Nhà nước Hồi giáo đánh bom nhà thờ ở Congo, nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm

1. Hy vọng Việt Nam có thể có tân Hồng Y trong năm nay

Thêm một Hồng Y tròn 80 tuổi và số Hồng Y cử tri xuống còn 124 vị, từ ngày 14 tháng Giêng vừa qua. Đó là Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, nguyên Giám mục Giáo phận Genova, bắc Ý, và nguyên là Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Âu châu.

Trong năm nay, sẽ có thêm 10 Hồng Y tròn 80 tuổi, và như thế, số Hồng Y cử tri giảm xuống 114 dưới mức 120. Thành ra, có thể Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm thêm các tân Hồng Y mới.

Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, sinh ngày 14 tháng Giêng năm 1943 tại giáo phận Brescia bắc Ý, nhưng theo gia đình trở về lập nghiệp tại thành phố cảng Genova và thụ phong linh mục tại đây năm 1966.

Năm 1998, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Pesaro. Năm năm sau, 2003, ngài làm Đức Tổng Giám Mục Giáo hạt quân đội Ý, và năm 2006, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Genova, thay thế Đức Hồng Y Tarcisio Bertone được chọn làm Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Đức Bênêđíctô tấn phong Đức Tổng Giám Mục Angelo Bagnasco lên hàng Hồng Y năm 2007.

Đức Thánh Cha Phanxicô có cách hành động hơi khó đoán. Năm 2017, ngài đã không tấn phong Hồng Y cho Đức Cha José Luis Escobar Alas, Tổng Giám Mục San Salvador, nhưng lại tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Gregorio Rosa Chávez, là Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận.

Năm ngoái 2022, ngài tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Robert W. McElroy, Giám Mục San Diego trong Giáo Tỉnh Los Angeles mà không tấn phong Hồng Y cho Đức Tổng Giám Mục Los Angeles José Horacio Gómez, lúc đó là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ngài cũng tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Giorgio Marengo, Giám Quản Tông Tòa Ulaanbaator, nơi số giáo dân Công Giáo chỉ có 919 người.

Đức Thánh Cha có thể có những lý do của ngài để làm như thế nhưng cách hành động như thế gây ngạc nhiên cho nhiều người. Việc tấn phong Hồng Y cho những nơi ít người Công Giáo như thế có thể không có tác dụng bao nhiêu so với các quốc gia có đông tín hữu như ở Việt Nam.

Ngày 20 tháng 11 năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Cornelius Sim của Brunei, một quốc gia chỉ có 16,803 người Công Giáo sinh hoạt trong 3 giáo xứ và chỉ có 3 linh mục. Tuy nhiên, việc tấn phong này đã tạo ra một phản ứng ngược từ chính quyền Hồi Giáo Brunei. Họ tỏ ra kinh ngạc và khó hiểu đối với diễn biến này và coi đây là một “âm mưu của Vatican”. Vì chuyện này, và lấy lý do đại dịch coronavirus, Giáng Sinh 2020 tại Brunei đã trở nên khó khăn hơn bao giờ.

Ngoài ra, còn có một âu lo khác là các Hồng Y trong Hồng Y Đoàn không quen biết nhau. Việc bầu tân Giáo Hoàng có thể sẽ có nhiều khó khăn.

Hồng Y đoàn hiện nay còn 223 vị trong đó có 124 Hồng Y cử tri và 99 vị không còn quyền bầu Giáo Hoàng.

Trong số 124 Hồng Y cử tri

10 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

33 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

81 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Trong số 99 vị không có quyền bầu Giáo Hoàng

38 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

31 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

30 vị được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Tính chung,

48 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong.

64 vị do Đức Bênêđictô XVI tấn phong.

111 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong.

Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80 vào đầu tháng Tư 2018. Từ đó đến nay gần 5 năm trôi qua, Việt Nam không có tân Hồng Y. Chúng ta hãy hy vọng rằng, năm nay, sau nhiều năm chờ đợi, Việt Nam sẽ có một tân Hồng Y.

Trong số các vị Giám Mục Việt Nam, 3 vị Tổng Giám Mục vẫn là những người có nhiều triển vọng được tấn phong Hồng Y nhất.

Nếu tính theo thâm niên Tổng Giám Mục, trước hết, chúng ta có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám Mục Huế. Ngài sinh năm 1949, được thụ phong linh mục tại giáo phận Nha Trang vào năm 1992. Ngày 12 tháng 06, 2004, ngài được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục chính toà giáo phận Thanh Hoá. Ngày 29 tháng 10, 2016, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng giám mục Chính toà Tổng giáo phận Huế, kiêm Giám quản Tông toà giáo phận Thanh Hoá.

Tiếp theo là Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Hà Nội. Ngài sinh năm 1960, được thụ phong linh mục năm 1988. Ngày 06 tháng 11, 2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục Hải Phòng. Ngày 17 tháng 11 năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên làm Tổng giám mục Hà Nội.

Sau cùng là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám Mục Sài Gòn. Ngài sinh năm 1953, được thụ phong linh mục tại giáo phận Xuân Lộc năm 1990. Ngày 25 tháng 07, 2009, ngài được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Chính tòa Giáo phận Phát Diệm. Ngày 19 tháng 10, 2019, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Sài Gòn.

2. Nhà nước Hồi giáo đánh bom nhà thờ ở Congo, nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm

Nhà nước Hồi giáo đánh bom nhà thờ ở Congo, nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm

Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom chết người tại một buổi lễ của Giáo Hội Tin lành vào hôm Chúa Nhật tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ít nhất 10 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào một nhà thờ ở thị trấn Kasindi, miền đông Congo, giáp biên giới với Uganda hôm 15 Tháng Giêng.

Các quan chức chính phủ Congo đã liên kết vụ tấn công với Lực lượng Dân chủ Đồng minh, gọi tắt là ADF, một nhóm vũ trang ở miền đông Congo là một chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo.

“Những kẻ khủng bố đã sử dụng bom tự chế để thực hiện vụ tấn công và chúng ta nghi ngờ ADF đứng sau vụ tấn công,” Bilal Katamba, phát ngôn viên của chiến dịch quân sự của Uganda, nói với AFP.

Tuy nhiên, Nhà nước Hồi giáo sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên tài khoản Telegram của mình.

Vụ đánh bom nhà thờ xảy ra chỉ vài tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị công du Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối tháng này.

Đức Thánh Cha dự kiến sẽ viếng thăm thủ đô Kinshasa của Congo từ ngày 31 tháng Giêng đến ngày 3 tháng 2, nơi ngài sẽ gặp gỡ các nạn nhân của bạo lực từ khu vực phía đông của đất nước.

Người đoạt giải Nobel Hòa bình Denis Mukwege đã nói rằng hy vọng chuyến viếng thăm vào tháng Giêng của Đức Thánh Cha sẽ làm sáng tỏ “những tội ác chống lại loài người” xảy ra ở khu vực phía đông của DRC.

Lực lượng Dân chủ Đồng minh đã tấn công một bệnh viện truyền giáo Công Giáo ở tỉnh Bắc Kivu phía đông bắc của đất nước vào tháng 10 và giết chết sáu bệnh nhân và Nữ tu Công Giáo Marie-Sylvie Kavuke Vakatsuraki.

Một nhóm phiến quân vũ trang khác, M23, đã hành quyết 131 người “như một phần của chiến dịch giết người, hãm hiếp, bắt cóc và cướp bóc nhằm vào hai ngôi làng”, Liên Hiệp Quốc đưa tin vào ngày 8 tháng 12.

Photo of a billboard from the city of Kasindi, documenting Sunday's attack on a Pentecostal church

Bạo lực ở miền đông Congo đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng với hơn 5.5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ, con số người phải di tản trong nước cao thứ ba trên thế giới.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn sau khi 69 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ở Nepal

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn sau khi ít nhất 69 người thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở Nepal hôm Chúa Nhật.

Đức Thánh Cha đã gửi một bức điện chia buồn tới Tổng thống Nepal Bidya Devi Bhandari vào ngày 16 tháng Giêng sau khi chuyến bay 691 của Yeti Airlines bị rơi khi đang cố gắng hạ cánh xuống thành phố Pokhara của Nepal.

Máy bay chở 72 hành khách từ Kathmandu đến Pokhara, một điểm dừng chân phổ biến cho những người đi bộ ở dãy núi Annapurna thuộc dãy Hi Mã Lạp Sơn.

Mười lăm công dân nước ngoài đã ở trên máy bay, đến từ Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Á Căn Đình, Pháp, Ái Nhĩ Lan và Úc. Theo hãng tin AP, ít nhất 69 hành khách đã được xác nhận là đã chết.

Bức điện do Đức Hồng Y Pietro Parolin Quốc vụ khanh Tòa thánh gửi thay mặt cho Đức Thánh Cha cho biết: “Thật đau buồn trước vụ tai nạn của chiếc máy bay Yeti Airlines gần Pokhara, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời chia buồn đến các bạn và tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, cùng với những lời cầu nguyện cho những người tham gia vào các nỗ lực phục hồi.”

“Phó dâng linh hồn của những người đã khuất cho lòng thương xót của Đấng Toàn năng, Đức Thánh Cha cầu khẩn cho những người đang thương tiếc sự mất mát những phước lành thiêng liêng chữa lành và bình an.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *