ĐTC thăm Venezia: Thánh Lễ tại quảng trường thánh Máccô

Hoạt động cuối cùng trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Venezia là thánh lễ tại Quảng trường thánh Maccô với khoảng 10.500 tín hữu. Đức Thánh Cha đến quảng trường lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật thứ V Phục Sinh với bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói: Thầy là cây nho, anh em là cành, ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.

Vatican News

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chúa Giêsu là cây nho, chúng ta là cành. Và Thiên Chúa, Người Cha nhân hậu và tốt lành, làm việc với chúng ta như một người nông dân kiên nhẫn để cuộc sống của chúng ta sinh nhiều hoa trái. Vì thế, Chúa Giêsu khuyên chúng ta hãy bảo vệ món quà vô giá là sự liên kết với Người, vì sự sống và hoa trái của chúng ta phụ thuộc vào đó. Người lặp đi lặp lại: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. […] Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,4). Chỉ những ai tiếp tục hiệp nhất với Chúa Giêsu mới sinh hoa trái. Chúng ta dừng lại ở điểm này.

Chúa Giêsu sắp kết thúc sứ mạng trần thế của Người. Trong Bữa Tiệc Ly với các tông đồ, cùng với Bí tích Thánh Thể, Người ban cho họ một số lời quan trọng. Một trong những lời đó là: “ở lại”giữ cho mối liên kết với Thầy được sống động, giữ sự hiệp nhất với Thầy như cành với cây nho. Bằng cách sử dụng hình ảnh này, Chúa Giêsu sử dụng một ẩn dụ Kinh thánh mà dân chúng đã biết rõ và họ cũng gặp khi cầu nguyện, như trong thánh vịnh nói: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại / tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem / xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (Tv 80,15). Israel là vườn nho được Chúa trồng và chăm sóc. Và khi dân chúng không sinh hoa trái tình yêu như Chúa mong đợi, thì tiên tri Isaia đưa ra lời buộc tội bằng dụ ngôn người nông dân làm vườn nho của mình, dọn sạch đá và trồng những cây nho quý để sinh ra rượu ngon, nhưng ngược lại nó chỉ tạo ra nho chua. Và vị tiên tri kết luận: “Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh / chính là nhà Ít-ra-en đó ; / cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, / ấy chính là người xứ Giu-đa. / Người những mong họ sống công bằng, / mà chỉ thấy toàn là đổ máu ; /đợi chờ họ làm điều chính trực, / mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Is 5,7). Chính Chúa Giêsu, dùng lời ngôn sứ Isaia, kể dụ ngôn đầy bi kịch về những tá điền giết người, cho thấy sự tương phản giữa công việc kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự từ chối của dân Người (xem Mt 21,33-44).

Vì vậy, ẩn dụ về cây nho, diễn tả sự yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với chúng ta, mặt khác, lại cảnh báo chúng ta, bởi vì, nếu chúng ta cắt đứt mối liên kết này với Chúa, chúng ta không thể sinh ra hoa trái là một cuộc sống tốt lành và chính chúng ta có nguy cơ trở thành những cành nho khô và bị quăng đi.

Anh chị em thân mến, theo hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng, tôi cũng nghĩ đến lịch sử lâu đời liên kết Venezia với công việc của những vườn nho và việc sản xuất rượu nho, với sự cần mẫn của nhiều người làm rượu nho và với vô số vườn nho trên các đảo của Vịnh và trong các khu vườn giữa các con đường của thành phố, và với công việc của các đan sĩ sản xuất rượu nho cho cộng đoàn của họ. Trong ký ức này về nho và rượu, không khó để hiểu sứ điệp của dụ ngôn về cây và cành nho: niềm tin vào Chúa Giêsu, sự liên kết với Người không giam cầm sự tự do của chúng ta, nhưng trái lại, mở ra cho chúng ta đón nhận nhựa tình yêu của Thiên Chúa, là thứ làm nhân lên niềm vui của chúng ta, chăm sóc chúng ta với sự cần mẫn của một người làm rượu giỏi và làm cho những mầm non mọc lên ngay cả khi mảnh đất cuộc đời chúng ta trở nên khô cằn. Nhiều lần trái tim của chúng ta trở nên khô cằn.

Nhưng ẩn dụ xuất phát từ trái tim của Chúa Giêsu cũng có thể được đọc bằng cách nghĩ về thành phố được xây dựng trên mặt nước này, và được nhận biết, bởi tính độc đáo của nó, là một trong những nơi mang lại nhiều cảm xúc nhất trên thế giới. Venezia là một thành phố nổi mọc lên từ nước, và nếu không có sự chăm sóc và bảo vệ cho khung cảnh tự nhiên này, thì nó thậm chí có thể không còn tồn tại. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy: chúng ta cũng vậy, luôn được dìm mình trong những nguồn tình yêu của Thiên Chúa, đã được tái sinh trong Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được tái sinh vào cuộc sống mới nhờ nước và Chúa Thánh Thần và được tháp nhập vào Chúa Kitô như những cành nho. Nhựa của tình yêu này chảy trong chúng ta, nếu không có nhựa, chúng ta sẽ trở thành những cành khô không sinh hoa trái. Chân phước Gioan Phaolô I, khi còn là Thượng phụ của thành phố này, đã từng nói rằng Chúa Giêsu “đã đến để mang lại sự sống đời đời cho loài người […]”. Và ngài nói tiếp: “Sự sống đó ở trong Người và truyền từ Người cho các môn đệ, như nhựa được đẩy lên thân rồi đến cành. Đó là nguồn nước mát mà Chúa ban, một nguồn nước không ngừng tuôn chảy” (A. LUCIANI, Venezia 1975-1976. Tác phẩm Toàn tập. Các bài phát biểu, bài viết, bài báo, tập VII, Padua 2011, 158).

Anh chị em thân mến, đây mới là điều quan trọng: ở lại trong Chúa, ở trong Người. Và động từ này – ở lại – không nên được hiểu như một điều gì đó tĩnh tại, như thể muốn nói chúng ta hãy ở yên, đứng lại trong sự thụ động; thực tế, động từ này – ở lại – mời gọi chúng ta di chuyển, bởi vì ở lại trong Chúa có nghĩa là lớn lên trong mối tương quan với Người, đối thoại với Người, đón nhận Lời Người, bước theo Người trên con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa. Do đó, đây là việc để mình bước theo sau Người, để cho mình được chất vấn bởi Tin Mừng của Người và trở thành chứng nhân cho tình yêu của Người.

Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng ai ở lại trong Người thì sinh hoa trái. Và đây không phải là bất kỳ loại trái cây nào! Trái của những cành có nhựa lưu thông là trái nho, và trái nho làm nên rượu nho, đó là một dấu chỉ thiên sai tuyệt hảo. Thật vậy, Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai được Chúa Cha sai đến, đã mang rượu tình yêu của Thiên Chúa vào tâm hồn con người và làm cho họ tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Anh chị em thân mến, đây là hoa trái mà chúng ta được kêu gọi mang lại trong cuộc sống, trong các mối tương quan của chúng ta, ở những nơi chúng ta thường lui tới hàng ngày, trong xã hội của chúng ta, trong công việc của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào thành phố Venezia ngày nay, chúng ta ngưỡng mộ vẻ đẹp kỳ diệu của nó, nhưng chúng ta cũng lo lắng về nhiều vấn đề đang đe dọa nó: biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến vùng nước của vịnh này và lãnh thổ của nó; sự mong manh của các tòa nhà, của các di sản văn hóa cũng như của con người; khó khăn trong việc tạo ra một môi trường theo tiêu chuẩn con người thông qua quản lý du lịch thích hợp; và mọi thứ khác tạo ra nguy cơ rạn nứt về mặt quan hệ xã hội, chủ nghĩa cá nhân và sự cô đơn.

Và chúng ta, những Kitô hữu, là những cành nho hợp nhất với thân nho, vườn nho của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc nhân loại và đã tạo dựng thế giới như một khu vườn để chúng ta có thể lớn lên và sinh hoa trái. Với tư cách là các Kitô hữu, chúng ta đáp lại thế nào? Bằng cách luôn hiệp nhất với Chúa Kitô, chúng ta sẽ có thể mang những hoa trái của Tin Mừng vào thực tại mà chúng ta đang sống: hoa trái của công bằng và hòa bình, hoa trái của tình liên đới và sự quan tâm lẫn nhau; những lựa chọn cẩn thận để bảo vệ di sản môi trường cũng như di sản nhân loại: đừng quên di sản nhân loại, nhân loại lớn của chúng ta mà Thiên Chúa trao để cùng bước đi với chúng ta; chúng ta cần các cộng đoàn Kitô hữu, các khu dân cư, các thành phố của chúng ta, trở thành những nơi hiếu khách, thân thiện và hòa nhập. Và Venezia, nơi luôn là nơi gặp gỡ và trao đổi văn hóa, được mời gọi trở thành một dấu chỉ vẻ đẹp mà tất cả mọi người có thể tiếp cận, bắt đầu từ điều nhỏ nhất, là dấu hiệu của tình huynh đệ và sự quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta. Venezia, vùng đất tạo nên huynh đệ. Xin cảm ơn!

Kết thúc Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đi vòng quanh chào thăm các tín hữu tại quảng trường, sau đó, ngài trở lại nhà tù Giudecca để bay bằng trực thăng trở về Vatican.

ĐTC thăm Venezia: Gặp gỡ giới trẻ

Sau khi gặp các nghệ sĩ, Đức Thánh Cha đã di chuyển bằng ghe đến trước Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Sức khoẻ để gặp gỡ các bạn trẻ. Khoảng 1500 bạn trẻ đứng tại quảng trường Đức Mẹ Sức khoẻ để chờ chào đón Đức Thánh Cha. Trong bài nói chuyện với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha không chỉ dùng bản văn đã được soạn sẵn, nhưng nhiều lần bỏ giấy để đối thoại với các bạn trẻ. Ngay từ lời chào đầu, ngài dí dỏm nói: “Ngay cả mặt trời cũng cười!”

Vatican News

Với vẻ đẹp của thành phố Venezia, Đức Thánh Cha nói rằng: “Hôm nay chúng ta ở đây để tái khám phá vẻ đẹp của chúng ta trong Chúa và vui mừng nhân danh Chúa Giêsu, Thiên Chúa trẻ, Đấng yêu người trẻ và là Đấng luôn làm chúng ta ngạc nhiên”. Và ngài đã dùng hai động từ nói về mẹ Maria để nói với các bạn trẻ: “đứng dậy và lên đường” (Lc 1:39).

Trước hết là đứng dậy. Đứng dậy khỏi mặt đất, vì chúng ta được tạo dựng cho Trời cao. Đứng dậy khỏi nỗi buồn để ngước nhìn lên cao. Trỗi dậy để đứng trên đôi chân đối diện với cuộc sống, không ngồi trên ghế sofa. Đứng dậy để nói “dạ con đây!” với Chúa, Đấng tin tưởng chúng ta. Đứng dậy chào đón món quà mà chúng ta có, để nhận ra, trước bất cứ điều gì khác, rằng chúng ta quý giá và không thể thay thế. Đó không phải là tự kỷ ám thị, nhưng đó là sự thật! Nhận ra rằng đây là bước đầu tiên cần thực hiện vào buổi sáng khi thức dậy: ra khỏi giường và chào đón bản thân như một món quà.

Đức Thánh Cha đề nghị: Bạn thức dậy và trước khi bắt tay vào làm những việc cần làm, hãy nhận ra mình là ai bằng cách tạ ơn Chúa. Bạn có thể nói với Người: “Lạy Chúa, cảm ơn Chúa vì sự sống. Lạy Chúa, xin cho con yêu cuộc sống của con. Lạy Chúa, Ngài là sự sống của con”. Sau đó, cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, trong đó lời đầu tiên là chìa khóa của niềm vui: Bạn nói “Lạy Cha” và bạn nhận ra mình là người con được yêu thương. Bạn hãy nhớ rằng đối với Chúa, bạn không phải là một hồ sơ số, mà là một người con, rằng bạn có Cha trên trời và do đó bạn là con của trời cao.

Tuy nhiên, chúng ta thường thấy mình đang phải chiến đấu chống lại một lực hấp dẫn tiêu cực đang kéo chúng ta xuống, một quán tính cưỡng bức muốn chúng ta nhìn mọi thứ màu xám. Những lúc như thế thì phải làm thế nào? Để đứng dậy – đừng quên – trước hết chúng ta phải để mình đứng dậy lần nữa: hãy để mình được Chúa nắm lấy tay, Chúa không bao giờ làm thất vọng những ai tin tưởng vào Người, Đấng luôn nâng đỡ và tha thứ. “Nhưng bạn có thể nói – tôi không đạt đến đó: tôi tự nhận mình mong manh, yếu đuối, tôi thường xuyên vấp ngã!”. Khi bạn cảm thấy như vậy, hãy thay đổi “cái khung hình” của mình: đừng nhìn mình bằng con mắt của mình nhưng hãy nghĩ đến ánh mắt của Chúa. Khi bạn mắc sai lầm và sa ngã, hãy nghĩ Chúa sẽ làm gì? Người ở đó, bên cạnh bạn và mỉm cười với bạn, sẵn sàng nắm lấy tay bạn. Bạn không tin ư? Hãy mở Tin Mừng ra và xem những gì Người đã làm với Phêrô, với Maria Magdalena, với Giakêu, với nhiều người khác: những điều kỳ diệu với sự mỏng manh của họ. Bởi vì Chúa biết rằng, ngoài vẻ đẹp, chúng ta còn mong manh, và hai thứ đó đi đôi với nhau: nó hơi giống Venezia, vừa lộng lẫy vừa mỏng manh. Thiên Chúa không trói những lỗi lầm của chúng ta vào ngón tay của Người, nhưng đưa tay ra cho chúng ta. Người là Cha và khi chúng ta ngã, Người thấy chúng ta là người con cần được nâng dậy chứ không phải kẻ ác phải bị trừng phạt. Chúng ta hãy tin cậy nơi Người!

Và, một khi đã đứng dậy, đến lượt chúng ta đứng trên đôi chân. Thật không dễ, nhưng đó là bí quyết. Đúng vậy, bí quyết để đạt được những thành tựu to lớn là sự kiên trì. Ngày nay chúng ta sống với những cảm xúc nhanh chóng, những cảm giác nhất thời, những bản năng kéo dài trong chốc lát. Nhưng nếu theo cách đó thì không đi xa được. Các nhà vô địch thể thao, cũng như các nghệ sĩ và nhà khoa học, đều cho thấy rằng những mục tiêu lớn lao không thể đạt được tức thời, không thể có được tất cả ngay lập tức. Và nếu điều này đúng cho thể thao, nghệ thuật và văn hóa, thì nó còn đúng hơn cho điều quan trọng nhất trong cuộc sống: là tình yêu, là niềm tin. Để lớn lên trong đức tin và tình yêu thì cần có sự kiên trì. Ngược lại, nguy cơ ở đây là để mọi việc tùy hứng: tôi cầu nguyện nếu tôi thích, tôi đi lễ khi tôi thích, tôi làm việc tốt nếu tôi thích… Điều này không mang lại kết quả: chúng ta cần phải kiên trì, ngày này qua ngày khác. Và chúng ta làm điều đó cùng nhau. Những việc lớn mà làm một mình thì không ổn. Đó là lý do đừng cô lập mình, nhưng hãy tìm người khác, cùng nhau có kinh nghiệm về Chúa.

Về việc sử dụng điện thoại di động, Đức Thánh Cha khuyên rằng: điện thoại hữu ích trong việc thông tin, nhưng đừng để nó cản trở việc gặp gỡ người khác. Ai cũng biết một cái ôm, một cái hôn, cái bắt tay là như thế nào. Đừng để điện thoại cản trở việc gặp gỡ người khác.

Với hình ảnh chèo thuyền của Venezia, Đức Thánh Cha nói rằng, để đi xa thì phải chèo đều đặn và liên tục. Với sự mệt nhọc của việc chèo thì sự kiên trì sẽ được đền đáp. Đặc biệt là hãy để Chúa nắm tay các bạn và cùng nhau bước đi!

Điều thứ hai Đức Thánh Cha đề cập đến, sau đứng dậy, là bước đi. Bước đi là trao ban chính mình cho người khác, là trở thành món quà cho người khác. Hãy nhìn xem Cha của chúng ta, Đấng đã tạo thành mọi sự cho chúng ta. Và chúng ta là con cái, cũng được mời gọi trở nên những người sáng tạo nên vẻ đẹp mà trước đó chưa từng có. Như những người trẻ, tuổi trẻ thật đẹp, và rồi khi lấy vợ, lấy chồng và sinh con, thì tình phụ tử và mẫu tử là vẻ đẹp chưa từng có trước đó.

Điều Đức Thánh Cha nhấn mạnh với các bạn trẻ là sự nhưng không, vô vị lợi. Người ta phải làm việc để sống, nhưng trung tâm của cuộc sống phải là sự cho đi vô vị lợi. Hãy làm cho cuộc sống trở thành một bản giao hưởng của sự vô vị lợi trong một thế giới luôn tìm lợi ích. Vậy nên chúng ta phải làm một cuộc cách mạng: Đứng dậy, trao ban chính mình mà không sợ hãi.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ một lần nữa lắng nghe lời kêu gọi “đứng dậy và lên đường”, lặp lại và giữ nó trong lòng.

Sau buổi gặp gỡ các bạn trẻ, ngài di chuyển bằng xe lăn dọc theo các con đường nhỏ của thành phố nổi Venezia, đến quảng trường thánh Máccô để dâng thánh lễ với các tín hữu.

 

ĐTC gặp gỡ nghệ sĩ của Triển lãm Nghệ thuật Biennale của Venezia

Sau khi thăm các nữ tù nhân, Đức Thánh Cha đã đến nhà thờ thánh Maddalena, là nhà nguyện của nhà tù, và gặp các nghệ sĩ đang tham dự Triển lãm Nghệ thuật Biennale của Venezia. Ngài gọi đây là một cuộc thăm lại, vì tháng 6 năm ngoái, các nghệ sĩ đã đến Vatican thăm Đức Thánh Cha, tại bảo tàng Vatican.

Vatican News

Trong bài diễn văn trước các nghệ sĩ, Đức Thánh Cha muốn gửi đến mọi người thông điệp: thế giới cần những nghệ sĩ. Điều này được chứng minh bởi vô số người thuộc mọi lứa tuổi thường xuyên đến các địa điểm và sự kiện nghệ thuật.

Ngài nói: Thú thật tôi không cảm thấy xa lạ khi ở đây với quý vị: Tôi cảm thấy như ở nhà. Và tôi nghĩ rằng, thực tế điều này áp dụng cho mỗi người, bởi vì, trong mọi khía cạnh, nghệ thuật có địa vị của một “thành trú ẩn”, một thực thể bất tuân đối với chế độ bạo lực và phân biệt đối xử, để tạo ra những hình thái thuộc về con người có khả năng nhìn nhận, hội nhập, bảo vệ, đón nhận mọi người. Mọi người, bắt đầu từ những người rốt hết.

Các thành trú ẩn là thể chế Kinh Thánh, đã được đề cập trong Đệ Nhị Luật (xem Đnl 4,41), nhằm ngăn chặn việc đổ máu người vô tội và làm dịu đi ước muốn trả thù mù quáng, bảo đảm việc bảo vệ quyền con người và tìm kiếm các hình thức hòa giải. Thật rất quan trọng nếu các hoạt động nghệ thuật khác nhau có thể được hình thành ở khắp mọi nơi như một mạng lưới các thành trú ẩn, hợp tác để giải phóng thế giới khỏi những mâu thuẫn vô nghĩa và hơn nữa còn trống rỗng, nhưng lại tìm cách giương oai về phân biệt chủng tộc, bài ngoại, bất bình đẳng, mất cân bằng sinh thái và nỗi ám ảnh nghèo, từ mới khủng khiếp này có nghĩa là “nỗi ám ảnh người nghèo”. Đằng sau những mâu thuẫn này luôn có sự chối từ người khác. Có sự ích kỷ khiến chúng ta thấy mình như những hòn đảo đơn độc thay vì những quần đảo hợp tác. Tôi cầu xin quý vị, những người bạn nghệ sĩ, hãy tưởng tượng những thành phố chưa tồn tại trên bản đồ địa lý: những thành phố mà ở đó không có người nào bị coi là xa lạ. Và vì thế khi nào chúng ta nói “người xa lạ khắp nơi”, thì chúng ta đề xuất “anh chị em khắp nơi”.

Tên khu triển lãm nơi chúng ta đang đứng là “Với đôi mắt của tôi”. Tất cả chúng ta đều cần được nhìn và dám nhìn vào chính mình. Về điều này, Chúa Giêsu là Vị Thầy dày dạn: Người nhìn tất cả bằng tình yêu vĩ đại mà không phán xét, nhưng biết gần gũi và khích lệ. Và tôi muốn nói rằng nghệ thuật dạy chúng ta kiểu nhìn này, không chiếm hữu, không khách quan hóa, nhưng cũng không thờ ơ, hời hợt; nó dạy chúng ta một cái nhìn chiêm niệm. Các nghệ sĩ đang ở trong thế giới, nhưng họ được kêu gọi để vượt xa hơn. Ví dụ, ngày nay hơn bao giờ hết, điều cấp thiết là họ phải biết cách phân biệt rõ ràng nghệ thuật với thị trường. Tất nhiên, thị trường đề bạt và tán thưởng, nhưng luôn có nguy cơ là nó “ma cà rồng hóa” sự sáng tạo, đánh cắp sự hồn nhiên và cuối cùng là lạnh lùng dẫn dắt người ta đến chỗ phải làm gì.

Hôm nay tất cả chúng ta đã chọn gặp nhau ở đây, tại nhà tù nữ Giudecca. Đúng là không ai độc quyền về nỗi đau phận người. Nhưng có niềm vui và nỗi đau kết hợp với nhau theo một hình thức độc đáo của nữ tính và chúng ta phải đặt mình lắng nghe, bởi vì niềm vui và nỗi đau này có điều gì đó quan trọng để dạy chúng ta. Tôi nghĩ đến những nghệ sĩ như Frida Khalo, Corita Kent hay Louise Bourgeois và nhiều người khác. Tôi hết lòng hy vọng rằng nghệ thuật đương đại có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta, giúp chúng ta đánh giá cao thoả đáng sự đóng góp của phụ nữ, với tư cách là những người đồng vai chính trong cuộc phiêu lưu của con người.

Các nghệ sĩ thân mến, tôi nhớ câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho đám đông về Gioan Tẩy Giả: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? (Mt 11,7-8). Chúng ta hãy giữ câu hỏi này trong lòng. Nó sẽ đẩy chúng ta hướng đến tương lai.

Xin cảm ơn! Tôi nhớ quý vị trong lời cầu nguyện của tôi. Và xin quý vị cũng cầu nguyện cho tôi.

Cuối buổi gặp gỡ với các nghệ sĩ, Đức Thánh Cha di chuyển bằng ghe trên sông đến gặp các bạn trẻ tại Nhà thờ Đức Mẹ của Sức khoẻ.

ĐTC thăm Venezia: Gặp các tù nhân của nhà tù nữ Giudecca

Lúc 6:30 sáng Chúa Nhật 28/4, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ Vatican bằng trực thăng để đến thăm thành phố Venezia, miền đông bắc nước Ý. Ngài đã đến Venezia lúc 8 giờ và máy bay trực thăng đã đáp xuống quảng trường bên trong nhà tù Giudecca.

Vatican News

Trong buổi gặp gỡ với khoảng 100 nữ tù nhân và nhân viên nhà tù, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta là anh chị em, không ai có thể từ chối người khác!”

Ngài nói: Tôi muốn chúng ta sống thời điểm này không chỉ như một “chuyến thăm chính thức”, mà là một cuộc gặp gỡ trong đó, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta dành cho nhau thời gian, lời cầu nguyện, sự gần gũi và tình cảm huynh đệ. Hôm nay tất cả chúng ta khi bước ra khỏi sân này sẽ giàu có hơn – có lẽ giàu nhất sẽ là tôi – và những điều tốt đẹp mà chúng ta trao cho nhau sẽ rất quý giá.

Chính Chúa muốn chúng ta cùng nhau vào thời điểm này, đến đây bằng những con đường khác nhau, một số rất đau khổ, cũng do những sai lầm mà từ đó, theo những cách khác nhau, mỗi người phải chịu những vết thương và vết sẹo. Và Thiên Chúa muốn chúng ta ở bên nhau vì Người biết rằng mỗi người chúng ta, ở đây, hôm nay, đều có một điều gì đó độc đáo để cho và nhận, và tất cả chúng ta đều cần điều đó. Mỗi người chúng ta đều có cái riêng, có một món quà để cho đi, để chia sẻ.

Nhà tù là một thực tế khắc nghiệt, và các vấn đề như tình trạng quá tải, thiếu cơ sở vật chất và nguồn lực, các đợt bạo lực gây ra rất nhiều đau khổ ở đó. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành nơi tái sinh, cả về mặt luân lý lẫn vật chất, trong đó phẩm giá của người nam và người nữ không bị “cô lập”, nhưng được thăng tiến nhờ sự tôn trọng lẫn nhau và quan tâm đến tài năng và khả năng, vốn bị các biến cố của cuộc sống vùi dập hoặc giam hãm, nhưng có thể hữu ích trở lại vì lợi ích của tất cả mọi người và đáng được quan tâm và tin tưởng. Không ai được tước đi phẩm giá của một người, không ai!

Vì vậy, có thể nghịch lý, việc ở trong nhà tù có thể đánh dấu sự khởi đầu của một điều gì đó mới, ngang qua việc khám phá lại những vẻ đẹp không thể nghi ngờ nơi chúng ta và nơi người khác, được nhìn thấy qua sự kiện nghệ thuật mà anh chị em đang tổ chức và dự án mà anh chị em tích cực đóng góp; nó có thể giống như một công trường tái thiết, trong đó người ta có thể can đảm nhìn lại và lượng giá cuộc đời mình, loại bỏ những gì không cần thiết, những gì cồng kềnh, có hại hoặc nguy hiểm, nghiên cứu một dự án, rồi bắt đầu lại bằng việc đào nền móng và quay trở lại, trong ánh sáng của kinh nghiệm đã trải qua, cùng nhau xây từng viên gạch, với sự quyết tâm. Do đó, điều cần thiết là hệ thống nhà tù cũng phải cung cấp cho tù nhân những công cụ và không gian để phát triển về nhân bản, tinh thần, văn hóa và nghề nghiệp, tạo điều kiện cho sự tái hòa nhập lành mạnh của họ. Xin vui lòng, không “cô lập phẩm giá”, nhưng để mang lại những khả thể mới!

Chúng ta đừng quên rằng tất cả chúng ta đều có lỗi lầm cần được tha thứ và những vết thương cần chữa lành, và rằng tất cả chúng ta đều có thể được chữa lành để mang đến sự chữa lành, được tha thứ để mang lại sự tha thứ, được tái sinh để mang lại sự tái sinh.

Anh chị em thân mến, hôm nay anh chị em và tôi cùng nhau canh tân niềm tin vào tương lai: Đừng đóng cánh cửa lại, nhưng hãy nhìn về phía chân trời, luôn nhìn về tương lai, với niềm hy vọng. Tôi thích coi hy vọng như một cái neo, bạn biết đấy, được neo vào tương lai, và chúng ta có sợi dây trong tay và chúng ta tiến về phía trước với sợi dây được neo vào tương lai. Chúng ta hãy bắt đầu mỗi ngày sống bằng lời này: “hôm nay là thời điểm thích hợp”, “hôm nay là ngày thuận tiện” (xem 2Cr 6,2), “hôm nay tôi bắt đầu lại”, luôn luôn, suốt đời!

Tôi cảm ơn anh chị em vì cuộc gặp gỡ này và tôi đảm bảo với anh chị em về lời cầu nguyện của tôi cho từng người anh chị em. Và cũng xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Sau khi kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha tặng cho nhà tù Giudecca một bức ảnh Đức Mẹ. Ngài nói: “Và đây là món quà tôi để lại cho anh chị em. Hãy nhìn, đó là sự dịu dàng của người mẹ, sự dịu dàng của Mẹ Maria cho tất cả chúng ta. Mẹ là Mẹ của sự dịu dàng”.

Kết thúc buổi gặp với các nữ tù nhân, ngài đến nhà nguyện của nhà tù để gặp các nghệ sĩ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *