THẦN KHÍ VỚI ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

Kitô giáo hiểu rằng đời sống “thiêng liêng” phát xuất từ Thần Khí Thiên Chúa, Đấng ngự trong tâm hồn tín hữu và biến đổi tình trạng hiện hữu “theo xác thịt” sang thể dạng hiện hữu “theo thần khí.” Thần Khí – là “Thiên Chúa đang hoạt động” – sáng tạo và tái tạo, nắn đúc và phục hồi thực tại nhân loại, làm cho nó trở nên phù hợp với ý định sáng tạo ban đầu của Thiên Chúa. “Thần Khí ban sự sống” – mà người kitô tuyên xưng trong kinh Tin kính – đang thổi sức sống thần linh một cách đặc biệt vào những tâm hồn Người đã xức dầu qua phép rửa. “Thần Khí ban sự sống” giải thoát con người khỏi “tội lỗi và sự chết,” làm cho con người dần dần triển nở đến tầm vóc viên mãn của Đức Kitô Giêsu; và sở dĩ con người có thể được như vậy thì không phải là nhờ nỗ lực thực thi một lề luật nào đó – chẳng hạn, việc thực hành khổ chế – nhưng chính là nhờ ân sủng do Thần Khí ban cho (x. Rm 8:2tt).

Mối tương quan giữa người tín hữu với Thánh Thần có thể khởi đầu từ một số kinh nghiệm, đặc biệt là các kinh nghiệm có sức tác động sâu sắc đối với tâm hồn; tuy vậy, tiến trình suy tư về mối tương quan này nhất thiết phải được khởi sự “từ trên cao” nhằm đảm bảo quyền ưu tiên tuyệt đối của Thiên Chúa trong hết thảy mọi sự, đặc biệt là trong trật tự cứu độ. Trong đời sống thiêng liêng, mọi thứ người kitô có được đều nhờ cả vào việc “đã lãnh nhận được Thần Khí làm cho nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’” (Rm 8:15). Đức tin, nền tảng của hết thảy mọi điều khác, khởi đầu với Thần Khí (x. 1Cr 12:3) – và dẫn đến phép rửa – “nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5). Phép rửa không phải là đích điểm, nhưng là một khởi điểm, một “cuộc sinh ra”, điểm xuất phát của một tiến trình được đưa dẫn từ bước này sang bước khác (“từ vinh quang này đến vinh quang khác,” như lời thánh Phaolô) để tiến tới một tình trạng dự phần ngày càng trọn vẹn hơn vào “cuộc đổi trao kỳ diệu”; thánh Atanaxiô đã diễn tả điều đó như sau: “Ngôi Lời đã được làm cho trở nên kẻ mặc lấy xác phàm [sarkophoros] hầu chúng ta có thể trở nên những kẻ mang Thần Khí [pneu­matophoroi].”[1] Và đà tiến phát trong tiến trình thông phần này thì không bao giờ chấm dứt. Tình trạng hoàn thiện của người kitô không cốt ở một đời sống vô tì vết, đượm nhuần các nhân đức hay được tô điểm bằng các việc lành, nhưng hệ tại ở việc sống trong sự chỉ bảo và dẫn dắt của Thần Khí với thái độ tùy phục trọn vẹn đối với tác động thúc đẩy của Người (x. Rm 8:14). Hoàn thiện là tình yêu, mà tình yêu thì được đổ vào tâm hồn con người nhờ Thần Khí (x. Rm 5:5).

Mọi danh hiệu của Thần Khí đều có liên quan đến – tức mang một ý nghĩa đối với – đời sống thiêng liêng. Trước tiên, nếu Người là “Thánh Thần”, Đấng thánh hóa, thì tất yếu, đời sống thiêng liêng trước hết cũng phải là một hành trình kiếm tìm sự thánh thiện, theo nhiều con đường mà truyền thống đã để lại trong dòng lịch sử. Và khả năng tiến bước – trên bất cứ một con đường nào – đòi hỏi phải có sức nâng đỡ của Thần Khí như là Đấng đồng hành, hướng dẫn và an ủi. Mọi hành trình thiêng liêng đều dẫn đến – hoặc băng ngang qua – hành vi thờ phượng và cầu nguyện; và những hoạt động đó chỉ trở nên đích thực nhờ vào sức năng tác động của Thần Khí (x. Rm 8:26). Kế đến, vì là “Thần Khí Sự thật” (Ga 16:13) nên Người làm cho đời sống thiêng liêng được triển nở dựa trên sự thật, dựa vào Đức Kitô, là Sự thật (x. Ga 14:6), nhưng cùng lúc, cũng dựa trên sự thật hữu hạn, mức độ chính trực, chân thành và lương thiện của con người nữa; và hành trình tiến dần về với sự thật đòi hỏi một nỗ lực tìm kiếm không ngừng, những mức độ “hơn nữa” – điều mà linh đạo Inhã gọi là magis – vốn dĩ chỉ có Thần Khí mới đủ sức ban cho: “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:13). Quả là thích hợp khi nhắc lại ở đây rằng thứ tội duy nhất mà Đức Giêsu không thể dung thứ được chính là thái độ giả hình – một loại tội đối nghịch với sự thật. Mọi cuộc kiếm tìm chân lý và tinh thần chân thật đều được Thần Khí làm cho trở nên muôn phần hứng khởi; có xác tín được như thế thì mới có thể tìm ra được một nền tảng thiết thực và vững chắc cho bất cứ một dạng linh đạo đối thoại nào.[2] Thánh Phaolô cũng nhắc đến “ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13:13), tức là sức năng động giúp phá tan mọi rào cản và hiệp kết các tâm hồn lại với nhau nhằm xây dựng và củng cố cộng đoàn. Đời sống thiêng liêng tư riêng theo kiểu “mai danh ẩn tích” của các ẩn sĩ, đương nhiên là vẫn có thể tiến hành; tuy nhiên, Giáo hội lại muốn các tu sĩ sống hợp quần thành một “cộng đoàn, như là một gia đình đích thực, quây quần bên nhau nhân danh Chúa; và từng thành viên đều nhờ Chúa Thánh Thần mà được lãnh nhận dư tràn tình yêu của Thiên Chúa trong tâm hồn mình (x. Rm 5:5)” (PC 15). Sau hết, vì Thần Khí cũng là “Dây se Tình yêu” của Cha và Con, nên đời sống thiêng liêng có triển đạt nhanh mạnh được thì cũng nhờ bởi giao ước tình yêu đó đã hiệp kết toàn thể đoàn dân thiêng liêng lại với nhau và làm cho hiện hữu theo một dạng thể hợp quần, trong đó, những cá biệt riêng tư phong phú làm nên một tổng thể duy nhất. Nếu Giáo hội nói chung và từng cá nhân kitô nói riêng, là “Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 3:16), thì có thể thấy là thực tại đó được biểu lộ rõ ràng nhất dưới mẫu hình dấu chỉ, chẳng hạn như một gia đình – “Giáo hội tại gia” – hoặc một cộng đoàn tu sĩ.

Đời sống thiêng liêng kitô được xây dựng vững chắc trên nền tảng đức tin kiên cố, nhưng lại không ngừng chịu thử thách bởi năng lực tự do của Thần Khí, Đấng muốn thổi đi đâu thì thổi.

 

Thụ tạo mới

Đức Giêsu đã cho Nicôđêmô biết rằng con người nhất thiết phải được tái sinh trong nước và Thần Khí thì mới vào được Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô cảm thấy rất phấn khởi về đời sống mới này – ngài gọi là đời “sống theo thần khí”, đối lập với lối sống “theo xác thịt” trước kia – và đã miêu tả điều đó như sau: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới: cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5:17). Cuộc tạo dựng mới, “trời mới và đất mới” – như các ngôn sứ từng tiên báo trong Cựu Ước (x. Is 65:17) – giờ đây đã thành hiện thực. Thực tại thiêng liêng ấy – trí khôn tự nhiên không đủ sức nắm bắt nổi, nên – đòi hỏi phải có một loại tri thức mới, một dạng ngôn ngữ mới: “với những lời lẽ Thần Khí linh ứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí” (1Cr 2: 13). Thần Khí chính là Đấng dẫn đưa toàn thể vũ trụ tiến đến đích điểm của sự sống này; giờ đây, tuy đời sống mới ấy không miễn trừ cảnh hư nát mà con người sẽ phải kinh qua, nhưng ơn giải thoát đã được hứa ban và tiến trình giải thoát đó đã khởi sự trong con người rồi; đây chính là ý nghĩa của khái niệm “ân huệ mở đầu”, như thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma: “cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8:23). Thân xác con người đang mang thực sự sẽ được làm cho trở nên “thân thể có thần khí” – tức thân xác được hoàn toàn đượm nhuần Thần Khí – trong cuộc sống lại từ cõi chết (x. 1Cr 15:44).

“Ân huệ mở đầu” này là một hạt giống đang từng ngày triển vươn trong tâm hồn người kitô: một đời sống theo Thần Khí. Kitô hữu sẽ ở mãi trong tình trạng trẻ con non nớt trong đời thiêng liêng nếu không từng bước tiến đến mức trưởng thành theo tầm vóc thực sự của “con người thiêng liêng”, như lời nhận định của thánh Phaolô trong 1Cr 3. Theo thánh Tông đồ, “con người cũ” (Ep 4:22; Cl 3:9) là con người – với kiểu sống, lối nhận thức và cách hành động – rập khuôn theo các chuẩn mực thuần tự nhiên, bị tội lỗi làm cho ra hư hỏng, và “không đón nhận những gì thuộc về Thần Khí Thiên Chúa” vì cho đó là điên rồ (x. 1Cr 2:14). Để có thể trở nên kitô hữu thuần thành, nhất thiết con người phải ra sức “sống theo Thần Khí và không còn thỏa mãn các đam mê của tính xác thịt nữa” (Gl 5:16). Chẳng hạn, nếu chỉ biết theo đuổi những mục đích vị kỷ, hoặc dấn thân vào các thủ đoạn chính trị chẳng hạn, tất người kitô vẫn còn để cuộc sống mình đắm chìm trong các lề thói người phàm (x. 1Cr 3:3-4); trong khi đó, Thần Khí hằng mời gọi mỗi người phải biết phát triển bản thân để đạt đến tầm vóc thiêng liêng, tức là, vươn đến một mức độ siêu-phàm: mục đích cuối cùng Thần Khí nhắm tới là việc làm cho người kitô trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Phục Sinh (x. 1Cr 15:49; Pl 3:21), đúng theo ý Chúa Cha đã tiền định (x. Rm 8:29).

Cuộc “tái sinh” – như thánh Phêrô trình tả (x. Pr 1:3) – diễn ra qua phép rửa: “nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5). Theo quy luật tự nhiên, bất cứ một kết quả nào phát sinh từ một tác nhân thì cũng đều đồng dạng – hoặc tương tự – với tác nhân phát sinh ra nó; dùng một dạng cách loại suy, Đức Giêsu đã giải thích cho Nicôđêmô hiểu rằng “cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần Khí” (Ga 3:6). Qua phép rửa, với nước (chất thể) và Thần Khí (Thiên Chúa), người kitô được tái sinh để mặc lấy một thể dạng hiện hữu mà truyền thống thiêng liêng gọi là “thần khí-thiêng liêng” hoặc “thần nhân,” tức là dạng cách hiện hữu bao hàm cả yếu tố thần linh lẫn nhân loại. Thánh Gioan đã nêu bật cho thấy rằng, “phàm ai được Thiên Chúa sinh ra thì không phạm tội, vì mầm sống của Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3:9); còn thánh Phaolô thì đã khẳng quyết như sau: qua phép rửa, tín hữu đã được dìm vào cái chết của Đức Kitô để cũng được sống lại như Ngài, và nhờ đó, có khả năng “sống một đời sống mới” (Rm 6:4); nói cách khác, “những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” và – nếu đã là như vậy, thì – “đừng có tìm hư danh, đừng khiêu khích nhau, đừng ganh tị nhau” (Gl 5:24-26). Nếu kitô hữu mà chỉ biết sống theo các nguyên tắc luân thường đạo lý của thế gian – dù là tốt lành – không thôi, thì như thể vẫn còn là “con trẻ” đối với đời sống trong Thần Khí. Kitô giáo là một “con đường” (x. Cv 9:2; 19:9.23), khác hẳn với những con đường khác: “con đường công chính” (x. 2Pr 2:21), “một con đường mới mẻ và sống động” (Dt 10:20), và trên hết, con đường đó chính là Đức Kitô (x. Ga 14:6). Bởi đó, để có thể bước đi trên con đường này, người kitô phải được Thần Khí dẫn dắt: “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, thì đều là con cái của Thiên Chúa” (Rm 8:14); ngoài Thần Khí ra, sẽ chẳng còn có một năng lực nào khác đủ sức đưa dẫn con người trong cuộc hành trình đời sống thiêng liêng.

Giáo hội, đặc biệt là truyền thống phụng vụ, đã hiểu phép rửa như là một cuộc “quang khải” (illumi­na­tion) do chính Thánh Thần chủ động; tác động “quang khải” đó trước hết là tiến trình trao ban ân huệ đức tin và, sau nữa là một số ân huệ giúp lĩnh hội toàn vẹn đức tin đó, tức các ơn thâm hiểu và khôn ngoan cũng như hết thảy mọi dạng minh giác (gnosis) kitô gắn liền với trí tuệ và ngôn ngữ (xem phần dưới đây). Tựu trung, bất cứ khi nào cần đến ơn “soi sáng”, Giáo hội cũng đều khẩn cầu Chúa Thánh Thần: Veni, Creator Spiritus, mentes tuorum visita… hoặc Ve­­­ni, Sancte Spiritus, et emitte caelitus lucis tuae ra­dium…

Mối tử hệ dưỡng nghĩa là diễn ngữ khắc họa rõ nét nhất công trình Thần Khí thực hiện nơi kitô hữu: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’ Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế; mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô…” (Rm 8:14-17). Kế hoạch cứu độ của Chúa Cha nhằm vào mục đích này, theo đó, Đức Kitô “là trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (8:29), hoặc nói cách khác, là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1:18). Và mục đích đó, Thiên Chúa đã tiền định từ thuở đời đời trong tình yêu: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6). Thánh Gioan cũng công bố cùng một tin mừng như thế: “những ai tin vào danh Người (Đức Kitô), thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa… được sinh ra bởi Thiên Chúa” (Ga 1:12-13). Và đây chính là nguyên do trọng đại nhất giúp mang lại niềm hoan hỷ: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào; Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa” (1Ga 3:1-2). Nếu diễn tả theo cung cách của con người, thì Thần Khí chính là Ngôi Vị thần linh có mối tương quan gần gũi nhất đối với kitô hữu; tuy thế, Người lại không đồng hóa tín hữu với Người, nhưng với Con, để rồi Cha sẽ yêu thương tín hữu như Ngài đã yêu thương Con mình. Chính Chúa Cha là Đấng – qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần – đã nhận người kitô làm dưỡng tử; bởi đó, tín hữu không phải là con cái của Con, không phải con cái của Thần Khí, cũng chẳng hề là con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi,[3] nhưng là con cái của Cha. Chúa Con chính là nguyên nhân mẫu mực của mối tử hệ chúng ta có đối với Cha, và mối tử hệ này tùy thuộc vào mối từ hệ Ngài có đối với Ngôi Cha; song, nhất thiết cũng cần phải lưu ý rằng nói thế không có nghĩa là muốn chỉ về Ngôi Lời hằng hữu, nhưng chỉ muốn nói đến Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu: Ngài đã mang lấy thân phận con người hầu con người có thể mặc lấy thân phận của Ngài. Ngài là Đấng Trung gian: “Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên [dân ngoại và dân Do thái] được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2:18).

Đời sống hoàn thiện của dân kitô chỉ đơn giản là khả năng trở nên – và sống theo tư cách là – con cái của Cha (x. Mt 5:45). Đó không những là một chân lý đức tin, mà còn phải là một kinh nghiệm, như thánh Phaolô đã quả quyết: Thần Khí kêu lên trong chúng ta “Ápba, Cha ơi”, có một điều gì đó trong chúng ta biểu hiện sự hiện diện ấy; điều đó hiện rõ trước hết qua kinh nghiệm được giải phóng khỏi lề luật Mô­­sê cùng những hệ lụy ràng buộc của nó, tựa như đi từ tình trạng của một kẻ nô lệ đến cương vị của một con cái trong gia đình (x. 2Cr 3:17; Gl 4:31; 5:1.18). Dĩ nhiên, trong thế giới này không có tự do tuyệt đối; sống giữa thế gian, con người bị ràng buộc vào những điều kiện hiện hữu cả về phương diện cá nhân lẫn trong lãnh vực xã hội. Do vậy, tự do khỏi ông chủ này có nghĩa là phải vâng phục một ông chủ khác: tự do kitô là tình trạng thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi để tòng phục đức công chính, như thánh Phao­lô đã giải thích hết sức rõ ràng trong Rm 6.

Đương nhiên, trong xã hội dân sự, người kitô không được sống như là phường vô chính phủ, trái lại phải biết tuân thủ mọi luật lệ do chính quyền đặt ra, như đọc thấy trong lời khuyến dụ của thánh Tông đồ qua một số bức thư: Rm 13:1-7; Dt 13:7; 1Pr 2:13-14.

Mối tử hệ như đã nói tới trên đây, giúp mang lại một dạng cách cầu nguyện mới mẻ. Về điều này, sách Giáo lý Công đồng Trentô chỉ đưa ra lời giáo huấn đơn sơ như sau: “Chúa Thánh Thần chính là ‘tác giả’ các lời cầu nguyện của chúng ta.”[4] Các bản văn của thánh Phaolô đã biểu trình cách sáng tỏ rằng khi làm cho chúng ta trở thành con cái, Thần Khí đã dạy chúng ta cầu nguyện với danh xưng Ápba! – là tiếng mở đầu  lời cầu Đức Giêsu thưa lên với Chúa Cha trong Vườn Cây dầu, và cũng là lời mở đầu kinh nguyện Ngài đã dạy chúng ta. Sống càng kết chặt với Thần Khí thì lời cầu càng tốt đẹp thêm lên. Thực vậy, dù là có tính cách riêng tư đến mấy đi nữa, thì lời cầu của tín hữu bao giờ cũng bao hàm việc để cho Thần Khí nguyện cầu trong chính tâm hồn mình. Quả là thú vị khi nhận ra rằng đặc tính ưu việt của phong trào canh tân đặc sủng chính là cầu nguyện.

Người tín hữu phải sống mối tử hệ thần linh này giữa một môi trường thù địch, chống đối từ phía bên ngoài. Đức Giêsu đã từng cảnh báo: “Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15:19). Trong tư thế là Người Con, Đức Giêsu chính là đối tượng điển hình của thái độ chống đối ấy; thêm nữa, trong Thần Khí, các Tông đồ cũng là những người đã cảm nghiệm được niềm hân hoan khi phải chịu bách hại (x. Cv 5:41); cũng thế, giống như thánh Phaolô, các tín hữu Thêxalônica có được kinh nghiệm “ sống giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban cho” (1Tx 1:6). Phần mình, thánh Phêrô đã khuyên nhủ các tín hữu của ngài như sau: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5:8); từ ngữ “ma quỷ” ở đây không chỉ muốn nói đến những thực thể thần linh, nhưng còn chỉ về một số thể chế hay những cá nhân bằng xương bằng thịt. Cuộc chiến thiêng liêng đó có tính cách miên trường, trải dài suốt cả cuộc đời; nhưng người kitô đã được trang bị chu đáo bằng khí giới của Thần Khí: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em mới có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy, hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáo là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6:11-17). Vững dạ xác tín như thế, tất người kitô có thể đồng cảm được với tâm tình của thánh Tông đồ: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).

 

Tình trạng cư ngụ trong tâm hồn

Thần học coi tác động thánh hóa như là “sứ mạng vô hình” chính yếu của Thánh Thần. Cha không thể được sai đi, nhưng lại đến cùng với Con, trong sức tác động của Thần Khí, bởi vì mọi hoạt động đều phát xuất từ tình yêu: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14: 23). Đức Lêô XIII đã nhận định rằng cuộc ngự đến này “được quy gán cho Chúa Thánh Thần theo một dạng cách độc hữu. Bởi vì, dù rằng các dấu hiệu biểu trưng cho sức lực và khôn ngoan thần linh có hiển hiện nơi những kẻ xấu xa đi nữa, thì chỉ có đức ái – vốn dĩ là nét đặc trưng của Chúa Thánh Thần – mới được thông ban cho những kẻ sống công chính mà thôi. Như thế, quả là thích đáng khi gọi Thần Khí ấy là Thánh; bởi vì Người, Tình Yêu tuyệt đỉnh, hằng thúc đẩy các linh hồn và đưa dẫn họ bước vào cảnh giới thánh thiện vốn dĩ hệ tại ở tình yêu dành cho Thiên Chúa. Bởi đó, khi gọi chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, thánh tông đồ đã không đề cập riêng gì đến Cha, Con, hoặc Thánh Thần: ‘Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em’ (1Cr 6:19).”[5]

Thái độ xác tín cùng với kinh nghiệm về sự hiện diện thần linh ấy đã trở nên đà thúc đẩy cho tiến trình đời sống thiêng liêng trong giáo hội kitô sơ khai. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã gọi các kitô hữu là theophoroi, tức “những kẻ mang Thiên Chúa trong mình,” “tràn đầy Thiên Chúa,” “dự phần với Thiên Chúa.”[6] Còn thánh Giúxtinô thì cho rằng người kitô được thụ hưởng “tính bất tử và bất khả hư nát” – theo quan niệm của người Hy lạp, thì đó – là những biệt tính độc hữu dành cho ThiênChúa.[7] Có thể trưng dẫn thêm nhiều câu hay đoạn viết khác nói lên cùng một ý tưởng “cư ngụ” như thấy trên đây.

Nếu Thiên Chúa đã hiện hữu như là Đấng Tạo hóa – “bằng yếu tính, năng quyền và sự hiện diện” trong hết thảy mọi thụ tạo – thì đâu là nét mới mẻ, đặc trưng trong cách thế hiện diện “ban thêm” này? Thánh Tô­ma A­qui­­nô cắt nghĩa cho rằng đó chính là một dạng tác động thụ tạo thường được gọi là “ân sủng thánh hóa”,[8] tức ơn thánh sủng. Sứ mạng hoặc cuộc ngự đến như thế chỉ có thể được tiến hành nơi các thụ tạo có lý trí, trong đó, Thiên Chúa “giống như là Đấng được biết trong người suy biết và là Đấng được yêu trong người yêu mến.”

Dù vậy, cung cách quan niệm về một dạng thức hiện diện chỉ qua ân sủng không thôi thì có vẻ hoàn toàn chẳng ăn nhập với các lời Kinh Thánh vốn khẳng quyết về một năng lực hiện diện mang tính cách cá vị. Thực thể cư ngụ bên trong này chính là Ba Ngôi Thiên Chúa: nói rằng “chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống,” là thánh Phaolô muốn ám chỉ đến Chúa Cha (x. 2Cr 6:16), nhưng ngài cũng nhắc đi nhắc lại rằng Đức Kitô sống trong chúng ta (x. Gl 2:20; Ep 3:17), cho dù sự việc Thần Khí cư ngụ trong tâm hồn người kitô đã được đề cập đến nhiều nhất.

Một số thần học gia đề xuất ý niệm về một dạng thức hiện diện “hữu thể”[9] hay một nguyên nhân “bán-mô thức”[10] (theo nghĩa kinh viện của thuật ngữ này), hoặc một số dạng cách hiện diện khác, dù cảm nhận là có thực nhưng lại không thể định nghĩa được. Tác động chung của Thiên Chúa Ba Ngôi là thánh hóa, còn gọi là ân sủng thụ tạo; hiệu quả do năng lực hiện diện của từng Ngôi Vị mang lại được gọi là “đặc thù tính” (proprium), tức là hiệu quả có tính cách riêng biệt thuộc về từng Ngôi Vị; đây được gọi là ân sủng vô tạo. Dùng cung cách biểu đạt của loài người, thần học quan niệm Chúa Thánh Thần như là Ân huệ thần linh trác tuyệt, là Đấng trước hết và phải qua Người thì Cha và Con mới cùng ngự đến. Tiếp đó, một mối tương quan có tính cách cá vị được thiết lập giữa tín hữu kitô với từng Ngôi Vị: mối tử hệ dưỡng nghĩa với Cha, tình huynh đệ với Con và mối hiệp thông tình yêu với Thần Khí, hay nói cách khác, Thần Khí ban ơn thánh hóa qua việc đóng một ấn tín của Con lên người kitô, làm cho người kitô trở thành con cái-trong-Con.

Bên cạnh ơn thánh sủng, các hiệu quả khác do năng lực hiện diện bên trong đó mang lại chính là các ân huệ và hoa trái của Chúa Thánh Thần, như sẽ được biểu trình chi tiết hơn trong phần dưới đây. Ấn tích là một hiệu quả mà thần học quy gán cách đặc biệt cho Thánh Thần. Bởi vì Thần Khí được gọi là “Đấng xức dầu” và “ấn tín”, nên ấn tích rửa tội, thêm sức và truyền chức thánh là những hiệu quả đặc biệt phát sinh từ sức tác động của Thánh Thần, Đấng “đóng ấn tín” lên các linh hồn qua một dạng cách hiện diện đặc thù. Có như thế thì khi tội nhân đánh mất ơn thánh sủng, ấn tích kia vẫn giúp giữ được một mối liên hệ với Thánh Thần, Đấng hằng ra sức thực hiện những tác động để cứu giúp tội nhân đó.

Các Giáo phụ gọi hiệu quả của sự hiện diện thần linh đó là tác động “thần hóa”. Trong lãnh vực có tính cách mầu nhiệm này, thiết cần phải lưu ý cho đủ đến cách dùng ngôn ngữ để biểu đạt; thụ tạo vẫn luôn là thụ tạo, không thể nào trở thành thần linh cho được; dù vậy, một số khía cạnh nào đó có tính cách thần linh được trao ban trong tiến trình hiện diện biến đổi này. Khái niệm thần hóa đã được dùng để thử giải thích văn đoạn 2Pr 1:4, qua đó tác giả xác quyết rằng một dạng ân huệ rất quý báu và trọng đại đã được hứa ban, làm cho con người được thông dự vào bản tính Thiên Chúa. Văn đoạn 1Ga 3:2 cũng nhắc lại lời hứa nói rằng ơn tử hệ thần linh sẽ làm cho con người “nên giống như Thiên Chúa” qua khả năng nhìn thấy thực tại của Người. Một niềm hy vọng tương tự cũng được phác tả trong 2Cr 3:18: “tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như do bởi tác động của Chúa là Thần Khí.” Để tâm suy niệm về văn đoạn vừa nêu, cũng như một số văn đoạn có liên hệ khác, thánh Grêgôriô thành Nadian đã đề xuất thuật ngữ theiosis – tức thần hóa – mà về sau thánh Maximô Hiển tu đã khai triển cách đặc biệt; sau đó, đã thấy khái niệm này xuất hiện trong lãnh vực tu đức của cả bên Đông lẫn bên Tây.[11] Tuy nhiên trước đó, ý tưởng này cũng đã trở thành phổ biến rộng rãi trong khắp Giáo hội; thánh Atanaxiô trình xuất một định đề mà về sau sẽ được các Giáo phụ dùng đến: “Ngôi Lời đã làm người hầu con người có thể trở thành những thần linh.”[12] Chứng minh về thiên tính của Thần Khí để chống lại các lạc giáo, thánh nhân viết như sau: “Nếu việc thông phần vào Thần Khí giúp ta thụ lãnh được bản tính thần linh, thì quả là ngây ngô khi bảo rằng Thần Khí mang bản tính thụ tạo chứ không phải bản thể thần linh; mà đã là thần linh, tất Người thần hóa những kẻ Người ngự trong tâm hồn…”[13] Thánh Xyrilô thành Alếcxănđria, người kế nhiệm và là môn đệ của thánh Atanaxiô, cũng quả quyết như sau: “Chúng ta là những đền thờ của Thần Khí, Đấng hiện hữu và cư ngụ trong chúng ta; nhờ Người, chúng ta được gọi là ‘thần linh’, bởi vì nhờ mối tương kết giữa chúng ta với Người, chúng ta có khả năng bước vào trong tình trạng thông hiệp với bản tính thần linh khôn tả” và Người thần hóa chúng ta.[14] Maximô Hiển tu đã đào sâu giáo lý ấy và mang lại cho ý niệm đó một ý nghĩa chuyên môn xác đáng hơn: thụ tạo có lý trí đã được dựng nên cho kết quả này – tức, cho tiến trình “thần hóa” – nhưng dù gì thì cũng phải hiểu rằng đây là một ân huệ có tính cách nhưng không, vốn không đủ sức lấp đầy được khoảng cách giữa Thiên Chúa vô biên với con người hữu hạn. Riêng trong lãnh vực ki­tô học, các Giáo phụ thường coi điểm giáo lý này như là trọng tâm của quan niệm về một “cuộc đổi trao kỳ diệu”, tức về việc Đức Kitô mặc lấy thân phận con người hầu làm cho con người có thể nên giống như Ngài. Phụng vụ Giáo hội hằng tuyên xưng niềm tin vào ân huệ cao trọng ấy, coi đó như một “cuộc đổi trao kỳ diệu,” như đọc thấy qua lời nguyện trong Phụng vụ Thánh Thể, lúc vị chủ tế hòa lẫn nước và rượu lại với nhau: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”; hoặc như qua lời nguyện trong Thánh Lễ long trọng ngày mừng Giáng Sinh: “Con Cha đã thông phần vào bản tính yếu hèn của chúng con: xin cho chúng con được dự phần vào vinh quang của Người.” Nhất thiết phải quan niệm cho rõ ràng rằng “tiến trình thần hóa” này không hề làm cho hữu thể nhân loại tan biến vào trong thần tính của Thiên Chúa như là hạt muối bị hòa tan giữa khối nước đại dương; ngược lại, trong mối thông hiệp với Thiên Chúa, tính cách thụ tạo của con người được hoàn chỉnh và nhân cách được kiện toàn đến mức tột đỉnh của nó. Tình yêu không triệt hủy nhưng làm triển nở các giá trị. Công đồng Vaticanô II dạy rằng “con người là thụ tạo duy nhất trên thế gian mà Thiên Chúa đã có ý định dựng nên vì chính nó” (GS 24). Điểm cao trào trong kế hoạch thần linh này chính là cuộc Nhập thể của Ngôi Lời, qua đó, tiến trình thần hóa con người đã trở nên một thực tại và mô mẫu ưu việt. Dù vậy, tiến trình đó vẫn mãi là một mầu nhiệm và phải đợi đến sau cái chết qua Đức Kitô để bước vào đời sống của Thiên Chúa, thì con người mới được mạc khải rõ ràng về điều này; và cũng dođó, con người chỉ có thể biểu trình về thực tại nhiệm mầu ấy qua một cung cách dò chừng, ướm thử mà thôi.[15]

Giáo lý này đặt nền tảng trên cách hiểu về cuộc tạo dựng như là một kế hoạch Thiên Chúa đã sắp đặt để thông ban chính mình cho các thụ tạo của Người; ân sủng đó – là một đặc ân được trao ban cách nhưng không – có được là nhờ Thần Khí; Đích điểm cuối cùng là gì thì trí tuệ hạn hẹp của con người chẳng tài nào thấu đạt nổi; tuy thế, ngẫm nhìn đời sống của các thánh chẳng hạn, người kitô cũng đã có thể phần nào hiểu được về năng lực tác động của Thần Khí.

Thần học hiện đại đã dồn nỗ lực vào việc khảo cứu tiến trình thần hóa trong một bối cảnh mới mẻ hơn. Paul Tillich gọi là thần hóa tiến trình “dự phần vào thực trạng Tân-Hiện hữu” – mà theo thần học gia này, đó chính là Nước Thiên Chúa – trong đó, yếu tính của một con người được làm cho tương thích với thực dạng hiện hữu của người đó.[16] Karl Rahner thì quan niệm con người như là một “tinh thần nhập thể” do một năng lực thúc bách có tính cách tiên nghiệm và hướng về Thiên Chúa; tuy nhiên, khuynh hướng tiên thiên này phát xuất từ ý định chuyển thông chính mình cho con người theo một dạng cách độc hữu và vô điều kiện của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đặt vào bên trong bản thân con người cái gọi là hiện sinh thể siêu nhiên,[17] một tình trạng phát sinh trong con người như là kết quả của việc được Đức Kitô cứu chuộc; đó đã là một ân huệ được ban cho. Qua thái độ đón nhận Thiên Chúa (dĩ nhiên là con người luôn có khả năng khước từ), tình trạng rộng mở tâm hồn và các tiềm năng của con người được làm cho trở nên trọn vẹn – và đạt đến một mức độ hoàn thiện vượt trên các khả năng tự nhiên – nhờ vào điều mà thần học gọi là “tiềm năng thuận phục thiên ân”, và đó chính là tiến trình “được thần hóa”, như cách truyền thống xưa nay vẫn gọi. “Qua hành vi tự thông ban này, Thiên Chúa – trong dạng thức hiện hữu tuyệt đối của mình – liên hệ với dạng thức hiện hữu thụ tạo theo cách thể như là nguyên nhân mô thức, nghĩa là Ngài không tạo ra một điều gì đó khác biệt với chính mình ở nơi thụ tạo, nhưng đúng hơn, Ngài thông truyền thực tại thần linh của chính mình và làm cho thực tại đó trở nên một thành tố thiết yếu trong bước đường thành tựu của thụ tạo.”[18]

 

Các Ân huệ của Thánh Thần

Các ân huệ thường được quan niệm như là những “tập tính” thiên phú, được trao ban cho tín hữu cùng với ơn công chính hóa và ơn nghĩa tử thần linh. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo giải thích điều đó như sau: “Đời sống luân lý của người kitô được đỡ nâng nhờ các ân huệ do chính Thánh Thần ban cho. Đó là các thiên hướng có tính cách vững bền nhằm vào việc giúp con người biếtngoan ngoãn sống theo tác động thúc đẩy của Chúa Thánh Thần” (số 1830). Thiên Chúa là Đấng tặng ban tự bản thể, và hết thảy những gì tồn tại trong vũ trụ đều là ân huệ do Người ban tặng: món quà hiện hữu, món quà sự sống,… cùng tất cả những gì làm nên con người và thuộc sở hữu của con người. Chính Người đã trở thành ân huệ tối cao, qua việc làm cho người kitô “được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1:4). Có thể dùng một cách diễn tả khác biểu trình ý niệm thông phần này, đó là sự việc Thiên Chúa cư ngụ bên trong tâm hồn con người, như lời Đức Giêsu đã hứa: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14:23). Các nhân đức đối thần – Tin, Cậy, Mến – là những ân huệ thiên phú, ban cho khả năng dự phần vào tri thức và tình yêu của Thiên Chúa. Các ân huệ chính là những phúc ân siêu nhiên nhằm vào việc tăng cường và rèn giũa tính cách bén nhạy và thái độ đáp trả đối với Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người.[19]

Như thường thấy, hễ nhắc đến “các ân huệ” của Thánh Thần, là tín hữu lại dễ dàng quên khuấy đi rằng ân huệ đầu tiên hết chính là Thần Khí: một trong các danh hiệu của Thánh Thần là “Ân huệ”,donum, dorea… như đã đọc thấy ở phần trước. Các hành động Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử (tức các ân huệ của Người) thường được phân chia theo một trình tự bao gồm các giai đoạn khác nhau: tạo dựng (Cha), cứu chuộc (Con) và… thời gian sau hết của cuộc cứu độ (Thánh Thần), “qua phép rửa ban ơn Thánh Thần để được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5). Theo thánh Gioan, Đức Kitô phải hoàn tất sứ mạng của mình trước khi Thánh Thần ngự đến: “… chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (Ga 7:39). Và do đó, vào ngày sống lại, ân huệ đầu tiên mà Đấng Phục sinh ban tặng là: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20:22); chính nhờ Thánh Thần này mà hết thảy mọi ân huệ khác mới được ban cho. Do đó, trong ngày lễ Hiện xuống, Giáo hội thành tâm kêu cầu rằng: “Xin hãy đến, Đấng ban phát mọi hồng ân.”

 

1.  Nguồn gốc các “ân huệ”

Chúa Cha chính là nguồn gốc tối hậu của hết thảy những gì là thần linh: Người trao ban Con, Người trao ban Thần Khí. Dù vậy, đối với con người, nguồn gốc gần nhất lại là Thần Khí, “Đấng ban phát các ân huệ.” Một số bản văn Kinh Thánh đã trình xuất cho thấy một loạt danh sách những điều gọi là các ân huệ, đặc sủng, hay hoa quả,[20] được cho là có nguồn gốc từ nơi Thánh Thần.

Được gọi là “các ân huệ” bởi vì chúng có nguồn gốc ở nơi ý định tự do – của Thần Khí – của Thiên Chúa, tức xuất phát từ tình yêu phong phú của Người, chứ hoàn toàn và tuyệt đối không phải do công trạng của con người mà có. Người kitô phải biết ra sức cầu nguyện thì mới lãnh nhận được các ân huệ đó… Thiết tưởng cũng cần phải lưu ý rằng các bản văn Kinh Thánh chỉ liệt kê một số danh sách tiêu biểu – chứ không nêu hết tất cả – các ân huệ Thánh Thần; do đó, không nên nghĩ rằng Thần Khí chỉ ban tặng các ân huệ được kể ra như thế kia mà thôi, và cũng đừng hiểu rằng các ân huệ này sẽ được liên tục ban cho mãi mãi. Hơn ở đâu hết, trong tác động ban phát các ân huệ này, Thiên Chúa – Thần Khí – hoàn toàn tự do. Theo quan niệm thường thấy, ân huệ Thánh Thần được liên kết với phép rửa (x. Cv 2:38); tuy nhiên, như thần học hằng ra sức khẳng quyết, quyền năng tự do vô hạn của Thần Khí không thể nào “bị trói buộc vào và bởi các bí tích,” và Người có thể ngự đến với những người chưa lãnh nhận phép rửa để làm cho họ trở nên các tín hữu, chẳng hạn như trong trường hợp của viên đại đội trưởng Cônêliô (x. Cv 10).

 

2.     Mục đích

Theo lối quan niệm thường thấy thì các ân huệ đều nhằm vào mục đích thánh hóa các cá nhân; trong khi đó, các đặc sủng thì hướng tới các dịch vụ trong Giáo hội. Trong kitô giáo, không hề thấy có bất kỳ một ân sủng nào mang tính cách “riêng tư”; bởi vì, dù có được ban cho một cá nhân nào đó, thì mọi ân huệ cũng đều nhắm đến tất cả mọi người, hệt như ánh nến có sức chiếu tỏa trên hết thảy mọi sự vậy. Chắc chắn rằng các ân huệ, một khi được trao ban, sẽ thánh hóa kẻ lãnh nhận chúng, bởi vì qua đó Thiên Chúa muốn thánh hóa con người: “các ngươi phải thánh thiện, vì Ta làĐấng Thánh” (Lv 11:45). Thần học không ngừng xác quyết rằng mọi công trình Thiên Chúa thực hiện đều nhằm vào vinh quang của Người. Nói rẳng Glo­ria Dei vivens homo, là thánh Irênê đã biểu trình rất cô đọng về tiêu đích đó: “vinh quang Thiên Chúa là sự sống con người,” tức là con người không những phải nên thánh mà còn phải sống thánh thiện nữa. “Sự sống” này có nghĩa trước hết làcon người được dự phần vào bản tính – cũng như trở nên giống hình ảnh – của Thiên Chúa Hằng Sống, và sau nữa, là việc sống đức ái – giới luật kitô đầu tiên và căn bản nhất – theo cách thế nhân loại, trong một gia đình, một cộng đồng, một xã hội; thiếu đi chiều kích xã hội đó, tất đức ái sẽ chỉ còn là tự ái, là vị kỷ mà thôi. Vì Thần Khí là Tình Yêu siêu việt, nên hết thảy mọi ân huệ Người ban cho đều đượm nhuần tình yêu; hoặc nói cách khác, hễ lúc nào một ân huệ được ban ra, thì tình yêu cũng được ban kèm; như thế không có nghĩa tình yêu chỉ là một dạng “ân huệ ban thêm”, nhưng chính là “linh hồn” của mỗi một ân huệ. Các ân huệ không “tiết lộ” cho thấy tính cách thánh thiện của một con người; khi Thần Khí ban phát một ân huệ hoặc một đặc sủng cho một ai đó, thì Người không có ý bảo rằng người này thánh thiện hơn những kẻ khác, nhưng quả thực là Người hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa cá nhân đó để biểu lộ mối quan tâm Thiên Chúa dành cho dân Người, hoặc để giúp cho hoàn tất một sứ mạng nào đó.

 

3. 7 Ân huệ Thánh Thần

Con số 7 ân huệ này được rút ra từ văn đoạn Is 11:2-3, đọc thấy như sau: “Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên Vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa. Lòng kính sợ Đức Chúa làm cho Người hứng thú; Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói.” Tiên tri Isaia chỉ đề cập đến sáu ân huệ; nhưng bản Kinh Thánh Bảy Mươi tiếng Hy lạp, và bản Kinh Thánh Phổ thông của thánh Hiêrônimô sau đó, đã dịch cụm từ “lòng kính sợ Đức Chúa” thành “lòng sùng tín” (tiếng Hy lạp = eusebia, tiếng Latinh = pietas), làm tròn thành bảy con số các ân huệ. Văn đoạn này ám chỉ đến Đấng Mêsia – Đức Giêsu Kitô – tức là muốn nêu bật cho thấy rằng chính nhờ Người mà mọi lời hứa cho Đavít sẽ được hoàn tất; tuy nhiên, dựa theo “nguyên tắc nhiệm cục,” các Giáo phụ đã cho rằng hễ bất cứ điều gì được áp dụng thích đáng cho Đức Kitô thì cũng đều có thể áp dụng tương tự cho các kitô hữu, theo lối biểu tượng hay nguyên tắc dự phần.[21] Thánh Phao­­lô viết về điều này như sau: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:29). Có thể nói rằng Thần Khí hiện diện tràn đầy trên Đức Giêsu thể nào, thì cũng hiện diện như thế trên các chi thể trong thân thể Đức Giêsu, làm cho các chi thể ấy trở nên “giống như” Ngài và được phú ban (một phần) các ân huệ của Người.[22] Trong Phụng vụ, Giáo hội cầu nguyện như sau:

Tu septiformis munere digitus Paternae dexterae… (“Người là Đấng ban phát bảy ân huệ, là ngón tay hữu của Cha”)

Và trong nghi thức ban phép Thêm Sức, giám mục chủ sự đặt tay trên các thụ viên và cầu nguyện rằng:

“Lạy Thiên Chúa toàn năng – là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con – nhờ nước và Thánh Thần, Chúa đã giải thoát các tôi tớ Chúa đây khỏi ách nô lệ tội lỗi và ban cho họ được ơn tái sinh. Xin hãy ban Thánh Thần của Cha trên những người này để Người trở nên Đấng Phù trì và hướng dẫn họ. Xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức. Xin ban cho họ thần trí biết kính sợ trước tôn nhan Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô,Chúa chúng con. – Amen.”

Kinh nghiệm kitô cho thấy rằng Thần Khí có thể hoạt động theo những cách thức bất khả tiên đoán; bởi đó, việc nỗ lực “phân loại” hoặc giới hạn các ân huệ của Người vào một con số nhất định nào đó là điều vô ích. Nhắc đến “bảy” ân huệ Thánh Thần là muốn hàm chỉ về một con số “hoàn hảo” có tính cách tượng trưng cho mức độ trọn vẹn của các ân huệ, chứ không phải là biểu thị một số lượng toán học chính xác. Cả khi luôn ra sức “bảo toàn” con số có tính cách truyền thống đó, thì thánh Tôma Aquinô cũng phải thừa nhận rằng: “Rõ ràng là những ân huệ đó luôn trương dãn đến giới mức mà các nhân đức luân lý và trí tuệ có thể vươn tới.”[23] Phân loại các ân huệ theo cách thức đó, có vẻ như truyền thống Giáo hội muốn biểu thị tính chất tương tự với các “bộ bảy” khác, chẳng hạn như: bảy ngày trong tuần, bảy bí tích, v.v.. Tựu trung, các Giáo phụ kỳ cựu đã đọc ra các ý nghĩa ám chỉ về “bảy ân huệ” của Thần Khí trong sách Khải huyền, cụ thể như sau: “bảy thần khí của Thiên Chúa” (Kh 1:4; 5:6), “bảy cây đèn vàng” (1:12), “bảy ngôi sao” (1:16), “bảy ngọn đuốc” cháy sáng trước ngai Thiên Chúa (4:5), “bảy ấn niêm phong” cuốn sách (5:1.5), Con Chiên có “bảy sừng và bảy mắt” (5:6), cùng bất cứ văn đoạn nào có từ “bảy” xuất hiện. Ở bên Tây, ít nhất là kể từ thời thánh Ambrôxiô trở về sau, danh mục bảy ân huệ này xem như đã mang hẳn tính chất cố định.[24] Thánh Grêgôriô Cả đã quy gán cho mỗi ân huệ một đích cụ thể: ơn thượng trí (=khôn ngoan) bổ khuyết cho tính dại dột; ơn thâm hiểu (=thông minh) cho trí tuệ thiếu sắc bén; ơn chỉ giáo cho tính hấp tấp, vội vàng; ơn dũng cảm cho tính lo âu; ơn sùng hiếu (=đạo đức, hiếu thảo) cho thái độ cứng cỏi của tâm hồn.[25]

Truyền thống thần học Công giáo đã coi các ân huệ như là những phẩm chất – hoặc đức tính – siêu nhiên và thường tại; chúng có khả năng làm cho một con người biết dồn hết chú tâm để lắng nghe tiếng Chúa, giúp dễ dàng đón nhận các tác động của trợ sủng (actual grace), giúp yêu mến các điều thuộc về Thiên Chúa, và do đó, giúp một cho biết tòng phục và ngoan ngoãn trước các tác động thần hứng của Thánh Thần. Mọi ân huệ đều ở trong cùng một mối tương quan mật thiết với nhau và có tác dụng củng cố lẫn nhau. Tuy mỗi ân huệ đều mang trong mình một tính cách trọn vẹn như nhau, nhưng truyền thống thiêng liêng đã phân chia chúng theo thứ tự dựa trên quan niệm về mức độ ưu việt của mỗi ân huệ; theo đó, bậc dưới cùng là ơn kính sợ Thiên Chúa và trên cùng là ơn khôn ngoan. Nếu hiểu theo một cách nào đó, thì các ân huệ được coi là tương tự như các nhân đức; dù vậy, nét khác biệt giữa chúng có thể chỉ ra là: các nhân đức có hoạt động hiệu quả được là nhờ sức thôi thúc của lý trí con người (do ân sủng tác động), trong khi đó, các ân huệ được hiệu lực hóa nhờ tác động thúc đẩy của Thánh Thần; tắt một lời, nhân đức là thứ do con người tập tành mà có, còn ân huệ là thứ chỉ do Thánh Thần ban tặng cách nhưng không mới có được mà thôi.

Phần dưới đây sẽ lược trình các ân huệ của Thánh Thần theo thứ tự từ dưới lên trên.

 

Ơn Úy Kính (Kính sợ Thiên Chúa)

Dù ơn Khôn ngoan được coi là ân huệ tối cao, thì nó cũng khởi đầu từ ơn Úy Kính, như Kinh Thánh đã cho thấy: Lòng “kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan” (Cn 9:10; x. Tv 111:10), và “là bước đầu của tri thức” (x. Cn 1:7); hoặc như văn đoạn G 28:28 đã nêu: “kính sợ Chúa Thượng, đó là khôn ngoan”; hay, “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời” (Tv 19:9). Ân huệ này được coi như là nền tảng của hết thảy mọi ân huệ khác; thánh Inhã Loyola đã ám chỉ đến ân huệ này nơi bài “Nguyên lý và Nền tảng” trong sách Linh Thao: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính [trong tiếng Tây ban nha có thể dịch là “Úy Kính”] và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình.”

Úy Kính tức là thái độ kính trọng, hay tôn kính, dành cho Đấng chí thánh uy linh; đó không phải là phản ứng sợ hãi theo kiểu hoảng loạn, kinh hoàng trước Thiên Chúa, nhưng là nỗi sợ xuất phát từ tâm trạng không muốn làm mất lòng Người. Trong thời đại này, con người thường nhấn mạnh đến “tình yêu,” coi đó là điều tốt đẹp, và theo đó, liên tưởng đến cái đối lập với nó – là “nỗi sợ” – vốn được cho là thứ xấu xa. Thực ra, có thể ví “tình yêu” và “nỗi sợ” trước Thiên Chúa với “bàn đạp ga” và “bàn đạp thắng” của chiếc xe hơi: không có bàn đạp ga, tất chiếc xe sẽ không tiến lên nổi, và chắc chắn rằng, chẳng ai dám lái một chiếc xe không có thắng. Tựu trung, nỗi sợ lớn nhất của một người đang yêu là nỗi sợ rơi vào cảnh đánh mất tình yêu.

Có thể đọc thấy nơi truyền thống xa xưa của Cựu Ước những lời khuyên như sau: “Giờ đây, hỡi Ítraen, nào Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, có đòi hỏi anh em điều gì khác đâu, ngoài việc phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo mọi đường lối của Người, yêu mến phụng thờ Người hết lòng, hết dạ, giữ các mệnh lệnh của Đức Chúa và các thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được hạnh phúc?” (Đnl 10:12-13). Từ đó, có thể nhận ra đượcrằng, theo cách biểu đạt của Kinh Thánh, nỗi sợ và tình yêu không nằm ở trong thế đối nghịch nhau, nhưng đơn giản, chúng chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu mà thôi. Cả Đức Giêsu – Đấng hiện diện như là “lòng nhân hậu và yêu thương của Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3:4) – cũng đã khuyên rằng: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28). Lẽ tất là “tình yêu hoàn hảo thì loại trừ sợ hãi” (1Ga 4:18), nhưng khổ nỗi, tình yêu của con người lại hiếm khi đạt đến một mức độ lý tưởng như thế.

Thần học đã xếp ơn Úy Kính vào số các tập tính siêu nhiên, coi đó như một khuynh hướng thiêng liêng giúp cho kitô hữu có thể bày tỏ lòng tôn kính đối với Thiên Chúa như là Đấng Tạo dựng, Đấng là Cha của mình, và nhờ đó, phát sinh tâm tình sợ phải làm mất lòng Người trong hết thảy mọi sự. Như lời thánh Tô­ma Aquinô nhắn nhủ: vì Thiên Chúa là Đấng Nhân lành tuyệt bực, nên tín hữu không nên tỏ bất kỳ một thái độ sợ sệt nào trước Người, nhưng phải biết lo sợ về những điều vốn có khả năng làm cho đi trệch ra khỏi đường lối Thiên Chúa.[26] “Nỗi sợ” này không phải là thái độ kinh hoàng hay lo lắng, mà là thái độ bình thản với ý chí quyết tâm giữ vững lòng trung tín. Dựa theo bản tính cố hữu của mình, người kitô cần thiết phải ra sức xa lánh sự dữ trước khi có thể thực thi điều lành; cái sợ điều dữ là bước khởi đầu của tiến trình hành vi luân lý. Truyền thống đạo đức học đã phân chia ơn Úy Kính thành hai dạng loại: thảo kính (lòng kính sợ của người làm con) và nô úy (lòng kính sợ của kẻ nô bộc). Dạng thứ hai là nỗi sợ bị trừng phạt – thường là sợ phải sa hỏa ngục – nên tự bản chất, nó là điều không tốt cho lắm; dù vậy, nó cũng có thể trở nên hữu ích nếu nhờ nó mà tín hữu biết cải hối hoặc xa lánh dịp tội, và trong trường hợp này, nó được gọi là úy hối. Xét cho cùng, động lực thúc đẩy đứa con hoang đàng trở về với cha nó không phải là tình yêu, mà là thái độ “úy hối,” tức là nỗi ân hận xuất phát từ tình cảnh đáng thương của nó.[27] Trong sách Linh Thao, thánh Inhã Loyola giới trình một bài suy niệm về Hỏa ngục với ơn xin như sau: “… để nếu tôi có lỡ quên mất tình yêu dành cho Chúa vĩnh cửu, thì ít cũng là vì sợ phải chịu hình phạt mà tôi sẽ tránh cho khỏi sa vào vòng tội lỗi” (số 65). Công đồng Trentô dạy rằng dạng Úy Kính này có thể coi là tốt, và đó chính là ân huệ khởi đầu của Thánh Thần cho dù Người chưa ngự vào trong linh hồn. Vả, ân huệ của Thần Khí cũng luôn “đượm nhuần” đức ái, ít là vào giai đoạn khởi đầu. Thái độ thảo kính là hoa trái của tình yêu, là lòng tôn kính đối với Thiên Chúa theo tâm tình của một người con đối với Cha mình. Đó chính là ân huệ đã nâng đỡ các vị tử đạo, như lời Đức Giêsu đã báo trước: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28).

Ơn Úy Kính cũng tác động đến nhiều nhân đức khác, đặc biệt là đức cậy. Ai kính sợ Thiên Chúa thì chẳng còn phải sợ bất cứ điều gì hay bất cứ người nào khác nữa. Đó là thái độ biết đặt niềm trông cậy nơi sự Quan phòng của Thiên Chúa, chứ không cậy bám nơi các thụ tạo như tiền bạc, quyền lực, bạn bè hoặc tài năng có được. Về điều này, tác giả các Thánh Vịnh đã tuyên bố rõ như sau: “Họ không lo phải nghe tin dữ, hằng an tâm và tin cậy Chúa, luôn vững lòng không sợ hãi chi” (Tv 112:7-8). Lòng tôn kính dành cho Thiên Chúa hiển bày phẩm tính toàn năng của Người; lời tuyên xưng đức tin của người kitô khởi đầu với câu: “Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất ­nảy sinh trong đầu ý niệm về một vẻ đáng kinh, đáng khiếp, đáng sợ nào đó, vốn có khả năng gây ra một thái độ kính sợ dạng nô úy; dù vậy, Đấng được gọi là toàn năng ở đây lại mang tính cách hiền phụ, hằng gợi lên trong tâm hồn con cái mình tâm tình phó thác, cậy trông. Có như thế, thì dù là ở giữa cảnh bách hại, người kitô vẫn một dạ xác tín vào lời Đức Giê­­su đã hứa: “một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (Lc 21:18).

Trong mối quan liên với đức tiết độ, ơn Úy Kính cũng giúp tín hữu làm chủ được mình trước các thứ cám dỗ đánh vào dục vọng con người. Lòng tham vô đáy, hay sức quyến dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ, làm cho con người trở nên mê muội và bị lôi kéo ra khỏi cương giới của lý trí và đức công bình; nếu chỉ dựa vào cung cách hành xử của một con người không thôi, thì khó mà quan niệm được tội là gì; chính ơn Úy Kính mới giúp khai nhãn để nhận diện được tội cùng những hậu quả của nó. Tv 4:5 khuyên rằng: “hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa.” Ơn Úy Kính cũng giúp vun trồng đức thờ phượng, vì nó làm gia tăng lòng tôn kính vốn là phản ứng tự nhiên của con người trước mys­­terium tremendum (mầu nhiệm khủng khiếp) của thực tại thờ phượng.[28] Đó là thái độ kinh hoàng của tiêntri Isaia khi đối diện với “Đức Chúa các đạo binh” (x. Is 6:5); đó là thái độ hoảng sợ của các Tông đồ khi chứng kiến uy thần của Đức Kitô: “Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: ‘Người này là ai vậy?” (Lc 8:25). Lòng sùng tín kitô bổ khuyết vào – chứ không triệt hủy – khả năng sùng tín tự nhiên. Nó giúp đẩy mạnh ý thức tôn kính dành cho các đồ vật thánh và những nơi thánh vốn đang bị nền văn hóa thế tục hiện đại ra sức phá bỏ hoàn toàn. Chẳng hạn, đã bước vào những nơi chốn thờ phượng thì nhất thiết phải thể hiện một thái độ tôn kính cần có, như lời căn dặn đọc thấy trong thư gửi tín hữu Do thái: “Cho nên, bởi vì chúng ta được lãnh nhận một vương quốc vững bền không lay chuyển, chúng ta phải biết ơn Thiên Chúa. Với lòng biết ơn đó, chúng ta hãy kính sợ mà phụng thờ Thiên Chúa cho đẹp lòng Người” (Dt 12:28). Chính Đức Giêsu cũng đã cầu nguyện với những tâm tình như thế (xem Dt 5:7). Sau hết, ơn Úy Kính đưa dẫn đến đức khiêm nhượng, bởi vì đó là kết quả của việc nhận biết được con người là ai trước mặt Thiên Chúa: sự thật về con người. Thánh Phêrô đã có những lời nhắn nhủ như sau: “Anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định” (1Pr 5:6). Ân huệ đó làm cho tín hữu khỏi rơi vào thái độ kiêu căng, vì nói cho cùng, mọi sự con người có được cũng đều nhờ cả vào ân huệ Thiên Chúa ban cho: “bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4:7). Đó còn là lẽ thường tình mà ai ai cũng hiểu,như Đức Giêsu đã dạy qua dụ ngôn về việc đi dự tiệc cưới (x. Lc 14:7tt): hãy chọn chỗ cuối mà ngồi… Việc tỏ thái độ kiêu căng, phô bày vẻ ngạo mạn cũng chẳng khác gì chuyện ra tay cướp giậtvinh quang Thiên Chúa, tức chiếm làm của riêng những thứ vốn thuộc về Đấng Toàn năng; ơn Úy Kính là một “chiếc phanh” thượng hạng giúp hãm siết các khuynh hướng lệch lạc kiểu đó. Đối với thái độ tự tin quá đáng, thánh Phaolô cũng đã gióng tiếng cảnh báo: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10:12); ngài cũng khuyên nhủ “toàn thể các thánh” trong giáo đoàn Philípphê (Pl 1:1) như sau: “anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (2:12). Còn về chính mình, ngài viết: “Vậy, vì biết kính sợ Thiên Chúa, chúng tôi cố gắng thuyết phục người ta” (2Cr 5:11); rồi tiếp đó: “Anh em thân mến, vì nắm được những lời hứa ấy, nên chúng ta hãy tẩy rửa hồn xác cho sạch mọi vết nhơ, và đem lòng kính sợ Thiên Chúa mà lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (7:1).

Qua những gì vừa trình bày trên đây, thiết nghĩ cũng đã khá đủ để giúp nhận rõ là ơn Úy Kính, dù được xếp vào hàng thấp nhất, thì cũng chính là chiếc thang giúp tiến lên những tầng nấc cao khác – kể cả tầng nấc cao nhất – bởi vì nó hằng ra sức vun xới cho đức khiêm nhường. Mà đã rõ ràng là như vậy rồi thì khỏi cần phải nhắc gì thêm đến khả năng sinh ích của nó đối với đức ái, đức kiên nhẫn, đức công bình… Hoa trái mà ân huệ này đơm kết chính là lương tâm trong sạch. Phụng vụ Giáo hội hằng nhắc nhở để các tín hữu của mình ý thức rằng mọi lời cầu nguyện kitô đều quy về“Thiên Chúa Toàn năng hằng sống”, “Thiên Chúa quyền năng và dũng mãnh” (dịch từ chữ Domi­nusDeus Sabaoth). Thánh thi Te Deum thưa lên Thiên Chúa là Pater imensae majestatis, tức là “Cha Uynghi vô biên.” Cảm xúc của con người trước Đấng Uy nghi ấy được biểu lộ rõ ràng, như thấy qua thị kiến mở đầu của tiên tri Isaia (x. Is 6:5), hoặc qua thị kiến của thánh Gioan ở đảo Pátmô trước Chúa Phục Sinh: “lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: ‘Đừng sợ…’” (Kh 1:17). Một số vị thánh cũng có được cách kiểu cảm nhận tương tự; chẳng hạn, thánh Têrêxa A­vi­­la đã viết rằng: “với tôi, dường như chẳng thể còn cái chết nào khủng khiếp hơn là ý nghĩ về sự việc có thể làm mất lòng Thiên Chúa” (Vida 34,10). Chưa đủ thánh thiện đến mức độ đó thì khó mà hiểu thấu được ân huệ Kính sợ Thiên Chúa lớn lao đến dường nào. Song dù gì đi nữa, Thiên Chúa cũng yêu thương hết thảy mọi con cái Người. Dù Người đã dành hết tình yêu thương cho dân tuyển của Người khi xưa, thì lúc Người xuất hiện trước họ, họ vẫn cảm thấy sợ hãi, để rồi Môsê đã phải lên tiếng trấn an: “Đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đến là để thử thách anh em và làm cho anh em luôn luôn kính sợ Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội” (Xh 20:20). Sâu tận đáy lòng, Đavít đã tâm tình cùng Thiên Chúa rằng:

                “Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,

                xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.

                Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác

                thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 139:23-24).

 

        Ơn Sùng Hiếu

Từ “sùng hiếu” hàm dung một số ý nghĩa căn bản. Theo cách lý giải của thánh Tôma Aquinô, đó là hiếu hạnh tự nhiên, là một nhân đức và là một ân huệ; ngài cắt nghĩa rõ ràng như sau về nét khác biệt giữa các ý nghĩa đó:

“Xét như bổn phận thờ kính người cha trần giới, thì sùng hiếu là một nhân đức; còn xét như bổn phận thờ phượng Thiên Chúa như Cha, thì đó là một ân huệ.” Rồi ngài lý luận tiếp: “Thái độ thờ kính Thiên Chúa như là Đấng Tạo dựng – biểu hiện qua đức thờ phượng – thì cao cả hơn là tâm tình tôn kính người cha phàm trần được biểu lộ qua đức hiếu thảo. Song, tâm tình thờ phượng Thiên Chúa như là Cha còn tuyệt vời hơn cả thái độ thờ kính Thiên Chúa như là Đấng Tạo dựng và như là Chúa nữa. Bởi đó, đức thờ phượng thì lớn lao hơn cả đức hiếu thảo; trong khi đó, ơn sùng hiếu thì lớn lao hơn cả đức thờ phượng.”[29]

Sùng Hiếu là một ân huệ làm cho tín hữu có thể biểu lộ thái độ tôn kính và tâm tình thờ phượng dành cho Thiên Chúa như Người đáng được; nếu chỉ cậy vào sức riêng của mình, thì con người không đủ khả năng làm được điều đó. Trong huấn từ sau kinh Truyền tin, ngày 28.05.1989, Đức Gioan Phaolô II đã nêu bật cho thấy ý nghĩa của ân huệ này: “Với ơn Sùng Hiếu, Thần Khí chữa lành mọi dạng tật cứng lòng của ta, khơi dậy tâm tình sốt mến hướng về Thiên Chúa và các anh chị em ta.” Cùng với đức hiền lành, ân huệ này làm cho cõi lòng tín hữu đượm nhuần sức trìu mến sâuxa và tình yêu huynh đệ. “Hơn nữa, ơn Sùng Hiếu còn có sức dập tắt những ngọn lửa bất hòa và chia rẽ – vốn chỉ làm cho tâm hồn hóa chua cay, hận sầu và mất nhẫn nại – cùng thắp lên những tâm tình cảm thông, dung nhẫn và thứ tha. Bởi đó, một ân huệ như thế tất phải là phần móng của một cộng đồng nhân loại mới, được xây dựng trên nền văn minh tình yêu.”

Thánh Phaolô đã quyết liệt lên án những kẻ vô đạo đương thời vì thái độ “bất hiếu” của họ đối với Thiên Chúa: kẻ ăn ở bất chính thì chỉ biết “nói hành nói xấu, vu oan giá họa, thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri,không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương” (Rm 1:30-31); đó chính là thái độ nghịch đạo – hậu quả của việc thiếu ơn sùng hiếu – xét về ý nghĩa tôn giáo lẫn theo luân thường đạo lý giữa xã hội. Thái độ cứng lòng đó làm cho con mắt tâm hồn trở nên mù lòa, khiến con người không còn đủ sức nhìn ra sự dữ để rồi đối xử với nhau như những đồ vật đáng vứt đi; điển hình như việc phá thai và làm cho chết êm dịu, hoặc như tình trạng bóc lột sức lao động vì lợi nhuận kinh tế, hay như thực trạng lạm dụng tình dục trẻ em, khiêu dâm, cùng mọi dạng dịch vụ khai thác tình dục khác.

Sùng Hiếu – xét như một nhân đức – xuất phát từ bản đức công chính, đòi hỏi con người phải thực thi bổn phận tôn kính cha mẹ, thương yêu anh chị em trong nhà, kính trọng bậc trên, nhún nhường bậc dưới đối với tha nhân trong xã hội. Nhân đức này là cái cốt tủy trong nền luân lý Khổng giáo và là nền tảng của lòng từ bi Phật giáo. Ân huệ Thần Khí dành cho kitô hữu làm cho “xác thể” tự nhiên trở nên sống động nhờ “hồn tính” của sức tác động thiêng liêng: Cha trên trời được con cái thảo hiền dưới đất hết lòng sùng kính, thờ phượng và tôn vinh. Như một hệ quả tất yếu, lòng kính mến đó sẽ được làm cho tỏa lan sâu rộng đến toàn thể “gia quyến” của Người – mà trước hết là đến các anh chị em Đức Giêsu, Con của Người, trong Thân thể Giáo hội – vì Người đã tiền định cho con người “nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:29; x. Ep 1:5). Như thế, xét cho cùng, nền “văn minh tình yêu” là một tầm nhìn hướng đích – một mẫu hình lý tưởng – về viễn cảnh “chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa; chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người” (Ep 4:5-6). Tuy nhiên, phải nói ngay rằng đó chẳng hề là điều hão huyền, không tưởng, bởi vì nó được đặt trên nền tảng vững chắc là đức tin: trong Thần Khí, người kitô “không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (2:19). Nhờ “Thần Khí ban ơn nghĩa tử” mà tín hữu mới dám gọi – audemus dicere – Thiên Chúa là Áp­ba, Cha ơi! Bởi vì kitô hữa thực sự là con cái của Thiên Chúa (x. Rm 8:15-16; 1Ga 3:1). Ơn Sùng Hiếu tỏa trùm một bầu khí tâm tình trên hết thảy mọi kinh nguyện kitô, vì chính Đức Giêsu đã dạy người kitô cầu nguyện với kinh “Lạy Cha!” Sống giữa lòng những thực tại vật chất hữu hình, các tín hữu “thảo hiếu” có bổn phận phải “bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương” (Ep 5:1). Và phải nhờ ân sủng Thiên Chúa ban cho, thì người kitô mới đủ sức chu toàn được bổn phận đó, như Giáo hội đã dạy qua một lời kinh trong phụng vụ: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban. Những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”[30]

Mối tử hệ thần linh (chiều dọc) được chuyển hóa thành mối tương quan huynh đệ (chiều ngang) giữa các tín hữu và giữa con người với nhau. Và cũng bởi vì tình yêu đích thực được biểu lộ qua hành động chứ không chỉ qua lời nói hay cảm xúc (x. 1Ga 3:18), nên truyền thống mới nỗ lực cụ thể hóa lòng sùng hiếu qua các công tác gọi là bác ái;[31] tu đức học hằng cổ xúy một thái độ dấn thân cụ thể, thể theo lời khuyên nhủ khi xưa của thánh Phaolô: “Vậy bao lâu còn thì giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6:10). Với truyền thống kitô, mối tương quan huynh đệ giữa những người đã chịu phép rửa với nhau tỏ ra là hoàn toàn khác biệt – xét về phẩm chất – so với tình huynh đệ đại đồng giữa con người với nhau. Thần học quan niệm ơn Sùng Hiếu như là một tập tính siêu nhiên giúp vun trồng cho đức côngchính và, qua nó, các nhân đức thờ phượng và lòng thảo kính tự nhiên. Đối lập với lòng sùng hiếu là thái độ cứng lòng, một tình trạng làm nảy sinh lòng tự ái quá đáng. Trạng thái tâm hồn (và tâm lý) – tức là tâm tính – phải trở nên mềm dẻo thì mới có thể đón nhận được hiệu quả của các mối chính phúc: “Phúc thay ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa…” (Mt 5:7-9). Một bậc thầy đời sống thiêng liêng đã diễn tả như sau về ơn Sùng Hiếu: “ân huệ này làm phát sinh: tâm tình hiếu tử hướng lên các đấng bề trên, tâm tình hiền phụ hướng xuống các người bề dưới, cùng tình thân huynh đệ hướng sang các kẻ đồng hàng, cũng như lòng trắc ẩn hướng về kẻ túng hèn, đau khổ và thái độ ân cần cứu giúp tha nhân… Ân huệ đó cũng làm cho ta biết buồn với kẻ sầu muộn, biết nhỏ lệ với người đang khóc, biết vui mừng với kẻ vui sướng; nó làm cho ta biết chịu đựng để không tỏ ra khắt khe trước tình trạng rầy rà của người đau ốm hay những khiếm khuyết của kẻ bất toàn; tắt một lời, nó giúp ta trở nên mọi sự cho hết thảy mọi người.”[32]

Và do đó, ân huệ và nét điềm tĩnh này phải thấm nhuần thái độ kitô trong tương quan đối với hết mọi con cái của Thiên Chúa và, sau cùng, đối với mọi thụ tạo. Ơn Sùng Hiếu là một khả năng đặc biệt giúp nhận ra – đáp trả lại, và tỏ lòng kính phục đối với – tất cả những gì có tính cách thần linh. Ân huệ này cũng làm gia tăng lòng tôn kính đối với những đồ vật thánh, chẳng hạn như Sách Kinh Thánh, thánh đường, nhà nguyện, ảnh tượng và các thánh cụ, v.v.. Công đồng Va­ticanô II đã nối kếtơn Sùng Hiếu và ơn Hùng Dũng với thái độ cần có đối với Lời của Thiên Chúa: Hiến chế Tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) mở đầu với lời tuyên bố như sau: “Trong niềm thầm kính(Sùng Hiếu) lắng nghe và tin tưởng (Hùng Dũng) công bố Lời Thiên Chúa…” Quả là điều thú vị khi thấy Clê­mentê thành Alếcxănđria cũng đã kết nối ơn Sùng Hiếu với chân lý: “Nhưng, qua tình yêu Người dành cho con người, Đức Chúa cũng mời gọi hết thảy mọi người nhận biết chân lý, và chính vì mục đích này mà Người đã gửi Đấng Bảo Trợ đến. Thế thì, việc nhận biết đó là gì? Chính là lòng đạo đức (ơn Sùng Hiếu)! Và theo thánh Phaolô, ‘lòng đạo đức’ thì ‘lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức’ (1Tm 4: 8).”[33] Thánh Bônaventura cũng quan niệm tương tự như thế: “Lòng sùng kính ưu việt đến độ trở nên quen thuộc với những gì đích thực, tức là với những điều sinh ích cho ơn cứu độ; đâu đó trong sách Huấn ca có lời chép rằng: ‘Chính Đức Chúa đã làm nên tất cả, và ban tặng khôn ngoan cho người đạo hạnh’ (Hc 43:33) … Chân lý mạc khải luôn đóng kín trước kẻ nghịch đạo; do vậy, nếu anh em muốn làm những kẻ thông thái đích thực, thì quả thực là thích đáng việc anh em phải có lòng sùng kính.”[34] Hai chiều kích của thừa tác vụ là: chiều dọc (sùng hiếu) và chiều ngang (hùng dũng), phía trong và phía ngoài, cả hai đều ở trong một mối tương can, để Lời và Khí có thể mặc lấy được ý nghĩa… Qua đời sống cầu nguyện, tâm hồn đạo đức thường cảm nghiệm được ơn nước mắt, ơn an ủi vỗ về; và trong cuộc hành trình thiêng liêng, tâm hồn đó trở nên rộng mở và có thể tiến cao trên các nấc thang hoàn thiện.

 

Ơn Minh Luận

Qua ân huệ này, Chúa Thánh Thần phú ban một sức minh mẫn siêu nhiên cho các tín hữu, giúp họ có khả năng nhận biết được mọi sự như Thiên Chúa biết – đương nhiên là ân huệ này được ban cho mỗi người theo những mức độ khác nhau. Các thánh là những người được ban cho ân huệ này, đặc biệt là để các ngài có đủ khả năng đưa ra những phán đoán thích đáng về các tình huống gay go; cũng nhờ ân huệ đó, các ngài có thể “đọc” được tâm hồn con người. Ân huệ này hiện hữu ở một mức độ sung mãn nhất nơi con người Đức Giêsu, như thánh Gioan đã chứng thực cho thấy: “Người không cần ai làm chứng về con người, vì chính Người biết có gì trong lòng con người” (Ga 2:25; x. Ga 1:47; Lc 5:21-22; 7:39tt). Đôi khi, ân huệ này tỏ ra như là một dạng tri thức về tương lai, như thấy trong các lời Đức Giêsu tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài (x. Mc 11:2-6; 14:12-21.27-30), hay về những cơn bách hại sẽ xảy đến cho các môn đệ Ngài: “Nhưng Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để khi đến giờ của họ, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi” (Ga 16:4). Chỉ khi được lãnh nhận tràn đầy Thiên Chúa, tràn đầy Đức Kitô nơi mình, thì một con người, như thánh Phaolô chẳng hạn, mới đủ mạnh dạn để có thể thốt lên rằng: “chúng tôi biết được tư tưởng của Đức Kitô” (1Cr 2:16).

Trong ánh sáng của ân huệ này, tín hữu khám phá ra rằng nét mỹ lệ và vẻ hùng vĩ của vạn vật chính là thực tại phản chiếu vẻ toàn mỹ và huy hoàng của Thiên Chúa; nhờ đó, tín hữu có khả năng thưởng nếm trước hương vị trời mới đất mới. Chính nhờ ân huệ này mà trí tuệ con người có khả năng dùng mọi kiến thức lĩnh hội được về các thụ tạo để tiến dần đến việc nhận chân Đấng Tạohóa. Cùng lúc, con người cũng khám phá ra được bộ mặt đích thực của hết thảy mọi sự vốn đã bị làm cho ra giả tạo vì tội lỗi, nhận ra được tính chất hư ảo của chúng cũng như các thực tại chóng qua: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu như vậy; tuy nhiên, vẫn còn có niềm trông cậy…” (Rm 8:20). Các lời Kinh Thánh hằng nhắc nhở tín hữu ý thức về tính chất phù phiếm ấy của vạn vật, chẳng hạn như lời khuyến cáo sau đây của thánh Phaolô: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều nay: thời gian chẳng còn bao lâu… Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1Cr 7:29.31); và thánh Phêrô cũng nhất trí: “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1Pr 2:11). Do đó, một ý thức đúng đắn về những điều ưu tiên đòi hỏi “chúng ta đừng quá chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Bởi vì, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2Cr 4:18).

Nhìn thế gian với nhãn quan ấy không có nghĩa là tỏ thái độ khinh miệt hay hạ thấp phẩm giá của vạn vật, nhưng là để lưu tâm cho đủ đến trật tự thích đáng của các giá trị. Thần Khí Sáng tạo làm cho trí óc hiểu rõ từng thụ tạo theo bản chất và giá trị đích thực của chúng; nhưng, có thể diễn đạttheo kiểu thi sĩ như thế này: khi vầng dương chiếu tỏa rực rỡ thì các vì tinh tú biến tan. Thế thì, dưới nguồn sáng mới mẻ này, bộ mặt đích thực của vạn vật là đâu? Đó không phải (chỉ) là những thứ mà khoa học mô tả hay số liệu thống kê kể ra cho thấy, nhưng là chiều kích làm hiện lộ vẻ mặt thần linh của mọi sự. Có thể lấy các bí tích làm điển hình: nước, hoặc nghi thức rửa tội, các nghi lễ phụng vụ, v.v. có thể được quay phim, chụp hình hoặc ghi chép lại bằng các công cụ khoa học; nhưng dù sao thì chúng cũng không tài nào giúp khám phá ra được cái gì là ân sủng, là ơn tha thứ, là tình yêu Thiên Chúa… Như thế, toàn thể vũ trụ đều mang một chiều kích bí tích; và nhờ ơn Minh luận, thế giới này trở nên rõ ràng, tỏ hiện trước tầm nhìn sâu rộng của các kitô hữu.

Tình trạng trở nên mù lòa, không nhận ra được chiều kích ẩn tiềm ấy chính là tấn bi kịch của “con người hiện đại”. Thiên hạ đã trở thành những kẻ mà sách Khôn ngoan gọi là “ngu si”: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hóa Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ. Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp” (Kn 13:1-3). Xã hội hiện đại, bị mê hoặc bởi những kỳ công khoa học và tiến bộ kinh tế, đã quay lưng khỏi Thiên Chúa và chẳng còn bận đoái hoài gì đến các giá trị siêu nhiên; trước tình trạng đó, có vẻ như thị kiến của thánh Gioan đã trở thành hiện thực: “Bấy giờ toàn thể cõi đất thán phục đi theo con thú” (Kh 13:3). Các kitô hữu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ; chẳng thế mà nhiều vị lãnh đạo Giáo hội đang lặp lại lời than phiền của tiên tri Giê­rêmia khi xưa: “Dân Ta quả thật là ngu xuẩn, chúng không nhận biết Ta. Chúng là những đứa con dại dột, là những kẻ tăm tối u mê. Chúng chỉ khéo làm điều dữ, chứ chẳng biết làm điều lành” (4:22).

Cần phải hết sức lưu tâm làm sao để tránh rơi vào một lối quan niệm nhị nguyên theo kiểu phái Mani­kê­ô, coi các thụ tạo như thể là xấu tự bản thể, hoặc đã bị tội con người làm cho ra đồi trụy đi tự bản chất; Thiên Chúa dựng nên chúng tốt lành và Thần Khí Sáng tạo hằng ra sức duy trì chúng trong các phẩm chất tốt đẹp cơ bản mà chúng có, đúng như lời giáo huấn của thánh Phaolô: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1: 20). Nhờ ân huệ này, người kitô có thể xóa tan được não trạng phân biệt – vốn tồn tại trong lối quan niệm Do thái – giữa “cái thanh sạch với cái ô uế,” như lời xác định của thánh Phaolô: “Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ” (1Tm 4:4); hoặc: “Mọi sự đều trong sạch với những người trong sạch” (Tt 1:15). Ân huệ này làm cho người kitô có được quyền tự do của con cái Thiên Chúa, đủ sức nhận rõ bộ mặt thực chất của vẻ quyến rũ thế gian (các ý thức hệ, các trào lưu tân thời, những tư tưởng tuyên truyền…), và nhờ đó, có khả năng sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, “hầu chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường” (Ep 4:14).

Thần Khí yêu mến những tâm hồn khiêm hạ và đổ vào lòng họ những ân huệ của Người. Việc hiểu rõ được sự thật ấy đã khiến cho Đức Giêsu cảm thấy hoan hỷ: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn’” (Lc 10:21); nhưng sự thật ấy cũng có thể làm cho những người khác phải sửng sốt và tỏ thái độ hoài nghi, như kinh nghiệm mà chính Đức Giêsu đã trải qua nơi làng Nadarét của Ngài; người ta đã không thể hiểu nổi làm sao mà Ngài lại có được một khả năng thông hiểu đến mức ấy, và họ phải thốt lên rằng: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao?” (Mc 6:2). Các thánh cũng đã từng sống qua kinh nghiệm tương tự như vậy.

Thần học coi ơn Minh Luận như là một tập tính siêu nhiên, được phú ban nhờ ân sủng thần linh, nhằm giúp tăng cường trí năng con người, làm cho trí tuệ có khả năng lĩnh hội tường tận bản chất của các sự vật và sự kiện trong mối tương quan với cứu cánh tối hậu. Ân huệ này giúp kiện toàn đức tin, theo như lời nhận định của thánh Tôma Aquinô trong Tổng luận Thần học, 2-2 a.9. Nó còn mang lại hai hiệu quả bổ sung khác: một mặt, nó soi sáng giúp cho trí tuệ của kẻ có đức tin đủ sức nhận ra đâu là chân giá trị của các thụ tạo, cũng như thấy được vai trò mà chúng đóng giữ như là “những cánh cửa sổ” hướng mở về các thực tại siêu nhiên, hoặc như là những “chiếc gương” phản chiếu ánh thiên quang rực rỡ; như thế, ngay cả các sự kiện chẳng đáng kể gì mấy cũng có thể biểu lộ cho thấy một sứ điệp thần linh và trở nên các cách thế hay cơ hội đem đến ơn cứu độ; mặc khác,ân huệ này còn giúp nhận ra rằng, so với tình trạng sung mãn của Thiên Chúa, thì hết thảy mọi của cải vật chất đều trở nên những thứ phù du, hư ảo; nhờ hiểu được như thế, các tín hữu mới không còn cam tâm làm những kẻ nô lệ cho các thụ tạo nữa.

Ân huệ này giúp các tâm hồn chiêm niệm hướng lòng mình vượt lên khỏi thụ tạo mà vươn đến Đấng Tạo hóa với niềm hoan lạc lớn lao, như thấy qua lời thánh Gioan Thánh giá diễn tả: “[trong khichiêm ngắm vạn vật] linh hồn tìm được sự bình an đích thực, thấy được ánh sáng thần linh và nếm cảm no thỏa sự Khôn ngoan Thiên Chúa vốn chiếu tỏa rạng ngời qua mối hài hòa giữa thụ tạo và nơi các kỳ công của Người; nhờ thế, tâm hồn đó cảm nhận mình được tràn đầy điều lành và rỗng không sự dữ, rồi, đặc biệt hơn cả, nhận biết và thưởng thức được bữa tiệc tình yêu vô giá vốn dĩ làm cho tâm hồn được củng cố vững chắc nơi tình yêu” (Diễm tình ca thiêng liêng = Cán­ti­co es­piritual 14,4). Giữa hết thảy mọi thụ tạo, linh hồn con người là hữu thể được các thánh coi như có sức quyến rũ nhất. Có vậy, thánh Gioan Thánh giá mới thốt lên rằng: “Ôi linh hồn, ngươi diễm lệ biết bao giữa hàng muôn thụ tạo!” (Cántico 1,7); và đối với thánh Têrêsa Avila, thì “Linh hồn người công chính là chốn lạc viên, nơi Thiên Chúa tìm thấy niềm thỏa thích của Người… Tôi chẳng thể tìm ra được bất cứ thứ gì có thể đem ra so sánh với vẻ diễm tuyệt của một linh hồn” (Moradas 1,1).

 

Ơn Hùng Dũng

Chính nhờ ân huệ này mà người kitô nhận được sức mạnh và lòng can đảm để vượt thắng mọi trở ngại và cảnh huống gay go vốn thường xảy đến trong tiến trình thực thi các bổn phận tôn giáo; nhờ nó, tín hữu đủ sức chiến đấu với thế gian, với sự dữ và, đặc biệt nhất là với những khuynh hướng xấu của tính xác thịt; đó là phương cách giúp khắc phục nỗi sợ và tính nhút nhát bẩm sinh. Đó là ân huệ giúp tín hữu dự phần vào sức mạnh của chính Thiên Chúa. Qua các bản văn Kinh Thánh, tín hữu hằng đọc thấy những lời nhắc nhở làm cho ý thức rằng Thiên Chúa là Thành trì cứu độ, là Pháo đài bảo vệ, là Núi đá chở che… cùng các ẩn dụ tương tự. Tác giả sách Thánh vịnh đã nức lòng hớn hở mà cất tiếng hoan ca: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18:2-3); hoặc: “Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi, lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người. Tôi đã được Người thương trợ giúp, nên lòng tôi vui mừng hoan hỷ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người” (Tv 28:7).

Ơn Hùng Dũng đặc biệt ban sức mạnh cho tín hữu trong cuộc chiến chống lại sự dữ, cũng như giúp duy trì sức kiên tâm trong việc thực thi điều lành.

Khởi đầu kinh Tin kính, người kitô tuyên xưng đức tin vào “Thiên Chúa là Cha Toàn năng”; Chúa Thánh Thần, “ngón tay phải của Cha”, đã luôn bổ ban tràn đầy sức mạnh của Người cho những ai đang đặc biệt cần đến. Thư gửi tín hữu Do thái đã nêu một thí dụ điển hình như sau: “Tôi còn phải nói gì nữa đây? Tôi sợ không có đủ thời giờ để kể truyện các ông Ghítôn, Barắc, Samson, Gíptác,Đavít, Samuen và các ngôn sứ. Nhờ đức tin, các vị này đã chinh phục các nước, thực hành công lý, đạt được những gì Thiên Chúa đã hứa; các ngài đã khóa miệng sư tử, dập tắt lửa hồng mãnh liệt,thoát khỏi lưỡi gươm. Các ngài đã lướt thắng bệnh tật mà trở nên mạnh mẽ, đã tỏ ra dũng cảm nơi chiến trường, và đẩy lui được quân ngoại xâm… Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù; họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm; họ phải lưu lạc, mặc áo da cừu da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ. Thế gian chẳng xứng với họ. Họ đi lang thang trong hoang địa, trên núi đồi, trong hang hốc và hầm hố” (Dt 11:32-38). Trong Tân Ước, thánhPhaolô cũng cảnh báo rằng: “Quả thực, những ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki­­tô Giêsu, đều sẽ bị bắt bớ” (2Tm 3:12), như chính Đức Giêsu đã tiên báo trước đó (x. Mt 5:11; Ga 15:18-21). Dõi lại các biến cố đã diễn ra suốt dòng lịch sử, và nhất là qua kinh nghiệm nỗ lực để giữ vững lòng tín thác nơi Thiên Chúa, người công chính hẳn là có cảm tưởng rằng “Con Thú được phép giao chiến với các thánh và thắng họ” (Kh 13:7); bởi vậy, mới thường nghe vẳng vọng đâu đó lời oán than, rên rỉ: Tại sao? Chúa ơi? Cớ sao?…

Dù rằng cuộc chiến thiêng liêng trong đời sống thường ngày của người kitô xem ra không ác liệt là mấy, nhưng như thế không có nghĩa là ơn Hùng Dũng không còn cần thiết nữa. Bởi vì, tuy cuộc chiến này có vẻ như không có biểu hiện gì đáng lưu ý ở bề ngoài, nhưng bên trong thì cuồn cuộn từng đợt sóng ngầm; bởi đó, thánh Tông đồ Phaolô mới lên tiếng cảnh giác là: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:11-12).Quả thực, người kitô đang ở trong một cuộc chiến thiêng liêng có tính chất cánh chung, như công đồng Va­ticanô II đã vạch ra cho thấy: “Một cuộc chiến cam go chống lại quyền lực bóng tối vẫn tiếp diễn suốt trong lịch sử nhân loại, khởi đầu từ khi thế giới khai nguyên và sẽ kéo dài đến ngày cuối cùng như lời Chúa phán (x. Mt 24:13; 13:24-30 và 36-43). Dấn thân vào cuộc chiến này, con người phải luôn ra sức chiến đấu để gắn bó với sự thiện, bởi vì con người chỉ có thể tìm được sự thống nhất trong chính mình một khi đã hết sức cố gắng với sự trợ giúp của ơn Chúa” (GS 37). Về cốt yếu, tình trạng hiệp thông các thánh trong Giáo hội biểu lộ một mối tương trợ vốn có khả năng giúp cho tín hữu đủ sức ứng phó với cuộc chiến ấy, đặc biệt là nhờ sức mạnh của các lời cầu nguyện; đó là điều mà thánh Phaolô hằng ra sức thực hiện: “Từ ngày chúng tôi nghe biết vậy, chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thần Khí ban cho… Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả” (Cl 1:9-11). Ngài đã đề nghị với các tín hữu Êphêsô “hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người” (Ep 6:10), và thánh Phêrô cũng khuyên nhủ tương tự: “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế” (1Pr 5:9). Ơn Hùng Dũng của Thần Khí được biểu lộ theo những dạng cách nghịch biện, và đó là điều mà thánh Phao­­lô đã kinh nghiệm rất rõ: khi cầu nguyện để xin được giải thoát khỏi… những nỗi thống khổ của mình, ngài đã nhận được lời quả quyết như sau: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12:9).

Các thần học gia đã xếp ơn Hùng Dũng vào số các tập tính siêu nhiên, coi đó như là ân huệ Thánh Thần ban cho hết thảy mọi tín hữu, hầu giúp họ vượt qua được những tình cảnh khó khăn hằng ngày để giữ vững một đời sống kitô trung thành, cũng như để đủ sức ứng phó với các hoàn cảnh đặc biệt, như việc phải chịu tình trạng ngược đãi, bắt bớ, hoặc phải lâm vào những cơn cám dỗmãnh liệt, hay thậm chí phải đương đầu với cuộc thử thách tột bực là chịu tử đạo. Ân huệ này cũng giúp gia tăng sức mạnh cho các nhân đức anh hùng. Lòng dũng cảm – xét như một nhân đức luân lý – giúp con người phát huy được các khả năng tự nhiên của mình nhằm chống lại sự dữ và kiên trì thực thi điều lành; nó thúc đẩy con người mạnh dạn sống và thực thi lẽ phải theo những đòi hỏi của luân thường đạo lý – đương nhiên là luôn luôn có sự trợ giúp của ân sủng thần linh. Cùng với bản tính của mình, con người được ban cho khả năng làm lành lánh dữ, như lời quả quyết của thánh Tôma Aquinô: “theo lề lối thích đáng và phù hợp với bản tính của mình, con người quả là có được một khả năng vững chắc về cả hai phương diện đó [làm lành và lánh dữ]; bởi thế, con người không được phép viện đến bất kỳ một lý do nào để tránh việc thực thi điều lành, dù là gặp phải tình cảnh cam go, phải dốc toàn lực để hoàn tất một công việc nào đó, hoặc ngay cả việc phải gánh chịu một sự dữ trầm trọng.” Dù có quả quyết như vậy, nhưng ngài cũng nhận định thêm rằng, “đối với những tình cảnh gay go hơn, nhất thiết chúng ta cần phải được ban cho ơn can đảm, vốn được dẫn dắt bằng ơn chỉ giáo, dù ơn can đảm ấy xem như có mối liên hệ chủ yếu với những điều thiện lớn lao hơn” (2-2, 139. 1). Ơn Hùng Dũng của Thánh Thần làm gia tăng đức can đảm qua một “tác động bổ sức” – nói theo cách con người – giúp tín hữu đủ sức chống lại nỗi sợ tự nhiên để giữ vững lòng trung thành và tinh thần sốt sắng mà thi hành thánh ý Thiên Chúa cách mạnh mẽ. Tác động “bổ sức” này có lẽ ai ai cũng cần đến, dù là người mạnh mẽ nhất như Đức Giêsu; tường thuật về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, thánh Luca đã lưu ý đến một chi tiết như sau: “Bấy giờ có thiên sứ từ trời hiện đến tăng sức cho Người” (Lc 22:43). Tác động đó thường thấy diễn ra trong cuộc sống hằng ngày – biểu hiện như là lòng trung thành giữa vợ chồng với nhau, giữa con cái với cha mẹ, v.v. – hoặc trong các trường hợp ngoại thường, như các cuộc áp bức, đàn áp chính trị hay tôn giáo. Trong lịch sử, quả là không thiếu những điển hình nêu bật cho thấy dạng tác động “bổ sức” đó; chẳng hạn, kể lại gương tử đạo của thánh Vinxentê ở Tây ban nha, so sánh nỗi thống khổ mà thánh nhân phải chịu trên thân xác với những lời lẽ hết sức bình tĩnh và tự chủ phát ra từ tâm hồn, thánh Âugutinô đã nhận định như sau: “Chính thân xác của Vinxentê phải gánh chịu đau khổ, nhưng chính Thần Khí là Đấng nói qua môi miệng ngài; và những lời lẽ đó của Thần Khí không những khiến cho sự dữ bị đẩy lùi mà còn có sức an ủi, làm gia tăng sức mạnh cho tình trạng yếu đuối nữa” (Sermo 276, 2). Trong đời sống thường ngày, ân huệ này giúp cho việc thực hành các nhân đức khác trở nên dễ dàng và chắc chắn hơn. Thánh Âugutinô đã đặc biệt gắn liền ân huệ này với mốiphúc thật thứ tư: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.” Ngài nói rõ rằng ơn Hùng Dũng là rất cần thiết cho những ai khao khát đức công chính (xem Sermon on the Mount I, III, 10). Thánh Phanxicô Xaviê đã lãnh nhận ân huệ này trong những chuyến hành trình đầy trắc trở của ngài; dẫn câu lời Chúa “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”, thánh nhân đã bình luận như sau: “Lúc phải đối diện với những tình thế hiểm nghèo, vốn có thể làm chúng ta mất mạng, thì lời đó, dù rất dễ hiểu theo tiếng Latinh, lại trở nên quá đỗi mơ hồ đến độ tôi nghĩ là kẻ nào muốn hiểu được – dù thông thái cách mấy – thì nhất thiết chỉ có một cách là nhờ Thiên Chúa, Chúa chúng ta, qua lòng nhân hậu vô biên của Người, cắt nghĩa cụ thể cho mới hiểu ra được.”[35] Ngày nay, nhiều kitô hữu dễ bị cám dỗ rơi vào con đường nhượng bộ, thỏa hiệp, hoặc lâm vào thái độ nhu nhược, nhát đảm trước những lời chỉ trích, nhạo báng, những dạng phân biệt trong cách đối xử… đối nghịch với lòng trung thành của niềm tin tôn giáo. Trước tình trạng này, ơn Hùng Dũng tỏ ra là cần thiết hơn bao giờ hết. Ơn can đảm thần linh này – mà khi xưa các Tông đồ đã được ban cho để mạnh dạn mà rao giảng và làm chứng (parrhe­sia) (Cv 4:13.29.31,v.v.) – là ơn tối cần, nhất thiết người kitô phải có, nhất là trong thời đại ngày nay.

 

Ơn Chỉ Giáo

Ân huệ này thường được coi là “kề vai sát cánh” với các ân huệ thuộc trí tuệ khác như ơn Minh luận, ơn Thâm hiểu và ơn Thượng Trí. Ân huệ này thường thấy xuất hiện dưới dạng nhân đức khôn ngoan (cũng có thể hiểu như là thận trọng hoặc cẩn trọng); nhờ nó, lý trí tự nhiên được ánh sáng siêu nhiên soi dẫn, và ánh sáng này giúp cho tín hữu có khà năng đưa ra những quyết định thích đáng trong lúc phải đối diện với những cảnh huống khó khăn. Các ơn Minh luận, Thâm hiểu, Thượng trí làm cho trí tuệ lĩnh hội được chân lý; trong khi đó, ơn Chỉ giáo giúp cho có khả năng áp dụng những kiến thức đó vào trong những trường hợp cụ thể. Ân huệ này giúp tín hữu biết lý luận dựa trên các tiêu chuẩn xác thực nhằm đủ sức đưa ra những quyết định thích đáng. Thông thường, khả năng phán đoán đúng được coi như là kết quả của việc hiểu biết tường tận về một tình huống cũng như khám phá được một động lực thúc đẩy đúng đắn để hoàn tất một mục đích nào đó. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống thường tỏ ra hết sức phức tạp và, bên cạnh đó, các lý do thúc đẩy ý chí con người lại dễ bị tác động, ảnh hường bởi những thành kiến tiên thiên từ bên ngoài hoặc tính vị kỷ từ bên trong.

Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở tín hữu lưu ý về khoảng cách biệt vời vợi giữa cái gọi là chân lý quan niệm theo kiểu con người và sự thật của Thiên Chúa: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta – sấm ngôn của Đức Chúa” (Is 55: 8). Thánh Phaolô nhận định rõ ràng rằng điều gì “thế gian” gọi là “điên rồ và ô nhục” thì thực ra đó chính là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (x. 1Cr 1:23-24). Rất hiếm khi “đường lối Thiên Chúa” trùng khít với đường lối con người. Chẳng hạn, Đức Giêsu đã từng bị các thân nhân Ngài cho là mất trí (x. Mc 3:21). Và khi Ngài tiên báo sự việc Ngài sẽ phài chết trên thập giá, thì Simon-Phêrô ‘thận trọng’ đã cố sức can ngăn Ngài đừng làm chuyện ngược đời ấy; Đức Giêsu đã nổi giận và gọi ông là “quỷ”: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23). Thánh Phaolô đã thú nhận sự bất lực của mình trong nỗ lực tìm hiểu cách thức Yahweh đối xử với dân Người và các dân ngoại, để rồi chỉ biết một mực dâng lên lòng tuân phục và thái độ trung thành thờ kính: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai dõi theo được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước để Người phải trả lại sau. Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen” (Rm 11:33-36). Bởi vì khoảng cách biệt giữa đường lối của Thiên Chúa và của con người quá xa, nên con người chỉ có thể mong bắt được nhịp cầu nối kết đôi bờ đó lại với nhau nhờ một ân huệ thần linh. Như ông Gióp đã quả quyết: “Nơi Thiên Chúa có cả khôn ngoan lẫn sức mạnh, mưu lược cũng như tài thông hiểu đều thuộc về Người” (G 12:13).

Dòng văn chương khôn ngoan đã đặc biệt đề cao đức khôn, coi đó như là một ân huệ do Thiên Chúa ban tặng. Với nhân đức này, khả năng lý luận của con người được coi là tiêu chí căn bản đối với cung cách hành xử thường ngày; có thể gọi đó là “lương tri” hoặc “khôn ngoan cổ truyền”. Ông Tôbia đã khuyên con trai mình rằng: “Biết ai khôn ngoan thì tìm đến mà bàn hỏi và chớ coi thường lời chỉ giáo nào hữu ích” (Tb 4:18). Người kitô phải ra sức ghi lòng tạc dạ các bài học mà kinh nghiệm đã để lại: “Kẻ có lương tri là có nguồn sống, sự dại khờ là hình phạt kẻ ngu si” (Cn 16:22); hoặc “kẻ lạc xa con đường hiểu biết, sẽ phải sống chung với đám âm hồn” (21:16). Các phương thế tự nhiên cũng có thể mang lại lợi ích trong việc giúp tín hữu đạt đến tiêu đích là sự khôn ngoan: “Hãy lắng nghe lời khuyên, đón nhận lời nghiêm huấn, để sau này bạn được nên khôn” (19:20).

Để có thể lãnh nhận được ơn Chỉ Giáo, tín hữu nhất thiết phải trải qua trước hết một cuộc thanh tẩy đôi mắt thiêng liêng, bởi chẳng thể có điều gì hiển hiện sáng rõ qua một thị lực thiêng liêng đã bị tội lỗi làm cho suy nhược hẳn đi. Đức Giêsu đã từng nói: “Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào” (Mt 6:22-23); bởi vì “ai có tâm hồn trong sạch, người đó sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8), và trong Thiên Chúa, tất cả mọi sự đều sẽ trở nên rõ ràng, minh bạch. Ơn Chỉ giáo bao hàm hai chiều kích: một mặt, nó đưa dẫn tín hữu bướcvào việc phụng sự Thiên Chúa; và mặt khác, nó giúp người đã lãnh nhận nó có khả năng giúp cho những người khác cũng làm như vậy. Trong tu đức học, nó được gọi là khả năng phân định thần loại.

Thánh Tông đồ Phaolô đã cầu xin Thiên Chúa ban ân huệ này cho các kitô hữu của ngài: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không có gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (Pl 1:9-10). Thánh Gioan cũng có mối lưu tâm tương tự: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4:1). Đích nhắm trong đời sống thiêng liêng càng cao bao nhiêu, thì khả năng phân định thần loại càng trở nên cần thiết bấy nhiêu; khả năng đó, các đan sĩ đầu tiên đã coi là điều hết sức quan trọng. Trong cuốn Cuộc đời thánh Antôn, thánh Atanaxiô đã trình bày như sau về các điều mà “vị tổ phụ của các đan sĩ” từng coi là cần thiết phải làm để có thể nhận lãnh được ân huệ đó: “cần phải liên lỉ cầu nguyện và khổ chế, cùng với tác động của Thần Khí, thì mới có thể lãnh nhận được ơn giúp nhận định thần loại” (22.3). Các bậc thầy tu đức đã đề ra nhiều quy tắc quan trọng phải tuân theo để có được ân huệ này; xin xem chẳng hạn, những gì thánh Inhã Loyola đề ra cuốn Linh Thao của ngài (nơi các số 169-189, 313-336, 346-370).

Các thói tật đối nghịch với đức khôn siêu nhiên này thì rất nhiều: một đàng, là khuynh hướng đưa ra các quyết định hấp tấp, thiếu nhận định, không cân nhắc cho kỹ càng hết mọi lý lẽ, khía cạnh hay các hậu quả; đó là một dạng liều lĩnh do tính kiêu căng, ngạo mạn hoặc do tính nông nổi, bốc đồng, sinh ra; và đàng khác, là thái độ do dự, chần chừ và thận trọng quá mức, đến độ có thể coi đó như là một chứng bệnh thiêng liêng. Giữa hai khía cạnh bất cập và thái quá đó, việc giữ cho được một tình trạng quân bình hoàn hảo tuyệt nhiên không phải là chuyện dễ dàng; tuy nhiên, ơn Chỉ giáo có thể giúp kiện toàn đức khôn và đưa nó đến các cấp độ trên cùng, như có thể thấy nơi trường hợp các thánh, cũng như nơi các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng. Hết thảy những ai đang làm công tác mục vụ hay cố vấn thiêng liêng, xét theo các đòi hỏi đặc thù của công việc, đều đặc biệt cần đến ân huệ này. Đối với trường hợp này, ơn soi sáng bổ sung của Thần Khí Thiên Chúa cũng là ơn cần thiết, nhất là khi các thành kiến cố hữu của cá nhân cọng với tình trạng thiếu thông tin có thể gây ảnh hưởng không thuận lợi đến khả năng quyết định chính xác. Chẳng hạn, trong các điều kiện hạn chế của một cuộc giải tội, với việc không có đủ thì giờ để trì hoãn, tra cứu hay tham khảo, vị linh mục sẽ phải làm sao đó để có thể lập tức đưa ra các quyết định quan trọng; và như thế, nếu không có ơn Chỉ giáo giúp soi sáng, thế tất việc đưa ra các quyết định tức khắc là điều không thể. Công tác linh hướng cũng có những đòi hỏi tương tự như vậy. Thánh Âugutinô đã cho một lời khuyên: nếu muốn lãnh được ân huệ bề trên ban xuống, thì trước hết phải biết giúp đỡ cho bề dưới đã.

Nằm trong mối quan liên với ơn này là “ơn đấng bậc”. Nhìn chung, ơn đấng bậc là một tác trợ siêu nhiên mà Thần Khí ban cho người đang thi hành một thừa tác vụ hoặc một sứ mạng đặc thù nào đó, được coi như là hiệu quả do một bí tích (Truyền chức thánh hoặc Hôn phối) hoặc do một sứmạng Giáo hội ủy thác, nhằm giúp hoàn tất các đòi hỏi của tác vụ. Tự nó, ơn đấng bậc không trao ban một nguồn năng lực hay ý tưởng nào đó, nhưng tạo điều kiện thuận lợi để có thể đón nhận được những ân huệ khác của Thần Khí – đương nhiên là phải được khẩn xin với thái độ khiêm nhường. Ở đây, có thể nêu trường hợp của thánh nữ Tê­rê­sa Hài đồng Giêsu làm điển hình: vẫn còn rất trẻ và chẳng học hành gì nhiều, nhưng được chỉ định làm dì giáo cho các tập sinh, và thánh nữ nhận ra là Thần Khí đã giúp đỡ mình theo một cung cách đáng đỗi kinh ngạc; thánh nữ viết: “Tôi biết rằng Thần Khí ngự ở trong tôi. Người dẫn dắt và hằng thúc đẩy tôi trong những điều tôi phải nói, phải làm. Chính trong những khoảnh khắc quan trọng, tôi cảm nhận được một nguồn sáng tôi vốn chưa từng bao giờ tưởng tượng nổi là có như thế. Và ơn soi sáng đó không phải chỉ được ban cho tôi trong những giờ cầu nguyện; nhưng hầu như là trong mọi lúc, nó hiện diện ở giữa những công việc tôi làm hằng ngày.”[36]

 

Ơn Thâm Hiểu

Ân huệ này giúp thấu hiểu được các chân lý tôn giáo theo khả năng dung nhận của tín hữu; tiêu đích ân huệ này nhắm đến là các chân lý đức tin. Theo thánh Anxenmô, các ân huệ trước nhằm vào đời sống hoạt động; còn ơn Thâm hiểu và Thượng trí thì nhằm vào đời sống chiêm niệm, và do đó, chúng là những ân huệ cao nhất. Cách luận giải này dù có hơi chuyên môn một chút, thì cũng nêu bật được lòng ngưỡng mộ cao độ mà truyền thống dành cho ân huệ này. Nó xuất hiện như là tác động đột ngộ (sudden insight), có sức soi thấu, làm cho hiểu được ý nghĩa sâu xa của những điều tín hữu đã tin và hiểu một phần nào đó. Đây là kinh nghiệm sống động tín hữu có được về mầu nhiệm Thiên Chúa qua nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau với Đấng Tuyệt Đối: nơi bí tích Thánh Thể, hay nơi bí tích Hòa Giải; qua tình trạng cư ngụ của Ba Ngôi Chí Thánh trong linh hồn, hoặc qua việc Thiên Chúa hiện diện đặc biệt trong lúc tín hữu cầu nguyện; trong “nhiệm cục” cứu độ, v.v.. Có ba dạng loại chân lý liên quan đến mầu nhiệm đức tin – mà ân huệ này giúp cho hiểu – cần được xem xét ở đây, là: Thiên Chúa và các mầu nhiệm về Người; các thụ tạo trong mối liên hệ với Đấng Tạo hóa; và các sứ vụ của con người trong mối tương liên với công trình của Thiên Chúa. Có thể nói rằng, đối với các chân lý mà tín hữu còn ngờ vực, hay tình trạng mù lòa thiêng liêng mà tín hữu lâm phải, thì ân huệ này soi sáng, làm cho tín hữu bất chợt hiểu ra, hay đột nhiên mà thấu tỏ.

Có thể ân huệ này đã xuất hiện bất ngờ trên Đức Giêsu – trong dịp lên đền Giêrusalem để mừng Lễ vượt qua, lúc Ngài 12 tuổi – và đã giúp Ngài nhận ra là mình đang ở trong nhà Cha! Đến cả các tiến sĩ luật lúc bấy giờ cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên về trí thông minh phi thường của cậu bé (x. Lc 2:47). Cũng chính Thần Khí đó đã ngự trong Ngài, nơi hội đường Na­darét, và linh hứng các lời Ngài nói, làm cho những người đồng hương phải “thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài” đểrồi bất giác họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?” (Lc 4:22). Ân huệ này, Đức Giê­su cũng đã hứa ban cho các môn đệ Ngài: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16: 13). Thần Khí đó đã linh hứng cho các tác giả Tin mừng, giúp các ngài nhận ra được những ý nghĩa mới mẻ, sâu kín trong lời nói và hành động của Đức Giê­su. ThánhPhaolô ý thức rất rõ về ân huệ này: “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1Cr 2:12). Ân huệ ấy được trao ban cho cả  những người viết tiểu sử các thánh lẫn các độc giả: “Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô thế nào” (Ep 3:4). Quả thực, hết thảy mọi kitô hữu tốt lành đều có khả năng “đạt tới sự thông hiểu phong phú và đầy đủ, khiến họ nhận biết mầu nhiệm của Thiên Chúa, tức là Đức Kitô, trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2:2-3). Ân huệ này thường đi kèm với ơn Chỉ giáo, như có thể thấy qua lời thánh Phaolô viết cho các tín hữu Rôma: “Thưa anh em, chính tôi, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện chí, thừa hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau” (Rm 15:14).

Bước chuẩn bị thích đáng nhất giúp mở lòng đón nhận ân huệ này chính là việc biết lấy lòng kính cẩn mà tầm cứu cùng suy niệm Lời Chúa, cũng như cầu nguyện để khẩn xin cho được ơn đó; xin xem, chẳng hạn, Tv 119.

Thần học đã cố phân biệt ân huệ này với các ân huệ “trí tuệ” khác; thánh Tôma Aquinô nhận định rằng “ơn Thâm hiểu so với ba ân huệ kia – tức, ơn Thượng trí, ơn Minh luận và ơn Chỉ giáo – cho thấy không khác nhau là mấy, bởi nó cũng thuộc về năng lực nhận thức của trí tuệ”… và đương nhiên là cả bốn ơn này đều có mối tương liên với chân lý mạc khải; “do đó, đối với những điều thuộc chân lý đức tin đã đề ra cho tín hữu, thì về phần chúng ta, có hai điều cần thiết: trước hết, chúng được trí năng lĩnh hội và thấu suốt, và điều này thuộc về ơn Thâm hiểu; kế đến, cần thiết là con người phải coi những điều đó hẳn là đúng đắn, nghĩa là phải nhận mình cần gắn bó triệt để với những điều đó, cũng như phải ra sức tránh những điều đối nghịch với chúng: khả năng phán đoán ấy, khi liên quan đến các điều thần linh, thì thuộc về ơn Thượng trí; khi liên quan đến các thụ tạo, thì lại thuộc về ơn Minh luận; còn xét về mặt ứng dụng của nó trong các hành vi cá nhân, thì thuộc về ơn Chỉ giáo.” Ơn Thâm hiểu chiếu tỏa một nguồn sáng mới mẻ giúp lĩnh hội thấu đáo các chân lý siêu nhiên; ơn Minh luận giúp tín hữu nhận ra mối liên hệ giữa mình với các thụ tạo trong đà hướng tiến về mục đích tối hậu của mình. Khả năng lượng định thực tiễn về các chân lý và thực tại thì thuộc về các ơn Chỉ giáo và Thượng trí. Ân huệ này có liên quan đến mối phúc thứ sáu: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5:8); hoặc: “Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng” (Mt 6:22).[37]

Khoa thần học tiến hành theo quy trình lý luận, phân tích và tổng hợp, diễn dịch và quy nạp. Ân huệ Thần Khí thì mang tính trực giác, dẫn tới điều mà thánh Gioan Thánh giá gọi là “đức tin tinh ròng”; ở đó, linh hồn đạt đến các chỗ thẳm sâu trong mầu nhiệm Thiên Chúa, theo mức độ có thể, trong đời này. Chính vì đó là ân huệ được ban một cách đặc biệt cho “tâm hồn trong sạch”, nên thường thì trước hết, linh hồn phải trải qua tình trạng gọi là “đêm tối tâm hồn”… Đây có vẻ như là ân huệ mà thánh Inhã Loyola đã nhận được trong “ơn soi sáng” bên bờ sông Cácđônê ở Manrêsa (năm 1522).Ngài trình tả trong cuốn tự thuật của ngài rằng, sau kinh nghiệm đó, “ngài thấy mọi sự trở nên mới mẻ hơn”… Ngài đã nhận được “một ánh diệu quang trong tâm trí, theo mức độ có thể nói rằng nếu có cọng hết mọi ơn đã nhận được từ Thiên Chúa cùng với tất thảy những gì ngài đã học biết trong toàn bộ cuộc đời trên 62 năm của ngài, thì dường như đối với ngài, cũng không bằng những gì ngài nhận được qua kinh nghiệm duy nhất đó.”[38] Cuốn Đối thoại của thánh Catêrina thành Siêna – ghi chép lại các kinh nghiệm về những cuộc xuất thần, dù là do một nữ tu trẻ ít học như ngài, thì – quả thực là rất rõ ràng và tuyệt vời xét về mặt giáo lý và cung cách diễn đạt, đến độ không ai đủ sức cắt nghĩa về các kinh nghiệm đó nếu không nhận được một ân huệ siêu nhiên từ Thánh Thần. Phẩm chất đặc biệt khác thường của nguồn tri thức ấy được thánh Têrêsa Avila minh bạch diễn đạt như sau: “Thiên Chúa của con ơi! Quả lạ lùng biết mấy khi được nghe những lời đó [Kinh Thánh và giáo huấn thần học] và tin vào chúng từ việc thấu hiểu như thế để xác tín rằng chúng quả đích thực biết bao!”[39]

Các điều đối nghịch với ân huệ này là tình trạng vô tri vô giác thiêng liêng liên quan đến các thực tại siêu nhiên. Nếu một tín hữu chỉ biết loay hoay trong những mối bận tâm trần thế, một mực theo đuổi những ích lợi riêng tư, vị kỷ, chạy theo những giá trị vật chất, thế tất các giác quan thiêng liêng của người đó bị cùn nhụt đi, rồi trí năng sẽ chẳng còn đủ sức hiểu được giá trị của các nguyên lý và cùng đích của đời sống thiêng liêng. Thường khi, đối với một người như thế, ngôn ngữ đức tin dường như trở thành hết sức lạ lẫm, không cách nào hiểu ra cho nổi; bởi nó thuộc về một “thế giới khác”. Có lẽ trở lực lớn nhất khiến cho không thể nhận lãnh được ân huệ này chính là tính kiêu căng trí tuệ, tính tự phụ về khả năng hiểu biết, với hệ quả tất yếu là thái độ từ chối thuận theo những gì mà đức tin đòi hỏi; thánh Phaolô đã lên án thái độ này: “Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô” (2Cr 10:5).

Ơn Thâm hiểu hoạt động trong phạm vi đức tin và được ban cho cùng với đức tin và ân sủng. Tuyên xưng Thánh Thần là “Đấng dùng các ngôn sứ mà phán dạy,” là Giáo hội muốn nêu bật cho thấy rằng Người hoạt động tích cực suốt trong tiến trình lịch sử Mạc khải, qua việc thiết lập và duy trì các truyền thống xa xưa, qua công tác biên soạn các Sách Thánh, qua tiến trình tiếp nhận các bản viết vào quy điển Kinh Thánh, qua nhiệm vụ cử hành phụng vụ Lời Chúa trong Giáo hội, v.v… Do đó, như công đồng Vaticanô II đã nhận định, “để có thể thực thi đức tin, thì trước hết cần phải có được ân sủng Thiên Chúa cùng tác động nội trợ của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng tâm hồn về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và làm cho mọi người cảm thấy vui sướng và thoải mái khi đón nhận và tin theo chân lý. Và để khả năng thông hiểu mạc khải được sâu rộng thêm mãi, thì cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ân huệ của Ngài” (DV 5). Nhờ ân huệ này, đôi mắt đức tin có thể nhìn thấu qua vẻ bề ngoài của vạn vật để nhận ra bản chất đích thực của chúng như Thiên Chúa thấy, và khám phá ra tính chất mới mẻ mà Thần Khí hằng tạo ra trong thế giới và trong Giáo hội, vốn dĩ được gọi là “các dấu chỉ thời đại”.

 

Ơn Thượng Trí (Khôn ngoan)

Ơn Khôn ngoan là ân huệ nằm ở vị trí cao nhất trong số bảy ân huệ; đây chính là giáo huấn truyền thống của Giáo hội kể từ thời các Giáo phụ.[40] Ơn này ban cho khả năng hiểu biết thâm sâu về Thiên Chúa cũng như khả năng suy xét khôn ngoan về các vấn đề của con người. Ân huệ này không phải là do một số lượng lớn các thông tin hay những tài năng rải rác được gom lại để hình thành nên, nhưng là một khả năng hoàn toàn mang tính chất trực giác được ban cho bởi một “nguồn sáng” khác biệt hẳn xét về phẩm chất: ơn soi sáng và tác động của Chúa Thánh Thần. Khôn ngoan, xét như một nhân đức, giúp có khả năng phán đoán mọi sự dựa trên nguyên nhân tột cùng của chúng; và xét như một ân huệ, nguyên nhân đó chính là Thiên Chúa: nó soi sáng lý trí và hướng dẫn ý chí. Ân huệ này cũng giống như một ơn tổng hợp tất cả các ơn huệ khác, giúp kiệntoàn một đời sống kitô đích thực, làm cho nó trở nên một “đời sống đối thần”.

Khôn ngoan – hiện thân hay nhập thể chính là Lo­­gos, tức Ngôi Lời – ban cho Đức Giêsu nguồn tri thức thâm sâu về Thực Tại Tuyệt Đối, tức là Chúa Cha.[41] Nhờ đó, Đức Giêsu mới nói được rằng:“Tôi biết Người  bởi vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7:29). Dù đây là một dạng tri thức có tính cách độc nhất vô nhị, nhưng lại không chỉ dành riêng cho Đức Giêsu mà thôi, song còn được chia sẻ cho các môn đệ nữa: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11:27). Trong “lời nguyện hiến tế” sau bữa Tiệc ly, Đức Giê­su đã thưa cùng Chúa Cha rằng: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha” (Ga 17:6). Có thể nói rằng tri thức này hoàn toàn khác biệt với tri thức của các thần học gia hay của các nhà chú giải; thánh Tôma tiến sĩ đã gọi đây là dạng tri thức “do đồng cảm”,[42]giống dạng tri thức của các nhà thần nghiệm như thánh Phan­xi­cô, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Têrêsa Avila, v.v.. Qua thông điệp Đức tin và Lý trí, Đức cố giáo hoàng Gio­an Phaolô II đã trình bày như sau về dạng tri thức này:

“Một dạng hiểu biết tuyệt mức thâm sâu khác của thánh Tôma chính là mức độ thâm hiểu của ngài về vai trò của Chúa Thánh Thần trong tiến trình qua đó tri thức triển nở đến độ thuần thục để tiến sang khôn ngoan. Từ những trang viết đầu tiên trong bộ Tổng Luận Thần Học, Tôma Aquinô đã biểutrình cách quyết liệt cho thấy tính chất ưu việt của ơn khôn ngoan vốn là ân huệ của Chúa Thánh Thần và là ơn giúp khai thông con đường dẫn đến một tri thức về các thực tại thần linh. Dạng thần học của ngài cho phép chúng ta hiểu được đâu là nét giúp phân biệt ra ơn khôn ngoan trong mối kết liên khắng khít của nó với đức tin và tri thức về Thiên Chúa. Dạng khôn ngoan này là do đồng cảm mà có được; nó bao hàm đức tin và rốt cuộc hình thành nên khả năng phán đoán thích đáng dựa trên nền tảng là chính đức tin: ‘Dạng khôn ngoan xét như là một trong số các ân huệ của Chúa Thánh Thần thì khác biệt với kiểu khôn ngoan thuộc về các nhân đức trí tuệ. Dạng khôn ngoan thứ hai này đòi hỏi phải ra sức tập tành thì mới có thể thủ đắc được, còn dạng khôn ngoan đầu tiên kia thì ‘xuất phát từ trên cao’, như thánh Giacôbê Tông đồ đã diễn tả. Dạng khôn ngoan này cũng phân biệt với đức tin, bởi vì đức tin chỉ công nhận chân lý thần linh theo đúng bản chất của nó; còn ơn khôn ngoan giúp cho có thể đưa ra các nhận định dựa trên chân lý thần linh đó’ (II-II, 45, 1 ad 2)” (số 44).

Với cặp mắt đức tin, tín hữu chỉ trông thấy “lờ mờ” các chân lý thần linh: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương” (1Cr 13:12); nhưng ơn Khôn ngoan lại giúp cho tín hữu có thể nhìn rõ ràng hơn, đặc biệt là làm cho có thể nếm thưởng và yêu mến những sự trên trời: chẳng hạn, nó giúp cho tôi hiểu và sống niềm vinh dự có được Thiên Chúa là Cha và tôi là đứa con của Người!… đứa con này, Đức Giêsu vì quá đỗi yêu thương mà chịu chết trên thập giá, và tình yêu ấy còn được biểu lộ qua việc Ngài ngày ngày đợi tôi đến với Thánh Thể hầu Ngài có thể nuôi dưỡng tôi hằng ngày với tình yêu của Ngài, giúp tôi hằng ngợi khen Chúa!…

Là ân huệ do Thiên Chúa ban cho, tất khôn ngoan cũng là một ơn phải xin thì mới có được, như lời thánh Giacôbê đã dạy: “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu nguyện xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho” (Gc 1:5). Về điều này, có thể lấy lời xác quyết của vua Salomôn làm điển hình: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí đức khôn ngoan đã đến với tôi. Đức khôn ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với đức khôn ngoan” (Kn 7:7-8); toàn bộ chương 7 của sách Khôn ngoan là một bài suy ngắm tuyệt vời về ân huệ này. Có một dạng khôn ngoan tự nhiên, được ban cho cùng với thực tại con người và thường được gọi là khôn ngoan đắc thủ, tức do kinh nghiệm và nỗ lực học hỏi đúc kết nên; bên cạnh đó, như đã thấy, cũng có một dạng khôn ngoan siêu nhiên mà tín hữu đã lãnh nhận qua phép rửa cùng với ân huệ đức tin, nhưng ơn khôn ngoan này phải được phát triển cùng với chính đức tin và được gia cường với các đặc sủng thiên phú. Nơi người khôn ngoan, mọi ân huệ đều trở nên duy nhất. Người khôn ngoan là người biết mọi sự qua nguyên lai của chúng: một khoa học gia có thể nắm được các nguyên nhân tự nhiên của các hiện tượng; một triết gia có thể lần dò đến tận gốc rễ siêu hình của hữu thể, nơi Nguyên nhân Đệ nhất hoặc Nguyên lý Tuyệt đối; một thần học gia, dựa vào ánh sáng mạc khải, khám phá ra được nguyên nhân tối hậu nơi Thiên Chúa là Đấng Tạo hóa và là “lẽ sống” (raison d’être) siêu việt của mọi hữu thể trong một tiến trình “duy trì” hằng diễn được gọi là “sáng tạo liên tục”. Người khôn ngoan nhìn thấy những thực tại sâu xa hơn nhờ con mắt chiêm niệm, và qua đó, có thể nhìn thấy Thiên Chúa trong hết thảy mọi sự. Ân huệ này tỏa sáng nhờ đời sống cầu nguyện, không phải do số lượng kiến thức có được về các mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng do tình trạng “cảm nếm,” thái độ “vui thỏa”, “an bình,” v.v., phát sinh trong tâm hồn. Trong tiếng Latinh, vì từ Sapientia (Khôn ngoan) xuất phát từ chữ sapere – có nghĩa là: nếm mùi, thưởng thức – nên ơn Khôn ngoan còn được gọi là “tri thức thưởng nếm”.[43]

Khôn ngoan là một dạng tri thức kinh nghiệm – bởi đó, bậc cao niên thường được cho là giàu khôn ngoan tự nhiên – bắt nguồn từ kinh nghiệm về Thiên Chúa hoặc về bản thân ai đó trong Thiên Chúa. Do vậy, có một dạng khôn ngoan tự nhiên; và điểm giúp phân biệt giữa đức khôn ngoan này với ơn khôn ngoan do Thần Khí ban tặng đã được thánh Tôma Aquinô cắt nghĩa như sau: “Được coi là thuộc về đức khôn ngoan một nhân đức trí tuệ có khả năng giúp đưa ra được một phán đoán thích đáng về các thực tại thần linh sau khi lý trí đã hoàn tất tiến trình suy cứu; nhưng lại được coi là thuộc về ơn khôn ngoan một dạng ân huệ của Thánh Thần giúp phán đoán đúng đắn về các thực tại thần linh đó do khả năng đồng cảm với chúng: cũng vì lẽ đó mà Điônyxiô (Div. Nom. ii) mới nhận định cho rằng ‘Hierotheus được coi là hoàn hảo trong số các thực tại thần linh, bởi ông không chỉ biết mà còn kinh nghiệm được các thực tại thần linh đó’.”[44] Như đã nói, qua đời sống chiêm niệm, thấy ra Thiên Chúa qua mọi sự và nhìn tỏ mọi sự qua Thiên Chúa, người khôn ngoan cũng thấy được các mối tương liên hay tương tác của mình, nên có thể đi đến chỗ trực cảm được đường lối đúng đắn theo ý muốn thần linh. Ân huệ này đổ vào tâm hồn sự bình an và niềm hân hoan. Các nhà thần nghiệm đã cảm nghiệm ân huệ này ở một mức độ tột bực (mà có lẽ phải được phân loại thành một dạng ân huệ khác, bởi vì nó có tính cách cá biệt) và có thể, nhờ đó, giúp cho hiểu được các tri thức thông thường hơn. Thấy rằng việc nhận ra các thụ tạo trong Thiên Chúa còn quan trọng hơn là việc nhận biết Thiên Chúa trong các thụ tạo qua vẻ đẹp hay các hoạt động của chúng, thánh Gioan Thánh giá đã phải thốt lên như sau để diễn tả niềm vui thích lớn lao ấy: “Quả diệu kỳ biết mấy!”[45]Các thần học gia, như thánh Tôma chẳng hạn, cho rằng “kết quả của ơn khôn ngoan là tạo ra cái vừa đắng vừa ngọt, và tình trạng dốc sức để nghỉ ngơi.”[46] Người khôn ngoan có thể nhìn ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong những nơi mà người khác chỉ coi là các hiện tượng tự nhiên, mối nguy hoặc thậm chí là sự dữ: chẳng hạn, trong đau khổ, trong thất bại, thậm chí cả trong tình cảnh bách hại. Như là một tập tính siêu nhiên, ân huệ này tác động lên cả lý trí lẫn ý chí, để rồi nó có thể được coi như là nguồn gốc của ơn Chỉ giáo. Từ thời thánh Âugutinô trở đi, ân huệ này được liên kết với mối Phúc thứ bảy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình…”; trong đó, “hòa bình” được coi như là “trật tự ổn định” (tranquility of order), theo định nghĩa được đưa ra trong cuốn Thành trì Thiên Chúa 19.13. Ơn Khôn ngoan mang lại một tình trạng an lạc nội tâm sâu xa, không phải bởi vì nó làm cho phớt lờ các mối xung đột, tương phản, nhưng là bởi vì nó kiểm soát được chúng. Trong đời sống thiêng liêng, nó cũng được liên kết với đức Ái, hoặc Tình yêu, hệt như mối tương quan giữa ơn Úy kính với đức Cậy, hoặc như hai ân huệ Thâm hiểu và Minh luận có liên hệ với đức Tinvậy. Chỉ đích thực là khôn ngoan người biết giữ một mức độ ý thức cao – trong số những điều ưu tiên, trong các phận sự “đối thần” – về quyền ưu tiên của giới răn thứ nhất: “ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng…” và trong các phận sự “đối nhân”, về mối lưu tâm chính yếu là: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12:30-31). Nếu Thiên Chúa thực hiện mọi sự vì tình yêu, thì người khôn ngoan cũng phải làm đúng như vậy.

Đối lập với đức khôn ngoan là thói ngông cuồng, dại dột. Trong Kinh Thánh, đó là chứng tật lớn nhất: trong danh sách các điều xấu xa phát xuất từ trong lòng, Đức Giêsu đã liệt kê ra 13 điều; điều cuối cùng là điều xấu xa nhất và đó chính là ngông cuồng: “tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mt 7:21-22). Chủ nghĩa vô thần, dù là dưới dạng thức nào đi nữa, thì cũng chính xác là: “Kẻ ngu si tự nhủ: ‘làm chi có Chúa Trời!’” (Tv 14:1). Thánh Tôma bình luận rằng sự ngu dại “biểu thị tính cùn nhụt trong khả năng phán đoán, và chủ yếu là phán đoán về nguyên nhân cao nhất, vốn là cùng đích và sự thiện tối cao.” Cái dại dột đó phát xuất “từ việc con người mải miết lao đầu vào những sự dưới thế, để rồi đánh mất đi khả năng nhận diện những điều thần linh – hoặc nói theo cách diễn tả của 1Cr 2:14: ‘Con người sống theo xác thịt thì không đón nhận được những gì đến từ Thần Khí Thiên Chúa’ – và cái dại dột đó chính là một tội.”[47] Ở đây, chúng tôi không bàn sâu vào vấn đề vừa nêu, nhưng xét thấy cũng nên lưu ý là “người khôn ngoan theo kiểu của riêng họ” hoặc “theo kiểu thế gian” – tức hạng được gọi là In­telli­gentsia – thường được xếp vào loại này: “Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rm 1: 22). Điển hình cho loại khôn ngoan này là lão phú hộ trong dụ ngôn Đức Giêsu kể, kẻ định bụng sẽ xây những cái kho lớn hơn để tích trữ cả lúa thóc mình có vào đó để sống an nhàn, hưởng lạc trong nhiều năm… “Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’”(Lc 12:20). Kinh Thánh đã khiển trách là dại dột ba loại “khôn ngoan thế gian”: trước hết, “khôn ngoan vật chất”, tức khi một người chỉ biết yêu chuộng, hưởng thụ sự giàu có; kế đến, “khôn ngoan thú tính,” tức khi một người chỉ lo tìm thỏa mãn những khoái lạc xác thịt; và cuối cùng, “khôn ngoan ma quái”, tức khi mộtngười chỉ cảm thấy vui sướng, hài lòng với chính mình mà thôi.

Có thể mượn lời kết trong sách Hôsêa để chốt lại phần này như sau: “Ai đủ khôn ngoan để hiểu được điều này, đủ thông minh để biết được điều ấy? Quả thật, đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay. Trên con đường này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (Hs 14:10).

 

CÁC ÂN HUỆ KHÁC CỦA THÁNH THẪN

Chín Đặc sủng Phục vụ

Đặc sủng

Trong một số tiếng phương Tây hiện đại, “charisma” hoặc “đặc sủng” được hiểu như là “một đức tính cá nhân quý hiếm, quy gán cho các bậc lãnh đạo là những con người có sức khơi động bầu nhiệt huyết hăng hái và sục sôi nơi quần chúng. Đó là sức thu hút cá nhân,” có khả năng tác động lên những người khác.[48] Trong truyền thống thần học Công giáo,[49] đó là một “ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, là ân huệ dù chẳng cần thiết, nhưng cao hơn những ơn huệ cần thiết để nhận được ơn cứu độ.”[50] Thuật ngữ này – phát xuất từ từ charisma hay charis trong tiếng Hy lạp – có nghĩa từ nguyên là ân sủng hay ơn huệ, và được thánh Phaolô diễn tả cách đặc biệt, trong 1Cr 12, khi đề cập đến cảnh huống đặc thù của cộng đoàn kitô hữu ở Côrintô với việc hưởng nhận được một trận mưa ân sủng như trút, mà ngài gọi là charismata, tức các đặc sủng.[51] Đức Gioan Phao­lô II giải thích rằng: “Các đặc sủng là những ân huệ do Thánh Thần ban tặng, theo trực cách hay gián cách, vốn có khả năng sinh ích cho cộng đoàn giáo hội, và được coi như là những ơn an bài cho việc xây dựng Giáo hội, cho tình trạng sung mãn của nhân loại và cho các nhu cầu của thế giới.”[52]Các đặc sủng không cần thiết cho tình trạng sung mãn thiêng liêng của cá nhân, nhưng chúng cho thấy là hết sức hữu ích; chúng là các ơn huệ mà Thiên Chúa – Chúa Thánh Thần – ban cho vì một mục đích đặc thù nào đó và thường là chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian giới hạn nào đó mà thôi. Các đặc sủng đó có thể mang tính cách riêng cho cá nhân hoặc chung cho các thành viên cộngđoàn, được ban cho một người hoặc cho một nhóm, như là một dòng tu chẳng hạn; trong trường hợp ban cho một nhóm, các đặc sủng đó có tính cách thường tại và được nối kết với ơn kêu gọi, tương tự với điều gọi là “ơn đấng bậc”.

Đặc sủng phải được hiểu dựa trên nền tảng là nguyên sủng (charism-source), tức Chúa Thánh Thần. Trong Giáo hội, tình trạng có mặt của các ân sủng này được hiểu như là việc hoàn tất các bước chuẩn bị và các lời hứa của Cựu Ước: về việc Thần Khí sẽ ngự xuống trên Đấng Mêsia (x. Is 11:2), hoặc qua kinh nghiệm của các tiên tri về Yahweh (xin xem, chẳng hạn, Ed 3:12), hoặc là tác động mạnh mẽ nơi một vị lãnh đạo được chọn (chẳng hạn, Saun trong 1Sm 10:9-11). Sứ ngôn của Giôen (x. 3:11tt) đã được hiện thực hóa ngày Ngũ Tuần (x. Cv 2), với những kinh nghiệm lạ lùng, như khả năng nói tiếng lạ chẳng hạn. Tình tiết này có thể được lặp lại, như trong Cv 4:31, hoặc 10: 44tt; hoặc có thể được ban cho qua một sinh hoạt phụng vụ, như việc đặt tay của các Tông đồ (x. Cv 8: 17; 19:6) hoặc sau khi lãnh nhận phép rửa (x. Cv 2: 38; 19:5). Trong các giáo đoàn thánh Phaolô sáng lập, dường như các đặc sủng đã xuất hiện rất dồi dào (x. Gl 3:5) và tốt lành, để rồi ngài yêu cầu họ phải ra sức giữ cho chúng sống động (x. 1Tx 5:19-22). Chúng ta không biết nhiều về các giáo đoàn khác; quả thực, trong các bản văn Tân Ước khác (ngoài văn bộ Phao­lô), các đặc sủng này hiếm khi nào được nhắc đến (chẳng hạn trong 1Pr 4:10). Đặc biệt là ở Côrintô, những sự kiện ly kỳ về khả năng nói được các thứ tiếng lạ hoặc các trạng thái xuất thần đến “mê ly” đã gây ra tình trạng hiểu lầm cho người ngoài, những kẻ nghĩ rằng các kitô hữu này là điên khùng (x. 1Cr 14: 23), còn bên trong cộng đoàn thì điều đó dẫn tới tình trạng chia rẽ (x. 1Cr 11:17tt). Vả, các hiện tượng kiểu như thế cũng thấy xuất hiện trong các tôn giáo khác, cả đến ngày nay nữa.

Để xếp đặt các đặc sủng theo một trật tự rõ ràng, thánh Phaolô đã khai triển một vài nguyên tắc: tính cách hiệp nhất của các ân huệ, bởi vì nguồn gốc chung của chúng là một, là Thiên Chúa duy nhất: một Chúa duy nhất và một Thần Khí duy nhất (x. 1Cr 12:4); như các chi thể khác nhau trong một thân thể, các ân huệ khác nhau đều nhắm đến ích lợi chung và việc xây dựng cộng đoàn (câu 7), có thể có những đặc sủng giả, do đó cần phải được phân định để xác minh tính đích thực của chúng (x. 1Th 5:19tt; 1Ga 4:1 cũng khuyên như vậy). Cả Phaolô và Gioan đều trình xuất một tiêu chí như nhau có tính cách căn bản: đức tin đúng đắn vào Đức Giêsu Kitô (x. 1Cr 2:2; 1Ga 4:11tt). Ích lợi của các đặc sủng đòi hỏi phải tôn trọng phẩm trật các chức vụ trong Giáo hội, mà đứng đầu là các tông đồ (1Cr 12:28; Ep 4:11). Giá trị của một ân huệ không phải là những biểu hiện tốt đẹp ở bề ngoài, nhưng là ích lợi bên trong nhắm vào cộng đoàn của nó (x. 1Cr 14:26). Tóm lại, các hoạt động diễn ra trong mọi buổi hội họp công đoàn đều nhất thiết phải được tiến hành theo một cung cách trang nghiêm và có trật tự (câu 40).

Trong Giáo hội, các đoàn sủng này vẫn tiếp tục thấy xuất hiện; lối năm 150 sau công nguyên, Giúx­tinô tử đạo đã viết rằng: “… các ơn tiên tri vẫn còn tiếp tục được duy trì trong chúng ta, cả cho đến thời hiện tại này nữa.”[53] Irênê thì nhắc đến ơn ngôn ngữ.[54] Téctullianô thì khích lệ những người tân tòng như sau: “Do vậy, hởi anh em là những người có phúc vì ân sủng Thiên Chúa đã sẵn sàng để ban cho anh em, lúc anh em bước lên từ việc tắm rửa thánh thiêng nhất hầu nhận lãnh được ơn tái sinh, lúc anh em vươn tay ra lần đầu tiên trong ngôi nhà mẹ anh em cùng với các anh em đồng đạo khác, anh em hãy cầu xin Cha anh em, cầu xin Chúa anh em, hầu anh em có thể nhận lãnh được ân huệ đặc biệt mà Người trao lại làm của kế thừa, các đặc sủng được phân ban, vốn làm nên nét đặc trưng phụ thêm và căn bản [của phép rửa].”[55] Kinh nghiệm về các đặc sủng phép rửa ấy tiếp tục được diễn ra mãi đến thế kỷ 4, lúc thánh Xyrilô thành Giêrusalem tiếp tục khuyến khích những ai sắp lãnh nhận phép rửa hãy “chuẩn bị tâm hồn để tiếp nhận các đặc sủng từ trời”; dù chúng ta không biết là bản văn ấy có ý nghĩa gì cụ thể.[56] Về sau, đến thế kỷ thứ 5, các đặc sủng phép rửa ấy đã không còn được nhắc đến nữa trong mục vụ, như thánh Âugu­ti­nô và Crítsôtôm cho thấy.

 

Tính cách đa dạng của các Đặc sủng

Thánh Phaolô đã kê ra một vài danh sách các đoàn sủng khác nhau (x. 1Cr 12:8tt; Rm 12:6tt; Ep 4:11; xem 1Pr 4:11) nhưng lại không thấy “phân loại” chúng. Dù vậy, các ân huệ khác nhau lại được coi là thuộc về nhiều lãnh vực khác nhau. Trước tiên là thừa tác vụ, đó là cấu trúc của giáo hội (x. Ep 4:12): tông đồ, ngôn sứ, thầy dạy, loan báo Tin mừng, quản trị (x. 1Cr 12:28; Ep 4:11); tiếp đến là các ân huệ mưu ích cho cộng đoàn: phục vụ, dạy bảo, khuyên răn, việc bác ái (x. Rm 12:7tt), ơn nói lời khôn ngoan hay hiểu biết, đức tin, chữa lành hay làm phép lạ, nói tiếng lạ, phân định thần loại. Danh sách đó kể ra thì còn dài, nhưng rõ ràng là các đặc sủng không bao giờ loại trừ lẫn nhau, và một người có thể nhận được nhiều đặc sủng khác nhau; đó là trường hợp của thánh Phaolô như ngài đã từng cho thấy (x. 1Cr 14:18; 2Cr 12:1-4).

Các đặc sủng có thể là thường cách hoặc biệt cách. Là thường cách các đặc sủng gắn liền với một thừa tác vụ hoặc một ơn gọi. Thừa tác vụ chức thánh là thuộc về nguồn gốc đoàn sủng, nhờ vào ân huệ của Thần Khí được ban cho qua việc đặt tay: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2Tm 1:6); đặc sủng này ban cho họ quyền giảng dạy, như thánh Phaolô viết cho môn đệ Timôthê của ngài: “Anh hãy truyền, hãy dạy những điều đó” (1Tm 4:11); không ai được phép xem thường chức năng đó: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ” (câu 12).

 

Các đặc sủng theo thánh Phaolô

Trong 1Cr 12, chín đặc sủng được đề cập ba lần trong 1Cr 12:8-12, 28-30, còn các ơn nói tiên tri, ơn nói tiếng lạ, ơn giải thích tiếng lạ thì được nói đến trong 1Cr 14. Kết thúc 1Cr 12, thánh Phaolô thúc giục các độc giả của ngài hãy “cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất”… và kết luận rằng “tôi xin chỉ cho anh em con đường trỗi vượt hơn cả” và ngài đã biểu trình minh bạch con đường đó trong chương 1Cr 13: con đường của Tình yêu, của đức Ái. Như thế, có thể thấy rõ là các đặc sủng không có một giá trị ngang bằng nhau. Để cho rõ ràng hơn, chúng ta có thể phân chia chúng thành ba nhóm rồi giải thích ý nghĩa của từng nhóm một. Các nhóm này có thể được phân chia khác nhau: thánh Phaolô trong 1Cr 12:4-6 đã chia các ân huệ đó thành “các đặc sủng”, “các việc phục vụ”, “các hoạt động”; tiếp đó trong các câu 8-10, ngài kể ra một danh sách gồm chín “cách tỏ mình của Thần Khí”, mà theo một số người thì đó chính xác được gọi là “các đặc sủng”, dù chẳng có những nét phân biệt rõ rệt nào trong lãnh vực ấy. Một dạng phân loại như thế, có thể được thấy, chẳng hạn, trong cuốn Jerome Commentary of the Bible (Chú giải Kinh Thánh của Hiêrônimô): đặc sủng tri thức, hoạt động và diễn từ, được chia thành bộ ba. Có một phân loại khác từ chương hơn, chia thành: 2 đặc sủng ngôn từ, tiếp đó là 5 ân huệ cùng loại (9-10c), và kết thúc với 2 đặc sủng ngôn ngữ. Các tín hữu Côrintô đã trải qua một dạng kinh nghiệm xuất thần lúc còn là lương dân, bởi đó thánh Phao­lô mới khuyến cáo họ đừng để mình dễ dàng mất tự chủ mà bị lôi kéo vào những điều xảy ra như thế (x. 1Cr 12: 2).[57]

 

1-Ba đặc sủng Trí tuệ

Ơn Minh Ngôn

Thánh Phaolô luôn dành vị thế ưu tiên cho việc giảng dạy Tin Mừng. Ngài đã nỗ lực hết sức để vận dụng các khả năng thích nghi của mình hầu làm cho lời rao giảng Tin Mừng phù hợp với các đối tượng tiếp nhận; và như có thể thấy, tại Aten – nơi được mệnh danh là thủ đô của mọi khả năng khôn ngoan Tây phương vào thời đó – ngài đã biểu trình sứ điệp của mình bằng cách áp dụng các quy tắc của thuật hùng biện phổ biến thời đó; song, hoa trái ngài gặt hái được chẳng có gì là nổi bật (x. Cv 17:22tt). Do đó, khi đến Cô­rin­tô, ngài đã tiến hành việc rao giảng theo một cung cách khác: Tôi đã đến với anh em – ngài nói với các tín hữu ở đấy – “và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo” (1Cr 1:17), nhưng hoàn toàn ngược lại: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1:22-23). Dạng Minh ngôn này là một ân huệ từ trên cao ban xuống: “Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí” (2:13); ngài gọi các lời lẽ khôn ngoan mình có được là do “quyền năng Thiên Chúa” (2:5), và đã đưa ra một lối trình giải về đặc sủng Minh Ngôn này trong đoạn 1Cr 2:6-16 (x. thêm: Ep 3:10-11; Cl 1.9).

Ơn Minh ngôn được ban cho nhằm vào mục đích xây dựng cộng đoàn, chứ không nhằm vào việc rao giảng Tin Mừng cho lương dân (ít ra thì không phải là trực tiếp), dù Thần Khí có thể thực hiện cả tác động đó nữa, như thấy trong trường hợp của Phaolô. Đây là một trong những đặc sủng được xếp vào hàng cao nhất, được nối kết với ơn Thượng trí. Ân huệ này là một tập tính, và do đó có tính chất thường tại, trong khi đó, đoàn sủng minh ngôn là một hành vi có tính cách chốc lát, nhất thời và không thể tiên đoán được. Thánh Phaolô đã ám chỉ đến đặc sủng này qua việc nêu bật các kinh nghiệm xảy ra nơi cộng đoàn phụng vụ Côrintô, lúc một thành viên nào đó đột nhiên lại được linh hứng để nói ra một số điều có tính cách “soi lòng mở trí” cho cả cộng đoàn.

Nếu ai đã nhận được ơn Minh ngôn, hẳn là lời lẽ người đó nói lên sẽ đượm nhuần khôn ngoan nhờ Thần Khí. Đức Giêsu là một điển hình: lời lẽ Ngài nói ra khiến thính giả phải kinh ngạc, sững sờ, bởi vì chúng không được giảng giải theo lối khôn ngoan thông thường của loài người (x. Lc 2:47; 4:22; Ga 7:46). Khi cần, các Tông đồ cũng có thể nhận lãnh được đặc sủng này, như thấy qua lời giảng hùng hồn của thánh Phêrô sau ngày Ngũ Tuần, hoặc như lời ngài khẳng quyết trước mặt giới cầm quyền: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5: 29). ThánhPhaolô xác nhận là mình cũng có đặc sủng ấy (x. 2Cr 12:4). Tuy nhiên, cũng đừng tự phụ cho là mình có được ơn ấy, tựa như khi không chuẩn bị mà cứ đứng lên giảng ở nhà thờ!

 

Ơn Triết Ngôn

Phân biệt cho rạch ròi giữa hai đặc sủng Triết ngôn và Minh ngôn quả thực không phải là điều dễ dàng. Sở dĩ thánh Phaolô đã dùng đến thuật ngữ này có lẽ cũng bởi vì các tín hữu Côrintô đã tỏ ra thái độ kiêu căng, tự mãn (hybris) cách ngu xuẩn về khả năng hiểu biết của họ (x. 8.1-7a ?). Truyền thống đã phân biệt hai đặc sủng này bằng cách dùng đến hai thuật ngữ khác nhau: a) sermo sapientiae (minh ngôn), tức ngôn từ biểu trình về các mầu nhiệm ưu việt thuộc đức tin, và b) sermo scientiae (triết ngôn), tức ngôn từ luận giải các chân lý kitô. Trong cuốn Những lời trần tình, thánh Âugutinô đã coi dạng đặc sủng trước như là “nguồn sáng chính yếu” và dạng sau là “nguồn sáng thứ yếu” (cuốn 13, ch. 18); tiếp đó, ngài lý luận rằng ơn “khôn ngoan” thì liên quan đến các thực tại thần linh, còn ơn “hiểu biết” thì gắn kết với các thực tại nhân sinh;[58] nhưng dù thế nào đi nữa, ơn này cũng luôn được coi như là một ân huệ siêu nhiên giúp khám phá ra giá trị đích thực của các thụ tạo; và do vậy, có thể coi đó là “lời”, là dạng “phát ngôn” biểu lộ một sức hiểu biết uyên thâm về thực tại, nhằm vào nhu cầu thiêng liêng của ai đó hoặc của Giáo hội. Đặc sủng này chỉ được nhắc đến trong 1Cr 12:8 mà thôi; và phải thừa nhận là khó mà có thể quan niệm xác đáng về đặc sủng này; giống như chính Thần Khí, đặc sủng này tỏ hiện qua một tính cách rất đỗi mơ hồ, và do đó, có lúc thì nó rõ ràng, nhưng có lúc thì nó vẫn còn làm cho thắc mắc không biết là nó xuất phát từ ThiênChúa, từ trực giác tự nhiên, hay đó chỉ là tình cờ. Nó có thể dẫn đến một mạc khải, như lời Đức Giêsu nói với Natanaên: “Lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1:48), hoặc lời Phêrô khiển trách Anania và Sa­phi­ra: “Sao anh lại rắp tâm lừa dối Thánh Thần?” (Cv 5:3), v.v.. Nó cũng có thể là một nhận thức đột ngột về việc hiện thực thánh ý Thiên Chúa nơi một con người, được biểu lộ với một uy quyền mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho. Trong thế giới hiện đại, nơi mà khoa học tự nhiên dường như đưa ra các phán quyết cuối cùng, thì dạng lời nói khác này từ Thần Khí lại làm cho ý thức về sự hiện hữu của một chiều kích khác trong mọi thụ tạo, và nhờ đó giải phóng con người khỏi sức quyến rũ của “những thụ tạo” qua việc nhận rõ Đấng Tạo hóa hiện diện trong đó. Cuối cùng, thánh Tôma Aquinô đã lên tiếng nhắc nhở rằng thánh Phaolô không nói về “ân huệ khôn ngoan hay thâm hiểu, nhưng lại về lời khôn ngoan và thâm hiểu; và điều này – ngài nói – thuộc về tính chất hoàn thiện của các ân huệ, tức là một người phải có thừa khôn ngoan và thâm hiểu đến độ có thể mang lại ích lợi không chỉ cho bản thân người đó, nhưng còn qua lời người đó nói mà đem ích lợi cho những người khác nữa; do vậy, nó được coi như là một ân sủng gratis data” (được ban nhưng không).[59]

 

Ơn Phân định Thần loại

Không hẳn những gì thuộc về thế giới thần linh thì đều là “đúng đắn” cả, bởi vì cần phải lưu ý đến thực trạng hiển hiện nhan nhản và hoạt động đan xen của “các loại thần khí”. Trong bức thư đầu tiên của mình, thánh Phaolô đã khuyên các tín hữu phải biết lưu ý phân định các ân huệ thiêng liêng khác nhau (x. 1Tx 5:21). Đặc sủng này có lẽ là thứ cần thiết nhất trong bất cứ một cộng đoàn có đặc sủng nào, hệt như vai trò đứng đầu của đức khôn ngoan trong số các nhân đức. Trong Cựu Ước, người ta đã gặp tình trạng xuất hiện các ngôn sứ giả; do đó Môsê mới cảnh báo dân và đề xuất một tiêu chí giúp phân định (x. Đnl 18:15-22). Nhưng có rất nhiều ngôn sứ giả, chẳng hạn con số có thể lên đến trên dưới 400 người như đọc thấy trong 1V 22:5tt, và huyên thuyên đưa ra các lời tiên tri nhân danh Yahweh; Edêkien, một ngôn sứ đích thực, đã tuyên sấm hạch tội các ngôn sứ giả (x. Ed 13). Trong Giáo hội, Đức Giêsu cũng đã cảnh báo về các ngôn sứ giả sẽ “đội lốt chiên” mà đến, tức là bề ngoài xuất hiện có vẻ là đáng tin cậy, cũng giảng dạy chân lý (“lạy Chúa, lạy Chúa”) và thậm chí còn làm “các phép lạ” nữa; tiêu chuẩn giúp nhận định mà Ngài đưa ra là việc thực hành theo lời dạy Tin Mừng (x. Mt 7:15-23). Các bức thư của Phêrô và Gioan đều nói đến việc các ngôn sứ giả xuất hiện: “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả; giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả hiệu, là những người sẽ lén lút đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong…” (2Pr 2:1), và do đó thánh Gioan căn dặn: “Hãy cân nhắc các thần khí, xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian” (1Ga 4:1). Đức Giêsu đã ba lần khuyến cáo các môn đệ rằng vào “thời cánh chung” – thực tế là trong mọi thời đại – “nhiều” ngôn sứ giả, “Kitô” giả sẽ xuất hiện và “sẽ lừa gạt được nhiều người” (x. Mt 24: 5.11.24). Thánh Phaolô đã nối kết đặc sủng phân định thần loại với ơn sứ ngôn (x. 1Cr 14:29; Rm 12:1-2; 1Tx 5:19-22) vốn cần đến đặc sủng này nhất.

Đã thấy nhan nhản trong Giáo hội sơ khai – và trong thời nay thì còn nhiều hơn nữa – các ngôn sứ giả đã làm sinh sôi nẩy nở nhiều dạng lạc giáo và tà phái khác nhau, trong những cách thức rất đỗi tinh vi, để rồi không dễ gì có thể dễ dàng nhận diện được chúng; thánh Phaolô đã đưa ra một lý do:bởi vì “chính Xatan cũng đội lốt thiên thần sáng láng; vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính” (2Cr 11:14-15). Đối diện với tình cảnh như thế, mọi lý luận thông thường đều trở thành vô dụng; do đó, tín hữu cần có được đặc sủng của Thánh Thần thì mới có thể phân định được đâu là thật đâu là giả.

Đặc sủng giúp phân định thần loại là ân huệ mà Thánh Thần ban cho hầu tín hữu phân biệt được một ‘thần khí’ này với một ‘thần khí’ khác. “Thần khí” ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa hữu thể thầnlinh, nhưng còn ám chỉ đến một con người, một tư tưởng, hoặc một gợi ý thiêng liêng (một lời tuyên sấm, một lời tiên tri, một mạc khải…) khẳng định là mang đến một sứ điệp từ Thiên Chúa và, do đó, có thể tác động lên tiến trình quyết định của một con người hoặc của một nhóm người nào đó. Khả năng phân định thần loại trước hết là một ân huệ của Chúa Thánh Thần giúp cho “đọc được những gì trong lòng”; các thánh, chẳng hạn thánh Gioan Vianê – thánh bổn mạng các linh mục triều – đã được ban cho ân huệ đặc biệt này theo cách đó. Nhưng có nhiều tiêu chuẩn khách quan về phân định thần loại có thể được nghiên cứu.[60] Bởi vì “ân sủng” không đi ngược lại với “bản tính” nhưng dựa trên bản tính, nên một quá trình huấn luyện tốt về linh hướng và tư vấn tâm lý là điều rất hữu ích. Thánh Phaolô đề ra một số nguyên tắc cho vấn đề: phải coi liệu nó có lấy đức mến làm đầu không, nếu không thì là vô ích (x. 1Cr 13:1-3; đây cũng là tiêu chuẩn thánh Gioan đưa ra: 1Ga 4:8); liệu nó có tỏ cho thấy một đức tin chính xác vào Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Chúa không (x. 1Cr 12:3); liệu nó có giúp xây dựng giáo hội và các chi thể của giáo hội không (x. Ep 4:11-12), đặc biệt là liệu nó có làm gia tăng tinh thần hiệp nhất hay không (x. 1Cr 1:10). Trong Gl 5: 16-25, thánh Phaolô cũng coi các hoa trái phát sinh như là các tiêu chuẩn giúp phân định thần loại, tức là “thần khí” và “xác thịt” (thần lành và thần dữ) làm phát sinh hoa trái khác nhau trong đời sống của tín hữu. Thư 2Pr 2 cũng nhấn mạnh đến tính cách dối trá của “các thần dữ” (các ngôn sứ giả), đến sự việc các kết quả đọc thấy trong đời sống đi ngược lại với các giá trị Tin Mừng; bức tranh toàn cảnh quả là ảm đạm, nhưng đó là một lời khuyến cáo quan yếu cần được các tín hữu cẩn trọng lưu tâm, bởi vì trong xã hội hiện đại, “công luận” có thể đóng giữ vai trò làm công cụ của thần dữ. Trong xã hội ngày nay, đâu đâu cũng gặp thấy nhan nhản trước mắt một dạng thế lực ma quái, như văn đoạn Ep 6:12 đã cảnh báo: “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.” Do đó, ngày nay cũng có thể coi “thần khí” đó là quyền lực bóng tối mơ hồ của văn hóa, công luận, các tập tục được tiếp nhận cách bừa bãi để áp đặt rất tinh vi những giá trị giả tạo, những cách hành xử vô luân, những thái độ nghịch đạo và những gì tương tự; đây chính là “thần khí của thế gian,” mà công đồng Vaticanô đã định nghĩa khi trình bày như sau: “Thế gian ở đây nghĩa là tinh thần phù phiếm và dã tâm vốn dĩ biến những khả năng con người được dùng để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người thành phương tiện phạm tội” (GS 37).

Công đồng cũng mở lòng đón nhận các đặc sủng được ban cho Giáo hội và nhận định tóm lược như sau: “Các đoàn sủng ấy, dù có tính cách đặc biệt hơn hoặc thông thường hơn mà nhiều người lãnh nhận được, phải được đón nhận với thái độ tri ân và yên ủi vì các ơn đó là hoàn toàn hữu ích và đáp ứng được các nhu cầu của Giáo Hội. Không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự xử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo” (LG 12).

 

2- Ba Đặc sủng Hành động

Các ơn Chữa bệnh

Trong câu 1Cr 12:9, với việc dùng danh từ ở số nhiều – các đặc sủng chữa bệnh – có vẻ như thánh Phaolô muốn đề cập đến các hoạt động chữa bệnh cụ thể nào đó, chứ không nói đến một “năng lực” có tính cách thường xuyên được ban cho một ai đó. Đó là dạng ân huệ mà Đức Giêsu đã hứa ban trước cuộc thăng thiên: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin:… Nếu họ đặt taytrên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe” (Mc 16:17-18). Thánh Phaolô không có được đặc sủng này (x. 2Cr 12:12), dù ngài đã làm các phép lạ (x. Cv 14:8-10; 19:11-12;20:7-20; 28:8-9). Đặc sủng này không được đề cập đến trong Rm 12:6-8; có lẽ nó được đề cập chỉ vì ở Côrintô đã từng có một điện thờ thần As­kle­pios nổi tiếng, vị thần chữa bệnh, và người ta thường kể rất nhiều về những phép lạ kỳ diệu ở đây; ngoài ra, cũng có vài lời nói đến dân ngoại (x. 1Cr 12:2; 14:22-23). Mặt khác, các buổi hội họp để cử hành lễ Tạ Ơn của họ nếu nói cho nhẹ bớt đi thì cũng đã không nêu được gương tốt và, do đó, nhiều người đã ốm đau suy nhược (x. 1Cr 11:30); lẽ ra, họ cần phải hỏi thánh Tông đồ để ngài giải thích cặn kẽ cho hiểu về những điều đó.

Đó từng là một sứ vụ quan trọng của Đức Giêsu, và là hoạt động thu hút nhiều nhất số lượng dân chúng vây quanh Ngài (x. Mt 4:23-25; Ga 6:2). Và mỗi lần sai các môn đệ ra đi rao giảng, thì Đức Giêsu ban cho tất cả họ ơn này, theo thứ tự như sau: khử trừ các thần ô uế và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 10:1.8; Lc 9:1; 10:9.17; Gc 5:15), và đó là điều mà các môn đệ đã thực hiện với thành công lớn (x. Cv 5:12-16; 8:6-8; 19:11-12). Dù vậy, khi cuộc thử thách đức tin thực sự xảy đến, thì nhiều môn đệ trong số đó lại bỏ Ngài mà đi (x. Ga 6:67) còn quần chúng thì lại đòi đóng đinh Ngài vào thập giá (x. Mc 15:14-15).

Chúng ta tin rằng đức tin có thể giúp làm nên những điều kỳ diệu; nhưng chúng ta không nên giả thiết là nó có thể giúp làm các hành động có tính cách phép lạ. Đặc sủng này có thể được Thần Khí ban cho, theo mức độ hay cách thức nào đó chỉ có Người mới biết mà thôi. Dù thế nào, ở đây không đề cập đến thực tế các phép lạ chữa bệnh có được, chẳng hạn, qua lời cầu nguyện hay can thiệp của một vị thánh; nhưng là bàn về một khả năng ngoại thường của một số người trong Giáo hội. Có lẽ không có đặc sủng nào khác bị lạm dụng cho bằng đặc sủng này trong các phong trào Ngũ Tuần và các giáo phái ngày nay; do vậy, hơn ở đâu hết, ở đây cần nhiều đến khả năng nhậnđịnh. Thiên Chúa luôn luôn ban các ân sủng chữa bệnh, đặc biệt cho các vị thánh hoặc cho một số nơi chốn nhất định nào đó (ở Lộ Đức chẳng hạn). Nhưng chúng ta biết rằng trong một tình huống căng thẳng và cảm xúc có tính cách tâm lý, thì các hiện tượng kỳ lạ có thể xảy ra trong việc chữa lành bệnh như thế, như có thể thấy nơi tất cả các tôn giáo. Như là một ân huệ của Thánh Thần, các khả năng chữa lành thuộc về phạm trù các dấu chỉ; do đó, không nên tìm kiếm những ân huệ này hoặc ơn này chỉ vì chúng nó (rõ ràng là một người bệnh tìm kiếm trước hết là sức khỏe cho mình)nhưng chúng phải nhằm vào Đức Giêsu Kitô. Thánh Tôma nói: “Ân sủng chữa bệnh thì khác với các đặc sủng làm phép lạ nói chung, bởi nó có một lý do đặc biệt làm cho tin, vì lẽ thiên hạ thường có xu hướng tin khi họ nhận được ích lợi do việc chữa lành thể lý hơn là khi họ chỉ chứng kiến các phép lạ không thôi.”

 

Ơn làm các Phép lạ

Thánh Phaolô tuyên bố là ngài đã được ban cho đoàn sủng này (x. Rm 15:19; 2Cr 12:12). Quả không có gì rõ ràng giúp phân biệt ân huệ này với các ân huệ chữa bệnh; một số người cho rằng “các ơn chữa bệnh” thì liên hệ với bệnh tật; trong khi đó, “các ơn làm phép lạ” thì liên quan đến những điều kỳ diệu phi thường hoặc các hoạt động trừ tà. Giải thích văn đoạn kia, thánh Tôma viết rằng “ơn làm các phép lạ” có nghĩa là các phép lạ phi thường, tức là việc thay đổi cách thức hoạt động thông thường của tự nhiên và, chắc chắn rằng, việc chữa bệnh cũng là một phép lạ.[61] Do đó, trong Tổng Luận Thần Học, ngài nhận định rằng một phép lạ được ban cho để củng cố lời nói ra, để làm cho lời đó trở nên đáng tin, hoặc để mở một con đường dẫn đến đức tin.[62] Một phép lạ không đơn giản chỉ là một sự kiện xảy ra không thể giải thích được, nhưng nó là một biểu hiện của năng lực thần linh, để mang đến phương dược cứu chữa cho một con người hoặc một tình huống, cũng như để chứng thực sức hiện diện năng động của Người (trong lời rao giảng, nơi đời sống của một vị thánh, v.v.). Các phép lạ là những phương tiện đặc biệt đưa đến một mục đích, không được mong đợi như là những cách thức hành động thông thường của Thiên Chúa.

Trong đời sống của Đức Giêsu, các Tông đồ và các Thánh, có thể thấy nhiều phép lạ. Thực ra, không bao giờ chúng biến mất khỏi Giáo hội, bởi vì chúng ta đang ở trong thời Nước Thiên Chúa, và Nước Chúa không cốt ở các giáo lý siêu phàm, cách tổ chức hoàn hảo hoặc các nghi thức gây kinh hoàng nhưng, như thánh Phaolô viết: “Thật vậy, Nước Thiên Chúa không cốt ở tài ăn nói, nhưng ở quyền năng” (1Cr 4:20). Đôi lúc, các phép lạ có tính cách tỏ tường, nhưng lắm khi, nó đòi phải có con mắt đức tin thì mới nhận ra được. Tân Ước gọi các phép lạ là “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2:22), vốn có thể dẫn đến đức tin, như sau biến cố tiệc cưới Cana: “Người đã bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2:11), hoặc cũng có thể dẫn đến việc chống đối Đức Giêsu, như đã thấy xảy ra sau cuộc sống lại của Ladarô (x. Ga 11:47-53).

Các phép lạ là cuộc can thiệp của Thiên Chúa nhằm mang lại ích lợi cho một ai đó; nhưng có lẽ phải lưu ý là người được dùng làm tác nhân của phép lạ thì lại không hưởng được gì từ phép lạ đó (xem lời khuyến cáo của Đức Giêsu trong Mt 7:22; xem thêm: 1Cr 13:2). Nếu Thần Khí đã ban cho ân huệ này, thì tất nó phải được lãnh nhận với thái độ tri ân, nhưng cũng với thái độ “sợ hãi và run rẩy”, bởi vì nó được ban cho nhắm đến nhiệm vụ và đòi hỏi một trách nhiệm tương ứng với năng quyền lãnh nhận được.

 

Lòng tin

Lòng tin ở đây phải được hiểu theo nghĩa được nhắc đến trong Mt 17:19: lòng tin giúp làm những điều lạ lùng; và do đó, có thể nói rằng đó là một điều kiện và là một phần của hai ân huệ đã được đề cập: chữa bệnh và làm phép lạ. Lòng tin có lẽ là đặc sủng quan trọng nhất trong số các ân huệ hành động: ơn Đức Tin ban cho sức mạnh có thể chuyển dời cả núi non: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển,’ thì sự việc sẽ xảy ra như thế” (Mt 21:21).

Lại cần lưu ý là ở đây không đề cập đến lòng tin xét như là một nhân đức đối thần, vốn cũng phát xuất từ Thánh Thần, như thánh Phaolô nói (x. 1Cr 12:3); một lần nữa, vị bổn mạng của các thần học gia giải thích rằng: “Lòng tin ở đây không được kể vào số các ân sủng gratis datas nếu chúng ta hiểu nó như là nhân đức làm cho một con người nên công chính nơi chính bản thân người đó;nhưng nó là ân sủng nhưng không nếu chúng ta nhận ra trong nó một thái độ xác quyết lỗi lạc trong đức tin, làm cho người ấy có khả năng hướng dẫn người khác trong các vấn đề đức tin.”[63] Ân huệ này có lẽ là niềm tin mà thánh Phaolô đề cập đến trong Gl 2:22 như là hoa trái của Thần Khí, hoặc trong Ep 6:16 như là “khiên mộc đức tin”; ân huệ này không phải là một tập tính, nhưng là một hoạt động trong đó người kitô kinh nghiệm được sức ấm áp, tình yêu hay sự giúp đỡ của Thần Khí; nó cũng là nền tảng của các hoạt động có tính cách thần linh khác, như các việc chữa lành bệnh hoặc là cả các ơn nói tiếng lạ. Niềm tin này có thể phát triển, như thấy nơi thánh Phêrô: trước tiên ngài là “một con người kém lòng tin” (Mt 8:26), và kết thúc bằng việc làm các phép lạ như một người có lòng tin vững vàng (Cv 3: 5). Ân huệ này được ban cho nhằm vào việc xây dựng Giáo hội, như thánh Tông đồ viết: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: ‘Tôi đã tin, nên tôi mới nói,’ thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói.” (2Cr 4:13). Lòng tin này được ban cho theo các mức độkhác nhau, nhưng là sao thì bao giờ cũng phải giữ thái độ khiêm hạ; thánh Phaolô nói: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho” (Rm 12:3).

Lòng tin mạnh mẽ luôn thấy biểu hiện nơi các thánh: như lòng tin của thánh Phanxicô Xaviê, của Mẹ Têrê­sa… Thật khó để xác định: liệu đó có phải là một mức độ kiệt xuất của nhân đức đối thần hay không, hay còn là một ân huệ đặc biệt khác nữa, bởi vì cả hai đều xuất phát từ một nguồn gốc duy nhất là Thần Khí. Chúng ta xếp “lòng tin mạnh mẽ” của viên đại đội trưởng Rôma ngoại giáo (Mt 8:10), và của người phụ nữ ngoại giáo Canaan (Mt 15:2) vào loại nào? Trong vấn đề này, chỉ có thể bỏ ngỏ chứ không thể nào đưa ra được các quan niệm thực sự thích đáng; chúng ta chỉ có thể và phải cầu nguyện “xin thêm lòng tin cho chúng con!” (Lc 17:5-6) mà thôi.

 

3- Ba Đặc sủng ngôn ngữ

Ơn nói tiên tri

Đây có lẽ là đặc sủng được nhắc đến nhiều nhất và cũng bị lạm dụng nhiều nhất. Thánh Phaolô tỏ ra đặc biệt coi trọng đặc sủng này: chỉ trong hai chương 1Cr 12―14, ngài đã nhắc đến nó 22 lần; ngài kể nó vào hàng thứ hai sau đức mến (x. 1Cr 14:1). Biến cố Ngũ Tuần được giải thích như là việc hoàn tất sứ ngôn của tiên tri Giôen: “Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành ngôn sứ” (Cv 2:17-18).

Đây là ân huệ mà Chúa Thánh Thần, qua một con người, trình bày một sứ điệp đến một cá nhân hoặc đến toàn thể cộng đoàn kitô hữu. Chính Thiên Chúa tận dụng ai đó, để trình bày cho thấy điều Người nghĩ về hiện tình, ý định Người dành cho tương lai, hoặc điều Người nghĩ là chúng cần phải được cho biết, cần phải được quan tâm đến chính lúc này. Đó trước hết không phải và cũng không nhất thiết phải là một khả năng tiên báo tương lai. Như là lời nói thần linh, nó thường là một phát ngôn vắn gọn được gửi đến cộng đoàn hoặc đến một cá nhân, một lời khích lệ, an ủi hoặc khuyên nhủ, vốn “có uy quyền” bởi nó xuất phát từ nơi Thiên Chúa.

Ơn nói tiên tri đôi khi cũng có liên quan đến việc tiên báo tương lai (xem chẳng hạn, Cv 21:7-14); ân huệ này được ban cho một số vị thánh.

Một số người có thể nhận được đặc sủng này hầu như là thường xuyên; và họ được gọi là các ngôn sứ. Các đặc sủng được ban cho cách thường xuyên đó quan trọng đến độ thánh Phaolô đã xếp chúng sau các Tông đồ như là các thành viên nền tảng của Giáo hội (x. Ep 2:10; 3:5; 4:11; 1Cr 12:28). Và trong trường hợp này, ơn nói tiên tri trở nên một “chức năng” của Giáo hội. Từ thuở sơ khai Giáo hội, đã thấy như vậy rồi; sách Điđakhê đã đặc biệt coi trọng đặc sủng này, nhưng cũng tỏ ra thận trọng nhắc nhở: “Tuy vậy, không phải ai phát ngôn bằng thần khí cũng đều được coi là ngôn sứ cả đâu” (Điđakhê 11:8). Về sau, những người lãnh được đặc sủng này trở thành một dạng người rao giảng lang thang khắp đây đó; đặc sủng này hiện diện trong các cộng đoàn kitô trong thời thánh Giúxtinô, được thánh Irênê và thánh Hilariô nhắc đến nhưng không giải thích cụ thể về những điều mà những người lãnh nhận đặc sủng này làm. Đến thời thánh Âugutinô (cuối thế kỷ 4), các ngôn sứ dạng này hầu như biến mất.

Có một sức tác động mạnh mẽ, nên sứ ngôn cũng có thể gặp những mối nguy: các ngôn sứ giả luôn xuất hiện lẫn lộn với các ngôn sứ thật: thư Mục tử Hermas đã vạch mặt chỉ tên một dạng người hành nghề ngôn sứ, luôn đòi tiền khi thuyết trình. Thánh Phaolô đã gióng tiếng nhắc nhở Giáo hội sơ khai “đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ” (1Tx 5:19-21). Lời khuyên ấy đã được công đồng Vaticanô II nhắc lại (x. LG 12). Như trong Cựu Ước, ơn nói tiên tri không đối nghịch với cơ cấu, nhưng lại thường lên tiếng phê bình cơ cấu và có thể dẫn đến kết cục là xung đột với cơ cấu.

Có một dạng ơn sứ ngôn căn bản được ban cho toàn thể Dân Thiên Chúa, như công đồng Vaticanô II đã trình bày: “Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô qua việc phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái, và qua việc dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái của những miệng lưỡi ngợi khen thánh Danh Người” (LG 12). Ân huệ này cốt ở ơn gọi cơ bản của người kitô trong việc trở thành chứng nhân của Đức Kitô qua lời nói và hành động; đặc sủng nói tiên tri được xây dựng trên ơn gọi này, gia cường ơn gọi này và nâng cao nó đến một mức độ cao hơn. Theo lối nói ngày nay, từ “tiên tri” đã được thổi phồng lên để mặc lấy ý nghĩa về bất cứ một lời tuyên bố nào hoặc các hành động phản cơ cấu, được thực hiện bởi những kitô hữu (thường là tả khuynh) và thậm chí còn bởi những người không kitô; điều này thường (ý thức rằng đường lối của Thiên Chúa thì khôn dò) chẳng liên quan chi mấy đến Thánh Thần cả.

Chúa Thánh Thần luôn chăm sóc Giáo hội. Khi các ngôn sứ – kiểu thời xưa – biến dần khỏi tiền cảnh Giáo hội, thì lại thấy xuất hiện một dạng tiên tri khác: các đan sĩ; họ là một chứng từ sống động chống lại đời sống suy đồi (hoặc không thánh thiện đủ) của cộng đoàn kitô. Kể từ đó trở đi, các dòng tu làm cho hoàn tất (với mức độ thành công nhiều hay ít) vai trò của các ngôn sứ. Công đồng Vaticanô II đã nêu bật cho thấy lời tuyên khấn tu trì như là một ân huệ Thiên Chúa ban cho Giáo hội, dựa theo ánh sáng của Rm 12:5-8 và 1Cr 12:4 (x. PC 8), tức đó là một dạng hiện hữu có tính cách đoàn sủng. Hiến chế Tín lý về Giáo hội gọi việc sống các lời khuyên Phúc Âm là một “dấu chỉ” biểu thị Đức Kitô trước xã hội loài người theo một “cung cách nổi bật” (LG 46); đây là hành động có tính cách ngôn sứ. Các dòng tu giờ đây nói về “đặc sủng riêng” được ban cho cộng đoàn qua vị sáng lập và được biểu hiện qua ơn gọi cá nhân của mỗi thành viên. Các phong trào tông đồ khác nhau cũng thường dùng một ngôn ngữ tương tự.

Đặc sủng nói tiên tri do đó vẫn còn sống động trong Giáo hội, cả theo cách thức hoàn toàn của đời sống tu trì và đời sống tông đồ, hoặc theo những con người hoặc các hành động kích thích. Lời phán quyết cuối cùng về tính chất đích thực của những điều như vậy chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi; việc phán xét tạm thời thì được dành cho Giáo hội.

 

Các dạng loại khác nhau của ơn nói tiếng lạ

Đây là đặc sủng ít quan trọng nhất trong danh sách các đặc sủng; nó luôn luôn được đặt ở hàng cuối. Song dù gì, do bởi tính chất lạ lùng của mình nên nó làm cho người ta có cảm tưởng là nó lớn lao, để rồi nó được nhắc đến, bằng cách này hay cách khác, 57 lần trong Tân Ước. Trên thực tế, Đức Giêsu đã hứa cho các kẻ tin, như là một dấu chỉ, rằng “họ sẽ nói được những tiếng mới lạ” (Mc 16:17). Thánh Phaolô nói rằng đặc sủng này chủ yếu nhằm vào việc “tự xây dựng chính mình” (1Cr 14:4) và có lẽ cũng giúp ích cho người khác nếu nó được giải thích ra.

Theo nghĩa hẹp, đặc sủng nói tiếng lạ là một cách biểu hiện của Chúa Thánh Thần, bởi trong và nhờ Người mà một người được ban cho sức mạnh để cầu nguyện hoặc nói lên những gì có vẻ như là những âm thanh không hiểu nổi. Nó thường được kinh nghiệm như là một “cơn mưa nhè nhẹ” của lời ca ngợi dâng lên Chúa, được nói hay hát. Ơn nói tiếng lạ đã được mô tả như là một dạng đơn giản của hành động chiêm nguyện. Các lời lẽ đặc biệt có tính cách tri thức thì coi như được xếp qua một bên để cho phép một sự kết hiệp thâm sâu hơn của một tâm hồn với Chúa. Những lời được nói ra cũng có thể có một hiệu quả tương tự, nhưng với ơn nói tiếng lạ, một sự tự do thanh thoát nào đó sẽ đến và cho phép có được những khả năng mới trong việc giao tiếp với Thiên Chúa. Thông thường thì ân huệ này hoạt động trong bối cảnh cầu nguyện riêng tư hoặc trong việc ca tụng và thờ phượng tập thể. Trong một số trường hợp, sứ điệp phát biểu bằng thứ tiếng lạ có thể được cắt nghĩa, và thực ra thì cần phải được cắt nghĩa (x. 1Cr 14:6-19); rồi sau đó nó trở thành sứ ngôn (lời tiên tri).

Ơn nói tiếng lạ có thể được hiểu theo hai cách:

  1. Cách thứ nhất là dạng nói tiếng lạ diễn ra trong ngày Ngũ Tuần, như đã thấy Cv 2:4.6.8.11 thuật lại: “Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”… “và đám đông kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” Thánh Phaolô cũng ám chỉ đến các tiếng ngoại quốc (x. 1Cr 14:10-11). Ân huệ này kiện toàn lời Chúa đã hứa (Mc 16:17). Chúng ta không biết chắc về những thí dụ khác của ơn này.
  2. Cách thứ hai: một dạng nói tiếng lạ khác – và là một trong 9 ân huệ của Thần Khí – được đề cập 3 lần trong 1Cr 12:10.28.30, và được giải thích lại qua đoạn 1Cr 14:1-33; trong đoạn này, ân huệ “nói tiếng lạ” hay “cầu nguyện bằng tiếng lạ” được nhắc đến 12 lần. Nó được gọi là glossolalia tức là các âm thanh phát ra không rõ ràng và cũng không mang ý nghĩa nào rõ ràng cả. Các tín hữu Côrintô đã tự hào về điều đó và thánh Phaolô cũng công bố là ngài có được ơn đó (x. 14:18). Hiện tượng này thì có tính cách mơ hồ; các lương dân Hy lạp đã có các kinh nghiệm về việc nói theo thần hứng, và hiện tượng này đã được tiến hành trong Saman giáo và các nghi lễ ma thuật. Các phong trào Thánh Linh hiện đại và giáo phái Ngũ tuần quả quyết rằng Thần Khí cho họ – ít nhất là một số – có kinh nghiệm này và rằng điều đó sinh ích cho cá nhân và giúp xây dựng đoàn nhóm.

 

Ơn giải thích ngôn ngữ

Đây là đặc sủng bổ sung cho ơn nói tiếng lạ, làm cho ơn này trở nên hữu ích cho nhiều người; thánh Phaolô bảo những người lãnh nhận được ơn nói tiếng lạ cầu xin để có được ơn giải thích chúng (x. 1Cr 14: 13). Đây không có nghĩa là việc “dịch nghĩa” bởi vì các lời của người nói tiếng lạ không phải là ngôn ngữ có thể nhận ra được (đó là quan điểm chung); nhưng phải nói rằng đây là việc “cắt nghĩa,” tức là trình ra một ý nghĩa cho những lời nói ra vì ích lợi của những người chungquanh nghe chúng. Thánh Phaolô khuyên rằng nếu không có người giải thích, thì tốt hơn hết là người nói tiếng lạ nên im lặng (x. 14:28).

 

Một số ân huệ khác

Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Thần Khí vừa huấn luyện vừa dẫn dắt [Giáo hội] bằng muôn ân huệ theo phẩm trật và đoàn sủng, trang điểm Giáo hội bằng hoa quả của Người” (LG 4). Có những ân huệ không mang tính cách “đặc sủng”. Trong số những ân huệ thuộc loại đặc sủng, công đồng đã kể ra các đoàn sủng “đặc biệt và thông thường” của Dân Thiên Chúa (x. LG 12), “đặc sủng bất khả ngộ của toàn thể Giáo hội” (LG 25), “các đặc sủng thần linh” của các thánh (LG 5), v.v.

Trong số các ân huệ này, chúng ta có thể để ý đến ơn trừ quỷ. Đây là ơn Đức Giêsu đã ban cho các tông đồ khi cử các ông đi thi hành sứ vụ (x. Mt 10:1), và “nhóm 72 trở về, hớn hở nói: ‘Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10:17). Người đã hứa cho các tín hữu nói chung: “Đây là những dấu lạ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ” (Mc 16:17). Do đó, trên nguyên tắc, hết thảy mọi kitô hữu đều có thể có sức mạnh này; dù vậy, trong thực tế… kinh nghiệm trở thành lộn xộn lớn đến độ năm 1972, Đức Phaolô VI đã ra lệnh bãi bỏ chức nhỏ trừ tà. Giờ đây, việc thi hành quyền trừ quỷ đã được quy định bằng các quy tắc giáo luật nghiêm ngặt, dưới sự giám sát của đức giám mục (bản quyền). Năm 1999, Thánh bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã đưa ra một nghi thức trừ tà cập nhật cho toàn Giáo hội. Các bản cập nhật chính trước đây đã được ban hành năm 1614, như là Sách Nghi thức Rôma (Rituale Romanum) trong thời Đức Phaolô V. Cách thức giúp phân biệt đâu là trường hợp bị quỷ ám thực sự và đâu chỉ là các tình trạng rối loạn tâm lý, là việc làm không mấy dễ dàng; do đó, liên quan đến vấn đề này, bao giờ cũng cần phải thận trọng cao độ.

Có thể kể thêm nhiều ân huệ khác, được nói đến trong Kinh Thánh hoặc không, có chức năng gia cố cho các ân sủng chung và góp phần vào việc xây dựng Giáo hội. Thư Rôma 12:8 nêu ra một danh sách: “… ai khuyên răn thì cứ khuyên răn; ai phân phát, thì phải chân thành; ai chủ tọa, thì phải có nhiệt tâm; ai làm việc bác ái, thì hãy vui vẻ” và thánh Phaolô hẳn cũng đã có thể nói thêm: “và cứ tiếp tục như vậy.” Điều đó có nghĩa là mọi phận vụ hoặc mọi hoạt động tốt đều được Thần Khí làm cho trở nên sống động; bởi chính Người là Đấng quảng đại ban thêm phần bổ sung vào các khả năng của con người; ai ra tay bố thí, thì nhận lãnh được ơn phấn khởi!

Phong trào canh tân đặc sủng thường nhắc đến việc Nghỉ ngơi trong Thần Khí hoặc bị Thần khí giết đi (slain in the spirit): họ so sánh nó với kinh nghiệm của các nhà thần nghiệm, như thánh Têrêsa Avila chẳng hạn. Nó cốt ở sự việc một ai đó rơi vào tình trạng ấy trong khi đang cầu nguyện. Chủ quan mà nói, đó là một kinh nghiệm về ơn an ủi thiêng liêng sâu thẳm, để lại những kết quả kéo dài trong tâm hồn, đôi lúc cả trong thân xác nữa.

Ơn cầu nguyện chắc chắn là một trong các ân huệ cao cả nhất Thần Khí ban cho một linh hồn.[64]Thánh Phaolô viết rằng: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8:26). Bất cứ một lời cầu nguyện đích thực nào cũng đều diễn ra trong Thần Khí; dù vậy, xét như là một ân huệ thần linh, thì ơn cầu nguyện – vốn tạo một đà đẩy mạnh, giúp linh hồn tiến vào mối thân tình với Thiên Chúa – chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban cho tín hữu mà thôi. Vì là cần thiết cho đà trưởng thành thiêng liêng cũng như tình trạng sung mãn của Giáo hội, nên ân huệ này được ban cả cho người có tư năng lẫn người không có tư năng (trường hợp của người Pharisêu và người thu thuế). Nó có sức làm cho thỏa dịu cơn khát mà Đức Giêsu đã nhắc đến: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7:37). Và phải nói là hết thảy mọi người đều lâm phải cơn khát đó, như chính thánh Âuguttinô đã thú nhận: “Hồn chúng con vẫn hằng thao thức cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.”

Trong số các ân huệ Thần Khí ban, còn có thể kể đến các cuộc thị kiến hay hiện ra, vốn xuất hiện nhan nhản vượt tầm kiểm soát: kể từ năm 1960 đến nay, trên 3000 vụ đã được trình lên Tòa thánh. Trong cuộc đời của các thánh, hầu như lúc nào cũng có thể đọc thấy các hiện tượng lạ kỳ, chẳng hạn như tình trạng xuất thần, khinh thân, lưỡng tại, v.v. Trong các vấn đề loại này, mối nguy do ảo giác hoặc các trò bịp bợm của ma quỷ gây ra là rất lớn, nên đòi hỏi phải hết sức thận trọng trong tiến trình phân định và nhìn nhận.

Một ân huệ quan trọng khác mà Thần Khí ban tặng là lòng biết ơn. Ơn huệ này giúp cho có từ trong nội tâm, thái độ nhìn nhận các ân sủng đã lãnh nhận được từ nơi Thiên Chúa và tha nhân, cùng sẵn sàng hành động sao cho hợp lẽ trong cảnh huống ấy. Văn đoạn Lc 17 trình thuật câu chuyện mười người phong hủi đã được Đức Giêsu chữa lành, và trong số đó, chỉ duy nhất có một người là người Sa­mari trở lại nói lên lòng tri ân mà thôi. Có thể nói, đây là tâm tình cơ bản của đời sống kitô giáo, bởi xét cho cùng, “hành động” nền tảng của Giáo hội chính là Lễ Tạ Ơn. Lòng tri ân biểu lộ tính cách cao quý tâm hồn con người, tức của một người con chứ không phải của một kẻ ăn xin.

 

“Con đường trỗi vượt hơn cả” theo thánh Phaolô

Sau khi trình tả – cũng như đưa ra một số nhận định – về các đặc sủng xuất hiện trong giáo đoàn Cô­rin­tô, thánh Phaolô đã viết tiếp như sau: “Tôi xin chỉ cho anh em con đường trỗi vượt hơn cả” (1Cr 12:31); rồi ngài giải thích tường tận về con đường đó qua những trang viết được coi là trữ tình nhất: bài ca đức mến. Hết các lời lẽ trong cả chương 13 này đều là những lời tâm tình xuất phát từ đáy lòng một vị Tông đồ: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến nỗi chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” Và “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” Như thế, chẳng phải “con đường trỗi vượt hơn cả” đó là tình yêu hay sao?…

Ở đây, không triển khai hết mọi khía cạnh của vấn đề vừa nêu, chúng tôi chỉ xin trình ra một số ý kiến nhằm ứng dụng các lý tưởng đó vào trong thực tế mà thôi. Thánh Phaolô đã không đưa ra bất kỳ một sự phân biệt nào giữa đức ái đối thần với đặc sủng đức mến. Đức Giêsu đã dạy: tình yêu là giới luật hàng đầu (x. Mc 12:29-31 và các đoạn song song), bao hàm cả tình yêu đối với Thiên Chúa lẫn lòng mến đối với tha nhân; và hai khía cạnh của cùng một tình yêu duy nhất này không thể nào chia tách khỏi nhau được. Không thể có khía cạnh này mà không có khía cạnh kia và ngược lại: cũng giống như việc một cỗ xe bò không thể nào chuyển động được nếu chỉ có một chiếc bánh xe duy nhất!

Trong bối cảnh các kinh nghiệm đoàn sủng, thánh Phaolô đã gióng tiếng cảnh báo về mối nguy của một dạng ảo tưởng: bằng lòng với những an ủi thiêng liêng, thỏa mãn với những “âu yếm của Thần Khí”… mà quên mất đi việc phục vụ tha nhân, thì đó chỉ là những tiếng ồn ào vô ích; và ngược lại: lao mình vào các hoạt động xã hội, các sinh hoạt chính trị, v.v. mà quên mất đi việc phải lo làm vinh danh Cha trên trời, cái đó cũng chả đem lại ích lợi chi. Để sinh được hoa quả, thì ơn cứu độ phải đi với cả hai chân. Đức Giêsu đã làm gương về điều này: ban ngày, Người cho kẻ đói ăn và, suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Cha (x. Mt 14:23).

Quả thực, đức mến là ân huệ cao đẹp nhất của Thần Khí và là thứ cần thiết nhất; đức mến tiềm ẩn trong tất cả các ân huệ khác. Thiên Chúa là tình yêu, Thần Khí là tình yêu, và hết thảy mọi ân huệ của Người đều là tình yêu. Sự thánh thiện không cốt ở số lượng các đặc sủng mà một con người nhận được, nhưng hệ tại ở mức độ yêu mến mà người đó có. Ugolino Veri­no (1438-1516), một nhà nhân bản xuất thân từ Flo­ren­ce, đã viết như sau trong tác phẩm Những bài thơ trào phúng của ông:

 

Si vis ergo Deus fieri, vis incola coeli, toto animo et tola dilige mente Deum”[65]

 

Bởi đó, nếu bạn muốn trở thành Thiên Chúa, trở nên công dân thiên quốc, bạn hãy yêu mến Thiên Chúa với tất cả tâm hồn và toàn bộ trí khôn bạn.

 

Những hoa trái của Chúa Thánh Thần

Ngoài các “ân huệ” và “đặc sủng”, truyền thống còn nhắc đến những “hoa trái” của Thần Khí, dù phải thừa nhận rằng việc phân biệt rõ ràng giữa các dạng ơn ban này không phải lúc nào cũng dễ dàng; trong lãnh vực này, các dạng ơn ban đó ở trong tình trạng đan xen, hòa lẫn vào nhau, hoặc xem ra giống hệt nhau xét từ mọi góc nhìn khác nhau, là điều hết sức bình thường.

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trình xuất một danh sách như sau: “Các hoa trái của Thánh Thần là những điều thiện hảo Thánh Thần ban cho chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Giáo hội liệt kê ra mười hai hoa trái của Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết” (số 1832); danh sách này được rút ra từ Gl 5:22-23. Như có thể thấy, đây là một danh sách bao hàm các nhân đức dệt nên một đời sống kitô ở thế đối lập với cách kiểu xử sự mang đậm “tính xác thịt” của lương dân, gồm có: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5:19-21). Theo các bậc thầy đời sống thiêng liêng, một nhân đức chỉ “làm khó” người mới khởi sự luyện tập nó mà thôi, còn một khi đã được luyện cho thành thói quen rồi, tất nó sẽ trở nên dễ chịu và mang lại niềm vui thích cho người thực hành nó. Điều này cũng hệt như trường hợp một loại quả cây nào đó: lúc còn xanh, nó có vị chua, nhưng khi đã chín mọng, thì nó sẽ mang lại hương vị ngọt ngào. Chúa Thánh Thần, “vị khách dịu ngọt của tâm hồn”, là Đấng làm cho điều đó xảy ra. Như thánh Phaolô đã nêu rõ trong thư Galát, điểm khác biệt giữa một tâm hồn nguội lạnh, tầm thường với một tâm hồn nhiệt thành, cao cả, cốt ở việc “sống nhờ Thần Khí”, “tiến bước trong Thần Khí.”

Ba loại hoa trái đầu tiên – bác ái, hoan lạc, bình an – xuất phát trực tiếp từ Thần Khí đang cư ngụ bên trong tâm hồn; Người là Tình yêu, là niềm hoan lạc của Cha và Con, và là niềm an bình kết hiệp Ba Ngôi. Ba loại hoa trái này phát sinh từ lẫn nhau. Tình yêu là hoa trái đầu tiên, bởi nó làm cho tín hữu trở nên giống Đấng ban phát Tình yêu nhất. Dạng bác ái này không phải là nhân đức đối thần, nhưng là dạng tình yêu dựa trên kinh nghiệm mà có. Tình yêu kết nối tín hữu lại với Thiên Chúa và tha nhân, sản sinh ra niềm hoan hỷ nơi cộng đoàn: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh emđược sống vui vầy bên nhau!” (Tv 133:1). Bình an – mà thánh Âugutinô diễn tả như là sự “bình yên trong trật tự” (tranquility in order) – là tình trạng vắng bóng hết thảy mọi mối âu lo, sợ hãi; như thánh Gioan đã viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1Ga 4:18). Loại hoa trái này cũng được gọi là ơn yên ủi, xuất hiện sau một giai đoạn thử thách gian nan nào đó, và là dấu biểu thị cuộc khải hoàn trên sự dữ, hoặc trên thần dữ. Hoa trái của Thần Khí, đây là một cuộc nếm trước hương vị bình an (shalom) trong Nước Trời, thưởng thức trước cảnh lạc viên mà ngôn sứ Isaia từng mơ về (x. Is 1:5-9).

Niềm hoan lạc và bình an này không thể xuất phát từ nơi các thụ tạo cùng những gì thuộc về chúng; vì nói cho cùng, thứ hoan lạc và an bình đến từ thụ tạo chỉ mang tính cách giả tạo, nô hóa ý chí và đánh bẫy những khát khao trong lòng con người. Là hoa trái của Thần Khí, niềm hoan lạc có sức giải phóng và đem lại bình an. Sở dĩ phải đặc biệt chú tâm đến niềm hoan lạc ở đây, thì chính bởi vì nó là một dấu hiệu giúp cho dễ dàng nhận ra Thần Khí; ngày nay, giữa muôn vàn lắng lo, bất an, các nhóm phong trào đoàn sủng quả là một dấu chứng cho dạng ân huệ này. Thánh Phaolô đã cầu chúc các tín hữu Rôma có được niềm hoan lạc thiêng liêng này: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng” (Rm 15:13). Niềm hoan lạc ấy giúp nuôi dưỡng niềm hy vọng căn bản của người kitô, một niềm hy vọng, trước hết, mang chiều kích cánh chung, như lời thánh Phêrô đã viết: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Kitô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1Pr 4:13-14). Đó là lý do tại sao, cả trong các cuộc người kitô chịu bách hại và đau khổ, niềm hoan hỷ do Thần Khí vẫn đơm trái trổ bông; đây là thứ nghịch biện mà thánh Phaolô đã cùng chia sẻ với các tín hữu Thêxalônica, những người đang trải qua “bao nỗi gian truân, với niềm vui do Thánh Thần ban” (1Tx 1:6). Thánh nhân cũng đã cảm nghiệm được niềm hoan hỷ đó lúc bị tống ngục: ngài và Xila đã hát thánh ca cầu nguyện, và điều này đã khiến nhiều người phải kinh ngạc (x. Cv 16:25). Kỳ thực, niềm hoan hỷ này đã được cảm nghiệm ngay từ lúc khởi đầu các cuộc bắt bớ, khi “các Tông đồ ra khỏi Thượng Hội đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5:41). Dạng kinh nghiệm có vẻ nghịch lý về niềm hoan hỷ này đã trở thành một đặc điểm chung trong đời sống của các Thánh, được phản ánh rõ nét nơi thánh Phao­­lô: “Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy sung sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12:9-10).

Niềm hoan hỷ thường được liên kết với Nước Thiên Chúa. Vì nói cho cùng, Nước Trời chính là Đức Giê­su ở trong con người, như Ôrigênê đã gọi Người như thế (autobasileia, hiện thân của vương quốc). Là người-mang-Thần Khí, Đức Giêsu đã nếm trải niềm vui ấy trước ai hết, như thánh Luca đã ghi: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10:21). Bởi đó, dự phần vào sự sống và Thần Khí của Đức Giêsu, là người kitô dự phần vào niềm vui mà Người có trong Cha: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15:11). Chính Thần Khí là Đấng kết hiệp người kitô với Đức Kitô, trong tình yêu, qua ân huệ căn bản và trước hết là chính đức tin: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến; tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang” (1Pr 1:8). Tuy nhiên, không chỉ mang tính cách cánh chung mà thôi, Nước Thiên Chúa còn mang một chiều kích lịch sử nữa; bởi, Nước ấy hiện ở giữa thế giới conngười, đang hiện diện hữu hình nơi Giáo hội. Nước ấy, không sung túc về mặt của cải vật chất – người kitô không giàu hơn những người khác – nhưng dồi dào về phương diện tinh thần, thiêng liêng; đó là điều thánh Phaolô đã nhắn nhủ các tín hữu Rôma: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn chuyện uống, nhưng là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14:17): thứ của cải nói lên tính cách giàu có của người kitô là chính niềm vui. Bởi đó, người kitô phải giữ cho đúng trật tự ưu tiên: “Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5:18-19). Ngày nay, có lẽ đây là điều tốt đẹp và đáng ao ước nhất mà Kitô giáo có thể chia sẻ với thế giới: “niềm vui ơn cứu độ”. Tuy nhiên, rõ ràng là, trước hết, người kitô phải cảm nghiệm sâu xa niềm vui ấy đã. Phải làm sao đó để bộ mặt sầu khổ và bầu khí u buồn biến mất khỏi các cộng đoàn giáo hội kitô; người kitô phải đồng cảm được với dạng kinh nghiệm của dân Ítraen thời Cựu Ước về “niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8:10). Muốn được như vậy, người kitô phải lắng nghe và tâm niệm sứ ngôn sau đây: “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Đức Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi… Đàn ca lên mừng Đức Chúa, vì Người đã thực hiện bao kỳ công; điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường. Dân Xion, hãy reo hò mừng rỡ, vì giữa ngươi, Đức Thánh của Ítraen quả thật là vĩ đại” (Is 12:2-6). Trong Giáo hội ngày nay, những cộng đoàn nào có kinh nghiệm sâu xa về Chúa Thánh Thần, sẽ biểu hiện cho thấy thực tại vừa được trình tả kia.

Những của cải trần thế không bao giờ đáp ứng trọn vẹn được khát vọng của con người; chỉ có dòng nước Thần Khí ban xuống mới đủ sức làm dịu đi mọi cơn khát: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4:13-14).

Nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa…: phải có đầu óc tinh tế lắm thì mới đủ sức nhận rõ những nét khác biệt thực sự giữa các loại hoa trái được liệt kê trong danh sách ấy. Nói đến nhẫn nại là có vẻ như muốn ám chỉ đến những hoàn cảnh bất lợi vốn mang lại những phiền toái, bực bội và sầu khổ… và dường như nếu muốn đạt đến chữ nhẫn, người ta phải nỗ lực thực hành các kỹ thuật khổ chế; những người theo trường phái Khắc kỷ bên Tây phương cổ và các tu sĩ Phật giáo bên Đông phương hiện đại có lẽ là một điển hình cho điều này. Tuy nhiên, xét như là một dạng hoa trái do Thần Khí, nhẫn nại còn đi xa hơn thế nữa: nó không chỉ giúp các tín hữu đủ sức chịu đựng nhữngđau khổ, nhưng còn làm cho họ cảm nhận được niềm vui giữa những đau khổ ấy nữa; đây chính là dạng kinh nghiệm các Tông đồ đã biểu lộ cho thấy (x. Cv 5:41), và là thực tế mà lịch sử đã nhận thấy rõ nơi nhiều vị tử đạo.

Những loại hoa trái này làm cho việc thiết lập các mối giao hữu huynh đệ trở nên dễ dàng hơn: điều này phải trở thành nét đặc trưng tiêu biểu của một cộng đoàn kitô. Vì hết thảy mọi ân huệ và đoàn sủng được ban cho các cá nhân là để mưu ích cho Giáo hội, nên việc mong sao cho có được những loại hoa trái này là điều rất đỗi bình thường. Những loại hoa trái vừa nêu có vẻ như là những nhân đức “thụ động” và phần nào có nét từa tựa các mối phúc thật.

Khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết… Các dạng hoa trái được gọi là “niềm tin” (pis­tis) này, nêu bật các phẩm chất vốn làm cho một con người trở nên đáng tín nhiệm, đáng tin cậy trước mặt những người khác. Ba phẩm chất cuối cùng vừa nêu là hoàn toàn đối nghịch với những gì thuộc về xác thịt tính. Thần Khí tạo nên một thứ văn hóa đối nghịch, đảo ngược trật bậc các giá trị được coi là “hợp lẽ chính trị”; và qua những kitô hữu có lối sống đích thực “thiêng liêng”, Thần Khí lên án thế gian, như lời Đức Giêsu đã tuyên bố: Đấng Bảo Trợ “sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử” (Ga 16:8). Nếu quả đúng là “xem quả thì biết cây” (Lc 6:44), tất sự hiện diện của những kitô hữu nhu thế sẽ trở thành một lời kết án xã hội chung quanh (x. Kn 2:14tt), và vì lẽ đó, thánh Gio­an mới lưu ý đến lời căn dặncủa Đức Kitô: “Anh em đừng ngạc nhiên nếu thế gian ghét anh em” (1Ga 3:13). Chúa Thánh Thần hằng biến đổi các tín hữu làmcho họ trở nên giống Đức Kitô (x. Ga 15:18tt), và Đức Giêsu cũng đã mời gọi các môn đệ học theo gương Người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt 11:29).

 

Chúa Thánh Thần và các nhân đức

Hạ xuống khỏi những gì thuần siêu nhiên, ở đây, thiên khảo luận sẽ đáp xuống ranh giới giữa địa hạt tự nhiên và cảnh vực siêu nhiên. Nhân đức biểu thị tình trạng siêu quần và ngay chính của lương tâm, hoặc nói theo ngôn ngữ của các nhà đạo đức học và các nhà thần học luân lý thì nhân đức nói lên việc một tập tính được bổ trợ dư đầy vào một tài năng sẵn có của linh hồn, và khơi lên nơi tài năng đó một tình trạng sẵn sàng để thực thi những hành động phù hợp với bản chất lý tính của con người. Nhờ gia công luyện tập, con người có thể thủ đắc được các nhân đức; việc huấn luyện lý trí và ý chí giúp con người hình thành nên các thói quen, hay tập tính, và nhờ đó, làm cho các thái độ và hành động – vốn gây nhiều khó dễ xưa nay – trở nên dễ dàng hơn. Người có nhân đức luôn có khả năng thực hành điều thiện luân lý một cách tự do và hoan hỷ.

Các hành vi đạo đức của con người có thể mang tính cách thuần túy tự nhiên hay không: đó không còn là một tranh điểm nữa; thứ hiện sinh thể siêu nhiên hiện diện trong tín hữu điều chỉnh mọi hành vi cho phù hợp với ân sủng, và Chúa Thánh Thần như ngọn gió hằng thổi chung quanh nó. Cáchành vi đạo đức có khuynh hướng luôn nhắm về Thiên Chúa. Bản tính con người đã chịu tổn thương do tội, và vì thế, sức hút của sự dữ sẽ trở nên mạnh mẽ, lôi kéo con người nhắm đến những quyết định xem chừng dễ dàng và quyến rũ hơn. Dù lãnh nhận được rất nhiều đặc sủng, am tường thấu hiểu nhiều điều bí ẩn, nhưng thánh Phaolô cũng đã sống qua kinh nghiệm ấy: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm… Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giảithoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Ki­tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7:15-25). Tình trạng cam go ấy – các bậc thầy đời sống thiêng liêng gọi là “cuộc chiến thiêng liêng” –có vẻ như là con đường chính mà trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, hết thảy những ai mang xác phàm đều phải đi qua. Dù phải thừa nhận là có một số ngoại lệ giữa nhiều vị Thánh, nhưng xét cho cùng, các vị Thánh ấy cũng chỉ thuộc một thiểu số ngoại lệ mà thôi. Ở đây, có thể trưng ra một thí dụ khác nơi thánh Phaolô để xác nhận rõ hơn về điều này: trải qua nỗi khổ do “thủ hạ của Xatan”, ngài đã cầu nguyện để được giải thoát khỏi tình trạng ấy, nhưng “đã ba lần tôi xin Chúa giải thoát tôi khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối’” (2Cr 12:8-9). Là Đấng Tạo dựng nên con người và biết mọi sự sẽ vận hành theo cách nào, Thiên Chúa thấy rằng việc con người phải chiến đấu để đẩy lùi những yếu đuối thì tốt hơn là việc có được sức mạnh cách nhưng không. Người không để tín hữu phải đơn độc chiến đấu, vì ân sủng của Người – Thần Khí của Người – hằng dư tràn trên tín hữu suốt trong cuộc lữ hành dương thế.

Bốn nhân đức: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ được gọi là “cột trụ” (tiếng Latinh =cardo), vì chúng là nền móng của đời sống luân lý. Thế thì, đâu là mối liên hệ giữa bốn nhân đức này (và những nhân đức khác) với các ân huệ của Thần Khí? Về nguyên tắc, các ân huệ không làm suy yếu, nhưng kiện toàn các nhân đức. Nơi một người kitô, các nhân đức không tồn tại cách đơn độc; ân sủng luôn hiện diện trong tâm hồn người có nhân đức. Các ân huệ thắp lên ánh sáng lý trí, củng cố khả năng nhận thức, và giúp cho có một nhãn quan khác lạ: nhãn quan theo Thần Khí. Những quyết định con người đưa ra thường phải chịu nhiều tác động khác nhau (tính tình, áp lực xã hội, kiến thức giới hạn, v.v.); Thần Khí ban dư tràn ân huệ, tiếp thêm sức mạnh cho ý chí, đặc biệt trong những trường hợp vì quá thận trọng, con người không dám ra tay hành động. Thần Khí và chủ thể con người không phải là hai nguyên khởi của hành vi: con người mang lấy hoàn toàn trách nhiệm, còn Thần Khí thì vót bén những tài năng của chủ thể con người từ bên trong.

 

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần

Sau khi đã dồn tâm xem xét không biết bao nhiêu điều thiện hảo Thần Khí ban cho, thiết tưởng cũng nên để ý nhìn lại cung cách đáp trả của con người, một kiểu đáp trả – cách chung – rất là đáng trách. Đức Giêsu đã nhắc về tội nói phạm đến Thánh Thần, là loại tội sẽ không được tha cả ở đời này lẫn trong đời sau (x. Mt 12:31-32; Dt 6:4-6). Truyền thống tu đức đã nêu đích danh một số tội thuộc loại này, đó là: ngã lòng trông cậy vào Thiên Chúa nhân từ; thái độ kiêu căng, ngạo mạn, cho rằng tự bản thân, con người có thể đạt đến ơn cứu độ mà không cần đến ân sủng Thiên Chúa; có khả năng hiểu biết chân lý, nhưng lại không thi hành chân lý vì những tư lợi cá nhân; thái độ đố kỵ đối với những ân huệ thiêng liêng mà người khác nhận được; thái độ ngoan cố, quyết sống lì trong tội, không thống hối thật lòng; thái độ bất hối trong giờ lâm tử.[66]

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đưa ra một định nghĩa như sau: “Tội lộng ngôn vi phạm trực tiếp điều răn thứ hai. Lộng ngôn là xúc phạm đến Thiên Chúa – trong lòng hay ngoài môi miệng – bằng những lời hận thù, than trách, thách thức; là nói xấu Thiên Chúa, bất kính trong lời nói, và lạm dụng Danh Thánh Thiên Chúa…” (số 2148). Dạng tội này có thể xuất hiện dưới các hình thức như là: có thái độ hoặc hành động bất kính đối với Thiên Chúa, nguyền rủa Thiên Chúa, cố ý coi khinh những điều có liên quan đến Thiên Chúa, quy gán một số điều xấu xa cho Thiên Chúa, hoặc phủ nhận một số phẩm tính tốt đẹp vốn phải được quy gán cho Người. Đức Gioan Phaolô II viết như sau: “Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần thực sự cốt ở thái độ triệt để khước từ ơn tha thứ mà Người ưu ái bancho, bao hàm cả thái độ không chịu đón nhận việc hoán cải đích thực mà Người xướng lên trong lương tâm… Đó là dạng tội mà khi phạm, người ta vỗ ngực tuyên bố rằng mình có “quyền” tiếp tục ở lại trong sự dữ – trong bất kỳ một tội lỗi nào – và do đó, cự tuyệt ơn cứu độ. Khép lòng mình lại trong tội, là người ta tự cắt đường hoán cải và, do vậy, không lãnh nhận được ơn tha tội, thứ ơn mà họ coi là không cần thiết và cũng chẳng quan trọng đối với cuộc đời họ…”[67] Tội này cốt ở việc người ta coi (tin) cái xấu là tốt và cái tốt là xấu (x. Is 5:20), tức là ở việc đảo ngược tiêu chuẩn luân lý. Bất cứ ai phạm đến Thánh Thần, đều tự đặt mình ra ngoài vòng ơn tha thứ. Nói như vậy là đúng, bởi vì Chúa Thánh Thần là chính tác nhân của cuộc mạc khải về chân lý thần linh (x. 2Sm 23:2; Ga 15:26; 16:13; Ep 6:17; 2Pr 1:21). Chỉ nhờ tác động của Thần Khí, tín hữu mới có thể hiểu biết Thiên Chúa, nhận tội mình phạm, lãnh ơn cứu chuộc Đức Kitô ban, và thấy được nhu cầu phải hoán cải, thống hối và tuân phục. Sở dĩ tội phạm đến Thần Khí không thể được tha, là bởi vì nó bắt nguồn từ một thái độ cố tình phạm tội, một cõi lòng cố chấp, và một ý chí khước từ những điều phải nhận, phải tin, tức từ chối ơn tha thứ.

Nếu “mặt sáng” của nội dung giáo lý về Thần Khí đã tỏ ra rất đỗi bí nhiệm, thì ắt “mặt tối” của nó – tức tội lỗi hay thái độ khước từ ánh sáng ấy – còn bí nhiệm hơn thế nhiều. Phạm tội thông thường, người ta khép kín mắt trước ánh sáng, nhưng rồi cũng có thể mở mắt ra trở lại; còn khi phạm loại tội chống lại Thánh Thần, người ta tự móc đôi mắt mình đi… Mất ý thức về tội, thì hoặc cá nhân, hoặc cả một nền “văn hóa”, tự đặt mình vào tình trạng không thể nhận được ơn tha thứ. Bình luận văn đoạn Mt 13:43tt, John Mc­Intyre có viết như sau: “Tình trạng trống rỗng của tâm hồn và của xã hội – do việc Thần Khí vô biên của Thiên Chúa bị đặt ra ngoài vòng ảnh hưởng – càng sâu rộng bao nhiêu, thì mức độ xâm nhập của các thần lực thù địch với Thiên Chúa hằng sống càng nhiều thêm bấy nhiêu…”[68] Khi đó, con người chỉ còn biết hy vọng một điều duy nhất là phép lạ đến từ Thiên Chúa…

[1] Thánh Atanaxiô, De Incarnatione et Contra Arianos, 8.

[2] Một câu châm ngôn thời danh của Ambrosiaster: Omne verum, a quocumque dicatur, est a Spiritu Sancto [điều chân thật dù được ai nói lên, thì cũng đều do từ Chúa Thánh Linh] được thánh Tôma Aquinô trưng dẫn trong Tổng Luận Thần Học, I-IIæ, 109.1 ad 1, và thường được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại, đặc biệt là trong Thông điệp Fides et ratio, số 44.

[3] Cho đến thời gian gần đây, hầu hết các thần học gia đều chấp nhận ý niệm cho rằng chúng ta là con cái của “Thiên Chúa”, tức của Ba Ngôi, căn cứ trên nguyên lý này là mọi hoạt động hướng ngoại (ad extra) của Thiên Chúa đều là công tác chung của cả Ba Ngôi; đó là quan điểm của thánh Tôma Aquinô, in III, q. 23, a. 2. Xem F. Marinelli, Personalismo trinitario nella sto­ria della sal­vez­za, Roma-Paris, 1969.

[4] Sách Giáo lý của Công đồng Trentô, phần 4, chương 7, số 5.

[5] Thông điệp Divinum illud, (1897) số. 9.

[6] Letter to the Ephesians 9.2; 4.2; Lett. to the Magnesians 14.1.

[7] Biện Giáo I, 10.2.

[8] Tổng Luận Thần Học, I, q.43 a.3.

[9] Xem P. Galtier, L’habitation en nous des trois Personnes, Rome2 1950, tr. 214.

[10] A. Michel, thuật ngữ “Trinité” trong Dict.Théol.Cath. vol. 15, col. 1850-1851.

[11] Xem thuật ngữ “Divinisation” trong Dictionnaire de Spiritualité, Vol 3, 1956, 1370-1459; Jules Gross, The Divinization of the Christian according to the Greek Fathers, Anaheim: A&C Press, 2002 (nguyên bản bằng tiếng Pháp, 1938).

[12] De Incarnatione Verbi, 54, PG 25.192b; xem Treaty against the Arians, trong PG 26. 296ab.

[13] Letters to Serapion, I, 24, PG 26, 585bc.

[14] De Trinitate, 7, PG 75,1089cd.

[15] Centuria theologica II, 86-88, PG 90,1165-1168.

[16] Xem P. Tillich, L’existence et le Christ. Théologie systématique, III, Lausan­ne, 1980, tr. 208.

[17] Thuật ngữ này, được vay mượn từ Martin Heidegger (1889-1976), có ý nghĩa chỉ về một tình trạng được coi như điều kiện tiên quyết cho việc thực thi khả năng tự do. Một thí dụ điển hình có thể kể ra đây là nguyên tội, vốn dĩ có sức tác động trên mọi hành động của con người. “Hiện sinh thể siêu nhiên” là điều ngược lại, là tác động của ân sủng trước cả khi nó được đón nhận qua một quyết định tự do, giống như một tình trạng mở lòng ra trước Thiên Chúa.

[18] K. Rahner, Foundations of Christian Faith, New York: Crossroad, 1984, IV, tt. 116-133, tr. 121.

[19] Dạng thần học về các Ân huệ, xem: Dictionnaire de Spiritualité, III, 1579-1641, một số tác giả.

[20] Xem Is 11:2-3 với bảy “ân huệ”; 1Cr 12 và chín “đặc sủng”; Gl 5:22-23 với chín “hoa quả”.

[21] Các bản văn khác có thể trưng ra, với tính cách hầu như là thích hợp, là: các bản văn Cựu Ước: St 41:38; Xh 31:3; Ds 24:2; Đnl 34:9; Tl 6:34; Tv 31:8; 32:9; 118:120; 142:10; Kn 7:28; 9:17; 10:10; Hc 15:5; Is 11:2; 6:1; Mk 3:8. Các bản văn Tân Ước: Lc 12:12; 24:25; Ga 3:8; 14:17 và 26; Cv 2:2; Rm 8:14 và 26; 1Cr 2:10; 12:18; Kh 3:1; 4:5; 5:6.

[22] Đôi khi, người ta cho rằng bảy ân huệ được ban cho hết thảy mọi người qua phép rửa tội; tuy nhiên, nếu quan niệm như thế thì xem ra bảy ân huệ đó chẳng còn mang lấy một tính cách đặc biệt nào nữa cả; và dù gì thì cũng phải nhận là không phải hết thảy mọi kitô hữu đều được khôn ngoan hay đạo đức… Một bản văn cổ điển (có thể trưng ở đây) là của thánh Ambrôxiô viết trong De mysteriis: “Hãy lưu tâm ghi nhớ rằng anh em đã được lãnh nhận ấn tín thiêng liêng; đó là thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, thần trí dạy cho biết kính sợ Thiên Chúa. Hãy ra sức gìn giữ gì những gì anh em đã lãnh nhận. Chúa Cha đã đóng ấn tín của Người trên anh em. Chúa Kitô đã củng cố anh em và đặt Thần Khí vào lòng anh em như là bảo chứng” (7, 42).

[23] Tổng Luận Thần Học, I-II, q. 68 a. 4.

[24] Marie-Dominique Poinsenet, O.P., Les sept voiles de mon bateau, Paris, DDB 1991; Thomas Keating, OCSO, Fruits and Gifts of the Spirit,  Lantern Books, 2000.

[25] Xem Migne PL, 75, tt. 592-593.

[26] Xem Peter John Cameron, O.P., The Gifts of the Holy Spirit according to St. Thomas Aquinas, Catholic Information Service, 2002.

[27] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Dạng hối tội ‘cách thường/ bất toàn’ (hoặc ‘úy hối’) cũng được coi là một ân huệ của Thiên Chúa, một tác động thôi thúc của Chúa Thánh Thần. Nó xuất phát từ việc tội nhân nhận thấy tính cách xấu xa của tội hoặc từ nỗi khiếp sợ trước hình khổ trầm luân cùng những hình phạt khác mà tội nhân phải gánh chịu (hối tội vì sợ). Năng lực tác động của ân sủng trên lương tâm có thể giúp tạo đà cho một tiến trình biến chuyển nội tâm vốn dĩ sẽ được đưa đến chỗ hoàn tất nơi bí tích giải tội. Tuy nhiên, tự bản chất, dạng hối tội cách bất toàn này không đủ sức mang lại ơn tha thứ đối với các tội trọng, nhưng giúp tội nhân sửa soạn tâm hồn hầu có thể đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Hòa Giải.” (số 1453).

[28] Otto Rudolf đã đặt ra thuật ngữ này để biểu trình “thực tại siêu nhiên” hoặc thực tại “hoàn toàn khác hẳn” vốn dĩ là nét đặc trưng của mọi dạng loại thờ phượng; có thể đọc thấy qua cuốn The Idea of the Holy (1923) của ông.

[29] Tổng Luận Thần Học, II-II, q. 121.

[30] Kinh Tiền Tụng Chung IV, Sách Lễ Rôma.

[31] Các việc từ thiện đối với xác (tức, “Thương xác bảy mối”) là:

Cho kẻ đói ăn;

Cho kẻ khát uống;

Cho kẻ rách rưới ăn mặc;

Cho khách đỗ nhà;

Viếng kẻ liệt, cùng kẻ tù rạc;

Chuộc kẻ làm tôi;

Chôn xác kẻ chết.

Các việc từ thiện đối với hồn (tức, “Thương linh hồn bảy mối”) là:

Lấy lời lành mà khuyên người;

Mở dạy kẻ mê muội;

An ủi kẻ âu lo;

Răn bảo kẻ có tội;

Tha kẻ dễ ta;

Nhịn kẻ mất lòng ta;

Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

 

[32] Louis Lallemant, Spiritual Doctrine IV. 4.5.

[33] Protreptic, ch. 9.

[34] Thánh Bônaventura, Conferences on the Seven Gifts of the Holy Spirit, Conference III, số 17. Thánh Gioan Thánh Giá cũng nối kết ơn sùng hiếu với ơn minh luận, trong kinh nghiệm xuất thần: Stanzas concerning an ecstasy experienced in high contemplation: 2. “Ơn minh luận hoàn hảo ấy/ là do bình an và sùng hiếu/cầm như không cách biệt/trong nơi tĩnh mịch thâm sâu;/đó là điều thầm kín đến độ/tôi đã phải ‘cà lăm’,/vượt quá mọi hiểu biết.”  Xin xem dưới đây kinh nghiệm thánh Inhã Loyola sống qua ở Manresa.

[35] Xem Cartas y escritos de san Francisco Javier, Madrid: BAC 101, bức thư số 55 (1546).

[36] Cuộc đời tự thuật, 83 v.

[37] Thánh Tôma nói rằng, “Chính trong cuộc đời này, khi đôi mắt thiêng liêng được ơn thâm hiểu thanh luyện, thì một người có thể nhìn thấy được Thiên Chúa theo một cách thức chắc chắn nào đó”, TLTH 2-2, q. 69, a. 2, ad. 3.

[38] Cuộc đời tự thuật, số 30.

[39] VII Moradas 1,7-8.

[40] Chỉ xin ghi lại đây một trang viết của thánh Âugutinô: “Thế nên, con người thánh thiện ấy [người đã  nhận được ơn Thâm hiểu] sẽ là người đặc biệt và có tâm hồn trong trắng đến độ sẽ không bước ra ngoài con đường sự thật hoặc là để làm vửa lòng người ta hoặc là để tránh những phiền toái cuộc sống gặp phải. Một người như thế thì đang tiến dần lên mức khôn ngoan, là bước thứ bảy và là bước cuối cùng, và vui hưởng tình trạng ấy trong an bình và yên hàn. Bởi lòng kính sợ Thiên Chúa là bước đầu của khôn ngoan. Rồi từ bước đầu ấy, chúng ta tiền dần đến chình đức khôn ngoan; và bây giờ, con đường từng bước ấy sẽ được miêu trình.” De Doctrina Christiana, II.7. Theo bước thánh Âugutinô, Đức Grêgôriô Cả nghĩ ra một chiếc thang thiêng liêng: “Qua lòng kính sợ Đức Chúa, chúng ta bước lên tới ơn sùng hiếu, rồi từ lòng sùng hiếu đến ơn minh luận, từ ơn minh luận đến ơn dũng lực, từ ơn dũng lực tới ơn chỉ giáo, từ ơn chỉ giáo đến ơn thậm hiểu, và với ơn thâm hiểu tiến tới ơn khôn ngoan, và như thế, qua 7 ân huệ của Thần Khí, ở bậc thang cuối cùng sẽ mở ra cho chúng ta lối vào cõi sống Thiên quốc” (Homiliae in Hezechielem Prophetam, II 7,7).

[41] Bonnard, P.E. La Sagesse en Personne. Lectio divina 44. Paris: Editions du Cerf, 1966; Feuillet, André, Le Christ sagesse de Dieu, D’Après les épitres Pauliniennes. Gabalda, 1966; Johnson, E.A. “Jesus, the Wisdom of God” trong Ephemerides Theologicae Lovanienses, 61, Dec. 1985, tt. 261-294.

[42] Keane, Helen. Knowledge by Connaturality in St. Thomas Aquinas. Marquette University Dissertation, 1966; Biffi, Inos. “ll guiduzio “per quandam connaturalitatem” o “per modum inclinationis” secondo San Tommasso: Ana­lisi e Prospettive” trong Rivista di filosofia neoscolastica, Aprile-Dicembre 1974.

[43] Thánh Tôma Aquinô giải thích: “Bởi ‘khôn ngoan’ [sapiens], như Isidore (Etym. x) nói, ‘được gọi như thế do từ sapor, tức hương vị, bởi vì như vị giác chóng phân biệt giữa các hương vị của các loại thịt khác nhau,’ thì người khôn ngoan cũng có khả năng phân định giữa các sự vật và các nguyên do khác nhau.” Summa 2-2, q. 46.

[44] 2-2, q 45, a.2.

[45] Xem Llama de amor viva, 4.

[46] 2-2, q 45, a3, ad 3.

[47] Ibid. q 46. a2.

[48] The American Heritage Dictionary of the English Language, Houghton Mifflin Company, 2004.

[49] Có thể xem: Christian Duquoc and Casiano Floristán, eds., Charisms in the Church, Seabury, New York, 1978;  Leo Cardinal Sue­nens, “The Charismatic Dimension of the Church”, Council Speeches of Vatican II, eds. Hans Küng, et al., Paulist Press, Glen Rock, 1964, 29 – 34; Karl Rahner, The Dynamic Element in the Church (Quaestiones Dis­pu­tatae, 12), Herder and Herder, New York, 1964; The Pentecostal Movement in the Catholic Church, Notre Dame, Indiana: Ave Maria Press, 1971; Kilian McDonnell, ed., Presence, Power, Prase: Documents on the Charismatic Renewal, The Liturgical Press, Collegeville, 3 vols., 1980; Mark J. Cartledge, Encountering the Spirit. The Charismatic Tradition, Orbis Books, 2007.

[50] G.O’Colins & E.G. Farrugia, A Concise Dictionary of Theology, Pau­­list Press, 1991.

[51] Paul Kariuki Njiru, Charisms and the Holy Spirit’s activity in the body of Christ. An Exegetical-Theological Study of 1Cor 12,4-11 and Rom 12,6-8, Roma: Gregorian University, 2002.

[52] Christifideles laici (n.24).

[53] Đối thoại với Triphô, 82.

[54] Chống Lạc giáo,  II, 4.

[55] Bàn về Phép Rửa 20.

[56] Các bài Huấn giáo, 18:32.

[57] Cũng nên lưu ý là dù được tràn đầy Thần Khí, Đức Giêsu vẫn không cho thấy một dấu hiệu xuất thần nào, bởi Thần Khí là của Người và hoạt động từ trong Người, trong khi đó, các người khác thì nhận đuợc Thần Khí từ bên ngoài. Trong Đức Giêsu, hoạt động của Thần Khí là ‘tự nhiên’, nhưng nơi người khác, thì hoạt động đó phải san bằng các rào cản và vượt qua các giới hạn của bản tính.

[58] De Trinitate, XII. 14; XIV.1.3

[59] Super Sententiis, lib. 3 d. 36 q. 1 a. 3 ad 1.

[60] Nhiều tác giả đã viết về phân định thần loại, như các giáo phụ (chẳng hạn bài ngỏ lời của thánh Antôn với các đan sĩ Ai cập, ghi lại trong cuốn tiểu sử của ngài do thánh Athanaxiô viết, hoặc cuốn De perfectione spirituali [ch. 30-33] của Marcus Diadochus), hay như các tác phẩm viết thời Trung cổ (bài giảng XXIII trong cuốn De discretione spirituum của thánh Bênađô; cuốn sách De diversis diaboli tentationibus củaGerson), hoặc trong thời hiện đại (bất cứ bài khảo luận nào, viết về cuốn Linh Thao của thánh Inhã Loyola, chẳng hạn: Timothy Gallagher, Discernment of Spirits: The Ignatian Guide for Everyday Living, Crossroad Pub Co, 2005; xin cũng xem “Discernment of the spirit and of spirits”, Concilium, 1979.

[61] Super I Epistolam B. Pauli ad Corinthios lectura, cap. 11.10.

[62] Tổng Luận Thần Học, 2-2, q. 178 a. 1.

[63] Tổng Luận Thần Học, Iª-IIae q. 111 a. 4 ad 2.

[64] Xem Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, các số 2558-2567.

[65] Ugolino Verino, Epigrammata, Liber III, số 18.

[66] Đôi khi, người ta nhắc đến 7 tội phạm đến Thần Khí: 1) lừa dối Người (Cv 5:3, 4); 2) nhục mạ Người: “Anh em thử nghĩ xem… kẻ nhục mạ Thần Khí ban ân sủng… còn đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy?” (Dt 10:29); 3) nói phạm đến Người (Mt 12:24-32; Lc 12:10; Mc 3:29); 4) làm phiền lòng Người (Ep 4:30; Is 63:10); 5) dập tắt Người (1Tx 5:19); 6) chống đối Người (Cv 7:51; Kh 22:17); 7) không tin Người (Ga 3:6, 14:26, 15:26, 16:7-15).

[67] Thông điệp Chúa và là Đấng ban Sự sống, số 46; xem các số 46-48.

[68] John McIntyre, The Shape of Pneumatology, T&T Edinburgh, 1997, tr. 73.