Bài hát và Suy niệm (02.07.2023 – Chúa Nhật Tuần XIII Thường Niên Năm A)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Nghe giảng

NL: VỀ ĐÂY HỌP MỪNG

ĐC: CON SẼ CA NGỢI

ALL: Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, để loan truyền những kỳ công của Thiên Chúa, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

DL: TẤM LÒNG

HL: CHO CON BIẾT YÊU THƯƠNG

KL: MẸ HẰNG CỨU GIÚP

CHÚA NHẬT XIII TN A 2020

NL: CON BƯỚC LÊN BÀN THỜ

ĐC: CON SẼ CA NGỢI

DL: CỦA LỄ TRẦM HƯƠNG

HL: CHÚA TRONG LÒNG CON

KL: THẮP SÁNG TRONG CON

Lời Chúa: 2 V 4,8-11.14-16a, Rm 6,3-4.8-11, Mt 10,37-42


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

37 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 38 Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. 39 Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. 40 Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.

41 “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.

42 “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Đấng đã sai Thầy (02.07.2023)

Lời Chúa thật tinh tế và kỳ diệu, lời bài đọc một “Ông Ê-li-sa nói: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai .” Nhắc chúng ta nhớ lại lời Chúa nói với tổ phụ Áp-ra-ham nơi gốc cây sồi Mam-rê “Người nói: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai.” (St 18,10) Những người con của lời hứa bởi Thiên Chúa hay những người do Thiên Chúa tuyển chọn này, dẫn chúng ta đến người con của một lời Thiên Chúa hứa lớn hơn, chiếm lĩnh cả lịch sử nhân loại. Lời hứa khởi đầu nơi Vườn Địa Đàng

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.
” (St 3,15)

Cả ba lời hứa được trích dẫn trên đây đều đã ứng nghiệm, mở lối cho chúng ta vào một chương trình thật vĩ đại, rất đỗi nhiệm mầu và hạnh phúc cho nhân loại biết bao. Riêng với những người tin Chúa, các kích cở cao, sâu, rộng của vinh phúc không thể nào hình dung được, cũng chẳng có lời lẽ nào cao rao cho hết. Với bài đọc hai, vị thánh Tông Đồ dân ngoại đưa ra luận chứng “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao?

Đức Giê-su Ki-tô, người con của lời Thiên Chúa hứa từ thuở ban sơ với Tổ Tông, là Thiên Chúa nhập thể. Là Đấng Cứu Thế duy nhất với cái chết khổ hình Thập giá, đã làm chủ thời gian và toàn bộ lịch sử của nhân loại. Bởi thế, sự khởi đầu của vinh phúc Người ban tặng trong cõi vĩnh hằng cho những tội nhân, là được dìm vào trong “nước thanh tẩy”, tức “vào trong cái chết của Người”. Điều này đồng nghĩa chúng ta được tắm hồn trong giá máu tình yêu vô biên vượt thời gian của Người.

Thánh Phao-lô dẫn dắt chúng ta đi sâu hơn vào nhiệm tình Thập giá “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.” “Được dìm vào trong cái chết của Đức Ki-tô Giê-su” vừa là một mạc khải vô cùng lớn đối với nhân loại, vì đã làm thay đổi não trạng tự nhiên của con người trước ý định và chương trình của Đấng Tối Cao. Là điều mà Thiên Chúa có chủ đích từ khi tuyên bố lời tiên báo tiền Tin Mừng

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;
dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

Sa-tan đã dùng tinh thần thế tục, tham ăn, tham biết, cùng ham muốn được bằng Thiên Chúa của E-và, để làm cho cả E-và và A-đam sa ngã. Nhưng rồi Thiên Chúa đã dùng chính sự tận hiến và tận hủy của Đức Ki-tô để chiến thắng tinh thần thế tục và những khuynh hướng tự nhiên nơi con người. Cái chết của Đức Ki-tô trên thập giá trở thành Con Thuyền Cứu Độ, thành Chiếc Phao duy nhất cho mọi linh hồn trên biển trần đau thương và tội lỗi. Được dìm vào cái chết của Đức Ki-tô, là được tái sinh trong đời sống thần khí với một đòi hỏi gắt gao là phải làm cho đời sống này trổ sinh hoa trái “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15,1-2) Có sự khởi đầu ơn tái sinh, nhưng nếu không tiếp tục tái sinh cho đến khi linh hồn viên mãn được sự sống tái sinh, linh hồn cũng sẽ chết cái chết đời đời “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” (Ga 15,5-6)

Ngoài việc thấu tỏ được mạc khải là chương trình cứu độ của Thiên Chúa, cái chết của Đức Ki-tô Giê-su còn là nguồn sủng ân vô cùng, vô biên, vô hạn. Mà vì rất mực yêu thương, Thiên Chúa đã tặng ban nhưng không cái chết của Người cho nhân loại. Những ai liên kết, gắn bó, hằng nâng tâm tư lên chiêm ngắm cuộc khổ nạn vô giá ấy, đời họ sẽ kín múc được vô vàn sủng ân cao trọng đến bản thể mình không mang nổi.

Cái chết của Chúa Giê-su còn là ngưỡng cửa tuyệt hảo duy nhất cho con người có thể bước vào sống mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sự khẳng định của thánh Phao-lô “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki-tô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” còn đưa chúng thẳng vào tinh thần Phúc Âm mà Chúa Giê-su khẳng khái tuyên bố hôm nay

Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.

Lời tuyên bố của Chúa nói lên tính chất quyết liệt đổi chác giữa đời sống tự nhiên với đời sống vinh phúc vĩnh hằng, hay việc trả giá bằng từ bỏ mọi sự để thuộc trọn về Người. Hành động cụ thể theo những đòi hỏi của Chúa Đức Ki-tô, là “dìm mình vào cái chết” của Người.

Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” Câu nói nầy của Chúa Giê-su mang những ý nghĩa rất cao sâu, Người không chỉ đồng hóa mình vào với các môn đệ của Người, mặc cho các môn đệ danh phận đại diện cho Chúa Giê-su trong sứ mạng Chúa trao. Nhưng còn là ở trong chính các ngài, một sự hiện diện sâu sắc, mạnh mẽ và quyền uy, gom lại trong hai chữ: Thánh Chức. Đi tới một ý nghĩa nữa sâu hơn, ý nghĩa nầy liên quan tới vị thế của người môn đệ vốn mang nặng phận người, giờ được thăng hoa trong tương giao với Thiên Chúa Ba Ngôi. Một tương giao được Người nâng lên ngoài sức tưởng của con người “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.” (Rm 8,29) Sự vinh phúc nầy, được Thần Khí xác nhận lại đầy đủ qua lời Chúa ở sách Khải Huyền xin Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta,” (Kh 1,5)

Bởi thế, không chỉ là tương quan Thầy với trò, mà còn là Thiên Chúa với thụ tạo của Người. Giờ đây được đồng hóa, một sự đồng hóa mà con người không dám mơ ước hay tưởng nghĩ. Vì những ai đã tin vào ơn cứu độ của Chúa Ki-tô Giê-su đều chân nhận Người là Thiên Chúa, Đấng đã tự mình từ cõi chết sống lại. Chứng thực Người làm chủ sự sống và sự chết… Ôi phàm nhân hay chết, sao có thể được Thiên Chúa đồng hóa mình với Người!? Vậy mà nỡ đành bán rẽ chức phận con Thiên Chúa bằng danh vọng, tiền tài, tình cảm và cả niềm vui xác thịt! Bằng những thứ rẻ mạt, thật phù phiếm, thật hư ảo của nhân gian. Để rồi phụ phàng tình yêu quá lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình hôm nay và trong cõi đời đời.

Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Một lời hứa hẹn, một lời khích lệ cho trân trọng hơn nữa sự đồng hóa chính mình của Chúa Giê-su với các môn đệ của Người. Các con ơi! May mắn thay chúng ta được là con Thiên Chúa, là môn đệ của Chúa Giê-su, nên được Người hiện diện nơi chúng ta, chỉ cần chúng ta trung thành giữ lề luật Chúa. Còn gì phúc hơn nữa, khi được Chúa ban cho ta phúc phận của một người con có quyền thừa kế tài sản vô giá là vinh quang bất diệt, hoan lạc miên trường và vinh phúc vô biên “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8,16-17).

Tình Yêu Hoa Cỏ

Sống trong Chúa

Ngày xưa lúc Thầy xuống thế, các Thiên Thần hát rằng: “Vinh danh thiên Chúa trên trời, BÌNH AN dưới thế cho người thiện tâm”. Thầy được mệnh danh Hoàng Tử Hòa Bình. Nhưng đường lối của Thiên Chúa thì khác xa tư tưởng của loài người. Đòi hỏi của Thiên Chúa thì không như sở thích của con người. Người ta mong ấm no hạnh phúc, hưởng thụ dễ dãi, Thầy bảo phải chui vào con đường hẹp khó đi. Bình thường người ta yêu kẻ yêu và sống tốt với kẻ yêu mình thôi, đằng này Thầy dạy phải yêu cả kẻ ghét mình. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10, 37). Phải yêu Thầy hơn cha mẹ, anh em, cứ nhìn người đi tu thì rõ. Thế là người tin kẻ không tin, người chấp nhận kẻ chống đối, người theo kẻ chạy, bất đồng chia rẽ đối nghịch nhau thì khác gì có chiến tranh với chuyện kẻ thù, dù là sống  trong một mái nhà với nhau.

“Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất; ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được”. (Mt 10, 30). Trong khi trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống hưởng thụ cá nhân, thì người môn đệ phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa. Một khi đã tìm thấy kho báu thì sẵn sàng đánh đổi, tình nguyện chịu thua thiệt mọi sự. Vì ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm qua hôm nay, và ngày đó Chúa sẽ đền bù gấp trăm nghìn lần những thiệt thòi hôm nay tương lai”. (Thánh ca).

Người môn đệ còn phải đón tiếp, yêu thương mọi anh em, người lớn cũng như kẻ nhỏ, người nhà Thầy (bậc ngôn sứ, người công chính), hết tình yêu thương giúp đỡ người nghèo khó bệnh tật… Thầy quả quyết rằng “người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Sống “đẹp” dưới ánh mắt của Chúa mà thực hành chỉ thị huấn lệnh sẽ được trả cho cân xứng những việc mình làm. Sống đẹp theo huấn lệnh thì đẹp lòng Thiên Chúa, tâm tư luôn hạnh phúc bình an dù sống giữa “chiến tranh” đối nghịch của thế trần. Nếu sống ngược với chỉ thị của Thầy thì cuộc sống dù xem như  hạnh phúc mà chẳng có bình an thực sự trong tâm hồn.

Chúa ơi! ngày nay được sống trong sự hiện diện của Chúa, chúng con luôn an bình thư thái trong ánh mắt yêu thương âu yếm dõi nhìn của Chúa. Chúng con vui, buồn, sướng khổ hay phải gắng sức lội ngược dòng có Chúa cùng phấn đấu, hay có sao nhãng lang thang thì Chúa vẫn nhìn và không ngừng yêu thương chăm sóc từng giây. Xin đừng để chúng con dại dột xa rời Vòng Tay yêu thương ấy. Dẫu đời hiện tại chúng con có nhỏ bé âm thầm thì nó vẫn có giá trị, ý nghĩa lớn lao trong Con Tim Yêu của Ngài.

 Én Nhỏ 

Hãy để Thiên Chúa trở nên trung tâm đời sống của chúng ta

1. Ghi nhớ:

“Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy.” (Mt 10, 37)

2. Suy niệm:

                Canh thìn vừa thuở đông thiên.

           Ngân nga hạnh thánh, tay liền chép ra,

                 Thuở ấy trong nước I-ta-li-a.

           Có quan thừa tướng: Tên là Yêu- Phê.(Euphemiano)

                 Ca-lai (Aglaia) phối thất phu thê.

           Phụng loan kết cánh sánh bề hoa nương

                  Song hành kình bố nhơn dươn.

           Ngóng trông tuấn tú hậu nương nối dòng.

                  Cội hòe nhành quế phỉ lòng.

           Vườn lê trái hạnh, chóc mòng hôm mai.

                   Phước lành dấu ấn thiên thai.

           Trổ sinh nam tử, một trai khác hàng.

                   Mẹ cha ước sức đứng thường.

           Lòng mong kế hậu, vội vàng mừng thay.

                   Sinh thai vừa đủ tám ngày,

           Noi theo phép thánh, xin thầy đặt tên.

                   Vợ chồng quì trước đài tiên,

           Chúa Cha báo ứng mới truyền tu du.

                    Đặt tên là A-lê-xù (Alessio)…

Trên đây là phần mở đầu của truyện Thánh A-Lê-Xù, viết bằng thể thơ lục bát được truyền bá vào thời xa xưa.

Xin lược thuật tóm tắt cốt truyên như sau: Tại nước Ý, có vợ chồng nhà nghị viện Euphemiano, Rất tiếng tăm và giàu có.Ông bà chỉ sinh được một người con trai duy nhất, nên mọi của cải, dự tính và hy vọng về tương lai đều đổ dồn vào cho cậu. Người con trai này mang tên là A-lê-xù.

Đến tuổi trưởng thành vì muốn có con cháu nối dõi tông đường nên bà mẹ đã chủ động bảo con trai lập gia đình, A-lê đã từ chối, với lý do muốn sống đời khiết tịnh để lo phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng cha mẹ Ngài chỉ muốn cho con mình sống đời gia thất nên ra sức thuyết phục thậm chí ép buộc!. Không muốn để cha mẹ thất vọng nên A-lê đành nghe theo. Nhưng ngay trong đêm tân hôn.Chàng rể đã lẳng lặng bỏ nhà ra đi để thực hiện lý tưởng tận hiến trọn cuộc đời khiết tịnh cho Thiên Chúa,

Sau mười bảy năm hành khất, ở nhà thờ Edessa. Ngài được người ta kháo với nhau rằng: ông ấy là một vị thánh.Thế rồi người ta tuôn đến để chiêm ngưỡng, nên Ngài bèn trốn đi nơi khác, nhưng không ngờ khi xuống tàu trẩy đi phương xa thì bị giông tố, khiến con tầu quay dạt lại quê hương. Ngài quyết định trở về nhà. Tuy nhiên cha mẹ đã không nhận ra Ngài và đã chấp nhận cho được sống ở trong nhà mặc dầu Ngài chỉ là một người hành khất.

Trong suốt thời gian mười bảy năm trời sống dưới chân cầu thang. Ngài bị gia nhân đối xử rất tàn nhẫn, nhưng Ngài vẫn kiên tâm chịu đựng rèn luyện nhân đức.

Ngài lâm bệnh và qua đời vào năm 417 trong chính căn nhà của cha mẹ mình. Để lại bức thư:

   “A-lê con mọn. tay dọn thư này, trình bày để cha mẹ biết, vốn con đã quyết.Giữ tiết đồng trinh. Cha mẹ ép tình, nên đành trốn vậy!…”

Tại Giáo Hội Tây Phương Ngài được tôn kính với tư cách là bổn mạng của những người hành hương, hành khất, những người sống rầy đây mai đó và các bệnh nhân. Thánh nhân cũng được mừng kính với tư cách là vị bổn mạng của động đất, sấm sét, giông tố bão táp và các bệnh dịch bộc phát.

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su muốn chúng ta, trong cuộc sống trần gian phải dành cho Thiên Chúa .Đấng làm chủ thể muôn loài được ưu tiên trong mọi lựa chọn.Trong việc thờ phượng cũng như trong phụng sự.

Thời Cựu Ước, khi ban Thập Giới cho loài người thông qua tổ phụ Mose trên núi Sinai, thì trong Mười Điều luật đó đã có ba điều đầu tiên mà loài người phải thực thi cho Thiên Chúa:

Ta là Yave, Thiên Chúa của ngươi….

Ngươi sẽ không có những thần khác trước nhan Ta.

Ngươi sẽ không tạc tượng, tạc hình vật gì nơi trời bên trên hay nơi đất bên dưới,hay trong nước bên dưới đất.

Ngươi sẽ không thờ lạy chúng và phụng sự chúng, vì Ta Yave Thiên Chúa của ngươi.

Ngươi sẽ không hư từ nêu danh Yave, Thiên Chúa của ngươi vì Yave sẽ không dung kẻ hư từ nêu Danh Người.

Ngươi hãy nhớ đến ngày hưu lễ để tác thánh ngày ấy…..

Hãy trọng kính cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên thủa đất…(Xh 20,1-12) Như vậy từ ngàn xưa Thiên Chúa đã muốn cho nhân loại đặt Ngài ở vị trí cao trọng nhất trong tâm hồn, cũng như trong đời sống của họ.

Mối tương quan sâu đậm và gắn bó nhất ở trên trần gian này, có thể nói là: của con cái đối với cha mẹ, đấng đã sinh thành dưỡng dục mình. Song mối tương quan đó, mối liên hệ đó vẫn còn phải nhường chỗ cho một mối tương quan khác, cao trọng và khẩn thiết hơn: Đó là mối tương quan của con người đối với Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và làm chủ muôn loài trên mặt đất.

Để thể hiện tinh thần thượng tôn Thiên Chúa, chúng ta phải sống hết lòng tín thác trong tay Ngài, trông cậy vững vàng và luôn mến yêu Ngài hết lòng hết sức, hết trí khôn. Hay nói cách khác chúng ta phải để Thiên Chúa trở nên trung tâm đời sống của chúng ta để Ngài hoàn toàn chi phối và hướng dẫn một cách trọn vẹn từ suy nghĩ đến nói năng và hành động của chúng ta trong suốt cả cuộc đời mình.

Sống với ý thức đó chúng ta sẽ luôn làm đẹp lòng Chúa trong đời sống  đạo của chúng ta. Và đó phải là mục đích sống của tất cả chúng ta, những người vinh dự được gọi Thiên Chúa là Cha.

3. Cầu Nguyện:

Lạy Thiên Chúa là chủ tể muôn loài, xin cho chúng con biết sống thế nào cho xứng đáng trong bổn phận làm con, vì chúng con đã nhận được biết bao ơn lành của Chúa. Xin ban ơn khôn ngoan để trong mọi việc chúng con biết đặt Chúa nơi vị trí cao trọng nhất trong tâm hồn cũng như trong đời sống thực hành thường ngày của chúng con, Để mai sau chúng con xứng đáng được Chúa đón nhận vào Nước Trời hằng sống nơi những kẻ đêm ngày luôn biết phụng thờ chỉ một Thiên Chúa mà thôi. Amen.

4. Sống lời Chúa:

 Bài trừ những điều mê tin dị đoan và không bao giờ tin vào bói toán.

Đaminh Trần Văn Chính

***

MỤC LỤC

1. Chọn lựa

2. Tình yêu

3. Siêu thoát – Lm. Đỗ Vân Lực

4. Vì người

5. Thập giá

6. Từ bỏ – Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

7. Chúa trong anh em

8. Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng

9. Xứng với Thầy

10. Người môn đệ Đức Kitô

11. Sự hiếu khách và con Thiên Chúa

12. Chỗ đứng của Thiên Chúa

13. Bước theo Chúa

***

1. Chọn lựa 

Một trong những lý do khiến nhiều anh em lương dân không muốn gia nhập Kitô giáo, đó là vì họ nghĩ rằng nếu vào đạo họ sẽ phải bỏ ông bà, bỏ cha mẹ. Sẵn có một ý nghĩ như vậy, nếu họ lại được nghe lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay, họ sẽ càng tin chắc rằng suy nghĩ của họ về đạo Công giáo là đúng. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy”. Thật rõ ràng và dứt khoát. Nhưng có thật là khi vào đạo Công giáo người ta sẽ phải từ bỏ cha mẹ của mình không?

Để trả lời cho câu hỏi trên, ta có thể nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói về đời sống vợ chồng: “Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ và luyến ái với vợ mình và cả hai sẽ nên một huyết nhục”.

Trong cuộc đời này có mối quan hệ nào thân thương, gắn bó mật thiết cho bằng mối tình của cha mẹ và con cái? Ta càng cảm nghiệm điều này rõ ràng hơn khi cha mẹ qua đời. Cha mẹ qua đời là một mất mát to lớn không thể bù đắp được trong cuộc đời của những đứa con. Dù thân thương gắn bó như vậy, thế mà anh thanh niên vẫn có thể lìa bỏ cha mẹ để sống với một người thiếu nữ xa lạ nào đó mà anh đã chọn làm bạn đời. Thì ra có một cái gì đó thật mãnh liệt đã kéo anh thanh niên ra khỏi vòng tay yêu thương của cha mẹ để gắn bó với người bạn đời của mình. Điều mãnh liệt ấy là gì nếu không phải là tình yêu? Và thật ra, dù lìa bỏ cha mẹ để gắn bó với người bạn đời của mình, thì không phải anh thanh niên cắt đứt tình nghĩa với cha mẹ. Tình nghĩa vẫn còn đó, nhưng lìa bỏ cha mẹ là để cho cuộc sống mới được phát sinh và vươn cao.

Nếu chỉ có tình yêu mới lý giải được sức mạnh đã lôi kéo người thanh niên ra khỏi cuộc sống chung với cha mẹ để gắn bó với người yêu, thì cũng chỉ có tình yêu mới lý giải được lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy sẽ không xứng đáng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Thầy sẽ lại tìm thấy”. Phải có lòng yêu mến Đức Giêsu mãnh liệt lắm người ta mới dám từ bỏ và đánh đổi mọi sự, kể cả mạng sống của mình. Và khi từ bỏ những mối liên hệ thân thương của đời mình, thì không phải là phủ nhận giá trị của những mối liên hệ ấy, lại càng không phải là hủy diệt đi, nhưng là để cho cuộc sống mới, cuộc sống của Đức Kitô được vươn cao trong lòng mình, trong đời mình.

Đi đạo, theo đạo là sống cuộc sống của Chúa Giêsu, là yêu mến và gắn bó với Người, là đi vào một cuộc tình với Người. Mà dấu chỉ cho thấy một người có lòng yêu mến Đức Kitô chính là người ấy biết yêu thương anh em mình. Chúa Giêsu đã khẳng định rõ ràng điều ấy: “Bất cứ sự gì các ngươi làm cho một người trong các anh em bé mọn của Ta đây là các ngươi làm cho chính Ta”. Và “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này dù chỉ là một ly nước lã thôi sẽ không mất phần thưởng đâu”.

Nếu đối với những người khác mà Chúa Giêsu còn đòi ta phải quan tâm, phải đối xử tốt như vậy huống chi là tổ tiên, là ông bà, là cha mẹ của ta? Chỉ có điều là Người muốn chúng ta đừng để bất cứ mối liên hệ nào, bất cứ giá trị trần gian nào ngăn cản lòng yêu mến của ta đối với Người. Càng yêu mến Chúa nhiều ta càng được thôi thúc để yêu mến ông bà, cha mẹ và mọi người nhiều hơn. Thế thì đâu có phải khi theo Chúa là phải bỏ ông bà, cha mẹ. [Mục Lục]

2. Tình yêu 

Tại đảo Sycilia, dân chúng còn truyền miệng nhau câu chuyện về một họa sĩ tài danh trong vùng sống cách đây vài trăm năm trước và là tác giả của bức họa nổi tiếng về cuộc đời Chúa Giêsu hiện được trưng tại nhà thờ chánh tòa trong vùng.

Sau thời gian làm việc, họa sĩ này đã vẽ xong dung mạo các tông đồ, nhưng còn hai dung mạo không vẽ được, đó là dung mạo của Chúa Giêsu và dung mạo của Giuđa người môn đệ phản Thầy.

Ông phải đình lại công việc để đi tìm người mẫu cho dung mạo của Chúa Giêsu. Sau nhiều tháng đi tìm, ông chọn được một thanh niên làm mẫu cho dung mạo của Chúa Giêsu. Vấn đề khó khăn cuối cùng là đi tìm người làm mẫu cho dung mạo Giuđa. Ông đã phải đi tìm rất nhiều năm mà không gặp, đến lúc gần cuối đời tưởng mình sẽ không thể nào hoàn thành bức tranh được nữa, ông buồn bã đi dạo trên đường phố quanh đó, thì bỗng gặp một người hành khất rách rưới với dung mạo đầy khổ đau mà cũng vừa gian ác. Cho đây là mẫu người lý tưởng cho dung mạo của Giuđa, ông mời người hành khất về nhà làm mẫu cho bức tranh còn dang dở.

Nhìn thấy bức tranh Chúa Giêsu và các môn đệ được trình bày trong phòng, người hành khất bỗng biến sắc và càng lúc càng trở nên bối rối hơn.

Người họa sĩ hỏi lý do tại sao?

Người hành khất trả lời:

– Thưa ông, chính tôi đây là người đã ngồi làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu trong bức tranh này cách đây vài chục năm về trước, và bây giờ cũng chính tôi là người làm mẫu cho ông vẽ chân dung của Giuđa, người phản bội Chúa. Thật tôi không ngờ là tôi đã trở nên tồi tệ như vậy.

Câu chuyện trên giúp chúng ta đi sâu hơn một chút vào ý nghĩa câu nói của Chúa Giêsu ghi lại nơi đoạn Phúc âm của Chúa nhật hôm nay: “Người nào đón tiếp chúng con là đón tiếp Thày, và người nào đón tiếp Thày là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.

Trên con đường trở về nhà Cha, đón tiếp Thiên Chúa và được Thiên Chúa đón tiếp, chúng ta cần đi qua một con đường duy nhất, đó là anh em, đó là mỗi người chúng ta cần trở nên giống Chúa Giêsu Kitô, trở nên một Chúa Giêsu Kitô khác, đến độ anh em có thể nhìn vào dung mạo tinh thần của chúng ta mà nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô, để rồi từ đó mà lên gặp gỡ Thiên Chúa Cha, Đấng vô hình: “Người nào đón tiếp chúng con là đón tiếp Thầy”.

Kể từ giây phút Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người để con người có thể nhìn được Thiên Chúa vô hình nơi dung mạo hữu hình của Chúa Giêsu Kitô: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”. Kể từ giây phút đó con người chúng ta, mỗi người chúng ta cũng được ban cho quyền năng để trở nên giống như Chúa Giêsu Kitô, để trở nên dấu chỉ hướng dẫn anh em đến cùng Thiên Chúa Cha: “Ai đón tiếp chúng con là đón tiếp Thầy”. Và để chúng ta được trở nên một Chúa Giêsu khác, được giống như Chúa Giêsu thì dường như chỉ có một bí quyết duy nhất và bí quyết đó được Chúa Giêsu nhắc lại trong đoạn Phúc âm hôm nay, đó là tình yêu vô điều kiện. Đối với Chúa Giêsu, yêu mến Chúa trên hết mọi sự, trên hết mọi người, tình yêu sẽ làm cho hai người trở nên giống nhau.

Chúng ta hãy nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta đã được Chúa ban cho hồng ân để trở nên giống như Chúa từ ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội, như được thánh Phaolô đã nhắc lại trong bài đọc thứ hai hôm nay qua cách nói: “Chúng ta đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, là chịu phép rửa trong sự chết với Người và cùng chịu mai táng với Người, để được thanh tẩy trong sự chết của Người và nhờ sức mạnh của Người, như Chúa Giêsu sống lại thế nào thì chúng ta cũng sẽ được sống lại như vậy”. Mỗi người chúng ta đã được đón nhận hồng ân trở nên giống như Chúa và hồng ân này cũng là trách nhiệm mỗi người chúng ta, mỗi người chúng ta cần phải thực hiện điều mà Chúa ban cho, là trở nên giống như Chúa. Hồng ân và trách nhiệm luôn đi đôi với nhau.

Thử hỏi tình yêu được Chúa đổ vào trong tâm hồn chúng ta hiện tại đã được phát triển như thế nào? Chúng ta có trở nên giống như Chúa hơn hay chúng ta đã phung phí tình yêu đó? Phung phí ân sủng Chúa ban cho để rồi chúng ta không còn thể hiện dung mạo của Chúa nữa mà thể hiện dung mạo của một người phản bội của Chúa, như dung mạo của Giuđa. [Mục Lục]

3. Siêu thoát – Lm. Đỗ Vân Lực 

Đức Giêsu có phải là một mâu thuẫn lớn nhất trong cuộc đời này không? Một đàng, Người nêu gương và kêu gọi mọi người hi sinh chính bản thân. Một đàng, Người lại muốn biến bản thân thành trung tâm cuộc sống con người. Thế nghĩa là gì?

THEO THẦY

Không gì thân thiết với con người bằng tương quan gia đình. Chính từ gia đình, con người hiện hữu và phát triển. Càng sống dưới mái ấm gia đình, con người càng đi sâu vào tương quan tình cảm và nội tâm. Thế nhưng trước những đòi hỏi Tin Mừng, các giá trị đó trở thành tương đối, vì “Nước Trời đã đến gần,” (Mt 10:7) và “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17:21) Không có gì cao trọng hơn Nước Trời. Nước Trời là một giá trị tuyệt đối, đến nỗi người ta phải “bán tất cả những gì mình có” (M6 13:44.46) mới mua sắm nổi. Nước Trời là tất cả ý nghĩa và giá trị cuộc đời. Quả thực, “chính vì Nước Thiên Chúa mà anh em chịu đau khổ.” (1 Tx 1:5)

Để mua được một giá trị siêu việt đó, người ta phải hi sinh cả tương quan gia đình. Tương quan gia đình vượt lên trên “những gì mình có” và rất gần “những gì mình là”, tức là chính bản thân. So với Nước Trời, bản thân cũng là một giá trị quá nhỏ. Nhưng giá trị nhỏ bé này vẫn là một thực tại vô cùng quí giá không dễ gì đánh đổi. Chỉ đức tin mới thấy được chiều kích vĩ đại của Nước Trời và mới mạc khải cho ta biết Nước Trời chính là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16:16) “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội thánh,” (Cl 1:18) và “chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.” (Ep 5:30) Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10:39) Cái tôi nhỏ bé hòa nhập vào cái tôi vĩ đại. Không những không mất mát, mà còn tìm thấy chính mình trong một chiều kích lớn lao và một giá trị tuyệt vời hơn.

Nhưng trong cuộc sống, nhiều lúc hi sinh gần như đồng nghĩa với đổi chác. Người ta hi sinh là để tìm lại được cái gì cân xứng hoặc trổi vượt hơn. Thật vậy, những hi sinh của “một phụ nữ giàu sang” (2 V4:8) tại Sunêm cho ngôn sứ Eâlisa đã không uổng phí. Vì hiếu khách, vợ chồng đã đặc biệt dành nơi ăn chốn ở xứng đáng cho ngôn sứ Eâlisa, “là một người của Thiên Chúa, là một vị thánh.” (2 V4:9) Phần thưởng của ngôn sứ thật trọng hậu. Không những bà được ông bảo đảm có con trai (x. 2 V 4:8-17). Sau này, khi con bà chết, ông cũng đã làm cho cậu sống lại và trả lại cho bà (x. 2 V 4:31-37). Như thế, chính khi hi sinh thời giờ, sức lực và tiền của cho ngôn sứ, bà đã được đền bù cân xứng.

Nếu một ngôn sứ còn đem lại được phần thưởng lớn lao như thế, Đức Giêsu sẽ có phần thưởng nào cho người môn đệ? Khi chạm tới mạng sống, mọi hi sinh đều phải khựng lại, mọi tính toán đều phải chấm dứt. Thế mà Đức Giêsu dám đòi hỏi người môn đệ phải hi sinh chính bản thân là giá trị đáng quí nhất trên đời. Đó là một đòi hỏi tuyệt đối. Dĩ nhiên hi sinh đó sẽ được đền bù cân xứng. Đúng hơn còn vượt quá điều người ta mong đợi. Đức Giêsu khẳng quyết: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gập bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp.” (Mt 19:29; Mc 10:28-30; Lc 18:28-30) Bỏ đi những liên hệ tình cảm để đi sâu vào nguồn mạch tình yêu vô cùng lớn lao là Thiên Chúa, còn gì lợi hơn? Một khi đã đón nhận được nguồn tình yêu đó, ngay từ đời này, người môn đệ đã được quan tâm và che chở. Thực tế, “khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm trong cái chết của Người,” (Rm 6:3) để “chúng ta cũng được sống một đời sống mới như Người nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha.” (Rm 6:7) Đời sống mới “đầy tràn ân sủng và sự thật.” (Ga 1:14) Nói khác, khi theo Đức Giêsu, người môn đệ sẽ “trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12), và hoàn toàn được giải thoát (x. Ga 8:36). Đó là phần thưởng dành cho những ai “theo Thầy” và “đón tiếp Thầy”. Từ đó, cuộc sống tự nhiên trở thành một chứng từ mãnh liệt trước mắt mọi người.

Thực ra, khi kêu gọi môn đệ “theo Thầy” và “liều mất mạng sống mình vì Thầy”, Đức Giêsu không có ý thổi phồng cái tôi của mình. Hi sinh cái tôi để đánh đổi lấy một cái tôi khác, dù cái tôi này có vĩ đại tới đâu, cũng chỉ là chuyện “đánh bùn sang ao”. Chính Đức Giêsu cũng phải hi sinh cái tôi để làm theo thánh ý Chúa Cha. “Thực vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình.” (Rm 15:3) Trong vườn Cây Dầu, Người đã “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26:39) Ý Cha đã thực thi hoàn toàn trong cái chết của Đức Giêsu. Như vậy, Người đã từ bỏ chính mình. Muốn “theo Thầy”, môn đệ cũng “phải từ bỏ chính mình.” (Lc 9:23)

Xét cho cùng, khi sống kiếp phàm trần, Đức Giêsu cũng chấp nhận chỉ một mình Chúa Cha mới là nguyên ủy tuyệt đối. Từ lời nói tới việc làm, Đức Giêsu luôn qui hướng về Chúa Cha (x. Ga 14:10). Bởi đấy, nếu “vì yêu mến Thầy” (Ga 16:27) mà anh em đã “liều mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 10:39) thì “chính Chúa Cha sẽ yêu mến anh em.” (Ga 16:27) Nơi đỉnh cao tình yêu đó, con người có thể vượt lên trên tất cả để đạt tới “một cái gì tuyệt đối, tột đỉnh và nền tảng.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Như thế, “theo Thầy” không có nghĩa là đi từ hư vô này sang hư vô khác, nhưng tới một hiện hữu tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thực vậy, “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10:40) Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10:30) Không những Người hiệp nhất với Chúa Cha, nhưng còn đồng hóa với các môn đệ (x. Mt 10:40) và người nghèo (x. Mt 26:40). Như vậy, khi “theo Thầy”, người môn đệ biết mình theo ai và phải làm gì.

SIÊU THOÁT

Càng từ bỏ càng siêu thoát. Nhân loại hôm nay đang cần những con người biết từ bỏ mọi sự để tìm chân lý. Nói khác, con người siêu thoát là một nhu cầu cấp thiết nhất cho sự sống còn của nhân loại. Nếu chết dí dưới đống dữ kiện khoa học và kỹ thuật, con người sẽ không tìm được hướng giải thoát cho chính cuộc sống. Nhân loại hôm nay đang căng thẳng vì lo âu mọi mặt. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thúc đẩy các Kitô hữu hãy cống hiến cho những người đang ưu tư đau khổ “những câu giải đáp của chân lý và hi vọng” bằng cách trình bày cho họ một triết lý siêu việt (Zenit 24/06/2002). Triết lý đó không đến với những con người suốt ngày cắm đầu vào những đống dữ kiện khổng lồ và chết ngộp trong đời sống dư thừa vật chất. “Song song với những khám phá khoa học lạ lùng và những tiến bộ kỹ thuật kỳ diệu, chúng ta đang chứng kiến hai mất mát lớn: mất mát Thiên Chúa và hiện hữu, mất mát linh hồn và nhân phẩm. Đôi khi sự kiện này sinh ra những hoàn cảnh khó khăn cần đến những câu trả lời trong chân lý và hi vọng.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Nếu không từ bỏ chính mình, con người sẽ không bao giờ tìm thấy những câu trả lời đó và sẽ không bao giờ khám phá thấy mình là ai. Quả thực, “văn hóa ngày nay nói và biết nhiều về con người, nhưng hình như không biết con người là ai. Thực vậy, con người chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn về chính mình trong ánh sáng Thiên Chúa. Con người là “hình ảnh Thiên Chúa – được tình yêu tạo dựng và được an bài sống hiệp thông đời đời với Thiên Chúa.” (ĐGH Gioan Phaolô II: Zenit 24/06/2002) Hình ảnh này chỉ tìm thấy nơi Đức Giêsu và những ai đang“theo Thầy”.[Mục Lục]

4. Vì người 

Ông Inhac Pađêrốtki, nhạc sĩ người Ba Lan. Một hôm, sau khi trình diễn, người ta gặp thấy ông ngồi im lặng sau hậu trường, vẻ mặt thẩn thờ, mắt nhìn xa xăm. Người nhạc công phụ diễn với ông, ngạc nhiên hỏi ông có đau bệnh gì không? Pađêrốtki trả lời: “Tôi vẫn khỏe. Tôi chỉ buồn vì thiếu mất hai người bạn. Họ là đôi vợ chồng có mái tóc màu nâu. Hôm nay vắng mặt họ tại hàng ghế thứ tư, nơi họ thường ngồi”. Người bạn kinh ngạc thốt lên: “Không ngờ ông lại có bạn nơi thành phố này. Ông quen thân với họ chứ?”. Pađêrốtki đáp: “Tôi biết họ rất rõ, nhưng tôi chưa bao giờ gặp họ hai mươi năm nay, cứ mỗi lần tôi đến đây trình diễn, họ đều có mặt tại hàng ghế ấy. Tôi mến họ cách thưởng thức nhạc. Họ là tư duy của tôi. Và tất cả những bản nhạc tôi chơi đều dành riêng để tặng họ. Hôm nay tôi mất hết hứng thú vì vắng họ”. Ngừng một lát, rồi ông tiếp: “Mong sao không có gì xảy ra cho họ”.

Chỉ nhờ vào cách thưởng thức nhạc mà đôi vợ chồng thính giả ấy đã được nhạc sĩ Pađerốtki dành trọn tài năng âm nhạc của ông cho họ. Một sự đáp trả vượt quá tưởng tượng. Tuy nhiên, sự đáp trả mà Chúa Giêsu hứa cho những kẻ theo Ngài còn vượt xa hơn biết bao. Khi chọn lựa theo Chúa Giêsu, người môn đệ biết sẽ không tránh được nhiều mất mát. Nhưng Thiên Chúa không để cho họ thiệt thòi. Ngài sẽ đền bù, một sự đền bù vượt xa mọi chờ mong. Trước mặt Thiên Chúa, sẽ không có gì bị bỏ quên. Một bát nước lã thôi cũng sẽ được đền bù xứng đáng. Và cũng không có việc làm nào là kém giá trị.

Đón tiếp một ngôn sứ sẽ lãnh phần thưởng của ngôn sứ. Đón tiếp người công chính sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Đón tiếp người rao giảng sẽ lãnh phần thưởng của người rao giảng. Chúa Giêsu đã nói như thế trong Tin mừng hôm nay. Người môn đệ đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành thực thi bổn phận. Với Thiên Chúa, bổn phận, dù công khai hay âm thầm, cũng vẫn luôn cần thiết. Thiên Chúa cần những con người ngày đêm nhiệt thành rao giảng, làm chứng cho Ngài, thì Ngài cũng cần những tiếp tay âm thầm hỗ trợ cho những con người ấy. Đây chính là niềm phấn khởi, hi vọng cho mỗi Kitô hữu. Tài hèn,sức kém, chúng ta không thể làm ngôn sứ, làm người lãnh đạo, hoặc làm kẻ gánh vác những trách vụ nặng nề, nhưng chúng ta vẫn có thể đóng góp một vài giúp đỡ cho những con người ấy.

Dù là vĩ nhân, cũng cần đến những nhu cầu căn bản của đời sống. Công chúng sẽ chẳng bao giờ biết đến những con người đứng sau hậu trường. Nhưng nếu không có họ thì xã hội chẳng thể nào có được các vĩ nhân. Lịch sử chỉ nhớ đến các vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại nhớ tất cả, chẳng bỏ sót một khuôn mặt nào. Phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân. Cũng có thể là các việc đạo đức của chúng ta không đặc biệt sáng chói để được gọi là người công chính, là thánh nhân. Tuy nhiên, nếu chúng ta góp phần làm cho một người khác trở thành công chính, góp phần bằng cầu nguyện, hi sinh, thì chúng ta cũng lãnh nhận triều thiên của người công chính.

Tìm hiểu thêm một chút nữa, chúng ta sẽ ý thức hơn và hiểu rõ hơn điều ấy: Càng đi tìm chính mình, chúng ta càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc của mình, chúng ta càng chết dần trong nỗi cô đơn. Niềm khao khát hạnh phúc, chúng ta chỉ có thể lấp đầy khi đến với tha nhân mà thôi. Đó là chân lý nền tảng về con người. Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thực sự là người khi biết sống cho tha nhân.

Qua cuộc tử nạn và cái chết của Ngài, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý ấy. Ngài bảo chúng ta: “Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Nhưng đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong tiền của, danh lợi, chức quyền, lạc thú riêng mình, thì rồi cũng chỉ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi. Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính qua những cử chỉ yêu thương chúng ta mới tìm được bản thân mình. Đó là chính là ý nghĩa của “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta vẫn thường hát: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”  [Mục Lục]

5. Thập giá 

Một trong những điều dễ chịu, thú vị trong đời sống là gặp được một người cởi mở, thân thiện, nồng nhiệt và mến khách. Lòng mến khách là một dấu ấn xác nhận người môn đệ chân chính của Đức Kitô.

Khi mùa đông dài chấm dứt, thì mùa xuân trở lại. Dọc theo đường phố, người ta vui mừng. Họ kéo màn và mở các cửa sổ. Không khí mát, ánh sáng mặt trời và hơi ấm tràn vào nhà họ. Họ thốt lên “Cám ơn Thiên Chúa vì mùa xuân về, cám ơn Thiên Chúa vì ánh sáng mặt trời!”

Thế rồi đúng lúc ấy, một người ăn xin xuất hiện ở cuối đường. Anh ta bị phát hiện qua những cửa sổ mở rộng. Dọc theo chiều dài của con đường những cửa sổ đóng lại từng cái một các tấm màn cửa kéo kín lại, và các then cửa gài chặt lại. Người ăn xin gõ vào mỗi cánh cửa nhà trên đường, nhưng không có cánh cửa nào mở ra cho anh ta.

Một cách tuyệt vọng, anh ta rời bỏ con đường và hướng về một nơi nào khác. Không lâu sau khi anh ta đi khỏi, các màn cửa lại được kéo ra lại, các cánh cửa một lần nữa mở ra. Ánh sáng mặt trời và không khí trong lành lại ùa vào. Và mọi người lại vui mừng.

Điều lạ lùng là nhà chúng ta luôn mở rộng để đón nhận ánh sáng mặt trời và không khí trong lành của Thiên Chúa nhưng thường không mở ra để đón nhận con cái của Người, đặc biệt khi người này đến trong cảnh cơ hàn.

Đức Kitô khuyến khích chúng ta phải mến khách. Ngày nay lòng mến khách rất khác với ngày xưa khi không cần khóa chặt cửa nhà mình. Khổ nỗi, những ngày ấy đã qua rồi. Ngày nay là thời buổi ổ khóa, then cài, lỗ quan sát, nhìn qua cửa, hệ thống báo động, chó… Vì thế ngày nay hơn bao giờ hết, cần đến lòng mến khách thân thiện. Trong thế giới ngày nay, có rất nhiều cảnh cô đơn, nhiều người xa lạ, ngoại kiều, kẻ tha hương.

Lòng mến khách đối với một người bạn không có gì đáng kể. Nó không bao hàm nguy cơ, và xem ra ân nghĩa có thể được đáp trả. Nhưng lòng mến khách đối với một người xa lạ đến với mình. Lòng mến khách không có nghĩa làm họ giống mình. Nó có nghĩa chấp nhận những người khác như họ vẫn thế. Điều này làm họ tỏa sáng sự xa lạ của họ, đồng thời vẫn trở thành thành viên của cộng đoàn.

Nếu những người Kitô hữu sống thành những khu đặc biệt cứ trong đó họ củng cố và bảo đảm cho chính họ và những đặc tính của họ thì thế giới còn hy vọng được điều gì? Đức Kitô kêu gọi chúng ta phải đến với người xa lạ. Và phần thưởng sẽ rất lớn. Người nói rằng ngay cả một hành động nhân từ nhỏ bé như cho uống một chén nước lã thì hành động này cũng sẽ được thưởng công. Nhưng cũng có phần thưởng trần thế và là những phần thưởng lớn – Sự phát triển hiểu biết, tình thân hữu và hợp tác là những điều mà những người láng giềng của chúng ta đòi hỏi.

Đó là một loại mùa xuân mà chúng ta có thể làm cho nó đến nhà và khu phố của chúng ta, một mùa xuân sẽ xua đuổi mọi đám sương mù của sợ hãi, nghi kỵ, thù hận. Đối với những môn đệ của Đức Kitô, lòng mến khách không phải là điều phụ thuộc ngoại lệ. Nó là trung tâm của Tin mừng. Và động lực tối hậu của nó luôn sáng tỏ, đón tiếp người xa lạ là đón tiếp chính Đức Kitô.

Lòng mến khách không phải mở cửa nhà mình cho bằng mở cửa tâm hồn mình. Mở cửa tâm hồn mình thường gặp những nguy cơ. Người ta có thể bị tổn thương. Nhưng mở cửa tâm hồn mình là bắt đầu sống. Đóng cửa tâm hồn mình là bắt đầu chết. [Mục Lục]

6. Từ bỏ – Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng 

Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho chị Mác-đa-la Mô-ra-nô, là một nữ tu thuộc dòng Đức Mẹ Phù Hộ. Ngay từ thuở niên thiếu, Mác-đa-la đã phải nếm mùi tang tóc, chỉ trong vòng một tháng, thần chết đã hai lần đến gõ cửa nhà chị và cướp mất hai cột trụ của gia đình: người cha và người chị cả, những ngày đen tối bắt đầu đè nặng trên vai bà quả phụ Ca-ta-ri-na với bốn đứa con thơ dại.

Hồi đó Mác-đa-la mới 8 tuổi, nhưng đã tỏ ra khôn ngoan và chín chắn, thấy mẹ đau buồn và khóc hoài, chị thường nói với mẹ: “Mẹ ơi, thôi đừng khóc nữa, chẳng bao lâu con sẽ khôn lớn và con hứa sẽ giúp mẹ thật nhiều như bố và chị Phan-xi-ca đã giúp mẹ vậy”. Nhưng không phải tới lúc khôn lớn mà ngay từ bây giờ, vì nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mác-đa-la đã ngồi xuống trước guồng tơ dệt chỉ mà chị Phan-xi-ca đã để lại.

Một hôm, tình cờ cha Ban-den-la, người anh họ của mẹ đến chơi và biết Mác-đa-la không được đi học, cha hứa sẵn sàng phụ giúp thêm vào nhu cầu vật chất của gia đình và trả tiền học phí cũng như tiền sách vở cho Mác-đa-la đi học. Sau hơn 10 năm chăm chỉ học tập, chị đã tốt nghiệp và trở thành một cô giáo trường làng, thế là Mác-đa-la đã bắt đầu làm việc để phụ giúp gia đình. Suốt 16 năm trời, chị đã giữ lời hứa với mẹ, hơn nữa, chị biết mẹ luôn ấp ủ một ước muốn thầm kín là có được một căn nhà với mảnh vườn nho nhỏ, những luống rau và mấy giàn nho ngon ngọt. Vì thế, chị đã chuyên cần làm việc và âm thầm dành dụm, giảm bớt chi tiêu không cần thiết. Đến ngày sinh nhật thứ 30 của mình, Mác-đa-la dẫn mẹ đến xem mảnh đất với căn nhà và khu vườn như mẹ mong ước, chị âu yếm nói với mẹ: “Thưa mẹ, đây là món quà con xin biếu tặng mẹ, con chỉ xin mẹ một điều là cho phép con tận hiến cuộc sống còn lại của con cho Chúa để đáp lại tiếng gọi của Ngài vẫn thúc giục con từ lâu rồi”.

Quyết định của Mác-đa-la đã gây đau khổ nhiều cho mẹ chị, cho cha xứ, bạn bè và các phụ huynh học sinh của chi, vì họ mất đi một người con hiếu thảo, một người bạn tốt, một giáo viên gương mẫu, một người giáo dân nhiệt thành việc tông đồ. Trái lại, trong tâm hồn chị trào dâng một niềm vui mừng, vì chị có thể thực hiện được ước mơ chị đã ấp ủ từ lâu.

Ngày chia ly không khỏi ngậm ngùi đau xót, nhưng chị đã tìm được sức mạnh nơi tình yêu và lời nói của Chúa: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy”. Đồng thời chị cũng được sự an ủi vì tin vào lời Chúa đã hứa: “Quả thật, Thầy bảo cho anh em rõ, không ai bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con, anh chị em vì nước Thiên Chúa mà lại chẳng lãnh nhận gấp trăm ở đời này và sẽ được sống đời sau”. Thật vậy, lời hứa ấy đã thể hiện qua suốt 30 năm sống đời tận hiến, trong đó, hơn 25 năm hăng say với sứ mệnh tông đồ giữa giới trẻ nghèo khổ, bị bỏ rơi tại đảo Xi-xi-li-a. Và Chúa đã thưởng cho chị qua việc Đức Giáo Hoàng tôn phong chị lên bậc chân phước để mọi người ngưỡng mộ và tôn kính.

Kể lại câu chuyện trên để minh họa cho bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng này là đoạn cuối trong bài giảng dạy về truyền giáo của Chúa Giêsu. Ngài nói với các tông đồ, và qua các ông, nói với mọi Kitô hữu về sự từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo làm môn đệ Ngài và Ngài hứa ban thưởng bội hậu cho họ. Tại sao Chúa đòi hỏi như vậy và đòi hỏi như vậy có nghịch lý không? Quả thực, con đường theo Chúa vốn đầy những nghịch lý, một trong những cái nghịch lý ấy là điều kiện để theo Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết điều kiện đó là phải từ bỏ tất cả: gia đình, của cải, nghề nghiệp và chính bản thân mình. Cái nghịch lý là ở chỗ đó. Muốn theo Chúa, phải từ bỏ hết, phải từ bỏ tất cả, nghĩa là coi Chúa hơn hết tất cả mọi người, hơn hết tất cả mọi sự và tin vào một mình Chúa thôi.

Có người cho rằng: những điều trên đây Chúa chỉ dạy riêng cho những người đi tu mà thôi, nói thế cũng đúng, nhưng những lời Chúa dạy đây không phải là không áp dụng được cho tất cả chúng ta, bởi vì với mỗi người, Chúa cũng đòi hỏi phải từ bỏ, không phải từ bỏ để đi tu hay để làm tông đồ cho Chúa, nhưng trong cuộc sống, chúng ta cũng có nhiều cái, nhiều điều và nhiều lần phải từ bỏ.

Tóm lại, trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Bài Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng. [Mục Lục]

7. Chúa trong anh em 

“Sự gì ngươi làm cho kẻ bé mọn”

Văn hào hiện sinh vô thần Jean Paul Sartres có nói: “Hỏa ngục là người khác!” Thật là câu nói quái gở, đi ngược lại hoàn toàn tinh thần Phúc Âm.

Đối với chúng ta, người khác là ai? Ta hãy nghe Chúa Giêsu trả lời: Người khác, chính là Ta: “Sự gì ngươi làm cho một kẻ bé nhỏ nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Người khác đó ở đâu? Làm sao tìm ra họ? Họ ở một thế giới khác? Họ ở chân trời góc biển, ở tận Châu Phi, Á châu xa lắc?

Không! Như Lazarô, họ ở ngoài cửa chúng ta. Họ là những người hèn mọn không ai nghĩ tới, những kẻ lạc loài, không cửa không nhà. Họ ở ngay đường phố, cùng chung cư hàng xóm chúng ta. Cũng có thể họ là những người trong gia đình, nhưng ta đã cố tình quên họ trong cảnh sống cô đơn, góa bụa, già cả của họ. Họ là “hỏa ngục của ta”, vì họ làm rầy ta trong cảnh sống “Thiên đàng” mà ta cho là đã tạo dựng được.

Hôm nay, qua bài Phúc Âm, Chúa dạy: “Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.

Chúa dạy chúng ta ân cần tiếp đón anh em, một vấn đề được Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến. Phúc Âm noái đến Chúa Kitô như một người khách mà người ta niềm nở đón tiếp hay là thờ ơ xua đuổi. Nên chú ý rằng Chúa Giêsu không bao giờ mời khách, nhưng Ngài luôn là khách được mời. Ngài đến cách riêng với người tội lỗi để có dịp gọi họ trở lại, như tại nhà Matthêô (Mt 9,10-18) và Giakêu (Lc 19,5-10). Ngài đến với gia đình quen thân của hai chị em Martha và Maria, cũng chỉ để nói lên một sự cần thiết nhất là lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ngài đến như một người khách lạ đến khuấy động lòng người, đặt lại mọi vấn đề. Vì thế, Gioan nói: “Người đến trong nhà Người và các gia nhân Người không tiếp nhận” (Ga 1,11)

Vì thế, chúng ta phải ân cần tiếp đón anh em trong niềm tin, vì người hành khất đến gõ cửa, người lao động đến xin việc làm, “người khách ấy chính là Ngài”.

Ở xứ Palestine, vấn đề nước là vấn đề sinh tử. Davit trong cánh đồng khô cháy Rơphaim (2 Samuel 23,15) đã kêu lên: “Chớ gì tôi được uống nước ở Belem!” Giọt nước ấy, Chúa Giêsu đã đến xin cùng thiếu nữ Samaria bên bờ giếng, giữa một trưa hè. Phải chăng nhiều lần Ngài cũng bị từ chối, nên Ngài hứa phần thưởng cho những ai cho kẻ khác chỉ một bát nước lã. Và phải chăng cách đón tiếp anh em ân cần hơn cả, là tìm cách cho họ được biết và sống với Chúa là “suối hằng sống”. “Ai tin Ta, thì như lời Thánh Kinh dạy: Từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38).

Thánh Bác sĩ Giuseppe Mascatti lúc đậu bác sĩ lúc 22 tuổi. Cả cuộc đời chuyên lo cho người nghèo ở thành Naples. Bác sĩ luôn khuyên bảo các thanh thiếu niên mà ông gặp gỡ điều này: trước khi uống thuốc lo đi xưng tội rước lễ đã. Ngài được tôn phong Hiển Thánh vào Chúa nhật cuối tháng 10 năm 1987.

Lạy Chúa, xin cho con tìm thấy Chúa trong người anh em. [Mục Lục]

8. Thiên Chúa là khởi nguyên và tận cùng 

(Suy niệm của Lm. Phêrô Trần Minh Đức)

“Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”. Lời của Đức Giêsu làm cho chúng ta cảm thấy sợ hãi, nóng lạnh, nổi da gà! Phải chăng chúng ta không nên nghĩ đến chuyện cải thiện, duy trì và bảo vệ cuộc sống của chúng ta? Đức Giêsu có dụng ý gì khi nói với chúng ta những lời lẽ như trên?

Khi nói về cuộc sống, chúng ta liên tưởng đến một cuộc sống bình nhật, một cuộc sống an lành, hạnh phúc dài lâu bên cạnh những người chúng ta thương mến. Đối với nhiều người thì thời gian khó khăn đen tối sau chiến tranh, sau những cơn bão lụt, hạn hán, là một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Điều đáng ngạc nhiên là: tiềm lực nào đã giúp con người trở nên tháo vát, có đủ khả năng để bảo vệ và duy trì mạng sống của mình cũng như thân nhân của mình? Phải chăng là “cái khó bó cái khôn”?

Ở Tây Âu sau đệ nhị thế chiến con người đã ra công tái thiết, xậy dựng. Chính trong thời gian khó khăn này cũng làm nẩy sinh không biết bao nhiêu những bậc tài ba lỗi lạc trong mọi lãnh vực. Con người đổ dồn tất cả vốn liếng để đầu tư, để phát triển cũng như bảo đảm cuộc sống. Ai cũng ham sống sợ chết. Bởi vậy càng văn minh tiến bộ thì càng nảy sinh nhiều loại bảo hiểm: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm mạng sống, bảo hiểm tai nạn lưu thông, bảo hiểm hưu dưỡng, … Tất cả đã trở thành chuyện tất nhiên và đáng mừng. Nhưng chúng ta phải tiép tục suy tư về hai chữ „bảo hiểm“. Phải chăng tất cả giúp con người bảo đảm cuộc sống? Dĩ nhiên là không rồi! Dù là bảo hiểm nào đi nữa cũng không giúp chúng ta trốn tránh cái chết. Tất cả đều biết: một ngày nào đó mình sẽ lìa đời. Nhưng hầu hết chẳng ai muốn nghĩ đến chuyện đó. Họ cho rằng, tôi còn trẻ, còn nhiều thời gian. Nhưng thần chết đôi lúc đến bất chợt. Đùng một cái con người phải đối diện với đống gạch vụn của những chương trình, kế hoạch cho cuộc sống của mình. Con người tự cảm thấy mình bất lực, không tài nào dựa vào khả năng mình để cứu vãn tình thế. Có lẽ chính tại đây họ phải tự hỏi: Đức Giêsu hiểu thế nào về cuộc sống?

Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con người như chúng ta. Lẽ dĩ nhiên Người cũng tha thiết muốn sống. Thực là kinh hãi khi Người phải chết trong lúc tuổi đời bước vào giai đoạn chín chắn, đầy hứa hẹn. Lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu xin cho mình tránh khỏi đau khổ và sư chết là một lời cầu xin chân thật tận đáy lòng. Nhưng Người sẵn sàng vâng theo ý Chúa Cha. Người sẵn sàng tự hiến. Người sẵn sàng chết để đánh đổi cho chúng ta một cuộc sống vĩnh cửu. Người đành mất mạng sống để đạt được sự sống mới. Chính Người đã phục sinh, đã đi trước chúng ta tiến vào thiên đàng.

Con đường của Đức Giêsu cũng là con đường dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được thế nào là mất hoặc tìm được sự sống khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Đức Giêsu. Ai nghĩ rằng, chỉ có cuộc sống trần thế là quan trọng hơn cả, thì kẻ đó sẽ tìm đủ mọi phương tiện để chiếm hữu của cải và tìm cách hưởng thụ, nhưng kẻ đó sẽ phải đối diện với cái chết với hai bàn tay trắng. Tất cả đều phải để lại khi đã xuôi tay. Kẻ đó không hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống con người. Ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Thiên Chúa là khởi nguyên, là trung điểm và tận cùng của cuộc sống con người. Do đó, ai đặt Thiên Chúa vào địa vị cao trọng nhất trong cuộc sống, kẻ đó hiểu giá trị đích thực của đời sống. Kẻ đó am hiểu những gì Thiên Chúa sẽ trọng đãi đối với kẻ mến yêu Ngài. Cho nên, dầu sống hay chết, dù sống an ninh hay trong nguy hiểm, tất cả đều nằm trong vòng tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Ai sống như thế, kẻ đó tìm được sự sống. [Mục Lục]

9. Xứng với Thầy  

Suy Niệm

Hai mươi sáu năm trời, vác một cây thánh giá gỗ, dài 3,6m, ngang 1,8m, nặng 18 kg, vượt qua 50.140 km, 227 quốc gia, 7 lục địa: đó là điều mục sư Arthur Blessit đã làm từ Noel 1969. Ông là người giữ kỷ lục đi bộ quãng đường dài nhất. “Tôi đã đi qua các sa mạc, rừng rậm, đã từng bị tấn công bởi voi, rắn, cá sấu. Tôi đã bị bắt giam 21 lần và suýt bị hành hình…” Chỉ còn 50 nước ông chưa đặt chân tới. Ông hy vọng sẽ hoàn tất chuyến đi này trước năm 2000. Như vậy ông sẽ là người đầu tiên đưa thánh giá đi khắp mọi nơi trên thế giới.

Cử chỉ của ông làm chúng ta suy nghĩ.

Vác thánh giá là chấp nhận nặng nề và bấp bênh, nặng nề vì khúc gỗ trên vai, bấp bênh vì nguy hiểm.

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ vác thánh giá của mình mà theo Ngài.

Chẳng có con đường nào tốt hơn con đường Ngài đã đi.

Con đường khó nghèo, khiêm hạ ở Bê-lem và Na-da-rét.

Con đường rao giảng trong nhọc nhằn ở phần đất xứ Galilê.

Con đường đầy đe dọa hiểm nghèo khi lên Giêrusalem.

Con đường hiến mình khi vác thánh giá lên Núi Sọ.

Chúng ta được mời gọi đi theo Ngài trên các con đường ấy, hay đúng hơn đi theo Ngài trên nẻo đường của đời mình, không cô đơn thất vọng, vì biết nơi mình sắp đến.

Thánh giá của chúng ta không phải là khúc gỗ, nhưng là những gì ta phải từ bỏ, dù rất yêu mến, những người ta phải yêu mến, dù rất muốn từ bỏ.

Chúng ta chỉ vác nổi thánh giá của mình nếu chúng ta dám yêu thực sự.

Chỉ khi yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta mới dám quên mình, bỏ mình, mất mình, hiến mình.

Điểm mới mẻ của Tân Ước là tình yêu đối với Đức Giêsu. Ngài đòi ta phải yêu Ngài hơn cha mẹ, hơn con cái.

Ngài còn đòi ta chịu mất mạng vì Ngài.

Nếu Đức Giêsu không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa, nếu Ngài đã không chết vì chúng ta trước, thì Ngài chẳng có quyền đòi hỏi những hy sinh như vậy.

Trải qua 20 thế kỷ, biết bao thế hệ Kitô hữu đã dám sống đến cùng tình yêu ấy.

Truyền giáo không phải chỉ là thông truyền đức tin mà còn là thông truyền tình yêu, là làm cho Đức Giêsu được mọi người yêu mến.

Nhưng trước hết, chúng ta phải cảm nghiệm được Tình Yêu để cả cuộc đời ta là lời đáp cho Tình Yêu, là cuộc sống sao cho xứng với Thầy (c.37.38).

Ước gì chúng ta yêu Đức Giêsu trên mọi sự, yêu mọi sự trong Ngài và dưới Ngài, chấp nhận mất cái tôi nhỏ mọn, để được cái tôi triển nở.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn hãy chia sẻ một kinh nghiệm về mất để rồi được lại hay một kinh nghiệm về tưởng được mà lại mất.

Từ bỏ, hy sinh là những điều không hấp dẫn con người hôm nay, nhưng bạn có thấy chúng hết sức cần thiết không? Làm sao để dễ từ bỏ mình khi phải chung sống với người khác?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã) [Mục Lục]

10. Người môn đệ Đức Kitô

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

  1. TẤM BÁNH LỜI CHÚA: Mt. 10, 37-42
  2. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Chuẩn bị nhân sự tiếp nối công việc truyền giáo ở trần gian, Chúa Giêsu đã tuyển chọn các môn đệ. Tuyển chọn rồi Chúa còn đào tạo để các ngài nên những chứng nhân trung thành của Chúa. Hôm nay, Chúa nêu lên những đức tính cần thiết của người môn đệ.

Người môn đệ của Chúa phải có tâm hồn quảng đại.

Tiên tri Elisêô đã hào phóng đối với gia đình tiếp đón Ngài. Tiên tri là hình ảnh đẹp về các môn đệ của Chúa. Người môn đệ là đại diện cho Đấng sai mình. Người đại diện tốt phải là người trình bày được dung mạo của Đấng sai mình. Chúa Giêsu, Đấng sai ta là người vô cùng rộng lượng. Người đến trần gian không phải để thu tích mà để ban phát. Trọn cuộc đời, Người ban phát không biết mệt mỏi. Người đến không phải để xét xử, luận phạt, nhưng để tha thứ. Người tha thứ một cách dễ dàng cho tất cả những tội nhân đến với Người. Người đến không phải để giết chết, nhưng là để cứu chữa. Người đến cho ta được sống và sống dồi dào. Người môn đệ của Chúa cũng phải có tâm hồn quảng đại, rộng lượng, bao dung như Chúa.

Người môn đệ của Chúa phải sống khiêm nhường.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gọi các môn đệ là những người bé mọn. Chống lại những thói kiêu căng, phô trương, Chúa Giêsu luôn thao thức sao cho các môn đệ của Người trở nên bé nhỏ, khiêm nhường. Bé nhỏ trong tâm tình đạo đức để phó thác mọi sự trong tay Cha. Bé nhỏ về của cải, đừng mang “hai áo, mang theo túi tiền”. Bé nhỏ trong cách cư xử với nhau, đừng tranh giành chỗ nhất, nhưng hãy chọn chỗ chót. Bé nhỏ để quỳ xuống phục vụ: “như Thầy đã rửa chân cho các con, các con hãy rữa chân cho nhau”. Bé nhỏ để sau khi làm mọi việc rồi, hãy nhận mình là “tôi tớ vô duyên bất tài”.

Người môn đệ của Chúa phải biết tập trung vào Chúa Kitô.

Người môn đệ là người chọn Chúa Kitô làm lý tưởng. Người môn đệ cũng là người đi làm chứng về Chúa Kitô. Vì thế mọi lời ăn tiếng nói, cả đến tâm tư tình cảm phải qui hướng về Chúa Kitô. Chúa Kitô phải chiếm vị trí ưu việt trong tâm hồn người môn đệ. Nói thế không có nghĩa là người môn đệ chối bỏ mọi tình cảm chính đáng, dứt lìa những mối liên hệ gia đình. Nhưng có nghĩa là từ nay người môn đệ có yêu thương ai thì cũng là yêu thương trong tình yêu của Chúa Kitô và bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Người môn đệ của Chúa sống cho Chúa và chết cho Chúa.

Chúa Giêsu không sống vì mình và cho mình. Người luôn sống vì và cho người khác. Người sống vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Nên mọi việc Người làm đều vì Chúa Cha và cho Chúa Cha. Người là tình yêu hoàn hảo dâng tặng Chúa Cha. Nên Người đã “vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá”. Người sống vì con người và cho con người. Nên người đã ban tặng chính sự sống của Người cho nhân loại, đã hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhân loại.

Nên thánh Phalô khuyên người môn đệ của Chúa hãy bắt chước Chúa mà chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Kitô. Hãy yêu mến, sống cho Chúa và chết cho Chúa. Chắc chắn ta không chết một lần, nhưng sẽ chết dần mòn. Chết cho tội lỗi để không bao giờ phạm tội nữa. Chết trong quên mình âm thầm. Chết trong những hy sinh nhỏ bé. Chết trong nhiệt thành phục vụ nước Chúa. Chính khi chết đi như vậy, ta lại được một sự sống mới tràn ngập tâm hồn, sự sống sung mãn, phong phú của Thiên Chúa. Chỉ có những ai đã trải qua cái chết, mới cảm nghiệm được sự sống ấy, Thánh Phanxicô chắc chắn đã trải qua cuộc lột xác ấy nên mới thốt ra được những lời bất hủ: “Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời”. Vì thế thánh nhân đã trở nên môn đệ đích thực của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, xin thanh luyện tâm hồn con, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1- Chúa Giêsu muốn cho môn đệ của Chúa có những phẩm chất nào?

2- Những gì Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ, Người có thực hành không?

3- Đào tạo nhân sự cho Hội Thánh. Bạn nghĩ đến việc này thế nào? Quan tâm? Giúp đỡ? Đóng góp?. [Mục Lục]

11. Sự hiếu khách và con Thiên Chúa 

Sự hiếu khách là một đức tính tốt đẹp mà đôi khi nó dẫn đến nhiều ngạc nhiên và sinh ra những kết quả không ngờ. Trong bài đọc I, người đàn bà xứ Shunem chứ không phải người Israel. Dù người Shunem thường bị người Israel khinh miệt, coi họ như dân ngoại, bà ta đã nhận biết tiên tri Êlisêô là một vị thánh. Bà đã thuyết phục được chồng bà để tỏ lòng hiếu khách với người của Thiên Chúa, vị tiên tri đã chấp nhận sự hiếu khách này với một sự ngạc nhiên. Phần thưởng bất ngờ mà người đàn bà được là một năm sau bà hạ sinh được một cậu bé trai, và bà vui sướng với phần thưởng đó trong một thời gian dài.

Đoạn văn này đã báo trước lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong Phúc âm: “Người nào tiếp đón một tiên tri mang danh là tiên tri thì nhận phần thưởng của một tiên tri”. Phần thưởng của người đàn bà xứ Shunem là đứa bé trai, đứa con do chính máu huyết của bà sinh ra. Chúa Giêsu đã nói với mọi người: “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy”. Khi chúng ta tỏ ra hiếu khách với tha nhân, chúng ta cũng sẽ nhận được một bé trai, nhưng không phải do máu huyết của chúng ta sinh ra. Chúng ta lãnh nhận người Con đời đời của Chúa Cha. Khi chúng ta đến với tha nhân là chúng ta đến với chính Đức Kitô.

Thánh Martin thành Tour là một mẫu gương. Ngài thường được xem là con người đầu tiên được tôn kính như một vị thánh mà không phải do tử vì đạo. Ngài sinh ra tại Pháp vào lúc mà cuộc bách hại đạo đang đến hồi chấm dứt. Chưa có ai được những thiện nam tín nữ kính trọng như một vị thánh trong Giáo hội sơ khai trước đó như ngài, những người đã chết giống như Đức Kitô và vì Đức Kitô. Bây giờ điều quan trọng là bắt đầu chuyển đến sống vì Đức Kitô và để yêu mến Đức Kitô.

Khoảng đời của thánh Martin đã nêu cao chân lý yêu thương tha nhân là thật sự yêu thương Đức Kitô. Trong lúc thánh Martin đang còn là một người đang học giáo lý theo đạo và đang phục vụ trong quân đội, ngài đang thi hành phiên gác trong một đêm đông giá lạnh thì gặp một người nghèo khổ đang run rẩy vì quần áo của ông ta như một mớ giẻ rách, đứng trước mặt ngài. Thánh nhân liền cởi chiếc áo choàng của mình, rút gươm cắt chiếc áo choàng ra làm hai mảnh và đưa một mảnh cho người ăn xin nghèo khổ đó. Sau đó, trong lúc ngủ, Martin nằm mơ thấy Đức Kitô khoác mảnh áo khoác mà ngài đã cho người ăn xin. Ngài nghe Đức Kitô nói: “Hỡi Martin, tuy con mới học giáo lý để theo đạo, mà con đã cho Ta chiếc áo này”.

Đoạn văn trên đã minh họa phần cốt yếu của đức tin chúng ta về Đức Kitô. Là những người công giáo, chúng ta tin rằng Đức Kitô hiện diện trong từng lời Thánh Kinh và Người nói với chúng ta khi Lời Chúa được tuyên đọc trong nghi thức phụng vụ. Chúng ta tin rằng Đức Kitô đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể và trên bàn thờ khi chúng ta cử hành sự chết và sự phục sinh của Người. Cùng với những xác tín trên chúng ta phải tin rằng Chúa Kitô đang hiện diện nơi mọi người, khi chúng ta phục vụ tha nhân là chúng ta phục vụ Người, và khi chúng ta phớt lờ người khác là chúng ta phớt lờ chính người. Chúng ta phải có một đức tin bao gồm nơi thực tại của Đức Kitô, nơi Lời Chúa, nơi bí tích Thánh Thể và nơi mọi người. Phụng vụ không phải là một sự sùng kính riêng tư, một quan hệ cá nhân giữa Thiên Chúa với một người nào đó. Đó là sự diễn tả của Giáo hội, trong một thân xác và một tinh thần trong Đức Kitô. Sự hợp nhất trong Đức Kitô phải chuyển động cách sống của chúng ta.

Khi chúng ta đến với những người không nhà, những người đói khát, chúng ta phải nhận ra Đức Kitô ở trong họ. Khi chúng ta để ý đến những bà mẹ trẻ, cô độc đang mang thai, những người cần chúng ta chăm sóc, chúng ta phải thấy Đức Kitô trong họ. Khi chúng ta nhận ra những ngoại kiều, ủng hộ hay chống đối chúng ta đang ở giữa chúng ta, chúng ta phải biết rằng Đức Kitô cũng là một người ngoại quốc. Và chúng ta phải hành động theo lời dạy của Chúa. Chúng ta phải luôn luôn tiếp đón Đức Kitô và đừng ngoảnh mặt đi. Những người công giáo phải ngạc nhiên nếu mình không hiếu khách. Sự tử tế sẽ là một diễn tả đích thực của đức tin chúng ta.  [Mục Lục]

12. Chỗ đứng của Thiên Chúa 

Thiên Chúa có chỗ đứng nào trong cuộc đời chúng ta?

Đọc lại Kinh Thánh chúng ta thấy ngày xưa dân Do Thái rất nhiều lần đã quì gối thờ lạy con bò vàng. Họ chọn con bò vàng làm thần tượng thay cho Thiên Chúa. Còn ngày hôm nay, nhiều người trong chúng ta cũng đã chọn lầm thần tượng cho mình. Con bò vàng ngự trị trong thẳm sâu cõi lòng họ là tiền tài, là danh vọng, là lạc thú…

Còn chúng ta thì sao? Mang danh hiệu là Kitô hữu, rất nhiều lần chúng ta đã tuyên xưng đức tin, đã chọn lựa Đức Kitô và đã dành cho Ngài địa vị số một trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta liên tục thực hiện khẩu hiệu sau đây:

– Thiên Chúa là thứ nhất, tha nhân là thứ hai, còn tôi là thứ ba.

De Leo là một quân nhân Hoa Kỳ, sau khi từ giã chiến trường Việt Nam trở về, anh kiếm được một chân canh giữ tượng nữ thần tự do ở Nữu Ước. Công việc của anh là chăm sóc cho ngọn đuốc trong tay và chiếc mũ triều thiên trên đầu bức tượng.

Anh phải làm thế nào cho ngọn đuốc luôn cháy, những khung cửa sổ bằng kính nơi ngọn đuốc và mũ triều thiên lúc nào cũng sạch sẽ. Chỉ vào ngọn đuốc, anh hãnh diện nói:

– Đó là ngôi nhà nguyện của tôi. Tôi dâng hiến nó cho Chúa và tôi thường lên đó để cầu nguyện vào những lúc rảnh rỗi.

Đối với anh, Thiên Chúa là thứ nhất.

Tuy nhiên, anh còn làm được nhiều việc khác nữa. Hội Hồng thập tự đã cấp giấy khen cho anh sau khi anh hiến nửa lít máu lần thứ sáu mươi năm. Khi hay biết những công việc bác ái Mẹ Têrêsa đang làm bên Ấn Độ, anh đã gửi tặng Mẹ 12.000 đô la, ngòai ra anh còn bảo trợ cho sáu em bé mồ côi, thông qua các tổ chức từ thiện.

Và như thế, đối với anh, tha nhân là thứ hai.

Riêng bản thân anh thì như thế nào? Chính anh đã nói với phóng viên tờ Los Angeles Times như sau:

– Tôi chẳng giàu xã hội tính, cũng chẳng bận áo quần hợp thời trang, nhưng tôi có được tính khôi hài. Tuy nhiên vấn đề là tôi không có đủ tiền để cưới vợ, và cũng chả giữ lại được đồng nào làm của riêng.

Và như thế đối với anh, bản thân mình là thứ ba.

Lúc đầu mọi người đều nhìn anh bằng cặp mắt nghi ngờ và họ mỉm cười, nhưng giờ đây thì tất cả đều nhìn nhận anh một cách nghiêm chỉnh và anh thực xứng đáng với danh hiệu là người giữ ngọn lửa của nữ thần tự do.

Với chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải đặt Chúa vào địa vị, vào chỗ đứng số một, đồng thời phải cố gắng thực thi sự lựa chọn ấy suốt dọc cuộc đời của mình. Như trái đất xoay quanh mặt trời thế nào, thì mọi tư tưởng, mọi lời nói và mọi việc làm của chúng ta cũng phải xoay quanh Đức Kitô như vậy, để rồi chúng ta có thể nói lên như thánh Phaolô:

– Tôi sống, những không còn là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi.

Nói cách khác, Đức Kitô chính là thần tượng số một của lòng chúng ta.

Có như vậy thì trong ngày sau hết, chúng ta mới được Ngài đón nhận vào quê hương nước trời. [Mục Lục]

13. Bước theo Chúa 

“Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, kẻ ấy không xứng đáng làm môn đệ Ta”.

Nhìn vào cuộc sống, chúng ta thấy nhiều người đã lên tiếng thán phục Chúa, nhưng lại không dám bước theo Người. Họ giống như một em bé ngồi xem xiếc. Em há hộc miệng ngạc nhiên và khâm phục người đi thăng bằng trên sợi dây mong manh. Khi người ấy nhìn xuống và hỏi:

– Em có tin rằng tôi có thể vác em mà đi trên sợi dây này không?

Em không ngần ngại trả lời:

– Chắc chắn là ông làm được.

Thế nhưng, khi người ấy nói với em:

– Vậy em hãy lên đây và tôi sẽ vác em mà đi trên dây.

Nghe vậy, em bé liền sợ hãi và từ chối lời mời gọi, mà theo em, thật là đầy nguy hiểm.

Với chúng ta cũng thế. Nhiều người trong chúng ta luôn nói rằng mình tin Chúa, nhưng lại không dám bước theo Người. Họ chỉ là những kẻ dám đốc, dám xúi mà lại chẳng dám làm. Và nếu có làm, có bước theo Chúa, thì chỉ làm, chỉ bước theo trong một mức độ nào đó mà thôi. Họ theo Người đến bên thập giá, chứ không dám theo Người đến độ đóng đinh mình vào thập giá.

Có những lúc trong cuộc sống, đau khổ và thử thách đã xảy ra như muốn vùi dập chúng ta, khiến chúng ta bị cám dỗ chối bỏ Chúa, khước từ thập giá và không bước theo Người nữa. Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta phải làm gì?

Tôi xin thưa:

– Chúng ta hãy thầm nhủ rằng chính Chúa đã từng có những lúc cảm thấy thập giá của mình như nặng quá sức. Chẳng hạn trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu, Người đã cầu nguyện: Xin Cha cất chén đắng này cho con, nhưng không theo ý Con, một theo ý Chúa mà thôi. Đề rồi cuối cùng Người đã chấp nhận thập giá, đồng thời cũng đã chấp nhận cho một kẻ xa lạ là ông Simong vác đỡ Ngài trên đường lên đỉnh Canvê.

Thực vậy, là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian, thế mà Người đành thú nhận với bản thân và với thế gian răng mình không đủ sức vác nồi thập giá, huống nữa là chúng ta. Bởi đó, phải khiên nhường noi gương Người, khi thập giá đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của chúng ta.

Ngoài ra, chúng ta cũng hãy kêu xin Người giúp đỡ. Người đã biết tjhế nào là sức nặng của thập giá, thế nào là lảo đảo và té ngã khi vác thập giá, chắc hẳn Người sẽ hiều biết và thông cảm với chúng ta, vì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Đồng thời chúng ta cũng cần phải nhờ đến những người chung quanh, như cha mẹ, anh em và bè bạn, như Chúa Giêsu đã nhờ đến ông Simong ngày xưa.

Tin Mừng hôm nay mời hỏi chúng ta hãy kiểm điểm đời sống và tự vấn lương tâm xem chúng ta có khiêm nhường như Chúa Giêsu khi thập giá đổ xuống trên cuộc đời chúng ta hay không? Chúng ta có kêu cầu Chúa và những người thân yêu để giúp đỡ chúng ta khỏi thất vọng nản chí hay không?

Và cuối cùng, bản thấn chúng ta cần phải cố gắng để không trở nên một thập giá, một gắnh nặng cho người khác đã đành, mà hơn thế nữa, còn phải tích cực giúp đỡ họ vác lấy cây thập giá cuộc đời, là những hy sinh gian khổ trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cũng phải kiểm điểm và tự vấn lương tâm xem chúng ta đã cư xử thế nào đối với những người đang cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta đã sẵn sàng hay tứ chối, chúng ta đã giúp đỡ họ một cách vui vẻ hay miễn cưỡng.

Hãy bắt chước Chúa Giêsu mà vác lấy cây thập giá đời mình, đồng thời cũng hây bắt chước ông Simong, giúp đỡ người khác trong khi họ đang vác lấy thập giá mà bước theo Chúa. [Mục Lục]

 

Sưu tầm

3 Phản hồi

  1. “A-lê con mọn. tay dọn thư này, trình bày để cha mẹ biết, vốn con đã quyết.Giữ tiết đồng trinh. Cha mẹ ép tình, nên đành trốn vậy!…”
    Xin Admin cho xin bài thơ đầy đủ được không ạ.
    Chúc ad lớn mạnh trong ân sủng.

    • Xin cho in đầy đủ bài “Thuở xưa người nươc Roma, con nhà sang trong tên là …………….. A-lê con mọn. tay dọn thư này, trình bày để cha mẹ biết, vốn con đã quyết. Giữ tiết đồng trinh. Cha mẹ ép tình, nên đành trốn vậy!…”
      Chân thành đa tạ Administrators
      PS: Ngày xưa khi còn bé thương nghe me ru em bé như vậy, bây giờ chỉ còn nhớ lại loáng thoáng mấy câu vậy thôi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *