Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Tìm hiểu sách ngôn sứ Hô-sê

 

SÁCH HÔ-SÊ

(chương 1-7)

I. Tổng quát

1,1 : Dẫn nhập

Tên gọi Hosea nghĩa là “hành động cứu độ” hay “Đấng Cứu độ”. Sách Hosea mở đầu với lời “Lời Đức Chúa phán với ông Hosea” (khác với Amos: Lời của Amos). Như thế nhấn mạnh tính linh hứng của lời rao giảng.

https://youtu.be/qPtS2OraZDY

1,2 – 3,5 : Giavê, Phu quân của Israel

Ba chương đầu tập trung vào cuộc hôn nhân của Hosea, những bất trung của bà vợ Gomer, nghi ngờ về con cái, và áp dụng hoàn cảnh này cho giao ước của Israel với Giavê.

4,1 – 5,7: Tội ác của các nhà lãnh đạo

Tất cả những tội ác chống lại Thiên Chúa và tha nhân đều được gọi là ngoại tình; như thế làm nổi bật mối tình thắm thiết của Giavê với Dân Ngài.

5,8 – 8,14: Ám sát, bất ổn, mất mát.

Các chương này bàn đến những vụ ám sát các vua và hoàng tộc, những chính sách ủng hộ hay chống Assyria, những hứa hẹn to lớn nhưng thực chất nghèo nàn…

II. Kinh nghiệm hôn nhân và lời rao giảng

1. Tiên tri Hosea có kinh nghiệm rất đau buồn về hôn nhân (1,2-8)

Người vợ của Hôsê có nguồn gốc không tốt đẹp, lại là một người vợ bất trung: “hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm” (1,2). Cũng vì thế, nhà tiên tri đặt cho con cái mình những cái tên lạ thường: “không-được-thương”, “không-phải-dân-Ta”.

Hơn thế nữa, người vợ của ông lại còn ngoại tình. Thế nhưng vâng lời Chúa, ông đã tha thứ cho vợ và đón nhận vợ trở về: “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình” (3,1-5).

2. Rao giảng Lời Chúa từ chính kinh nghiệm bản thân

Kinh nghiệm về hôn nhân đã giúp tiên tri Hôsê cảm nghiệm tình yêu nóng bỏng của Thiên Chúa với Dân Người: tình yêu tha thứ, tình yêu kiên nhẫn, tình yêu đổi mới. Người Kitô hữu cũng được mời gọi để cảm nghiệm Thiên Chúa qua chính kinh nghiệm trong đời sống gia đình của mình, trong tương quan vợ chồng, tương quan cha mẹ và con cái.

Tiên tri Hosê không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng hành động và chính cuộc sống của mình. Khi ông đi cưới một người đàn bà làm điếm là để nói với dân rằng “cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm” (1,2). Và khi ông đi cưới một người đàn bà đang ngoại tình, cũng là để nói với dân về “Đức Chúa yêu thương con cái Israel, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác” (3,1). Cũng thế, người Kitô hữu được mời gọi loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng chính cuộc sống cụ thể của mình. Vậy cuộc sống hằng ngày của tôi có trở thành lời loan báo Tin Mừng không, hay lại là phản chứng?

3. Hôn nhân và giao ước giữa Thiên Chúa với con người

Thiên Chúa đã ký kết giao ước với Dân Ngài. Theo cách diễn tả của Môsê, giao ước này mang tính lề luật. Với Hosea, giao ước này trở thành giao ước hôn nhân với nền tảng là tình yêu và sự tín nhiệm lẫn nhau. Ở đây, hôn nhân mang ý nghĩa và giá trị đặc biệt vì diễn tả chính tình yêu của Thiên Chúa với loài người, mở đường cho cách nhìn của thánh Phaolô: “Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một xương thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Eph 5,31-32).

III. Bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa

1. Tiên tri Hosê nói về Thiên Chúa

Khi nói về Thiên Chúa, Hosê không chỉ nói về Thiên Chúa cách chung chung. Ít nhất là 45 lần, ngài sử dụng từ YAHWEH là Danh Thiên Chúa được tỏ cho Môsê (Xh 3, 11-15), nghĩa là Thiên Chúa là Đấng hằng ở với Dân. Khi Hosea dùng từ Elohim hay El để nói về Chúa thì luôn luôn là “Chúa của anh em” hay “Chúa của tôi”:

* Nó sẽ thưa “Thiên Chúa của con” (2,25)

* Con cái Israel sẽ trở lại tìm kiếm Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng (3,5)

Cách diễn tả này nói lên mối quan hệ mật thiết và sống động giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Đồng thời cách diễn tả này giúp ta ý thức hơn về đời sống đức tin.

2. Tin là bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa

Tin không chỉ là nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc chấp nhận những định tín về Ngài. Nhưng tin là bước vào mối quan hệ cá vị, thân tình, riêng tư với Thiên Chúa như vợ chồng, cha mẹ và con cái, bạn với bạn… Cầu nguyện là cách thế tốt nhất để diễn tả, đồng thời giúp ta sống mối quan hệ này.

(Chương 9 – 14)

I. TỔNG QUÁT

9,1 – 13,8 : Những niềm hi vọng giả tạo. Thay vì lắng nghe Lời Chúa qua miệng các ngôn sứ như Amos và Hosê, vua cũng toán chính trị, cuối cùng dẫn đến kết thúc bi thảm.
13,9 – 14,1 :Vương quyền chấm dứt và vương quốc sụp đổ.
14,2-9 : Hoán cải, chữa lành và sự sống mới.

II. ĐÂU LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN CHÚA?

1. Bối cảnh lịch sử: các triều đại

– Jeroboam II (786-746) :tự do và thịnh vượng
– Zechariah (746-745) :thoả hiệp nhưng không hiệu quả (bị ám sát)
– Shallum (745) :chống đế quốc Assyria (bị ám sát)
– Menahem (745-737) :phò đế quốc Assyria
– Pekahiah (737-736):phò đế quốc Assyria (bị ám sát)
– Pekah (736-732) :chống Assyria (bị ám sát)
– Hoshea (732-724) :phò đế quốc, sau đó lại chống (bị bắt và xử tử)

2. Sức mạnh đích thực của dân Chúa ở đâu?

Các triều đại thay đổi chính sách liên tục, lúc thì nghiêng về Ai Cập, lúc lại chạy theo Assyria, để mong tìm bình an và thịnh vượng “ “Ephraim vô tâm vô trí tựa bồ câu khờ dại. Chúng cầu cứu Ai Cập, chạy đến với Assyria” (7, 8-12; 8,11-14). Nhưng kết quả chỉ là điêu tàn và đổ vỡ: “Israel đã quên Đấng tác tạo ra nó và lo xây đền đài; còn Giuđa thì xây thêm những thành kiên cố. Nhưng Ta sẽ phóng lửa xuống những thành này, và lửa sẽ ngốn hết các dinh thự” (8,14).

Dân Chúa cần tìm sức mạnh đích thực ở nơi Chúa, cần trung thành với giao ước tình yêu đã ký kết với Chúa : “Chúng con sẽ không cầu cứu Assyria, sẽ không cậy nhờ vào chiến mã, cũng chẳng gọi là thần những sản phẩm do tay chúng con làm ra, vì chỉ ở nơi Ngài, kẻ mồ côi mới gặp được lòng thương xót” (14, 2-9).

3. Bài học cho Dân Chúa mọi thời

Đừng tìm kiếm sự thành công và phát triển dựa vào những thế lực trần gian như tiền bạc, tính toán chính trị, quyền lực. Lịch sử Giáo Hội làm chứng rằng những thành công và phát triển đó, nếu có, chỉ là những thành công bên ngoài và chóng qua. Chúa Giêsu chịu đóng đinh thập giá và các thánh tử vì đạo là lời nhắc nhớ thường xuyên về sự thành công sâu xa, đích thực của Nước Trời.

Quả thật, “Đường lối Đức Chúa rất mực thẳng ngay. Trên con đường này, người công chính sẽ hiên ngang tiến bước, còn kẻ gian ác sẽ phải té nhào” (14,10).

III. TÌNH YÊU THA THỨ (11, 1-9)

1. Thiên Chúa là tình yêu

Tiên tri Hôsê vận dụng nhiều hình ảnh để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người: hình ảnh vợ chồng (2,4-9), hình ảnh cha con (11,1-4), hình ảnh bạn tình (2,16). Tất cả để làm nổi bật tình yêu Thiên Chúa. Và đặc điểm của tình yêu đó là sự tha thứ: “Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (11,9).

2. Lời mời gọi cho người Kitô hữu

Tin vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa không có nghĩa là an tâm ở lại mãi trong tội lỗi vì không sợ Thiên Chúa trừng phạt. Niềm tin đích thực vào tình yêu này thúc đẩy ta hoán cải không ngừng. Đồng thời một khi cảm nghiệm được tình yêu tha thứ của Chúa, cảm nghiệm đó dẫn ta vào một lối sống mới trong tương quan với tha nhân, lối sống quảng đại và tha thứ (x. Mt 18, 21-35).

IV. SA MẠC

1. Sa mạc trong ngôn ngữ của Hôsê

– “Ta sẽ biến nó thành sa mạc hoang vu,
cho nó trở nên đất khô khan cằn cỗi, và làm cho nó chết khát” (2,5b).
– “Này Ta sẽ quyến rũ nó,
đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (2,16)

2. Sa mạc trong đời sống đức tin

Sa mạc là nơi chết chóc vì không có nước là yếu tố căn bản của sự sống, vì cái nắng gay gắt đe doạ sự sống. Không những đe doạ sự sống tự nhiên, sa mạc còn đe doạ sự sống siêu nhiên vì là nơi chốn của cám dỗ. Chính Chúa Giêsu đã bị cám dỗ trong sa mạc.

Thế nhưng sa mạc cũng là miền đất ân sủng. Sa mạc là cõi thinh lặng và cô tịch, vắng mọi ồn ào và tiếng động bên ngoài. Chính trong cõi cô tịch và thinh lặng đó, ta được mời gọi trở về với chiều sâu cuộc sống: sống với Chúa, sống nhờ Chúa, sống cho Chúa. Vì thế, hãy tự tạo nên những khoảnh khắc sa mạc trong đời sống hằng ngày.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *