Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
Lm. Jude Siciliano, OP.
Kính thưa quý vị,
Quý vị có để ý thấy các Chúa Nhật sau Phục sinh, các bài đọc I được trích từ sách Công vụ hay không? Các Chúa Nhật này giúp chúng ta chuẩn bị đón lễ Hiện Xuống bằng việc thay những bài đọc thư Hípri bằng những bài trích từ sách Công vụ tông đồ. Bản văn Công vụ tông đồ là một trình thuật về những hành động của Thánh Thần giữa các Kitô hữu tiên khởi. Thứ tự của các bài đọc dường như hơi rối, vì chúng ta đọc về sức mạnh và công trình của Thánh Thần trong Giáo hội sơ khai trước, sau đó chúng ta mới cử hành lễ đại lễ Hiện Xuống, khi đó chúng ta mới được nghe lại việc Thánh Thần lần đầu tiên hiện xuống trên cộng đoàn (Cv 2,1-11). Những bài đọc sách thánh này cần chúng ta phải điều chỉnh một chút về trật tự thời gian theo kiểu của chúng ta.
Một trong những bất tiện của việc chuyển qua đọc Công vụ tông đồ trong mùa Phục sinh là việc này làm tách biệt hành động liên tục của Thiên Chúa xuyên suốt Cựu Ước, khỏi sự phục sinh và những hành động của Thiên Chúa trong Tân Ước. Một hậu quả không hay khác là việc bỏ qua bài đọc thư Hípri có thể gây hiểu lầm rằng công trình của Thánh Thần trong Tân Ước chỉ là sự cải thiện những cuộc thần hiện của Thánh Thần trong Cựu Ước. Hay nói cách khác, điều này cho thấy rằng trước đây Thánh Thần đã bị treo lại một chỗ, chờ một cuộc tỏ hiện huy hoàng vào Lễ Hiện Xuống. Nhưng các bài đọc sách Hípri mà chúng ta nghe trong suốt năm phụng vụ, thậm chí là toàn thể Cựu Ước, cho thấy Thánh Thần đã hoàn toàn chủ động ngay từ những câu đầu tiên của sách Sáng Thế trong công trình tạo dựng, cho đến Tân Ước và mãi cho đến hôm nay. Vì thế, hãy chú tâm đến bài Tin mừng hôm nay.
Khi khách đến nhà, chúng ta dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Sắp xếp đồ vật gọn gẽ; hút bụi và lau chùi; rửa hết chén đĩa còn ngâm trong bồn; thậm chí còn chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn và đón tiếp đặc biệt. Chúng ta dọn dẹp ngăn nắp vì khách sắp đến nhà. Nhưng đón tiếp Đấng Bào Chữa mà Đức Giêsu đã hứa “Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy” thì ngược lại. Đấng Bào Chữa, một danh xưng dành cho Chúa Thánh Thần, lấy từ thuật ngữ pháp luật để sử dụng với nghĩa là “một người được gọi đến bên cạnh”. Đó chính là người có thanh danh tốt được mời đến biện hộ cho một người đang bị xét xử, làm nhân chứng hoặc làm người thay mặt phạm nhân xin với tòa, đặc biệt trong trường hợp phạm nhân sắp lãnh án tử hình.
Vì thế, Đấng Bào Chữa hoàn toàn đứng về phía chúng ta và được sai đến để trợ giúp chúng ta. Nếu nói theo kiểu gia đình thì Đấng Bào Chữa đến “để làm cho mọi sự được ngăn nắp”. Đó chẳng phải là một vị khách bất thường sao? Nỗ lực của Đấng Bào Chữa và của chúng ta trộn lẫn vào nhau. Chúng ta nỗ lực kiên trì cầu nguyện, giữ vững đức tin, tự đứng dây sau những vấp ngã – cảm thấy tất cả là do bản thân mình nỗ lực. Nhưng thực ra, đó là sự khéo léo phối hợp cách tài tình của Thánh Thần để giúp ta trở nên môn đệ của Đức Kitô.
Chúa Thánh Thần không thoạt đến thoạt đi khỏi cuộc đời chúng ta như kiểu một vị khách đột xuất. Nhưng, Thánh Thần không ngừng tìm cách thúc đẩy chúng ta để luôn có một con tim và ý muốn sẵn sàng đáp lại những gì Đức Giêsu muốn ta làm cho thế giới này. Khi ta không thể đáp lại bằng sức riêng của mình, thì Thánh Thần luôn bên cạnh để hướng dẫn và ban cho ta sức sống mới. Đời sống Kitô hữu thật khó để mà nèo lái trong thế giới hiện đại này. Khi chúng ta trượt ngã thì có Thánh Thần nâng ta dậy, xóa sạch bùn nhơ và tiếp tục giúp ta kiến tạo cuộc đời mới – giống như một vị khách tuyệt vời và luôn giúp đỡ.
Những ai đã dự lễ Chúa Nhật và cầu nguyện lâu năm sẽ dễ dàng nhận ra tất cả dường như đã trở thành sự lặp đi lặp lại. Trong suốt những giai đoạn ấy, Chúa Thánh Thần “đứng bên cạnh ta” để biến những câu từ thô kệch trở thành những lời nguyện đích thực, thậm chí cả khi chúng ta thấy mình chẳng biết cách cầu nguyện (Rm 8,26-27). Đức Giêsu đã thực hiện lời Người hứa. Chúa Cha đã gửi cho chúng ta Thánh Thần nhân danh Đức Giêsu. Không phải một Thánh Thần thụ động, chỉ ngồi chờ chúng ta cầu nguyện rồi chuyển lời, nhưng là một Thánh Thần “làm cho chúng ta nhớ lại” tất cả những gì Đức Giêsu đã dạy và giúp ta biết cầu nguyện.
Việc nhắc nhở này không chỉ được thực hiện bằng cách ban cho chúng ta một trí nhớ tốt. Có hai giai đoạn thời gian trong diễn từ của Đức Giêsu: thời hiện tại, khi Người nói với các môn đệ của mình trong “Diễn Từ Cuối Cùng” tại bữa Tiệc Ly. Người sẽ sớm rời khỏi các ông. Người cũng nói đến thời gian thứ hai: thời tương lai khi mà Người không còn ở với các ông nữa. Nhưng họ sẽ không bị bỏ rơi, mà ngược lại, Thiên Chúa Cha sẽ sai Đấng Bào Chữa, Thánh Thần đến để đồng hành với các ông. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Thánh Thần sẽ đợi các ông ở cuối hành trình, chào đón các ông trở về nhà sau khi đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Nhưng các ông sẽ được Thánh Thần ở cùng trong suốt cuộc đời.
Trong lúc Đức Giêsu nói với các môn đệ khi các ngài đang dùng bữa thì lúc ấy các ông vẫn chưa hiểu ý Người mong muốn các ông làm gì. Cụ thể, Phêrô phản đối ngay từ đầu việc Đức Giêsu rửa chân cho ông. Liệu chúng ta có thể hiểu nổi việc rửa chân đòi hỏi chúng ta điều gì, thậm chí sau ngần ấy thế kỷ trôi qua? ĐGH Phanxicô nhắc nhở chúng ta trong ngày Thứ Năm tuần thánh khi ngài cúi xuống rửa và hôn chân các bạn trẻ trong trung tâm cai nghiện ma túy. Nhưng, liệu chúng ta nhớ được bao lâu.
Những Kitô hữu như chúng ta không biết trong tương lai sẽ còn phải đối diện với những thử thách gì, cả phương diện cá nhân lẫn Giáo hội. Chúng ta sẽ chuẩn bị gì cho những vấn đề có thể xảy đến tình cờ, và đòi ta phải can đảm cũng như khôn ngoan sáng suốt? Chúng ta không thể tìm thấy bất kỳ trang web hay quyển sách nào có thể đưa ra một chỉ dẫn hay cau trả lời thích hợp. Dù nhiều người ở đây có thể đã học thần học, hoặc đã có những chứng chỉ về giáo lý, nhưng khi đụng phải bức tường ngăn lối, thường chúng ta vẫn thấy lúng túng, lo lắng và bối rối.
Đó chính là điều mà Đức Giêsu nói cho chúng ta biết về công việc của Thánh Thần – nhắc nhớ – như người mẹ yêu mến đặt tay lên vai đứa con để nhắc nhở: “nhớ rửa tay, rửa mặt và đáng răng trước khi đi ngủ nhé”. Nhưng người mẹ biết quá rõ về con mình. Đứa trẻ còn phải học nhiều để biết cách giữ vệ sinh, thế nên bà cùng với con đi ra chỗ bồn rửa, và một lần nữa, chỉ cho đứa trẻ biết phải rửa mặt ra sao. Rồi bà tự nói với mình “một ngày nào đó”…
Thánh Thần sẽ tiếp tục công trình của Đức Giêsu bằng cách nhắc chúng ta nhớ những điều Đức Kitô đã dạy: đừng ích kỷ một mình, nhưng hãy làm việc và chia sẻ với cộng đoàn; không chỉ chăm chú mỗi mục đích của mình nhưng hãy nhìn ra nhu cầu của tha nhân; bỏ qua thù hận và hãy tha thứ; vượt qua nỗi sợ hãi để thực hiện hành động anh hùng qua việc tự hiến. Trong những lời của Đức Giêsu: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.
Thánh Thần không phải là cái máy tự động đưa ra những giải đáp cho các vấn nạn hay các bài kiểm tra trên trường. (Tôi thi trượt môn vật lý trong năm đầu sau khi đã cầu xin Thánh Thần ban “ơn khôn ngoan và hiểu biết). Nhưng Đức Giêsu hứa rằng trong những lúc gian nan thử thách, Đấng Bầu Chữa sẽ giúp chúng ta vượt qua những nghi ngại và làm chúng ta nhớ lại những lời Đức Giêsu đã dạy. Thánh Thần hiện diện với chúng ta trong “khoảng thời gian” từ sau khi Đức Giêsu đã lên trời và chúng ta đang mong chờ Người trở lại. Trong khi các môn đệ được Đức Giêsu hiện diện bằng sương bằng thịt, thì cũng thế, nay chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần hiện diện, nhắc nhở chúng ta về những giáo huấn của Đức Kitô cũng như giúp chúng ta sống những lời dạy ấy.
Trong ngày Lễ HIện Xuống chúng ta sẽ mừng kính điều chúng ta đã nhận được – như Đức Giêsu đã hứa – ân sủng của Thánh Thần. Hoặc, như đã nói ở trên, Lễ Hiện Xuống nhắc đến “vị khách bất thường” đã đến và ở lại với chúng ta. Không chỉ khoanh tay đứng nhìn hay thờ ơ nhìn xem chúng ta sẽ thực hiện ra sao, nhưng Người xắn tay cùng “làm việc nhà” – dọn dẹp cho tươm tất để xứng đáng là nơi cho Thiên Chúa hằng sống.
Anh Em Nhà Học Đa Minh Gò Vấp chuyển ngữ.