hội họp hằng tuần, các anh lớn (dự tu) và gia đình ông bà cha mẹ cũng quan tâm tiếp tay với cha xứ, để  các em có một đời sống căn bản về tu đức, dễ dàng sống đời tu trì sau này. Cứ thế, mỗi năm đi tu hàng loạt, đầu vào đã vậy đầu ra đâu có gì ngạc nhiên?

Các Thầy mỗi năm về nghỉ, chỉ về gia đình vài ngày, còn lại là ở trong nhà xứ, cùng nhau lên kế hoạch giúp cho giáo xứ nào là tập hát cho ca đoàn, giúp các em thiếu nhi sinh hoạt, dạy giáo lý hôn nhân… nên ơn gọi luôn được củng cố chứ không sứt mẻ sau mỗi kỳ nghỉ. Tôi nghĩ một Linh mục quản xứ  có biết bao công việc bề bộn phải làm, nhưng nhờ biết quan tâm vun trồng ơn thiên triệu mà Giáo Hội được hưởng lợi biết bao nhiêu. Rất mong và vô cùng ước mong có nhiều vị Linh mụccũng hết lòng gieo trồng những người thợ gặt cho nước trời như vậy.

Lạy Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Xin Chúa ban cho Giáo Hội chúng con nhiều ơn Thiên Triệu. Xin cho các cha mẹ và các Linh mục quản xứ luôn biết quan tâm đào tạo và vun trồng những mầm non trong gia đình và giáo xứ, để số Linh mục và Tu sĩ triển nở ngày một đông số, cho danh Chúa ngày càng tỏa sáng dưới đất cũng như trên trời. Amen.

THANH ANH NHÀN

Chúa chọn (22.01.2016)

Chúa Giê-su đã chọn những kẻ Người muốn, để họ thi hành sứ vụ Chúa trao. Điều khác thường ở chỗ Nhóm Mười Hai này đều là những người bình thường, thậm chí còn ‘dưới mức trung bình’ chứ không phải là những con người ưu tú xuất chúng theo những tiêu chí tuyển chọn của người đời: một Phê-rô hăng hái, nhưng đã chối Thầy Giê-su ba lần; một Gio-an nóng tính với biệt danh “con của thiên lôi;” một Tô-ma cứng cỏi hoài nghi đòi thọc tay vào lỗ đinh thì mới tin Chúa sống lại; còn Ta-đê-ô và Si-mon lại mang tiếng quá khích. Cũng phải kể đến Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ đã bán Thầy. Vượt lên trên tất cả giới hạn đó, Đức Giê-su đã nhẫn nại, đón nhận các ông, huấn luyện các ông, để các ông quy tụ cho Ngài một dân tộc của giao ước mới.

Chúng ta đang sống trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Hiệp nhất giữa anh chị em Công giáo (khoảng 1,5 tỉ người), với Chính Thống giáo, Tin Lành, và Anh Giáo (tất cả gồm khoảng 2 tỉ). Ngày xưa, Chúa Giê-su đã huấn luyện nhóm Mười Hai. Với tính khí mỗi người mỗi khác, Chúa đã làm cho họ nên một trong Chúa. Các môn đệ đã dám sống và tuyên xưng niềm tin vào Chúa. Hôm nay, Bạn và tôi, chúng ta đã được Chúa Giê-su chọn. Vì thế, chúng ta hãy để Chúa Giê-su huấn luyện, để trở nên người môn đệ có tâm hồn hiệp nhất, để thuộc về những kẻ Người muốn.

Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Xin giúp con luôn biết sống tình huynh đệ yêu thương chân thành với tất cả mọi người không trừ ai : “ Tứ hải giai huynh đệ” khắp nơi nơi, để tình người được sẻ chia nồng ấm, bớt đi những sự vô cảm làm băng giá cuộc đời hôm nay.

BCT 

Ơn gọi: hồng ân và sứ mạng

Đức Giêsu gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người. (Mc 3,13)

Ngày 24.01: Lễ Nhớ Thánh Phan-xi-cô đờ Xan

Suy niệm: Ta thường tìm cách giải thích vì sao người này người kia có ơn gọi này hay ơn gọi nọ; nhưng ta không bao giờ lý giải được rốt ráo, vì tiên vàn đó là một hồng ân. Chúa gọi những ai Chúa muốn. Ơn gọi là một ân huệ vì đó là quà tặng của Thiên Chúa do ý định nhiệm mầu của Ngài chứ không phải do chúng ta có quyền đòi hỏi. Ơn gọi luôn gắn liền với sứ mạng: Chúa gọi các môn đệ để sai họ đi rao giảng. Điều này dễ nhận ra vì sứ mạng rao giảng có thể thấy được qua những hoạt động bên ngoài. Nhưng cũng đừng quên rằng nhịp cầu nối liền ơn gọi với sứ mạng chính là ở lại với Đức Ki-tô bằng đời sống cầu nguyện kết hiệp. Được ơn Chúa kêu gọi thì phải đến ở với Chúa Giê-su thì mới được Ngài sai đi.

Mời Bạn: Ý thức rằng qua bí tích Rửa Tội mọi người đều được kêu gọi và được sai đi, chứ không riêng gì những người được ơn gọi chuyên biệt trong Giáo Hội. Và không chỉ những tu sĩ chiêm niệm mà mọi Ki-tô hữu đều phải có đời sống cầu nguyện để nuôi dưỡng và thống nhất các hoạt động tông đồ của mình. Có những ơn gọi có vẻ như gãy đổ hay mất ‘chất’, ta sẽ không oán trách gièm pha, nhưng tìm cách giúp đỡ trong khả năng mình (nhất là bằng cầu nguyện) để người anh chị em ấy tìm lại được “tình yêu thuở ban đầu” (cf. Kh 2,4).

Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về mối tương tác chặt chẽ giữa cầu nguyện và hoạt động.

Sống Lời Chúa: Sống tâm tình tạ ơn vì mình đã được gọi, và tổ chức lại đời sống, nếu cần, để tạo đựơc sự hài hoà giữa cầu nguyện và hoạt động tông đồ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa vì ơn gọi Chúa dành cho con.

Ở với Chúa để được sai đi

Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,14)

Suy niệm: Cuộc sống người môn đệ Đức Giêsu bao hàm hai nhịp liên hoàn: ở với Người và được Người sai đi.

Trước tiên, phải sống thân mật với Chúa đã, để có kinh nghiệm về Người và để thấm đượm tinh thần của Người. Muốn biết Chúa bằng cái đầu, có thể qua sách vở, chữ nghĩa, qua nghiên cứu; song để biết Chúa bằng trái tim, nhất thiết phải sống với Người…

Sau đó mới có thể ra đi làm chứng nhân cho Người, rao giảng về Người bằng tất cả nhiệt tình và xác tín – là điều kiện để có được lời chứng thuyết phục, nhất là đối với con người thời đại hôm nay…

Mời Bạn: Cải thiện đời sống cầu nguyện, phụng vụ và bí tích của mình bằng việc lắng nghe và suy niệm Lời Chúa. Một khi bạn thực sự yêu Chúa, thì cả cuộc sống bạn là một lời chứng sáng tỏ, hùng hồn, đầy mãnh lực cuốn hút người ta. Bạn sẽ không phải quá băn khoăn về việc nói gì và nói cách nào để rao giảng về Chúa…

Sống Lời Chúa:

–  Đọc và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày;

– kết hợp với Chúa thường xuyên bằng những lời nguyện tắt trước khi bắt đầu một công việc hay một cuộc tiếp xúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong công cuộc xây dựng Nước Trời, Chúa đã cần đến sự cộng tác của các môn đệ. Chúa đã mời gọi các môn đệ đến ở với Chúa trước khi sai các ông đi rao giảng. Ngày nay, Chúa cũng chờ đợi sự cộng tác của chúng con. Xin cho chúng con biết trân trọng đời sống cầu nguyện, biết gặp gỡ Chúa thực sự qua phụng vụ và bí tích – để được Chúa biến đổi. Và chúng con sẽ thành muối men âm thầm thấm đượm vào thế giới này. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *