Tha tội phần hồn, chữa bệnh phần xác (12.01.2024 – Thứ Sáu Tuần I Mùa Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Sm 8,4-7.10-22a (năm chẵn), Hr 4,1-5.11 (năm lẻ), Mc 2,1-12


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 2,1-12)

1 Bấy giờ, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, 2 dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng. Người nói lời Thiên Chúa cho họ. 3 Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. 4 Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. 5 Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt : “Này con, tội con được tha rồi.” 6 Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng : 7 “Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng ! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” 8 Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ : “Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy ? 9 Trong hai điều : một là bảo người bại liệt : ‘Tội con được tha rồi’, hai là bảo : ‘Đứng dậy, vác chõng mà đi’, điều nào dễ hơn ? 10 Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt-, 11 Ta truyền cho con : Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà !” 12 Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau : “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !”

Tha tội phần hồn, chữa bệnh phần xác (12.01.2024)

Tất cả các sự kiện trong bài Tin Mừng hôm nay đều làm nền cho lời tuyên bố của Chúa Giêsu “tội con đã được tha”.

Chúa Giêsu luôn thương xót những kẻ đau khổ cả về thể xác lẫn tâm hồn, vì vậy khi thấy một người đau khổ vì bệnh tật, lại có lòng tin mạnh mẽ như người bị bệnh bất toại và thân nhân của anh, thì Chúa Giêsu đã giải thoát anh khỏi cả tội lỗi phần hồn và bệnh tật phần xác. Câu nói “con đã được tha tội rồi” xác định việc tha tội đã xảy ra, đã là quá khứ trước khi anh được khỏi bệnh. Và cách dùng các từ “đứng dậy” tương tự như từ “sống lại”, “phục sinh”. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội và làm cho sống lại. Và khi dùng từ “Con Người” như trong sách Đaniel (Đn 7,13-14) để nói về mình, thì Chúa Giêsu đã xác định Người chính là Đấng Messia, là Thiên Chúa với quyền năng tha tội phần hồn và chữa lành bệnh phần xác. Chính điều này đã khởi nguồn những xung đột và tranh luận giữa Chúa Giêsu và những nhà lãnh đạo Do Thái giáo.

Những dấu lạ của Chúa Giêsu làm đã khiến dân chúng sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa, vì rõ ràng những việc ấy nếu không có bàn tay của Thiên Chúa tác động thì không thể xảy ra được. Chắc chắn dân chúng phải thắc mắc : ông Giêsu này là ai mà làm được những việc như thế ?

Các nhà lãnh dạo Do Thái giáo sống với những kiến thức lấy từ Thánh Kinh. Họ tuân giữ nghiêm khắc Lề Luật, nhưng họ đã thêm thắt và hiểu theo chiều hướng vụ lợi. Vì vậy họ không chấp nhận Chúa Giêsu và giáo lý của Người là giáo lý yêu thương, hy sinh để phục vụ tha nhân. Giáo lý của Chúa Giêsu hướng tới Thiên Chúa là trên hết, đồng thời con người là yếu tố tất yếu để xây dựng hạnh phúc và sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì vậy giải trừ tội lỗi để giải thoát linh hồn thì quan trọng hơn là chữa lành bệnh thể xác, như Chúa Giêsu đã nói : “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho (Mt 6,34).

Cũng có những bậc thầy không a dua theo số đông, mà có những ý kiến riêng, như ông Nicôđêmô đã muốn tìm hiểu giáo lý của Chúa Giêsu kỹ hơn, nhưng vì sợ người Do Thái nên ông chỉ dám đến gặp Chúa Giêsu ban đêm. Hay như Rápbi Gamiliên, vị thầy Pharisêu của Thánh Phaolô, khi Thượng Hội Đồng Do Thái xét xử để kết tội các Tông đồ vì đã rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô phục sinh, ông đã lên tiếng phân tích cho các nhà lãnh đạo biết rằng trước mắt không nên làm hại các Tông Đồ, mà hãy chờ đợi xem sự thể về sau thế nào, vì có thể việc các Tông đồ đang làm là đó là ý của Thiên Chúa, nếu không mọi chuyện sẽ tàn lụi và rơi vào quên lãng. Như vậy nếu làm hại các Tông đồ cũng có nghĩa là chống lại Thiên Chúa (Cv 5,34-39).

Thiên Chúa là vua vũ trụ, là chúa tể muôn loài, nhưng là vị vua yêu thương phục vụ con dân của mình, chứ không phải là bóc lột con dân, bắt dân phải phục vụ và hy sinh cho mình như các vị vua trần thế. Dân Do Thái thật dại dột khi đang có Thiên Chúa là Vua, là Đấng chăm sóc, bảo vệ họ, nhưng lại đi đòi phải có một vị vua trần thế cai trị họ giống như các dân tộc láng giềng. Ngôn sứ Samuel đã phân tích hơn thiệt cho dân biết những tai họa khi bị một ông vua thế gian cai trị và hết lòng can ngăn họ, nhưng họ vẫn muốn gạt bỏ Thiên Chúa và muốn có một ông vua là con người (bài dọc I : 1 Sm 8,4-7.10-22a).

Đối với Chúa Giêsu thì lo việc phần hồn quan trọng hơn lo cho cái thân xác tạm bợ của thế gian này. Con người thường làm ngược lại điều này : lo chữa khỏi bệnh phần xác trước. Khi có bệnh thì mau chóng chạy chữa, phải cầu xin cho khỏi bệnh trước, chứ ít khi biết tạ ơn Chúa, cùng với hy sinh chịu những đau khổ bệnh tật mà cầu nguyện theo ý Chúa.

Ngày nay các bậc cha mẹ chăm lo vật chất và học thức cho con cái rất kỹ lưỡng, thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng, khám sức khỏe định kỳ, chích ngừa đủ mọi thứ, học thêm  hết môn này đến môn kia … đến không có thời gian cho con cái đi thờ đi lễ, học giáo lý nữa … Như vậy thế hệ trẻ Công giáo tương lai sẽ có rất nhiều em mù mờ về giáo lý, lệch lạc về niềm tin bởi những kiến thức sai lạc phổ biến trên không gian mạng, một thế giới mà các em đang đắm chìm vào đấy. Điển hình ngay bây giờ trong các buổi lễ Chúa nhật, không hiếm các bạn trẻ luôn dùng điện thoại để gọi, để chat, thậm chí khi cha giảng thì có những em lấy điện thoại ra chơi game.

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, con là những bổn đạo gốc nên từ thơ bé con đã mặc nhiên chấp nhận quyền năng của Chúa, tin rằng mọi sự đều do Chúa sắp đặt. Con tạ ơn Chúa. Đó là lúc con có được đầy đủ vật chất, khỏe mạnh và bình an hạnh phúc. Nhưng khi cuộc đời con gặp phong ba bão táp, tai nạn, nợ nần, hạnh phúc đổ vỡ … Con đã kêu cầu đến Chúa, đã gõ mãi mà chẳng thấy cửa mở. Con đã thốt lên Chúa đâu rồi, Chúa ở đâu ? Con thấy bơ vơ !

Những lúc ấy xin Chúa giúp con nhớ lại giây phút Chúa bơ vơ trên Thập giá, Chúa cũng đã thốt lên“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?”để biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi con cái của Ngài, mà Ngài đã định sẵn phần thưởng vô cùng lớn lao cho những ai bền đỗ chịu khốn khó vì Ngài, để con can đảm chịu đựng trong sự phó thác vào Chúa và dâng những bất hạnh khổ đau lên Chúa, xin Ngài thương xót cứu vớt chúng con.

Jos. NM Tưởng

Yêu thương là ở cùng (13.01.2023)

Sinh – Lão – Bệnh – Tử

Đó là quy luật của sự sống, không một con người nào có thể thoát khỏi điều này. Ngày nay, khoa học càng phát triển bao nhiêu, y tế càng hiện đại bao nhiêu, thì lại càng có nhiều căn bệnh lạ xuất hiện bấy nhiêu. Con người luôn bị giới hạn bởi sức khỏe, và bị đe dọa bởi các chủng loại bệnh mới, điển hình như dịch Covid đang hoành hành suốt những năm vừa qua.

Khi rơi vào tình trạng đau yếu, đấy mới là lúc ta nhận ra được chính thân phận của mình. Không phải là giám đốc, không phải là giáo viên, không phải là người giàu có sang trọng. Chúng ta chỉ là phận hèn yếu đuối, thân xác hư vô. Chính lúc tuyệt vọng bởi bệnh tật ấy, ta mới biết quay về với bến bờ bình an, là Thiên Chúa hằng yêu thương và chờ đợi ta.

Chắc hẳn mọi người đều từng rơi vào tình trạng cầu nguyện nhưng Chúa không đáp lời. Nhìn cha mẹ mình, người thân yêu mình mắc phải covid, rồi bị đưa đi cách ly, đến khi về đến nhà thì chỉ còn một hũ tro. Họ cũng cầu nguyện vậy, họ cũng trông đợi lên Chúa thôi. Những lúc nguy khó đó, họ tha thiết lắm, hệt như bốn người bạn vác chõng và thả người bại liệt từ trên nóc xuống để được Chúa chữa lành vậy. Nhưng, sao Chúa không đáp lời? Sao Chúa lại để mất mát xảy ra?

Đau đớn, mệt mỏi, gục ngã, thậm chí có người từ bỏ Thiên Chúa sau khi trải qua những biến cố ấy. Nhưng! Chúng ta đều biết Chúa yêu thương con người, Chúa chẳng để ai hư mất. Chẳng lẽ vì ta kêu cầu danh Ngài, cầu nguyện cùng Ngài, mà Ngài lại phạt ta phải chết, phải đau đớn sao?

Thưa không! Thiên Chúa không chỉ tay ra và chúng ta khỏe mạnh như chưa có gì. Thiên Chúa không búng tay làm phép lạ từ chỗ này đến nơi kia. Cách mà Người làm là cho chính con một của Người xuống thế, mang thể xác phàm nhân. Chúa Giêsu chịu cùng đau đớn với chúng ta. “Con bệnh tật, Chúa bệnh tật cùng con. Con bị nỗi đau thân xác dày vò, Chúa nát thân trên thập giá để đau cùng con. Con phải đối diện với cái chết, Chúa đã chết trước con để cứu con khỏi chết muôn đời.

Hãy nhớ, Thiên Chúa chọn cách ở cùng loài người. Như người mẹ thao thức cả đêm, cứ lo lắng đứng cạnh giường đứa con đang ốm. Người mẹ không chữa bệnh được, nhưng sao vẫn cứ đứng đó. Vì người mẹ thương con, thương lắm, dù không làm được gì nhưng vẫn muốn ở cùng con. Thiên Chúa của chúng ta cũng như thế. Người không bao giờ bỏ ta, cho dù bất cứ điều gì có xảy ra.

Xin Chúa ban thêm lòng tin son sắt cho chúng con. Để dù trải qua đau đớn, bệnh tật, mất mát, con vẫn tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Và con biết rằng, không có điều gì nằm lệch khỏi kế hoạch của Người. Chúa ơi! Người thương con quá đỗi, Người hằng thao thức bên con. Lạy Chúa, con cũng yêu Chúa!

Ngọn cỏ ven đường.

Quyền năng Đấng Cứu Thế (14.01.2022)

Niềm tin vào Chúa Giê-su là Đấng có Lòng Thương Xót là vị lương y đầy quyền năng như đã tiềm ẩn trong tâm trí của người Kitô hữu, mọi sự đều trông cậy vào Ngài. Chuyện về một đoàn viên, anh có tiền sử về bệnh gan, anh vẫn kể chính Chúa cứu anh khi anh rơi vào hôn mê bất động 3 ngày liền, bác sĩ đã nói với người nhà về chuẩn bị hậu sự, nhưng bất ngờ và lạ lùng, anh hồi tỉnh trước sự ngạc nhiên của bác sĩ điều trị. Hiện nay anh là đoàn trưởng của Huynh đoàn Đa Minh giáo xứ Tân Trang thuộc Liên huynh Thánh Hiển. Điều thần kỳ chỉ có Chúa mới làm được những việc mà con người không thể làm, anh cảm nhận Chúa đã tặng anh sự sống mới, để anh tiếp tục phụng sự và lan tỏa tình thương của Chúa với mọi người. Mỗi khi gia đình các anh chị đoàn viên có những chuyện lo âu như đau yếu, bệnh tật thì tất cả nhắc nhau cùng cầu nguyện, luôn nhớ đến với Đấng giàu lòng xót thương để xin ơn chữa lành, nếu điều khẩn cầu vừa ý Chúa, xin Ngài chúc lành.

Trong bài Phúc Âm hôm nay theo thánh Mác- cô, khi Chúa Giê-su trở về Capharnaum, nhiều người lại đến nghe Chúa rao giảng Tin Mừng, đông đến nỗi không còn chỗ đứng (Mc 2,3), cho thấy Lời Chúa giảng dạy đem lại niềm vui hy vọng và bình an trong tâm hồn mỗi người, giúp mọi người nhận biết những tội lỗi đã xúc phạm đến Chúa và anh em mình, để chúng ta biến đổi hành vi, lời nói và tạo nên mối thân tình với mọi người xung quanh: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” Ga 6,63b.

Bài Tin Mừng cũng nói đến việc Chúa Giê-su chữa lành người bại liệt, được bốn người khiêng đến, vì dân chúng quá đông, nên họ thòng chiếc chõng và người từ mái nhà xuống bên Chúa: “Hỡi con, tội lỗi con được tha” Mc 2,5. Lời Chúa Giê-su chứng minh Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, có quyền năng Thiên Chúa. Có mấy người Luật sĩ gần đó, thầm nghĩ rằng: “ Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa” Mc 2,7. Thời xa xưa người Do Thái đã biết chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội lỗi mà con người đã phạm, người bất toại đã tin vào Chúa Giê-su nên được chữa lành phần xác và được tha tội phần hồn. Thánh Augustino đã từng nói: “Nếu mặc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa”. Chỉ có thể nhận biết Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa khi có lòng tin. Những kẻ chứng kiến Chúa Giê-su nói với người bại liệt “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người”  Mc 2,11, thì đều sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ” Mc 2,12. Chúng ta ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa, vì mỗi ngày đã lãnh nhận nhiều hồng ân của Chúa trải dài từ điều đơn giản nhất là hít thở không khí giúp cơ thể có sức sống, có trí khôn nhận biết thế giới vạn vật đa dạng và có lợi ích cho nhu cầu cuộc sống con người, chúng ta có là nhân chứng của Đấng Toàn Năng không?

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết giúp nhau đến với Lời Chúa, để chúng con giữ vững đức tin là Chúa vẫn đồng hành với chúng con trong sứ vụ loan tin vui của Thiên Chúa đến khắp nẻo đường trên đất nước và được chữa lành bệnh tật xác hồn.

Anna Anh

Đưa anh em đến với Chúa (15.01.2021)

Ghi nhớ:

 “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: Này con, con đã được tha tội rồi”.

 Suy niệm:

 Em rất thích hát, nhưng vào ca đoàn chẳng được bao lâu thì anh ca trưởng bảo em tạm nghỉ một thời gian. Em biết đó là cách anh ca trưởng  muốn đuổi khéo em, không để em được hát trong ca đoàn nữa! Em rất buồn vì nghĩ răng: Giọng ca mình chắc có lẽ giở lắm.

 Một buổi chiều nọ, lang thang ra công viên, em ngồi em hát, hát liền một lúc mấy bài cho đến khi em cảm thấy mệt mới thôi. Bỗng nhiên, em nghe thấy có tiếng nói sau lưng mình:

– Cháu có giọng hát rất hay. Chiều mai, cháu có thể ra đây, hát cho ông  được nghe nữa không?

Em mừng lắm, liền nói.

 – Cảm ơn ông đã khen. Vâng ngày mai cũng giờ này cháu sẽ ra đây để hát cho ông nghe.

  Sau này em trở thành một ca sỹ nổi tiếng. Nhớ tới ông,  một hôm ra công viên, đến cái ghế đá ngày xưa để tìm lại ông. Nhưng không thấy,  hỏi thăm những người buôn bán tại đó thì họ cho  biết:

– Ông già điếc hay ra công viên ngồi mỗi buổi chiều mới mất cách nay mấy tháng.

Em về và trong lòng thương mến ông rất nhiều. Thì ra là để khuyến kích em,  ông đã không tiếc lời khen là em có giọng ca rất hay. Người ta bảo rằng ông đã mất, nhưng đối với em ông vẫn còn sống mãi trong tâm thức của mình.

 Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Mác cô thuật lại sự việc Đức Giê-su chữa lành cho một người bại liệt. Có hai điều đáng lưu ý trong đoạn Tin Mừng là: Thứ nhất vì người ta đến nghe Đức Giê-su giảng đạo rất đông nên người bại liệt không thể tiếp cận với Ngài được, do vậy; bốn người khiêng anh bại liệt mới sáng kiến ra là phải trèo lên mái nhà, dỡ ngói ra rồi dùng dây thả người bại liệt xuống trước mặt Đức Giê-su. Vì vậy anh bại liệt đã được Chúa chữa lành. Điều thứ hai là: thạy vì nói: “Này con, con đã được chữa lành” thì Đức Giê-su lại nói: “Này con, con đã được tha tội rồi”.

Vậy bài học thứ nhất rút ra từ sứ điệp Lời Chúa hôm nay là: Vẫn biết rằng chỉ có Chúa mới có thể chữa lành cho một con người đã bị bệnh bại liệt từ lâu. Nhưng nếu như không có những người mang người bệnh đến để  được Chúa chữa lành thì chắc là người bệnh sẽ không có cơ hội để khỏi bệnh. Chúa muốn chúng ta cũng phải cộng tác với Ngài để Ngài thực hiện những phép lạ. Như vậy, bổn phận của chúng ta là phải đưa mọi người đến với Chúa, nhất là những người mang bệnh tật trong tâm hồn, chúng ta có thể thực hiện việc này qua lời cầu nguyện, qua việc khích lệ, động viên để cùng nhau làm việc lành, xây dựng xã hội và cộng đoàn nên tốt đẹp…

Bài học thứ hai rút ra là. Chỉ có Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Là Đấng Cứu Độ chúng ta, Ngài uy quyền và toàn năng, Ngài đến thế gian để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi quyền lực sự dữ, nên chúng ta phải có tâm tình; hoàn toàn tin tưởng và tín thác vào Ngài và luôn chạy đến bên Ngài để được bảo vệ chở che.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su. Tuy chúng con chỉ là tạo vật thấp hèn, nhưng chúng con đã được Ngài mời gọi để cộng tác với Ngài trong công trình sáng tạo và cứu độ nhân loại. Xin cho chúng con luôn biết tôn thờ Chúa hết lòng và biết đem mọi người đến với Chúa qua những việc làm tốt đẹp mà chúng con ra sức thực hiện hàng ngày để nhờ đó mà Danh Chúa được cả sáng. Chúng con cảm tạ Chúa. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Quan tâm, động viên, khịch lệ những anh em gặp khó khăn bên  cạnh chúng ta trong cuộc sống.

Đaminh Trần Văn Chính.

Niềm tin tuyệt đối vào Chúa (18.01.2019)

Ngày 18.01: Lễ Nhớ Thánh Ma-ga-ri-ta Hung-ga-ry Trinh nữ

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Máccô cho chúng ta biết về việc Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt khi mà anh ta không thể tự mình đến với Chúa được, anh phải nhờ những người khác dùng cái chõng để khiêng anh đến. Nhưng vì số lượng người tập trung ở đó quá đông, nên những người giúp anh phải dỡ mái nhà để thòng cái chõng và người bại liệt xuống ngay trước mặt Chúa Giêsu. Nhận thấy niềm tin của họ thật mãnh liệt, nên Chúa Giêsu đã động lòng thương xót và chữa lành cho người bại liệt đó.

Cuộc sống vất vả gian truân

Khổ đau gian khổ bao lần xảy ra

Lòng người cảm thấy xót sa

Đôi khi nản chí tưởng là buông trôi

*

Niềm tin vào Chúa sáng ngời

Quyết tâm tìm đến để Người ủi an

Dù cho vất vả gian nan

Một lòng trông cậy, lòng tràn tín trung

 

Để chữa lành cho người bại liệt, Chúa Giêsu đã nói“ Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Một số luật sĩ có mặt ở đó nghĩ thầm răng: “Sao ông này lại nói thế? Ông đã nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết họ đang suy nghĩ như vậy nên Ngài đã nói  với một giọng đanh thép và đầy uy quyền: “Vậy để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội!”Quay về phía người bại liệt, Ngài phán: “Ta truyền cho con, hãy đứng dậy, vác chõng mà về”Tất cả sự việc xảy ra một cách nhanh chóng và có hiệu quả ngay lập tức. Người bại liệt liền đứng dậy vác chõng ra về, làm cho mọi người có mặt ở đó hết sức sửng sốt kinh ngạc. Việc làm này đã chứng tỏ Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền năng tuyệt đối mà những người luật sĩ lại không nhận ra.

Chúa là Đấng Thánh nhân lành

Tin tưởng vào Chúa, tâm tình cầu xin

Lại thêm củng cố đức tin

Chúa thương đón nhận giữ gìn con đây

*

Thương đau rồi cũng qua ngay

Niềm vui trở lại tràn đầy mãi luôn

Xua tan quá khứ u buồn

Hân hoan phấn khởi trào tuôn ơn lành

Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần phải liên kết với cộng đoàn. Người bại liệt nếu không có sự trợ giúp kết hợp với lòng tin mạnh mẽ của những người giúp đỡ, thì chắc hẳn anh ta không thể đến với Chúa Giêsu được và như thế thì anh sẽ bị bại liệt suốt đời. Do đó được thuộc về cộng đoàn và được sống với cộng đoàn là một diễm phúc thật lớn lao. Chúng ta cần có mối tương quan mật thiết với mọi người để cùng thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống.

Cuộc sống liên đới anh em

Giúp nhau để được tăng thêm tình người

Dựng xây tô điểm cuộc đời

Yêu thương hiệp nhất rạng ngời niềm tin

*

Thực lòng ước nguyện cầu xin

Chúa thương cứu giúp, giữ gìn chở che

Hồng ân ơn phúc tràn trề

Có Chúa phù hộ chẳng hề khổ đau

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết tìm đến với Chúa và đặt trọn vẹn niềm tin vào Chúa, để được Chúa xót thương trợ giúp; nhất là những lúc chúng con đau buồn và thất vọng vì những gian nan thử thách trong cuộc sống. Xin Chúa cũng cho chúng con biết sống tình liên đới với mọi người để được sẻ chia và giúp nhau thăng tiến trên con đường tiến về Quê Trời vinh phúc. Amen.

 

HOÀI THANH

Niềm Tin thể hiện bằng hành động và Quyền tha tội (12.01.2018)

Bài suy niệm I:  Niềm Tin thể hiện bằng hành động

Kể truyện

Trong cơn hỏa hoạn, gia đinh anh bị cháy rụi. Đang trong trong lúc cháy to, ngọn lửa cuồn cuộn thiêu đót căn nhà. Từ trong nhà, có tiếng gọi: Ba ơi cứu con!

Người cha đứng phía dưới chẳng biết làm gì.

Đang trong cơn hoảng loạn, ông nhìn thấy mập mờ đứa con, liền kêu to: Con nhảy xuống đây, bố đón con.

Thằng bé nghe tiếng bố gọi, liền chạy từ trong phòng ra ngoài hành lang và nhảy xuống theo tiếng gọi, tin chắc rằng có bố đón. Thế là nó nhảy.

Bay qua lửa, vượt qua khói, nó rơi tự do và kêu ầm lên: Bố ơi, con đây.

Trước khi chạm đất, nó đã ở trong tay người bố một cách an toàn.

Suy niệm

Thể hiện Niềm Tin là đón nhận hạnh phúc.

Từ khi con người phạm tội, con người đã đánh mất Niềm Tin: Niềm Tin vào Thiên Chúa. Niềm Tin được sống đời đời.

Thiên Chúa Nhân Từ, luôn luôn cho ta cơ hội để thể hiện Niềm Tin vào Thiên Chúa sẽ được hạnh phúc và được sống đời đời.

Khi Tổ Phụ Abramham tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, ông đã sẵn sàng sát tế đứa con yêu quý duy nhất làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Ông đã trở thành Tổ Phụ của chúng ta. 2 Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.”

Cũng vậy, khi trong sa mạc, dân Do Thái đã kêu trách Chúa và Ông Môi-sê, Ông đã khẩn cầu cho dân. 8“Đức Chúa liền nói với ông: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.”9Ông Môi-sê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống.

Trong bài Tin Mừng, người bại liệt muốn được chữa lành, trước tiên anh phải Tin và thể hiện Niềm Tin. Anh tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Giê-su, anh không thể đến được nên anh đã nhờ người khiêng anh đến với Chúa Giê-su. Nhưng rồi cũng không đến được, người ta phải nhiệt tình dỡ mái nhà mà thả anh xuống trước mặt Chúa Giê-su. Niềm Tin phải thể hiện bằng hành động, anh đã được chữa lành. “Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên võng xuống.” (Mc 2, 4)

Cũng như Thánh nữ Faustina, toàn cuộc sống của Thánh Nữ được tập trung nơí sự kết hiệp ngày càng tràn đầy hơn với Thiên Chúa và cộng tác với Chúa Giêsu trong công trình cứu rỗi các linh hồn. Chúa Giêsu đã tín thác cho một sứ mệnh lớn lao: đó là Lòng Chúa Thương Xót đối với toàn thế giới. Ngài nói với chị: “Hôm nay Cha gửi con tới với toàn nhân loại với Lòng Thương Xót của Cha. Cha không muốn đánh phạt nhân loại khổ đau, nhưng mong muốn nó được chữa lành và ôm chặt nó vào Trái Tim từ bi của Cha” (Nhật ký tr. 827).

Thánh Gia-cô-bê đã nói: ” Đức tin không có việc làm là Đức tin chết “.

Thật vậy, những ai luôn sống trong Niềm Tin, Niềm Tin vào Đức Giê-su Ki-tô thì luôn được Bình An – Hạnh Phúc và chắc chắn họ sẽ nhận được phần thưởng Nước Trời.

Những khi đau buồn, tìm đến với Chúa Giê-su, ta sẽ được niềm vui.

Những khi bị hất hủi, bị loại trừ, bị tủi nhục, tìm đến Chúa Giê-su, ta sẽ được bình an.

Những khi bị hành hạ, đau thương, tìm đến Chúa Giê-su, ta sẽ được sức mạnh.

Những khi sa nga, tội lỗi, tìm đến Chúa Giê-su, ta sẽ được nâng đỡ và thứ tha.

Sống tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, thể hiện Niềm Tin ấy trong cuộc sống như Thánh Phaolo: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi. Hiện giờ tôi sống trong thân xác, là tôi sống trong lòng tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và đã phó mình vì tôi.” (Gl 2, 20)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong từng hoàn cảnh, từng việc làm của con luôn thể hiện Niềm Tin tuyệt đối vào Chúa, để con được sống hạnh phúc ngay ở đời này và sự sống đời sau. Amen./.

Gã Đầu Bạc

***

Bài suy niệm II:  Quyền tha tội

Tin mừng hôm nay, thánh Mác cô kể lại những ngày đầu Chúa Giêsu đi rao giảng tin mừng. Dân chúng đã kéo đến với Ngài rất đông gồm cả những người có lòng tin và cả những luật sĩ đến để xem xét soi mói. Với những người có lòng tin đã đem đến cho Chúa một người bất toại, Ngài đã thương chữa họ. Khi chữa người bất toại Chúa đã dùng lời nói: “ở con, tội lỗi con đã được tha”, Chúa đã động đến quan niệm sai lầm của người Do thái thời ấy. Họ coi bệnh tật, đau khổ mình gặp phải đều là ác quả của tội lỗi. Vì thế Chúa đã bị các luật sĩ chê bai kết tội: “Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa”. Với lời nói và việc làm khi chữa bệnh ấy, Chúa đã khẳng định cho mọi người: Ngài có quyền phép của một Thiên Chúa, nên cũng có quyền tha tội.

Giờ đây, xin Chúa ban thêm cho chúng con đức tin, để nhận ra Chúa, để được đón nhận những ân huệ lớn lao Chúa gửi đến cho chúng con như Chúa đã ban cho người bất toại xưa. Cũng như xưa, Chúa đã nói với các môn đệ: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này rời khỏi đây qua bên kia, nó cũng sẽ qua và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.” (Mt17, 20)

Xin Chúa cũng đừng để cho chúng con mắc phải sai lầm, mù quáng như những luật sĩ xưa mà không nhận ra Đấng cứu độ đang ban ân huệ cho người bất loại và chúng con hôm này.

Jos. Ngọc Năng BC

Chúa Giêsu mạc khải uy quyền của Thiên Chúa (12.01.2017)

Hỡi con, tội lỗi con đã được tha(Mc 2,5). “Ở dưới đất này con người có quyền tha tội” (Mc 2,10).

Người bại liệt không đi được phải khiêng nhưng không sao chen vào được. Họ đã tin Chúa đến nỗi dám dỡ mái nhà để có thể đưa bệnh nhân đặt trước mặt ngài, thật là quá sức vất vả!  Nhưng người xem thì lại phản ứng khi nghe Chúa chữa người bất toại bằng câu nói: “Tội con đã được tha” (Mc 2,5). Họ nghĩ Chúa nói phạm thượng, nhưng Chúa đã chứng tỏ cho họ thấy Chúa có quyền và làm được như vậy. Ngài khẳng định rằng: “Ở dưới đất này con người có quyền tha tội.” (Mc 2,10).

Ai có quyền tha tội ngoài một mìnhThiên Chúa? Quyền năng chữa lành đồng nghĩa với quyền tha tội, qua việc này Chúa mặc nhiên trả lời cho họ về căn tính của Chúa: NGÀI CHÍNH LÀ THIÊN CHÚA, nhưng vì cứng lòng họ không chịu tin dù biết bao lần họ đã chứng kiến nhiều phép lạ cả thể: Chỉ bằng một câu nói Chúa đã làm cho Lazarô sống lại, một lời nói Chúa đã chữa cho người mù được thấy, người què được đi, người phong được khỏi… Mọi người chung quanh ca ngợi tán dương Chúa thì những người Pharisêu lại ganh tỵ khi họ chứng kiến những phép lạ Chúa làm. Họ cố tình phủ nhận uy quyền của ngài để rồi họ đánh mất chính Thiên Chúa mà họ đang tìm kiếm.

Để chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa, đấng có quyền tha tội, ngài muốn truyền đạt một sứ điệp lớn để con người hiểu rằng: Lành bệnh là một vấn đề nhưng giải phóng tội lỗi còn quan trọng hơn, bởi tội lỗi là căn nguyên sinh ra đau khổ, bệnh tật, sự chết… Ngài muốn anh được tha thứ, đồng thời cũng muốn anh phải ra khỏi thế giới tù túng của bệnh tật, để bắt đầu cuộc sống mới, khi anh đứng dậy vác chõng đi. Anh đã thực sự đổi đời và nhận ra quyền năng Thiên Chúa để tôn vinh Ngài.

Lạy Chúa! Xin cho con biết mở rộng tâm hồn trước tình yêu vĩ đại của Chúa, đó là dấu chỉ duy nhất để con nhận ra Chúa trong cuộc sống và nơi tha nhân. Hiện nay giữa bao nhiêu vấn đề cần giải quyết: khẩn cấp nhất là tội lỗi con. Xin Chúa hãy đến với con, giúp con khỏi sự ràng buộc với tội lỗi. Xin cho con thành tâm sám hối và quyết tâm ngay từ giờ, sẵn sàng đến với tòa cáo giải để tâm hồn con được thanh thản và bình an. Amen.

Thanh Anh Nhàn

Chữa lành và tha tội

Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5).

Suy niệm: Bệnh tật theo đuổi con người như hình với bóng. Có những căn bệnh mà người Do Thái cho rằng đó là hình phạt của Thiên Chúa giáng xuống trên bệnh nhân vì họ tội lỗi. Tin Mừng hôm nay cho thấy người bất toại bất lực không làm gì được, anh ta phải cần đến người khác giúp đem mình đến gần Đức Giê-su để xin Ngài chữa lành. Từ một đôi chân tưởng chừng như không bao giờ anh đi được, nhưng với lòng tin tưởng vào Đức Giê-su, anh đã được chữa trị cả bệnh tật thể xác lẫn tâm hồn: “Tội con đã được tha rồi!” và “Hãy đứng dậy, vác chõng của con mà đi về nhà!”. Anh trút được cái ách nặng nề. Cuộc sống của anh bắt đầu tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Mời Bạn: Mỗi chúng ta đều là một bệnh nhân cần được chữa trị, một tội nhân cần được thứ tha. Mang những thương tích trong tâm hồn mình đến với Chúa với lòng tin mạnh mẽ, chắc chắn ta sẽ được Chúa chữa trị và tìm lại được sự bình an, thanh thản và niềm hạnh phúc sâu xa. Liên đới trong đức tin và đức ái, chúng ta cũng cần giúp ‘khiêng những anh chị em bất toại’ xung quanh mình đến với Chúa để được Người chữa lành.

Chia sẻ: Cảm nghiệm của bạn về một lần được chữa trị bởi Bí Tích Hòa Giải.

Sống Lời Chúa: Siêng năng lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải cách ý thức, vì đây là phương tiện chính thức Chúa dùng để chữa trị chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời để con luôn chạy đến với Chúa để được chữa lành những thương tích của cuộc đời con. Amen.

Con đã được tha tội rồi!

Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,5).

Ngày 17.01: Lễ Nhớ Thánh An-tôn, viện phụ

Suy niệm: Người bại liệt không đi được, phải khiêng. Người khiêng không chen vào được, phải trổ mái nhà để có thể đặt bệnh nhân xuống trước mặt Đức Giêsu. Thật là vất vả. Niềm hy vọng được Đức Giêsu chữa bệnh thật lớn biết bao! Nhưng sự đáp ứng của Người thoạt xem ra dường như ‘trật khớp’: thay vì chữa bệnh, Người lại…tha tội! Có lẽ không chỉ những kinh sư mà cả bệnh nhân lẫn đám đông có mặt ở đấy đều bị bất ngờ. Nhưng đấy lại là một sứ điệp lớn mà Chúa muốn truyền đạt:

Lành bệnh là điều quan trọng, nhưng được giải phóng khỏi tội lỗi là điều quan trọng hơn nhiều. (Chính tội lỗi là căn nguyên của đau khổ, bệnh tật, và sự chết).

Đức Giêsu thực là Đấng tha tội, bởi Người chính là Thiên Chúa.

Mời Bạn: Tự vấn về cảm thức tội lỗi nơi mình. Bạn có nhìn nhận mình là tội nhân? Bạn cảm nhận nỗi khổ đến mức nào do tình trạng tội của mình (chẳng hạn, trong so sánh với những nỗi khổ do nghèo túng, bệnh tật, cô đơn…)? Giữa bao nhiêu vấn đề cần giải quyết hiện nay trong đời sống của bạn, vấn đề khẩn cấp nhất là tội lỗi. Bạn hãy đến với Chúa Giêsu. Chỉ có Người mới có thể giải phóng cho bạn khỏi sự ràng buộc do tình trạng tội nơi mình.

Chia sẻ: Có lúc bạn ngại đến với Bí tích Hoà giải, có lúc bạn xưng tội cách khô khan. Bạn tìm lý do tại sao.

Sống Lời Chúa: Thành tâm sám hối về tội lỗi mình và quyết tâm đổi mới cuộc sống ngày từ bây giờ. Bạn sẵn sàng để lãnh bí tích Hòa Giải sớm hết sức có thể mỗi khi phạm tội trọng.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Ăn Năn Tội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *