Tự tôn, con đẻ của lòng kiêu ngạo (29.10.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXX Thường Niên năm C)

Lời Chúa: Lc 14: 1,7-11

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. 

7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này:8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời,9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối.10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.11Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

1. SUY NIỆM

Thói đời, ai lại chẳng thích được chú ý, được trọng vọng ở chỗ đông người. Vì thế, khi đi dự tiệc tùng hay đến nơi tổ chức các sự kiện đông người, nhiều người cố tình ăn mặc sang, chảnh và tìm đến ngồi nơi “danh dự”; hậu quả thường xảy ra, người đó được mời xuống bàn phía dưới mà nhường chỗ cho những vị khách quan trọng hơn, trổi vượt hơn mình. Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại khung cảnh ở nhà một người Pha-ri-sêu, khi ông này mở tiệc khoản đãi bạn bè; Đức Giêsu cũng được mời đến dự.

Trong phòng tiệc, chủ nhân tất bật đón tiếp khách và mời họ ngồi vào nơi xứng hợp với địa vị của từng người. Khi thấy nhiều người cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, Đức Giêsu dùng hình ảnh của một đám cưới để dạy cho các môn đệ thái độ khiêm tốn, tự hạ trong giao tiếp với những người xung quanh, Người nói: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất…”.

Cỗ nhất hay nơi danh dự trong bữa tiệc thường dành cho những bậc vị vọng, những người có vị thế quan trọng hơn đối với chủ nhà; họ là những khách mời được chủ nhân sắp xếp để bày tỏ sự tôn trọng yêu mến. Đừng tự phụ, tự đắc, tự tôn mình lên trứơc đám đông, đến ngồi vào cỗ nhất để tránh bị mời xuống cỗ dưới mà nhường chỗ cho người khác; tránh được xấu hổ khi sự việc xẩy ra.

Qua dụ ngôn, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ và những xung quanh phải biết khiêm nhường để nhận ra vị thế của mình trong cộng đồng, để tôn trọng chính mình và được người khác tôn trọng.

Người khiêm nhường, không tìm kiếm hư danh hay địa vị nơi người đời, họ sống thành thật và muốn ẩn mình đi trước những thành quả tốt lành của các việc họ làm được; họ ý thức có làm được gì, có tài năng gì thì cũng không phải tự sức họ có thể làm được nhưng là do ơn trên ban cho; dù rằng họ đã cố gắng hết khả năng của mình để đạt được điều đó.

Khiêm nhường, còn là nhân đức nhân bản quan trọng, làm nền tảng cho các nhân đức khác phát triển đến mức hoàn hảo; nó đối nghịch với tính kiêu ngạo là căn nguyên của mọi giống tội và giúp cho người có lòng đạo đức, các thánh nhân kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa nhờ các ân sủng của Ngài.

Trong thư gửi giáo đoàn Phi-lip-phê, Thánh Phao-lô Tông đồ dân ngoại đã viết: “Anh em Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 2, 3 – 5)

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Nỗ lực rèn luyện và sống nhân đức khiêm nhường để tránh được cạm bẫy của ma quỷ (là những tính xấu đối nghịch như sự tự tôn, tự đắc, tự phụ, tự mãn) đã gây cản trở con đường tu đức, đường thiêng liêng đến sự sống đời đời.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con ý thức thân phận yếu hèn của mình cùng những hồng ân Chúa đã ban để con luôn biết khiêm tốn phụng sự Chúa và Phục vụ anh chị em, hòng mưu cầu hạnh phúc vĩnh cửu cho bản thân và cho tha nhân.

3. SỐNG TIN MỪNG

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Khiêm hạ để sẵn sàng thưa lời xin vâng như Mẹ Maria trong mọi cảnh huống của cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *