Con thơ phó thác (01.10.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXVI Thường Niên năm C)

Lời Chúa:Mt 15,1-5
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

1. SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng theo thánh sử Mát-thêu hôm nay, thuật lại giáo huấn của Đức Giêsu, khi các môn đệ đến thắc mắc với Người: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “.

Đi theo Đức Giêsu một thời gian khá lâu, các môn đệ chợt nhớ đến hạnh phúc Nước Trời và những điều Người rao giảng; các ông nghĩ sâu xa hơn: Khi Nước Trời hiển trị, thứ bậc trong đó sẽ được phân định như thế nào? dựa vào tiêu chí nào?. Thấu hiểu được suy nghĩ của các môn đệ, Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp điều các môn đệ thắc mắc, nhưng Người gợi lên trong tâm trí các môn đệ điều kiện để được vào Nước Trời trước đã; đó là “hãy trở lại mà nên như trẻ nhỏ”.

Hình ảnh em bé đơn sơ, hồn nhiên gợi nên nét thánh thiện, cao quí của con người thuở ban đầu Thiên Chúa mới tạo dựng; điều đó thật đáng trân trọng. Nhưng chuẩn mực “trẻ nhỏ” Đức Giêsu đề ra như một đòi hỏi tất yếu để được vào Nước Trời, lại không nằm ở vẻ dáng, hình thức, mà nằm ở đặc tính trẻ thơ của nó. Đức Giêsu đề cao trẻ nhỏ vì chúng biết sống lệ thuộc vào người lớn; chúng tin tưởng, cậy dựa và đơn sơ sống trong sự chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ của cha mẹ; trẻ nhỏ hoàn toàn gắn bó với cha mẹ và vâng nghe những điều cha mẹ dạy bảo, khuyên răn.

Đặc tính nêu trên của trẻ nhỏ trở thành một chuẩn mực cho những ai muốn bước theo Đức Giêsu và trở nên môn đệ của Người. “Trở lại” mà nên như trẻ nhỏ tức là chân thành, khiêm tốn nhìn lại lối sống của mình, nhận biết thân phận yếu đuối, mỏng dòn, tội lỗi và kém cỏi; đồng thời cậy dựa vào ân sủng của Thiên Chúa, từ bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới, con người đã được biến đổi nhờ Tin Mừng cứu độ là chính Đức Giêsu Kitô.

Theo lẽ tự nhiên, mỗi người đều có “cái tôi”,  “cái tôi” luôn bị thôi thúc ham muốn được đề cao, chiếm được vị trí tốt; từ đó, phát sinh tính tự cao, tự đại, tự đắc, tự tôn, tự ti và mặc cảm. Khi đặt vấn đề ai là người lớn nhất trong Nước Trời, chắc hẳn các môn đệ của Đức Giê-su đang nghĩ đến một “quốc gia” nơi trần gian và các ông đang suy tư về vị trí của mình trong “nước” đó; làm sao các ông tránh khỏi không nghĩ tới công  xá qua những việc mình đã làm, như vất vả hơn, chịu thương chịu khó hơn, làm nhiều hơn, được Thầy quan tâm- yêu mến nhiều hơn…

Lòng tin vào Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải trở nên một trẻ nhỏ: nghĩa là phải tín thác cuộc đời, gắn bó, lệ thuộc vào Người. Điều này đòi hỏi các ông phải hoán cải, tức là từ bỏ bản thân cách triệt để để mặc lấy tinh thần hy sinh và dấn thân đi theo Người. Giá trị sự cao trọng của người môn đệ chính là ở chỗ từ bỏ bản thân với những danh vọng, lợi lộc vật chất để trở nên “trẻ nhỏ” mà dấn thân.

Từ ngữ “trẻ nhỏ, em nhỏ, kẻ bé mọn” còn được hiểu theo nghĩa ẩn dụ của Thánh Kinh: ám chỉ những ai bị người đời đánh giá thấp, coi thường; còn trong lãnh vực đức tin từ “em nhỏ này” còn muốn nói đến những người còn yếu kém về đạo lý; tất cả những người như thế đều phải được tôn trọng, đón nhận.

Đức Giêsu giúp các môn đệ giải tỏa thắc mắc của chính mình khi Người kết luận “ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”; đồng thời Đức Giê-su cũng đồng hóa chính Người với trẻ nhỏ khi nói “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.

Hôm nay lễ kính Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giêsu, một chứng nhân cho tinh thần “trẻ nhỏ” mà Tin Mừng Đức Giê-su đề cập đến và mời gọi nhân loại đón nhận. Thánh nữ đã hoàn toàn tín thác cuộc đời cho Thiên Chúa khi dâng mình trong tu viện dòng kín Ca-mê-lô ở Lisieux; ngài vui vẻ đón nhận những đau đớn do bệnh tật nơi thân xác và những hy sinh, hãm mình trong công việc hằng ngày của tu viện; như một trẻ thơ yêu mến, tin tưởng làm theo hướng dẫn của cha mẹ, thánh nhân nỗ lực biến mọi hành động dù nhỏ nhặt như lượm một cọng rác hay những việc nặng nhọc được bề trên giao cho, thành dụng cụ thể hiện lòng kính yêu Thiên Chúa và mến yêu các linh hồn. Thánh nữ tâm sự: Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn.” Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Trở lại để trở nên như trẻ nhỏ: khiêm tốn nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót trong bổn phận của người tín hữu mà chỉnh sửa, hoán cải; đồng thời mặc lấy tinh thần đơn sơ, phó thác; sống chân thành và tuân phục như trẻ nhỏ luôn gắn bó, lệ thuộc vào cha mẹ; tôi cũng phải tín thác vào quyền năng của Người như vậy và thực thi điều Người dạy bảo.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con biết trở nên như trẻ nhỏ trong Tin Mừng, luôn sống chân thành, đơn sơ; và cho chúng con biết từ bỏ chính mình cách triệt để; nhờ đó, con vững tin vào Chúa, gắn bó cuộc đời với Chúa và lệ thuộc hoàn toàn vào đường lối của Người.

3. SỐNG TIN MỪNG

Hoán cải và vâng phục giáo huấn của Đức Giê-su và Hội thánh Người trong tinh thần “con thơ phó thác”