Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Tìm hiểu sách ngôn sứ Amos

SÁCH AMOS

ƠN GỌI TIÊN TRI (7, 10-17)

Tiên tri, ơn gọi chứ không phai nghề nghiệp

Bối cảnh xã hội: đất nước bị phân chia thành hai miền: vương quốc miền Nam (Giuđa) và vương quốc miền Bắc (Israel). Trong vương quốc Israel, vua xây Đền Thờ ở Bêthel để ngăn cản dân, không cho họ xuống Đền Thờ Giêrusalem vốn thuộc vương quốc Giuđa. Amagia mệnh danh là một tiên tri nhưng ông thi hành sứ vụ tiên tri như một nghề và thường nói những lời bênh vực nhà vua để làm vui lòng nhà vua. Ngược lại, câu trả lời của Amos cho thấy, làm tiên tri không phải là một nghề ông chọn nhưng là tiếng gọi của Chúa, tiếng gọi không thể cưỡng lại: “Tôi không phải là tiên tri, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm tiên tri. Tôi chỉ là người nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa Trời đã bắt lấy tôi … và truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân ta’”. Khi đó lời mà tiên tri công bố không còn là lời của loài người nhưng là Lời của Thiên Chúa.

https://youtu.be/vqcxkHhFHVo

Sống chức năng tiên tri của người Kitô hữu

Mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm làm tiên tri vì được chia sẻ làm chức năng tiên tri của Chúa Kitô khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Vậy lời nói của ta nhắm đến điều gì? Làm vui lòng người đời hay trung thành với Lời Chúa? Cách cụ thể, trong đời sống gia đình, trong việc giáo dục con cái, trong những mối quan hệ xã hội, lời nói của ta được sử dụng ra sao?

* THIÊN CHÚA ĐỨNG VỀ PHÍA NGƯỜI NGHÈO (2, 6-16; 8, 4-8)

Thiên Chúa của kẻ nghèo

Đọc Thánh Kinh, một trong những điều quan trọng là phải tự hỏi: Chúa là ai? Chúa mặc khải Ngài là ai trong đoạn Thánh Kinh mà tôi đọc? Đồng thời phải ý thức rằng Thiên Chúa tự tỏ mình ra (mặc khải) không chỉ qua lời nói mà còn qua những hành động, những kỳ công mà Người thực hiện trong lịch sử. Ở đây, Amos dựa vào hành động quan trọng nhất là việc Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập:“Chính Ta đã đem các ngươi lên khỏi đất Ai Cập, dẫn các ngươi đi trong sa mạc bốn mươi năm trường, để các các ngươi chiếm hữu đất của người Emori” (2,10). Ngài lấy đó là điểm quy chiếu để khám phán dung nhan Thiên Chúa là Đấng đứng về phái người nghèo, người bị áp bức. từ đó, Ngài lên án tình trạng bóc lột, bất công, gian dối trong xã hội bàng những lời lẽ rất mạnh: “vì tội của Israel đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án” (2,6) “Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacop mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi của chúng” (8,7).

Suy niệm

Rất nhiều người xưng mình là người tin Chúa nhưng Chúa là ai? Có khi nào tự uốn nắn hình ảnh Thiên Chúa theo sở thích của mình để biện hộ cho lối sống bất chính của mình? Đã từng có một triết gia phê phán rằng: không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, mà chính con người đã dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh họ” (Feuerbach). Dù không đồng ý với nhận định này, ta cũng không thể phủ nhận một phần chân lý hàm chứa trong đó khi nhìn vào thực tế. Vì thế, phải luôn quay về với Kinh Thánh để khám phán dung nhan đích thực của Thiên Chúa, và thờ phượng Thiên Chúa như Ngài là chứ không như ta mong muốn.

Cách cụ thể, dựa trên giáo huấn của tiên tri Amos, nếu Thiên Chúa đứng về phía người nghèo, tôi có thể nhân danh Chúa mà làm những việc gây thiệt hại cho người nghèo? Có quyền khinh bỉ người nghèo?

X NỀN PHỤNG TỰ ĐÍCH THỰC (5,21-27)

Thế nào là phụng tự mà thiên chúa muốn?

Phụng tự là hành vi căn bản của niềm tin tôn giáo. Nhưng đâu là phụng tự đích thực? Phải chăng chỉ là những nghi lễ bên ngoài? Lời kết án của Amos cho thấy điều gì? Nền phụng tự Chúa mong muốn là phụng tự phải đi đôi với lẽ phải và công lý: “Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5,23-24).

Suy niệm

So sánh với nhiều nơi trên thế giới, trong các nghi thức phụng tự người Công giáo Việt Nam tham dự rất đông. Tỷ lệ người Công giáo Việt Nam tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật có lẽ vào hàng cao nhất thế giới. Nhưng liệu có nguy cơ tách ly giữa phụng tự và đời sống không? Có những cử hành nghi lễ thật rầm rộ, đồng thời đời sống thiếu yêu thương, bác ái và công bằng? Những câu hỏi này nêu lên không nhằm xét đoán ai nhưng cho chính mình.

“Sự phân ly giữa các Kitô hữu tuyên xưng với cuộc sống thường nhật của họ phải được kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất trong thời đại chúng ta. Trong Cựu Ước, các tiên tri đã mạnh mẽ tố cáo gương xấu này, và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề. Do đó không được tạo ra sự đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp xã hội và đời sống tôn giáo. Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa“ ( Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, số 43).

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *