Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh (thế giới)

PHẦN I

QUY LUẬT
HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

Thánh bộ Tu sĩ và Tu hội đời
Prot. D. 37-1-78

SẮC LỆNH

Ngày 14 tháng 3 năm 1986, Bề trên Tổng quyền Dòng Giảng Thuyết, qua vị Tổng quản, đã đệ trình Thánh bộ Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh để được phê chuẩn dứt khoát.

Sau khi xem xét kỹ lưỡng và các thành viên bỏ phiếu tán thành, Thánh bộ ban hành sắc lệnh này châu phê Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, theo bản La ngữ, cùng với những sửa đổi được ghi ở tờ đính kèm; có bản lưu tại công hàm Thánh bộ.

Bất chấp những điều trái ngược.

Ban hành tại Rôma, ngày 15 tháng 1 năm 1987.

Hồng y Jeronimus Hamer, O.P.
Tổng trưởng

TGM. Vincentius Fagiolo
Thư ký

Dòng Anh Em Giảng Thuyết
Trụ sở Trung ương
Prot. 50/86/87

VĂN THƯ CÔNG BỐ

bttq_byrne.jpgTU SĨ DAMIAN BYRNE, O.P.

Giáo sư Thần học, Bề trên Tổng quyền, Tôi tớ khiêm hạ của toàn thể Dòng Giảng Thuyết

Thân gửi

CÁC HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

Anh chị em rất thân mến trong Chúa và thánh phụ Đa Minh,

Tôi vui mừng gửi tới anh chị em bản Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh vừa mới được Thánh bộ Tu sĩ và Tu hội đời châu phê dứt khoát ngày 15 tháng 1 năm 1987.

Vì bản Quy luật trước đây do Bề trên Tổng quyền A. Fernandez công bố năm 1969, đã được Tòa thánh châu phê năm 1972, chỉ để thử nghiệm. Tổng hội tại Rôma năm 1983 đã ủy nhiệm cho Bề trên Tổng quyền tổ chức Đại hội Quốc tế cho Giáo dân Đa Minh để thích nghi và canh tân Quy luật Huynh đoàn Giáo dân. Đại hội được tổ chức tại Montréal, Canada từ ngày 24 đến 29 tháng 6 năm 1985 đã thành công tốt đẹp và soạn thảo Quy luật này, nay được châu phê dứt khoát.

Tôi ước mong Quy luật này trở thành như men Tin Mừng trong tâm hồn cũng như trong các huynh đoàn của anh chị em, để hun đúc sự thánh thiện và cổ võ việc tông đồ cùng với toàn thể Gia đình Đa Minh.

Chúc anh chị em an mạnh trong Chúa.

Ban hành tại Rôma ngày 28 tháng 1 năm 1987, lễ kính thánh Tôma Aquinô.

Tu sĩ Damian Byrne, O.P.
Bề trên Tổng Quyền

Tu sĩ J. Martin, O.P.
Thư ký

QUY LUẬT
HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH

I. Hiến pháp nền tảng của giáo dân Đa Minh

Giáo dân trong Hội thánh

  1. Trong số các môn đệ của Đức Kitô, những người nam và người nữ sống giữa đời, nhờ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, được tham dự vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Đức Kitô, Chúa chúng ta. Họ được kêu gọi để làm cho sự hiện diện của Chúa Kitô giữa lòng nhân loại trở nên sống động và “mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa.” (TĐGD 3)

Người giáo dân Đa Minh

  1. Một số giáo dân được Thánh Thần tác động sống theo tinh thần và đoàn sủng của thánh Đa Minh, được tháp nhập vào Dòng nhờ một cam kết đặc biệt theo luật sống riêng của họ

Gia đình Đa Minh

  1. Họ họp thành những cộng đoàn và cùng với các tập thể khác của Dòng làm nên một Gia đình. (x. SHC 141)

Đặc tính của người giáo dân Đa Minh

  1. Như vậy, họ biểu lộ đặc tính riêng của mình qua đời sống tâm linh, cũng như việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong Hội thánh.

Là thành viên được tháp nhập vào Dòng, họ tham gia vào sứ vụ tông đồ của Dòng bằng việc học hành, cầu nguyện và giảng thuyết theo hoàn cảnh riêng của người giáo dân.

Sứ vụ tông đồ

  1. Noi gương thánh Đa Minh, thánh Catarina Xiêna và các bậc tiền nhân của chúng ta đã từng làm rạng danh cho Dòng và cho Hội thánh; đồng thời được củng cố bằng mối dây hiệp thông huynh đệ, trước hết họ làm chứng cho đức tin, lắng nghe các nhu cầu của con người thời đại và dấn thân phục vụ chân lý.
  2. Họ lưu tâm đến những mục tiêu chính yếu của sứ vụ tông đồ hiện nay trong Hội thánh, đặc biệt là việc bày tỏ lòng thương cảm thực sự đối với tất cả những ai gặp khổ đau, bênh vực cho tự do, cổ võ công lý và hoà bình.
  3. Được đoàn sủng của Dòng khởi hứng, họ phải luôn nhớ mọi hoạt động tồng đồ đều phát xuất từ sự phong phú của đời sống chiêm niệm.

II. Đời sống Huynh đoàn

Đời sống huynh đệ

  1. Họ phải hết lòng hết sức sống sự hiệp thông huynh đệ đích thực trong mọi hoàn cảnh theo tinh thần của các mối phúc, bằng việc thực thi bác ái, chia sẻ những gì mình có cho anh chị em trong huynh đoàn, đặc biệt những anh chị em nghèo túng và yếu đau, cầu nguyện cho những anh chị em đã qua đời, để tất cả chỉ một lòng một ý trong Thiên Chúa. (Cv 4,32).
  2. Khi cộng tác vào việc tông đồ với các anh chị em trong Dòng, các đoàn viên huynh đoàn phải tích cực tham gia vào đời sống của Hội thánh, luôn sẵn sàng cộng tác với các đoàn thể tông đồ khác.
  3. Để hoàn thành ơn gọi riêng của mình, ơn gọi kết hợp vừa chiêm niệm vừa tông đồ, người giáo dân Đa Minh tìm thấy sức mạnh từ những nguồn mạch chính yếu sau đây :

a) Lắng nghe Lời Chúa và đọc Kinh Thánh, nhất là Tân Ước;

b) Cố gắng tham dự phụng vụ và Thánh lễ mỗi ngày;

c) Thường xuyên lãnh nhận bí tích Hoà giải;

d) Cử hành kinh nguyện phụng vụ với toàn thể Gia đình Đa Minh, và cầu nguyện riêng như suy gẫm và đọc kinh Mân côi;

e) Hoán cải tâm hồn theo tinh thần và thực hành của đức sám hối Tin Mừng;

f) Chuyên cần học hỏi chân lý mặc khải và luôn suy tư về những vấn đề thời đại dưới ánh sáng đức tin;

g) Tôn sùng Đức Trinh nữ Maria theo truyền thống của Dòng, kính mến cha thánh Đa Minh và thánh Catarina Xiêna;

h) Tĩnh tâm định kỳ.

Huấn luyện

11. Mục đích của việc huấn luyện Đa Minh là giúp các đoàn viên trưởng thành thực sự về đức tin, để họ có khả năng đón nhận, suy tôn và công bố Lời Chúa.

Mỗi tỉnh dòng phải trù liệu chương trình huấn luyện bao gồm :

a) Huấn luyện từng giai đoạn cho những thành viên mới gia nhập;

b) Huấn luyện thường xuyên cho mọi đoàn viên, kể cả những người sống biệt lập.

13. Mọi giáo dân Đa Minh phải được chuẩn bị để giảng thuyết Lời Chúa. Chính bằng việc giảng thuyết này, các Kitô hữu, những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy và được củng cố nhờ bí tích Thêm sức, thi hành chức vụ ngôn sứ của mình. Trong thế giới hôm nay, giảng thuyết Lời Chúa phải đặc biệt mở rộng đến việc bênh vực phẩm giá con người, sự sống và gia đình. Cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu và việc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo và vô thần cũng là một phần của ơn gọi Đa Minh.

14. Những nguồn mạch chính yếu để việc huấn luyện Đa Minh được hoàn thành là :

a) Lời Chúa và suy tư thần học;

b) Cầu nguyện phụng vụ;

c) Lịch sử và truyền thống của Dòng;

d) Những văn kiện mới của Hội thánh và của Dòng;

e) Hiểu biết những dấu chỉ thời đại.

Tuyên hứa

  1. Để được tháp nhập vào Dòng, các đoàn viên phải tuyên hứa sống theo tinh thần thánh Đa Minh và nếp sống Quy luật đã quy định. Việc tuyên hứa này là tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Phải dùng mẫu sau đây hoặc mẫu tương tự, để tuyên khấn :

Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, để tôn kính Đức Trinh nữ Maria và thánh phụ Đa Minh, trước sự hiện diện của anh (chị) đoàn trưởng……… và cha (tu sĩ) linh hướng………, thay mặt Bề trên Tổng quyền Dòng Anh Em Giảng Thuyết, tôi là…….., xin tuyên hứa tuân giữ Luật sống Giáo dân Đa Minh trong ba năm (hay đến trọn đời).

III. Tổ chức và điều hành huynh đoàn

  1. Huynh đoàn là phương tiện thích hợp để mỗi đoàn viên chăm lo bồi dưỡng và tăng trưởng ơn gọi của mình. Định kỳ hội họp tùy mỗi huynh đoàn xác định. Sự trung thành của phần tử được biểu lộ qua việc chuyên cần tham dự các buổi hội họp này.
  2. Việc thu nhận các ứng sinh phải tuân thủ theo các quy định của Quy chế về điều kiện và thời gian thu nhận. Nhiệm vụ này được trao cho người giáo dân phụ trách huynh đoàn (đoàn trưởng). Vị này, sau khi có phiếu quyết định của ban phục vụ huynh đoàn, sẽ cùng với vị linh hướng tiến hành việc thu nhận ứng sinh theo nghi thức đã được xác định trong Quy chế.
  3. Sau thời kỳ dự tuyển như quy định trong Quy chế và với phiếu chấp thuận của ban phục vụ huynh đoàn, đoàn trưởng sẽ cùng với vị linh hướng nhận lời tuyên hứa tạm hay vĩnh viễn của ứng sinh.

Quyền lãnh đạo của Dòng và sự tự lập của các huynh đoàn

  1. Các huynh đoàn giáo dân dưới quyền lãnh đạo của Dòng. Tuy nhiên, các huynh đoàn được hưởng quyền tự lập thích đáng cho giáo dân có thể tự điều hành.

Trong toàn Dòng

  1. a) Bề trên Tổng quyền, với tư cách là người kế vị thánh Đa Minh và là thủ lãnh của toàn thể Gia đình Đa Minh, lãnh đạo tất cả các huynh đoàn trên thế giới. Nhiệm vụ của người là gìn giữ tinh thần Dòng được trọn vẹn trong các huynh đoàn, ban hành những quy tắc thực hành phù hợp với nhu cầu của thời đại và nơi chốn, cổ võ những lợi ích thiêng liêng và lòng nhiệt thành tông đồ của các phần tử.

b) Vị tổng đặc trách là đại diện Bề trên Tổng quyền đối với tất cả các huynh đoàn, đồng thời đề đạt những nguyện vọng của họ lên Bề trên Tổng quyền và Tổng hội.

Trong Tỉnh dòng

  1. a) Bề trên Giám tỉnh lãnh đạo các huynh đoàn trong lãnh thổ tỉnh dòng, và thành lập các huynh đoàn mới, với sự đồng ý của Đấng bản quyền địa phương.

b) Vị đặc trách huynh đoàn tỉnh (nam hay nữ tu sĩ) đại diện Bề trên Giám tỉnh, và là thành viên của ban phục vụ huynh đoàn tỉnh với đầy đủ quyền hạn theo luật. Vị này được Tỉnh hội hoặc Bề trên Giám tỉnh chỉ định với sự đồng ý của ban cố vấn tỉnh dòng, sau khi đã tham khảo ý kiến của ban phục vụ huynh đoàn tỉnh.

c) Ban phục vụ huynh đoàn tỉnh được thành lập trong lãnh thổ tỉnh dòng. Các thành viên của ban do các huynh đoàn bầu chọn và việc điều hành tuân theo các quy tắc được xác định trong Quy chế. Ban phục vụ này sẽ bầu ra một vị đại diện cấp tỉnh.

Trong các huynh đoàn

  1. a) Tại mỗi huynh đoàn địa phương, đoàn trưởng cùng với ban phục vụ huynh đoàn chịu trách nhiệm điều hành và quản trị huynh đoàn.

b) Ban phục vụ được bầu chọn với nhiệm kỳ rõ ràng và theo cách thức được xác định trong Quy chế riêng. Đoàn trưởng được ban phục vụ bầu chọn trong số các thành viên của ban.

c) Vị linh hướng (nam hay nữ tu sĩ) giúp các đoàn viên về đạo lý và đời sống tâm linh. Vị này do Bề trên Giám tỉnh chỉ định, sau khi tham khảo ý kiến vị đặc trách huynh đoàn tỉnh và ban phục vụ huynh đoàn địa phương.

Ban phục vụ huynh đoàn quốc gia và quốc tế

  1. a) Nơi nào có nhiều tỉnh dòng trong cùng một quốc gia, ban phục vụ huynh đoàn quốc gia có thể được thành lập theo quy tắc của Quy chế riêng.

b) Ban phục vụ huynh đoàn quốc tế cũng có thể được thành lập theo cách thức tương tự, nếu thấy thuận tiện, sau khi đã tham khảo ý kiến các huynh đoàn trong toàn Dòng.

23. Các ban phục vụ huynh đoàn địa phương có thể gửi kiến nghị và thỉnh nguyện lên Tỉnh hội; các ban phục vụ huynh đoàn quốc gia có thể gửi kiến nghị và thỉnh nguyện lên Tổng hội. Nên mời một vài (giáo dân) phụ trách huynh đoàn tham dự các công hội này khi bàn về những vấn đề liên quan đến giáo dân.

Luật sống huynh đoàn

  1. Luật sống cho huynh đoàn giáo dân Đa Minh là:

a) Quy luật Huynh đoàn (Hiến pháp nền tảng của Giáo dân Đa Minh, những quy tắc về nếp sống và quản trị huynh đoàn);

b) Tuyên bố chung của Bề trên Tổng quyền hay Tổng hội;

c) Quy chế riêng.

 

TUYÊN BỐ CHUNG
LIÊN QUAN ĐẾN
QUY LUẬT HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH (1987)

Để bổ túc pháp chế liên quan đến huynh đoàn giáo dân Đa Minh, với thẩm quyền của tôi, tôi phê chuẩn và công bố “Tuyên bố chung liên quan đến Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh” sau đây. Như vậy, việc tuân giữ Quy luật sẽ dễ dàng và sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn.

  1. Quy luật làm cơ sở cho việc điều hành huynh đoàn giáo dân Đa Minh, là luật nền tảng cho mọi huynh đoàn giáo dân trên toàn thế giới. Tuyên bố chung do Bề trên Tổng quyền công bố là những giải thích Quy luật nói trên. Quy chế huynh đoàn tỉnh hay quốc gia do chính các huynh đoàn soạn thảo […Huỷ bỏ và bổ sung bởi TB 2007, II] là những quy tắc riêng cho các huynh đoàn địa phương.
  2. Để các anh chị em giáo dân chu toàn nghĩa vụ “không như nô lệ dưới ách lề luật nhưng như con cái trong ân sủng” tôi tuyên bố rằng những lỗi kỷ luật tự nó không thành tội.
  3. [Hủy bỏ bởi TB 2007, III]
  4. Bề trên Giám tỉnh có quyền hiệu lực hóa những hành vi vô hiệu của một huynh đoàn, nhất là liên quan đến việc nhận cho tuyên hứa.
  5. Đừng kể những huynh đoàn giáo dân mà Quy luật này dự liệu, còn có những huynh đoàn linh mục được quản trị theo luật riêng.
  6. Mỗi Quy chế phải xác định :

a) Điều kiện thu nhận vào huynh đoàn;

b) Thời kỳ dự tuyển và tuyên hứa;

c) Định kỳ lãnh nhận các bí tích và các kinh nguyện phải đọc hằng ngày;

d) Định kỳ hội họp huynh đệ cùng cách thức tổ chức, và định kỳ các cuộc tĩnh tâm;

e) Tổ chức nội bộ mỗi huynh đoàn và giữa các huynh đoàn trong tỉnh dòng hay quốc gia;

f) Cách thức bầu cử các viên chức, đừng kể những điều đã xác định trong Quy luật;

g) Cách thức và giới hạn của sự miễn chuẩn;

h) Cầu nguyện cho anh chị em đã qua đời và cho toàn Dòng.

7. Kinh Mân côi là một việc sùng kính cổ truyền của Dòng, nhờ Đức Trinh Nữ Maria hướng dẫn, lòng trí chúng ta chiêm niệm sâu xa các mầu nhiệm Chúa Kitô. Vì thế, các anh chị em giáo dân Đa Minh nên đọc kinh Mân côi hằng ngày.

Ban hành tại Rôma, ngày 16 tháng 2 năm 1987.

Tu sĩ Damian Byrne, O.P.
Bề trên Tổng Quyền

Tu sĩ J. Martin, O.P.
Thư ký

TUYÊN BỐ CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN
QUY LUẬT HUYNH ĐOÀN GIÁO DÂN ĐA MINH (2007)

bttq-carlos.jpgĐể làm bùng lên ngọn lửa truyền thống và ơn gọi giáo dân Đa Minh, vào tháng 3 năm 2007, vị Tổng đặc trách đã ra văn thư triệu tập Đại hội Quốc tế Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh tại Buenos Aires.

Năm mươi sáu đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự Đại hội này. Vì thế các tài liệu và nghị quyết do sáu Ủy ban công bố, tường thuật công việc của Đại hội và được Đại hội chấp thuận, có thể được coi một cách chính đáng là tiếng nói chung của tất cả giáo dân Đa Minh.

Đại hội Quốc tế Huynh đoàn Đa Minh nhóm họp tháng 6 năm 2007 đã soạn thảo bản văn công vụ và trình lên Bề trên Tổng quyền. Từ những nghị quyết này, chúng ta thấy không những cần phải đọc lại Quy luật, mà nhân cơ hội này cũng phải xem xét lại một số định nghĩa của Quy luật, để đánh tan những hồ nghi trong quá trình giải thích, loại bỏ những xung khắc, cũng như bổ túc những thiếu sót pháp lý còn tồn tại, nhờ đó, Công vụ và các Chỉ thị của Tổng hội Dòng liên quan đến giáo dân có thể được thực hiện.

Trong phạm vi luật Chúa, Giáo luật và luật riêng của Dòng, phù hợp với đoàn sủng Đa Minh và những gì được coi là thích hợp cho đời sống của huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, vì vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu rỗi các linh hồn, với thẩm quyền của tôi,

TÔI TUYÊN BỐ

và quyết định rằng, Tuyên bố chung sau đây liên quan đến Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh, sau khi được công bố trong tập Analecta của Dòng sắp tới và thông báo cho các vị đặc trách huynh đoàn tỉnh, sẽ có hiệu lực vào ngày 8 tháng 8 năm 2008, đại lễ kính thánh tổ phụ Đa Minh của chúng ta, và phải được thi hành một cách nhanh chóng và thành tâm.

Tuyên bố I : Tên gọi, căn tính và sự tháp nhập các thành viên huynh đoàn giáo dân Đa Minh.

§ 1. Giáo dân Đa Minh là những tín hữu đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy trong Hội thánh Công giáo, hay được tiếp nhận vào Hội thánh Công giáo; đã lãnh bí tích Thêm sức và hiệp thông hoàn toàn trong đức tin, các bí tích và với giáo quyền; đã được gọi một cách đặc biệt để theo đuổi đời sống Kitô hữu và để thăng tiến những thực tại hữu hình qua đoàn sủng của thánh Đa Minh. Để được tháp nhập vào Dòng Giảng Thuyết và tham gia đầy đủ vào sứ vụ tông đồ của Dòng, họ tuyên hứa theo mẫu qui định trong Quy luật. Chỉ sau khi tuyên hứa họ mới gia nhập vào ngành giáo dân của Dòng Giảng Thuyết, mang tên là Huynh Đoàn Giáo Dân Đa Minh, dưới quyền lãnh đạo của Bề trên Tổng quyền và các bề trên cao cấp khác của Dòng. Trước khi tuyên hứa vĩnh viễn, đương sự phải được nhận vào giai đoạn dự tuyển ít nhất một năm và qua ba năm tuyên hứa tạm; những sự kiện này cần phải được ghi vào sổ sách và lưu giữ tại huynh đoàn địa phương, cũng như trong công hàm tỉnh dòng.

§ 2. Mẫu tuyên hứa trong Quy luật đã được Tòa thánh châu phê, không được sử dụng hữu hiệu cho các hình thức kết nạp khác vào Gia đình Đa Minh, trừ trường hợp được xác định rõ ràng và được Bề trên Tổng quyền cho phép. Mọi quyền lợi (đặc ân) của các hiệp hội và huynh đoàn được quản trị bởi các qui chế riêng và do thẩm quyền các cấp chuẩn nhận một cách hợp pháp, đều chính thức thuộc về Gia đình Đa Minh. Vì những đoàn thể này làm nên sự phong phú đa dạng cho Hội thánh và cho Gia đình Đa Minh, nên phải được mọi thành viên Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh hết sức trân trọng, trong tinh thần hòa hợp và tích cực hợp tác, nhìn nhận nhau như anh chị em trong thánh Đa Minh, mỗi người với bậc sống và căn tính riêng của mình.

§ 3. Người giáo dân Đa Minh luôn luôn phải được nhập tịch vào một huynh đoàn nào đó (cư sở hay bán cư sở theo Giáo luật, nếu có thể) hay ít là có liên hệ thường xuyên với một thành viên của ban phục vụ huynh đoàn tỉnh dòng hay phụ tỉnh.

§ 4. Những tín hữu sống trong hoàn cảnh đặc biệt, và do đó, theo phán đoán của ban phục vụ huynh đoàn, không nên được nhận cho tuyên hứa, vẫn có thể tham gia vào đời sống của huynh đoàn và được đào tạo thường xuyên để theo Đức Kitô trong đoàn sủng Đa Minh, mỗi người theo hoàn cảnh riêng của mình, luôn luôn và hoàn toàn tuân giữ kỷ luật và huấn quyền Hội thánh.

Tuyên bố II : Quy chế huynh đoàn quốc gia hay tỉnh dòng

§ 1. Việc phê chuẩn và ban hành Quy chế huynh đoàn quốc gia hay tỉnh dòng không trực tiếp thuộc Bề trên Tổng quyền. Tuy nhiên, khi có lý do chính đáng, Bề trên Tổng quyền có thể yêu cầu sửa đổi một khoản luật nào đó đã được ban hành. Quy chế huynh đoàn tỉnh dòng, sau khi được ban phục vụ huynh đoàn tỉnh thông qua, còn phải được Bề trên Giám tỉnh và ban cố vấn tỉnh dòng phê chuẩn và ban hành. Quy chế huynh đoàn quốc gia, sau khi đã được ban phục vụ huynh đoàn quốc gia cùng với những ban phục vụ huynh đoàn tỉnh liên hệ thông qua, phải được các Bề trên Giám tỉnh trong quốc gia đó phê chuẩn với sự đồng thuận của các Ban cố vấn liên hệ, và được Chủ tịch Ủy ban Quốc gia các Bề trên Giám tỉnh công bố.

§ 2. Tôi minh thị tuyên bố bãi bỏ một phần của Tuyên bố chung số 1 của Bề trên Tổng quyền Damian Byrne ngày 16 tháng 2 năm 1987 nói rằng Quy chế huynh đoàn tỉnh dòng hay quốc gia sẽ có hiệu lực, sau khi được Bề trên Tổng quyền phê chuẩn.

Tuyên bố III : Miễn chuẩn luật riêng

Duy Bề trên Tổng quyền có quyền miễn chuẩn cho tất cả giáo dân Đa Minh các khoản của Quy luật, miễn là không liên quan đến luật Chúa hay Giáo luật, với một phép chuẩn chung có thời hạn hay vô thời hạn.

Bề trên Giám tỉnh, cũng với giới hạn như vậy, có quyền miễn chuẩn Quy luật hay Quy chế, nhưng với một phép chuẩn riêng cho từng huynh đoàn, kể cả một cách thường xuyên và vô thời hạn.

Đoàn trưởng có thể miễn chuẩn hợp pháp cho những trường hợp đặc thù và chỉ trong một thời gian nhất định những điều khoản của Quy luật hay Quy chế, miễn là không thuộc về những yếu tố thiết yếu, hoặc liên quan đến luật Chúa hay Giáo luật.

Tôi tuyên bố bãi bỏ Tuyên bố chung số 3 do Bề trên Tổng quyền Damian Byrne công bố ngày 16 tháng 2 năm 1987.

Tuyên bố IV : Vị đặc trách huynh đoàn tỉnh và đặc trách huynh đoàn quốc gia

§ 1. Tôi miển chuẩn vô thời hạn một phần của khoản 20b Quy luật Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh: đối với chức vụ đặc trách huynh đoàn tỉnh dòng hay quốc gia, bề trên có thẩm quyền, sau khi đã tham khảo ý kiến của ban phục vụ huynh đoàn tỉnh hay quốc gia, có thể bổ nhiệm một tu sĩ hay nữ đan sĩ thuộc Dòng; hay khi cần thiết hoặc do hoàn cảnh, có thể bổ nhiệm một tu sĩ không thuộc Dòng, một giáo sĩ triều, hay một giáo dân Đa Minh đã tuyên hứa vĩnh viễn.

§ 2. Một người không thuộc Dòng không thể nhận chức vụ nói trên cách thành sự, nếu sau khi được bổ nhiệm, đương sự chưa ký nhận với Bề trên Giám tỉnh và chưa có phép bằng văn bản của bề trên có thẩm quyền của đương sự.

§ 3. Vị đặc trách huynh đoàn tỉnh hay quốc gia không có quyền bầu cử hay thụ cử trong bất cứ ban phục vụ nào của huynh đoàn mà ngài tham dự.

Tuyên bố V : Vị linh hướng

Trong những hoàn cảnh đặc biệt không thể áp dụng Quy luật và Quy chế liên quan đến linh hướng (QL 21c; GL 317, §1 và 2), thì hãy áp dụng những quy tắc tổng quát về việc miễn chuẩn Quy luật và Quy chế.

Tuyên bố VI : Đặc ân tháo lời tuyên hứa tạm hay vĩnh viễn

§ 1. Khi mãn hạn tuyên hứa tạm mà không lặp lại, thì người giáo dân có thể tự do rời bỏ Dòng. Người đã tuyên hứa tạm – trước khi lời tuyên hứa kết thúc – hay người đã tuyên hứa vĩnh viễn, chỉ nên xin đặc ân tháo lời tuyên hứa tạm hay rời bỏ Dòng vĩnh viễn, sau khi đã suy nghĩ chín chắn trước mặt Chúa và xin anh chị em giúp đỡ. Đương sự phải làm đơn cùng với những lý do cho đoàn trưởng; vị này sẽ chuyển đơn lên Bề trên Giám tỉnh cùng với ý kiến của mình và ban phục vụ. Đặc ân tháo lời tuyên hứa tạm hay vĩnh viễn, một khi đã được ban hợp pháp và thông báo bằng văn bản cho đương sự, sẽ có hiệu lực miễn chuẩn việc tuyên hứa và tuân giữ Luật sống Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh.

§ 2. Những người đã xin đặc ân rời khỏi Dòng vĩnh viễn, nếu muốn trở lại Dòng ở bất cứ nơi đâu, cần phải trải qua giai đoạn đào tạo căn bản lần nữa. Người này chỉ có thể tuyên hứa vĩnh viễn, với sự đồng ý của ban phục vụ huynh đoàn nơi đương sự xin nhập tịch và với sự cho phép của Bề trên Giám tỉnh. Nếu một người muốn tái gia nhập huynh đoàn mà giấu không cho biết trước đây đã xin đặc ân tháo lời tuyên hứa, thì không thể tuyên hứa thành sự và việc nhập tịch như vậy cũng vô hiệu.

Tuyên bố VII : Khai trừ

§ 1. Giáo dân đã tuyên hứa tạm hay vĩnh viễn mà vi phạm nghiêm trọng Quy luật hay Quy chế, hay không có sự hiệp thông với Hội thánh (đức tin, các bí tích, giáo quyền), hay gây gương mù công khai cho các tín hữu; nếu sau khi đoàn trưởng đã chính thức cảnh cáo mà đương sự vẫn cố chấp, lúc đó ban phục vụ có thể xin Bề trên Giám tỉnh ra nghị định khai trừ. Nghị định này, một khi đã chính thức được đưa ra và thông báo cho đương sự bằng văn bản, sẽ có hiệu lực chấm dứt mọi quyền lợi và nghĩa vụ phát sinh do lời tuyên hứa. Nghị định khai trừ có hiệu lực cho tất cả các huynh đoàn Đa Minh, những hành vi trái ngược với nghị định đều vô hiệu.

§ 2. Với những thẩm định về nếp sống và sự chắc chắn sửa mình, một người bị khai trừ có thể được tái thâu nhận vào Dòng, với cũng những điều kiện để thành sự nói ở Tuyên bố VI §2.

§ 3. Nghị định khai trừ có thể được thượng cầu lên Bề trên Tổng quyền.

Làm tại tại Roma, 15 tháng 11 năm 2007, lễ thánh Anbetô Cả.

Tu sĩ Carlos Alfonso Azpiroz Costa, OP.
Bề trên Tổng quyền

Tu sĩ Christophe Holzer, OP.
Thư ký

Quy luật Huynh đoàn Đa Minh Thế Giới

Quy chế Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam phần I

Quy chế Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam phần II

Quy chế Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam phần III

Quy chế Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam phần IV