Mầu nhiệm Nhập thể (20.12.2016 – Thứ Ba tuần IV Mùa Vọng năm A)

Lời Chúa: Lc 1, 26-38

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”

35 Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

 

Lịch sử nhân loại là một “giao ước yêu thương” được cam kết và thực hiện giữa Thiên Chúa và con người.

Thật vậy, yêu thương chính là thuộc tính của Thiên Chúa; là một tiến trình bí nhiệm căn bản và thâm sâu nhất của Thiên Chúa dành cho con người.

 Trong tiếng Hán, yêu thương gọi là ái (). Chữ “ái” thuộc bộ “tâm” () một hợp từ gồm:

Phía trên cùng là chữ trảo () nghĩa là móng vuốt; bên dưới là chữ mịch () nghĩa là chở che.

Dưới chữ mịch là chữ tâm () và dưới nữa là biến thể của chữ tòng ()  tượng hình hai người đi với nhau (hai chữ nhân – ).

Ái () là từ dùng để diễn tả các điều xấu (hình ảnh móng vuốt) ập xuống, hay là những gian khó trong cuộc đời của những người có mối liên hệ với nhau (hình tượng hai chữ nhân) thì ta luôn lấy tâm lòng (chữ tâm) che chở cho người đi theo ta, sống với ta. Nói cách khác đó là yêu thương.

Có yêu thương mới không quản ngại gian khổ, hoạn nạn trong cuộc đời đưa đến; để mà che chở bảo bọc cho người mình thương mến !

Có yêu thương con người mới sống gần nhau, đi vào cuộc đời của nhau… để chấp nhận liên lụy đời nhau; chấp nhận chia cơm sẻ áo cho nhau; chia sẻ tâm tình ý tưởng của nhau; cùng vui, cùng khổ, cùng làm, cùng sống chung với nhau..

Yêu thương là động lực thúc đẩy con người đến với nhau, gắn bó với nhau, để tất cả nên một lòng, một ý, một cuộc đời với nhau.

 Thánh Kinh luôn khẳng định Thiên Chúa thương yêu con người cách đặc biệt. Tình yêu ấy khiến Thiên Chúa có sáng kiến đến với con người, trước khi con người đến gặp Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng lịch sử con người làm nên lịch sử Cứu Độ Nhân Loại; làm nên lịch sử Gặp Gỡ Giữa Thiên Chúa Với Con Người.

Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trong lịch sử con người, biến lịch sử con người thành môi trường cứu độ, và thành nơi gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa.

Mầu Nhiệm Nhập Thể được hoàn tất qua lời “xin vâng” của Đức Maria sau khi gặp gỡ sứ thần Gáp-ri-en. Thiên Chúa trở thành người phàm như mọi phàm nhân.

Ngài cũng chịu ràng buộc bởi lề luật, thời gian và không gian.

Ngài cũng phải đối diện với những khắc khoải lo âu, và khổ ải của cuộc sống.

Ngài cũng ăn, uống, lao động, phấn đấu cho đời sống vật chất như mọi người.

Ngài cũng vui, cười và than khóc như mọi người khác.

Ngài chấp nhận mọi giới hạn và ngay cả cái chết là giới hạn sau cùng và quan trọng nhất của con người; để rồi trong cái chết Ngài đã sống lại và cho những ai hễ tin vào Ngài thì cũng được sống đời đời.

Mầu Nhiệm Nhập Thể làm cho đời sống con người thật đáng sống và thật sự có ý nghĩa.

Lạy Chúa, xin cho con được vững tin vào Chúa; xin cho con dám buông tay con trong tay Chúa, để Chúa dẫn con đi trong đêm tối của lòng tin như mẹ Maria, để được cùng Mẹ chung hưởng sự sống đờ đời. Amen.

 CÁT BIỂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *