Thứ Ba sau Chúa nhật XXXI thường niên
Thánh Martino
- Bữa tiệc bị từ chối (Lc 14, 15-24)
- Kính thánh Martino (Mc 22, 34-40)
15 Khi ấy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su rằng : “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa !” 16 Người đáp : “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. 17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng : ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ 18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói : ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm ; cho tôi xin kiếu.’ 19 Người khác nói : ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây ; cho tôi xin kiếu.’ 20 Người khác nói : ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’
21 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng : ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ 22 Đầy tớ nói : ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ 23 Ông chủ bảo người đầy tớ : ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. 24 Tôi nói cho các anh biết : Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi’.”
Một trong những người đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” Đây là một người đã cảm nhận được cái phúc khi được dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Nhưng Đức Giê-su đáp lời bằng dụ ngôn bữa tiệc bị từ chối nghe thật trớ trêu: “Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’”
Mọi người nhất loạt chối từ không đến dự tiệc, bằng đủ lý do vì tình cảm, hoặc của cải thế trần khiến họ không thể tham dự tiệc. Đối với họ, bữa tiệc này chẳng thể quan trọng bằng hiện trạng cuộc sống của họ. Đầy tớ ấy trở về báo lại sự việc, chủ nhà nổi cơn thịnh nộ, lên kế hoạch khách mời khác cho bữa tiệc đã bị… “ế”: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’ Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta.”
Người đời thường suy tính khi mời khách, “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Khách mời càng thế giá thì chủ càng “trân trọng kính mời”. Đằng này ông chủ giục mời khắp nơi công cộng, từ đường phố đến đường làng ngõ xóm mọi kẻ “nghèo khó, tàn tật… ép người ta vào đầy nhà cho ta.” Như thế thì khách “bờ rào bờ giậu” như con chắc có phúc có phần lắm! Ông chủ mời tá lả những người nghèo khó bệnh tật, khốn khó bần cùng đầu đường xó chợ, bơ vơ như bầy chiên không người chăn dắt… (gồm những ai đón nhận Người).
Thật Chúa luôn canh cánh tấm lòng yêu thương tất cả, không trừ ai. Vậy mà bao người đã từ chối dự tiệc vì đủ thứ lý do như dụ ngôn trên đây. Dân Do-thái xưa cũng như một số người Ki-tô hữu hôm nay từ khước dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Lời mời dự tiệc chuyển sang cho dân ngoại.
Cuối cùng phòng tiệc cũng đầy ắp khách mời. Những khách mời này thực sự có thiện chí chân thành với lòng khát khao được no thỏa, nên họ cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời, họ hoán cải, đổi thay tận gốc rễ. Còn những người dự tiệc Thánh Thể như nhàm chán, theo thói quen chẳng thấy đói khát gì nữa, lại đói khát những “thứ khác” hoặc đã chứa đầy những “thứ khác” rồi không còn đói khát chi, không màng gì tới bữa tiệc này.
Chúa ơi! Chúa chính là Bàn Tiệc trong Lời Chúa và Thánh Thể. Nơi đâu có Chúa ở đó có bàn tiệc. Khi con kết hợp với Chúa là lúc con đang dùng tiệc. Chính Chúa là bàn tiệc cho con được no thỏa bình an trong mỗi phút giây.
Én Nhỏ
34 Khi ấy, nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. 35 Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : 36 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?” 37 Đức Giê-su đáp : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
Nhân ngày Hội Thánh mừng kính thánh Martino, kính mời cộng đoàn cùng nhìn lại cuộc đời của thánh nhân để học hỏi một chút hương thơm thánh từ cuộc đời ngài.
– Sinh ra trong nghịch cảnh
Martinô Porres sinh ngày 09-12-1579 tại thành phố Lima, nước Peru, Nam Mỹ châu. Cha của cậu là Gioan Porres, một người gốc Tây Ban Nha, sau làm thị trưởng tại Panama. Ông không nhận con khi thấy nó là con lai da mầu. Do đó, suốt nhiều năm, Martinô phải sống cảnh nghèo với người mẹ, không hôn thú, bà Anna Velasquez, một phụ nữ da đen.
Mẹ con cậu Martinô tuy nghèo, nhưng lại rộng lòng bác ái với những người cùng cảnh ngộ. Bản thân Martin, khi chứng kiến cảnh sống thiếu thốn, cơ cực của xã hội, cậu đã thấy lời Chúa mời gọi sống cho người nghèo khó. Cậu thường bớt số tiền ít ỏi mẹ đưa đi mua đồ mà bố thí cho người nghèo.
Khi Martinô được 8 tuổi, cha cậu đã hồi tâm và trở về chăm sóc mẹ con bà Anna Velasquez. Ông đã đem hai con gửi trọ học ở nhà ông chú tên là Giacôbê tại Equador. Ở đây các em được chú thương yêu và thuê người giám hộ tốt để dạy về chữ nghĩa và đức tính.
Martinô là cậu học sinh ngoan và thông minh. Sau hai năm, cha cậu để Gioanna ở lại tiếp tục học, còn Martinô, ông bắt về ở bên mẹ tại Lima.
Thời đó và trong hoàn cảnh sống tại Lima, thợ hớt tóc đồng thời cũng là “thầy lang”. Họ phải học biết các kiến thức y học phổ thông, như biết bắt mạch chuẩn bệnh, biết băng bó vết thương, biết chữa các bệnh cảm cúm, sốt rét, biết nắn khớp xương và pha thuốc. Martinô rất thích nghề này vì nó có thể giúp cậu hiện thực giấc mơ: “chữa bệnh miễn phí cho người nghèo”
Sau hai năm học nghề, mỗi sáng, sau khi tham dự Thánh lễ tại nhà thờ Thánh Ladarô, cậu mang đồ nghề đi rảo quanh khắp xóm dân nghèo, tới đến với những người già yếu, tàn tật để săn sóc bệnh tật cho họ mà không lấy công. Nhiều đêm cậu cũng phải thức để chăm sóc các con bệnh đang cần đến cậu. Nhất là những người hấp hối cần cậu ở bên khích lệ họ tin tưởng vào Chúa, và giúp họ dâng lên Ngài những bệnh tật đau khổ.
– Ơn kêu gọi:
Năm lên 15 tuổi, Martinô xin mẹ dẫn đến tu viện Mân Côi của các cha Dòng Ðaminh tại Lima để xin đi tu. Tuy mẹ mong muốn con làm linh mục hay ít là làm thầy Dòng nhưng Martinô xin mẹ ưng thuận để cậu chỉ xin làm người giúp việc trong Dòng mà thôi. Bà hỏi con: “Tại sao con không muốn làm linh mục hoặc thầy Dòng, mà lại chỉ muốn làm người giúp việc thôi?” Cậu thưa: “Vì con không muốn trở nên người quan trọng. Con chỉ muốn chu toàn những việc tầm thường vì yêu mến Chúa. Xin mẹ vui lòng chấp nhận ước nguyện của con!” Bà quyết định: “Ðược rồi, xin Chúa chúc lành cho con; còn trong tu viện, con muốn ở bậc nào tùy ý con chọn, mẹ chỉ xin con nhớ cầu nguyện cho mẹ”. Trước đây cha Tu viện trưởng cũng đã nhiều lần nghe biết về cậu Martinô, nên người đã ưng thuận. Thế là Martinô được gia nhập tu viện, mang y phục người giúp việc trong Dòng Ðaminh. Cậu cảm thấy mình đã được thuộc trọn về Chúa và Ðức Mẹ.
Chín năm Martinô ở bậc giúp việc; đến năm 1603, khi anh đã 24 tuổi, các Bề trên nhận thấy ơn Chúa thương Martinô nhiều. Anh đã khiêm nhượng xin ở bậc giúp việc chứ không dám xin ở bậc các thầy. Các Bề trên và tất cả nhà Dòng đều nhận thấy anh sống đời cầu nguyện, khiêm nhượng thống hối và bác ái gương mẫu nên đã quyết định cho anh lên bậc tu sĩ thực thụ. Bề trên gọi Martinô và bảo: “Martinô, từ nay con không còn là người giúp việc nữa. Con sẽ là một Thầy Dòng”. Martinô thưa lại, “Thưa Cha, con bất xứng!” “Việc đó Cha chịu trách nhiệm. Con hãy mời mẹ con lên đây dự lễ Mặc áo Dòng!”
Khi được tin, mẹ cậu đã hết sức vui mừng.
Sau ngày Mặc áo Dòng, Martinô đã nhận thêm những trách vụ mới, như việc săn sóc những người nghèo khó bằng những lời: “Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành, gia tăng lương thực này, và xin Người thánh hóa tất cả những ai dùng của ăn này”. Lời nguyện này luôn luôn thấy hiệu lực. Bất kể người được ít kẻ được nhiều, không một ai đến xin ăn mà phải về tay không. Ai nấy đều được no đủ và hài lòng với thầy Martinô.
Một hôm, lúc thầy Martinô đem những ổ bánh cuối cùng trong kho nhà Dòng phát cho người nghèo, làm ông giúp việc nấu bếp lo lắng. Ông chạy đến thưa Cha Bề trên, nhưng ngài điềm tĩnh đáp: “Ông đừng lo, thầy Martinô không phát hết đâu, bánh sẽ còn đủ cho cả chúng ta nữa”.
Quả đúng như lời Cha Bề trên, vì hằng ngày, không rõ số bánh thầy Martinô đã cho đi bao nhiêu, nhưng các thầy vẫn luôn luôn có đủ bánh dùng.
Thầy Martinô luôn làm các việc bình thường trở nên những việc khác thường bằng tình yêu mến Chúa “hết lòng, hết sức, hết linh hồn” và phục vụ “yêu thương” anh em đồng bào theo giới răn bác ái của Chúa. Thầy thể hiện hai giới răn này suốt từ khi có trí khôn. Suốt hơn 45 năm sống đời khiêm hạ và bác ái trong Dòng Thánh Ðaminh tại Lima, Martinô tận tâm phục vụ Chúa nơi các bệnh nhân, những người nghèo khó và các trẻ em mồ côi.
Thầy sống rất đẹp lòng Chúa nên Ngài đã làm bao nhiêu điều lạ lùng qua lời cầu nguyện của Thầy: như các lần thị kiến, xuất thần, đánh tội nhiệm nhặt, ở hai nơi một trật, thông hiểu thần học, làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, cảm thông hiểu biết cũng như sai khiến được các con vật vô tri.
Thầy sống thật xứng đáng là một tu sĩ gương mẫu trong đức vâng lời trọn hảo, đức khiêm nhượng thẳm sâu, và lòng thương yêu đối với các thụ tạo của Thiên Chúa. Vị Thánh hai dòng máu Tây Ban Nha và Pêru da mầu này đã thể hiện tình yêu thương với mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da hay quốc tịch. Thầy phục vụ Chúa Kitô trong mọi người, vô điều kiện và vô giới hạn.
Trong những đêm dài cầu nguyện và thống hối, Martinô được đói khát tình yêu Thiên Chúa, và trong những ngày dài Thầy dành để săn sóc các bệnh nhân, nuôi dưỡng người nghèo, thi hành các công việc lao tác của nhà Dòng với một lòng khao khát cứu rỗi các linh hồn. Ðời sống thánh thiện của Thầy khiến cho các Bề trên và cả tu viện coi Thầy như một vị linh hướng gương mẫu của họ. Chính Thầy đã khiêm nhượng tự xưng mình là “người nô lệ hèn mọn” hoặc là “con chó lai ”. Nhưng người đương thời gọi Martinô là “Cha bác ái” và “Cha của người nghèo”.
Ðầu tháng 11 năm 1639, gần ngày sinh nhật thứ 60, Thầy ngã lâm trọng bệnh, suốt ba ngày chịu đau khổ cách can đảm. Trong khi đó, những người từng được Thầy săn sóc giúp đỡ, đã cầu nguyện và khóc thương Thầy bên ngoài tu viện. Ðến ngày thứ tư, bệnh tình của Thầy có phần thuyên giảm. Ðức Mẹ và Thánh Ðaminh đã hiện ra để yên ủi Thầy. Martinô đã mời Bề trên và mọi anh em trong tu viện tới. Họ đến để cầu nguyện cho Thầy trong cơn hấp hối. Cha Bề trên hỏi: “Thầy Martinô, Thầy muốn chúng tôi hát bài ca nào để tiễn đưa Thầy?” Thầy đáp lại, “Xin hát kinh Tin kính”.
Thế là toàn thể anh em cao giọng cất lên bài ca tuyên xin Ðức Tin. Tới câu “Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình” thì Thầy nhắm mắt lìa trần, linh hồn bay về với Ðấng mà các tu sĩ đang tung hô ca ngợi. Hôm đó là ngày 3 tháng 11 năm 1639.
Ðức Thánh Cha Gioan XXIII đã phong thánh cho Thầy Martinô de Porres ngày 6 tháng 5 năm 1962, và gọi người là “Martinô Bác Ái”. Lễ kính Thánh nhân trong toàn thể Giáo Hội được ấn định vào ngày 3 tháng 11 hằng năm.