Đức Ki-tô là Thiên Chúa (09.06.2023 – Thứ Sáu tuần IX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Tb 11,5-17 (Năm Lẻ), 2 Tm 3,10-17 (năm chẵn), Mc 12,35-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 12,35-37)

35 Khi ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi : “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít ? 36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói : Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi : bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.

37 “Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được ?” Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.

Đức Ki-tô là Thiên Chúa (09.06.2023)

“Sao người ta nói Đức Ki-tô là con vua Đa-vít.”

Khi đọc Kinh Thánh đề cập đến từ “con vua Đa-vít”, thì từ “con” có ba cách hiểu: con ruột là do sanh ra; con nuôi do nhận nuôi; và con cháu ý nói dòng tộc, hậu duệ.

Vua Đa-vít là một hình mẫu lý tưởng mà người Do-thái tự hào, và càng tự hào hơn khi Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng dõi Đa-vít. Thế nhưng Đấng Cứu Thế không chỉ đơn giản là một vị xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, mà Người còn là Chúa và là Đấng được sai đến trần gian. Như vậy, niềm tự hào về một dân được cứu chuộc không chỉ giới hạn cho người Do-thái mà thôi. Ơn cứu chuộc được mở ra cho hết mọi người do bởi vì Người là Chúa, từ trời cao đoái thương và muốn cứu chuộc con người.

Khi trích dẫn Thánh vịnh 110, Chúa Giêsu cho biết Người có hai bản tính: bản tính nhân loại, Người là con cháu thuộc dòng tộc Đa-vít; bản tính Thiên Chúa, Người là Con Thiên Chúa, và vương quyền Người trổi vượt thánh vương Đa-vít. Không những Đa-vít phải gọi Người là Chúa Thượng, mà Thiên Chúa còn đặt cả vũ trụ dưới chân Người.

Bên cạnh đó, Chúa Giêsu cũng cho biết Kinh Thánh đã được Thiên Chúa linh hứng. Đa-vít nói theo linh hứng của Thánh Thần, cho nên tuy ông chưa hiểu, nhưng sự thật đó đã ứng nghiệm. Các kinh sư là những người am tường Kinh Thánh đã không hiểu thấu Kinh Thánh. Trước những giải thích của Chúa Giêsu, không ai chối cãi được, còn dân chúng thì vui mừng hoan hỷ, vì Kinh Thánh mở ra những chân lý cao siêu.

Mầu nhiệm Chúa Giêsu có một ngôi vị nhưng hai bản tính vừa là Chúa lại vừa là người thật không dễ gì có thể hiểu thấu đáo được. Cho nên, chúng ta cần noi gương thánh vương Đa-vít, có một cặp mắt đức tin được Thánh Thần soi dẫn để người có thể nói tiên tri về sứ vụ Đấng Cứu Thế. Nhờ đó chúng ta nhận ra Chúa Kitô là Thiên Chúa đã nhập thể làm người và cứu chuộc ta.

Chỉ vì yêu thương và để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa, Người đã khiêm hạ sinh ra trong kiếp người, chia sẻ thân phận con người nhỏ bé, thấp hèn để cảm thông, chia sẻ với những khổ đau và yếu đuối của chúng ta.

Danh xưng Chúa Giêsu Kitô đã được dùng từ thời các tông đồ, tự nó tuyên xưng một Thiên Chúa trong nhân tính Giêsu và thiên tính Kitô. Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa từ đời đời, đã nhập thể và sinh ra trong dòng tộc Đa-vít, để nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh, Người làm cho bản tính nhân loại được thần hóa thông dự vào thiên tính của Người.

Lạy Chúa, vì Chúa nhập thể làm người để thấu hiểu được kiếp người của chúng con, và vì Chúa là Chúa nên chúng con có một chỗ dựa vững chắc. Xin cho mỗi người chúng con cũng được nhờ Chúa mà được dự phần vào gia đình con cái Thiên Chúa, để được hưởng sự sống trường sinh. Amen. 

Joston

Đấng Kitô là con vua Đavit? (04.06.2021)

Lễ Nhớ Thánh Phêrô Vêrôna, OP

Đã nhiều lần các kinh sư, người Do Thái đã hỏi Chúa Giêsu để Người tỏ cho biết Người là ai, ở đâu mà đến? Nhưng họ đã chưa được Chúa trả lời rõ ràng bao giờ. Hôm nay nhân dịp giảng dạy trong đền thờ, Chúa lại chất vấn họ: “Tại sao các kinh sư lại nói Đấng KiTô là con vua Đavit?”. Chúa lại trích dẫn thêm ở thánh vịnh 109 để nói về Người: “Bên hưữu Cha đây con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con”.

Như ta đã biết các kinh sư là những bậc thầy của dân Do Thái, họ vẫn hàng ngày giảng dạy Kinh Thánh cho dân. Thời Chúa Giêsu thì mới có Kinh Thánh cựu ước. Họ chăm chú học hỏi lề luật, về sách các ngôn sứ nhất là những gì nói về Đâng Cứu Thế mà họ đang hết lòng mong đợi.

Chúa Giêsu đã lấy những điều các kinh sư đang dạy mà hỏi họ. Về tước hiệu “Con vua Đavít, là tước hiệu của Đấng Cứu Thế được Thánh Kinh diễn tả. Trong thánh vịnh 109 qua môi miệng của ngôn sứ Nathan, Thiên Chúa hứa sẽ xây nhà cho Đavit, sẽ cho dòng dõi Đavit được hưng thịnh trường tồn. Ông là một vị vua trước Chúa KiTo hàng nghìn năm, đã được chọn từ lúc còn nhỏ. Với 40 năm trị vì, vương triều ông nổi tiếng có nhiều tài năng, người có công đầu lập nên thủ đô Giêrusalem. Đặc biệt ông đã hết lòng tôn thờ Thiên Chúa, lòng ăn năn hối cải mà đã viết ra hàng trăm thánh vịnh mà ca tụng Thiên Chúa. Vì vậy người ta còn gọi là vua thánh Đavit.

Đến khi Trinh Nữ Maria làm bạn cùng Giuse, mà Giuse thuộc dòng tộc vua Đavit, là lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiên. Khi Chúa Giêsu sinh ra, Người được kể là con vua Đavít theo lãnh vực trần thế. Tuy nhiên Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng sống, cũng là Thiên Chúa, nên vua Đavit cũng phải tuyên xưng Người là Chúa. Nhờ Người mà ông mới được tạo thành, mới được cứu độ. Chính anh mù Batime cũng kêu xin Chúa Giêsu chữa anh: “Lạy ông Giêsu con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.” (Mc 10,47).

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã kín đáo muốn tỏ mình cho người Do Thái biết thân thế của mình là Đấng Cứu Thế, chính là  “Con vua Đavit” mà Kinh Thánh cựu ước đã nói trước hàng nghìn năm trong thánh vịnh 109. Tuy nhiên, những người Do Thái đây dù tai nghe mắt thấy họ vẫn chẳng nhận ra.

Còn chúng ta hôm nay dù đã chẳng được thấy Người, nhưng đã được phúc nhận biết Đấng Cứu Thế trong đức tin. Để mỗi khi nói đến “Con vua Đa vít”, thì ta cũng tin Người là Đấng Cứu Thế chuộc tội nhân loại, là Đấng cứu độ tôi.

Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Chúa vì Người đã ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Xin cho con biết luôn tin yêu thực thi lời Người dạy, để đời này con được sống bình an, đời sau được cùng Người hưởng phúc trên Thiên đàng. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Đức Giêsu là Thiên Chúa (05.06.2020)

Ngày 05.06: Lễ Nhớ Thánh Bô-ni-phát, giám mục, tử đạo

Ghi nhớ:

“Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú. (Mc 12,37)

Suy niệm:

Ở Vatican có một câu chuyện nổi tiếng về một người vô gia cư gốc Ba Lan. Ông ấy thường hay quanh quẩn ở khu Piazza Risorgimento. Rôma. Ông ấy chẳng nói chuyện với ai, ngay cả với các tình nguyện viên Caritas vẫn mang tới cho ông những bữa ăn nóng hổi vào buổi tối. Rồi một hôm ông bỗng thố lộ chuyện đời mình cho họ:

 – Tôi là một linh mục, tôi biết rất rõ về Đức Giáo Hoàng đương kim, vì chúng tôi đã học với nhau trong một chủng viện.

 Chuyện đến tai Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II và khi biết tên của người đàn ông ấy thì ĐTC xác nhận rằng đúng là ngài đã từng học cùng chủng viện với ông. ĐGH muốn gặp ông ấy.

Họ ôm choàng lấy nhau sau bốn mươi năm xa cách!… Cuối buổi gặp mặt ĐGH đề nghị vị linh mục giải tội cho ngài. Sau đó Đức Thánh Giáo Hoàng nói:

 – Bây giờ thì đến lượt anh. Và ông ấy đã xưng tội với ngài.

 Nhờ những cử chỉ ân cần của tình nguyện viên, những bữa ăn, những lời an ủi và những cái nhìn thân ái mà người đàn ông này được phục hồi và trở lại cuộc sông bình thường. Ông trở thành một linh mục tuyên úy một bệnh viện. Đức Giáo Hoàng đã giúp đỡ ông ấy. Chắc hẳn đây là một phép lạ, nhưng cũng là một ví dụ cho thấy phẩm giá của những người vô gia cư cũng là cao quý.

 Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su nêu ra một vấn đề xem ra không hợp lý mấy về cách xưng hô của vua Đa- vit, vì khi ông được Thánh Thần soi sáng đã nói:“ Đức Chúa đã phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con”. Chính vua Đa-vít gọị Đấng Ky-tô là Chúa Thượng, thì do đâu Đấng Ky-tô lại là con vua ấy được? Bởi lẽ theo Kinh Thánh thì Đấng Ky-tô xuất thân từ dòng tộc Đa-vít nên Ngài được cho là con cháu của vua Đa vít. Nhưng đó là cách nói và cách suy nghĩ của người trần gian. Vì thực ra. Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Ngài đã có trước từ thuở đời đời. Bởi thế chính vua Đa-vít cũng phả tôn thờ, phải tuyên xưng Ngài là Chúa Thượng.

Nhưng vì mầu nhiệm nhập thể, để thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại. Đức Giê-su đã đến thế gian, mặc lấy thân phận con người, bởi vậy Ngài không  chối bỏ mình là con cháu của vua Đa-vít. Như lời giới thiệu về Ngài của tông đồ Phao-lô: “ Đức Ky-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa…trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế…”(Pl 2, 6-11)

Chỉ vì yêu thương và để cứu chuộc nhân loại Chúa Giê-su đã từ địa vị Thiên Chúa, Ngài đã khiêm hạ sinh ra trong kiếp người, chia sẻ thân phận con người nhỏ bé, thấp hèn để cảm thông, chia sẻ với những khổ đau và yếu đuối của chúng ta.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su kính mến. Chỉ vì yêu thương chúng con, muốn những điều tốt đẹp cho chúng con mà Ngài đã không quản ngại đến ở giữa với chúng con hầu sẻ chia những yếu đuối bất toàn và khổ đau đồng thời trợ lực, nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con mỗi ngày càng trở nên nghĩa thiết, gắn bó với Chúa hơn và sẽ gắng sưc sống một cuộc sống tốt đẹp để đáp lại tình yêu vô biên của Ngài. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sống gắn bó với Chúa bằng cách luôn giữ mình sạch tội để rước Chúa Thánh Thể mỗi ngày.

Đaminh Trần Văn Chính.

Tước hiệu Ki-tô (09.06.2017)

Suy niệm:

Bài phúc âm hôm nay cho chúng ta biết về Đấng Kitô là ai?

Thế giới hôm nay, người ta thường xây dựng nên hình ảnh một Thiên Chúa theo ý của họ: Thiên Chúa là ông vua có quyền phép tối cao, để khi họ gặp gian nguy thì ông vua ấy cứu họ; Thiên Chúa là một người cha rất nhân từ, nên khi họ có phạm tội hay những lầm lỡ thì người cha ấy không bao giờ chấp tội; Thiên Chúa là một người cha rất yêu thương, dù họ có phản bội thế nào thì người cha ấy cũng không bỏ họ.

Từ quan niệm trên, ngày nay, con người có một sống buông thả, lầm lạc… vì họ cứ lầm tưởng Thiên Chúa như ông vua họ đã đặt nên.

Thiên Chúa của chúng ta chính là Đức Chúa Trời Đấng tự hữu, thiêng liêng, hằng có đời đời, quyền phép, thánh thiện, tốt lành, nhân từ, chân thật và công bằng vô cùng.

Cũng vậy, hôm xưa, dân Do Thái cả các kinh sư cũng lầm tưởng Chúa Giêsu là con vua Đa-vít rồi sẽ làm vua. Theo gia phả thánh sử Mátthêu, Chúa Giêsu là con vua Đa-vít đời thứ 28 (Mt 1, 1-17). Đối với người Đông Phương, gia phả là rất quan trọng, vì có chức năng phân chia thừa kế những chức vụ trong vương quốc hay những chức vụ tư tế. Những ai khẳng định chức vụ nào đó là của mình thì họ phải dẫn chứng (gia phả).

Bài phúc âm muốn nói đến tước hiệu của Đức Kitô. Tước hiệu này nói lên “Người được chỉ định làm vua”, “Người được sức dầu”, “Đấng chịu xức dầu của Gia-vê”. “Người mang phúc Thiên Chúa đến cho dân, dẫn đưa dân chiến thắng trên quân thù, và bảo đảm cho họ sự phồn thịnh và cuộc sống hạnh phúc (1 Sa-mu-en 10,1; 26,9…). Trong gia phả của Mátthêu cũng nói đến tước hiệu này: “Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô” (Mt 1, 16).

Đức Giêsu là Đấng “bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 13:3), “từ trời mà đến” (Ga 3:13; 6:33), “đã làm người và ở giữa chúng ta.” (Ga 1:14.16). Ngài là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Bởi lẽ đó mà Chúa Giêsu chất vấn các kinh sư: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?” (Mc 12, 35). Theo gia phả người Do thái, thì Chúa Giêsu cũng là con vua Đa-vít. Nhưng theo bản tính Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu cao cả hơn Đa-vít bội phần. Khi được Thánh Thần soi sáng chính Đa-vít cũng gọi Đức Kitô là Chúa Thượng.

Câu chất vấn của Chúa Giêsu cũng có ý gợi lên cho các kinh sư biết về Đức Kitô là Con Thiên Chúa, từ trời đến trong thế gian.

Ngày nay, những người theo đạo Chúa Giêsu, nhưng có mấy ai tìm hiểu về Chúa Giêsu, hay chỉ giữ đạo theo truyền thống, hoặc giữ sợ lề luật mà không có lòng yêu mến, tô vẽ nên một Thiên Chúa để giữ. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi” (Phil 3, 7).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con nhận biết Chúa là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng cứu chuộc con.

Xin Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn con đi trong chân lý sự thật, và sống xứng đáng với ơn cứu chuộc.

Gã Đầu Bạc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *