Ai công chính, ai tội lỗi? (07.07.2017– Thứ Sáu tuần XIII Mùa Thường Niên năm A)

Lời Chúa: Mt 9,9-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu  

9 Khi ấy, Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng : “Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 12 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 13 Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

 

Truyện kể

Ở một khu rừng yên bình nọ, sư tử cha đã già truyền ngôi lại cho sư tử con mới lớn. Sư tử con tự hào lắm, nó luôn cảm thấy hãnh diện vì mình là chúa sơn lâm. Một sáng nọ đi dạo sư tử gặp khỉ. 

Nó hỏi: – “Khỉ kia, biết ta là ai không?” – “Dạ, ngài là chúa tể rừng xanh, không một loài nào có thể thoát khỏi móng vuốt sắc nhọn của ngài!” – Khỉ kính cẩn đáp. Sư tử cười thỏa mãn và gầm lên một tiếng vang trời khiến khỉ sợ chạy mất.

Sư tử đi tiếp thì gặp đại bàng. – “Đại bàng, biết ta là ai không?” – “Dạ, ngài là chúa tể rừng xanh, không một loài nào có thể thoát khỏi hàm răng to khỏe của ngài!” – Đại bàng cung kính. Sư tử sướng lắm, nó gầm lên một tiếng vang trời khiến đại bàng hoảng sợ bay đi mất.

Sư tử đi tiếp và gặp voi. – “Voi kia, biết ta là ai không?” – “Dạ thưa, ngài là chúa tể rừng xanh, không một loài nào có thể thoát khỏi cú vồ nhanh mạnh của ngài!” – Voi đáp lễ độ. Sư tử khoái chí, nó lại gầm lên một tiếng vang trời khiến voi co rúm vòi lại. 

Suy niệm:

Không biết từ bao giờ mà luật lệ của người Pharisiêu đặt ra để khinh miệt người thu thuế, loại trừ họ ra khỏi ơn cứu độ, coi họ là những người tội lỗi vì đã dùng tiền dơ bẩn.

Người thu thuế thời đó được coi là những người làm tai sai cho bọn ngoại bang, tiếp tay cho ngoại quốc để thu gian lận của dân. Nên họ bị coi là dơ bẩn, tội lỗi.

Những luân lý họ đặt ra nhằm để có lợi cho họ mà hại cho nhân dân. Họ bóp méo luân lý từ thòi ông Môisê, để rồi đặt ra những lề luật vô đạo đức, đè nặng trên vai con người để dân chúng không còn một quyền hạn gì. 46 Đức Giê-su nói: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 10, 46)

Chính những sai lệch về luân lý dẫn đến những người thông luật và Pharisiêu cho họ là người thánh thiện, đạo đức. Còn những ai không tuân theo họ đều là dơ bẩn, ô uế, tội lỗi. họ kết án anh em họ. Nhưng họ mới là những người tội lỗi trước mặt Chua.

Họ coi những người thu thuế là dơ bẩn, vì người thu thuế lúc đó làm việc cho đế quốc Roma. Còn họ thì sao? Đức Giê-su nói: “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11, 42)

Bài Tin Mừng cho chúng ta biết, Chúa Giêsu đến với ông Mát-thêu một con người bị coi là tội lỗi, nhưng ông thực lòng sám hối từ lâu rồi. Cái sám hối của ông Mát-thêu thật là khiêm nhường. Ông nhận ông là kẻ tội lỗi, ông đứng cuối nhà thờ mà cầu nguyện.

Trong cuộc phỏng vấn đáng chú ý của cha Antonio Sparado, Đức Phanxicô đồng hóa mình với thánh Mát-thêu người thu thuế trong tranh của Caravaggio: “Đó là tôi. Tôi cảm thấy giống như ông ấy… Ở đây, đây là tôi, một kẻ tội lỗi mà Chúa đã đoái nhìn.” Đây là sự khiêm nhường đích thực, cùng một lòng khiêm nhường mà chúng ta thấy nơi một người thu thuế khác trong Phúc Âm – người thu thuế trong Đền Thờ, anh ta la lớn “Lạy Chúa, xin thương xót tôi, một người tội lỗi!” (Lc 18,9-14).”

Một cách rõ ràng, Chúa Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt, 9 12). Ở đây, ai là kẻ tội lỗi? Chính là những người thu thuế có lòng khiêm nhường, nhận ra mình là kẻ có tội, cần đến Đức Giêsu, nên Chúa kêu gọi họ. Còn người Pharisiêu và thông luật cho mình là công chính không cần đến Đức Kitô, chính họ mới bị loại ra khỏi ơn cứu độ.

Cầu nguyện

Lay Chúa Giêsu, xin cho con thật khiêm nhường biết nhận ra mình là kẻ có tội, cần đến Chúa trong suốt cuộc đời của con. Xin cho cuộc đời con trở nên hy lễ dâng lên Chúa và lớn tiếng cầu xin: “Lạy Chua, con là kẻ có tội, xin thương xót con!” Amen./.

Gã Đầu Bạc

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *