Bệnh câm điếc tâm linh (09.02.2024 – Thứ Sáu Tuần V Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  St 3,1-8 (năm lẻ); 1 V 11,29-32 (năm chẵn); 12,19, Mc 7,31-37

Bài đọc 1: St 3,1-8

Bài trích sách Sáng thế.

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà : “Có thật Thiên Chúa bảo : ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn’ không ?”  Người đàn bà nói với con rắn : “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.  Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo : ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết’.”  Rắn nói với người đàn bà : “Chẳng chết chóc gì đâu !  Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”  Người đàn bà thấy trái cây đó : ăn thì phải ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn.  Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng : họ mới kết lá vả làm khố che thân.

Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 7,31-37)

Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói : Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” 

Bệnh câm điếc tâm linh (09.02.2024)

Có một người mới lên thiên đàng được Thánh Phêrô dẫn đi xem một vòng. Người ấy rất ngạc nhiên trước những quang cảnh và những nơi tham quan. Rồi người ấy được dẫn vào một phòng lớn, ở đó treo rất nhiều lưỡi và tai người.

Người ấy thắc mắc hỏi Thánh Phêrô : “Thưa ngài, tại sao ở đây chỉ có những lưỡi và tai nhưng lại không thấy người nào cả ?”.

Thánh Phêrô trả lời : “Đây là những cái lưỡi và tai của các linh hồn. Những người nào chỉ giỏi nói, giỏi  nghe, nhưng không bao giờ thực hành thì chỉ  có  lưỡi và tai của họ được lên thiên đàng mà thôi…

Câm và điếc là tật nguyền của lưỡi và tai. Lưỡi không thể nói và tai không thể nghe. Không nói được và không nghe được khiến cho người câm điếc không hiểu được thế giới chung quanh và thế giới chung quanh cũng bị ngăn cách với họ.  Đó là câm điếc thể lý.

Nhưng đâu chỉ có điếc câm thể lý. Ở đời hình như vẫn tồn tại nhiều thứ điếc câm khác: Người ta trở nên câm điếc vì khác biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hóa; câm điếc vì hiểu lầm, vì định kiến, câm điếc vì bịt tai không muốn nghe và ngậm môi vì giận dữ; câm điếc trước sự thật; giả câm giả điếc vì e ngại thiệt thân, mặc dù chứng kiến chân lý, quyền sống, quyền làm người của đồng loại bị chà đạp; câm điếc khi không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác; câm điếc khi dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, của trẻ thơ bơ vơ, v.v.
Thứ câm điếc nào cũng làm cho người ta tuy sống bên nhau mà không thể hiểu nhau. Câm điiếc thể lý thì người ta có thể hiểu nhau bằng ký hiệu, bằng ngôn ngữ tay. Nhưng còn câm điếc tâm linh thì nguy hiềm hơn gấp bội…

Blogger Tony buổi sáng có kể:

– Xuống An Giang thăm anh Thìn, một nông dân trồng rau, Tony thấy rau mướt quá nên xin một ít, anh Thìn nói “cái đó để cắt bán. Nhà ăn trồng bên này, chú ăn thì cắt bên này”. Như vậy, người ta chỉ ăn sạch cho gia đình mình, còn “ra chợ bán” cái khác…

– Đi ăn ở hàng miến gà trên phố Hàng Mành, do chị Ngọc, một người quen, mở bán. Chị nói miến này chị bán cho khách, em ăn thì vô sau nhà chị nấu riêng cho. Mì chính (bột ngọt) này chị mua chợ Đồng Xuân 50 nghìn một cân, gà này là gà dai thải của Hàn Quốc, chị và các con không dám ăn em à. Để chị nấu riêng cho, em đẹp trai quá, chết sớm uổng…

Đây có thể gọi là một trong những chứng bệnh câm điếc thuộc về tâm linh. Họ biết điều hay lẽ phải, nhưng đã đóng cừa lòng, làm ngơ không nghe tiếng lương tâm mách bảo và chỉ nói ra những lời dối trá, cốt lừa lọc người chung quanh để thu lợi cho chính mình…

Thật là đâu đớn khi Chúa ban cho chúng ta đôi tai rất thính, đôi mắt rất sáng, và cái miệng rất đẹp. Nhưng chúng ta lại trở nên mù, câm và điếc khi chúng ta ích kỷ chỉ lo thu mối lợi về riêng cho mình, không nghe được những nỗi niềm ray rứt của người khác.

Chúng ta câm điếc khi dửng dưng trước những đau khổ của những người bệnh hoạn, tật nguyền, trẻ thơ bơ vơ.

Chúng ta còn câm điếc khi chúng ta không nghe Chúa Giêsu nói lời sự thật, nói lời yêu thương, nói lời hoà giải. Có khi trong một ngày chúng ta nói biết bao là lời hằn học, hận thù, độc ác, gây đau khổ, gây oán thù, gây chia rẽ…

Xem ra chúng ta cũng là những người câm điếc cần được Chúa Giê-su chữa trị. Cần được Chúa mở tai để nghe những nỗi khổ của tha nhân. Cần được mở miệng để nói những lời yêu thương. Cần được khai thông tâm hồn để lắng nghe và cảm thông với nhau. Cần được Chúa nói vào trong tâm hồn “Hãy mở ra” để mở tấm lòng yêu thương mà đến với tha nhân.

Vâng, hôm nay, thánh Marcô không chỉ tường thuật lại cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh câm điếc thể lý, mà Chúa còn chữa lành cả bệnh câm điếc tâm lý, và nhất là chữa lành câm điếc tâm linh. Người bị câm điếc lúc đầu ở trong tình trạng cô lập. Đén khi anh ta tin tưởng để cho Chúa Giêsu chữa lành cho mình, khi anh ta mở lòng ra trong tương quan với Thiên Chúa, thì đồng thời anh ta cũng mở lòng ra trong tương quan với người khác. Thật vậy, sau khi được Chúa chữa, người câm điếc trước kia không chỉ nghe được, nói được, anh ta còn lớn tiếng loan truyền tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho anh. Anh ta không còn khép kín mà chủ động hoà nhập vào cuộc sống. Thật vậy, tương quan với Thiên Chúa là nền tảng và là khởi điểm cho các tương quan khác của cuộc sống.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì trong ngày 30 Tểt này, chúng con được Chúa mời gọi chúng con suy xét lại chuyện của chính mình: khi con không nghe được lời của Chúa, con chính là kẻ điếc; khi con không nói được về Chúa, không làm chứng được cho Chúa, thì con chính là người câm…. Vâng, đúng thật chúng con cũng có nhiều lần bị câm điếc tâm linh. Xin Chúa chữa trị cho con khỏi chứng câm điếc này.  Xin cho tai và miệng con được mở ra, để con biết lắng nghe và hiểu lời Chúa, để cuộc đời con luôn là một lời tri ân và cảm tạ tình yêu và ân sủng của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

TÊRÊSA TRỊNH THỊ HẢO

Xin cho chúng con biết mở lòng ra

Người điếc từ bé vì không nghe thấy gì nên không có khả năng nhận biết âm thanh để học, để bắt chước mà phát âm theo, do đó điếc là nguyên nhân dẫn đến đến câm.

Người câm điếc bị hạn chế về khả năng giao tiếp, dẫn tới việc người đó bị thiệt thòi về nhiều phương diện trong cuộc sống. Đó cũng là nguyên nhân khiến họ có mặc cảm tiêu cực trong xã hội.

Trong xã hội cũng có một số người xa tránh, khinh dể những người khuyết tật. Ngoài một số người ích kỷ với quan niệm vô đạo đức cho rằng những người khuyết tật là những người ăn bám, còn là do bắt nguồn từ quan niệm sai lầm, như trong xã hội Do Thái, cho rằng những người khuyết tật và những người bị tai nạn, chịu những bất hạnh là do họ có tội và bị Chúa phạt, “bị quả báo”. Điển hình là trong chuyện ông Gióp, những người bạn của ông Gióp đã khuyên ông phải thú tội mà ông dấu thì mới mong Chúa tha và cứu khỏi những tai ương bệnh tật đang hành hạ ông.

Thời Chúa Giêsu quan niệm này vẫn tồn tại nơi người Do Thái, vì thế khi gặp người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ đã hỏi Chúa Giêsu : Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?”  (Ga 9,2).

Chúa Giêsu đã bác bỏ quan niệm này : Đức Giê-su trả lời : “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. (Ga 9,3).

Khi Chúa Giêsu chữa cho người bị câm điếc, người truyền “Hãy mở ra”. Thiên Chúa đã tỏ bày cho loài người biết Ngài là ai bắng cách mở ra những điều bí ẩn (mặc khải) về Ngài.

Trình thuật của Thánh Mác cô tả lại cảnh Chúa Giêsu chữa cho người bị câm điếc thật cảm động, thân mật và … khoa học. Người chữa nguyên nhân dẫn đến câm là điếc để anh nghe được trước, rồi mới sửa lại cho lưỡi anh linh hoạt để anh có thể nói được. Chúa Giêsu nói với anh : “Ephpheta!”, “Hãy mở ra!”. Tai anh được mở ra để anh nghe được những Lời của Thiên Chúa trước, để biết Ngài yêu thương anh, rồi lưỡi anh cũng hết bị trói buộc để anh thốt lên những lời ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa. Anh được chữa khỏi bệnh tâm hồn trước bệnh về thể xác, vì đối với Chúa Giêsu thì linh hồn vô giá luôn quan trọng hơn phần xác, sự sống đời đời thì hơn hẳn sự sống tạm bợ ở thế gian này.

Chúa Giêsu chữa người bị câm điếc khỏi bệnh là đã trả lại phẩm giá con người cho người ấy, đã đem lại niềm tin và hạnh phúc cho một cuộc đời vô vọng vì bị xã hội xa lánh bỏ rơi, đã đưa anh trở lại cộng đoàn.

Nhiều lần sau khi giảng, Chúa Giêsu nói lớn “Ai có tai nghe thì hãy nghe”, hoặc “Ai có tai thì nghe”. (x. Mc 4,23; 7,16; Mt 11,15; 13,9.43; Lc 14,35).

Chúa cho mọi người có tai để tìm nghe Lời Chúa, nhưng rất nhiều người không muốn làm điều này, hoặc khi được nghe Lời Chúa rồi thì lại bỏ ngoài tai.

Ngay cả các Kitô hữu cũng vẫn có nhiều người mắc bệnh điếc phần hồn, vẫn không nghe được tiếng mời gọi tha thiết của Chúa, của các vị chủ chăn, để tìm hiểu, học hỏi Lời Chúa. Vô tri bất mộ, nếu không biết thì làm sao mến mộ ? Nếu không học thì làm sao biết ?

Lại có những người không chịu học Lời Chúa ở những nơi chính thống của Giáo Hội, mà theo học ở những nơi không rõ nguồn gốc, thiếu chuyên môn, diễn giải sai lạc ý nghĩa và giáo lý. Kết quả là đi theo những giáo phái lạc đạo lúc nào không hay.

Bệnh điếc tâm linh còn làm cho người ta vô cảm với những bất hạnh của người anh em. Nhất là chúng ta đang sống trong một xã hội tôn sùng cá nhân. Tính ích kỷ vụ lợi đã đóng cánh cửa đồng cảm của tâm hồn trước những người cơ cực nghèo khó về vật chất và tinh thần.

Hôm nay la ngày cuối cùng của năm âm lịch, cũng là dịp để người Kitô hữu nhìn lại bản thân, nhìn lại đời sống Đức Tin của mình trong một năm qua.

Biết bao hồng ân to lớn Chúa đã ban cho mỗi người, dù rằng mình chẳng hề biết sự cần thiết của những “phép lạ” ấy : sự bình an, sức khỏe, đời sống hàng này, những cảm nhận hạnh phúc cũng như đau khổ v.v… và mình đã sử dụng những hồng ân Chúa ban như thế nào, có xứng đáng với địa vị là con của Chúa không ?

Cầu nguyện : Lạy Chúa Giêsu, vì quá đỗi yêu thương chúng con, Chúa không màng địa vị là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm người phàm, chịu đau khổ và chết tang thương để cứu chuộc chúng con, để đưa chúng con trở về với Cha trên Trời và hưởng đời sống vĩnh cửu.

Xin cho chúng con biết đáp lại Tình yêu của Chúa bằng Yêu mến Chúa hết lòng, giúp chúng con nhận ra Chúa trong mỗi anh chị em chúng con gặp hàng ngày để yêu mến Chúa qua họ.

Vì Tình yêu của Người, xin Chúa mở tai chúng con ra để chúng con biết nghe và thực hành những giáo huấn của Chúa bằng việc mở lòng để chia sẻ những lo âu, những gian khó của những người anh chị em chung quanh chung con; biết mở miệng nói với họ những lời an ủi và đem lại sự bình an hy vọng cho tâm hồn đang tan nát, chao đảo của họ. Amen.

Jos. NM Tưởng

Mong chạm vào Lòng Thương Xót Chúa (10.02.2023)

Ngày 10.02: Lễ Nhớ Thánh Cô-lát-ti-ca, trinh nữ

Cách đây hai năm cũng vào dịp trước Tết, Ban Phục Vụ chúng tôi đến thăm chị ở giáo khu Phanxico Xavie, ngày ấy chị vẫn đứng ngồi nói chuyện với chúng tôi, hôm nay con trai chị cho biết chị đã bị liệt gần năm nay. Nằm trên giường giọng nói yếu ớt nhưng nét mặt chị tươi tỉnh, cảm động vì Huynh đoàn còn nhớ và đến thăm. Chúng tôi thông tin cho chị tin vui về chương trình ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức – ngày Quốc Tế Bệnh nhân (11.02.2023) ở giáo xứ, năm nay Ban Chấp Hành Giáo khu đang lên danh sách các bệnh nhân và người già cả đau yếu dài ngày để đưa đến nhà thờ, đón nhận Bí tích Hòa Giải, Bí tích Xức Dầu Thánh và Bí tích Thánh Thể. Ban Caritas đã chuẩn bị một số quà cho các bệnh nhân và người già đến dự lễ, nhân dịp này các chi trưởng của Huynh đoàn Đa Minh cũng tham gia với giáo khu để đưa các người già yếu, đau ốm trong chi mình đến. Nhiều người cao tuổi nghe được tin này rất vui mừng, mọi người cảm nhận được sự quan tâm từ Cha Chánh xứ cho đến các giáo khu. Thánh Gioan Kim Khẩu từng nói: “Không có dấu nào tốt chứng tỏ ta có lòng kính mến Chúa Giêsu, bằng nhiệt thành thương yêu anh em ta”.

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Marco là câu chuyện khi Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Sau khi Chúa chữa lành cho anh ta, Người liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. Mc 7, 37. Trái tim nhân ái của Chúa Giêsu khi là người phàm, đầy trắc ẩn, rung động trước nổi đau khổ, bất hạnh của người khác. Chúa luôn muốn con người có cuộc sống hạnh phúc, an lành nhưng tội lỗi của con người luôn gây cho nhau sự hận thù, ganh ghét, đố kỵ. Trong gia đình việc ân cần chăm sóc, an ủi người thân, nhất là những người già cả, bệnh nhân đau yếu triền miên, nói lên tình yêu thương của mọi người đối với nhau. Tuy nhiên, do bận bịu lo toan kinh tế cho cuộc sống, nhiều người con trong gia đình chỉ chú tâm lo lắng chu toàn về đời sống vật chất cho người thân mà đôi lúc quên đời sống tinh thần của cha mẹ già.

Trong Huynh đoàn tôi, cả hai anh chị là đoàn viên từ năm 2000 đến nay do tuổi cao lại có bệnh nền, giáo khu ở xa nhà thờ, anh không còn chở chị đến dự lễ hàng ngày được, nhưng chủ nhật hàng tuần các con vẫn đưa anh chị đến dự Thánh lễ. Tâm hồn khao khát được đến nhà Chúa, luôn thôi thúc trong lòng anh chị, hiện nay anh chị không còn trực tiếp nguyện kinh hàng ngày với Huynh đoàn nhưng cả hai anh chị cho biết vẫn giữ giờ nguyện kinh tại nhà. Cảm tạ Chúa, chúng tôi vẫn hiệp thông cầu nguyện cho nhau.

Lạy Chúa, ngày nay không có Chúa hiện diện để chữa bệnh bằng các phép lạ, nhưng chúng con vẫn muôn ngàn lần tạ ơn Chúa đã ban các Bí Tích để những Vị Mục Tử tiếp tục thực hiện ơn cứu độ của Chúa. Cảm tạ Chúa sáng tạo con người có trí thông minh, năng động, để có những nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sự tiến bộ vượt bực, qua các thiết bị trợ giúp cho nhiều người trở lại cuộc sống an vui như máy trợ thính, mổ mắt, ghép tạng … xin giúp chúng con luôn kiên trì tin tưởng vào tình yêu thương của Chúa.

Anna Anh

Hiệp hành lòng nhân ái (11.02.2022)

Theo định kỳ hàng năm, bạn tôi kiểm tra sức khỏe, bất ngờ trên phiếu kết quả xét nghiệm ghi nhận phát hiện có tế bào ung thư ở cổ họng, chị lo âu vì chị độc thân đang sống với mẹ già, những người thân ở nước ngoài khuyên chị hãy đến cầu nguyện cùng Đức Mẹ Maria. Truyền thống gia đình chị là đạo ông bà nên chị nhắn tin và nhờ tôi đưa chị đến với Đức Mẹ hằng cứu giúp, năm ấy chị còn đi theo chuyến hành hương bác ái mùa chay với Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh giáo xứ Bắc Hà. Đến thăm các mái ấm Vinh Sơn ở KonTum, thăm nhà trẻ bại não ở cộng đoàn Nữ Tử Pleiku, trại tâm thần, đến cầu nguyện với Đức Mẹ Măng Đen, Đức Mẹ Bình An, Đức Mẹ Fatima Bình Triệu. Sau vài lần hóa trị, hiện nay chị mạnh khỏe, chị chia sẻ với bạn bè những lần cầu nguyện với Đức Mẹ, như lời thánh Bênađô nói: “ Chúa đã ký thác tất cả kho tàng ơn thánh trong tay Mẹ Maria, để tùy quyền Mẹ ban phát cho ai bao nhiêu, khi nào tùy ý Mẹ”.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Marco (Mc 7,31-37) là câu chuyện Chúa Giê-su chữa lành cho một người điếc và câm; “Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh”. Cách chữa bệnh của Chúa Giê-su thật là kỳ lạ, Tại sao Người không chữa bệnh kẻ câm điếc trước mặt mọi người?  Khi anh ta đã nghe được, nói được, “Chúa Giê-su liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả”. Chúa chữa bệnh vì lòng thương xót, vì tình yêu thương con người, vì anh ấy đã có niềm tin tưởng vào Người. Chúa muốn nhắc nhở chúng ta khi giúp đỡ một ai đó thì không cần phải khoe khoang cho mọi người cùng biết. Chúng ta làm việc ấy vì lòng nhân ái, vì chúng ta là con cái, là anh chị em trong một đại gia đình cùng chung một Cha trên trời. Làm nhiều điều tốt lành với những người quanh ta là hành động tích cực cho việc loan báo Tin Mừng để Chúa đến với mọi người một cách rất tự nhiên và thân thiện: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi.” (Pl 4,13).

Hôm nay Giáo Hội kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, cũng là ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, chúng con theo gương nhân đức của Đức Mẹ, khơi dậy lòng nhiệt thành bác ái trong mỗi người, chúng con đến thăm, an ủi những người già bệnh, cô đơn trong huynh đoàn, cầu nguyện cho những bác sĩ, y tá đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh, các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân thêm sự kiên nhẫn và lòng nhân ái. Chúng con hiệp hành theo lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng Tổng Giáo phận Sài Gòn, biết chung tay góp sức với giáo xứ để chăm lo hổ trợ về tinh thần và vật chất đối với các trẻ mồ côi cha, mẹ hay cả cha mẹ không phân biệt tôn giáo trong cơn đại dịch Sar- Covid 19 vừa qua. Các em đã chịu mất mát quá lớn trong cuộc đời mình, tình yêu thương, sự quan tâm và chăm lo bù đắp phần nào để các em vượt qua nỗi đau khổ ấy, giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập, tự tin và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của cộng đoàn dân Chúa.

Lạy Chúa, “Ai sống trong tình yêu là sống trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong họ” (1 Ga 4,16), xin cho chúng con cùng biết hiệp thông – tham gia – sứ vụ để thực hiện những điều Chúa dạy qua việc làm có ích cho mọi người và luôn biết nói lên lời ca tụng tình thương của Chúa.

Anna Anh

là tai là miệng của Chúa (14.02.2020)

Ngày 14.02: Lễ Nhớ Thánh Sy-ri-lô, đan sĩ, và thánh Mê-tô-đi-ô, giám mục

Ghi nhớ:

Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả; ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”(Mc 7, 37).

Suy niệm:

Thằng Tý đang đứng trước cổng nhà nghe hai người đàn bà hàng xóm bên kia, chửi bới nhau ầm ĩ. Ông nội nó đi lễ về, thấy vậy liền kéo nó vào nhà và bảo:

– Cháu ngồi xuống đây, ông chỉ cho cháu cái này hay lắm. Thế rồi ông nó chấm nước vẽ lên mặt bàn những nét ngoằn nghèo gì mà nó chẳng hiểu. Đang lúc nó chăm chú nhìn thì ông giải thích.

-Đây là chữ “Thánh”viết theo Hán tự. Chữ này được hình thành bởi ba chữ khác hợp lại. Vừa nói ông vừa chỉ. Đây là chữ nhĩ, nghĩa là cái tai, bên cạnh là chữ khẩu; nghĩa là cái miệng và ở bên dưới là chữ vương nghĩa là vua. Như vậy chúng ta có thể hiểu là; thánh nhân thì phải làm chủ được đôi tai và cái miệng của mình. Đọc Sáng Thế Ký, chúng ta thấy Evà đã không làm chủ được đôi tai của mình khi Ma Quỷ núp dưới hình thù của con rắn cám dỗ, nói những lời gian dối lừa phỉnh vậy mà bà đã nghe theo hái trái cấm và ăn! Về phần Ađam, ông cũng không làm chủ được cái miệng của mình để rồi khi Evà đưa trái cấm cho, lẽ ra ông phải dùng miệng của mình mà nói lời khuyên bảo, can ngăn, đằng này ông lại dùng cái miệng  mà ăn trái cấm đó. Chính vì tội bất trung này nên nguyên tổ đã cắt đứt mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và con người; Bởi thế hình phạt cho tội lỗi này là đã làm cho tâm trí con người ra u mê, tối tăm, hướng về điều xấu, phải chịu nhiều đau khổ và phải chết.

-Tý à. Tóm lại, điều ông muốn khuyên con là nên nghe những gì đáng nghe và nói những điều đáng nói. Về việc làm chủ đôi tai và cái miệng. Ông còn nhớ cụ Nguyễn Công Trứ có mấy vần thơ rất hay:

Nghe như chọc ruột, tai làm điếc.

Giận dẫu căm gan, miệng vẫn cười!

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô thuật lại sự việc là người ta đem đến cho Đức Giê-su một người bị hai căn bệnh, đó là; vừa điếc và vừa ngọng. Để xin Người chữa lành. Đức Giê-su liền kéo bệnh nhân ra khỏi đám đông, rồi Người đặt tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Người ngước lên trời và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là : hãy mở ra! Và lập tức tai nghe được, lưỡi như được cởi mở và anh ta nói được rõ ràng.

Sứ mệnh của Chúa Giê-su xuống thế gian này là để phục hồi lại giá trị làm con Thiên Chúa mà nguyên tổ loài người đã đánh mất khi phạm tội bất trung cùng Thiên Chúa. Kinh Thánh đã ghi. “Đi đếm đâu thì Ngài thi ân giáng phúc, chữa lành mọi kẻ bị bệnh hoạn tật nguyền trong dân chúng.” Chúng ta trước mặt Thiên Chúa đều là những bệnh nhân và muốn được phục hồi, chữa lành chúng ta phải đến được với Ngài. Hoặc là tự mình tìm đến như trường hợp người bị phong cùi (Mc 1, 40-42) hay do người khác đưa đến như trong bài Tin Mừng hôm nay: “Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su”. Như vậy, chúng ta hãy tìm đến với Chúa, không chỉ một mình mà còn phải đem theo những người mà chúng ta có trách nhiệm liên đới đến cùng Đức Giê-su để ngài chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền hồn xác cho tất cả chúng ta.

Ngày hôm nay nếu như chúng ta không biết ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa, nếu như không biết nói lời an ủi đến với những người khổ đau, không biết khuyên bảo kẻ lỗi lầm, thì chúng ta có khác gì những người có miệng mà không nói được!? Cũng thế. Tai chúng ta cũng sẽ trở nên bị điếc bị tật nguyền khi chúng ta không biết lắng nghe Lời Chúa và của các đấng các bậc thay Chúa chỉ bảo hướng dẫn chúng ta trong đời sống đạo hàng ngày.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa xin Ngài mở tai chúng con để chúng con luôn biết lắng  nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành trong đời sống, cũng xin cho chúng con biết làm chủ miệng lưỡi mình mà hằng dâng lời ca ngợi, chúc tụng Chúa và đồng thời cũng biết dùng lời nói yêu thương để đem đến cho anh em sự đoàn kết, niềm vui, sự chia sẻ cảm thông và nâng đỡ. Amen..

 Sống Lời Chúa:

Cẩn trọng trong lời nói và không nghe ai nói hành nói xấu người khác..

Đaminh Trần Văn Chính.

Xin Chúa mở tai và miệng chúng con (15.02.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã chữa lành cho một người vừa câm lại vừa điếc. Người câm như có một sợi dây ràng buộc, trói buộc lưỡi họ khiến họ không thể nói được dù họ rất muốn nói. Đức Giêsu đã nói “Ep-pha-tha” có nghĩa là: “Hãy mở ra”. Ngài đã làm cho người câm điếc đó khỏi bệnh hoàn toàn, anh ta đã nói và nghe được một cách bình thường.

Chúa đến chữa con, Chúa tận tình

Nghe – nói được rồi, đời phúc vinh

Dang rộng đôi tay, Ngài che chở

Có Chúa: đời con thật nghĩa tình

Việc Chữa lành người câm và điếc, đã nói lên Đức Giêsu là Đấng giàu lòng xót thương. Bởi vì, khi tách anh ra khỏi đám đông, Chúa Giêsu đánh tan sự lúng túng của anh ta, đồng thời nói lên lòng thương xót thực sự đối với anh. Chúa Giêsu rất nhạy cảm với tình cảnh hết sức đáng thương của người câm điếc. Như vậy, qua việc chữa lành này Đức Giêsu cho chúng ta biết Ngài là Đấng Mêsia mà muôn dân hằng mong đợi.

Chúa đến cùng con, Chúa ngỏ lời

Bước đi theo Chúa, quyết đi thôi!

Nắm chặt tay con, Ngài an ủi

Mạnh dạn lên nào! Chớ buông lơi

Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu của Ngài vẫn son sắt như một. Ngài dựng nên con người vì yêu thương, hứa ban Đấng Cứu Thế và dần dần thực hiện lời hứa ấy trong thời gian bằng việc sai Đức Giêsu đến trần gian để giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Điều quan trọng là đôi tai ta cần mở ra để nghe tiếng Chúa, cái lưỡi ta cần cất lên để tôn thờ Chúa. Nguyện xin Chúa đến mở tại và mở miệng ta ra để nghe và để cất tiếng tôn thờ Chúa hầu cuộc đời của ta nên chứng nhân của tình yêu Chúa.

Chúa đến cùng con, sáng cuộc đời

Lòng con phấn khởi, gọi: Chúa ơi!

Thế là cất bước đi theo Chúa

Cảm thấy an vui, quá tuyệt vời

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: có thể chúng ta cũng bị “câm điếc” khi chúng ta nghe người khác nói nhưng lại cố tình không hiểu, hiểu sai ý của người nói hoặc là hiểu theo ý của riêng mình,để rồi làm sai lạc hay “ bóp méo” sự thật. Làm như vậy, chúng ta tự ý tách biệt ra khỏi anh em và cộng đoàn, đồng nghĩa với việc chúng ta xa lìa Thiên Chúa. Do vậy, chúng ta phải sống thật với lòng mình, luôn thể hiện tinh thần yêu thương hiệp nhất với mọi người và một lòng tôn thờ Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Chúa đến bên con đúng kịp thời

Khi mà con cảm thấy chơi vơi

Sóng gió cuộc đời đang ập đến

Có Chúa mọi sự cũng qua thôi

Lạy Chúa! Xin đừng để chúng con bị câm điếc trước lời mời gọi giúp đỡ của những người khó nghèo và biết cảm thông và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với anh chị em đang sống chung quanh chúng con. Amen.

 HOÀI THANH

 

Câm điếc tâm hồn (09.02.2018)

Truyện kể

Trước cuộc chiến ở Di Lăng, Lưu Bị muốn đích thân dẫn đại binh đánh Ngô để báo thù cho người em kết nghĩa của mình là Trương Phi và Quan Vũ, nên đã nhờ Lý Ý đoán xem lành dữ thế nào. Lý Ý bèn lấy giấy vẽ hơn 40 bức tranh binh mã khí giới. Vẽ xong, ông lại xé vụn từng tờ một. Sau đó ông lại vẽ một người to lớn nằm ngửa trên mặt đất, một người bên cạnh đào đất chôn, bên trên viết một chữ “Bạch” lớn, sau đó chắp tay mà đi. Lưu Bị bực mình nói với quần thần rằng: “Đây là lão điên khùng! Không đáng tin chút nào!”. Sau đó, vì Lưu Bị không tin, đã lấy lửa đốt bỏ bức vẽ, rồi cất 70 vạn đại quân tiến lên.

Khi Lưu Bị dùng lửa đốt bức vẽ đã chỉ rõ, 40 doanh trại sau này bị hoả công Đông Ngô của Lục Tốn thiêu rụi, chính là do quyết định sai lầm của ông gây ra. Những điều này về sau từng cái đều ứng nghiệm chuẩn xác.

Suy niệm

Tin Mừng diễn tả: “Xin Người đặt tay trên anh.” (Mc 1, 32)

Đây là hành động thể hiện Niềm Tin vào Đức Giê-su, quả quyết Người sẽ cứu chữa khỏi mọi bệnh tật.

Câu chuyện nhỏ:

Một em bé và người cha đi qua một chiếc cầu.

Người cha vì lo lắng cho con mình nên đã nói với con rằng: “Con yêu, hãy nắm lấy tay Cha để con không bị ngã xuống sông!”

Cô bé trả lời: “Không, thưa Cha. Cha hãy nắm lấy tay con!”

“Có gì khác nhau đâu?” Người cha một chút bối rối hỏi lại.

“Có sự khác nhau lớn đấy!” Đứa bé đáp lại: “Nếu con nắm lấy tay cha và có điều gì xảy ra với con, có thể là con sẽ buông tay Cha ra.

Nhưng nếu Cha nắm lấy tay con, con biết chắc chắn rằng dù có điều gì xảy ra Cha sẽ không bao giờ buông tay con ra.”

Martha thưa Chúa Giêsu: “Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy” (Ga 11, 22); Cô Mác-ta đáp: “Con tin Thầy là Đức Kitô” (Ga 11, 27). Tin vào Thiên Chúa thì dù có chết cũng sẽ được sống lại như ông Lazaro.

Khi chúng ta có Niềm Tin nơi Thiên Chúa, hãy đến với Chúa trong cuộc đời và để Chúa nắm lấy tay chúng ta mà dẫn dắt ta đi trên thế gian đầy nguy nan thử thách.

Hôm nay đây, nhất là cuộc sống mà nhiều người đang loại bỏ Thiên Chúa bằng nhiều hình thức: cậy nhờ sức mạnh trần gian; cậy nhờ mù quáng vào các thế lực tà thần; và hơn thế nữa đã sống một cuộc sống vô thần.

Đức tin vào Thiên Chúa càng bị đe dọa và thử thách.

Đây là loại người bị câm bị điếc về lương tâm. Những Lời nói về chân lý Sự Thật họ để ngoài tai, hoặc xem nhẹ những Lời ấy không có giá trị, có khi đem Lời Sự Thật ra châm biến hoặc lợi dụng để làm những điều lừa gạt.

Người Kito hữu hôm nay, có biết bao người đang sống thờ ơ với Lời Sự Thật, họ bám vào lề luật để sống, không chắc chắn một Niềm Tin vào Lời Sự Thật. Lòng họ không yêu mến và tin tưởng mãnh liệt vào quyền năng Thiên Chúa như chị em Mát-ta. Họ giữ đạo và giữ đức tin bằng lề luật không phải bằng lòng mến.

Sự câm điếc về lương tâm đã làm cho một xã hội trở nên nhiều gian dối, lừa gạt. Đâu đâu cũng thấy sự giả dối: giả dối đến nhà thờ cho đúng với lề luật; giả dối để cho người thân hay xóm làng biết mình còn giữ đạo nhưng không dám làm dấu Thánh Giá nơi công cộng; giả dối khi làm bác ái có chọn lựa mục đích riêng; giả dối trong kinh doanh, sản xuất; giả dối trong đối nhân xử thế; giả dối trong Niềm Tin…

Dấu hiệu không bị câm điếc lương tâm chính là sự bình an. Nếu chúng ta không làm những điều giả dối, chắc chắn chúng ta được bình an.

Có nhiều người Kitô hữu đọc kinh rất nhiều, siêng năng đi nhà thờ, rước Thánh Thể hằng ngày. Nhưng lòng luôn bất an, nếu có chuyện bất bình dù rất nhỏ, họ cũng thể hiện sự cáu kỉnh, giận dữ, thậm chí có những lời nói hành động xúc phạm đến anh em mình.

Để có một Niềm Tin vững chắc, hãy để Chúa Giê-su nắm lấy tay của mình và mình nắm lấy tay anh em.

Cho Chúa nắm tay mình dẫn dắt trong cuộc đời, chúng ta sẽ được Bình An và sự sống đời đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa hãy nắm lấy tay con và nói: “Ép-pha-tha.” Để con không bị câm bị điếc lương tâm con, và con luôn sống trong Tình Yêu của Chua. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Bệnh thể xác- tâm hồn (10.02.2017 

10 Tháng Hai Thánh Scholastica (480 – 542?) – Lễ Nhớ

Có lần tôi được dịp thăm các em câm điếc Lái Thiêu. Nhìn các em tôi thấy thương làm sao?! Có lẽ các em đã câm thì lại điếc luôn… Cứ nhìn 2 em  hay một đám ngồi với nhau  cả giờ mà chỉ giơ tay ra dấu hiệu cho nhau hiểu, hoặc ngoài sân một số đông các em nam chơi đá banh, chạy nhảy bắt bóng xô đẩy nhau trên sân, những cú ngã cũng rất mạnh, vậy mà chẳng nghe thấy một tiếng nói ồn ào như tất cả các sân bóng khác. Họ hò reo, họ hét, họ la ầm trời.. nhưng nơi sân chơi này để ý chỉ thấy các em ra dấu và khi trái banh được tung vào lưới, những tiếng vỗ tay cũng vang lên trong sân rồi họ lại im lăng chiến đấu, những quả banh lại được tung lên…

Đứng trước các em câm điếc, mình hỏi cũng chẳng hiểu mình nói gì mà đáp lại chỉ biết nhoẻn miệng cười hay lễ phép cúi chào cảm ơn khi mình cho quà. Các em không thể diễn đạt cho mình  hiểu ý các em, giống như bị một sợi dây vô hình trói buộc miệng lưỡi, nhìn sao thương chi lạ!… Suy nghĩ lại tôi thấy thật cám ơn Chúa vì ngài sinh dựng nên tôi chẳng phải câm không bị điếc tôi thoải mái nghe hay nói. Vậy mà tôi không biết cám ơn Chúa để chỉ nói những  điều đẹp lòng Chúa.

Không thích nghe những điều tốt lành mà chỉ thích nói hành nói xấu người khác, nói những điều vô bổ để trở nên án phạt cho mình sau này. Không đem lại ích lợi lại đem lại buồn phiền tai họa cho người khác… Ôi! những lời nói đó chỉ mang lại án phạt cho bản thân tôi vì thích đâm thọc khích bác chế diễu người khác, đến nỗi gia đình người ta đang yên lành hạnh phúc chỉ vì một lời nói vu vơ làm vợ chồng con cái xào xáo mâm bay bát bay ầm xóm ầm làng. Cộng đoàn đang sinh hoạt vui vẻ rồi cũng do tôi tiếng chì tiếng bấc làm mất đoàn kết nội bộ.  Chuyện gì cũng dính vào được, thích gây thù chuốc oán, nghe sai ý truyền đạt sai lời thế là to chuyện!

Lắng nghe là điều quan trọng trong giao tiếp. Tại sao tôi không chỉ nghe và nói với người khác bằng tai bằng miệng mà còn cần phải bằng cả trái tim nữa. Có như thế tôi mới biết cảm thông để chia sẻ những nỗi đau của tha nhân và đáp ứng những nhu cầu của anh em với những khả năng Chúa ban cho tôi.

Lạy Chúa! xin mở rộng tâm hồn con để con luôn biết nói và nghe những điều nào đẹp lòng Chúa. Cho con đừng vô cảm và câm điếc khi anh em con cần đến con, để con luôn suy nghĩ tốt làm tốt như lòng Chúa mong muốn nơi con.

THANH ANH NHÀN

Épphatha! Hãy mở ra!

Chúa Giêsu ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Épphatha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. (Mc 7,34-35)

Suy niệm: Người điếc không nghe được điều người khác nói. Họ không bị xã hội loại trừ, nhưng chính chứng điếc cản trở họ giao tiếp với người khác. Người ngọng, lưỡi như bị buộc lại, muốn trình bày ý tưởng gì hay diễn tả tâm tư ước muốn thật khó khăn, có khi còn bị hiểu lầm, chế nhạo. Người vừa điếc vừa ngọng giống như bị cắt cụt mọi phương thế giao tiếp với tha nhân. Người ta nói mình không nghe được; mình nói không ai hiểu được. Anh ta như người tù biệt xứ ngay ở giữa những người thân. Để chữa lành cho anh, Chúa Giêsu nói: “Épphatha! Hãy mở ra!” Lập tức “tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại”, anh nối lại được mối tương quan với tha nhân. Nỗi bất hạnh của anh giờ đây trở thành niềm vui và hạnh phúc.

Mời Bạn: Có thể chúng ta không bị điếc và ngọng thể lý nhưng rất có thể đang bị điếc và ngọng tâm linh. Điếc khi ta làm ngơ trước điều hay lẽ phải, thích nghe lời khen tặng nịnh nọt mà bịt tai trước những lời góp ý xây dựng. Lúc đó ta “có tai mà chẳng thể nghe chi”(Tv135,17). Ta ngọng khi miệng lưỡi không biết ca ngợi Chúa, không dám nói sự thật, không có can đảm nói điều hay lẽ phải bênh vực cho chân lý. Lúc đó ta có lưỡi mà “lưỡi đã dính với hàm” (x. Tv 137,6).

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chú ý lắng nghe điều hay lẽ phải và nói lời xây dựng với tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu là Đấng chữa lành mọi bệnh tật tâm linh, xin cho chúng con nhận ra chứng điếc ngọng của mình và xin Chúa chữa lành chúng con.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *